TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 9146:2012 VỀ CÔNG TRÌNH THỦY LỢI – HƯỚNG DẪN ĐỊNH KỲ SỬA CHỮA CÁC THIẾT BỊ TRẠM BƠM
TCVN 9146:2012
CÔNG TRÌNH THỦY LỢI – HƯỚNG DẪN ĐỊNH KỲ SỬA CHỮA CÁC THIẾT BỊ TRẠM BƠM
Hydraulic Structures – Guide repair Periodically of Pumping Station’s Equipments
Lời nói đầu
TCVN 9146:2012 được chuyển đổi từ QPTL-6-80 theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và điểm a khoản 1 Điều 7 Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 1/8/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.
TCVN 9146:2012 do Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam biên soạn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
CÔNG TRÌNH THỦY LỢI – HƯỚNG DẪN ĐỊNH KỲ SỬA CHỮA CÁC THIẾT BỊ TRẠM BƠM
Hydraulic Structures – Guide repair Periodically of Pumping Station’s Equipments
1. Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này áp dụng cho công tác định kỳ sửa chữa các thiết bị của trạm bơm.
Đối với các loại máy bơm có hướng dẫn sửa chữa của nhà thầu thiết bị thì đơn vị quản lý trạm bơm phải dựa trên cơ sở tiêu chuẩn này và hướng dẫn của nhà thầu để xây dựng qui trình sửa chữa định kỳ trình cơ quan cấp trên xét duyệt.
2. Quy định chung
2.1. Các trạm bơm phải vận hành theo quy trình quản lý, vận hành của nhà thầu cung cấp thiết bị. Với các trạm bơm không có quy trình quản lý vận hành của nhà thầu thiết bị. Đơn vị quản lý trạm bơm phải theo tiêu chuẩn này và tiêu chuẩn thiết kế trạm bơm lập quy trình quản lý, vận hành cho trạm bơm của mình để trình cơ quan cấp trên xét duyệt.
Công nhân vận hành trạm bơm phải hiểu và nắm rõ quy trình quản lý, vận hành trạm bơm của mình.
2.2. Chỉ được phép sử dụng công trình thủy công và các thiết bị cơ điện của trạm bơm theo đúng mục đích ghi trong thiết kế kỹ thuật đã được phê duyệt.
2.3. Chỉ được phép vận hành các trạm bơm mới xây dựng hoặc sửa chữa lớn xong sau khi đã có văn bản nghiệm thu theo đúng các yêu cầu của “Tiêu chuẩn thi công và nghiệm thu các công trình thủy lợi”.
2.4. Tại nơi trực của trưởng ca cần có các văn bản tài liệu sau:
– Quy trình quản lý – vận hành;
– Sơ đồ nối điện chính;
– Các quy định an toàn lao động;
– Tiêu lệnh phòng, chữa cháy;
– Sổ giao ca và nhật ký vận hành.
2.5. Công nhân vận hành trạm bơm phải được đào tạo chuyên môn, có văn bằng tốt nghiệp và đủ sức khỏe. Tổ công nhân vận hành chịu trách nhiệm bảo dưỡng các thiết bị cơ, điện và các hạng mục công trình của trạm bơm do mình quản lý.
2.6. Công tác định kỳ sửa chữa các thiết bị của trạm bơm bao gồm kiểm tra định kỳ, sửa chữa nhỏ, sửa chữa vừa và sửa chữa lớn.
Kiểm tra định kỳ là kiểm tra trước và sau mỗi vụ sản xuất tình trạng công trình và các thiết bị cơ điện của trạm bơm.
Trưởng đoàn kiểm tra do cơ quan cấp trên chỉ định. Các thành viên gồm các cán bộ kỹ thuật của cơ quan cấp trên và đơn vị quản lý trạm bơm.
Sửa chữa nhỏ là công tác sửa chữa các hỏng hóc đơn giản của thiết bị sau một thời gian vận hành nhất định.
Sửa chữa vừa là công tác sửa chữa sau một số lần sửa chữa nhỏ. Khi sửa chữa vừa các thiết bị cũng phải làm các phần việc của sửa chữa nhỏ.
Quá trình sửa chữa vừa, do công nhân vận hành trạm bơm đảm nhận, chỉ tháo và sửa chữa các cụm chi tiết riêng có khả năng bị mòn quá tiêu chuẩn (gối trục bơm, các vành mòn, cánh quạt, v.v…), không tháo tất cả các chi tiết và cụm chi tiết của máy bơm và động cơ.
Sửa chữa lớn là công tác sửa chữa sau một số lần sửa chữa vừa. Việc sửa chữa lớn các thiết bị cơ, điện của trạm bơm do các đơn vị có chuyên môn sửa chữa đảm nhận. Khi sửa chữa lớn các thiết bị cũng phải làm các phần việc của sửa chữa vừa. Sau khi sửa chữa lớn xong phải tiến hành công tác nghiệm thu và bảo hành sửa chữa.
2.7. Việc xác định chính xác nội dung và khối lượng công việc sửa chữa nhỏ, sửa chữa vừa và sửa chữa lớn phải căn cứ vào các kết quả kiểm tra từng chi tiết và cụm chi tiết của các thiết bị.
2.8. Công tác định kỳ sửa chữa các thiết bị của trạm bơm phải được tiến hành theo kế hoạch, không gây ảnh hưởng xấu tới việc phục vụ sản xuất.
2.9. Các thiết bị đến thời gian quy định sửa chữa nhỏ, sửa chữa vừa và sửa chữa lớn nhất thiết phải tiến hành sửa chữa.
Nếu không có phụ tùng thay thế hoặc vì bận sản xuất thì được phép kéo dài thời gian làm việc của thiết bị, nhưng phải được sự đồng ý của cơ quan cấp trên đồng thời phải tích cực khắc phục khó khăn để đưa thiết bị sớm vào sửa chữa.
2.10. Khi tiến hành sửa chữa các thiết bị của trạm bơm, phải tuân theo các quy định an toàn về sửa chữa, vận hành các thiết bị và phải bảo đảm các dung sai ghi trong các tài liệu thiết kế hoặc trong các lý lịch máy và các quy trình, quy phạm có liên quan.
2.11. Khi sửa chữa các kết cấu và thiết bị bằng thép, phải tiến hành làm sạch và sơn lại chúng. Thời gian sơn lại các kết cấu thép và thiết bị phụ thuộc vào môi trường xung quanh (có ăn mòn hay không) và chất lượng sơn. Thời gian sơn có thể sớm hay muộn hơn 1 năm, nhưng không được để sơn bong và kết cấu thép bị gỉ.
3. Công tác kiểm tra định kỳ
3.1. Tất cả các trạm bơm hàng năm đều phải được kiểm tra trước và sau mỗi vụ sản xuất. Thời gian kiểm tra định kỳ tùy theo lịch canh tác của từng vùng.
3.2. Trước khi kiểm tra, cơ quan quản lý trạm bơm cần chuẩn bị báo cáo với đoàn kiểm tra các nội dung sau:
– Chất lượng từng hạng mục công trình;
– Kiến nghị các biện pháp sửa chữa và quản lý, vận hành.
3.3. Nội dung kiểm tra trước và sau vụ sản xuất:
3.3.1. Tình trạng công trình thuộc khu vực trạm bơm:
– Độ lún, tình trạng nứt nẻ, thẩm lậu,v.v… của các bộ phận công trình như nhà máy, bể hút, bể xả, xi phông,v.v… và các cống tưới tiêu thuộc khu vực trạm bơm;
– Đối với các trạm bơm nổi phải kiểm tra độ néo cố định của các thùng phao, các khớp co giãn trên đường ống hút và ống xả;
– Tình trạng kênh xả, kênh dẫn nước và các công trình trên kênh. Đặc biệt chú ý tình trạng làm việc an toàn của các cống cắt qua thân đê;
– Các phương án phòng chống bão, lụt;
– Bể lọc nước kỹ thuật;
– Cột thủy chí, mốc quan trắc.
3.3.2. Các thiết bị cơ điện lắp đặt trong khu vực trạm bơm.
– Các tổ máy bơm:
+ Tình trạng bên ngoài của tổ máy;
+ Độ bắt chặt của các bu lông móng, các bu lông nối trục;
+ Các ổ bi, ổ bạc;
+ Độ đồng tâm giữa trục máy bơm và trục động cơ;
+ Mặt phẳng ngang của bệ động cơ và thân bơm;
+ Độ quay trơn của trục máy bơm.
– Các máy bơm mỡ: Bộ phận truyền tải, đồng hồ áp lực và các ống dẫn dầu mỡ vào các ổ bi, ổ bạc,…
– Các máy bơm phụ: Bơm nước kỹ thuật, bơm tiêu, bơm cứu hỏa,…
– Độ kín nước của các đường ống nước kỹ thuật và ống tiêu nước.
– Các thiết bị nâng.
– Các thiết bị đóng, mở cửa cống.
– Các cửa van và lưới chắn rác.
3.3.3. Trạm biến áp ngoài trời:
– Các kết cấu giá đỡ, dây dẫn thanh cái, rãnh cáp.
– Các máy biến áp và máy cắt:
+ Đo điện trở cách điện giữa các cuộn dây với vỏ máy;
+ Tình trạng dầu.
– Các cầu chì và thiết bị chống sét.
3.3.4. Các thiết bị điện trong trạm bơm:
– Các động cơ điện và máy phát 1 chiều:
+ Kiểm tra dầu, mỡ bôi trơn ổ;
+ Đo điện trở cách điện của các bối dây;
+ Tình trạng hộp nối điện.
– Các tủ, bảng điện:
+ Tình trạng cầu chì và dây chảy;
+ Các thiết bị đóng, ngắt;
+ Độ chính xác của các đồng hồ đo;
+ Đo điện trờ cách điện giữa các bộ phận kim loại.
– Các máy cắt, dao cách ly, máy biến dòng:
+ Kiểm tra các tiếp điểm, má cầu dao và độ tiếp xúc đồng đều của 3 pha tiếp điểm;
+ Các cơ cấu truyền động, thao tác;
+ Đo điện trở cách điện của các bộ phận tải điện.
– Các khởi động từ:
+ Kiểm tra các tiếp điểm, độ tiếp xúc đồng đều của các pha;
+ Các cuộn hút, cuộn kháng;
+ Đo điện trở cách điện của các bộ phận tải điện.
– Các rơ le, các mạch bảo vệ.
– Các phễu cáp và điện trở cách điện của cáp lực.
3.3.5. Các thiết bị bảo vệ, tự động và điều khiển từ xa:
– Kiểm tra sự dịch chỉnh và các thông số chính khác của bảo vệ rơ le;
– Kiểm tra sự tác động của hệ thống bảo vệ và điều khiển từ xa đối với thiết bị khi làm bất cứ một công việc gì trong mạch hoặc trên thiết bị bảo vệ rơ le;
– Việc kiểm tra và điều chỉnh bảo vệ rơ le tự động phải do các nhân viên thí nghiệm chuyên trách của cơ quan chủ quản tiến hành hoặc hợp đồng với các đơn vị chuyên môn khác của Nhà nước.
3.3.6. Điều kiện an toàn lao động:
– Tình trạng nền trạm, vệ sinh và các điều kiện an toàn khi thao tác vận hành các thiết bị cơ điện;
– Các bộ phận tiếp đất;
– Các thiết bị chiếu sáng;
– Các điều kiện phòng cháy, chữa cháy;
– Các thiết bị và điều kiện an toàn, bảo hộ lao động.
3.4. Sau khi kiểm tra, đoàn kiểm tra cần phải:
– Đánh giá chất lượng các bộ phận công trình và các thiết bị cơ điện;
– Quy định biện pháp và thời gian sửa chữa các bộ phận hư hỏng;
– Kiến nghị cấp trên giải quyết các vấn đề tồn tại mà đơn vị quản lý không tự giải quyết được.
3.5. Kiểm tra trong quá trình sản xuất.
– Công tác lưu trữ hồ sơ, lý lịch công trình và các thiết bị cơ điện.
– Công tác quản lý, sử dụng các thiết bị kiểm tra, sửa chữa.
– Các vật tư, thiết bị dự trữ trong kho.
– Việc ghi chép các sổ sách vận hành.
– Trước khi phục vụ sản xuất (bơm nước tưới hoặc tiêu), cần phải tiến hành cho chạy thử máy.
– Các trường hợp sau đây cần tiến hành kiểm tra đột xuất:
+ Sự cố đột xuất các bộ phận công trình, các thiết bị cơ điện làm trạm phải ngừng hoạt động;
+ Xảy ra tai nạn, thương vong;
+ Thao tác nhầm hoặc có kẻ phá hoại gây ra sự cố không bảo đảm điều kiện kỹ thuật vận hành;
+ Điện áp thấp dưới 10 % điện áp định mức gây ra quá tải thiết bị điện.
– Khi xảy ra sự cố đột xuất, trưởng ca phải lập tức dừng máy và báo cáo cho lãnh đạo quản lý trực tiếp trạm bơm biết. Sau khi kiểm tra, lãnh đạo quản lý trực tiếp trạm bơm phải báo cáo ngay cho cơ quan chủ quản và giữ nguyên hiện trường xảy ra sự cố.
4. Công tác bảo dưỡng
4.1. Tất cả các vật tư thiết bị, phụ tùng dùng để thay thế sửa chữa các thiết bị cơ điện phải đặt trên giá đỡ (ở trong kho) và có biện pháp chống ẩm.
4.2. Hàng trong kho phải được sắp xếp ngăn nắp, thứ tự, dễ lấy, không được chồng lên nhau và cần theo các quy định sau đây:
4.2.1. Hàng nằm trong kiện phải có biển ghi tên mặt hàng, quy cách, số lượng thiết bị có trong kiện.
4.2.2. Nhà kho phải có đủ ánh sáng cần thiết và có ổ cắm điện dùng cho đèn soi khi cần thiết.
4.2.3. Phải có sổ sách xuất nhập các mặt hàng trong kho theo quy định chung của Nhà nước và của Bộ chủ quản.
4.3. Việc bảo quản máy móc, thiết bị phải theo “Tiêu chuẩn bảo quản máy móc thiết bị” của cơ quan cấp trên đã ban hành.
4.4. Các phụ tùng đã thay thế nhưng còn có thể phục hồi sửa chữa phải được bảo quản trong kho và chăm sóc như các thiết bị vật tư khác.
4.5. Công tác bảo dưỡng hàng ngày
4.5.1. Dùng chổi phất trần (cần quấn thêm 5 lớp băng cách điện vào tay nắm chổi) để quét bụi, mạng nhện trên các mặt tủ, bảng điện, phía trong tủ điện và những nơi bảo đảm an toàn điện.
4.5.2. Lau sạch sàn đặt tủ bảng điện và các động cơ điện chính.
4.5.3. Thường xuyên theo dõi các thông số kỹ thuật trên các thiết bị đo như cột áp, lưu lượng, nhiệt độ dầu bôi trơn,…nếu có sự thay đổi bất thường cần phải xử lý.
4.6. Công tác bảo dưỡng khi trạm bơm dừng máy từ 2 h trở lên như sau:
4.6.1. Lau sạch bên ngoài toàn bộ thiết bị cơ điện chính.
4.6.2. Xử lý, vệ sinh các chỗ rò rỉ dầu và nước.
4.6.3. Bôi trơn hoặc thay dầu mỡ đột xuất các bộ phận cơ khí khi cần thiết.
4.6.4. Lau sạch các dụng cụ đồ nghề và thiết bị kiểm tra.
4.6.5. Lau sạch sàn máy bơm.
4.6.6. Xiết chặt các bu lông, đai ốc ở các bộ phận, chi tiết bị chấn động.
4.7. Các trạm bơm nghỉ vận hành sau 1 vụ sản xuất khi kết hợp với sửa chữa định kỳ, cần phải cắt điện toàn bộ trạm để bảo dưỡng, vệ sinh công nghiệp các thiết bị cơ điện mà trong quá trình vận hành chưa có điều kiện thực hiện.
5. Công tác sửa chữa định kỳ
5.1. Phải chấp hành đúng chế độ sửa chữa định kỳ đối với các thiết bị cơ điện chủ yếu.
5.2. Các thiết bị cơ điện đã đến thời gian sửa chữa định kỳ nhưng do yêu cầu sản xuất phải tiếp tục vận hành thì phải lập đoàn kiểm tra kỹ thuật để đánh giá khả năng thiết bị có tiếp tục vận hành được hay không và chỉ được vận hành khi được cơ quan cấp trên cho phép bằng văn bản.
Thời gian vận hành quá định kỳ sửa chữa nhỏ, sửa chữa vừa và sửa chữa lớn không quá một vụ sản xuất.
5.3. Công tác sửa chữa nhỏ
5.3.1. Thời gian định kỳ
– Đối với các máy bơm nhỏ (là các bơm có lưu lượng nhỏ hơn 1000 m3/h), một năm sửa chữa nhỏ một lần;
– Đối với các máy bơm loại trung bình (là các bơm có lưu lượng từ 1000 m3/h đến 4000 m3/h) cứ vận hành được 500 h phải tiến hành sửa chữa nhỏ một lần;
– Đối với các máy bơm loại lớn (là các bơm có lưu lượng lớn hơn 4000 m3/h) cứ vận hành từ 600 h đến 800 h phải tiến hành sửa chữa nhỏ 1 lần;
– Đối với các cửa van, lưới chắn rác và máy đóng mở cứ sau 1 năm vận hành phải sửa chữa 1 lần;
– Đối với máy biến áp cứ sau 1 năm vận hành phải sửa chữa nhỏ 1 lần;
– Thời gian sửa chữa nhỏ của các động cơ điện được quy định theo thời gian sửa chữa nhỏ của các máy công tác được truyền động bởi động cơ;
– Đối với các máy cắt dầu cứ sau 1 năm hoặc sau khi cắt ngắn mạch 6 lần phải sửa chữa nhỏ 1 lần;
– Đối với các dao cách ly cứ sau 1 năm vận hành phải sửa chữa 1 lần;
– Đối với máy biến dòng cao áp và máy biến điện áp đo lường cứ sau 1 năm vận hành phải sửa chữa nhỏ 1 lần;
– Đối với các thu lôi van cứ sau 2 năm vận hành phải thử nghiệm 1 lần;
– Đối với máy biến trở khởi động cứ sau 2 năm vận hành phải sửa chữa nhỏ 1 lần;
– Đối với máy biến thế khởi động cứ sau 1 năm vận hành phải sửa chữa nhỏ 1 lần;
– Việc sửa chữa nhỏ khởi động từ, công tắc tơ và áp tô mát tiến hành cùng với động cơ chính;
– Đối với tủ bảng phân phối điện hạ thế (hoặc cao thế) và tủ điều khiển cứ sau 1 năm vận hành phải sửa chữa nhỏ 1 lần;
– Đối với các đường dây trần, cáp điện lực và thắp sáng cứ sau 1 năm vận hành phải sửa chữa nhỏ 1 lần;
– Đối với các thiết bị bảo vệ rơ le, tự động và điều khiển từ xa cần định kỳ kiểm tra từng phần 1 năm 1 lần;
– Đối với hệ thống pa lăng, cầu lăn và tời cứ sau 2 năm vận hành phải khám nghiệm 1 lần.
5.3.2. Nội dung công tác sửa chữa nhỏ
5.3.2.1. Sửa chữa nhỏ bơm
– Làm sạch sẽ bên ngoài máy, kiểm tra và xác định mức độ mài mòn của các cụm chi tiết có khả năng bị mòn quá tiêu chuẩn. Nếu bị mòn quá tiêu chuẩn phải thay thế hoặc sửa chữa lại;
– Kiểm tra và xiết chặt các bu lông ở bệ máy, thân máy và khớp nối trục;
– Kiểm tra và sửa lại các ống hút, ống xả bị rò rỉ nước;
– Thông sạch các đường ống nước kỹ thuật;
– Kiểm tra các đường ống dẫn dầu, mỡ bôi trơn ổ trục;
– Xiết lại bu lông ở các nắp ép túp. Thay thế các vòng đệm làm kín nước ở các ổ trục bơm;
– Kiểm tra van ống xả. Thay thế các gioăng không kín khít;
– Thay thế dầu mỡ bôi trơn ổ;
– Kiểm tra độ đồng tâm của các trục tổ máy. Nếu không đảm bảo phải cân chỉnh lại.
5.3.2.2. Sửa chữa nhỏ cửa van và lưới chắn rác
– Dọn sạch bùn cát, rác rưởi trong buồng hút và trước lưới chắn rác;
– Kiểm tra và sửa lại các bánh răng, trục vít của các máy đóng mở cửa van và lưới chắn rác;
– Kiểm tra độ đồng tâm của trục vít của máy đóng mở so với tâm cửa. Nếu không bảo đảm độ đồng tâm phải cân chỉnh lại;
– Kiểm tra và sửa lại các gioăng làm kín nước của cửa van;
– Thay thế dầu mỡ trong các ổ bi.
5.3.2.3. Sửa chữa nhỏ máy biến áp
– Làm sạch bên ngoài máy;
– Kiểm tra toàn bộ máy và xiết lại các bu lông ở đầu cốt đấu vào sứ;
– Xả cặn nước trong bình dầu phụ. Kiểm tra mức dầu, bổ sung nếu cần;
– Đo điện trở cách điện của các cuộn dây.
5.3.2.4. Sửa chữa nhỏ động cơ
– Tháo nắp động cơ, làm vệ sinh và lau sạch bụi bẩn bám vào động cơ;
– Xem xét, kiểm tra rotor và stator;
– Thay dầu mỡ mới ở các gối trục;
– Kiểm tra các đầu dây và đo điện trở cách điện;
– Xiết lại các bu lông, đai ốc trên động cơ và bệ máy;
– Kiểm tra, sửa lại hoặc thay thế các bộ phận của hệ thống thông gió và làm mát;
– Kiểm tra và chỉnh lại chổi than, vòng trượt, lò xo, v.v…;
– Kiểm tra, sửa lại hoặc thay thế các thiết bị khởi động và bảo vệ.
5.3.2.5. Sửa chữa nhỏ máy cắt
– Kiểm tra và rửa sạch ống lồng sứ;
– Kiểm tra và làm sạch vỏ máy;
– Kiểm tra cơ cấu truyền động và bôi trơn các bộ phận cần thiết;
– Kiểm tra mức dầu, lấy mẫu dầu để phân tích. Khi cần thiết thì bổ sung hoặc thay dầu;
– Kiểm tra bộ phận tín hiệu chỉ vị trí đóng cắt và cơ cấu khóa liên động;
– Xiết lại các bu lông, đai ốc trên máy và giá đỡ.
5.3.2.6. Sửa chữa nhỏ dao cách ly
– Kiểm tra và sửa cực cắm, lò xo. Làm sạch các chỗ tiếp xúc bị ôxy hóa;
– Điều chỉnh lại má dao;
– Kiểm tra tình trạng tiếp xúc ở các chỗ nối, giá đỡ, thanh cái,…;
– Thay thế, sửa chữa sứ cách điện và các bộ phận khác của dao cách ly không đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật.
5.3.2.7. Sửa chữa nhỏ máy biến dòng cao áp và máy biến điện áp đo lường
– Kiểm tra độ tiếp xúc của các đầu nối và tình trạng lõi thép. Sửa chữa hoặc thay thế nếu cần thiết;
– Xử lý các chỗ rò rỉ dầu và bổ sung thêm dầu nếu cần;
– Kiểm tra và thay thế sứ khi không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật;
– Đo điện trở cách điện của cuộn dây.
5.3.2.8. Sửa chữa nhỏ thu lôi van
– Đo điện trở cách điện;
– Đo dòng điện rò;
– Thử cao áp;
– Phóng điện xung kích.
5.3.2.9. Sửa chữa nhỏ máy biến trở khởi động
– Kiểm tra tình trạng phát nóng của các phần tử điện trở và mức dầu trong máy. Nếu cần phải đổ thêm dầu;
– Sửa lại các chỗ nối không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Xiết lại các bu lông và đai ốc;
– Kiểm tra và sửa lại các cơ cấu truyền động không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật;
– Đánh sạch các tiếp điểm có vết cháy;
– Đo điện trở cách điện.
5.3.2.10. Sửa chữa nhỏ máy biến thế khởi động
– Lau sạch dầu cặn, bụi bẩn bám trên máy;
– Kiểm tra và sửa lại các đầu nối dây dẫn khi không đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật.
5.3.2.11. Sửa chữa nhỏ khởi động từ, công tắc tơ và áp tô mát
– Kiểm tra và sửa lại các đầu dây ra khi không bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật. Kiểm tra buồng dập hồ quang;
– Kiểm tra các bộ phận của rơ le nhiệt;
– Kiểm tra các nút ấn và đánh sạch tiếp điểm của nút ấn;
– Làm sạch, sửa chữa hoặc thay thế các tiếp điểm chính và phụ khi không đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật;
– Đo điện trở cách điện;
– Kiểm tra tình trạng làm việc của lõi thép;
– Kiểm tra và sửa chữa cơ cấu thao tác không đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật.
5.3.2.12. Sửa chữa nhỏ tủ phân phối điện hạ thế (hoặc cao thế) và tủ điều khiển
– Xử lý các chỗ vỏ tủ không kín khít;
– Xiết lại các bu lông, đai ốc trên tủ;
– Đo điện trở cách điện của các cuộn dây và thiết bị bố trí trên tủ;
– Kiểm tra, sửa chữa hoặc thay thế dây dẫn, các rơ le bảo vệ và khí cụ điện (kể cả đồng hồ) không bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật.
5.3.2.13. Sửa chữa nhỏ bảng phân phối điện hạ thế
– Kiểm tra tình trạng các dây nối. Sửa chữa các đầu nối không bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật;
– Kiểm tra, sửa chữa các má cầu dao bị ôxy hóa nhiều;
– Điều chỉnh áp lực của cực cắm;
– Đo điện trở cách điện của các cuộn dây và thiết bị bố trí trên bảng;
– Kiểm tra, sửa chữa hoặc thay thế các thiết bị, các mặt bảng và các đồng hồ không bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật.
5.3.2.14. Sửa chữa nhỏ các đường dây trần, cáp điện lực và thắp sáng
– Kiểm tra cột điện, các phễu cáp và hộp nối dây. Sửa chữa lại các đường dây bị võng để bảo đảm khoảng cách an toàn giữa dây dẫn và vật kiến trúc hoặc người,…;
– Xiết lại bu lông ở các đầu nối dây trần. Kiểm tra và làm sạch tuyến đường dây và cáp điện ở các rãnh cáp;
– Kiểm tra, sửa lại cầu dao. Thay thế cầu chì không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật;
– Đo điện trở cách điện;
– Đo nhiệt độ cáp điện;
– Kiểm tra tình trạng ăn mòn vỏ ngoài cáp điện.
5.3.2.15. Sửa chữa nhỏ cầu lăn, pa lăng hoặc tời
– Lau chùi sạch cáp, dây xích;
– Kiểm tra bánh vít, trục vít của pa lăng có bị sứt mẻ không;
– Kiểm tra gối trục, trục và các bộ phận hãm ròng rọc của pa lăng;
– Kiểm tra dây cáp, móc cẩu và các bộ phận truyền động bánh răng. Lau chùi bụi bẩn và tra dầu mỡ;
– Kiểm tra bánh xe lăn trên đường ray xem bánh xe có tiếp xúc với đường ray không. Nếu có phải xử lý;
– Lau chùi sạch sẽ dầu mỡ và bụi bẩn trên đường ray.
5.4. Công tác sửa chữa vừa
5.4.1. Thời gian định kỳ
– Đối với các máy bơm nhỏ cứ 3 năm sửa chữa vừa 1 lần;
– Đối với các máy bơm loại trung bình cứ vận hành từ 4000 h đến 5000 h phải tiến hành sửa chữa vừa 1 lần;
– Đối với các máy bơm loại lớn cứ vận hành từ 8000 h đến 10 000 h phải tiến hành sửa chữa vừa 1 lần;
– Đối với máy biến áp cứ sau 5 năm vận hành phải sửa chữa vừa 1 lần;
– Thời gian sửa chữa vừa của các động cơ điện không quá 4 năm vận hành;
– Đối với các máy cắt dầu cứ sau 4 năm phải sửa chữa vừa 1 lần;
– Đối với máy biến dòng cao áp và máy biến điện áp đo lường cứ sau 5 năm vận hành phải sửa chữa vừa 1 lần;
– Đối với máy biến trở khởi động cứ sau 5 năm vận hành phải sửa chữa vừa 1 lần;
– Đối với máy biến thế khởi động cứ sau 5 năm vận hành phải sửa chữa vừa 1 lần;
– Đối với các đường dây trần, cáp điện lực và thắp sáng cứ sau 10 năm vận hành phải sửa chữa vừa 1 lần;
– Đối với các thiết bị bảo vệ rơ le, tự động và điều khiển từ xa cần định kỳ kiểm tra toàn phần 2 năm 1 lần.
5.4.2. Nội dung công tác sửa chữa vừa
5.4.2.1. Sửa chữa vừa bơm
Công tác sửa chữa vừa bao gồm công tác sửa chữa nhỏ và thêm các việc dưới đây:
– Thay các ổ bi không bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật;
– Thay thế các bạc trục, gối trục cao su hoặc đồng bị mòn quá tiêu chuẩn;
– Kiểm tra và điều chỉnh mặt bằng thân bơm;
– Kiểm tra và điều chỉnh độ không đồng tâm giữa trục bơm và trục động cơ;
– Kiểm tra và cân chỉnh lại độ đảo của trục động cơ và trục bơm;
– Kiểm tra và cân chỉnh lại độ thẳng đứng hoặc ngang giữa các trục động cơ và máy bơm;
– Kiểm tra khe hở giữa cánh bơm và vành mòn. Nếu vượt quá trị số quy định phải sửa chữa hoặc thay thế.
5.4.2.2. Sửa chữa vừa máy biến áp
Công tác sửa chữa vừa bao gồm công tác sửa chữa nhỏ và thêm các việc dưới đây:
– Tháo nắp máy;
– Sửa chữa hoặc thay thế nắp máy, bình dầu phụ, ống phòng nổ, van xả dầu, các thiết bị làm mát và chống ẩm,…khi chúng không bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật;
– Sửa chữa vỏ thùng bị hư hỏng, nếu cần phải sơn lại;
– Thí nghiệm thiết bị đo lường, bảo vệ của máy biến áp.
5.4.2.3. Sửa chữa vừa động cơ
Công tác sửa chữa vừa bao gồm công tác sửa chữa nhỏ và thêm các việc dưới đây:
– Tháo động cơ, làm vệ sinh sửa chữa hoặc thay thế các bộ phận của động cơ không bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật;
– Sơn cách điện và sấy khô cuộn dây động cơ nếu cần thiết;
– Hiệu chỉnh các thiết bị khởi động và bảo vệ.
5.4.2.4. Sửa chữa vừa máy cắt
Công tác sửa chữa vừa bao gồm công tác sửa chữa nhỏ và thêm các việc dưới đây:
– Sửa chữa hoặc thay thế các tiếp điểm trong buồng dập hồ quang, ống lồng sứ khi chúng không bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật;
– Kiểm tra và điều chỉnh bộ truyền động;
– Kiểm tra, sửa chữa hoặc thay thế các tiếp điểm không bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật;
– Điều chỉnh tiếp điểm 3 pha cho tiếp xúc đồng thời;
– Đo điện trở tiếp xúc.
5.4.2.5. Sửa chữa vừa máy biến dòng cao áp và máy biến điện áp đo lường
– Công tác sửa chữa vừa bao gồm công tác sửa chữa nhỏ;
– Quấn lại cuộn dây không bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật.
5.4.2.6. Sửa chữa vừa máy biến trở khởi động
Công tác sửa chữa vừa bao gồm công tác sửa chữa nhỏ và thêm các việc dưới đây:
– Thay thế tiếp điểm không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật;
– Sấy máy biến trở.
5.4.2.7. Sửa chữa vừa máy biến thế khởi động
– Công tác sửa chữa vừa bao gồm công tác sửa chữa nhỏ;
– Kiểm tra cuộn dây và cuốn lại cuộn dây khi không bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật.
5.4.2.8. Sửa chữa vừa các đường dây trần, cáp điện lực và thắp sáng
– Công tác sửa chữa vừa bao gồm công tác sửa chữa nhỏ;
– Thay thế các đoạn dây trần, cáp điện không bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật.
5.5. Công tác sửa chữa lớn
5.5.1. Thời gian định kỳ
– Đối với các máy bơm nhỏ cứ 9 năm sửa chữa lớn 1 lần;
– Đối với các máy bơm loại trung bình cứ vận hành từ 12 000 h đến 15 000 h phải tiến hành sửa chữa lớn 1 lần;
– Đối với các máy bơm loại lớn cứ vận hành được từ 24 000 h đến 30 000 h phải tiến hành sửa chữa lớn 1 lần;
– Đối với máy biến áp cứ sau 15 năm vận hành phải sửa chữa lớn 1 lần;
– Thời gian sửa chữa lớn của các động cơ điện không quá 12 năm vận hành;
– Đối với các máy cắt dầu cứ sau 12 năm phải sửa chữa lớn 1 lần;
– Đối với máy biến dòng cao áp và máy biến điện áp đo lường cứ sau 15 năm vận hành phải sửa chữa lớn 1 lần;
– Đối với máy biến trở khởi động cứ sau 15 năm vận hành phải đại tu 1 lần;
– Đối với máy biến thế khởi động cứ sau 15 năm vận hành phải sửa chữa lớn 1 lần;
– Đối với các đường dây trần, cáp điện lực và thắp sáng cứ sau 20 năm vận hành phải sửa chữa lớn 1 lần;
– Đối với các thiết bị bảo vệ rơ le, tự động và điều khiển từ xa cần định kỳ kiểm tra toàn phần 5 năm 1 lần.
5.5.2. Nội dung công tác sửa chữa lớn
5.5.2.1. Sửa chữa lớn bơm
Công tác sửa chữa lớn bao gồm công tác sửa chữa vừa và thêm các việc dưới đây:
– Tháo trục bơm và trục truyền lực. Kiểm tra các chỗ làm việc bị mài mòn, nếu trục bị mài mòn quá tiêu chuẩn phải tiến hành sửa chữa lại hoặc thay thế;
– Kiểm tra bề mặt cánh bơm, nếu bị rỗ quá nhiều (diện tích bị rỗ vượt quá 10 % diện tích bề mặt cánh bơm) thì phải sửa chữa hoặc thay thế.
5.5.2.2. Sửa chữa lớn máy biến áp
Công tác sửa chữa lớn bao gồm công tác sửa chữa vừa và thêm các việc dưới đây:
– Tháo nắp máy và rút ruột máy;
– Kiểm tra chất lượng dầu bằng cách hóa nghiệm dầu. Nếu chất lượng dầu không bảo đảm phải thay dầu mới.
5.5.2.3. Sửa chữa lớn động cơ
Công tác sửa chữa lớn bao gồm công tác sửa chữa vừa và thêm các việc dưới đây:
– Sửa chữa hoặc thay thế các gối trục, trục bị mòn quá tiêu chuẩn.
5.5.2.4. Sửa chữa lớn máy cắt
Công tác sửa chữa lớn bao gồm công tác sửa chữa vừa và thêm các việc dưới đây:
– Tháo toàn bộ máy cắt, kiểm tra từng bộ phận;
– Rửa sạch thùng máy và thay dầu mới.
5.5.2.5. Sửa chữa lớn máy biến dòng cao áp và máy biến điện áp đo lường
Công tác sửa chữa lớn bao gồm công tác sửa chữa vừa và thêm các việc dưới đây:
– Tháo và kiểm tra toàn bộ máy;
– Rửa sạch thùng dầu và thay dầu mới.
5.5.2.6. Sửa chữa lớn máy biến trở khởi động
Công tác sửa chữa lớn bao gồm công tác sửa chữa vừa và thêm các việc dưới đây:
– Tháo và kiểm tra toàn bộ máy;
– Rửa sạch thùng dầu và thay dầu mới.
5.5.2.7. Sửa chữa lớn máy biến thế khởi động
Công tác sửa chữa lớn bao gồm công tác sửa chữa nhỏ và thêm các việc dưới đây:
– Tháo và kiểm tra toàn bộ máy.
5.5.2.8. Sửa chữa lớn các đường dây trần, cáp điện lực và thắp sáng
Công tác sửa chữa lớn bao gồm công tác sửa chữa vừa và thêm các việc dưới đây:
– Làm lại phễu cáp, các hộp đấu cáp.
6. Công tác sửa chữa sự cố
6.1. Công tác sửa chữa sự cố chỉ được phép tiến hành sau khi đã kiểm tra, xác định rõ nguyên nhân, tình trạng hư hỏng của thiết bị cần sửa chữa và chuẩn bị đầy đủ vật tư, phụ tùng thay thế.
6.2. Công tác sửa chữa sự cố:
6.2.1. Những trường hợp sau đây phải dừng máy khẩn cấp không cần báo cáo:
– Khi đóng điện động cơ không khởi động được;
– Khi đóng điện động cơ khởi động khó khăn, thời gian khởi động kéo dài quá quy định cho phép của nhà máy chế tạo;
– Khi xảy ra tai nạn ở phạm vi động cơ;
– Khi có tiếng gầm rú, tốc độ giảm thấp, động cơ nóng lên;
– Khi có tia lửa, khói ở động cơ bốc ra;
– Khi gẫy bộ truyền động cơ khí;
– Ổ trục nóng quá mức hoặc có tiếng kêu bên trong;
– Động cơ rung động quá đe dọa sự làm việc an toàn của máy;
– Khi rơ le hơi tác động;
– Khi thùng phao bị biến dạng gây ảnh hưởng tới độ đồng tâm của tổ máy (đối với trạm bơm nổi).
6.2.2. Trường hợp ổ trục, động cơ nóng không bình thường
Với ổ trượt nhiệt độ không quá 60 °C, ổ bi nhiệt độ không quá 70 °C;
– Kiểm tra dầu ở hộp chứa ổ bi, ổ trượt xem có bị rò rỉ thì phải xử lý. Nếu lượng dầu thiếu phải bổ sung đủ mức quy định. Nếu màu sắc của dầu thay đổi, phải thay dầu mới;
– Với các máy dùng ổ bi bôi trơn bằng mỡ, phải bổ sung đủ mỡ bôi trơn hoặc thay thế mỡ bôi trơn trong các ổ bi;
– Trường hợp nghi vấn nước làm mát bị tắc (qua việc theo dõi đồng hồ chỉ áp lực và lưu lượng) thì phải ngừng máy và tổ chức kiểm tra ngay. Nếu có sự cố phải xử lý kịp thời rồi mới cho chạy máy trở lại;
– Nếu các đường ống dẫn nước làm mát bị tắc phải thông rửa cho sạch;
– Nếu các đường ống dẫn nước làm mát bị rò rỉ, phải thay thế các vòng đệm làm kín nước bị nát, rão;
– Nước làm mát phải sạch, không chứa các hạt thô (trong 1 L nước lắng đọng không được có quá 50 g hạt sét, hạt bột).
6.2.3. Có tiếng kêu bất thường
– Kiểm tra các bu lông bắt ghép, nếu thấy nới lỏng phải xiết chặt lại.
6.2.4. Động cơ rung động quá mức cho phép
– Độ rung của động cơ phải nằm trong phạm vi quy định của nhà máy chế tạo. Nếu không có quy định của nhà máy chế tạo thì độ rung của động cơ không được lớn hơn các trị số sau:
– Độ rơ dọc trục không được lớn hơn từ 2 mm đến 4 mm.
– Kiểm tra và bắt chặt bu lông, đai ốc ở bệ máy.
Bảng 1 – Độ rung của động cơ điện
Đơn vị tính bằng milimét
Độ rung của động cơ điện |
Tốc độ của máy bơm (r/min) |
|||
3000 |
1500 |
1000 |
Dưới 750 |
|
Biên độ rung ở ổ trục |
0,05 |
0,1 |
0,13 |
0,16 |
6.2.5. Có tia lửa phát ra
– Khi cổ góp có tia lửa, kiểm tra chổi than. Nếu chổi than bị mòn quá mức hoặc bị đứt vỡ, phải thay thế.
– Khi chỗ nối thanh cái bị phóng điện, kiểm tra xem có bị ăn mòn, hoặc bị ôxy hóa, nếu có phải xử lý.
6.2.6. Khi lưu lượng giảm đột ngột (theo dõi qua đồng hồ đo lưu lượng)
– Kiểm tra mực nước trong bể hút. Mực nước trong bể hút không được thấp hơn mực nước nhỏ nhất đã quy định trong thiết kế;
– Kiểm tra mức độ rác, gỗ phía bể hút và vớt gỗ rác mắc vào lưới chắn rác;
– Kiểm tra van chắn nước ở Crêpin có bị nứt vỡ không, các gioăng cao su bị hỏng cần được thay thế;
– Kiểm tra các mối nối trên đường ống hút và ống đẩy, nếu lỏng phải xiết chặt lại.
6.2.7. Khi rơ le hơi tác động
– Nhân viên trực ca phải khử tín hiệu, đồng thời kiểm tra máy biến thế để tìm nguyên nhân làm rơ le hơi tác động.
Nếu xem xét bên ngoài máy biến thế vẫn không tìm được nguyên nhân thì phải xem xét tính chất của chất khí bên trong rơ le hơi.
Khi kiểm tra màu sắc của chất khí trong rơ le phải tiến hành thật nhanh nếu không màu sắc sẽ biến mất và có thể dựa vào bảng dưới đáy để phán đoán.
Bảng 2 – Màu sắc chất khí và nguyên nhân sự cố
Màu của chất khí |
Nguyên nhân sự cố |
Khí màu vàng, không đốt cháy được |
Chất gỗ bị cháy |
Khí màu tro nhạt, mùi hôi đốt cháy được |
Chất cách điện bên trong bị cháy |
Khí màu đỏ, màu đen dễ cháy |
Dầu bị cháy nhiều |
– Khi máy biến thế bị cắt tự động phải kiểm tra xem bảo vệ nào đã tác động và tìm nguyên nhân.
Nếu do rơ le hơi hoặc rơ le so lệch cắt máy biến thế thì không được phép cho máy biến thế làm việc trở lại khi chưa có ý kiến của cơ quan cấp trên.
Nếu máy biến thế bị cắt do quá tái hay do ngắn mạch bên ngoài hoặc do rơ le làm việc sai thì có thể cho máy biến thế làm việc trở lại.
7. Nghiệm thu và bảo hành sửa chữa
7.1. Nghiệm thu sửa chữa
7.1.1. Các thiết bị cơ điện của trạm bơm sau khi sửa chữa lớn xong hoặc lắp mới hoàn chỉnh, phải qua nghiệm thu mới được đưa vào vận hành. Khi nghiệm thu phải tuân theo quy phạm thi công và nghiệm thu các công trình thủy lợi.
7.1.2. Khi nghiệm thu từng bộ phận thiết bị và hệ thống điện phải kiểm tra
– Đúng đồ án thiết kế;
– Các chỉ tiêu kỹ thuật theo quy định của nhà máy chế tạo;
– Chất lượng công tác sửa chữa, lắp ráp và sự làm việc của máy móc, thiết bị;
– Chạy thử.
7.1.3. Tổ chức công tác nghiệm thu như sau
Hội đồng nghiệm thu gồm Ban quản lý dự án xây dựng công trình, tư vấn giám sát và đơn vị quản lý.
7.1.4. Nghiệm thu toàn bộ thiết bị sau khi sửa chữa lớn được tiến hành theo 2 bước
– Bước 1: Kiểm tra, xem xét và theo dõi sự làm việc của thiết bị khi chạy thử không tải và có tải. Đo đạc các thông số kỹ thuật;
– Bước 2: Lập biên bản nghiệm thu và bàn giao thiết bị.
7.1.5. Chỉ nhận bàn giao để đưa vào vận hành chính thức các thiết bị đã chạy thử tốt và bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật.
7.2. Bảo hành sửa chữa
Thời gian bảo hành sửa chữa sửa chữa lớn các thiết bị cơ điện quy định là 6 tháng hoặc từ 400 h đến 500 h vận hành.
Trong thời gian bảo hành, nếu thiết bị hư hỏng thì bên sửa chữa và bên quản lý cùng kiểm tra và có đại diện của chủ tịch hội đồng nghiệm thu tham gia.
– Khi hư hỏng thuộc về bên quản lý thì bên quản lý có kế hoạch hợp đồng với bên sửa chữa để tiến hành sửa chữa và bên quản lý phải chịu trách nhiệm thanh toán mọi chi phí.
– Khi hư hỏng thuộc về bên sửa chữa thì bên sửa chữa phải sửa chữa lại.
THƯ MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] QPTL -số 6-80, Định kỳ sửa chữa các thiết bị cơ điện trạm bơm.
[2] TCVN 8416:2010 Công trình thủy lợi – Quy trình quản lý vận hành, duy tu bảo dưỡng trạm bơm và tuốc bin
[3] QPTL.I.4-78, Vận hành và quản lý trạm bơm điện cao thế.
[4] TCVN 8417:2010 Công trình thủy lợi – Quy trình quản lý vận hành, duy tu bảo dưỡng trạm bơm điện.
MỤC LỤC
Lời nói đầu ……………………………………………………………………………………………….
1. Phạm vi áp dụng ……………………………………………………………………………………..
2. Quy định chung ………………………………………………………………………………………
3. Công tác kiểm tra định kỳ …………………………………………………………………………..
4. Công tác bảo dưỡng …………………………………………………………………………………
5. Công tác sửa chữa định kỳ …………………………………………………………………………
6. Công tác sửa chữa sự cố …………………………………………………………………………..
7. Nghiệm thu và bảo hành sửa chữa ………………………………………………………………..
Thư mục tài liệu tham khảo ……………………………………………………………………………
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 9146:2012 VỀ CÔNG TRÌNH THỦY LỢI – HƯỚNG DẪN ĐỊNH KỲ SỬA CHỮA CÁC THIẾT BỊ TRẠM BƠM | |||
Số, ký hiệu văn bản | TCVN9146:2012 | Ngày hiệu lực | 27/12/2012 |
Loại văn bản | Tiêu chuẩn Việt Nam | Ngày đăng công báo | |
Lĩnh vực |
Xây dựng |
Ngày ban hành | 27/12/2012 |
Cơ quan ban hành |
Bộ khoa học và công nghê |
Tình trạng | Còn hiệu lực |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn | Văn bản hướng dẫn | ||
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |