TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 8653-1:2024 VỀ SƠN TƯỜNG DẠNG NHŨ TƯƠNG – PHƯƠNG PHÁP THỬ – PHẦN 1: XÁC ĐỊNH TRẠNG THÁI SƠN TRONG THÙNG CHỨA, ĐẶC TÍNH THI CÔNG, ĐỘ ỔN ĐỊNH Ở NHIỆT ĐỘ THẤP VÀ NGOẠI QUAN MÀNG SƠN
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA
TCVN 8653-1:2024
SƠN TƯỜNG DẠNG NHŨ TƯƠNG – PHƯƠNG PHÁP THỬ
PHẦN 1: XÁC ĐỊNH TRẠNG THÁI SƠN TRONG THÙNG CHỨA, ĐẶC TÍNH THI CÔNG, ĐỘ ỔN ĐỊNH Ở NHIỆT ĐỘ THẤP VÀ NGOẠI QUAN MÀNG SƠN
Wall emulsion paints – Test methods – Part 1: Determination of state in container, application properties, low- temperature stability and appearance of paint film
Lời nói đầu
TCVN 8653-1:2024 thay thế TCVN 8653-1:2012
TCVN 8653-1:2024 do Viện Vật liệu xây dựng – Bộ Xây dựng biên soạn, Bộ Xây dựng đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
Bộ TCVN 8653:2024, Sơn tường dạng nhũ tương – Phương pháp thử, bao gồm các tiêu chuẩn sau:
– TCVN 8653-1:2024, Sơn tường dạng nhũ tương – Phương pháp thử – Phần 1: Xác định trạng thái sơn trong thùng chứa, đặc tính thi công, độ ổn định ở nhiệt độ thấp và ngoại quan màng sơn;
– TCVN 8653-2:2024, Sơn tường dạng nhũ tương – Phương pháp thử – Phần 2: Xác định độ bền nước của màng sơn;
– TCVN 8653-3:2024, Sơn tường dạng nhũ tương – Phương pháp thử – Phần 3: Xác định độ bền kiềm của màng sơn;
– TCVN 8653-4:2024, Sơn tường dạng nhũ tương – Phương pháp thử – Phần 4: Xác định độ bền rửa trôi của màng sơn;
– TCVN 8653-5:2024, Sơn tường dạng nhũ tương – Phương pháp thử – Phần 5: Xác định độ bền chu kỳ nóng lạnh của màng sơn.
SƠN TƯỜNG DẠNG NHŨ TƯƠNG – PHƯƠNG PHÁP THỬ
PHẦN 1: XÁC ĐỊNH TRẠNG THÁI SƠN TRONG THÙNG CHỨA, ĐẶC TÍNH THI CÔNG, ĐỘ ỔN ĐỊNH Ở NHIỆT ĐỘ THẤP VÀ NGOẠI QUAN MÀNG SƠN
Wall emulsion paints – Test methods – Part 1: Determination of state in container, application properties, low- temperature stability and appearance of paint film
1 Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này quy định phương pháp xác định trạng thái sơn trong thùng chứa, đặc tính thi công, độ ổn định ở nhiệt độ thấp và ngoại quan màng sơn của sơn tường dạng nhũ tương.
2 Tài liệu viện dẫn
Các tài liệu viện dẫn sau là cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn. Đối với các loại tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi.
TCVN 2090 (ISO 15528), Sơn, vecni và nguyên liệu cho sơn và vecni – Lấy mẫu;
TCVN 2094, Sơn – Phương pháp gia công màng sơn;
TCVN 2102 (ISO 3668), Sơn và vecni – Xác định màu sắc theo phương pháp so sánh trực quan;
TCVN 5668 (ISO 3270), Sơn vecni và nguyên liệu của chúng nhiệt độ và độ ẩm để điều hòa và thử nghiệm;
TCVN 5669 (ISO 1513), Sơn và vecni – Kiểm tra và chuẩn bị mẫu thử;
TCVN 5670 (ISO 1514), Sơn và vecni – Tấm chuẩn để thử;
TCVN 8258, Tấm xi măng sợi – Yêu cầu kỹ thuật.
3 Lấy mẫu và chuẩn bị mẫu thử
3.1 Lấy mẫu thử
Lấy mẫu đại diện của sản phẩm thử theo TCVN 2090 (ISO 15528).
3.2 Chuẩn bị và kiểm tra mẫu thử
Theo quy định trong TCVN 5669 (ISO 1513).
4 Điều kiện về vị trí thử nghiệm và nguồn sáng để quan sát
4.1 Vị trí ổn định và thử nghiệm
Trừ khi có quy định khác, vị trí ổn định và thử nghiệm phải tuân theo điều kiện được quy định trong TCVN 5668 (ISO 3270), ở trong phòng không có ánh sáng mặt trời trực tiếp, ít chịu ảnh hưởng bởi khí, hơi nước, bụi bẩn, trong phòng ít thông gió.
4.2 Nguồn sáng để quan sát
Là ánh sáng ban ngày khuếch tán quy định tại 5.2 (ánh sáng tự nhiên) trong TCVN 2102 (ISO 3668). Ngoài ra, có thể sử dụng buồng quan sát màu quy định tại 5.3 (buồng quan sát màu của ánh sáng nhân tạo) trong TCVN 2102 (ISO 3668).
5 Chuẩn bị tấm mẫu thử
5.1 Chuẩn bị tấm thử
Tấm thử và chuẩn bị tấm thử theo TCVN 5670 (ISO 1514).
Trường hợp không có quy định khác, sử dụng tấm xi măng sợi có kích thước (150 × 70 × 4) mm. Tấm xi măng sợi phù hợp theo TCVN 8258, mài xung quanh bằng phẳng sau đó làm tròn các góc, rửa sạch dưới dòng nước chảy và dựa nghiêng để tránh sự chồng chéo lẫn nhau, thực hiện làm khô trong 7 ngày. Tấm thử sau khi phơi khô được phủi sạch bề mặt bằng tấm vải khô trước khi sử dụng cho thử nghiệm.
5.2 Gia công màng sơn
Trường hợp không có quy định khác, gia công màng sơn bằng chổi quét theo TCVN 2094, lượng sơn dùng để sơn một lớp khoảng (1,0 ± 0,1) mL/100 cm2. Mẫu sơn có thể được pha loãng với nước theo quy định của nhà sản xuất, khuấy đều, sử dụng trong vòng 2 h.
CHÚ THÍCH: Trường hợp có quy định chi tiết về tỷ lệ pha với nước thì sẽ lấy tỷ lệ pha trung bình.
5.3 Phương pháp làm khô
Ngoại trừ các quy định đặc biệt khác, tấm mẫu thử sẽ được để khô tự nhiên.
CHÚ THÍCH: Sau khi sơn tấm thử xong, đặt nằm ngang, hướng mặt sơn lên phía trên.
6 Xác định trạng thái sơn trong thùng chứa
Cách tiến hành và đánh giá kết quả
Mở thùng mẫu, khuấy đều, nếu thấy sơn đồng nhất, không có cục vón cứng thì kết luận “khi khuấy sơn đồng nhất, không có cục vón cứng”.
7 Xác định đặc tính thi công
7.1 Tấm thử
Tấm thử là tấm xi măng sợi được chuẩn bị theo quy định tại 5.1 có kích thước khoảng (500 × 200 × 4) mm.
7.2 Thiết bị, dụng cụ
Chổi quét sơn, chiều rộng khoảng (25 ÷ 50) mm.
7.3 Cách tiến hành
Đặt tấm thử nằm ngang trên một mặt phẳng với mặt được quét sơn hướng lên trên, sau đó dùng chổi quét đều một lớp sơn với lượng sơn khoảng (10 ÷ 13) mL. Đặt cạnh dài của tấm mẫu thử theo hướng nằm ngang, cạnh ngắn làm thành một góc 85 ° so với mặt phẳng ngang, mặt được sơn hướng lên phía trên, duy trì ở vị trí này trong 6 h ở nhiệt độ phòng, sau đó dùng chổi quét tiếp lớp thứ hai với lượng sơn khoảng (9 ÷ 12) mL.
7.4 Đánh giá kết quả
Khi tiến hành quét lần lượt hai lớp sơn theo 7.3, chổi quét di chuyển trơn, không bị bết và không gặp bất kỳ trở ngại khó khăn thì kết luận mẫu sơn đó có đặc tính thi công “Dễ dàng quét 2 lớp”.
8 Xác định độ ổn định ở nhiệt độ thấp
8.1 Tấm thử
Tấm thử là tấm xi măng sợi được chuẩn bị theo quy định tại 5.1 có kích thước khoảng (500 × 200 × 4) mm.
8.2 Thiết bị, dụng cụ
8.2.1 Bình đựng mẫu, dung tích khoảng 1,3 L bằng nhựa hoặc bằng thủy tinh, cao 130 mm và đường kính là (100 ±10) mm, có nắp đậy kín.
8.2.2 Tủ lạnh hoặc tủ đá, có thể duy trì ở nhiệt độ (- 5 ± 2)°C.
8.3 Cách tiến hành
8.3.1 Mở thùng mẫu, khuấy đều, lấy 1 L mẫu cho vào bình đựng, đậy nắp kín và cho vào tủ lạnh ở nhiệt độ (-5 ± 2) °C, lưu trong 18 h, sau đó lấy bình mẫu ra để ở nhiệt độ phòng trong 6 h, phép thử được tiến hành lặp lại 3 lần (3 chu kỳ). Sau 3 chu kỳ, mở nắp bình, khuấy đều và đánh giá độ đồng nhất của mẫu. Khi khuấy mẫu đồng nhất tiếp tục kiểm tra đặc tính thi công và ngoại quan màng sơn của mẫu thử như sau:
8.3.2 Xác định đặc tính thi công: Tiến hành và đánh giá theo Điều 7. Tuy nhiên, mẫu thử dùng để sơn lớp một là mẫu trước khi đưa vào tủ lạnh, mẫu thử dùng để sơn lớp thứ 2 là mẫu thử sau khi được thử 3 chu kỳ ở nhiệt độ thấp và nhiệt độ phòng (8.3.1).
8.3.3 Xác định ngoại quan màng sơn: Tấm mẫu thử sau khi được sơn lớp thứ 2 tại 8.3.2 được để khô trong 24 h, sau đó đánh giá ngoại quan màng sơn theo Điều 9.
8.4 Đánh giá kết quả
Sau khi tiến hành thử đủ 3 chu kỳ ở nhiệt độ thấp và nhiệt độ thường, khuấy mẫu dễ đồng nhất và kiểm tra đặc tính thi công, ngoại quan màng sơn không có gì bất thường thì mẫu được kết luận “Không biến chất”.
9 Xác định ngoại quan màng sơn
Lấy các tấm mẫu đã được kiểm tra ở Điều 7, lưu giữ trong 24 h ở nhiệt độ phòng. Sau đó đánh giá ngoại quan màng sơn bằng cách dùng mắt thường quan sát màng sơn dưới ánh sáng ban ngày, nếu màng sơn nhẵn, đồng đều không có lỗ chân kim và chảy đọng thì kết luận là “Không có biểu hiện khác thường trên bề mặt màng sơn”.
Thư mục tài liệu tham khảo
1. JIS K 5663:2021, Synthetic resin emulsion paint and sealer (Sơn nhựa nhũ tương tổng hợp và sơn lót);
2. JIS K 5600-1-1, Testing methods for paints -Part 1: General rule- Section 1: general test methods (conditions and methods) (Phương pháp thử cho sơn – Phần 1: Quy tắc chung – Mục 1: Phương pháp kiểm tra chung (điều kiện và phương pháp thử));
3. JIS K 5600-2-7:1999, Testing Methods for Paints – Part 2: Characteristics and stability of paints Section 7: storage stability (Phương pháp thử cho sơn – Phần 2: Đặc tính và tính ổn định của sơn – Mục 7: Khả năng ổn định khi lưu trữ).
Mục lục
Lời nói đầu
1 Phạm vi áp dụng
2 Tài liệu viện dẫn
3 Lấy mẫu và chuẩn bị mẫu thử
4 Điều kiện về vị trí thử nghiệm và nguồn sáng để quan sát
5 Chuẩn bị tấm mẫu thử
6 Xác định trạng thái sơn trong thùng chứa
7 Xác định đặc tính thi công
8 Xác định độ ổn định ở nhiệt độ thấp
9 Xác định ngoại quan màng sơn
Thư mục tài liệu tham khảo
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 8653-1:2024 VỀ SƠN TƯỜNG DẠNG NHŨ TƯƠNG – PHƯƠNG PHÁP THỬ – PHẦN 1: XÁC ĐỊNH TRẠNG THÁI SƠN TRONG THÙNG CHỨA, ĐẶC TÍNH THI CÔNG, ĐỘ ỔN ĐỊNH Ở NHIỆT ĐỘ THẤP VÀ NGOẠI QUAN MÀNG SƠN | |||
Số, ký hiệu văn bản | TCVN8653-1:2024 | Ngày hiệu lực | 31/05/2024 |
Loại văn bản | Tiêu chuẩn Việt Nam | Ngày đăng công báo | |
Lĩnh vực |
Xây dựng |
Ngày ban hành | 31/05/2024 |
Cơ quan ban hành |
Bộ khoa học và công nghê |
Tình trạng | Còn hiệu lực |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn | Văn bản hướng dẫn | ||
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |