TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 9548:2013 (ISO 1420:2001) VỀ VẢI TRÁNG PHỦ CAO SU HOẶC CHẤT DẺO – XÁC ĐỊNH ĐỘ CHỐNG THẤM NƯỚC

Hiệu lực: Còn hiệu lực

TIÊU CHUẨN QUỐC GIA

TCVN 9548:2013

ISO 1420:2001

VẢI TRÁNG PHỦ CAO SU HOẶC CHẤT DẺO – XÁC ĐỊNH ĐỘ CHỐNG THẤM NƯỚC

Rubber- or plastics-coated fabrics – Determination of resistance to penetration by water

Lời nói đầu

TCVN 9548:2013 hoàn toàn tương đương với ISO 1420:2001.

TCVN 9548:2013 do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC 38 Vật liệu dệt biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

 

VẢI TRÁNG PHỦ CAO SU HOẶC CHẤT DẺO – XÁC ĐỊNH ĐỘ CHỐNG THẤM NƯỚC

Rubber- or plastics-coated fabrics – Determination of resistance to penetration by water

CẢNH BÁO – Những người sử dụng tiêu chuẩn này phải có kinh nghiệm làm việc trong phòng thí nghiệm thông thường. Tiêu chuẩn này không đề cập đến các vấn đề an toàn, nếu có liên quan khi sử dụng tiêu chuẩn. Người sử dụng tiêu chuẩn phải có trách nhiệm thiết lập các biện pháp an toàn, bảo vệ sức khỏe phù hợp và tuân theo các quy định hiện hành của pháp luật.

1. Phạm vi áp dụng

Tiêu chuẩn này quy định phương pháp thử đạt/không đạt để xác định độ bền chống thấm nước (độ bền thủy tĩnh) của vải tráng phủ cao su hoặc chất dẻo khi chịu áp suất thủy tĩnh nhất định trong một khoảng thời gian cố định. Tiêu chuẩn này đưa ra hai loại hình dạng của mẫu thử: hình tròn và hình vuông.

2. Tài liệu viện dẫn

Các tài liệu viện dẫn sau rất cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất bao gồm cả các sửa đổi, bổ sung (nếu có).

TCVN 7837-1:2007 (ISO 2286-1:1998), Vải tráng phủ cao su hoặc chất dẻo – Xác định đặc tính cuộn – Phần 1: Phương pháp xác định chiều dài, chiều rộng và khối lượng thực.

TCVN 8834:2011 (ISO 2231:1989), Vải tráng phủ cao su hoặc chất dẻo – Môi trường chuẩn để điều hòa và thử

3. Nguyên tắc

Mẫu thử vải tráng phủ chịu một áp suất nước tăng dần lên một mặt, trong các điều kiện chuẩn, cho đến khi đạt được áp suất định trước đã được quy định trong yêu cầu kỹ thuật của vải tráng phủ. Duy trì áp suất yêu cầu trong một khoảng thời gian quy định hoặc cho đến khi xảy ra sự thấm qua sớm hơn.

4. Thiết bị, dụng cụ

4.1. Quy định chung

Thiết bị gồm một bình hở miệng lắp khít với kẹp để giữ chặt mẫu thử trên miệng bình. Phần dưới của bình có một đầu được nối với ống cấp nước để cấp nước vào bình tại nhiệt độ phòng. Một lưới giữ được lắp phía trên mẫu thử. Lưới này được làm từ các dây kim loại có đường kính từ 1 mm đến 1,2 mm tạo thành các ô vuông có cạnh không lớn hơn 30 mm.

4.2. Phương tiện đo áp suất nước

Một áp kế, nối với đầu thử, cho phép đo được áp suất nước lên đến 19,6 kPa (200 cmH2O) với độ chính xác ± 1 %, hoặc một dụng cụ đo áp suất, được chia độ theo centimet cột nước hoặc theo kilopascal và có khả năng đọc tối đa ít nhất 100 kPa (946 cmH2O), dùng để đo áp suất nước tác dụng lên mẫu thử.

4.3. Diện tích thử nghiệm

Phần hở miệng của bình (xem 4.1) tại đó mẫu thử được kẹp phải là hình vuông có cạnh 100 mm hoặc là hình tròn có đường kính 113 mm, tạo ra diện tích 100 cm2 trong mỗi trường hợp. Nếu cần thiết, có thể dùng các miếng đệm cao su mềm đặt giữa mẫu thử vải tráng phủ và các bề mặt của kẹp để làm giảm thiểu rủi ro hư hỏng mẫu thử do kẹp và để tạo thuận lợi cho việc thử các đường may. Trong trường hợp này, cao su có độ cứng khoảng 40 IRHD (Độ cứng Cao su Quốc tế) và chiều dày khoảng 0,5 cm hoặc đường kính khoảng 1 cm được cho là thích hợp. Ngoài ra, cũng có thể sử dụng xốp kín bằng polyetylen liên kết ngang, có khối lượng riêng từ 45 kg/m3 đến 55 kg/m3 và chiều dày khoảng 1 cm.

5. Mẫu thử

5.1. Lấy mẫu thử

Lấy các mẫu thử từ diện tích không có các dạng lỗi nhìn thấy hoặc dạng lỗi về chức năng và ở chiều rộng hiệu dụng của vải tráng phủ như định nghĩa trong TCVN 7837-1 (ISO 2286-1).

5.2. Số lượng

Trừ khi có quy định khác trong yêu cầu kỹ thuật của vật liệu, thử năm mẫu thử trong mỗi loạt phép thử.

5.3. Hình dạng và kích thước

5.3.1. Mẫu thử hình vuông

Mỗi mẫu thử là hình vuông có kích thước mỗi cạnh khoảng 200 mm.

5.3.2. Mẫu thử hình tròn

Mỗi mẫu thử là hình tròn có đường kính từ 130 mm đến 200 mm.

5.4. Điều hòa

Ngay trước khi thử, điều hòa các mẫu thử ít nhất 16 h trong môi trường thích hợp theo TCVN 8834 (ISO 2231)

6. Cách tiến hành

6.1. Phương pháp thử

Với bình được nối với ống cấp nước, mở van để nước chảy vào trong bình cho đến khi chảy tràn. Kiểm tra mặt trên của bình theo phương ngang đảm bảo nước ngập đều ở tất cả các mép. Đảm bảo ống cấp hoàn toàn sạch không khí và mức nước trong bình tương ứng với giá trị “0” trên ống áp kế hoặc dụng cụ đo áp suất (xem 4.2). Đặt mẫu thử trên bình với mặt được thử (đã làm ẩm trước khi thử) tiếp xúc với nước, không có không khí phía dưới mẫu thử.

Lắp lưới giữ (xem 4.1). Giữ chắc mẫu thử và lưới trên bình bằng cách sử dụng kẹp, cẩn thận để bảo đảm các mép của kẹp hoàn toàn song song với các mép của bình.

6.2. Cách thức tạo áp suất

Mở van cấp sao cho áp suất trong bình tăng từ từ ở tốc độ yêu cầu (phải đạt được áp suất nhỏ hơn hoặc bằng 30 kPa trong 1 min ± 10 s; phải đạt áp suất lớn hơn 30 kPa trong 2 min ± 20 s). Kiểm tra áp suất. Khi đạt được áp suất yêu cầu, điều chỉnh van cấp, nếu cần thiết, và duy trì áp suất này trong khoảng thời gian yêu cầu (duy trì áp suất nhỏ hơn hoặc bằng 30 kPa trong 2 min; duy trì áp suất lớn hơn 30 kPa trong 5 min). Như vậy, khoảng thời gian thử sẽ là 3 min trong trường hợp thứ nhất và 7 min trong trường hợp thứ hai. Sau đó kiểm tra phần nhìn thấy được của mẫu thử để phát hiện xem có giọt nước nhỏ vào đó thấm qua vải tráng phủ. Khóa van cấp nước và đưa áp suất trở lại giá trị “0” bằng cách mở van xả khí. Nếu phát hiện sự rò rỉ vùng kẹp mẫu thử trong khi thử, bắt đầu lại phép thử.

7. Biểu thị kết quả

Mặt nhìn thấy được của vải tráng phủ phải không có bất kỳ “các điểm thấm nước” nào, cũng như không có bất kỳ dấu hiệu ẩm ướt nào, trên bất kỳ mẫu thử nào trong năm mẫu thử. Một “điểm thấm nước” được gọi là điểm bất kỳ nào có đốm nước nhỏ như vết châm kim. Sự thấm nước xảy ra đúng ở các mép của kẹp không được coi là “điểm thấm nước”.

8. Báo cáo thử nghiệm

Báo cáo thử nghiệm phải bao gồm các thông tin sau:

a) Viện dẫn tiêu chuẩn này;

b) Mô tả vải tráng phủ được thử;

c) Môi trường điều hòa và thử đã sử dụng;

d) Số lượng mẫu được thử;

e) Mẫu thử là hình vuông hay hình tròn;

f) (Các) mặt nào của vải tráng phủ chịu áp suất nước;

g) Áp suất và thời gian tác dụng áp suất;

h) Vải tráng phủ khi thử đạt hay không đạt;

i) Chi tiết về bất kỳ sự sai khác nào so với quy trình thử chuẩn;

j) Ngày thử nghiệm.

TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 9548:2013 (ISO 1420:2001) VỀ VẢI TRÁNG PHỦ CAO SU HOẶC CHẤT DẺO – XÁC ĐỊNH ĐỘ CHỐNG THẤM NƯỚC
Số, ký hiệu văn bản TCVN9548:2013 Ngày hiệu lực
Loại văn bản Tiêu chuẩn Việt Nam Ngày đăng công báo
Lĩnh vực Công nghiệp nhẹ
Ngày ban hành
Cơ quan ban hành Tình trạng Còn hiệu lực

Các văn bản liên kết

Văn bản được hướng dẫn Văn bản hướng dẫn
Văn bản được hợp nhất Văn bản hợp nhất
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung Văn bản sửa đổi, bổ sung
Văn bản bị đính chính Văn bản đính chính
Văn bản bị thay thế Văn bản thay thế
Văn bản được dẫn chiếu Văn bản căn cứ

Tải văn bản