TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 9310-3:2012 (ISO 8421-3:1990) VỀ PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY – TỪ VỰNG – PHẦN 3: PHÁT HIỆN CHÁY VÀ BÁO CHÁY
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA
TCVN 9310-3:2012
ISO 8421-3:1990
PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY – TỪ VỰNG – PHẦN 3: PHÁT HIỆN CHÁY VÀ BÁO CHÁY
Fire protection – Vocabulary – Part 3: Fire detection and alarm
Lời nói đầu
TCVN 9310-3:2012 hoàn toàn tương đương với ISO 8421-3:1989.
TCVN 9310-3:2012 được chuyển đổi từ TCXDVN 215 : 1998 (ISO 8421-3:1989) theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và điểm b) Khoản 1 Điều 7 Nghị định 127/2007/NĐ-CP ngày 01/8/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.
Bộ TCVN 9310 dưới tiêu đề chung là “Phòng cháy chữa cháy – Từ vựng” bao gồm những phần sau:
– TCVN 9310-3:2012 (ISO 8421-3:1989) Phần 3: Phát hiện cháy và báo cháy.
– TCVN 9310-4:2012 (ISO 8421-4:1990) Phần 4: Thiết bị chữa cháy.
– TCVN 9310-8:2012 (ISO 8421-8:1990) Phần 8: Thuật ngữ chuyên dùng cho chữa cháy, cứu nạn và xử lý vật liệu nguy hiểm.
Bộ ISO 8421 Fire protection – Vocabulary, còn có các phần sau:
– ISO 8421-1:1987 Part 1: General terms and phenomena of fire.
– ISO 8421-2:1987 Part 2: Structural fire protection.
– ISO 8421-5:1988 Part 5: Smoke control.
– ISO 8421-6:1987 Part 6: Evacuation and means of escape.
– ISO 8421-7:1987 Part 7: Explosion detection and suppression means.
TCVN 9310-3:2012 do Viện Kiến trúc, Quy hoạch Đô thị và Nông thôn biên soạn, Bộ Xây dựng đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY – TỪ VỰNG – PHẦN 3: PHÁT HIỆN CHÁY VÀ BÁO CHÁY
Fire protection – Vocabulary – Part 3: Fire detection and alarm
1. Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn quy định các thuật ngữ và định nghĩa về phát hiện cháy và báo cháy. Các thuật ngữ chung được nêu trong ISO 8421-1. Trong tiêu chuẩn này các thuật ngữ được trình bày theo thứ tự chữ cái tiếng Anh.
2. Tài liệu viện dẫn
Các tài liệu viện dẫn sau rất cần thiết khi áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn có ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi, bổ sung (nếu có).
ISO 8124-1:1987, Fire protection – Vocabulary – Part 1: General terms and phenomena (Phòng cháy chữa cháy – Từ vựng – Phần 1: Các thuật ngữ chung và các hiện tượng cháy).
3. Thuật ngữ và định nghĩa
3.1. Thuật ngữ chung (Trừ đầu báo cháy)
3.1.1. Báo cháy
Báo cháy, được bắt đầu do một người hay một thiết bị tự động thực hiện.
3.1.2. Báo cháy giả
Báo cháy (3.1.1) được coi là giả bởi vì đám cháy được báo đã và đang không tồn tại. Báo cháy giả này có thể do ác ý, nhầm lẫn hay sự cố ngẫu nhiên.
3.1.3. Hệ thống phát hiện và báo cháy tự động
Hệ thống báo cháy (3.1.21) bao gồm các bộ phận phát hiện cháy, kích hoạt báo cháy và kích hoạt các hoạt động khác nếu cần một cách tự động.
CHÚ THÍCH: Hệ thống cũng có thể bao gồm các hộp nút ấn báo cháy bằng thủ công (3.1.14).
3.1.4. Thiết bị phòng cháy chữa cháy tự động
Thiết bị kiểm soát cháy hoặc chữa cháy, ví dụ kiểm soát cửa thoát khói, van chắn, quạt hoặc thiết bị chữa cháy tự động.
3.1.5. Tín hiệu báo cháy tự động
Báo cháy (3.1.1) phát ra từ một thiết bị tự động, có thể nghe thấy và/hoặc nhìn thấy.
3.1.6. Trạm báo cháy trung tâm
Một trung tâm thường xuyên có nhân viên trực, của một tổ chức nằm ngoài khu nhà được bảo vệ hoặc được theo dõi, và các nhân viên của trung tâm này, khi nhận được cuộc gọi báo cháy (3.1.22) sẽ báo cho cơ quan phòng cháy chữa cháy.
3.1.7. Trung tâm kiểm soát
Phòng thường xuyên có nhân viên trực ở bên trong hoặc gần khu nhà có thể gặp rủi ro để nhận các cuộc gọi khẩn cấp, được trang bị các thiết bị thông báo tình hình trong mỗi khu vực được bảo vệ và có các phương tiện liên lạc cần thiết để chuyển những cuộc gọi ứng cứu đến các cơ quan cứu hộ.
3.1.8. Thiết bị điều khiển phòng cháy chữa cháy tự động
Thiết bị tự động được sử dụng để khởi động thiết bị phòng cháy chữa cháy tự động sau khi nhận được tín hiệu từ trung tâm báo cháy.
3.1.9. Phòng điều khiển
Phòng thường xuyên có nhân viên trực và được trang bị đầy đủ, nằm trong khu nhà của đơn vị phòng cháy chữa cháy. Tại đó người ta nhận các cuộc gọi khẩn cấp và sau đó điều động người, phương tiện và thiết bị.
3.1.10. Tín hiệu báo lỗi (tín hiệu trục trặc)
Tín hiệu tự động có thể nghe thấy và nhìn thấy để cảnh báo rằng hệ thống đang bị trục trặc.
3.1.11. Trạm tiếp nhận tín hiệu báo lỗi
Phòng tiếp nhận tín hiệu báo lỗi (3.1.10) và kích hoạt các biện pháp sửa chữa cần thiết.
3.1.12. Thiết bị truyền dẫn tín hiệu báo lỗi
Thiết bị trung chuyển, truyền dẫn tín hiệu báo lỗi (3.1.10) từ trung tâm báo cháy đến trạm tiếp nhận tín hiệu báo lỗi (3.1.11).
3.1.13. Báo cháy
Xem “báo cháy” (3.1.1).
3.1.14. Hộp báo cháy bằng thủ công
Thiết bị kích hoạt bằng thủ công vào hệ thống phát hiện và báo cháy tự động (3.1.3).
3.1.15. Thiết bị kiểm soát báo cháy và phát hiện cháy
Thiết bị cung cấp năng lượng cho các đầu báo cháy (3.2) và:
a) Được sử dụng để nhận tín hiệu phát hiện cháy và kích hoạt tín hiệu báo cháy;
b) Có thể chuyển tín hiệu phát hiện cháy qua thiết bị truyền tín hiệu báo cháy đến cơ quan phòng cháy chữa cháy hoặc đến các thiết bị chữa cháy tự động;
c) Được sử dụng để tự động giám sát sự làm việc đúng đắn của hệ thống.
3.1.16. Thiết bị báo cháy bằng thủ công
Thiết bị báo cháy, vận hành thủ công, phát ra tín hiệu báo cháy có thể nghe hoặc nhìn thấy.
3.1.17. Trạm tiếp nhận báo cháy
Trung tâm đặt bên trong hoặc cách xa khu nhà được bảo vệ, từ đó người ta có thể kích hoạt các biện pháp bảo vệ hoặc chữa cháy cần thiết bất kỳ lúc nào.
3.1.18. Thiết bị truyền tín hiệu báo cháy
Thiết bị trung gian truyền tín hiệu báo động từ thiết bị kiểm soát báo cháy và phát hiện cháy đến trạm tiếp nhận tín hiệu báo cháy.
3.1.19. Thiết bị phát tín hiệu báo cháy
Thiết bị không nằm trong thiết bị kiểm soát báo cháy và phát hiện cháy, dùng để cảnh báo có cháy, ví dụ như còi phát tín hiệu hay thiết bị tín hiệu quang học.
3.1.20. Còi (chuông) báo cháy
Bộ phận của hệ thống báo cháy đưa ra tín hiệu báo cháy bằng âm thanh.
3.1.21. Hệ thống báo cháy
Hệ thống kết hợp các bộ phận để tạo ra tín hiệu báo cháy nghe được hoặc nhìn thấy được hoặc cảm nhận được. Hệ thống cũng có thể kích hoạt các hoạt động hỗ trợ khác.
3.1.22. Gọi báo cháy
Báo cháy do một người nói trực tiếp hoặc gọi điện thoại tới phòng điều hành hoạt động chữa cháy.
3.1.23. Điện thoại báo cháy
Điện thoại dành riêng để thực hiện những cuộc gọi báo cháy (3.1.22).
3.1.24. Đường điện thoại phục vụ báo cháy
Đường điện thoại chỉ dành để truyền thông tin về báo cháy.
3.1.25. Khu nhà được bảo vệ (hoặc được giám sát)
Khu nhà hay một phần của nhà được trang bị một hệ thống chữa cháy tự động hoặc các hệ thống phát hiện cháy và/hoặc chữa cháy.
3.1.26. Thiết bị khởi động (thiết bị kích hoạt)
Thiết bị cho phép được vận hành tự động hoặc thủ công để kích hoạt báo động, ví dụ đầu báo cháy, hộp báo cháy thủ công hay một công tắc áp suất.
3.1.27. Vùng
Khu vực hay không gian có một nhóm các thiết bị phát hiện cháy tự động và/hoặc thủ công trong thiết bị kiểm soát báo cháy và phát hiện cháy, những đầu báo này cùng được hiển thị trên một màn hình (hoặc vùng màn hình) riêng.
3.1.28. Máy chỉ báo vùng
Bộ phận của thiết bị chỉ báo cháy cho thấy một cách trực quan về vùng phát ra nguồn tín hiệu báo cháy ban đầu hoặc tín hiệu báo lỗi (3.1.10).
3.2. Đầu báo cháy
3.2.1. Đầu báo cháy kích hoạt
Dạng đầu báo cháy, không phải là bộ phận của hệ thống báo cháy, được sử dụng để kích hoạt thiết bị phụ trợ.
3.2.2. Đầu báo cháy
Bộ phận của một hệ thống phát hiện cháy tự động gồm ít nhất một bộ cảm biến kiểm soát hiện tượng vật lý và/hoặc hóa học thích hợp, để phát ra tín hiệu đến thiết bị kiểm soát báo cháy và phát hiện cháy.
3.2.3. Đầu báo cháy ngọn lửa
Đầu báo cháy phản ứng với bức xạ nhiệt phát ra từ ngọn lửa.
3.2.4. Đầu báo cháy cảm ứng khí cháy
Đầu báo cháy nhạy cảm với các chất khí sinh ra khi cháy và/hoặc sự phân hủy do nhiệt.
3.2.5. Đầu báo cháy nhiệt
Đầu báo cháy nhạy cảm nhiệt độ khác thường và/hoặc mức độ gia tăng nhiệt độ và/hoặc sự chênh lệch về nhiệt độ.
3.2.6. Đầu báo khói ion hóa
Đầu báo cháy nhạy cảm với các sản phẩm sinh ra khi cháy có khả năng ảnh hưởng tới các mạch ion hóa bên trong đầu báo cháy.
3.2.7. Đầu báo cháy tuyến thẳng
Đầu báo cháy phản ứng với hiện tượng được kiểm soát trong khu vực xung quanh một đường thẳng liên tục.
3.2.8. Đầu báo cháy đa điểm
Đầu báo cháy phản ứng với hiện tượng được kiểm soát trong khu vực xung quanh của nhiều bộ cảm biến, ví dụ các đầu đo nhiệt.
3.2.9. Đầu báo khói quang học (quang điện)
Đầu báo cháy nhạy cảm với các sản phẩm sinh ra khi cháy mà có khả năng ảnh hưởng đến sự hấp thụ bức xạ hay tán xạ trong vùng hồng ngoại, vùng nhìn thấy được và/hoặc vùng cực tím của phổ điện từ.
3.2.10. Đầu báo cháy điểm
Đầu báo cháy phản ứng với hiện tượng cháy được kiểm soát trong khu vực xung quanh một bộ cảm biến.
3.2.11. Hộp báo cháy tự hành
Thiết bị phát hiện cháy có tất cả các bộ phận cần thiết (có thể trừ nguồn năng lượng) được bao bọc chung trong một vỏ, để phát hiện cháy và phát tín hiệu báo cháy bằng âm thanh nghe thấy được.
3.2.12. Đầu báo khói (smoke detector)
Đầu báo cháy nhạy cảm với các hạt chất rắn hoặc lỏng sinh ra khi có cháy và/hoặc quá trình phân rã nhiệt hóa trong không khí.
MỤC LỤC
1 Phạm vi áp dụng
2 Tài liệu viện dẫn
3 Thuật ngữ và định nghĩa
3.1 Thuật ngữ chung (Trừ các đầu báo cháy)
3.2 Đầu báo cháy
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 9310-3:2012 (ISO 8421-3:1990) VỀ PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY – TỪ VỰNG – PHẦN 3: PHÁT HIỆN CHÁY VÀ BÁO CHÁY | |||
Số, ký hiệu văn bản | TCVN9310-3:2012 | Ngày hiệu lực | 28/12/2012 |
Loại văn bản | Tiêu chuẩn Việt Nam | Ngày đăng công báo | |
Lĩnh vực |
Xây dựng |
Ngày ban hành | 28/12/2012 |
Cơ quan ban hành |
Bộ khoa học và công nghê |
Tình trạng | Còn hiệu lực |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn | Văn bản hướng dẫn | ||
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |