TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 9707:2013 (ISO 4112:1990) VỀ NGŨ CỐC VÀ ĐẬU ĐỖ – HƯỚNG DẪN ĐO NHIỆT ĐỘ CỦA HẠT BẢO QUẢN RỜI
TCVN 9707:2013
ISO 4112:1990
NGŨ CỐC VÀ ĐẬU ĐỖ – HƯỚNG DẪN ĐO NHIỆT ĐỘ CỦA HẠT BẢO QUẢN RỜI
Cereals and pulses – Guidance on measurement of the temperature of grain stored in bulk
Lời nói đầu
TCVN 9707:2013 hoàn toàn tương đương ISO 4112:1990.
TCVN 9707:2013 do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC/F1 Ngũ cốc và đậu đỗ biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
Lời giới thiệu
Các quá trình sinh lý xuất hiện trong khối hạt bảo quản kèm theo phát xạ nhiệt. Kết quả là nhiệt độ của khối hạt có thể đạt đến mức gây suy giảm trầm trọng trong thương mại, công nghệ và các đặc tính của khối hạt sẽ thay đổi. Do vậy, cần phát hiện và đo sự quá nhiệt trong suốt quá trình bảo quản và tiến hành ngay các biện pháp khắc phục như thông gió và làm nguội, bởi vì trong hầu hết các trường hợp, nếu tiến hành các biện pháp khắc phục muộn sẽ không có hiệu quả.
Trong khối hạt bảo quản rời, những hư hại như vậy trong các giai đoạn đầu thường được khoanh vùng và chỉ ảnh hưởng đến một phần nhỏ hạt bảo quản. Tuy nhiên, dù được khoanh vùng từ các giai đoạn đầu thì những hư hỏng như vậy có thể lan sang các vùng khác của khối hạt bảo quản nếu không kiểm tra kịp thời. Ngay cả khi được khoanh vùng, sự quá nhiệt luôn gây hậu quả nghiêm trọng vì mẻ hạt có thể bị giảm giá bán hoặc thậm chí không bán được do sự có mặt của hạt bị hư hỏng. Do yêu cầu hạt có chất lượng tốt tăng lên và khối hạt bảo quản rời trong thời gian dài, nên cần thường xuyên kiểm tra nhiệt độ của hạt. Việc sử dụng các thiết bị đo nhiệt dựa trên nhiều điểm đo là kỹ thuật thích hợp để đáp ứng các yêu cầu nêu trên.
Thiết bị đo nhiệt cũng cần sử dụng khi điều chỉnh quá trình làm nguội bằng thông gió. Việc làm nguội như vậy, với các bước giảm nhiệt độ từ 50C đến 70C, có thể đem lại hiệu quả kinh tế tại các vùng khí hậu lạnh. Ở 00C, hoạt động sinh lý của hạt xảy ra không đáng kể, ngay cả khi độ ẩm gần đạt đến mức tối đa.
NGŨ CỐC VÀ ĐẬU ĐỖ – HƯỚNG DẪN ĐO NHIỆT ĐỘ CỦA HẠT BẢO QUẢN RỜI
Cereals and pulses – Guidance on measurement of the temperature of grain stored in bulk
1. Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này đưa ra hướng dẫn đo nhiệt độ của hạt được bảo quản trong các xilô hoặc các loại kho bảo quản rời khác.
2. Thuật ngữ và định nghĩa
Trong tiêu chuẩn này sử dụng các thuật ngữ và định nghĩa sau:
2.1. Hạt (grain)
Hạt ngũ cốc và/hoặc hạt đậu đỗ.
2.2. Kho bảo quản rời (bulk store)
Kho chứa lượng lớn hạt rời.
3. Nguyên tắc
Đặt một dãy đầu đo nhiệt độ vào trong khối hạt được bảo quản để phát hiện hoặc theo dõi sự thay đổi nhiệt độ.
4. Thiết bị, dụng cụ
Loại dụng cụ hoặc cách lắp đặt phải phù hợp với kích cỡ và hình dạng của kho. Ví dụ, sử dụng các loại dụng cụ sau:
– dụng cụ cầm tay cho các kho nhỏ;
– dụng cụ bán cố định hoặc có thể gấp xếp được, cho các kho ngang, nghĩa là các kho có diện tích sàn rộng và chiều cao hạn chế;
– dụng cụ được lắp đặt cố định, dùng cho các kho đứng (xilô).
Dụng cụ phải bao gồm các bộ phận sau:
4.1. Đầu đo nhiệt độ, có một hoặc nhiều đầu, thông thường gồm có một ống cứng hoặc dây mềm (4.1.1) gắn với một hoặc nhiều bộ cảm biến nhiệt (4.1.2), cùng với bộ dẫn đầu ra tương ứng, được lắp vào ống hoặc dây mềm. Khi đầu đo được đưa vào khối hạt thì thời gian cảm ứng của nó để đạt đến nhiệt độ ổn định không được quá 3 min.
Vật liệu được dùng để chế tạo đầu đo nhiệt độ phải bền đối với sản phẩm được xông khử trùng và không bị các loại gặm nhấm làm hỏng.
Các kho ngang, được cào để làm rỗng, phải được lắp các đầu đo nhiệt độ có thể gấp xếp được.
CHÚ THÍCH 1 Dây mềm được treo trong kho dạng thẳng đứng được thả ở đáy của kho để tránh dịch chuyển trong suốt quá trình nạp hàng.
4.1.1. Ống cứng hoặc dây mềm, có chiều dài và đường kính thích hợp, được làm bằng sợi thủy tinh, kim loại hoặc vật liệu phù hợp khác và đặc biệt để dùng cho các kho dạng thẳng đứng, có độ bền và độ cứng chịu được lực kéo căng mạnh và chịu được lực nén khi kho được nạp đầy hoặc được làm rỗng.
CHÚ THÍCH 2 Các lực tác động lên ống hoặc dây mềm tăng theo đường kính của chúng, độ sâu khi vùi lấp và theo sự dịch chuyển của hạt trong suốt quá trình nạp và dỡ hạt. Lực kéo căng có thể lên đến 50 kN. Đường kính nhỏ có tác động giảm sức kéo ở các điểm thắt và đơn giản hệ thống neo thả. Ngược lại, ống có đường kính lớn hơn cho độ cứng hơn, đặc biệt quan trọng đối với các kho bảo quản rất sâu.
4.1.2. Bộ cảm biến nhiệt, gồm một điện trở nhiệt hoặc cặp nhiệt điện hoặc nhiệt kế điện trở hoặc bất kỳ bộ cảm biến nhiệt điện khác, có thể phát hiện sự thay đổi nhiệt độ ở mức 0,50C, với dải làm việc lên đến 700C và giới hạn dưới thích hợp đối với nhiệt độ môi trường thử nghiệm tại chỗ.
4.2. Bộ đọc nhiệt độ, có thể kèm theo bộ ghi (thông tin chi tiết theo Phụ lục A)
4.3. Dụng cụ đo nhiệt độ (đối với kho bảo quản được thông khí), được đặt ở đầu khí ra để đo nhiệt độ không khí lưu thông.
5. Tiến hành thử
5.1. Bố trí dụng cụ đo
Do trong khối hạt bảo quản có sự khuếch tán nhiệt thấp và thực tế là các điểm đo phải đủ gần nhau để phát hiện sự thay đổi nhiệt độ cục bộ trong thời gian ngắn khi có sự thay đổi, các điểm đo phải cách nhau không quá 3 m theo mọi hướng.
Nếu vì lý do kinh tế hoặc vì lý do nào khác mà các điểm đo được đặt ở khoảng cách lớn hơn 3 m thì điều này phải được ghi lại trong báo cáo kết quả.
Đối với các kho bảo quản ngang, các điểm đo ở phía bên trên phải cách bề mặt hạt từ 1 m đến 2m.
Cần đặt một vài đầu đo hoặc dây mềm trên cùng một mặt phẳng đối xứng của kho.
CHÚ THÍCH 3 Đối với kho có chiều cao hạn chế, có thể xác định nhiệt độ cách bề mặt của hạt 0,3 m, cách mặt sàn 0,5 m và ở giữa các điểm này.
Đối với các kho thẳng đứng, các điểm đo phải được đặt ở khoảng cách bằng nhau dọc theo đầu đo hoặc dây đo thẳng đứng ngay sát thành, đỉnh và đáy kho.
Cũng cần đặt một đầu đo hoặc dây đo trên trục đối xứng của kho.
5.2. Đọc nhiệt độ
5.2.1. Tần suất đọc
Nếu hạt bảo quản trong các điều kiện không có lợi (nhiệt độ và độ ẩm cao) thì đọc nhiệt độ ở các điểm đo trong khối hạt bảo quản ở các tần suất thời gian bằng nhau, cứ 24h đọc một lần. Đối với hạt bảo quản trong các điều kiện có lợi (khô và mát), tần suất đọc có thể giảm đi (ví dụ, một tuần đọc một lần).
Người chịu trách nhiệm đối với các dụng cụ bảo quản phải xác định tần suất đọc nhiệt độ, có tính đến bản chất của sản phẩm được bảo quản, độ ẩm của sản phẩm, mùa của năm, mức độ nhiễm côn trùng của sản phẩm v.v…
5.2.2. Các yêu cầu cụ thể đối với kho được thông khí
Đọc và ghi lại nhiệt độ ở các điểm đo khác nhau trong khối hạt được bảo quản theo các quy trình sau:
Nếu bộ phận thông khí không vận hành thì tiến hành đọc nhiệt độ ban đầu, sau đó cho thông khí từ 30 min đến 45 min, phụ thuộc vào chiều cao của kho. Đo nhiệt độ của không khí lưu thông ở đầu vào.
CHÚ THÍCH 4 Trong thời gian thông khí ngắn này, không khí ở bất kỳ vị trí nào có dấu hiệu tăng lên thì sẽ làm nóng đầu đo ở phía trên.
Tiến hành đọc nhiệt độ lần thứ hai sau khi không khí lưu thông, hiệu chính giá trị thu được khi cần, để tính nhiệt độ của không khí lưu thông. Nếu kết quả thu được giữa lần đọc nhiệt độ thứ nhất và lần đọc nhiệt độ thứ hai trong khoảng 50C hoặc trên 50C thì có thể có điểm đi nóng và có nguy cơ bị hư hỏng.
Cần thực hiện các quy định (về hợp đồng bảo trì, dự trữ phụ tùng thay thế) để đảm bảo rằng các đầu đo phía trên không được nằm lệch khỏi vị trí đo trong thời gian quá 24h.
6. Hồ sơ nhiệt độ
Hồ sơ nhiệt độ phải chỉ ra được các dụng cụ được sử dụng, nhiệt độ được ghi lại ở các điểm đo khác nhau và thời điểm đo nhiệt độ. Hồ sơ cũng phải bao gồm tất cả các điều kiện thao tác không quy định trong tiêu chuẩn này hoặc được coi là tùy chọn, cũng như bất kỳ các tình huống nào có thể ảnh hưởng đến kết quả đọc. Hồ sơ phải bao gồm tất cả các thông tin liên quan đến kho và bản chất của sản phẩm bảo quản, khi cần.
PHỤ LỤC A
(Tham khảo)
BỘ ĐỌC NHIỆT ĐỘ
Bộ đọc nhiệt độ phải phù hợp với kích thước đo.
Trong các kho nhỏ, có thể dùng dụng cụ đo bằng điện hoặc điện tử, được chia theo độ Celsius, cho số đọc nhiệt độ và được gắn với đầu đo nhiệt đặt trong khối hạt ở các điểm cần đo.
Trong các kho lớn hơn, có thể sử dụng buồng kiểm soát.
Phòng kiểm soát có thể đơn giản chỉ để lưu giữ các thiết bị đọc và bộ chỉ thị. Tuy nhiên, buồng kiểm soát có thể gồm các thiết bị, dụng cụ phức tạp hơn như:
– bộ chỉ thị tương tự hoặc bộ chỉ thị kỹ thuật số để đọc và ghi nhiệt độ tự động hoặc thủ công;
– bộ chỉ thị biến thiên, cho biết bất kỳ sự thay đổi nhiệt độ bất thường nào liên quan đến giá trị đã cài đặt;
– bộ kiểm soát được cài đặt trước, khi nhiệt độ tăng quá giá trị cài đặt trước khi máy tự động hoạt động hoặc báo chuông và thông khí hợp lý;
– bảng tóm tắt về các phương tiện bảo quản và các ngăn bảo quản tương ứng;
– hệ thống kiểm soát nhiệt độ được tự động hóa trong đó các điểm đo được quét theo chương trình được xác định (ví dụ, cứ sau 6h, 12 h hoặc 24h), kết quả đo được in ra giấy.
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 9707:2013 (ISO 4112:1990) VỀ NGŨ CỐC VÀ ĐẬU ĐỖ – HƯỚNG DẪN ĐO NHIỆT ĐỘ CỦA HẠT BẢO QUẢN RỜI | |||
Số, ký hiệu văn bản | TCVN9707:2013 | Ngày hiệu lực | 06/05/2013 |
Loại văn bản | Tiêu chuẩn Việt Nam | Ngày đăng công báo | |
Lĩnh vực |
An toàn thực phẩm |
Ngày ban hành | 06/05/2013 |
Cơ quan ban hành |
Bộ khoa học và công nghê |
Tình trạng | Còn hiệu lực |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn | Văn bản hướng dẫn | ||
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |