TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 9708:2013 (ISO 16002:2004) VỀ NGŨ CỐC VÀ ĐẬU ĐỖ BẢO QUẢN – HƯỚNG DẪN PHÁT HIỆN NHIỄM ĐỘNG VẬT KHÔNG XƯƠNG SỐNG BẰNG BẪY
TCVN 9708:2013
ISO 16002:2004
NGŨ CỐC VÀ ĐẬU ĐỖ BẢO QUẢN – HƯỚNG DẪN PHÁT HIỆN NHIỄM ĐỘNG VẬT KHÔNG XƯƠNG SỐNG BẰNG BẪY
Stored cereal grains and pulses – Guidance on the detection of infestation by live invertebrates by trapping
Lời nói đầu
TCVN 9708:2013 hoàn toàn tương đương với ISO 16002:2004;
TCVN 9723:2013 do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC/F1 Ngũ cốc và đậu đỗ biên soạn, Tổng Cục Tiêu chuẩn và Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
Lời giới thiệu
Trong ngành thực phẩm, hạt ngũ cốc là hàng hóa được buôn bán với lượng lớn nhất. Chúng thường nằm trong chiến lược dự trữ lương thực quốc gia. Hạt ngũ cốc có thể được bảo quản với thời gian và trong các điều kiện khác nhau, và thường mẫn cảm với sự lây nhiễm động vật không xương sống. Nguy cơ lây nhiễm thay đổi theo phương pháp bảo quản, thời gian, nhiệt độ và độ ẩm môi trường trong khu vực bảo quản. Tại các vùng nhiệt đới, ngay cả khi bảo quản trong thời gian ngắn cũng có thể tạo ra sự lây nhiễm gây hại đáng kể.
Nếu hạt ngũ cốc bị nhiễm dịch hại thì thường bị hư hỏng, hao hụt chất lượng, mất giá trị kinh tế, làm giảm giá trị dinh dưỡng và có thể gây bệnh cho con người và động vật.
Hạt ngũ cốc đã bị nhiễm dịch hại có thể trở thành nguồn lây nhiễm đáng kể đối với các hạt ngũ cốc nguyên vẹn. Sự lây nhiễm có thể dẫn đến từ chối phân phối, các vấn đề về hợp đồng, mất thị trường quốc tế, mất uy tín cũng như các vấn đề chứng nhận kiểm dịch thực vật theo Công ước quốc tế và Bảo vệ thực vật.
Phát hiện sự lây nhiễm dịch hại cho phép xem xét ban hành các quyết định khi nào cần xử lý hạt ngũ cốc và xử lý như thế nào. Các biện pháp xử lý như vậy xem ví dụ đưa ra trong Phụ lục D, có thể có tác động đến việc sử dụng hạt ngũ cốc về sau trong các sản phẩm dự kiến sử dụng cho người và cho động vật.
Có thể sử dụng nhiều phương pháp để phát hiện sự lây nhiễm động vật không xương sống còn sống trong khối hạt bảo quản nhưng hệ thống thích hợp nhất để phát hiện chúng trong khối hạt ngũ cốc và đậu đỗ bảo quản là dựa trên việc dùng bẫy, được mô tả trong tiêu chuẩn này. Một số phương pháp khác được liệt kê trong Phụ lục A. Các phương pháp này đều có ưu điểm và nhược điểm. Các phương pháp dựa trên việc loại bỏ và đánh giá mẫu sau đó ít phù hợp để phát hiện côn trùng do hạn chế về phương pháp lấy mẫu.
Bẫy động vật không xương sống trong kho bảo quản hạt ngũ cốc và đậu đỗ có thể được sử dụng để phát hiện sự tồn tại của dịch hại, để thu thập mẫu vật nhằm định loài chính xác, để đánh giá số lượng của chúng nếu đã thiết lập ngưỡng hoạt động và để giám sát quần thể động vật và để giám sát quần thể động vật không xương sống sau khi áp dụng các biện pháp phòng trừ để thử hiệu quả của chúng.
Phương pháp chuẩn [TCVN 5451 (ISO 13690)]*) để lấy mẫu hạt ngũ cốc và đậu đỗ đặc biệt không áp dụng để lấy mẫu phát hiện lây nhiễm dịch hại. Các phương pháp chuẩn để phát hiện côn trùng ẩn náu [xem TCVN 7847 (ISO 6639) (tất cả các phần) và TCVN 6130 (ISO 6639-4)] nhưng chưa có tiêu chuẩn để phát hiện động vật không xương sống còn sống hoạt động tự do trong khối hạt ngũ cốc và đậu đỗ bảo quản rời hoặc đóng bao.
NGŨ CỐC VÀ ĐẬU ĐỖ BẢO QUẢN – HƯỚNG DẪN PHÁT HIỆN NHIỄM ĐỘNG VẬT KHÔNG XƯƠNG SỐNG BẰNG BẪY
Stored cereal grains and pulses – Guidance on the detection of infestation by live invertebrates by trapping
CẢNH BÁO: Việc bố trí bẫy trong kho bảo quản hạt rời gồm cả việc bố trí bẫy trên bề mặt khối hạt. Cần đảm bảo an toàn cho người đặt bẫy. Việc bố trí bẫy trong các xilô bảo quản kín có thể sẽ nguy hiểm, vì vậy phải đánh giá mọi rủi ro có liên quan, gồm cả việc ra, vào kho và khả năng xuất hiện khí độc.
Vì những lý do trên, tiêu chuẩn này chủ yếu áp dụng đối với hạt được bảo quản rời trong các thùng hở, xilô, kho bằng hoặc bằng nhiều tầng và hạt được đóng bao.
1. Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này mô tả các phương pháp dùng bẫy để phát hiện động vật không xương sống còn sống trong khối hạt ngũ cốc và đậu đỗ được bảo quản trong bao hoặc ở dạng rời.
2. Thuật ngữ và định nghĩa
Trong tiêu chuẩn này sử dụng thuật ngữ và định nghĩa sau:
2.1. Hạt (grain)
Hạt ngũ cốc và/hoặc hạt đậu đỗ.
2.2. Bọ cánh cứng (beetles)
Các loài thuộc bộ Coleoptera.
CHÚ THÍCH: Nhiều loài mọt thuộc họ Curculinoidae của bộ Coleoptera là những sinh vật gây hại đáng kể đối với ngũ cốc bảo quản, phần lớn vòng đời của chúng nằm trong hạt. Một vài họ khác thuộc bộ Coleoptera bao gồm những loài gây hại nghiêm trọng.
2.3. Sự nhiễm côn trùng (infestation)
Các loại động vật nhỏ (mite) và côn trùng sống mà ở một vài giai đoạn trong vòng đời của chúng có khả năng làm hư hỏng hạt.
CHÚ THÍCH: Các loài này cũng được gọi là “dịch hại”.
2.4. Động vật không xương sống (invertebrates)
Động vật đa bào không có xương sống, chủ yếu gồm các loài động vật nhỏ và côn trùng thuộc ngành động vật chân khớp.
2.5. Ngài (moths)
Các loài thuộc bộ Cánh vẩy (Lepidoptera hoặc Heterocera), có màu đậm hơn bướm và chủ yếu hoạt động vào ban đêm.
CHÚ THÍCH: Bướm (Rhophalocera) và ngài (Heterocera) cùng thuộc bộ Cánh vẩy, nhưng bướm không gây hại kho hạt bảo quản.
2.6. Pheromon tự nhiên (natural pheromone)
Chất hóa học có mùi thơm được tiết ra từ động vật có ảnh hưởng đến tập tính của các động vật khác cùng loài hoặc có quan hệ rất gần.
2.7. Pheromon tổng hợp (synthetic pheromone)
Phân tử pheromone được tổng hợp nhằm tăng gấp đôi hiệu quả của pheromon tự nhiên.
CHÚ THÍCH Pheromon tổng hợp thường được dùng làm chất dẫn dụ sinh dục để quyến rũ hoặc hấp dẫn con đực trong loài, ví dụ bẫy ngài trong kho lương thực hoặc nông sản.
2.8. Bẫy (trap)
Dụng cụ được thiết kế và dùng để bắt giữ các nhóm hoặc loài cụ thể khi các nhóm hoặc loài này đi vào, hoặc để nhử và thu hút chúng vào trong dụng cụ.
3. Nguyên tắc
Các loài động vật nhỏ và côn trùng được phát hiện bằng bẫy cơ học, hoặc dẫn dụ bằng thức ăn hoặc chất dẫn dụ khác hoặc cả hai biện pháp. Bẫy cơ học giữ lại tất cả hoặc phần lớn côn trùng đi vào trong bẫy, do bẫy được thiết kế để hạn chế sự thoát ra. Thức ăn hoặc chất dẫn dụ khác có thể cũng được dùng trong dụng cụ thu hút động vật không xương sống nhưng chúng không ngăn cản được côn trùng thoát ra. Hiệu quả của chúng phụ thuộc vào tính hấp dẫn của mồi nhử, thu hút một phần lớn quần thể động vật không xương sống lưu lại trong bẫy.
Do việc đánh bẫy phụ thuộc vào hoạt động của các loài động vật nhỏ và côn trùng, nên các kết quả bẫy ở các điều kiện lạnh hoặc rất nóng có thể sẽ khác nhau rõ rệt so với các kết quả thu được ở khoảng nhiệt độ “thông thường” từ 15 oC đến 40 oC
4. Yêu cầu chung
4.1. Sự có mặt của động vật nhỏ và côn trùng trong khối hạt bảo quản phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Tiêu chuẩn vệ sinh, phương thức quản lý dịch hại đang áp dụng (ví dụ: các phương pháp kiểm soát nhiệt độ và độ ẩm, gõ đập) và cách thức bảo quản hạt đều có tác động đến hiệu quả phát hiện động vật nhỏ và côn trùng bằng bẫy. Xem TCVN 7857-2 (ISO 6322-2).
4.2. Hiệu quả của bẫy cơ học phụ thuộc vào sự di chuyển tự nhiên của côn trùng, lối côn trùng đi vào bẫy mà từ đó chúng không thể thoát ra hoặc không chọn được lối thoát.
4.3. Dụng cụ dùng mồi nhử dựa trên nguyên tắc côn trùng bị dẫn dụ bằng thức ăn hoặc chất dẫn dụ khác và khi được đặt trong bẫy nhử thì côn trùng sẽ ở lại đó.
4.4. Bẫy các loài côn trùng bay dựa vào nguyên tắc là côn trùng trưởng thành sẽ bay hướng đến bẫy có chất dẫn dụ và sau đó bị giữ lấy trong bẫy.
4.5. Chất dẫn dụ được sử dụng trong một số loại bẫy là pheromen tổng hợp, chất này chỉ có hiệu quả cao đối với chi động vật và thông thường chỉ đối với một giới của loài, thường là giống đực. Các chất dẫn dụ là thức ăn thường dẫn dụ nhiều loài.
4.6. Các hệ thống bẫy không dùng mồi nhử phụ thuộc hoàn toàn vào việc động vật không xương sống đi vào bẫy do ngẫu nhiên và sau đó bị giữ lại trong bẫy. Kiểu bẫy này đôi khi được gọi là “bẫy ngẫu nhiên”.
4.7. Động vật nhỏ và côn trùng gây hại trong kho bảo quản lương thực gồm:
a) bọ cánh cứng và mọt có giai đoạn trường thành không biết bay;
b) bọ cánh cứng và mọt có giai đoạn trưởng thành biết bay;
c) các loài ngài có giai đoạn trưởng thành biết bay;
d) các động vật nhỏ không biết bay và các động vật nhỏ chỉ có thể quan sát bằng mắt thường.
Việc lựa chọn loại bẫy tốt nhất phụ thuộc vào nhóm dịch hại và các điều kiện vật lý (khí hậu và vị trí kho) nơi đặt bẫy.
5. Các loại bẫy
Có nhiều loại bẫy khác nhau. Các bẫy nêu trong Phụ lục B và C là các loại bẫy tiêu biểu ở nhiều nước, có kèm theo hướng dẫn về thiết kế và cấu trúc của bẫy. Việc sử dụng các loại bẫy khác nhau có thể cho các kết quả khác nhau khi đánh giá quần thể dịch hại nhiễm trong cùng một kho. Bẫy sản xuất tại chỗ, theo các nguyên tắc đưa ra trong tiêu chuẩn này sẽ cung cấp thông tin có ích về sự nhiễm dịch hại, nhưng có thể không biết được mức độ hiệu quả của chúng và các kết quả này sẽ không so sánh trực tiếp được với các loại bẫy khác.
Phụ lục B đưa ra các ví dụ về các loại bẫy, cùng với các minh họa trong Phụ lục C nhằm hỗ trợ việc lựa chọn các phương pháp bẫy thích hợp trong bảo quản các loại lương thực khác nhau.
6. Phương pháp bẫy
6.1. Bẫy trong khối hạt rời
6.1.1 Bẫy động vật nhỏ và côn trùng bò trong khối hạt rời
Các điều kiện có thể thay đổi được xem xét là:
– loại kho bảo quản,
– cách tiếp xúc với bề mặt khối hạt,
– sự tiếp xúc với thời tiết,
– khối lượng từng khối hạt,
– thời hạn bảo quản dự kiến.
Cần lựa chọn loại bẫy phù hợp nhất. Bẫy loại ống xiên (Hình C.1) được đặt thành cặp gồm một bẫy ở tầng trên khối hạt 10 cm đến 30 cm và bẫy thứ hai nằm sâu 200 cm trong khối hạt. Bẫy kết hợp giữa bẫy dạng hộp với bẫy xiên (Hình C.3) cần dùng theo cặp, bẫy ở trên bề mặt hạt và bẫy ở dưới nằm sâu khoảng 20 cm đến 30 cm trong khối hạt. Bẫy dạng hộp mở (Hình C.2) được đặt trên bề mặt hạt. Bụi bám trên bề mặt trong của bẫy dạng hộp mở có thể giúp động vật nhỏ, sâu non và một số loài bọ cánh cứng (đặc biệt là mọt gạo và mọt ngô, Sitophilus oryzae và Sitopilus zeamais) có thể bò trên một số bề mặt chất dẻo bóng để thoát ra. Do vậy, bề mặt bên trong của cửa bẫy thường được xử lý bằng dung dịch PTFE (polyetrafluoroethen), dung dịch này có thể được tẩy sạch và thay thế tùy theo hạn sử dụng.
Bẫy túi lưới chứa mồi (túi được làm từ chất dẻo có mắt lưới 2 mm chứa chất dẫn dụ là thức ăn hỗn hợp) (Hình C.9) có thể được đặt trực tiếp trên bề mặt khối hạt, nhưng loại bẫy này không thích hợp nếu trong kho có nhiều động vật gặm nhấm. Hiệu quả của loại bẫy này giảm theo thời gian lưu của các hợp phần thức ăn. Ở một số nước, đậu carob hoặc đậu locust được chọn là hợp phần hấp dẫn nhất đối với động vật không xương sống, mùi thơm của chúng giảm theo thời gian sử dụng. Các hợp phần thức ăn khác gồm lúa mì hoặc ngô nguyên hạt dạng mảnh, ngô dạng cốm, yến mạch, lạc và gạo lật. Việc lựa chọn công thức tạo mồi phụ thuộc vào nguyên liệu sẵn có tại địa phương và bản chất của khối hạt được bảo quản cũng như sở thích đã biết hoặc dự đoán của các loài dịch hại đích. Động vật không xương sống sẽ lưu lại bên trong túi lưới và mồi do sự chọn lựa (sở thích) chứ không phải do không có lối thoát. Trong hầu hết kho bảo quản hạt rời, bẫy túi lưới chứa mồi là thích hợp để phát hiện động vật không xương sống trong kho hoặc trong kho hạt đóng bao.
Tất cả các loại bẫy sử dụng trong khối hạt rời nên dùng dây hoặc vật liệu khác buộc vào cọc hoặc khung kho, để dễ đặt và tháo gỡ. Sơ đồ hoặc bản vẽ bề mặt khối hạt nơi đặt bẫy có thể được giữ lại để trợ giúp việc ghi các kết quả.
Động vật nhỏ trong kho bảo quản có thể dài đến 0,5 mm. khó nhìn thấy bằng mắt thường và thường phân tán lẫn trong lương thực và tạp chất, làm cho việc kiểm tra bằng mắt khó khăn hơn. Hiện tại, dùng bẫy mồi nhử có chất dẫn dụ để phát hiện động vật nhỏ trong kho để rời là hiệu quả nhất.
Bẫy dạng túi mồi ẩn bằng chất dẻo dựa vào sự hấp dẫn của mồi làm bằng lương thực có độ ẩm cao nằm trong một khoang có độ ẩm không khí cao nhằm lôi cuốn động vật nhỏ đi vào và lưu lại bên trong bẫy. Không có biện pháp ngăn cản động vật nhỏ ra khỏi bẫy, chúng sẽ ra khỏi bẫy khi mồi bị khô. Do vậy, số động vật nhỏ đếm được trong bẫy chỉ cho biết hoạt động của chúng và có thể cần phải tăng tần suất kiểm tra để thu được số đếm tối ưu trong khi mồi còn giữ được độ ẩm cao nhất và hấp dẫn nhất.
Có thể dùng bẫy túi lưới chứa mồi để phát hiện động vật nhỏ ở hầu hết các điều kiện trong kho. Hiệu quả sẽ thấp hơn dùng bẫy ẩn mắc mồi, vì độ ẩm của thức ăn thấp hơn, làm cho độ ẩm không khí thấp hơn. Động vật nhỏ lưu lại bên trong túi lưới chứa mồi là do sự chọn lựa (sở thích) chứ không phải do không thể thoát khỏi bẫy.
Bẫy động vật nhỏ có thể được đặt ở bất kỳ nơi nào thích hợp, trên sàn, cách nhau 2 m hoặc 3 m, hoặc ở cạnh nhau trong trường hợp đánh bẫy có mục tiêu cụ thể. Bảo dưỡng bẫy dạng mồi nhử thông thường bằng cách lấy ra để kiểm tra và thay thế bằng một bẫy khác. Đối với một số kiểu bẫy, cần thay thế hộp bằng chất dẻo đã tái sử dụng bằng hộp mồi mới. Thời gian thay thế phụ thuộc vào độ tươi và độ ẩm của mồi, thường là 7 ngày đến 10 ngày. Sự thay đổi này phụ thuộc vào điều kiện khí hậu địa phương và mặc dù hầu hết mồi nhử chứa chất ức chế nấm mốc, nhưng khi phát hiện có nấm mốc trong bẫy thì nên thay thế.
6.1.2. Bẫy côn trùng biết bay trong khối hạt rời
Các loại bẫy thích hợp để bẫy côn trùng bay (Hình C.4, C.5 và C.8) có thể đặt trực tiếp trên bề mặt khối hạt hoặc ở độ cao từ 100 cm đến 300 cm trên bề mặt khối hạt. Khi đặt bẫy trong kho bảo quản hạt thì cần lưu ý tới sơ đồ vị trí đặt và gỡ bẫy cho mỗi lần lấy số liệu.
Tất cả các loại bẫy đều thích hợp đối với kho bảo quản hạt nhiều bụi, trừ bẫy sử dụng miếng dính. Tuy nhiên, kho có quá nhiều bụi có thể làm giảm hiệu quả sử dụng chúng. Nơi đặt bẫy phụ thuộc vào mồi pheromon, mồi được thay thế theo hướng dẫn của nhà sản xuất để duy trì sự hấp dẫn. Ở các vùng khí hậu nhiệt đới nóng, cần thay mồi pheromon thường xuyên hơn so với khuyến nghị chung, do tốc độ bay hơi nhanh hơn. Mồi chưa sử dụng phải được bảo quản ở nhiệt độ thấp.
6.2. Bẫy trong bao hạt bảo quản
6.2.1. Yêu cầu chung
Để phát hiện có hiệu quả, phải lựa chọn kỹ thuật bẫy phù hợp với loại động vật không xương sống cần bẫy. Chi tiết hơn xem 4.7. Không có loại bẫy nào loại trừ lẫn nhau và có thể sử dụng kết hợp các loại bẫy trong cùng một kho.
6.2.2. Bẫy côn trùng bò trong bao hạt bảo quản
Việc bố trí bẫy trong bao hạt bảo quản phụ thuộc vào cách xếp bao và yêu cầu cần kiểm tra bẫy định kỳ. Một vài loại bẫy cần được bảo trì thường xuyên, một số bộ phận phải được thay thế theo chu kỳ được khuyến cáo. Ví dụ: mồi giải phóng pheromon, dải dính, tấm dính và đĩa giấy tẩm dầu, các bộ phận này đều có sự biến đổi nên thời gian sử dụng hiệu quả bị giới hạn.
Như một hướng dẫn chugn, nên đặt bẫy ở nơi tối và ít người qua lại trong kho, nơi mà hoạt động của động vật không xương sống là lớn nhất và ở gần hoặc giữa các bao hạt và các pallet. Khoảng cách giữa các bẫy không cần cố định, nhưng có thể được đặt thành hàng với khoảng cách từ 3 m đến 6 m xung quanh đáy các bao và đường giáp nhau giữa tường/sàn. Việc bố trí bẫy theo phương thẳng đứng phụ thuộc vào loại bẫy và cách sắp xếp các bao. Khi có thể, nên đặt bẫy giữa các bao hoặc nếu dùng pallet thì đặt bẫy thẳng trong pallet để dễ lấy ra.
Bẫy dạng hộp cactông gấp nếp có tấm đáy dính (Hình C.8) và bẫy dạng khay chất dẻo có nắp và tấm đáy dính có thể thay thế được (Hình C.7) đều phụ thuộc vào độ dính của chất dính phù hợp để giữ lại động vật không xương sống khi chúng vào trong bẫy. Các loại bẫy này hiếm khi dùng đến mồi. Tuy nhiên, khi có sẵn các các túi hoặc viên thức ăn để làm mồi nhử thì các mồi này cần được thay thế theo khuyến cáo của nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp.
Bẫy dạng hộp đáy phẳng có nắp dạng vòm đục lỗ có thể dùng mồi là các viên khác hoặc túi thức ăn hoặc các viên năng pheromon. Loại bẫy này phụ thuộc vào độ nhẵn và độ bóng của bề mặt trong tránh để động vật không xương sống trốn thoát và hạn chế ảnh hưởng của bụi trong kho. Tuy nhiên, động vật nhỏ, sâu non và một số bọ cánh cứng (đặc biệt là mọt gạo, Sitophilus oryzae) có thể bò lên trên bề mặt chất dẻo bóng và trốn thoát.
Bẫy dạng hộp bằng chất dẻo gấp nếp hoặc có nắp dạng tấm (Hình C.6) thường sử dụng mồi trên đĩa giấy hấp thụ nhỏ có một vài giọt dầu thực vật dẫn dụ (ví dụ như: dầu ngô, dầu hướng dương, dầu hạt cải dầu). Tùy thuộc vào thiết kế của bẫy, bụi trong không khí có thể phủ lên trên đĩa dầu.
Bẫy túi lưới chứa mồi (Hình C.9) có thể được bố trí ở hầu hết các vị trí trong bao hạt bảo quản. Hiệu quả của chúng giảm dần theo thời gian lưu mồi. Động vật không xương sống lưu lại bên trong túi lưới và thức ăn là do sự chọn lựa (sở thích) chứ không phải do không thể thoát khỏi bẫy. Các thức ăn điển hình để làm mồi bao gồm đậu carob (đậu locust), lạc và lúa mì. Ngô mảnh được dùng thay cho hạt tại những vị trí nhạy cảm của một số cơ sở chế biến, nơi sự nhiễm bẩn của hạt được xem là nguy hiểm. Yến mạch cũng là loại lương thực rất hấp dẫn đối với nhiều loại bọ cánh cứng. Gạo lật được dùng hiệu quả trong kho bảo quản gạo.
6.2.3. Bẫy côn trùng biết bay trong bao hạt bảo quản
Bẫy được dùng để phát hiện côn trùng biết bay thường được đặt ở nơi thoáng khí, phía trên bao và cạnh bao hoặc trên tường của kho. Vị trí đặt bẫy phải thuận lợi cho việc quan sát và kiểm tra. Nhìn chung, bẫy côn trùng biết bay nhử mồi bằng các viên nang có chứa pheromon và/hoặc mồi bằng thức ăn, các bẫy “đích” này ít phụ thuộc vào việc côn trùng mắc bẫy ngẫu nhiên.
Bẫy ngài bằng loại thùng hoặc phễu có sử dụng mồi pheromon (Hình C.4) thường được treo lên trần nơi thuận tiện nhất hoặc ở vị trí giá treo, hoặc được đặt trực tiếp lên nóc đống bao. Cách kiểm tra ngài bị bẫy là quan trọng, cần có phương pháp giữ ngài trưởng thành trong túi/hộp thu nhận. Có thể thực hiện được điều này bằng cách đặt một dải vải nhỏ tẩm dichlorvos bên trong hộp thu nhận (nếu được cơ quan có thẩm quyền cho phép), hoặc bằng cách đặt dải dính lên đáy hoặc xung quanh thành trong của hộp thu nhận. Bẫy phải được đặt ở nơi dễ tiếp cận để dễ thay viên nang pheromon theo khuyến cáo của nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp.
Bẫy dạng lều bằng chất dẻo gấp nếp hoặc bằng cactông (Hình C.5) được treo giống như bẫy dạng thùng. Loại bẫy này cũng có viên nang chứa pheromon, chúng cần được thay thường xuyên. Tuy nhiên, phương pháp bẫy này phụ thuộc vào bề mặt dính ở đáy lều. Do cửa lều rộng, nên loại bẫy này có thể bị ảnh hưởng bởi bụi từ không khí và bề mặt dính có thể mất hiệu quả nhanh trong điều kiện bụi bẩn. Một dạng khác của thiết kế này sử dụng bề mặt dính trong nắp đậy và trên đáy đối diện. Loại này thường có cửa hẹp, giảm được sự xâm nhập của bụi.
Bẫy bắt côn trùng biết bay dựa vào dải dính để hở, dùng mồi nhử là viên nang tẩm pheromon, cần định kỳ thay thế viên nang theo khuyến cáo của nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp. Bề mặt hở của bẫy dính sẽ bị dính bụi nhanh hơn bẫy có bề mặt dính bên trong. Nhiều loại bẫy này thường được thay mới hoàn toàn khi pheromon hết hoạt lực, chúng có cấu trúc đơn giản và chi phí thấp. Việc bố trí các bẫy này nhìn chung giống với các loại bẫy ở trên, ngoại trừ việc bẫy này không thích hợp khi đặt trực tiếp chúng trên các bao trên cùng của chồng bao.
Các bẫy dạng hộp cactông nông gấp nếp tròn (Hình C.8) mở ở đầu hoặc bên cạnh có thể đặt ở bất kỳ chỗ nào thuận tiện, nhưng tốt nhất là cao hơn sàn kho 1,5 m. Chúng có thể được treo trên giá, được đặt đứng, hoặc được đặt trực tiếp lên các bao của chồng bao. Mồi nhử thường được tẩm pheromon (đôi khi cũng dùng bả thức ăn), cần thay mồi thường xuyên theo khuyến cáo của nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp. Nhiều bẫy loại này được thay thế hoàn toàn khi cần thay pheromon vì cấu trúc của chúng đơn giản và giá rẻ. Bề mặt dính bên trong của chúng được bảo vệ tốt khỏi bụi từ không khí thông thường và chỉ trong các điều kiện bất thường mới tích bụi trên bề mặt dính nhanh hơn thời gian thay bẫy bình thường.
6.2.4. Bẫy các loài động vật nhỏ trong bao hạt bảo quản
Động vật nhỏ trong kho dài khoảng 0,5 mm, nên không dễ quan sát bằng mắt thường và thường phân tán trong khối hạt làm cho việc quan sát bằng mắt thường khó khăn hơn. Việc sử dụng bẫy mồi nhử có chất dẫn dụ hiện nay là phương pháp hiệu quả nhất để phát hiện lượng nhỏ động vật trong kho lương thực. Bẫy mồi ẩn bằng chất dẻo dựa vào tính hấp dẫn của bả thức ăn có độ ẩm cao bên trong khoang có độ ẩm không khí cao nhằm thu hút động vật nhỏ vào và lưu lại trong bẫy. Không có biện pháp nào để ngăn chặn động vật nhỏ thoát khỏi bẫy khi bả thức ăn khô. Số lượng động vật nhỏ trong bẫy chỉ cho biết hoạt động của chúng, do vậy cần phải tăng tần suất kiểm tra để thu được số lượng động vật nhỏ tối ưu.
Có thể dùng bẫy bằng túi lưới chứa mồi (Hình C.9) để phát hiện động vật nhỏ ở hầu hết các vị trí trong kho. Hiệu quả của chúng sẽ thấp hơn bẫy có mồi ẩn, do độ ẩm của các hợp phần thức ăn thấp hơn và dẫn đến độ ẩm không khí thấp hơn. Động vật nhỏ lưu lại trong bẫy có mồi là do chúng lựa chọn (sở thích) chứ không phải do chúng không thể thoát khỏi bẫy. Nếu động vật nhỏ có mặt ở vùng nào đó của kho thì độ ẩm tương đối của không khí nơi đó phải phù hợp với sự phát triển của chúng (độ ẩm tương đối của không khí thường trên 60 %), túi mồi và mồi bên trong nhanh chóng đạt cân bằng ẩm trong thời gian từ 24 h đến 36 h, thời gian này kéo dài khi bẫy có hiệu quả dẫn dụ động vật nhỏ, trước khi nấm mốc phát triển làm giảm khả năng sử dụng bẫy.
Bẫy động vật nhỏ có thể được đặt ở bất kỳ nơi nào thuận tiện, trên sàn hoặc giữa các bao và giá, với khoảng cách giữa các bẫy khoảng 2 m đến 3 m, hoặc để cạnh nhau trong trường hợp đánh bẫy có mục tiêu. Việc bảo trì bẫy được thực hiện bằng cách gỡ bẫy đưa đi kiểm tra và thay bẫy mới. Đối với một số bẫy chỉ thực hiện việc thay thế hộp chứa mồi. Khoảng thời gian thay thế phụ thuộc vào độ tươi và độ ẩm của mồi và thường là 7 ngày đến 10 ngày. Khoảng thời gian có thể thay đổi phụ thuộc vào điều kiện khí hậu địa phương, tuy hầu hết các loại mồi đều có chất chống mốc, nhưng sự phát triển của nấm mốc sẽ là dấu hiệu thực tế để thay mồi.
7. Ghi kết quả
Cần lập một bảng đơn giản để ghi kết quả của việc động vật không xương sống bị bắt giữ, bị bẫy hoặc có mặt trong hoặc trên các loại bẫy mô tả ở trên. Thông tin bao gồm:
a) tên hoặc số hiệu thùng/xilô/ngăn bảo quản hạt (nếu thích hợp);
b) loại hạt được giám sát côn trùng bằng bẫy;
c) độ ẩm trung bình của khối hạt rời hoặc đóng bao;
d) độ ẩm bề mặt của khối hạt rời, nếu khác đáng kể so với độ ẩm trung bình;
e) nhiệt độ môi trường trung bình của kho trong ngày làm việc;
f) độ ẩm trung bình của không khí trong kho trong ngày làm việc;
g) loại bẫy;
h) vị trí đặt bẫy;
i) số lượng bẫy;
j) ngày đặt bẫy;
k) ngày bảo dưỡng bẫy (thay mồi, v.v…);
l) ngày (hoặc tuần) từ lần đếm cuối cùng;
m) ngày đếm côn trùng/động vật nhỏ;
n) số lượng và tên loài bẫy được;
o) giai đoạn sống hiện tại (nếu cần để kiểm soát dịch hại).
Các thông tin khác có thể cần thu thập theo yêu cầu (ví dụ: tên của kỹ thuật viên, nơi khối hạt đến, thời tiết trong ngày lấy mẫu).
8. Diễn giải kết quả
8.1. Việc xác định chính xác động vật không xương sống bắt được trong bẫy là cần thiết để đưa ra giải pháp kiểm soát. Việc xác định động vật không xương sống trong kho bảo quản không phải là kỹ năng thông thường và có thể cần đến chuyên gia để thực hiện việc này.
8.2. Số lượng động vật không xương sống trong bẫy phụ thuộc vào loài và vị trí. Các loại hạt dùng làm thức ăn cho con người thường được bảo quản với tiêu chuẩn cao hơn so với hạt dùng làm thức ăn chăn nuôi. Trong một số trường hợp, có thể đặt ra giới hạn về số lượng dịch hại, nếu vượt quá thì cần đưa ra biện pháp quản lý dịch hại thích hợp, như xông khử trùng. Sự khác biệt về độ lớn của các giới hạn này phản ánh tầm quan trọng của dịch hại và tính chặt chẽ của các tiêu chuẩn chất lượng được áp dụng cho khối hạt.
8.3. Việc chọn đúng bẫy sẽ cho kết quả phát hiện động vật nhỏ và côn trùng tin cậy hơn so với các phương pháp lấy mẫu hạt thương mại thông thường (không được thiết kế để phát hiện động vật không xương sống), nên cả bên bán và bên mua cần phải thống nhất phương pháp hiện được sử dụng.
8.4. Các loại bẫy và kế hoạch bảo dưỡng phù hợp với từng loại bẫy có thể được chuẩn hóa. Tuy nhiên, cùng một loại bẫy sử dụng cho kho bảo quản hạt rời hoặc bao hạt bảo quản khác nhau có thể cho kết quả rất khác nhau. Sự khác nhau về hiệu quả có thể do một số yếu tố như: nhiệt độ và độ ẩm của hạt, sự khác nhau về giống của cùng một loại hạt và sự khác biệt về khí hậu. Xem thêm 6.1 về lưu ý với các loại bẫy.
Việc đánh bẫy chỉ đưa ra đánh giá tương đối số lượng động vật không xương sống, nhưng không đưa ra thông tin về xu hướng tăng hoặc giảm đàn côn trùng cho phép bắt đầu hoặc thay đổi chiến lược kiểm soát dịch hại.
8.5. Tiêu chuẩn này không quy định ý nghĩa của các số lượng động vật không xương sống khác nhau phát hiện được bằng bẫy trong kho bảo quản. Trong một số trường hợp, có thể áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia; ngoài ra có thể sử dụng các quy định kỹ thuật trong thương mại.
PHỤ LỤC A
(Tham khảo)
CÁC BIỆN PHÁP KHÁC ĐỂ PHÁT HIỆN ĐỘNG VẬT KHÔNG XƯƠNG SỐNG CÒN SỐNG TRONG KHỐI HẠT BẢO QUẢN
Các phương pháp sau đôi khi được sử dụng:
– phương pháp âm học;
– phương pháp thông khí*;
– phương pháp giải phóng cacbon dioxit*;
– phương pháp tách đãi*;
– phương pháp cấp và phát nhiệt*;
– phương pháp bức xạ hồng ngoại gần*;
– phương pháp nhuộm màu ninhydrin*;
– phương pháp cộng hưởng từ hạt nhân*;
– phương pháp đâm/xiên*;
– phương pháp sàng*;
– phương pháp phát hiện bằng axit uric*;
– phương pháp kiểm tra bằng mắt thường**;
– phương pháp dùng tia X*.
Các phương pháp được đánh dấu hoa thị dựa vào việc lấy mẫu hàng hóa. Việc lấy mẫu không được xem là biện pháp hiệu quả nhất để phát hiện động vật không xương sống có mặt trong kho bảo quản hạt. Một số phương pháp này được mô tả trong TCVN 6130 (ISO 6639-4).
Phương pháp được đánh dấu hai hoa thị dựa vào việc quan sát liên quan đến phần lựa chọn của hạt trong kho, hơn là loại bỏ mẫu riêng đối với phép kiểm tra tiếp theo.
PHỤ LỤC B
(Tham khảo)
VÍ DỤ VỀ CÁC LOẠI BẪY PHÁT HIỆN CÔN TRÙNG KHÔNG XƯƠNG SỐNG CÒN SỐNG TRONG KHO BẢO QUẢN HẠT
Điều |
Tình trạng bảo quản |
Loại bẫy |
6.1.1 |
Khối hạt rời:
Động vật nhỏ và côn trùng bò |
Bẫy xiên
Bẫy dạng hộp Bẫy kết hợp xiên và dạng hộp Túi lưới chứa mồi |
6.1.2 |
Khối hạt rời:
Côn trùng biết bay |
Bẫy dạng thùng hoặc phễu
Bẫy dạng lều bằng chất dẻo gấp nếp hoặc bằng cactông Bẫy dạng dải dính hở Bẫy dạng hộp nông mở-đóng/cạnh |
6.2.2 |
Bảo quản trong bao:
Côn trùng bò |
Hộp cactông có tấm đáy dính
Khay chất dẻo có nắp và có tấm đáy dính Bẫy dạng hộp đáy phẳng có nắp đậy dạng vòm đục lỗ Bẫy dạng hộp bằng chất dẻo gấp lại có nắp đậy gấp hoặc phẳng Túi lưới chứa mồi |
6.2.3 |
Bảo quản trong bao:
Côn trùng biết bay |
Bẫy dạng thùng hoặc phễu
Bẫy dạng lều bằng chất dẻo gấp nếp hoặc bằng cactông Bẫy dạng dải dính hở Bẫy dạng hộp nông mở-đóng/cạnh |
6.2.4 |
Bảo quản trong bao:
Động vật nhỏ |
Bẫy mồi ẩn
Túi lưới chứa mồi |
PHỤ LỤC C
(Tham khảo)
CÁC VÍ DỤ MINH HỌA VỀ CÁC LOẠI BẪY KHÁC NHAU ĐƯỢC DÙNG ĐỂ PHÁT HIỆN ĐỘNG VẬT NHỎ VÀ CÔN TRÙNG SỐNG TRONG KHO BẢO QUẢN HẠT
|
|
Hình C.1 – Bẫy xiên bằng chất dẻo hình ống |
Hình C.2 – Bẫy dạng hộp bằng chất dẻo |
|
|
Hình C.3 – Bẫy kết hợp xiên và dạng hộp |
Hình C.4 – Bẫy dạng thùng hoặc phễu |
|
|
Hình C.5 – Bẫy dạng lều bằng chất dẻo gấp nếp hoặc bằng cactông có chất dính ở mặt trong (đôi khi được gọi là bẫy tam giác) |
Hình C.6 – Bẫy dạng hộp gồm phần bẫy bằng chất dẻo gấp lại và có miếng tẩm dầu làm chất dẫn dụ |
|
|
Hình C.7 – Khay chất dẻo có nắp được gắn bằng bản lề và tấm đáy dính |
Hình C.8 – Hộp cactông có tấm đáy dính |
Hình C.9 – Túi lưới bằng chất dẻo có chứa bả thức ăn
PHỤ LỤC D
(Tham khảo)
VÍ DỤ VỀ CÁC PHƯƠNG PHÁP XỬ LÝ ĐỐI VỚI HẠT BỊ HƯ HỎNG DO ĐỘNG VẬT KHÔNG XƯƠNG SỐNG GÂY HẠI
D.1. Phương pháp xử lý vật lý
Các ví dụ sau được sử dụng:
– khử trùng bằng nhiệt (quá 55 oC trong thời gian > 30 min)
– xử lý bằng nhiệt độ thấp (đưa hạt xuống dưới – 15 oC trong ít nhất một tuần)
– gõ đập (như dùng máy quay ly tâm khi nghiền)
– thiết bị truyền rung động (thích hợp nhất để giảm động vật nhỏ gây hại)
– khoan vệ sinh.
D.2. Phương pháp xử lý bằng hóa chất (thuốc bảo vệ thực vật)
Các ví dụ sau được sử dụng:
– xông khử trùng bằng độc tố (thường sử dụng hoặc metyl bromit hoặc khí phosphin);
– xông khử trùng bằng khí tự nhiên (hoặc nitơ hoặc cacbon dioxit).
THƯ MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] TCVN 7857-1:2008 (ISO 6322-1:1996), Bảo quản ngũ cốc và đậu đỗ – Phần 1: Khuyến nghị chung về bảo quản ngũ cốc
[2] TCVN 7857-2:2008 (ISO 6322-2:2000), Bảo quản ngũ cốc và đậu đỗ – Phần 2: Khuyến nghị thực hành
[3] TCVN 7847-1:2008 (ISO 6639-1:1986), Ngũ cốc và đậu đỗ – Xác định sự nhiễm côn trùng ẩn náu – Phần 1: Nguyên tắc chung
[4] TCVN 7847-2:2008 (ISO 6639-2:1986), Ngũ cốc và đậu đỗ – Xác định sự nhiễm côn trùng ẩn náu – Phần 2: Lấy mẫu
[5] TCVN 7847-3:2008 (ISO 6639-3:1986), Ngũ cốc và đậu đỗ – Xác định sự nhiễm côn trùng ẩn náu – Phần 3: Phương pháp chuẩn
[6] TCVN 6130:1996 (ISO 6639-4:1987), Ngũ cốc và đậu đỗ – Xác định sự nhiễm côn trùng ẩn náu – Các phương pháp nhanh
[7] TCVN 5451:2008 (ISO 13690:1999), Ngũ cốc, đậu đỗ và sản phẩm nghiền – Lấy mẫu từ khối hàng tĩnh.
*) (TCVN 5451 ISO 13690) đã hủy và được thay bằng TCVN 9027:2011 (ISO 24333:2009) Ngũ cốc và sản phẩm ngũ cốc – Lấy mẫu.
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 9708:2013 (ISO 16002:2004) VỀ NGŨ CỐC VÀ ĐẬU ĐỖ BẢO QUẢN – HƯỚNG DẪN PHÁT HIỆN NHIỄM ĐỘNG VẬT KHÔNG XƯƠNG SỐNG BẰNG BẪY | |||
Số, ký hiệu văn bản | TCVN9708:2013 | Ngày hiệu lực | 06/05/2013 |
Loại văn bản | Tiêu chuẩn Việt Nam | Ngày đăng công báo | |
Lĩnh vực |
An toàn thực phẩm |
Ngày ban hành | 06/05/2013 |
Cơ quan ban hành |
Bộ khoa học và công nghê |
Tình trạng | Còn hiệu lực |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn | Văn bản hướng dẫn | ||
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |