TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 9580-1:2013 (ISO 9221-1:1992) VỀ ĐỒ NỘI THẤT – GHẾ CAO DÀNH CHO TRẺ – PHẦN 1: YÊU CẦU AN TOÀN
TCVN 9580-1:2013
ISO 9221-1:1992
ĐỒ NỘI THẤT – GHẾ CAO DÀNH CHO TRẺ – PHẦN 1: YÊU CẦU AN TOÀN
Furniture – Children’s high chairs – Part 1: Safety requirements
Lời nói đầu
TCVN 9580-1:2013 hoàn toàn tương đương với ISO 9221-1:1992.
TCVN 9580-1:2013 do Ban kỹ thuật Tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC 136 Đồ nội thất biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
Bộ tiêu chuẩn TCVN 9580 (ISO 9221) Đồ nội thất – Ghế cao dành cho trẻ gồm các phần sau:
– TCVN 9580-1:2013 (ISO 9221-1:1992), Phần 1: Yêu cầu an toàn;
– TCVN 9580-2:2013 (ISO 9221-2:1992), Phần 2: Phương pháp thử.
ĐỒ NỘI THẤT – GHẾ CAO DÀNH CHO TRẺ – PHẦN 1: YÊU CẦU AN TOÀN
Furniture – Children’s high chairs – Part 1: Safety requirements
1. Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu liên quan đến an toàn của ghế cao dành cho trẻ dùng tại gia đình, với mục đích giảm thiểu tai nạn xảy ra đối với trẻ khi sử dụng thông thường và khi sử dụng sai mục đích thường gặp đối với ghế cao và ghế cao đa năng ở mức ghế cao.
Các ghế này có thể thay đổi thành ghế thấp, ghế thấp có bàn và để cho trẻ sử dụng làm xe tập đi, ghế đẩy, xích đu, ghế ngồi trên ô tô hoặc ghế thấp có lưng dựa. Các chức năng bổ sung này không được quy định trong bộ tiêu chuẩn TCVN 9580 (ISO 9221). Tiêu chuẩn này cũng không đề cập đến các tai nạn hoặc thương tật có thể xảy ra do trẻ lớn hơn chơi với trẻ ngồi trên ghế cao hoặc tai nạn có thể xảy ra do trẻ trên ba tuổi sử dụng ghế sai mục đích.
2. Tài liệu viện dẫn
Các tài liệu viện dẫn sau rất cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất bao gồm cả các sửa đổi, bổ sung (nếu có).
TCVN 9580-2:2013 (ISO 9221-2:1992), Đồ nội thất – Ghế cao dành cho trẻ – Phần 2: Phương pháp thử
ISO 105-E04:19941, Textiles – Tests for colour fastness – Part E04: Colour fastness to perspiration (Vật liệu dệt – Phương pháp xác định độ bền màu – Phần E04: Độ bền màu với mồ hôi)
ISO/IEC Guide 37:1983, Instructions for use of products of consumer interest (Hướng dẫn sử dụng sản phẩm người tiêu dùng quan tâm)
3. Thuật ngữ và định nghĩa
Trong tiêu chuẩn này sử dụng các thuật ngữ và định nghĩa sau:
3.1. Ghế cao (high chair)
Ghế thường để sử dụng cho trẻ từ 6 tháng đến 3 tuổi, được làm với mục đích giữ trẻ ở vị trí ngồi và có thể có khay gắn vào ghế để chăm sóc trẻ, cho trẻ ăn hoặc chơi. Ghế được thiết kế để đặt trên sàn và nâng trẻ lên đến khoảng chiều cao của bàn ăn.
3.2. Bộ phận bắt chặt (fastening)
Bộ phận cho phép người sử dụng cố định các bộ phận của ghế cao với nhau, ví dụ bu lông và đai ốc.
3.3. Dây đai dạng đũng quần (crotch strap)
Bộ phận để ngăn trẻ khỏi bị trượt ra khỏi ghế.
4. Vật liệu
4.1. Gỗ
Vật liệu gỗ và vật liệu có thành phần chính là gỗ được sử dụng làm ghế cao phải không bị mục hoặc côn trùng tấn công.
4.2. Kim loại
Tất cả các kim loại lộ ra bên ngoài khi lắp ghép ghế cao để sử dụng, bao gồm các chi tiết như lò xo, đai ốc, bu lông và vòng đệm, phải được làm từ các vật liệu chống ăn mòn như nhôm hoặc thép không gỉ, hoặc được bảo vệ đủ để chống ăn mòn. Khi thử theo Điều 5.2 của TCVN 9580-2 (ISO 9221-2), mức độ ăn mòn không được lớn hơn Ri 1.
4.3. Vật liệu dệt có nhuộm màu
Khi thử theo phương pháp mô tả trong ISO 105-E04, vật liệu dệt có nhuộm màu không được có cấp thay đổi màu nhỏ hơn 4 hoặc cấp dây màu nhỏ hơn 3.
5. Cấu tạo
5.1. Giới hạn áp dụng
Các yêu cầu trong 5.2 áp dụng cho ghế cao được lắp ghép theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Nếu các bộ phận của ghế cao được thiết kế để tháo lắp được (ví dụ khay cho ăn, chỗ để chân), thì các yêu cầu này được áp dụng cho ghế khi có và không có (các) bộ phận này.
5.2. Yêu cầu
5.2.1. Ghế cao phải được làm từ các vật liệu tuân theo các yêu cầu trong Điều 4. Ghế cao phải có khả năng lau chùi hoặc cọ sạch được.
5.2.2. Không được có các ống có đầu hở. Không được có các phần nhô ra, các lỗ, các vòng đệm lỏng, bộ phận hãm, đai ốc hoặc khe hở mà ngón tay hoặc da của trẻ có thể mắc vào khi sử dụng ghế cao. Không được có cạnh sắc, đầu nhọn hoặc bavia nhô ra.
5.2.3. Không được sử dụng các đinh ốc bằng gỗ để lắp bất kỳ bộ phận nào dự kiến để người sử dụng tháo ra khi tháo rời ghế cao để vận chuyển hoặc cất giữ.
5.2.4. Ghế cao phải được thiết kế và cấu tạo sao cho ngăn được các tổn thương do bị cắt, trượt hay kẹp khi các phần của khung hoặc các bộ phận khác quay hoặc gấp khi trẻ ở trên ghế cao, kể cả khi trẻ cố gắng di chuyển ghế cao dạng gấp.
Các bộ phận bắt chặt phải đảm bảo để trẻ không tháo được khi ngồi trên ghế cao.
5.2.5. Không có bộ phận nào của ghế cao hay bất kỳ liên kết nào bị tách rời hoặc bị hư hại khi chịu tác dụng của một lực 90 N theo hướng bất kỳ lên bộ phận đó, ngoại trừ trường hợp các bộ phận bắt chặt chịu lực theo hướng hoạt động bình thường của nó, thì lực tối thiểu phải là 20 N. Trong trường hợp vật liệu là chất dẻo, phép thử phải thực hiện ở nhiệt độ 20 0C ± 3 0C.
5.2.6. Ghế phải có dây an toàn, dây đai dạng đũng quần hoặc dây lưng. Trong trường hợp cần có các dây này, ghế cao phải có các điểm liên kết dạng móc hoặc các bộ phận tương tự. Các điểm liên kết này phải được bố trí trong phạm vi gạch chéo trên Hình 1. Các điểm liên kết và bất kỳ bộ phận kết nối nào không được có các hư hại có thể nhìn thấy bằng mắt thường khi thử theo điều 5.4 của TCVN 9580-2:2013 (ISO 9221-2:1992). Sự dịch chuyển một điểm liên kết không được ảnh hưởng đến điểm liên kết kia và tại mọi thời điểm, mỗi điểm liên kết nhô ra không quá 50 mm về phía trước lưng ghế và không quá 75 mm phía trên chỗ ngồi, khi khối thử tuân theo điều 4.1 của TCVN 9580-2:2013 (ISO 9221-2:1992) được đặt về phía sau ghế thử càng sâu càng tốt (xem Hình 1). Ngoài ra, ghế có thể có tổ hợp dây an toàn được gắn nguyên bộ, cố định, gồm các dây đai qua eo và dây đai qua vai có chiều rộng tối thiểu 15 mm.
Kích thước tính bằng milimét
Hình 1 – Vị trí các điểm liên kết dây an toàn
5.2.7. Thiết kế của ghế cao phải sao cho ngăn được trẻ không bị trượt về phía trước ra khỏi ghế khi có và không có khay.
Yêu cầu này thường được bảo đảm bằng cách lắp thêm dây đai dạng đũng quần có chiều rộng không nhỏ hơn 20 mm liên kết giữa ghế và khay ăn hoặc giữa ghế và thanh ngang hoặc dây đai.
Khi thử theo điều 5.5 của TCVN 9580-2:2013 (ISO 9221-2:1992), dây đai dạng đũng quần phải không bị hư hại.
5.2.8. Khi thử theo điều 5.10.2 và 5.10.3 của TCVN 9580-2:2013 (ISO 9221-2:1992), không có bất kỳ chân nào của ghế bị nhấc lên khỏi sàn cho đến khi tác dụng lực tại khoảng cách lớn hơn 140 mm theo điều 5.10.2 và 120 mm theo điều 5.10.3.
Khi thử theo điều 5.10.4 và 5.10.5 của TCVN 9580-2:2013 (ISO 9221-2:1992), không được có bất kỳ chân nào của ghế bị nhấc ra khỏi sàn cho đến khi tác dụng lực lớn hơn 200 N.
5.2.9. Khi thử theo điều 5.6 của TCVN 9580-2:2013 (ISO 9221-2:1992), phải không có phần nào của ghế bị tách rời hoặc hư hại. Nếu ghế có khay, khay không được rơi ra khi thử theo quy định trong điều 5.6.7 của TCVN 9580-2:2013 (ISO 9221-2:1992)
5.2.10. Ghế cao dạng gấp phải không bị gấp, khi thử theo điều 5.7 của TCVN 9580-2 (ISO 9221-2).
5.2.11. Ghế cao không được có các con lăn, trừ khi có thể chuyển đổi ghế cao thành xe tập đi cho trẻ. Trong trường hợp này, các con lăn phải được lắp sao cho ghế không thể di chuyển khi trẻ đang ngồi trên ghế ở chế độ ghế cao.
5.2.12. Khi thử theo điều 5.8 của TCVN 9580-2:2013 (ISO 9221-2:1992), cơ cấu điều chỉnh tấm lưng dựa của ghế cao phải không trượt hoặc không làm tăng góc đã điều chỉnh giữa mặt ghế và lưng ghế.
6. Ghi nhãn
Để công bố phù hợp với các yêu cầu của bộ TCVN 9580 (ISO 9221), thì mỗi ghế cao hay ghế cao đa năng phải có nhãn rõ ràng và bền lâu với nội dung sau:
a) Tên, nhãn hiệu thương mại hoặc các dấu hiệu nhận biết khác của nhà sản xuất, nhà phân phối hoặc nhà bán lẻ;
b) Dòng chữ “CẢNH BÁO. KHÔNG ĐỂ TRẺ MỘT MÌNH MÀ KHÔNG CÓ NGƯỜI CHĂM SÓC”
Nếu ghế có dây an toàn, phải bổ sung thêm lời cảnh báo sau “TRẺ PHẢI LUÔN LUÔN ĐEO DÂY AN TOÀN ĐƯỢC LẮP VÀ ĐIỀU CHỈNH ĐÚNG QUY CÁCH”
7. Hướng dẫn sử dụng
Hướng dẫn liên quan đến việc lắp ráp, sử dụng đúng và an toàn ghế cao hay ghế cao đa năng phải tuân theo ISO/IEC Guide 37. Các hướng dẫn này phải có tiêu đề “QUAN TRỌNG, GIỮ LẠI ĐỂ THAM KHẢO”
8. Bao gói
Bất kỳ miếng bọc ngoài bằng chất dẻo nào được sử dụng để bao gói phải ghi dòng cảnh báo sau:
“ĐỂ TRÁNH NGUY CƠ GÂY NGẠT THỞ, THÁO MIẾNG BỌC BẰNG CHẤT DẺO TRƯỚC KHI SỬ DỤNG SẢN PHẨM NÀY. SAU ĐÓ PHẢI LOẠI BỎ BAO GÓI HOẶC ĐỂ XA TẦM TAY CỦA TRẺ”
1 ISO 105-E04:1994 hiện nay được thay thế bằng ISO 105-E04:2008 và đã được xây dựng thành TCVN 7835-E04:2010
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 9580-1:2013 (ISO 9221-1:1992) VỀ ĐỒ NỘI THẤT – GHẾ CAO DÀNH CHO TRẺ – PHẦN 1: YÊU CẦU AN TOÀN | |||
Số, ký hiệu văn bản | TCVN9580-1:2013 | Ngày hiệu lực | |
Loại văn bản | Tiêu chuẩn Việt Nam | Ngày đăng công báo | |
Lĩnh vực |
Công nghiệp nhẹ |
Ngày ban hành | |
Cơ quan ban hành | Tình trạng | Còn hiệu lực |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn | Văn bản hướng dẫn | ||
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |