TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN II:2012 BỘ TIÊU CHUẨN QUỐC GIA VỀ THUỐC
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA
TCVN II: 2012
BỘ TIÊU CHUẨN QUỐC GIA VỀ THUỐC
Set of national standards for medicines
Lời nói đầu
Bộ tiêu chuẩn quốc gia về thuốc TCVN II: 2012 được xây dựng trên nguyên tắc nối tiếp Bộ TCVN I: 2009
Bộ tiêu chuẩn quốc gia về thuốc TCVN II: 2012 do Hội đồng Dược điển Việt Nam biên soạn, Bộ Y tế đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
Lời giới thiệu
Tiêu chuẩn quốc gia về thuốc là văn bản kỹ thuật về tiêu chuẩn hóa và kiểm nghiệm chất lượng thuốc. Bộ tiêu chuẩn quốc gia về thuốc này có 79 tiêu chuẩn, chia thành 4 phần như sau:
Phần 1: Phương pháp kiểm nghiệm thuốc và chuyên mục, gồm: 5 tiêu chuẩn;
Phần 2: Nguyên liệu hóa dược, gồm: 18 tiêu chuẩn;
Phần 3: Thành phẩm hóa dược, gồm: 37 tiêu chuẩn;
Phần 4: Dược liệu, gồm: 19 tiêu chuẩn.
Danh pháp, thuật ngữ trong Bộ tiêu chuẩn quốc gia về thuốc được viết theo quy định của Hội đồng Dược điển Việt Nam, Bộ Y tế. Các thuật ngữ dược phẩm được viết dựa trên nguyên tắc việt hóa tên chung quốc tế Latin (DCI Latin) một cách hợp lý nhằm tránh làm biến dạng mặt chữ quá khác so với thuật ngữ quốc tế. Tên hợp chất hữu cơ được viết theo danh pháp do Hiệp hội quốc tế hóa học thuần túy và ứng dụng (I.U.P.A.C) quy định. Trong một số trường hợp cá biệt, các thuật ngữ tiếng Việt đã quen dùng đối với một số nguyên tố, hóa chất hay tên dược liệu vẫn tiếp tục sử dụng.
BỘ TIÊU CHUẨN QUỐC GIA VỀ THUỐC
Set of nationaI standards for medicines
- Phạm vi áp dụng
Bộ tiêu chuẩn này quy định:
– Các phương pháp kiểm nghiệm thuốc; áp dụng để kiểm tra, đánh giá chất lượng thuốc thành phẩm, nguyên liệu làm thuốc, vắc xin và sinh phẩm y tế, dược liệu và thuốc từ dược liệu đăng ký lưu hành trong nước.
– Các chỉ tiêu, yêu cầu kỹ thuật, phương pháp kiểm nghiệm, bảo quản và các yêu cầu có liên quan đến chất lượng đối với các nguyên liệu hóa dược; áp dụng để kiểm tra đánh giá chất lượng các nguyên liệu hóa dược đăng ký lưu hành trong nước.
– Các chỉ tiêu, yêu cầu kỹ thuật, phương pháp kiểm nghiệm, bảo quản và các yêu cầu có liên quan đến chất lượng thành phẩm hóa dược; áp dụng để kiểm tra, đánh giá chất lượng các thành phẩm hóa dược đăng ký lưu hành trong nước.
– Các chỉ tiêu, yêu cầu kỹ thuật, phương pháp kiểm nghiệm, bảo quản và các yêu cầu có liên quan đến chất lượng dược liệu; áp dụng để kiểm tra, đánh giá chất lượng dược liệu đăng ký lưu hành trong nước.
Đối với các nguyên liệu hóa dược, các thành phẩm hóa dược, các dược liệu, các phương pháp kiểm nghiệm thuốc không nêu trong bộ tiêu chuẩn này và Bộ tiêu chuẩn quốc gia về thuốc TCVN I : 2009 thì các nhà sản xuất và/hoặc các tổ chức, cá nhân có liên quan có thể áp dụng tiêu chuẩn cơ sở hoặc tiêu chuẩn nước ngoài theo quy định hiện hành.
- Tài liệu viện dẫn
Các tài liệu viện dẫn sau rất cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn có ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản được nêu. Đối với các tài liệu không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả sửa đổi bổ sung (nếu có).
TCVN I-1 : 2009, Bộ tiêu chuẩn quốc gia về thuốc – Phần 1: Phương pháp kiểm nghiệm thuốc;
TCVN I-2 : 2009, Bộ tiêu chuẩn quốc gia về thuốc – Phần 2: Nguyên liệu hóa dược.
- Các tiêu chuẩn
Các Phụ lục nêu trong các tiêu chuẩn dưới đây được tham chiếu theo TCVN I-1 : 2009, Bộ tiêu chuẩn quốc gia về thuốc – Phần 1: Phương pháp kiểm nghiệm thuốc.
Phần 1
PHƯƠNG PHÁP KIỂM NGHIỆM THUỐC VÀ CHUYÊN MỤC
PHỤ LỤC 1
(Quy định)
1.25. DUNG DỊCH RỬA VẾT THƯƠNG
Định nghĩa
Dung dịch rửa vết thương là những dung dịch nước vô khuẩn với dung tích lớn, được sử dụng để rửa các khoang cơ thể, các vết thương hở và bề mặt tiếp xúc trong quá trình phẫu thuật.
Sản xuất
Dung dịch rửa vết thương được điều chế bằng cách hòa tan một hoặc nhiều dược chất, chất điện giải và những chất có tính thẩm thấu trong nước để pha thuốc tiêm hoặc chỉ riêng là nước để pha thuốc tiêm.
Chế phẩm phải được dán nhãn là Dung dịch rửa vết thương. Các dung dịch này thường được điều chỉnh đạt độ đẳng trương đối với máu.
Dung dịch rửa vết thương được đóng gói đơn liều trong các đồ đựng. Đồ đựng và nút phải đáp ứng các quy định của Đồ đựng dùng cho chế phẩm thuốc tiêm (Phụ lục 17.1; 17.3.2), nhưng bộ phận thoát dung dịch của đồ đựng này phải không được tương thích với bộ dây truyền dịch. Không cho phép dùng bộ dây truyền dịch để dẫn truyền Dung dịch rửa vết thương khi sử dụng. Những nguyên liệu được dùng và các phương pháp áp dụng trong quá trình sản xuất Dung dịch rửa vết thương phải đảm bảo tính vô khuẩn và ngăn ngừa sự xâm nhập của các chất gây ô nhiễm cũng như sự phát triển của vi vinh vật (Phụ lục 16.1).
Trong quá trình đóng gói phải đảm bảo một lượng nhỏ chế phẩm có thể lấy ra được từ đồ đựng.
Yêu cầu chất lượng
Kiểm tra trong điều kiện ánh sáng thích hợp, Dung dịch rửa vết thương phải trong và không có các tiểu phân.
Yêu cầu về tính chất, pH, định tính, định lượng, sai số thể tích và các yêu cầu kỹ thuật khác
Theo quy định trong chuyên luận riêng.
Thử vô khuẩn
Phải vô khuẩn (Phụ lục 13.7).
Nội độc tố vi khuẩn
Dưới 0,5 EU/ml chế phẩm (Phụ lục 13.2).
Chất gây sốt
Những chế phẩm không kiểm tra nội độc tố vi khuẩn phải đáp ứng phép thử chất gây sốt (Phụ lục 13.4), với liều tiêm 10 ml chế phẩm/kilôgam khối lượng cơ thể của thỏ, trừ những chỉ dẫn khác.
Ghi nhãn và bảo quản
Theo quy định hiện hành và ghi rõ:
– Chế phẩm không được sử dụng để tiêm.
– Chế phẩm chỉ được phép dùng một lần và toàn bộ phần thuốc còn lại phải loại bỏ.
– Bảo quản nơi khô mát.
Chế phẩm thường dùng
Dung dịch rửa vết thương clorhexidin.
Dung dịch rửa vết thương glucose.
Dung dịch rửa vết thương glycin.
Dung dịch rửa vết thương natri clorid.
Dung dịch rửa vết thương natri citrat.
PHỤ LỤC 4
(Quy định)
4.5. PHỔ KHỐI
Nguyên tắc
Chất phân tích được chuyển sang thể khí và ion hóa, tạo thành các ion dương hoặc âm. Phương pháp phổ khối dựa trên việc đo trực tiếp tỷ số m/z, là tỷ số giữa khối lượng m và điện tích z của ion chất phân tích. Tỷ số này được trình bày dưới dạng đơn vị khối lượng nguyên tử (1 a.m.u = 1/12 khối lượng của 12C) hay dalton (1 dalton = khối lượng nguyên tử hydro).
Trong máy phổ khối, các ion được tạo thành trong nguồn ion, được gia tốc rồi được tách trong bộ phân tích trước khi đến detector. Tất cả quá trình trên được thực hiện trong một buồng được hút chân không đến khoảng 10–3 đến 10-6 Pa.
Phổ thu được biểu diễn cường độ tương đối của các ion khác nhau phụ thuộc vào tỷ số m/z của các ion đó. Tín hiệu tương ứng với một ion là một nhóm các pic tương ứng với phân bố thống kê của các đồng vị khác nhau của ion đó. Đó là hình ảnh đồng vị của ion và trong đó pic của đồng vị có cường độ lớn nhất của một nguyên tử được gọi là pic đơn đồng vị.
Từ phổ khối ta có được những thông tin định tính (xác định khối lượng phân tử và thông tin về cấu trúc có được nhờ các mảnh thu được) hay định lượng (dùng chuẩn nội hay chuẩn ngoại) với giới hạn phát hiện trong khoảng từ picomol (10-12 mol) đến femtomol (10–15 mol).
Nạp mẫu
Việc đầu tiên cần làm khi phân tích một mẫu là phải đưa mẫu vào máy sao cho không ảnh hưởng nhiều đến chân không trong máy. Một phương pháp thường dùng là nạp trực tiếp mẫu lỏng; mẫu được đặt lên đầu một thanh hình trụ (trong một chén thạch anh, trên một sợi hay trên một bề mặt kim loại). Thanh này được đưa vào máy phổ khối sau khi đi qua một chốt chân không mà ở đây được duy trì một chân không đầu tiên, có áp suất trung gian giữa áp suất khí quyển và áp suất của chân không thứ hai ở trong máy.
Trong những hệ thống nạp mẫu khác, các thành phần trong hỗn hợp mẫu thử được tách trên một máy khác (như máy sắc ký) trước khi đi vào trong máy khối phổ được ghép nối với máy đó.
Sắc ký khí – khối phổ
Trong sắc ký khí – khối phổ, một đầu của cột sắc ký (mao quản hay bán mao quản) được đưa trực tiếp vào trong nguồn ion của máy khối phổ.
Sắc ký lỏng – khối phổ
Sự kết hợp sắc ký lỏng – khối phổ là kỹ thuật đặc biệt hữu ích trong việc phân tích các hợp chất phân cực, là những chất ít bay hơi hay rất dễ phân hủy bởi nhiệt, không phân tích được bằng sắc ký khí – khối phổ.
Khó khăn trong kỹ thuật sắc ký lỏng – khối phổ là làm thế nào thu được các ion ở thể khí từ pha lỏng, vì vậy cần có những giao diện đặc biệt như:
Nạp trực tiếp: Pha động từ đầu cột sắc ký đi ra, được phun sương và dung môi được bay hơi ở trước nguồn ion của máy khối phổ.
Giao diện chùm hạt: Pha động với lưu lượng tới khoảng 0,6 mL/min được phun sương và loại dung môi trong một buồng nhỏ, chỉ còn lại các hạt chất phân tích trung hòa điện đi tới nguồn ion của máy khối phổ; kỹ thuật này được dùng cho các hợp chất có độ phân cực tương đối thấp và khối lượng phân tử nhỏ hơn 1000 Da.
Giao diện băng chuyền: Pha động với lưu lượng tới khoảng 1 mL/min được đưa lên một băng chuyền; sau khi dung môi bay hơi, các chất phân tích được lần lượt đưa tới nguồn ion và được ion hóa ở đó; kỹ thuật này không phù hợp lắm cho các chất rất phân cực hay dễ phân hủy nhiệt. Các kiểu ghép nối khác (phun điện, phun nhiệt, ion hóa hóa học ở áp suất khí quyển) được coi như thực chất là các kỹ thuật ion hóa và sẽ được mô tả trong phần các kiểu ion hóa.
Sắc ký chất lỏng siêu tới hạn – khối phổ
Trong kỹ thuật sắc ký chất lỏng siêu tới hạn – khối phổ, pha động (thường là carbon dioxyd siêu tới hạn) khi đi qua một van chiết nóng nằm giữa cột sắc ký và nguồn ion sẽ chuyển sang thể khí.
Điện di mao quản – khối phổ
Trong kỹ thuật điện di mao quản – khối phổ, dịch rửa giải từ cột mao quản được đưa vào nguồn ion và trong một số trường hợp một dung môi khác được thêm vào để đạt được lưu lượng cỡ vài ml/min. Kỹ thuật này có hạn chế là lượng mẫu nhỏ và cần dùng dung môi bay hơi.
Các kiểu ion hóa
Bắn phá điện tử
Mẫu thử ở trạng thái khí được ion hóa dưới tác động của một chùm electron có năng lượng lớn hơn năng lượng ion hóa của mẫu (thường là 70 eV). Bên cạnh các ion phân tử M+, sẽ hình thành các mảnh đặc trưng cho cấu trúc của phân tử. Kỹ thuật này bị hạn chế chủ yếu vì phải hóa hơi mẫu. Vì vậy nó không phù hợp cho các chất phân cực, dễ phân hủy nhiệt hay có khối lượng phân tử lượng lớn.
Kiểu ion hóa bằng bắn phá điện tử phù hợp cho kỹ thuật ghép nối khối phổ với sắc ký khí và đôi khi với sắc ký lỏng.
lon hóa hóa học
Trong kiểu ion hóa này, người ta dùng một thuốc thử ở thể khí như methan, amoniac, nitrogen oxyd, nitrogen dioxyd hay oxygen. Phổ khối thu được sẽ đặc trưng bởi các ion kiểu (M + H)+ hay (M – H)– hay các ion cộng hợp giữa chất phân tích và khí thuốc thử. Các mảnh hình thành ít hơn so với kiểu bắn phá điện tử. Một biến thể khác của kỹ thuật này được dùng khi chất phân tích dễ bị phân hủy nhiệt; trong trường hợp này, mẫu được đưa lên một sợi dây và bay hơi rất nhanh do hiệu ứng nhiệt Joule-Thomson (ion hóa hóa học giải hấp).
lon hóa bằng bắn phá nguyên tử nhanh (FAB) hay ion nhanh (khối phổ ion thứ cấp lỏng – LSIMS)
Trong kỹ thuật này, mẫu thử được hòa tan trong một chất nền nhớt như glycerin, rồi cho lên một bề mặt kim loại và được bắn phá bởi một chùm nguyên tử trung hòa như argon hay xenon, hoặc bằng các ion cesi động năng cao.
Kết quả là sẽ xuất hiện các ion kiểu (M+H)+ hay (M-H)– hay các ion cộng hợp hình thành từ chất nền hay mẫu thử. Kiểu ion hóa này rất thích hợp cho các chất phân cực hay dễ phân hủy nhiệt, cho các chất có phân tử lượng tới 10 000 Da. Kỹ thuật này có thể dùng kết hợp với sắc ký lỏng trong đó pha động được cho thêm 1 % đến 2 % glycerin; tuy vậy lưu lượng pha động phải rất thấp (vài ml/min).
lon hóa điện trường và khử hấp điện trường
Trong kỹ thuật này, mẫu thử được bay hơi gần một sợi dây worlfram có phủ các vi kim (ion hóa điện trường) hay được đặt lên sợi dây (giải hấp điện trường). Mẫu thử được ion hóa dưới tác động của một điện áp khoảng 10 kV đặt giữa sợi dây và một đối điện cực. Hai kỹ thuật này chủ yếu tạo nên các ion phân tử M+, các ion (M+H)+ và được dùng cho các chất có độ phân cực thấp và/hay dễ phân hủy nhiệt.
lon hóa khử hấp bằng laser có nền hỗ trợ (MALDI)
Ở đây, mẫu thử trong một nền thích hợp được đặt lên một giá đỡ kim loại và được ion hóa bởi một chùm xung tia laser có bước sóng trong vùng từ tử ngoại đến hồng ngoại (các xung này rất ngắn, chỉ kéo dài trong một pico giây đến vài nano giây). Kiểu ion hóa này đóng vai trò thiết yếu trong việc phân tích các chất có khối lượng phân tử rất cao (trên 100 000 Da) nhưng chỉ dùng cho các máy có bộ phân tích thời gian bay (xem thêm ở dưới đây).
Phun điện
Kiểu ion hóa này được thực hiện ở áp suất khí quyển. Các mẫu thử trong dung dịch được đưa vào nguồn ion qua một ống mao quản mà ở đầu ống này có một điện thế cỡ 5 kV. Có thể dùng một khí để phun sương. Lưu lượng khí có thể từ vài mL/min đến 1 mL/min. Kỹ thuật này phù hợp cho các chất phân cực và cho việc nghiên cứu các phân tử sinh học có khối lượng tới 100 000 Da. Có thể dùng trong ghép nối với sắc ký lỏng hay điện di mao quản.
lon hóa hóa học ở áp suất khí quyển (APCI)
lon hóa được thực hiện ở áp suất khí quyển nhờ tác động của một điện cực có điện thế nhiều kilo vôn đặt trên đường đi của pha động; pha động được phun sương bằng hiệu ứng nhiệt và một luồng khí nitrogen. Các ion hình thành có một điện tích và là ion kiểu (M+H)+ trong chế độ phân cực dương và kiểu (M-H)– trong phân cực âm. Kiểu ion hóa này có thể áp dụng cho kết nối với sắc ký lỏng ở lưu lượng pha động cao đến 2 mL/min. Mẫu thử trong pha động có nước, các dung môi hữu cơ và một chất điện ly dễ bay hơi (thường là amoni acetat), sau khi đi qua một mao quản kim loại có nhiệt độ được kiểm soát, được đưa vào nguồn ion dưới dạng phun sương. Lưu lượng thích hợp là trong khoảng 1 đến 2 mL/min. Các ion của chất điện ly sẽ ion hóa các chất phân tích. Quá trình ion hóa này có thể được thay thế hay tăng cường bằng sự phóng điện ở khoảng 800 vôn, đặc biệt là khi tất cả là dung môi hữu cơ. Kỹ thuật này phù hợp cho việc ghép nối khối phổ với sắc ký lỏng.
Bộ phân tích khối
Các bộ phân tích khối (hay bộ phân tích) có hiệu năng khác nhau chủ yếu do hai thông số:
- dải khối, tức là dải đo tỷ số m/z,
- độ phân giải, tức là khả năng tách hai ion có cường độ bằng nhau và có tỷ số m/z khác nhau DM, và phần xen phủ giữa hai pic được đo bằng chiều cao của hõm tính theo phần trăm; ví dụ, độ phân giải (M/DM) là 1000 với hõm 10 % cho ta biết có thể tách hai tỷ số m/z 1000 và 1001 với đáy hõm có cường độ 10 % trên đường nền.
Tuy vậy, trong một số trường hợp (bộ phân tích thời gian bay, tứ cực hay bẫy ion) độ phân giải được định nghĩa là tỷ số giữa khối lượng phân tử và chiều rộng của pic ở nửa chiều cao (ứng với hõm 50 %).
Bộ phân tích từ và phân tích tĩnh điện
Các ion tạo thành trong nguồn ion được gia tốc bởi một điện áp V, được hội tụ về bộ phân tích từ có từ trường B hay bộ phân tích tĩnh điện có điện trường tĩnh điện E, tùy theo cấu hình của máy. Các ion này đi theo một quỹ đạo bán kính r, theo định luật Laplace:
Có hai kiểu quét để thu nhận và đo các ion khác nhau sinh ra trong nguồn ion: quét B với V cố định và quét V với B cố định. Bộ phân tích từ thường được tiếp nối bởi một ngăn điện có tác dụng như một bộ lọc động năng, làm tăng đáng kể độ phân giải của máy. Độ phân giải tối đa của một máy loại này (loại hai ngăn) nằm trong khoảng 10 000 đến 150 000 nhờ đó, trong hầu hết các trường hợp, cho phép tính toán đủ chính xác các tỷ số m/z để xác định được thành phần nguyên tố của các ion. Với các ion có điện tích bằng 1, dải khối là từ 2 000 Da đến 15 000 Da. Một số ion có thể phân hủy nhanh chóng vì là kết quả của sự chuyển dịch kém bền hoặc do va chạm với một khí trong những vùng vô trường giữa nguồn ion và detector [phân ly do hoạt hóa bởi va chạm (CAD)].
Xem xét những sự phân hủy này là rất có ích cho việc xác định cấu trúc cũng như đặc tính của một chất cụ thể trong hỗn hợp, việc xem xét này cần đến kỹ thuật khối phổ tiếp nối. Có nhiều kỹ thuật như vậy có thể áp dụng, tùy theo sự phân hủy xảy ra ở vùng nào:
- kiểu ion con (xác định các ion phân hủy của ion mẹ): B/E = hằng số, gọi là MIKES (Mass-analysed lon Kinetic Energy Spectroscopy – Phổ động năng ion phân tích khối);
- kiểu ion mẹ (xác định tất cả các ion mà khi phân hủy cho một ion có tỷ số m/z xác định): B2/E = hằng số;
- kiểu mất mảnh trung hòa (kiểu mảnh mất, neutral-loss mode, phát hiện tất cả các ion cùng mất một mảnh):
B/E(1-E/Eo)1/2 = hằng số, trong đó Eo là điện áp nền của ngăn điện.
Bộ phân tích tứ cực
Bộ phân tích này gồm có bốn thanh kim loại song song hình trụ hay có tiết diện hình hyperbol. Chúng được đặt đối xứng hai bên đường đi của các ion; các cặp đối diện với nhau qua trục đối xứng của các thanh điện cực thì được nối điện với nhau. Điện thế của hai cặp thanh điện cực là đối nhau. Điện thế này là tổ hợp của một thành phần một chiều và một thành phần xoay chiều.
Các ion hình thành trong nguồn ion được truyền đi và tách bằng cách thay đổi thế đặt trên các điện cực sao cho tỷ số giữa thế một chiều và thế xoay chiều là hằng số. Bộ tứ cực thường có dải khối từ 1 a.m.u. đến 2 000 a.m.u., một số có thể tới 4 000 a.m.u. Mặc dù các bộ tứ cực có độ phân giải thấp hơn các bộ phân tích từ, nhưng chúng cho ta hình ảnh đơn đồng vị của các ion một điện tích trên toàn dải phổ. Có loại dùng bộ phân tích gồm ba tứ cực xếp nối tiếp nhau Q1, Q2, Q3 (gọi là bộ ba tứ cực hay tứ cực chập ba) để ghi phổ. Tứ cực Q2 là ngăn để cho các ion va chạm, tạo ra các ion mảnh nhỏ hơn, như vậy thực ra Q2 không có vai trò phân tích; khí dùng cho va chạm thường là khí argon.
Các kiểu quét thông dụng nhất là:
- kiểu ion con: Q1 tách lấy ion có m/z, ion này được đưa vào Q2 và được phân mảnh do va chạm, các mảnh tạo thành được phân tích trong Q3;
- kiểu ion mẹ: Q1 quét một dải khối xác định, Q3 chỉ lọc lấy một ion có m/z nhất định. Như vậy chỉ những ion nào phân hủy sinh ra mảnh ion chọn bởi Q3 là được phát hiện;
- kiểu mảnh mất: Q1 và Q3 quét một dải khối nào đó trong khoảng tương ứng với các ion mất một mảnh đặc trưng cho một chất hay một nhóm chất.
Cũng có thể ghi phổ khối dùng phối hợp bộ tứ cực với bộ phân tích từ hay tĩnh điện; đó là các máy khối phổ lai.
Bộ phân tích bẫy ion
Bộ phân tích này về nguyên tắc cũng giống như bộ tứ cực, nhưng sử dụng điện trường ba chiều.
Bộ phân tích kiểu này cho phép thu được phổ các ion hình thành qua nhiều thế hệ (MSn) hay gọi là phổ MS nhiều lần.
Bộ phân tích cộng hưởng cyclotron ion
Ở đây, các ion hình thành trong một ngăn và được đưa vào một từ trường đều, mạnh, chuyển động trên quỹ đạo tròn với tần số có thể tỷ lệ thuận với tỷ số m/z của chúng nhờ áp dụng thuật toán chuyển hóa Fourrier.
Hiện tượng này được gọi là cộng hưởng cyclotron ion. Các bộ phân tích kiểu này gồm có những nam châm siêu dẫn và có độ phân giải cao (tới 1 000 000 và hơn nữa) cũng như cho ta phổ MSn, nhưng đòi hỏi phải có chân không cao tức là áp suất rất thấp (cỡ 10–7 Pa).
Bộ phân tích thời gian bay
Ở đây, các ion hình thành trong nguồn ion được gia tốc ở điện áp 10 kV đến 20 kV. Chúng đi qua một bộ phân tích gồm ống vô trường thường được gọi là ống bay, dài khoảng 25 cm đến 1,5 m. Thời gian t cần cho một ion đi đến detector tỷ lệ thuận với căn bậc hai của tỷ số m/z. Về lý thuyết, dải khối của bộ phân tích này là vô hạn; nhưng trên thực tế nó bị hạn chế bởi sự ion hóa hay phương pháp khử hấp. Bộ phân tích thời gian bay chủ yếu dùng cho các chất có khối lượng phân tử cao (đến vài trăm ngàn dalton). Kỹ thuật này rất nhạy (đến vài picomol). Độ chính xác của phép đo và độ phân giải có thể được cải thiện nếu dùng gương tĩnh điện (reflectron).
Thu nhận tín hiệu
Chủ yếu có ba kiểu thu tín hiệu.
Kiểu toàn phổ
Toàn bộ tín hiệu thu được trên một dải khối được ghi lại. Phổ trình bày sự phụ thuộc của cường độ tương đối của các ion khác nhau vào tỷ số m/z của các ion đó. Kết quả thu được chủ yếu có ý nghĩa định tính. Việc sử dụng thư viện phổ đối chiếu cho phép ta định tính nhanh chóng.
Kiểu đo mảnh (theo dõi ion chọn lọc)
Tín hiệu thu được là của một ion (theo dõi một ion, SIM) hay nhiều ion (theo dõi nhiều ion, MIM) đặc trưng cho chất được phân tích. Giới hạn phát hiện có thể được thu nhỏ đáng kể trong kiểu thu tín hiệu này. Có thể tiến hành các phép thử định lượng hay bán định lượng nhờ dùng các chất chuẩn ngoại hay chuẩn nội (ví dụ, dùng chuẩn deuteri hóa). Không thể tiến hành các phép thử này với các bộ phân tích thời gian bay.
Kiểu đo mảnh phổ khối hai lần (theo dõi nhiều phản ứng, MRM)
Kiểu đo này cho phép theo dõi chọn lọc sự phân hủy đơn phân tử hay đôi phân tử của một tiền ion đã chọn, đặc trưng cho chất phân tích. Độ chọn lọc và tính đặc hiệu của kiểu thu tín hiệu này cho phép đạt đến độ nhạy rất cao, làm cho kiểu đo này trở thành một phép đo thích hợp nhất trong các nghiên cứu định lượng nếu dùng chất chuẩn nội thích hợp (như chuẩn deuteri hóa). Kiểu phân tích này có thể thực hiện trên máy có ba tứ cực ghép nối tiếp, các bộ phân tích bẫy ion hay cộng hưởng cyclotron.
Hiệu chuẩn
Việc hiệu chuẩn cho phép ta gán một giá trị m/z tương ứng với một tín hiệu thu được. Trên nguyên tắc, việc hiệu chuẩn được thực hiện nhờ sử dụng một chất đối chiếu. Nếu dùng chuẩn ngoại, phổ chất đối chiếu được ghi riêng; nếu dùng chuẩn nội thì chất đối chiếu được trộn với chất đem thử. Số ion hay số điểm chuẩn cần thiết (để việc hiệu chuẩn đáng tin cậy) phụ thuộc vào kiểu bộ phân tích và độ chính xác mong muốn, ví dụ như khi dùng bộ phân tích từ thì càng làm nhiều điểm càng tốt vì ở đây tỷ số m/z biến đổi theo hàm số mũ với giá trị từ trường.
Phát hiện tín hiệu và xử lý dữ liệu
Các ion sau khi được tách trong bộ phân tích, được chuyển thành tín hiệu điện trong một hệ thống phát hiện như một nhân quang hay một nhân electron. Các tín hiệu được khuếch đại trước khi được chuyển lại thành tín hiệu số để xử lý dữ liệu cho phép hiệu chuẩn, dựng thành phổ, tự động định lượng, lưu trữ, đưa vào thư viện phổ hay sử dụng thư viện phổ. Máy tính được dùng để kiểm soát các thông số vật lý điều hành hoạt động của cả hệ thống máy.
PHỤ LỤC 6
(Quy định)
6.12. PHÂN TÍCH NHIỆT
Phân tích nhiệt là một nhóm các kỹ thuật xác định những thay đổi tính chất vật lý của một chất theo sự thay đổi nhiệt độ. Các kỹ thuật thông dụng nhất đều áp dụng phương pháp đo sự biến thiên khối lượng hoặc biến thiên năng lượng của mẫu thử.
Phép đo nhiệt trọng lượng (nhiệt khối)
Phép đo nhiệt trọng lượng (TGA) là kỹ thuật đo khối lượng của một chất khi thay đổi nhiệt độ theo một chương trình nhiệt độ được kiểm soát.
Thiết bị
Bộ phận chính của một cân nhiệt gồm một thiết bị làm nóng hoặc làm lạnh theo chương trình nhiệt độ đặt trước, một giá giữ mẫu trong môi trường không khí được kiểm soát, một cân điện tử và một máy ghi. Trong một số trường hợp, máy còn có thể gắn với một thiết bị cho phép phân tích các sản phẩm bay hơi.
Kiểm tra nhiệt độ
Kiểm tra thang nhiệt độ bằng một chất thích hợp theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Hiệu chuẩn cân điện
Đặt một lượng thích hợp chất đối chiếu phù hợp có chứng chỉ vào giá giữ mẫu và xác định khối lượng. Đặt tốc độ tăng nhiệt theo hướng dẫn của nhà sản xuất và bắt đầu tăng nhiệt độ. Ghi lại biểu đồ nhiệt trọng lượng với nhiệt độ hoặc thời gian trên trục hoành, tăng từ trái qua phải và khối lượng trên trục tung, tăng từ dưới lên trên. Dừng tăng nhiệt độ ở khoảng 230 °C. Đo trên đồ thị sự chênh lệch giữa các đường ổn định khối lượng – nhiệt độ hoặc đường ổn định khối lượng – thời gian ở giai đoạn đầu và giai đoạn cuối, tương ứng với sự mất khối lượng. Giá trị khối lượng mất đi của chất đối chiếu được ghi trên nhãn.
Tiến hành
Tiến hành quá trình trên đối với chất khảo sát, áp dụng các điều kiện được ghi trong chuyên luận. Tính khối lượng mất đi từ sự chênh lệch đo được trên đồ thị, biểu thị ra phần trăm theo khối lượng.
Nếu sử dụng máy đều đặn, phải định kỳ kiểm tra nhiệt độ và hiệu chuẩn. Nếu không dùng máy thường xuyên, kiểm tra nhiệt độ và hiệu chuẩn trước mỗi lần đo.
Vì yếu tố không khí môi trường ảnh hưởng nhiều đến kết quả đo nên các thông số như áp suất hoặc tốc độ, thành phần khí cần được ghi lại mỗi khi đo.
Phép đo nhiệt lượng quét vi sai
Đo nhiệt lượng quét vi sai (DSC) là một kỹ thuật cho phép nhận biết những hiện tượng năng lượng xảy ra trong quá trình làm nóng hoặc làm lạnh của một chất (hoặc hỗn hợp nhiều chất) và xác định biến thiên enthalpy, nhiệt dung riêng và nhiệt độ ở đó xuất hiện các hiện tượng này.
Kỹ thuật được dùng để xác định chênh lệch tốc độ nhiệt giải phóng hoặc hấp thu bởi chất khảo sát so sánh với mẫu đối chiếu theo sự thay đổi của nhiệt độ. Có hai kiểu thiết bị DSC. Kiểu thứ nhất áp dụng kỹ thuật bù năng lượng để giữ chênh lệch nhiệt độ giữa mẫu thử và mẫu đối chiếu bằng không. Kiểu thứ hai giữ tốc độ tăng nhiệt đều đặn và phát hiện sự chênh lệch nhiệt độ giữa mẫu thử và mẫu đối chiếu.
Thiết bị
Thiết bị bù năng lượng DSC gồm một lò nhiệt có giá giữ mẫu hai ngăn: ngăn để mẫu thử và ngăn để mẫu đối chiếu. Thiết bị đo dòng nhiệt DSC gồm một lò nhiệt có một ngăn để đặt chén đựng mẫu thử và chén đựng mẫu đối chiếu.
Một thiết bị đặt chương trình nhiệt độ, một detector nhiệt và một hệ thống ghi nối với máy tính. Các phép đo được thực hiện trong điều kiện không khí môi trường được kiểm soát.
Hiệu chuẩn thiết bị
Dùng indi có mức tinh khiết cao hoặc vật liệu thích hợp có chứng chỉ để hiệu chuẩn nhiệt độ và biến thiên enthalpy theo hướng dẫn của nhà sản xuất, có thể dùng kết hợp hai kim loại indi và kẽm để kiểm tra độ tuyến tính.
Tiến hành
Cân một lượng thích hợp chất khảo sát vào một dụng cụ chịu nhiệt phù hợp. Đặt vào ngăn giữ mẫu. Đặt nhiệt độ đầu, nhiệt độ kết thúc và tốc độ tăng nhiệt theo các điều kiện được ghi trong chuyên luận riêng.
Bắt đầu phép phân tích và ghi biểu đồ phân tích nhiệt vi sai với nhiệt độ hoặc thời gian trên trục hoành (giá trị tăng từ trái qua phải) và biến thiên năng lượng trên trục tung (cho biết thay đổi thu nhiệt hay tỏa nhiệt).
Hiện tượng nhiệt xuất hiện ở nhiệt độ tương ứng với giao điểm (A) của đường nền kéo dài và tiếp tuyến tại điểm dốc nhất (điểm uốn) của đường cong (Hình 1). Kết thúc hiện tượng nhiệt là đỉnh của đường cong.
Hình 1 – Biểu đồ nhiệt
Enthalpy của hiện tượng tỷ lệ với diện tích dưới đường cong giới hạn bởi đường nền.
Hệ số tỷ lệ được xác định từ phép đo nhiệt nóng chảy của một chất đã biết (ví dụ indi) trong cùng điều kiện đo.
Mỗi biểu đồ nhiệt có thể kèm theo những thông số sau đây: Các điều kiện áp dụng, ghi chép của lần hiệu chuẩn cuối cùng, lượng mẫu, định tính (bao gồm tính chất nhiệt), bao bì, môi trường không khí (thành phần tính chất, tốc độ dòng, áp suất), chiều và tốc độ thay đổi nhiệt độ, độ nhạy của máy đo và máy ghi.
Áp dụng
Khảo sát các hiện tượng chuyển pha
Xác định biến thiên nhiệt độ, nhiệt dung và enthalpy của các quá trình chuyển pha xảy ra với một chất theo sự biến đổi của nhiệt độ.
Chuyển pha rắn – rắn | biến đổi thù hình – đa hình
tạo thành thủy tinh loại dung môi biến đổi vô định hình – kết tinh |
Chuyển pha rắn – lỏng | nóng chảy |
Chuyển pha rắn – khí | thăng hoa |
Chuyển pha lỏng – rắn | đông đặc
kết tinh lại |
Chuyển pha lỏng – khí | bay hơi |
Biến đổi thành phần hóa học
Đo nhiệt lượng hoặc nhiệt độ của phản ứng trong các điều kiện thực nghiệm nhất định, từ đó xác định động học của phản ứng phân hủy hoặc quá trình loại dung môi.
Áp dụng đối với biểu đồ pha
Thiết lập biểu đồ pha đối với một hỗn hợp rắn. Việc thiết lập này có thể là một bước quan trọng trong tiến trình công thức hóa sơ bộ và tối ưu hóa quá trình đông khô.
Xác định độ tinh khiết
Việc đo nhiệt nóng chảy và điểm chảy bằng DSC cho phép xác định hàm lượng tạp chất của một chất chỉ bằng một biểu đồ nhiệt đơn lẻ, với một vài miligam mẫu và không cần thiết phải lặp lại phép đo chính xác của nhiệt độ thực.
Theo lý thuyết, điểm chảy của một chất tinh khiết, kết tinh hoàn toàn ở áp suất hằng định có nhiệt nóng chảy đặc trưng DH1 dao động trong một khoảng rất hẹp, tương ứng với điểm chảy To. Sự dãn rộng khoảng này là một dấu hiệu khá nhạy về sự có mặt của các tạp chất. Do đó, các mẫu của cùng một chất, với lượng tạp chất thay đổi vài phần nghìn, cho những biểu đồ nhiệt khác nhau rõ rệt (Hình 2).
Hình 2 – Biểu đồ nhiệt biểu thị mức độ tinh khiết
Việc xác định mức độ tinh khiết mol bằng DSC dựa trên việc sử dụng phép tính gần đúng dạng tích phân của phương trình Van’tHoff áp dụng cho nồng độ (không phải hoạt độ) trong hệ 2 thành phần [In (1 – x2) = – x2 và T x To = T2o]:
(1)
Trong đó:
x2 là phân số mol của tạp chất, nghĩa là số mol tạp chất chia cho tổng số mol trong pha lỏng ở nhiệt độ T (kenvin);
To là điểm chảy của chất tinh khiết hóa học, đơn vị kenvin;
DHf là nhiệt nóng chảy mol của chất khảo sát, đơn vị jun;
R là hằng số khí lý tưởng, đơn vị jun.kenvin-1.mol–1.
Từ đây, việc xác định độ tinh khiết bằng DSC giới hạn trong việc xác định các tạp chất tạo thành hỗn hợp eutectic với thành phần chính và biểu thị ra phân số mol ít hơn 2 % trong chất cần khảo sát.
Phương pháp này không áp dụng đối với:
– Các chất vô định hình;
– Các chất solvat hóa và đa hình không bền trong khoảng nhiệt độ khảo sát;
– Các tạp chất tạo thành các dung dịch rắn với thành phần chính;
– Các tạp chất không tan trong pha lỏng hoặc trong quá trình tan chảy của thành phần chính.
Trong quá trình làm nóng chất khảo sát, tạp chất chảy hoàn toàn ở nhiệt độ eutectic của hỗn hợp. Trên nhiệt độ này, pha rắn chỉ chứa chất tinh khiết. Khi nhiệt độ tăng dần từ nhiệt độ eutectic đến điểm chảy của chất tinh khiết, phân số mol của tạp chất trong chất lỏng giảm đều đặn bởi vì lượng chất tinh khiết chảy lỏng tăng dần. Ở tất cả mọi nhiệt độ trên điểm eutectic:
(2)
Trong đó:
F là phần nóng chảy của mẫu phân tích,
là phân số mol của tạp chất trong mẫu phân tích
Khi mẫu chảy hoàn toàn, F = 1 và x2 = .
Phương trình (2) kết hợp với phương trình (1) thu được:
Giá trị nhiệt nóng chảy thu được bằng cách lấy tích phân pic nóng chảy.
Điểm chảy To của chất tinh khiết được ngoại suy từ đồ thị của 1/F theo nhiệt độ biểu thị bằng kenvin.
Độ dốc a của đường cong, thu được bằng phương pháp tuyến tính hóa nếu cần thiết, tương ứng với cho phép tính được . Lấy giá trị nhân với 100 cho tỷ lệ phần trăm (tính theo mol) của tổng tạp chất eutectic.
Kính hiển vi nhiệt
Có thể quan sát quá trình chuyển pha bằng kính hiển vi nhiệt. Phương pháp này cho phép khảo sát mẫu dưới kính hiển vi phân cực theo sự thay đổi nhiệt độ được chương trình hóa.
Những khảo sát thu được dưới kính hiển vi nhiệt cho phép xác định rõ bản chất của các hiện tượng được phát hiện bằng phương pháp nhiệt trọng lượng và phân tích nhiệt vi sai.
Thiết bị
Thiết bị bao gồm kính hiển vi gắn với nguồn sáng phân cực, một đĩa nóng, một thiết bị điều khiển chương trình nhiệt độ làm nóng hoặc làm lạnh, một hệ thống máy ghi nhiệt độ chuyển pha. Có thể có thêm máy quay và ghi video.
PHỤ LỤC 12
(Quy định)
12.21. XÁC ĐỊNH HÀM LƯỢNG AFLATOXIN B1 TRONG DƯỢC LIỆU
Lưu ý: Các aflatoxin là những chất rất độc và gây ung thư. Cần thực hiện các thao tác trong tủ hút hơi độc bất cứ khi nào có thể. Phải đặc biệt lưu ý khi các độc tố này ở dạng bột khô vì chúng có tính chất hút tĩnh điện và khuynh hướng phát tán vào môi trường làm việc; trong trường hợp này nếu có thể thì thao tác trong hộp kín có găng tay. Cần tuân thủ Quy trình khử nhiễm aflatoxin cho các chất thải phòng thí nghiệm đã được Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) xây dựng.
Các aflatoxin là những độc tố vi nấm xuất hiện trong tự nhiên, chủ yếu do nấm mốc Aspergillus flavus và Aspergillus parasiticus tạo ra. Các loài nấm này khá phổ biến và phát tán trong tự nhiên, rất hay được tìm thấy khi một số loại hạt nảy mầm và mọc ở những điều kiện khắc nghiệt như hạn hán. Nấm mốc xuất hiện trong đất, trong thực vật đang phân hủy, trong cỏ khô và ở những hạt đang bị vi khuẩn phá hủy, sẽ tác động vào tất cả các loại cơ chất hữu cơ bất cứ khi nào hoặc ở đâu có điều kiện thuận lợi cho chúng phát triển. Những điều kiện thuận lợi đó là hàm lượng ẩm cao và nhiệt độ cao. Ít nhất đã có 13 loại aflatoxin khác nhau được tạo ra trong thiên nhiên và phần lớn trong số đó được biết là có độc tính cao và gây ung thư. Aflatoxin B1 được xác định là chất độc nhất. Các dược liệu bị nhiễm aflatoxin phải được xác định bằng một phương pháp phân tích đã được thẩm định.
Trừ khi có chỉ dẫn khác trong chuyên luận riêng, các dược liệu chỉ được nhiễm aflatoxin B1 không quá 2 mg/kg. Cơ quan quản lý dược cũng có thể yêu cầu một giới hạn cho phép là 4 mg/kg cho tổng lượng các aflatoxin B1, B2, G1 và G2.
Phương pháp mô tả dưới đây được nêu ra như một ví dụ, đã được chứng minh là thích hợp cho việc xác định aflatoxin trong gừng, trong quả phan tả diệp v.v…. Khi áp dụng phương pháp này cho các dược liệu khác, cần phải xác định tính thích hợp của nó; nếu không, phải dùng một phương pháp được thẩm định khác.
Phương pháp
Phương pháp sắc ký lỏng (Phụ lục 5.3).
Lưu ý: Các aflatoxin đều bị ánh sáng phân hủy. Cần tiến hành định lượng trong khu vực tránh ánh sáng ban ngày bằng cách dùng lá chắn tia tử ngoại trên cửa sổ kết hợp với ánh sáng dịu, hoặc dùng rèm che kết hợp với chiếu sáng nhân tạo (có thể bằng đèn tuýp huỳnh quang). Bảo quản các dung dịch chứa aflatoxin tránh ánh sáng ban ngày.
Tráng rửa dụng cụ thủy tinh trước khi dùng bằng dung dịch acid sulfuric 10 % (theo thể tích) (TT), sau đó rửa cẩn thận bằng nước cất cho đến khi không còn vết acid.
Dung dịch thử: Dùng cột sắc ký ái lực miễn dịch chứa kháng thể đối với aflatoxin B1 có dung lượng không ít hơn 100 ng aflatoxin B1 và khả năng thu hồi không thấp hơn 80 % khi cho một dung dịch 5 ng aflatoxin B1 trong hỗn hợp 12,5 ml methanol (TT) và 87,5 ml nước chảy qua. Giữ cột sắc ký ái lực miễn dịch ở nhiệt độ phòng. Lấy 5,00 g dược liệu đã tán bột (qua rây số 500), thêm 100,0 ml hỗn hợp 30 thể tích nước và 70 thể tích methanol (TT); chiết bằng siêu âm trong 30 min. Lọc dịch chiết qua giấy lọc. Hút 10,0 ml dịch lọc trong cho vào một bình nón cỡ 150 ml. Thêm 70,0 ml nước, lắc đều. Hút 40,0 ml dung dịch cho chảy qua cột sắc ký ái lực miễn dịch với tốc độ 3 ml/min (không vượt quá 5 ml/min). Rửa cột bằng nước 2 lần, mỗi lần 10 ml với tốc độ không quá 5 ml/min rồi làm khô bằng cách áp một chân không nhẹ trong 5 đến 10 s, hoặc bằng cách dùng bơm tiêm thổi không khí qua cột sắc ký trong 10 s.
Cho 0,5 ml methanol (TT) lên cột và để chảy qua cột nhờ trọng lực. Thu dịch rửa giải vào một bình định mức cỡ 5 ml. Sau 1 min, lại cho tiếp 0,5 ml methanol (TT) và hứng lấy dịch rửa giải lần 2. Chờ 1 min sau lại thực hiện lần rửa giải thứ 3 nữa cũng với 0,5 ml methanol (TT). Thu tối đa dịch rửa giải bằng cách nén không khí hoặc tạo một chân không nhẹ qua cột. Thêm nước vào bình định mức cho đủ 5 ml, lắc đều. Nếu thu được dung dịch trong thì có thể dùng ngay để phân tích. Nếu dung dịch không trong suốt thì cần lọc trước khi tiêm sắc ký. Dùng màng lọc sẵn dùng 1 lần (màng lọc polytetrafluoroethylen cỡ lỗ lọc 0,45 mm) đã được chứng minh là không gây mất aflatoxin do lưu giữ.
Dung dịch chuẩn gốc 1 aflatoxin B1: Hòa tan aflatoxin B1 (TT) trong hỗn hợp acetonitril – toluen (2 : 98) để có dung dịch chứa 10 mg/ml. Xác định nồng độ chính xác aflatoxin B1 trong dung dịch này bằng cách đo độ hấp thụ quang trong khoảng bước sóng giữa 330 nm và 370 nm trong cóng đo thạch anh.
Tính nồng độ aflatoxin B1, biểu thị bằng mg/ml, bằng công thức sau:
Trong đó:
A là độ hấp thụ đo được tại cực đại hấp thụ trong khoảng bước sóng 330 nm đến 370 nm;
M là khối lượng phân tử của aflatoxin B1 (312 g/mol);
ɛ là hệ số hấp thụ phân tử gam của aflatoxin B1 trong hỗn hợp dung môi toluen – acetonitril (1930 m2/mol);
I là bề dày quang học của cóng đo (1 cm).
Dung dịch chuẩn gốc 2 aflatoxin B1: Chuẩn bị một dung dịch chuẩn gốc 2 chứa 100 ng aflatoxin B1 trong 1 ml bằng cách pha loãng dung dịch chuẩn gốc 1 aflatoxin B1 với hỗn hợp acetonitril – toluen (2 : 98). Bọc kín bình chứa trong giấy nhôm và bảo quản ở nhiệt độ dưới 4 °C. Trước khi dùng, chỉ bỏ giấy bọc nhôm khi dung dịch chứa trong bình đạt tới nhiệt độ phòng. Nếu cần bảo quản dung dịch trong một thời gian dài (1 tháng chẳng hạn), cần cân xác định khối lượng bình chứa trước và sau mỗi lần sử dụng.
Các dung dịch chuẩn aflatoxin B1: Lấy các thể tích dung dịch chuẩn gốc 2 aflatoxin B1 như chỉ dẫn trong Bảng 1 cho vào mỗi bình định mức 250 ml. Thổi vào bình một luồng khí nitrogen ở nhiệt độ phòng cho đến khi vừa bay hết hơi dung môi. Thêm vào mỗi bình 75 ml methanol (TT), để cho aflatoxin hòa tan rồi pha loãng với nước đủ 250 ml.
Bảng 1 – Các dung dịch chuẩn aflatoxin B1
Dung dịch chuẩn | Thể tích dung dịch chuẩn gốc 2 (ml) | Nồng độ cuối cùng của dung dịch chuẩn (ng/ml) |
1 | 125 | 0,05 |
2 | 250 | 0,1 |
3 | 500 | 0,2 |
4 | 750 | 0,3 |
5 | 1000 | 0,4 |
Thiết lập đường chuẩn
Dùng các dung dịch chuẩn aflatoxin B1 từ số 1 đến số 5 để xây dựng đường chuẩn; đường này sẽ bao phủ một khoảng tương ứng từ 1 mg đến 8 mg aflatoxin B1 trong 1 kg dược liệu. Kiểm tra độ tuyến tính của đường chuẩn. Nếu hàm lượng aflatoxin B1 trong mẫu thử nằm ngoài khoảng tuyến tính, dung dịch thử cần phải được pha loãng đến khi hàm lượng aflatoxin thích hợp với đường chuẩn đã thiết lập.
Điều kiện sắc ký
Cột thép không gỉ được nhồi pha tĩnh C (25 cm x 4,6 mm; 5 mm).
Pha động A (dùng khi dẫn xuất hóa sau cột với phản ứng quang hóa hoặc với pyridinium bromid): acetonitril – methanol – nước (2 : 3 : 6);
Pha động B (dùng khi dẫn xuất hóa sau cột bằng brom do quá trình điện hóa tạo ra): Thêm 0,12 g kali bromid (TT) và 350 ml acid nitric loãng (TT) vào 1 lít pha động A.
Tốc độ dòng: 1 ml/min.
Detector huỳnh quang với kính lọc ánh sáng kích thích 360 nm và kính lọc tia phát xạ 420 nm, hoặc thiết bị khác tương đương. Đối với đetector điều chỉnh được, chế độ cài đặt được khuyến cáo là bước sóng kích thích 365 nm và bước sóng phát xạ 435 nm.
Thể tích tiêm: 500 ml.
Dẫn xuất hóa sau cột bằng pyridinium hydrobromid perbromid (PBPB)
– bơm không có xung;
– bộ trộn chữ T có thể tích chết bằng 0;
– ống phản ứng bằng polytetrafluoroethylen, I = 0,45 m; Φ = 0,5 mm;
– pha động A;
– thuốc thử dẫn xuất hóa sau cột: Hòa tan 50 mg pyridinium hydrobromid perbromid (TT) trong 1000 ml nước (bảo quản tránh ánh sáng và dùng trong 4 ngày);
– tốc độ dòng thuốc thử tạo dẫn xuất: 0,4 ml/min.
Dẫn xuất hóa sau cột với phản ứng quang hóa (PHRED)
– ống phản ứng với đèn UV hơi thủy ngân áp suất thấp 254 nm (tối thiểu 8 W);
– gương hỗ trợ;
– cuộn phản ứng: Ống polytetrafluoroethylen bao chặt quanh bóng UV, I = 25 m; Φ = 0,25 mm; thể tích trống danh định 1,25 ml;
– thời gian chiếu: 2 min;
– pha động A.
Dẫn xuất hóa sau cột bằng brom mới sinh từ phản ứng điện hóa (KOBRA)
– pin KOBRA: Pin điện hóa sinh ra brom hoạt tính để tạo dẫn xuất với aflatoxin, làm tăng sự phát huỳnh quang; sẵn có trên thị trường;
– nguồn điện 1 chiều cùng bộ với pin KOBRA, cung cấp một dòng không đổi khoảng 100 mA;
– ống phản ứng bằng polytetrafluoroethylen, I = 0,12 m; Φ = 0,25 mm;
– pha động B.
Thứ tự rửa giải: Aflatoxin G2, aflatoxin G1, aflatoxin B2, aflatoxin B1.
Tính kết quả
Thiết lập phương trình đường chuẩn y = ax + b với nồng độ aflatoxin B1 (ng/ml) trên trục x và tín hiệu đáp ứng (S) trên trục y. Nồng độ aflatoxin B1 (C) trong dung dịch đo được tính bằng biểu thức .
Tính hàm lượng aflatoxin B1 trong dược liệu, biểu thị bằng ng/g, theo công thức sau:
Trong đó:
m là khối lượng dược liệu lấy để phân tích, tính bằng gam;
V1 là thể tích dung môi được dùng để chiết, tính bằng mililit;
Vi thể tích dịch chiết được làm sạch bằng cột sắc ký ái lực miễn dịch, tính bằng mililit;
V2 là thể tích dung dịch cuối cùng sau khi rửa giải từ cột sắc ký ái lực miễn dịch và pha loãng, tính bằng mililit;
C là nồng độ aflatoxin đo được từ dung dịch thử, tính bằng ng/ml.
Sự có mặt aflatoxin B1 có thể được khẳng định bằng cách ghi lại sắc ký đồ dung dịch thử không qua dẫn xuất hóa sau cột; tín hiệu đáp ứng của aflatoxin B1 trên sắc đồ này bị giảm đi đáng kể (hơn 10 lần).
PHỤ LỤC 12
(Quy định)
12.22. XÁC ĐỊNH ACID ARISTOLOCHIC I TRONG DƯỢC LIỆU
Acid aristolochic I là chất có độc tính cao, được cho là có khả năng gây ra suy thận và ung thư, acid aristolochic I thường được tìm thấy trong các cây thuộc họ Mộc hương (Aristolochiaceae). Do đó, các dược liệu có thể có chứa acid aristolochic I cần được kiểm tra phát hiện acid aristolochic I trước khi sử dụng.
Phương pháp sắc ký lỏng (Phụ lục 5.3).
Pha động: Dung dịch đệm phosphat 0,05 M – acetonitril (11 : 9).
Dung dịch đệm phosphat 0,05 M: Hòa tan 7,8 g natri dihydrophosphat (TT) và 2,0 ml acid phosphoric (TT) trong nước và pha loãng thành 1000 ml bằng nước.
Dung dịch chuẩn: Hòa tan một lượng acid aristolochic chuẩn tương đương với 10,0 mg acid aristolochic I trong hỗn hợp methanol – nước (3 : 1) và pha loãng thành 200,0 ml với hỗn hợp methanol – nước (3 : 1). Hút 2,0 ml dung dịch này, pha loãng thành 10,0 ml với hỗn hợp methanol – nước (3 : 1).
Dung dịch thử: Cân 2,0 g bột dược liệu vào một bình nón nút mài, thêm 50,0 ml hỗn hợp methanol – nước (3 : 1), lắc kỹ trong 15 min, lọc.
Điều kiện sắc ký:
Cột thép không gỉ (25 cm x 4,6 mm) được nhồi pha tĩnh C (5 mm).
Detector quang phổ tử ngoại khả kiến đặt ở bước sóng 400 nm.
Tốc độ dòng: 1 ml/min.
Thể tích tiêm: 20 ml.
Cách tiến hành:
Tiêm lần lượt dung dịch chuẩn và dung dịch thử vào máy sắc ký, tiến hành sắc ký theo điều kiện đã mô tả, ghi lại sắc ký đồ.
Mẫu thử được chấp nhận khi trên sắc ký đồ của dung dịch thử không xuất hiện pic có cùng thời gian lưu với pic của acid aristolochic I trong sắc ký đồ của dung dịch chuẩn.
Phần 2
NGUYÊN LIỆU HÓA DƯỢC
ACENOCOUMAROL
Acenocoumarolum
và đồng phân đối quang
C19H15NO6 P.t.l: 353,3
Acenocoumarol là (RS)-4-hydroxy-3-(1-p-nitrophenyl-3-oxobutyl)coumarin, phải chứa từ 98,5 % đến 100,5% C19H15NO6, tính theo chế phẩm đã làm khô.
Tính chất
Bột đa hình, gần như trắng cho tới màu vàng sẫm.
Thực tế không tan trong nước và ether, khó tan trong ethanol 96 %. Tan trong các dung dịch hydroxyd kiềm.
Định tính
Phổ hồng ngoại (Phụ lục 4.2) của chế phẩm phải phù hợp với phổ hồng ngoại đối chiếu của acenocoumarol. Nếu phổ thu được của chế phẩm khác với phổ đối chiếu, hòa tan 0,1 g chế phẩm trong 10 ml aceton (TT) và thêm nước từng giọt một cho đến khi dung dịch trở nên đục. Đun nóng trên cách thủy cho đến khi dung dịch trong và để yên. Lọc, rửa tinh thể thu được bằng hỗn hợp đồng thể tích aceton (TT) và nước. Sấy khô ở 100 °C trong 30 min ở áp suất 2 kPa. Đo phổ cắn thu được.
Độ trong và màu sắc của dung dịch
- Dung dịch 2,0 % chế phẩm trong aceton (TT) phải trong (Phụ lục 9.2).
- Độ hấp thụ ánh sáng (Phụ lục 4.1) của dung dịch 2,0 % chế phẩm trong aceton (TT), đo ở 460 nm trong cốc đo dày 4 cm, không được lớn hơn 0,12.
- C. Dung dịch 2,0 % chế phẩm trong dung dịch natri hydroxyd 0,1 M (TT) phải trong (Phụ lục 9.2), và có màu vàng.
Độ hấp thụ ánh sáng
Độ hấp thụ (Phụ lục 4.1) của dung dịch 0,001 % chế phẩm trong hỗn hợp dung dịch acid hydrocloric 1 M – methanol (1 : 9) ở cực đại hấp thụ 306 nm, từ 0,50 đến 0,54, tính theo chế phẩm đã làm khô.
Tạp chất liên quan
Không được quá 0,1 %.
Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).
Bản mỏng: Silica gel GF254.
Dung môi khai triển: Dicloromethan – cyclohexan – acid acetic băng (50 : 50 : 20).
Dung dịch thử: Dung dịch 2,0 % chế phẩm trong aceton (TT).
Dung dịch đối chiếu: Dung dịch 0,0020 % chế phẩm trong aceton (TT).
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 20 ml mỗi dung dịch trên. Triển khai sắc ký đến khi dung môi đi được khoảng 15 cm. Lấy bản mỏng ra, để khô ngoài không khí và quan sát ngay dưới ánh sáng tử ngoại ở 254 nm. Bất kỳ vết phụ nào trên sắc ký đồ thu được của dung dịch thử không được đậm hơn vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.
Mất khối lượng do làm khô
Không được quá 0,5 % (Phụ lục 9.6).
(1,000 g, 105 °C).
Tro sulfat
Không được quá 0,1 % (Phụ lục 9.9, phương pháp 1).
Dùng 1,0 g.
Định lượng
Hòa tan 0,6 g chế phẩm trong 50 ml aceton (TT) và chuẩn độ bằng dung dịch natri hydroxyd 0,1 M (CĐ), dùng dung dịch xanh bromothymol làm chỉ thị. Song song làm mẫu trắng.
1 ml dung dịch natri hydroxyd 0,1 N (CĐ) tương đương với 35,33 mg C19H15NO6.
Loại thuốc
Chống đông máu.
Chế phẩm
Viên nén.
ACID AMINOCAPROIC
Acidum aminocaproicum
C6H13NO2 P.t.l: 131,2
Acid aminocaproic là acid 6-aminohexanoic, phải chứa từ 98,5 % đến 101,0 % C6H13NO2, tính theo chế phẩm đã làm khô.
Tính chất
Bột kết tinh trắng hay gần như trắng, hoặc tinh thể không màu. Dễ tan trong nước, khó tan trong ethanol 96 %.
Nóng chảy ở nhiệt độ khoảng 205 °C kèm theo sự phân hủy.
Định tính
Có thể chọn một trong hai nhóm định tính sau:
Nhóm I: A.
Nhóm II: B, C, D.
- Phổ hấp thụ hồng ngoại (Phụ lục 4.2) của chế phẩm phải phù hợp với phổ hồng ngoại của acid aminocaproic chuẩn.
- Quan sát sắc ký đồ thu được trong phép thử “Các chất dương tính với ninhydrin”.
Vết chính trên sắc ký đồ thu được của dung dịch thử (2) phải tương tự về vị trí, màu sắc và kích thước với vết chính trên sắc ký đồ thu được của dung dịch đối chiếu (1).
- C. Hòa tan 0,5 g chế phẩm trong 4 ml hỗn hợp đồng thể tích dung dịch acid hydrocloric loãng (TT) và nước. Bốc hơi dung dịch thu được trên cách thủy tới khô. Làm khô cắn trong bình hút ẩm. Hòa tan cắn trong khoảng 2 ml ethanol (TT) sôi. Để nguội và để ở nhiệt độ 4 °C đến 8 °C trong 3 Lọc dưới áp suất giảm. Rửa cắn với khoảng 10 ml aceton (TT) và làm khô ở 60 °C trong 30 min. Nhiệt độ nóng chảy (Phụ lục 6.7) của cắn phải trong khoảng từ 131 oC đến 133 °C.
- Hòa tan khoảng 5 mg chế phẩm trong 0,5 ml nước. Thêm 3 ml dimethylformamid (TT) và 2 ml dung dịch acid ascorbic (TT). Đun nóng trên cách thủy. Màu vàng cam xuất hiện.
Độ trong và màu sắc của dung dịch
Dung dịch S: Hòa tan 10,0 g chế phẩm trong nước không có carbon dioxyd (TT) và pha loãng thành 50,0 ml với cùng dung môi.
Dung dịch S không màu (Phụ lục 9.3, phương pháp 2) và trong (Phụ lục 9.2) khi để yên trong 24 h.
pH
pH dung dịch S từ 7,5 đến 8,0 (Phụ lục 6.2).
Độ hấp thụ ánh sáng
- Độ hấp thụ (Phụ lục 4.1) của dung dịch S đo ở 287 nm không được quá 0,10 và đo ở 450 nm không được quá 0,03.
- Để 2,0 g chế phẩm thành một lớp phẳng trong một đĩa nông có đường kính 9 cm, đậy đĩa và để yên ở 98 °C đến 102 °C trong 72 h. Hòa tan chế phẩm trong nước và pha loãng thành 10,0 ml với cùng dung môi. Độ hấp thụ (Phụ lục 4.1) của dung dịch thu được ở 287 nm không được quá 0,15 và ở 450 nm không được quá 0,03.
Các chất dương tính với ninhydrin
Không được quá 0,5 %.
Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).
Bản mỏng: Silica gel.
Dung môi khai triển: Acid acetic băng – nước – butanol (20 : 20 : 60).
Dung dịch thử (1): Hòa tan 0,10 g chế phẩm trong nước và pha loãng thành 10 ml với cùng dung môi.
Dung dịch thử (2): Pha loãng 1 ml dung dịch thử (1) thành 50 ml bằng nước.
Dung dịch đối chiếu (1): Hòa tan 10 mg acid aminocaproic chuẩn trong nước và pha loãng thành 50 ml với cùng dung môi
Dung dịch đối chiếu (2): Pha loãng 5 ml dung dịch thử (2) thành 20 ml bằng nước.
Dung dịch đối chiếu (3): Hòa tan 10 mg acid aminocaproic chuẩn và 10 mg leucin chuẩn trong nước và pha loãng thành 25 ml với cùng dung môi.
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 5 ml mỗi dung dịch trên. Để khô bản mỏng ngoài không khí. Triển khai sắc ký đến khi dung môi đi được 15 cm. Để khô bản mỏng trong luồng khí ấm. Phun dung dịch ninhydrin (TT) và sấy ở 100 °C đến 105 oC trong 15 min. Bất kỳ vết phụ nào trong sắc ký đồ thu được của dung dịch thử (1), không được đậm màu hơn vết thu được trong sắc ký đồ thu được của dung dịch đối chiếu (2). Phép thử chỉ có giá trị khi sắc ký đồ thu được của dung dịch đối chiếu (3) cho 2 vết chính tách biệt rõ ràng.
Kim loại nặng
Không được quá 10 phần triệu (Phụ lục 9.4.8).
Lấy 12 ml dung dịch S thử theo phương pháp 1. Dùng dung dịch chì mẫu 2 phần triệu Pb (TT) để chuẩn bị mẫu đối chiếu.
Mất khối lượng do làm khô
Không được quá 0,5 % (Phụ lục 9.6).
(1,000 g; 105 °C).
Tro sulfat
Không được quá 0,1 % (Phụ lục 9.9, phương pháp 2).
Dùng 1,0 g.
Định lượng
Hòa tan 0,100 g chế phẩm trong 20 ml acid acetic khan (TT). Dùng 0,1 ml dung dịch tím tinh thể (TT) làm chỉ thị. Chuẩn độ bằng dung dịch acid percloric 0,1 M (CĐ) đến khi dung dịch chuyển từ màu tím ánh lam sang màu xanh lá cây ánh lam.
1 ml dung dịch acid percloric 0,1 M (CĐ) tương đương với 13,12 mg C6H13NO2.
Loại thuốc
Thuốc kháng tiêu fibrin, thuốc cầm máu.
ACID TRANEXAMIC
Acidum tranexamicum
C8H15NO2 P.t.l: 157,2
Acid tranexamic là acid trans-4-(aminomethyl)cyclohexancarboxylic, phải chứa từ 99,0 % đến 101,0% C8H15NO2, tính theo chế phẩm đã làm khô.
Tính chất
Bột kết tinh trắng hoặc gần như trắng. Dễ tan trong nước và acid acetic băng, thực tế không tan trong aceton và ethanol 96 %.
Định tính
Phổ hấp thụ hồng ngoại (Phụ lục 4.2) của chế phẩm phải phù hợp với phổ hồng ngoại của acid tranexamic chuẩn.
pH
Từ 7,0 đến 8,0 (Phụ lục 6.2).
Hòa tan 2,5 g chế phẩm trong nước không có carbon dioxyd (TT) và pha loãng thành 50 ml với cùng dung môi.
Tạp chất liên quan
Phương pháp sắc ký lỏng (Phụ lục 5.3).
Pha động: Hòa tan 11,0 g natri dihydrophosphat khan (TT) trong 500 ml nước, thêm 5 ml triethylamin (TT) và 1,4 g natri lauryl sulfat (TT). Điều chỉnh dung dịch thu được tới pH 2,5 bằng dung dịch acid phosphoric loãng (TT) và pha loãng thành 600 ml bằng nước. Thêm 400 ml methanol (TT) và trộn đều.
Dung dịch thử: Hòa tan 0,20 g chế phẩm trong nước và pha loãng thành 20,0 ml với cùng dung môi.
Dung dịch đối chiếu: Pha loãng 5,0 ml dung dịch thử thành 100,0 ml bằng nước. Pha loãng 1,0 ml dung dịch thu được thành 10,0 ml bằng nước.
Dung dịch phân giải: Hòa tan 5 mg tạp chất C chuẩn của acid tranexamic trong nước và pha loãng thành 50,0 ml với cùng dung môi. Lấy 1,0 ml dung dịch này, thêm 1,0 ml dung dịch thử và pha loãng thành 50,0 ml bằng nước.
Điều kiện sắc ký:
Cột thép không gỉ (25 cm x 4,6 mm) hoặc (25 cm x 6,0 mm) được nhồi pha tĩnh C (5 mm).
Tốc độ dòng: 0,9 ml/min.
Detector quang phổ tử ngoại đặt ở bước sóng 220 nm.
Thể tích tiêm: 20 ml.
Cách tiến hành:
Thời gian chạy sắc ký gấp 3 lần thời gian lưu của acid tranexamic.
Thời gian lưu tương đối so với acid tranexamic (thời gian lưu khoảng 13 min) như sau: Tạp chất C khoảng 1,1; tạp chất D khoảng 1,3; tạp chất B khoảng 1,5; tạp chất A khoảng 2,1.
Kiểm tra tính phù hợp của hệ thống: Tiến hành sắc ký với dung dịch phân giải. Phép thử chỉ có giá trị khi độ phân giải giữa pic của acid tranexamic và tạp chất C ít nhất là 2,0.
Giới hạn:
Khi tính hàm lượng các tạp chất, nhân diện tích pic của các tạp chất với hệ số hiệu chỉnh tương ứng như sau: Tạp chất B là 1,2, tạp chất C là 0,005, tạp chất D là 0,006.
Trên sắc ký đồ của dung dịch thử, diện tích của pic tương ứng với tạp chất A không được lớn hơn 0,2 lần diện tích của pic chính trên sắc ký đồ thu được của dung dịch đối chiếu (0,1 %). Diện tích của pic tương ứng với tạp chất B không được lớn hơn 0,4 lần diện tích của pic chính trên sắc ký đồ thu được của dung dịch đối chiếu (0,2 %). Diện tích pic của từng tạp chất khác không được lớn hơn 0,2 lần diện tích của pic chính trên sắc ký đồ thu được của dung dịch đối chiếu (0,1 %). Tổng diện tích pic của tất cả các tạp chất khác không được lớn hơn 0,4 lần diện tích của pic chính trên sắc ký đồ thu được của dung dịch đối chiếu (0,2 %).
Bỏ qua các pic có diện tích nhỏ hơn 0,05 lần diện tích của pic chính trên sắc ký đồ thu được của dung dịch đối chiếu (0,025 %).
Ghi chú:
Tạp chất A: Acid trans, trans-4,4′-(iminodimethylen)di(cyclohexancarboxylic),
Tạp chất B: Acid cis-4-(aminomethyl)cyclohexancarboxylic,
Tạp chất C: Acid (RS)-4-(aminomethyl)cyclohex-1-encarboxylic,
Tạp chất D: Acid 4-aminomethylbenzoic.
Các hợp chất halogenid
Không được quá 140 phần triệu, tính theo clorid (Phụ lục 9.4.5).
Hòa tan 1,2 g chế phẩm trong nước và pha loãng thành 50 ml với cùng dung môi. Lấy 15 ml dung dịch để thử.
Kim loại nặng
Không được quá 10 phần triệu (Phụ lục 9.4.8).
Hòa tan 2,0 g chế phẩm trong nước và pha loãng thành 20 ml với cùng dung môi. Lấy 12 ml dung dịch này thử theo phương pháp 1. Dùng dung dịch chì mẫu 1 phần triệu Pb (TT) làm mẫu đối chiếu.
Mất khối lượng do làm khô
Không được quá 0,5 % (Phụ lục 9.6).
(1,000 g, 105 °C; 2 h).
Tro sulfat
Không được quá 0,1 % (Phụ lục 9.9, phương pháp 2).
Dùng 1,0 g.
Định lượng
Hòa tan 0,140 g chế phẩm trong 20 ml acid acetic khan (TT). Chuẩn độ bằng dung dịch acid percloric 0,1 N (CĐ). Xác định điểm kết thúc bằng phương pháp chuẩn độ đo điện thế (Phụ lục 10.2).
1 ml dung dịch acid percloric 0,1 N (CĐ) tương đương với 15,72 mg C8H15NO2.
Loại thuốc
Chống tiêu fibrin; thuốc cầm máu.
Chế phẩm
Thuốc tiêm, viên nén.
AMOXICILIN NATRl
Amoxicillinum natricum
C16H18N3NaO5S P.t.l: 387,4
Amoxicilin natri là (2S,5R,6R)-6-[[(2R)-2-amino-2-(4-hydroxyphenyl)acetyl]amino]-3,3-dimethyl-7- oxo-4-thia-1-azabicyclo[3.2.0]heptan-2-carboxylat natri, phải chứa từ 89,0 % đến 102,0 % C16H18N3NaO5S, tính theo chế phẩm khan.
Amoxicilin natri là sản phẩm bán tổng hợp từ một sản phẩm lên men.
Tính chất
Bột trắng hay gần như trắng, rất hút ẩm.
Rất tan trong nước, hơi tan trong ethanol khan, rất khó tan trong aceton.
Định tính
Có thể chọn một trong hai nhóm định tính sau:
Nhóm I: A, D.
Nhóm II: B, C, D.
- Hòa tan 0,250 g chế phẩm trong 5 ml nước, thêm 0,5 ml dung dịch acid acetic 2 M (TT), khuấy đều và để yên trong nước đá 10 min. Lọc lấy tinh thể và rửa với 2 – 3 ml một hỗn hợp dung môi gồm 1 thể tích nước và 9 thể tích aceton (TT), sấy ở 60 °C trong 30 min. Phổ hồng ngoại (Phụ lục 4.2) của tinh thể thu được phải phù hợp với phổ hồng ngoại của amoxicilin trihydrat chuẩn.
- Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).
Bản mỏng: Silica gel G đã được silan hóa.
Dung môi khai triển: Aceton – dung dịch amoni acetat 15,4 % đã được điều chỉnh đến pH 5,0 bằng acid acetic băng (10 : 90).
Dung dịch thử: Hòa tan 25 mg chế phẩm trong 10 ml dung dịch natri bicarbonat 4,2 % (TT).
Dung dịch đối chiếu (1): Hòa tan 25 mg amoxicilin trihydrat chuẩn trong 10 ml dung dịch natri bicarbonat 4,2 % (TT).
Dung dịch đối chiếu (2): Hòa tan 25 mg amoxicilin trihydrat chuẩn và 25 mg ampicilin trihydrat chuẩn trong 10 ml dung dịch natri bicarbonat 4,2 % (TT).
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 1 ml mỗi dung dịch trên. Triển khai sắc ký tới khi dung môi đi được 15 cm. Để khô bản mỏng ngoài không khí. Đặt bản mỏng vào bình bão hòa hơi iod cho đến khi các vết xuất hiện và kiểm tra bản mỏng dưới ánh sáng thường. Vết chính trên sắc ký đồ thu được của dung dịch thử phải tương đương với vết chính trên sắc ký đồ thu được của dung dịch đối chiếu (1) về vị trí, màu sắc và kích thước. Phép thử chỉ có giá trị khi trên sắc ký đồ thu được của dung dịch đối chiếu (2) cho 2 vết tách ra rõ ràng.
- C. Chế phẩm phải cho phản ứng B trong phép thử phản ứng màu của các penicilin và cephalosporin (Phụ lục 8.3).
- Chế phẩm phải cho phản ứng A của ion natri (Phụ lục 8.1).
Độ trong và màu sắc của dung dịch
Hòa tan 1,0 g chế phẩm trong nước và pha loãng thành 10,0 ml với cùng dung môi. Kiểm tra ngay sau khi pha.
Dung dịch thu được không được đục hơn hỗn dịch đối chiếu II (Phụ lục 9.2). Dung dịch lúc đầu có thể có màu hồng nhưng chỉ trong thời gian rất ngắn, sau 5 min độ hấp thụ ánh sáng của dung dịch đo ở bước sóng 430 nm (Phụ lục 4.1) không được lớn hơn 0,20.
pH
Từ 8,0 đến 10,0 (Phụ lục 6.2).
Hòa tan 2,0 g chế phẩm trong nước không có carbon dioxyd (TT) và pha loãng thành 20 ml với cùng dung môi.
Góc quay cực riêng
Từ +240° đến +290°, tính theo chế phẩm khan (Phụ lục 6.4).
Hòa tan 62,5 mg chế phẩm trong dung dịch kali biphthalat 0,4 % và pha loãng thành 25,0 ml với cùng dung môi.
Tạp chất liên quan
Phương pháp sắc ký lỏng (Phụ lục 5.3).
Dung dịch đệm phosphat pH 5,0: Hút 250 ml dung dịch kali dihydrophosphat 0,2 M (TT), thêm dung dịch natri hydroxyd loãng (TT) đến pH 5,0 và pha loãng với nước thành 1000,0 ml.
Pha động A: Acetonitril – dung dịch đệm phosphat pH 5,0 (1 : 99).
Pha động B: Acetonitril – dung dịch đệm phosphat pH 5,0 (20 : 80).
Dung dịch thử (1): Hòa tan 30,0 mg chế phẩm trong pha động A và pha loãng thành 50,0 ml bằng cùng dung môi.
Dung dịch thử (2): Hòa tan 30,0 mg chế phẩm trong pha động A và pha loãng thành 20,0 ml bằng cùng dung môi. Chuẩn bị ngay trước khi dùng.
Dung dịch đối chiếu (1): Hòa tan 30,0 mg amoxicilin trihydrat chuẩn trong pha động A và pha loãng thành 50,0 ml bằng cùng dung môi.
Dung dịch đối chiếu (2): Hòa tan 4,0 mg cefadroxil chuẩn trong pha động A và pha loãng thành 50,0 ml với cùng dung môi. Lấy 5,0 ml dung dịch này, thêm vào 5,0 ml dung dịch đối chiếu (1) và pha loãng thành 100 ml với pha động A.
Dung dịch đối chiếu (3): Pha loãng 2,0 ml dung dịch đối chiếu (1) thành 20,0 ml với pha động A. Pha loãng 5,0 ml dung dịch thu được thành 20,0 ml với pha động A.
Dung dịch đối chiếu (4): Thêm 1,0 ml nước vào 0,20 g amoxicilin trihydrat (TT). Lắc đều và thêm từng giọt dung dịch natri hydroxyd loãng (TT) để hòa tan hoàn toàn. pH của dung dịch thu được khoảng 8,5. Để dung dịch này ở nhiệt độ phòng trong 4 h. Pha loãng 0,5 ml dung dịch này thành 50,0 ml với pha động A.
Điều kiện sắc ký:
Cột thép không gỉ (25 cm x 4,6 mm) được nhồi pha tĩnh C (5 mm).
Detector quang phổ tử ngoại đặt ở bước sóng 254 nm.
Tốc độ dòng: 1,0 ml/min với chương trình gradient dung môi như sau:
Thời gian (min) |
Pha động A (% theo thể tích) |
Pha động B (% theo thể tích) |
0 – tR | 92 | 8 |
tR – (tR + 25) | 92 → 0 | 8 → 100 |
(tR + 25) – (tR + 40) | 0 | 100 |
(tR + 40) – (tR + 55) | 92 | 8 |
[tR là thời gian lưu của amoxicilin xác định bằng dung dịch đối chiếu (3)].
Nếu phải điều chỉnh pha động để đạt được yêu cầu về độ phân giải thì việc điều chỉnh tỷ lệ thành phần sẽ được áp dụng ngay tại thời điểm bắt đầu chương trình gradient và cả trong phần định lượng.
Thể tích tiêm: 50 ml.
Cách tiến hành:
Tiêm dung dịch đối chiếu (2) và (3), tiến hành sắc ký đẳng dòng với tỷ lệ pha động tại thời điểm bắt đầu. Tiêm dung dịch thử (2) và dung dịch đối chiếu (4), tiến hành sắc ký với chương trình gradient dung môi đã nêu ở trên. Tiêm pha động A để làm mẫu trắng, tiến hành sắc ký với chương trình gradient dung môi đã nêu ở trên.
Xác định các tạp chất: Trên sắc ký đồ thu được với dung dịch đối chiếu (4), 3 pic chính được rửa giải ra sau pic amoxicilin lần lượt là tạp chất C, dimer amoxicilin (tạp chất J; n = 1) và trimer amoxicilin (tạp chất J; n = 2).
Thời gian lưu tương đối so với amoxicilin của các chất như sau: Tạp chất C = khoảng 3,4; Tạp chất J (n = 1) = khoảng 4,1; Tạp chất J (n = 2) = khoảng 4,5.
Kiểm tra tính phù hợp của hệ thống: Trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu (2), hệ số phân giải giữa pic của amoxicilin và pic của cefadroxil ít nhất là 2,0. Nếu cần, điều chỉnh tỷ lệ giữa pha động A và pha động B.
Giới hạn:
– Tạp chất J (n = 1): Trên sắc ký đồ thu được của dung dịch thử (2), diện tích của pic tương ứng với tạp chất J (n = 1) không được lớn hơn 3 lần diện tích pic chính trên sắc ký đồ thu được của dung dịch đối chiếu (3) (3,0 %).
– Các tạp chất khác: Trên sắc ký đồ thu được của dung dịch thử (2), diện tích của bất kỳ pic phụ nào ngoài pic chính và pic tương ứng với tạp chất J (n = 1) không được lớn hơn 2 lần diện tích pic chính trên sắc ký đồ thu được của dung dịch đối chiếu (3) (2,0 %).
– Tổng tất cả các tạp: Trên sắc ký đồ thu được của dung dịch thử (2), tổng diện tích của tất cả các pic phụ ngoài pic chính không được lớn hơn 9 lần diện tích pic chính trên sắc ký đồ thu được của dung dịch đối chiếu (3) (9,0 %). Bỏ qua tất cả các pic có diện tích nhỏ hơn 0,1 lần diện tích pic chính trên sắc ký đồ thu được của dung dịch đối chiếu (3) (0,1 %).
N,N-dimethylanilin
Không được quá 20 phần triệu.
Xác định bằng phương pháp sắc ký khí (Phụ lục 10.16, phương pháp 1 hoặc 2).
Acid 2-ethylhexanoic
Không được quá 0,8 % (theo khối lượng) (Phụ lục 10.17).
Kim loại nặng
Không được quá 20 phần triệu (Phụ lục 9.4.8).
Lấy 1,0 g chế phẩm tiến hành thử theo phương pháp 3.
Dùng 2 ml dung dịch chì mẫu 10 phần triệu Pb (TT) để chuẩn bị mẫu đối chiếu.
Nước
Không được quá 3,0 % (Phụ lục 10.3).
Dùng 0,400 g chế phẩm.
Nội độc tố vi khuẩn
Nội độc tố vi khuẩn phải ít hơn 0,25 EU/mg (Phụ lục 13.2).
Nếu chế phẩm dự định dùng để sản xuất các dạng thuốc tiêm phân liều mà không tiến hành các biện pháp thích hợp để loại nội độc tố vi khuẩn thì phải đáp ứng yêu cầu này.
Định lượng
Phương pháp sắc ký lỏng (Phụ lục 5.3), tiến hành như mô tả trong phần tạp chất liên quan.
Pha động: Hỗn hợp pha động A và pha động B với tỷ lệ tại thời điểm bắt đầu của chương trình gradient đã nêu, điều chỉnh tỷ lệ nếu cần.
Kiểm tra tính phù hợp của hệ thống: Tiêm dung dịch đối chiếu (1) 6 lần. Phép thử không có giá trị nếu độ lệch chuẩn tương đối của diện tích pic chính lớn hơn 1,0 %.
Tiêm lần lượt dung dịch thử (1) và dung dịch đối chiếu (1).
Hàm lượng phần trăm của amoxicilin natri bằng hàm lượng phần trăm của amoxicilin nhân với hệ số 1,060.
Bảo quản
Đựng trong đồ bao gói kín.
Nếu là nguyên liệu vô khuẩn: Đựng trong đồ bao gói kín, vô khuẩn và tránh sự xâm nhập của vi khuẩn.
Loại thuốc
Kháng sinh.
Chế phẩm
Thuốc tiêm.
BETAMETHASON NATRI PHOSPHAT
Betamethasoni natri phosphas
C22H28FNa2O8P P.t.l: 516,4
Betamethason natri phosphat là 9-fluoro-11b,17-dihydroxy-16b-methyl-3,20-dioxopregna-1,4- dien-21-yl dinatri phosphat, phải chứa từ 96,0 % đến 103,0 % C22H28FNa2O8P, tính theo chế phẩm khan.
Tính chất
Bột trắng hay gần như trắng, rất hút ẩm.
Dễ tan trong nước, khó tan trong ethanol 96 %, thực tế không tan trong methylen clorid.
Định tính
Có thể chọn một trong 2 nhóm định tính sau:
Nhóm I: B, C
Nhóm II: A, C, D, E, F.
- Hòa tan 10,0 mg chế phẩm trong 5 ml nước và pha loãng thành 100,0 ml với ethanol (TT). Lấy 2,0 ml dung dịch này cho vào ống nghiệm có nút mài, thêm 10,0 ml dung dịch phenylhydrazin trong acid sulfuric (TT), trộn đều và đun trong cách thủy ở 60 °C trong 20 min. Làm nguội ngay. Độ hấp thụ (Phụ lục 4.1) của dung dịch thu được đo ở bước sóng cực đại 450 nm không được lớn hơn 0,10.
- Phổ hồng ngoại (Phụ lục 4.2) của chế phẩm phải phù hợp với phổ hồng ngoại của betamethason natri phosphat chuẩn. Nếu phổ hồng ngoại của mẫu thử và mẫu chuẩn ở trạng thái rắn khác nhau, thì hòa tan riêng biệt chế phẩm và betamethason natri phosphat chuẩn trong một lượng tối thiểu ethanol 96 % (TT), bốc hơi đến khô trên nồi cách thủy. Ghi phổ của các cắn thu được.
- C. Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).
Bản mỏng: Silica gel F254 (TT).
Dung môi khai triển: Acid acetic băng – nước – butanol (20 : 20 : 60).
Dung dịch thử. Hòa tan 10 mg chế phẩm trong methanol (TT) và pha loãng thành 10 ml với cùng dung môi.
Dung dịch đối chiếu (1): Hòa tan 10 mg betamethason natri phosphat chuẩn trong methanol (TT) và pha loãng thành 10 ml với cùng dung môi.
Dung dịch đối chiếu (2): Hòa tan 10 mg prednisolon natri phosphat chuẩn trong methanol (TT) và pha loãng thành 10 ml với cùng dung môi. Pha loãng 5 ml dung dịch này thành 10 ml với dung dịch đối chiếu (1).
Cách tiến hành:
Chấm riêng biệt lên bản mỏng 5 ml mỗi dung dịch trên. Triển khai sắc ký đến khi dung môi đi được 15 cm. Để bản mỏng khô ngoài không khí và quan sát dưới ánh sáng tử ngoại ở bước sóng 254 nm. Vết chính trên sắc ký đồ thu được của dung dịch thử phải tương tự về vị trí và kích thước so với vết chính trên sắc ký đồ thu được của dung dịch đối chiếu (1). Phun lên bản mỏng dung dịch acid sulfuric trong ethanol (TT). Sấy bản mỏng ở 120 °C trong 10 min hoặc tới khi các vết xuất hiện. Để nguội. Quan sát dưới ánh sáng ban ngày và ánh sáng tử ngoại ở bước sóng 365 nm. Vết chính trên sắc ký đồ thu được của dung dịch thử phải tương tự về vị trí, màu sắc dưới ánh sáng ban ngày, huỳnh quang trong đèn tử ngoại ở bước sóng 365 nm và kích thước so với vết chính trên sắc ký đồ thu được của dung dịch đối chiếu (1). Phép thử chỉ có giá trị khi sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu (2) cho 2 vết, tuy nhiên có thể chưa tách hoàn toàn.
- Cho khoảng 2 mg chế phẩm vào 2 ml acid sulfuric (TT) và lắc cho tan. Trong vòng 5 min, màu nâu đỏ đậm xuất hiện. Thêm dung dịch trên vào 10 ml nước và trộn đều. Màu biến mất và dung dịch vẫn trong.
- Trộn khoảng 5 mg chế phẩm với 45 mg magnesi oxyd nặng (TT) và nung trong chén nung đến khi cắn hầu như trắng hoàn toàn (thường ít hơn 5 min). Để nguội, thêm 1 ml nước, 0,05 ml dung dịch phenolphtalein (TT1) và khoảng 1 ml acid hydrocloric loãng (TT) để làm cho dung dịch mất màu. Lọc. Thêm 1,0 ml dịch lọc vào một hỗn hợp mới pha gồm 0,1 ml dung dịch alizarin S (TT) và 0,1 ml dung dịch zirconyl nitrat (TT). Trộn đều, để yên 5 min và so sánh màu của dung dịch thu được với màu của mẫu trắng được chuẩn bị trong cùng điều kiện. Dung dịch thử có màu vàng và dung dịch mẫu trắng có màu đỏ.
- Thêm 2 ml acid sulfuric (TT) vào khoảng 40 mg chế phẩm và đun nóng cẩn thận cho đến khi xuất hiện khói trắng. Thêm từng giọt acid nitric (TT), tiếp tục đun nóng cho đến khi dung dịch gần như không màu và làm nguội. Thêm 2 ml nước, đun cho đến khi khói trắng xuất hiện lần nữa, để nguội, thêm 10 ml nước và trung hòa bằng dung dịch amoniac loãng (TT), dùng giấy quỳ đỏ làm chỉ thị. Dung dịch thu được phải cho phản ứng A của ion natri và phản ứng B của phosphat (Phụ lục 8.1).
Độ trong và màu sắc của dung dịch
Dung dịch S: Hòa tan 1,0 g chế phẩm trong nước không có carbon dioxyd (TT) và pha loãng thành 20 ml với cùng dung môi.
Dung dịch S phải trong (Phụ lục 9.2) và không được có màu đậm hơn màu mẫu N7 (Phụ lục 9.3, phương pháp 2).
pH
Từ 7,5 đến 9,0 (Phụ lục 6.2).
Pha loãng 1 ml dung dịch S thành 5 ml với nước không có carbon dioxyd (TT).
Góc quay cực riêng
Từ +98° đến +104°, tính theo chế phẩm khan (Phụ lục 6.4).
Hòa tan 0,250 g chế phẩm trong nước và pha loãng thành 25,0 ml với cùng dung môi.
Tạp chất liên quan
Phương pháp sắc ký lỏng (Phụ lục 5.3).
Pha động: Cân 1,360 g kali dihydrophosphat (TT) và 0,600 g hexylamin (TT) vào một bình nón 250 ml, trộn đều và để yên trong 10 min, sau đó hòa tan trong 185 ml nước. Thêm 65 ml acetonitril (TT), trộn đều và lọc qua màng lọc 0,45 mm.
Dung dịch thử: Hòa tan 62,5 mg chế phẩm trong pha động và pha loãng thành 25,0 ml với cùng pha động.
Dung dịch đối chiếu (1): Hòa tan 25 mg betamethason natri phosphat chuẩn và 25 mg dexamethason natri phosphat chuẩn trong pha động và pha loãng thành 25,0 ml với cùng pha động. Pha loãng 1,0 ml dung dịch này thành 25,0 ml với pha động.
Dung dịch đối chiếu (2): Pha loãng 1,0 ml dung dịch thử thành 50,0 ml với pha động.
Điều kiện sắc ký:
Cột thép không gỉ (25 cm x 4,6 mm) được nhồi pha tĩnh C (5 mm).
Detector quang phổ tử ngoại đặt ở bước sóng 254 nm.
Tốc độ dòng: 1 ml/min.
Thể tích tiêm: 20 ml.
Cách tiến hành:
Cân bằng cột với pha động trong thời gian khoảng 45 min.
Tiến hành sắc ký với khoảng thời gian gấp 2 lần thời gian lưu của betamethason natri phosphat.
Với điều kiện sắc ký như trên, thời gian lưu của betamethason natri phosphat khoảng 14 min; thời gian lưu của dexamethason natri phosphat khoảng 15,5 min.
Kiểm tra tính phù hợp của hệ thống: Tiêm dung dịch đối chiếu (1), độ phân giải giữa pic của betamethason natri phosphat và pic của dexamethason natri phosphat ít nhất là 2,0. Nếu cần, có thể tăng nồng độ acetonitril hoặc tăng nồng độ nước trong pha động.
Trên sắc ký đồ thu được của dung dịch thử, diện tích của bất kỳ pic phụ nào ngoài pic chính không được lớn hơn diện tích của pic chính trên sắc ký đồ thu được của dung dịch đối chiếu (2) (2 %) và không có quá 1 pic như vậy có diện tích lớn hơn 0,5 lần diện tích của pic chính trên sắc ký đồ thu được của dung dịch đối chiếu (2) (1 %). Tổng diện tích của tất cả các pic phụ ngoài pic chính không được lớn hơn 1,5 lần diện tích pic chính trên sắc ký đồ thu được của dung dịch đối chiếu (2) (3 %). Bỏ qua tất cả các pic có diện tích bé hơn 0,025 lần diện tích pic chính trên sắc ký đồ thu được của dung dịch đối chiếu (2) (0,05 %).
Phosphat vô cơ
Không được quá 1 %.
Hòa tan 50 mg chế phẩm trong nước và pha loãng thành 100 ml với cùng dung môi. Lấy 10 ml dung dịch này, thêm 5 ml thuốc thử molybdovanadic (TT), trộn đều và để yên trong 5 min. Dung dịch thu được nếu có bất kỳ màu vàng nào xuất hiện thì không được đậm màu hơn dung dịch chuẩn được chuẩn bị đồng thời và tương tự như dung dịch thử. Dùng 10 ml dung dịch phosphat mẫu 5 phần triệu PO4 (TT) để chuẩn bị dung dịch chuẩn.
Nước
Không được quá 8,0 % (Phụ lục 10.3).
Dùng 0,200 g chế phẩm.
Định lượng
Hòa tan 0,100 g chế phẩm trong nước và pha loãng thành 100,0 ml với cùng dung môi. Pha loãng 5,0 ml dung dịch này thành 250,0 ml với nước. Đo độ hấp thụ (Phụ lục 4.1) của dung dịch ở bước sóng cực đại 241 nm. Tính hàm lượng C22H28FNa2O8P, lấy giá trị A (1 %, 1 cm) ở bước sóng 241 nm là 297.
Bảo quản
Trong đồ đựng kín, tránh ánh sáng.
Loại thuốc
Glucocorticoid.
Chế phẩm
Viên nén; Thuốc tiêm; Thuốc nhỏ mắt.
BUPIVACAIN HYDROCLORID
Bupivacaini hydrochloridum
C18H28N2O.HCl.H2O P.t.l: 342,9
Bupivacain hydroclorid là (2RS)-1-butyl-N-(2,6-dimethylphenyl)piperidin-2-carboxamid hydroclorid monohydrat, phải chứa từ 98,5 % đến 101,0 % C18H28N2O.HCl, tính theo chế phẩm đã làm khô.
Tính chất
Bột kết tinh trắng hay gần như trắng, hoặc tinh thể không màu.
Tan trong nước, dễ tan trong ethanol 96 %. Điểm chảy: khoảng 254 °C, kèm theo phân hủy.
Định tính
Có thể chọn một trong hai nhóm định tính sau:
Nhóm I: A, D.
Nhóm II: B, C, D.
- Phổ hồng ngoại (Phụ lục 4.2) của chế phẩm phải phù hợp với phổ hồng ngoại của bupivacain hydroclorid chuẩn.
- Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).
Bản mỏng: Silica gel G.
Dung môi khai triển: Amoniac – methanol (0,1 : 100).
Dung dịch thử: Hòa tan 25 mg chế phẩm trong methanol (TT) và pha loãng thành 5 ml với cùng dung môi.
Dung dịch đối chiếu: Hòa tan 25 mg bupivacain hydroclorid chuẩn trong methanol (TT) và pha loãng thành 5 ml với cùng dung môi.
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 5 ml mỗi dung dịch trên. Triển khai sắc ký tới khi dung môi đi được 10 cm. Để khô bản mỏng ngoài không khí, sau đó phun lên bản mỏng thuốc thử kali iodobismuthat loãng (TT). Vết chính trên sắc ký đồ thu được của dung dịch thử phải phù hợp với vết chính trên sắc ký đồ thu được của dung dịch đối chiếu về vị trí, màu sắc và kích thước.
- C. Hòa tan 0,1 g chế phẩm trong 10 ml nước, thêm 2 ml dung dịch natri hydroxyd loãng (TT) và chiết 2 lần, mỗi lần với 15 ml ether (TT). Tập trung dịch chiết ether, làm khan bằng natri sulfat khan (TT) và lọc. Bốc hơi dịch chiết ether đến cắn, kết tinh lại cắn thu được bằng ethanol 90 % (TT) và sấy khô dưới áp suất giả Tinh thể thu được nóng chảy ở 105 °C đến 108 °C (Phụ lục 6.7).
- Chế phẩm phải cho phản ứng A của ion clorid (Phụ lục 8.1).
Độ trong và màu sắc của dung dịch
Dung dịch S: Hòa tan 1,0 g chế phẩm trong nước không có carbon dioxyd (TT) và pha loãng thành 50 ml với cùng dung môi.
Dung dịch S phải trong (Phụ lục 9.2) và không màu (Phụ lục 9.3, phương pháp 2).
Giới hạn acid – kiềm
Thêm 0,2 ml dung dịch natri hydroxyd 0,01 M (CĐ) vào 10 ml dung dịch S, dung dịch thu được có pH không nhỏ hơn 4,7. Thêm tiếp 0,4 ml dung dịch acid hydrocloric 0,01 M (CĐ), dung dịch thu được có pH không lớn hơn 4,7.
Tạp chất liên quan
Phương pháp sắc ký khí (Phụ lục 5.2).
Dung dịch chuẩn nội: Hòa tan 25 mg methyl behenat (TT) trong methylen clorid (TT) và pha loãng thành 500 ml với cùng dung môi.
Dung dịch thử: Hòa tan 50,0 mg chế phẩm trong 2,5 ml nước, thêm 2,5 ml dung dịch natri hydroxyd loãng (TT) và chiết 2 lần, mỗi lần với 5 ml dung dịch chuẩn nội. Lọc lớp dưới.
Dung dịch đối chiếu (1): Hòa tan 10 mg chế phẩm, 10 mg tạp chất B chuẩn của bupivacain và 10 mg tạp chất E chuẩn của bupivacain trong 2,5 ml nước. Thêm 2,5 ml dung dịch natri hydroxyd loãng (TT) và chiết 2 lần, mỗi lần với 5 ml dung dịch chuẩn nội. Lọc lớp dưới và pha loãng thành 20 ml bằng dung dịch chuẩn nội.
Dung dịch đối chiếu (2): Pha loãng 1,0 ml dung dịch thử thành 100,0 ml với dung dịch chuẩn nội.
Dung dịch đối chiếu (3): Pha loãng 5,0 ml dung dịch đối chiếu (2) thành 10,0 ml với dung dịch chuẩn nội.
Dung dịch đối chiếu (4): Pha loãng 1,0 ml dung dịch đối chiếu (2) thành 10,0 ml với dung dịch chuẩn nội.
Điều kiện sắc ký:
Cột silica nung chảy (30 m x 0,32 mm) được nhồi poly(dimethyl)(diphenyl)siloxan (lớp phim dày 0,25 mm).
Khí mang: heli dùng cho sắc ký khí (TT), lưu lượng dòng 2,5 ml/min.
Tỷ lệ chia dòng: 1 : 12.
Detector ion hóa ngọn lửa.
Nhiệt độ:
Thời gian (min) |
Nhiệt độ (°C) |
|
Cột | 0 | 180 |
0 – 10 | 180 → 230 | |
10 – 15 | 230 | |
Buồng tiêm | 250 | |
Detector | 250 |
Thể tích tiêm: 1 ml.
Cách tiến hành:
Tiến hành sắc ký trong điều kiện như trên, thời gian lưu tương đối của các chất so với bupivacain (thời gian lưu khoảng 10 min) như sau: Tạp chất C khoảng 0,5; tạp chất A khoảng 0,6; tạp chất B khoảng 0,7; tạp chất D khoảng 0,8; tạp chất E khoảng 1,1; chất chuẩn nội khoảng 1,4.
Kiểm tra tính phù hợp của hệ thống: Tiêm dung dịch đối chiếu (1), độ phân giải giữa pic của bupivacain và pic của tạp chất E ít nhất là 3,0.
Giới hạn:
– Tạp chất B: Trên sắc ký đồ thu được của dung dịch đối chiếu (3), tính tỷ số (R) giữa diện tích của pic chính với diện tích pic của chất chuẩn nội. Trên sắc ký đồ thu được của dung dịch thử, tính tỷ số giữa diện tích của pic tương ứng với tạp chất B với diện tích pic của chất chuẩn nội: Tỷ số này không được lớn hơn R (0,5 %).
– Các tạp chất khác: Trên sắc ký đồ thu được của dung dịch đối chiếu (4), tỉnh tỷ số (R) giữa diện tích của pic chính với diện tích pic của chất chuẩn nội. Trên sắc ký đồ thu được của dung dịch thử, tính tỷ số giữa diện tích của bất kỳ pic phụ nào ngoài pic chính, pic tương ứng với tạp chất B và pic tương ứng với chất chuẩn nội, với diện tích pic của chất chuẩn nội: Tỷ số này không được lớn hơn R (0,1 %).
– Tổng tất cả các tạp: Trên sắc ký đồ thu được của dung dịch đối chiếu (2), tính tỷ số (R) giữa diện tích của pic chính với diện tích pic của chất chuẩn nội. Trên sắc ký đồ thu được của dung dịch thử, tính tỷ số giữa tổng diện tích của tất cả các pic phụ ngoài pic chính và pic tương ứng với chất chuẩn nội, với diện tích pic của chất chuẩn nội: Tỷ số này không được lớn hơn R (1,0 %). Bỏ qua tất cả các tỷ số có giá trị nhỏ hơn 0,01 lần R (0,01 %).
– Ghi chú:
Tạp chất A là N-(2,6-dimethylphenyl)pyridin-2-carboxamid,
Tạp chất B là (2RS)-N-(2,6-dimethylphenyl)piperidin-2-carboxamid,
Tạp chất C là 1-(2,6-dimethylphenyl)-1,5,6,7-tetrahydro-2H-azepin-2-on,
Tạp chất D là (2RS)-2,6-dicloro-N-(2,6-dimethylphenyl)hexanamid,
Tạp chất E là 6-(butylamino)-N-(2,6-dimethylphenyl)hexanamid,
Tạp chất F là 2,6-dimethylanilin.
2,6-Dimethylanilin
Không được quá 0,01 %.
Hòa tan 0,50 g chế phẩm trong methanol (TT) và pha loãng thành 10 ml với cùng dung môi. Thêm 1 ml dung dịch dimethylaminobenzaldehyd 1,0 % trong methanol vừa mới pha và 2 ml acid acetic băng (TT) vào 2 ml dung dịch thu được ở trên và để yên trong 10 min. Nếu dung dịch có màu vàng thì không được đậm màu hơn màu của dung dịch đối chiếu được chuẩn bị trong cùng điều kiện như dung dịch mẫu thử, dùng 2 ml dung dịch 2,6-dimethylanilin 0,0005 % trong methanol thay cho dung dịch chế phẩm.
Kim loại nặng
Không được quá 10 phần triệu (Phụ lục 9.4.8).
Hòa tan 2,0 g chế phẩm trong hỗn hợp nước – methanol (15 : 85) và pha loãng thành 20 ml với cùng hỗn hợp dung môi. Lấy 12 ml dung dịch thu được tiến hành thử theo phương pháp 2.
Dùng dung dịch chì mẫu 1 phần triệu, được chuẩn bị bằng cách pha loãng dung dịch chì mẫu 100 phần triệu Pb (TT) với hỗn hợp nước – methanol (15 : 85), để chuẩn bị mẫu đối chiếu.
Mất khối lượng do làm khô
Từ 4,5 % đến 6,0 % (Phụ lục 9.6).
(1,000 g; 105 °C).
Tro sulfat
Không được quá 0,1 % (Phụ lục 9.9, phương pháp 2).
Dùng 1,0 g chế phẩm.
Định lượng
Hòa tan 0,250 g chế phẩm trong một hỗn hợp gồm 20 ml nước và 25 ml ethanol 96 % (TT).
Thêm 5,0 ml dung dịch acid hydrocloric 0,01 M (CĐ). Chuẩn độ bằng dung dịch natri hydroxyd 0,1 M trong ethanol (CĐ). Xác định điểm kết thúc bằng phương pháp chuẩn độ đo điện thế (Phụ lục 10.2). Đọc thể tích dung dịch chuẩn độ thêm vào giữa hai điểm uốn.
1 ml dung dịch natri hydroxyd 0,1 M trong ethanol (CĐ) tương đương với 32,49 mg C18H28N2O.HCl.
Bảo quản
Tránh ánh sáng.
Loại thuốc
Thuốc gây tê tại chỗ.
Chế phẩm
Thuốc tiêm.
CEFOPERAZON NATRI
Cefoperazonum natricum
C25H26N9NaO8S2 P.t.l: 668,0
Cefoperazon natri là (6R,7R)-7-[[(2R)-2-[[(4-ethyl-2,3-dioxopiperazin-1-yl)carbonyl]amino]-2-(4- hydroxyphenyl)acetyl]amino]-3-[[(1-methyl-1H-tetrazol-5-yl)sulphanyl]methyl]-8-oxo-5-thia-1- azabicyclo[4.2.0]oct-2-en-2-carboxylat natri, phải chứa từ 95,0 % đến 102,0 % C25H26N9NaO8S2, tính theo chế phẩm khan.
Cefoperazon natri là sản phẩm bán tổng hợp từ một sản phẩm lên men.
Tính chất
Bột màu trắng hay hơi vàng, hút ẩm.
Dễ tan trong nước, tan trong methanol, khó tan trong ethanol 96 %.
Chế phẩm thể hiện tính đa hình nếu ở dạng kết tinh.
Định tính
- Hòa tan chế phẩm trong methanol (TT) và làm bay hơi đến khô. Phổ hồng ngoại (Phụ lục 4.2) của cắn thu được phải phù hợp với phổ hồng ngoại đối chiếu của cefoperazon natri.
- Kiểm tra sắc ký đồ thu được ở phần Định lượng. Thời gian lưu và độ lớn của pic chính trong sắc ký đồ thu được từ dung dịch thử (1) phải tương tự với pic chính trong sắc ký đồ thu được từ dung dịch chuẩn (1).
- C. Chế phẩm phải cho phản ứng A của ion natri (Phụ lục 8.1).
Độ trong và màu sắc của dung dịch
Hòa tan 2,5 g chế phẩm trong nước và pha loãng thành 25,0 ml với cùng dung môi. Dung dịch thu được phải trong (Phụ lục 9.2). Độ hấp thụ của dung dịch đo ở bước sóng 430 nm (Phụ lục 4.1) không được lớn hơn 0,15.
pH
Hòa tan 2,5 g chế phẩm trong nước không có carbon dioxyd (TT) và pha loãng thành 10 ml với cùng dung môi. pH của dung dịch thu được phải từ 4,5 đến 6,5 (Phụ lục 6.2).
Tạp chất liên quan
Phương pháp sắc ký lỏng (Phụ lục 5.3). Tiến hành như mô tả trong phần định lượng. Các dung dịch được chuẩn bị ngay trước khi dùng.
Tiêm dung dịch chuẩn (2) và điều chỉnh thang đo sao cho chiều cao của pic chính không thấp hơn 50 % của toàn thang đo. Tiêm dung dịch thử (2). Tiến hành sắc ký với khoảng thời gian gấp 2,5 lần thời gian lưu của pic chính.
Trên sắc ký đồ thu được của dung dịch thử (2), diện tích của bất kỳ pic phụ nào ngoài pic chính không được lớn hơn 1,5 lần diện tích pic chính trên sắc ký đồ thu được của dung dịch chuẩn (2) (1,5 %); tổng diện tích của tất cả các pic phụ ngoài pic chính không được lớn hơn 4,5 lần diện tích pic chính trên sắc ký đồ thu được của dung dịch chuẩn (2) (4,5 %). Bỏ qua các pic có điện tích nhỏ hơn 0,1 lần diện tích pic chính trên sắc ký đồ thu được của dung dịch chuẩn (2) (0,1 %).
Aceton
Không được quá 2,0 %.
Phương pháp sắc ký khí (Phụ lục 5.2), dùng phương pháp thêm chuẩn.
Dung dịch thử: Hòa tan 0,500 g chế phẩm trong nước và pha loãng thành 10,0 ml với cùng dung môi.
Dung dịch aceton: Hòa tan 0,350 g aceton (TT) trong nước và pha loãng thành 100,0 ml với cùng dung môi. Pha loãng 10,0 ml dung dịch này thành 100,0 ml với nước.
Chuẩn bị 4 mẫu dung dịch để tiêm theo bảng sau:
Dung dịch | Dung dịch thử (ml) | Dung dịch aceton (ml) | Nước (ml) |
1 | 1,0 | 0 | 4,0 |
2 | 1,0 | 1,0 | 3,0 |
3 | 1,0 | 2,0 | 2,0 |
4 | 1,0 | 3,0 | 1,0 |
Tiến hành sắc ký theo phép thử Xác định dung môi tồn dư (Phụ lục 10.14) với hệ sắc ký B và các điều kiện tiêm mẫu head-space tĩnh như sau:
– Thời gian cân bằng: 15 min.
– Nhiệt độ đường dẫn: 110 °C.
Duy trì nhiệt độ cột ở 40 °C trong 10 min.
Kim loại nặng
Không được quá 5 phần triệu (Phụ lục 9.4.8).
Lấy 2,0 g chế phẩm tiến hành thử theo phương pháp 3.
Dùng 1 ml dung dịch chì mẫu 10 phần triệu Pb (TT) để chuẩn bị mẫu đối chiếu.
Nước
Không được quá 5,0 % (Phụ lục 10.3).
Dùng 0,200 g chế phẩm.
Nội độc tố vi khuẩn
Nội độc tố vi khuẩn phải ít hơn 0,20 EU/mg (Phụ lục 13.2).
Nếu chế phẩm dự định dùng để sản xuất thuốc tiêm mà không tiến hành các biện pháp thích hợp để loại nội độc tố vi khuẩn thì phải đáp ứng yêu cầu này.
Định lượng
Phương pháp sắc ký lỏng (Phụ lục 5.3). Các dung dịch được chuẩn bị ngay trước khi dùng.
Pha động: Nước – acetonitril – dung dịch acid acetic 1 M – dung dịch triethylamin acetat (884 : 110 : 3,5 : 2,5).
Dung dịch triethylamin acetat: Pha loãng 14 ml triethylamin (TT) và 5,7 ml acid acetic băng (TT) thành 100 ml với nước.
Dung dịch thử (1): Hòa tan 25,0 mg chế phẩm trong pha động và pha loãng thành 250,0 ml với pha động.
Dung dịch thử (2): Hòa tan 25,0 mg chế phẩm trong pha động và pha loãng thành 50,0 ml với pha động.
Dung dịch chuẩn (1): Hòa tan 25,0 mg cefoperazon dihydrat chuẩn trong pha động và pha loãng thành 250,0 ml với pha động.
Dung dịch chuẩn (2): Pha loãng 5,0 ml dung dịch chuẩn (1) thành 100,0 ml với pha động.
Điều kiện sắc ký:
Cột thép không gỉ (15 cm x 4,6 mm) được nhồi pha tĩnh end-capped octadecylsilyl silica gel dùng cho sắc ký (5 mm).
Detector quang phổ tử ngoại đặt ở bước sóng 254 nm.
Tốc độ dòng: 1 ml/min.
Thể tích tiêm: 20 ml.
Cách tiến hành:
Tiêm dung dịch chuẩn (1). Với điều kiện sắc ký được tiến hành như trên, thời gian lưu của cefoperazon là khoảng 15 min. Phép thử chỉ có giá trị khi số đĩa lý thuyết tính trên pic chính ít nhất là 5000 và hệ số đối xứng của pic chính không lớn hơn 1,6. Điều chỉnh nồng độ acetonitril trong pha động, nếu cần. Tiêm dung dịch chuẩn (1) 6 lần. Phép thử không có giá trị nếu độ lệch chuẩn tương đối của diện tích pic chính lớn hơn 1,0 %. Tiêm lần lượt dung dịch thử (1) và dung dịch chuẩn (1).
Hàm lượng phần trăm của cefoperazon natri bằng hàm lượng phần trăm của cefoperazon nhân với hệ số 1,034.
Bảo quản
Đựng trong đồ bao gói kín, tránh ánh sáng, ở nhiệt độ từ 2 °C đến 8 °C.
Nếu là nguyên liệu vô khuẩn: Đựng trong đồ bao gói kín, vô khuẩn và tránh sự xâm nhập của vi khuẩn.
Loại thuốc
Kháng sinh.
Chế phẩm
Thuốc tiêm.
COLCHICIN
Colchicinum
C22H25NO6 P.t.l: 399,4
Colchicin là (-)-N-[(7S,12aS)-1,2,3,10-tetramethoxy-9-oxo-5,6,7,9-tetrahydrobenzo[a]heptalen-7-yl] acetamid, phải chứa từ 97,0 % đến 102,0 % C22H25NO6 tính theo chế phẩm khan.
Tính chất
Bột kết tinh hoặc vô định hình, màu trắng hơi vàng.
Rất tan trong nước, kết tinh lại rất nhanh từ dung dịch đậm đặc dưới dạng ngậm 1,5 phân tử nước, dễ tan trong ethanol 96 %, thực tế không tan trong cyclohexan.
Định tính
Có thể chọn một trong hai nhóm định tính sau:
Nhóm I: A.
Nhóm II: B, C, D.
- Phổ hồng ngoại (Phụ lục 4.2) của chế phẩm phải phù hợp với phổ hồng ngoại của colchicin chuẩn. Chuẩn bị mẫu đo dưới dạng đĩa nén kali bromid.
- Hòa tan 5 mg chế phẩm trong ethanol 96 % (TT) và pha loãng thành 100,0 ml với cùng dung môi. Pha loãng 5,0 ml dung dịch này thành 25,0 ml với ethanol 96 % (TT). Đo phổ hấp thụ tử ngoại (Phụ lục 4.1) trong khoảng từ 230 nm đến 400 nm, dung dịch thu được phải cho hai cực đại hấp thụ ở 243 nm và 350 nm. Tỷ số giữa độ hấp thụ ở bước sóng 243 nm và độ hấp thụ ở bước sóng 350 nm phải từ 1,7 đến 1,9.
- C. Thêm 0,5 ml dung dịch acid hydrocloric loãng (TT) và 0,15 ml dung dịch sắt (III) clorid 10,5 % (TT) vào 0,5 ml dung dịch S (xem ở mục Độ trong và màu sắc của dung dịch). Dung dịch có màu vàng và chuyển sang màu xanh lục sẫm khi đun sôi trong 30 s. Để nguội, thêm 2 ml methylen clorid (TT) và lắc. Lớp methylen clorid có màu vàng lục.
- Hòa tan khoảng 30 mg chế phẩm trong 1 ml ethanol 96 % (TT), thêm 0,15 ml dung dịch sắt (III) clorid 10,5 % (TT). Sẽ xuất hiện màu đỏ nâu.
Độ trong và màu sắc của dung dỊch
Dung dịch S: Hòa tan 0,10 g chế phẩm trong nước và pha loãng thành 20 ml với cùng dung môi. Dung dịch S phải trong (Phụ lục 9.2) và không được có màu đậm hơn màu mẫu VL3 (Phụ lục 9.3, phương pháp 2).
Giới hạn acid – kiềm
Thêm 0,1 ml dung dịch xanh bromothymol (TT) vào 10 ml dung dịch S. Dung dịch không đổi màu hoặc chuyển sang màu xanh tục. Màu của dung dịch phải chuyển sang xanh lam khi thêm không quá 0,1 ml dung dịch natri hydroxyd 0,01 M (CĐ).
Góc quay cực riêng
Từ -235° đến -250°, tính theo chế phẩm khan (Phụ lục 6.4).
Hòa tan 50,0 mg chế phẩm trong ethanol 96 % (TT) và pha loãng thành 10,0 ml với cùng dung môi.
Tạp chất liên quan
Phương pháp sắc ký lỏng (Phụ lục 5.3).
Pha động: Trộn 450 ml dung dịch kali dihydrophosphat 0,68 % với 530 ml methanol (TT). Sau khi để nguội đến nhiệt độ phòng, thêm methanol (TT) đến vừa đủ 1000 ml. Điều chỉnh pH biểu kiến của dung dịch thu được đến 5,5 bằng dung dịch acid phosphoric loãng (TT).
Dung dịch thử: Hòa tan 20,0 mg chế phẩm trong một hỗn hợp đồng thể tích của methanol (TT) và nước, và pha loãng thành 20,0 ml với cùng hỗn hợp dung môi.
Dung dịch đối chiếu (1): Hòa tan 20,0 mg colchicin chuẩn dùng để kiểm tra tính thích hợp của hệ thống trong một hỗn hợp đồng thể tích của methanol (TT) và nước, và pha loãng thành 20,0 ml với cùng hỗn hợp dung môi.
Dung dịch đối chiếu (2): Pha loãng 1,0 ml dung dịch thử thành 100,0 ml với một hỗn hợp đồng thể tích của methanol (TT) và nước.
Dung dịch đối chiếu (3): Pha loãng 1,0 ml dung dịch đối chiếu (2) thành 20,0 ml với một hỗn hợp đồng thể tích của methanol (TT) và nước.
Điều kiện sắc ký:
Cột thép không gỉ (25 cm x 4,6 mm) được nhồi pha tĩnh C (5 mm).
Detector quang phổ tử ngoại đặt ở bước sóng 254 nm.
Tốc độ dòng: 1 ml/min.
Thể tích tiêm: 20 ml.
Cách tiến hành: Tiến hành sắc ký với khoảng thời gian gấp 3 lần thời gian lưu của pic colchicin. Với điều kiện sắc ký như trên, thời gian lưu tương đối của các chất so với colchicin (thời gian lưu khoảng 7 min) như sau: Tạp chất D = khoảng 0,4; tạp chất E = khoảng 0,7; tạp chất B = khoảng 0,8; tạp chất A = khoảng 0,94; tạp chất C = khoảng 1,2.
Kiểm tra tính phù hợp của hệ thống: Tiêm dung dịch đối chiếu (1), tỷ số p/v không được nhỏ hơn 2, trong đó Hp = chiều cao so với đường nền của đỉnh pic tương ứng với tạp chất A và Hv = chiều cao so với đường nền của điểm thấp nhất trên đường cong tách pic này ra khỏi pic tương ứng với colchicin.
Giới hạn:
Trên sắc ký đồ thu được của dung dịch thử, diện tích của pic tương ứng với tạp chất A không được lớn hơn 3,5 lần diện tích pic chính trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu (2) (3,5 %); diện tích của bất kỳ pic phụ nào ngoài pic chính và pic tương ứng với tạp chất A không được lớn hơn diện tích pic chính trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu (2) (1 %); tổng diện tích của tất cả các pic phụ ngoài pic chính không được lớn hơn 5 lần diện tích pic chính trên sắc ký đồ thu được của dung dịch đối chiếu (2) (5 %). Bỏ qua các pic có điện tích nhỏ hơn diện tích pic chính trên sắc ký đồ thu được của dung dịch đối chiếu (3) (0,05 %).
Colchicein
Không được quá 0,2 %.
Hòa tan 50 mg chế phẩm trong nước và pha loãng thành 5 ml với cùng dung môi. Thêm 0,1 ml dung dịch sắt (III) clorid 10,5 % (TT). Dung dịch không được có màu đậm hơn màu của một hỗn hợp gồm 1 ml dung dịch gốc màu đỏ, 2 ml dung dịch gốc màu vàng và 2 ml dung dịch gốc màu xanh (Phụ lục 9.3, phương pháp 2).
Cloroform
Không được quá 0,05 % (Phụ lục 10.14).
Ethyl acetat
Không được quá 6,0 % (theo khối lượng) (Phụ lục 10.14).
Nước
Không được quá 2,0 % (Phụ lục 10.3).
Dùng 0,500 g chế phẩm.
Tro sulfat
Không được quá 0,1 % (Phụ lục 9.9, phương pháp 2).
Dùng 0,5 g chế phẩm.
Định lượng
Hòa tan 0,250 g chế phẩm bằng cách đun nóng nhẹ trong một hỗn hợp gồm 10 ml anhydrid acetic (TT) và 20 ml toluen (TT). Chuẩn độ bằng dung dịch acid percloric 0,1 N (CĐ). Xác định điểm kết thúc bằng phương pháp chuẩn độ đo điện thế (Phụ lục 10.2).
1 ml dung dịch acid percloric 0,1 N (CĐ) tương đương với 39,94 mg C22H25NO6.
Bảo quản
Tránh ánh sáng.
Loại thuốc
Thuốc điều trị bệnh gút.
Chế phẩm
Viên nén.
DILTIAZEM HYDROCLORID
Diltiazemi hydrochloridum
C22H26N2O4S.HCl P.t.l: 451,0
Diltiazem hydroclorid là (2S,3S)-5-[2-(dimethylamino)ethyl]-2-(4-methoxyphenyl)-4-oxo-2,3,4,5- tetrahydro-1,5-benzothiazepin-3-yl acetat hydroclorid, phải chứa từ 98,5 % đến 101,0 % C22H26N2O4S.HCl, tính theo chế phẩm đã làm khô.
Tính chất
Bột kết tinh trắng.
Dễ tan trong nước, trong methanol và trong methylen clorid, khó tan trong ethanol. Nóng chảy ở 213 °C kèm theo phân hủy.
Định tính
Có thể chọn một trong hai nhóm định tính sau:
Nhóm I: A, D.
Nhóm II: B, C, D.
- Phổ hồng ngoại (Phụ lục 4.2) của chế phẩm phải phù hợp với phổ hồng ngoại của diltiazem hydroclorid chuẩn.
- Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4)
Bản mỏng: Silica gel GF254.
Dung môi khai triển: Acid acetic – nước – methylen clorid – ethanol (1 : 3 : 10 : 12)
Dung dịch thử: Hòa tan 0,10 g chế phẩm trong methylen clorid (TT) và pha loãng thành 10 ml với cùng dung môi.
Dung dịch đối chiếu: Hòa tan 0,10 g diltiazem hydroclorid chuẩn trong methylen clorid (TT) và pha loãng thành 10 ml với cùng dung môi.
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 10 ml mỗi dung dịch. Triển khai sắc ký đến khi dung môi đi được khoảng 10 cm, lấy bản mỏng ra để khô ở nhiệt độ phòng. Quan sát bản mỏng dưới ánh sáng đèn tử ngoại ở bước sóng 254 nm. Vết chính trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có cùng vị trí và kích thước với vết chính trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.
- C. Hòa tan 50 mg chế phẩm trong 5 ml nước. Thêm 1 ml dung dịch amoni reineckat (TT), tủa màu hồng được tạo thà
- Chế phẩm phải cho phản ứng A của clorid (Phụ lục 8.1).
Độ trong và màu sắc của dung dịch
Dung dịch S: Hòa tan 1,00 g chế phẩm trong nước không có carbon dioxyd (TT) và pha loãng thành 20,0 ml với cùng dung môi.
Dung dịch S phải trong (Phụ lục 9.2) và không màu (Phụ lục 9.3, phương pháp 2).
pH
Pha loãng 2,0 ml dung dịch S thành 10,0 ml với nước không có carbon dioxyd (TT), pH của dung dịch thu được phải từ 4,3 đến 5,3 (Phụ lục 6.2).
Góc quay cực riêng
Từ +115° đến +120o, tính theo chế phẩm đã làm khô (Phụ lục 6.4).
Xác định trên dung dịch thu được bằng cách pha loãng 5,0 ml dung dịch S thành 25,0 ml với nước.
Tạp chất liên quan
Phương pháp sắc ký lỏng (Phụ lục 5.3).
Dung dịch đệm pH 4,5: Hòa tan 6,8 g kali dihydrophosphat trong 1 lít nước, thêm 0,1 ml N,N-dimethyl octylamin (TT), điều chỉnh đến pH 4,5 bằng dung dịch acid phosphoric loãng (TT).
Pha động: Ethanol – acetonitril – dung dịch đệm pH 4,5 (5 : 25 : 70).
Dung dịch thử: Hòa tan 50,0 mg chế phẩm trong pha động và pha loãng thành 200,0 ml với cùng dung môi.
Dung dịch đối chiếu (1): Hòa tan 50,0 mg diltiazen hydroclorid chuẩn trong pha động và pha loãng thành 200,0 ml với cùng dung môi.
Dung dịch đối chiếu (2): Hòa tan 3 mg tạp chất A chuẩn của diltiazem trong pha động và pha loãng thành 10,0 ml với pha động. Lấy 1,0 ml dung dịch này, thêm 1,2 ml dung dịch đối chiếu (1) và pha loãng thành 100,0 ml với pha động.
Dung dịch đối chiếu (3): Pha loãng 0,3 ml dung dịch thử thành 100,0 ml với pha động.
Điều kiện sắc ký
Cột thép không gỉ (10 cm x 4,6 mm) được nhồi pha tĩnh C (3 mm)
Detector quang phổ tử ngoại đặt ở bước sóng 240 nm.
Tộc độ dòng: 1,5 ml/min.
Thể tích tiêm: 20 ml.
Cách tiến hành
Tiêm dung dịch đối chiếu (3): Điều chỉnh độ nhạy của detector sao cho chiều cao của pic chính trên sắc ký đồ ít nhất bằng 10 % thang đo.
Tiêm dung dịch đối chiếu (2): Độ phân giải giữa 2 pic diltiazem hydroclorid và tạp chất A không được nhỏ hơn 4,0; hệ số đối xứng của pic tạp chất A và pic diltiazem hydroclorid không được lớn hơn 2,0. Nếu cần, điều chỉnh nồng độ của N,N-dimethyloctylamin trong pha động.
Tiêm dung dịch thử: Tiến hành sắc ký với thời gian gấp 5 lần thời gian lưu của pic chính.
Trên sắc ký đồ của dung dịch thử, tổng diện tích của tất cả các pic (trừ pic chính) không được lớn hơn diện tích của pic chính trên sắc ký đồ thu được của dung dịch đối chiếu (3) (0,3 %), bỏ qua những pic có diện tích nhỏ hơn 0,025 lần diện tích của pic chính trên sắc ký đồ thu được của dung dịch đối chiếu (3).
Ghi chú:
Tạp chất A của diltiazem hydroclorid là: (2R,3S)-5-[2-(dimethylamino)ethyl]-2-(4-methoxyphenyl)-4-oxo-2,3,4,5-tetrahydro-1,5-benzothiazepin-3-yl acetat.
Kim loại nặng
Không được quá 10 phần triệu (Phụ lục 9.4.8).
Hòa tan 2,0 g chế phẩm trong nước và pha loãng thành 20,0 ml với nước. Lấy 12,0 ml dung dịch này, tiến hành thử theo phương pháp 1, dùng dung dịch chì mẫu 1 phần triệu Pb (TT) để chuẩn bị mẫu đối chiếu.
Mất khối lượng do làm khô
Không được quá 0,5 % (Phụ lục 9.6).
(1,000 g; 100 oC – 105 °C, 2 h)
Tro sulfat
Không được quá 0,1 % (Phụ lục 9.9, phương pháp 2).
Dùng 1,0 g chế phẩm.
Định lượng
Hòa tan 0,400 g chế phẩm trong một hỗn hợp gồm 2 ml acid formic khan (TT) và 60 ml anhydrid acetic (TT) và chuẩn độ bằng dung dịch acid percloric 0,1 N (CĐ), xác định điểm tương đương bằng phương pháp chuẩn độ đo điện thế (Phụ lục 10.2).
1 ml dung dịch acid percloric 0,1 N (CĐ) tương đương với 45,1 mg C22H26N2O4S.HCl
Bảo quản
Trong bao bì kín, tránh ánh sáng.
Loại thuốc
Thuốc đối kháng calci, trị đau thắt ngực và tăng huyết áp.
Chế phẩm
Viên nén, viên nén giải phóng chậm, nang.
EMETIN HYDROCLORID
Emetini hydrochloridum
C29H40N2O4.2HCl.7H2O P.t.l: 679,7
Emetin hydroclorid là (2S,3R,11bS)-2-[[(1R)-6,7-dimethoxy-1,2,3,4-tetrahydroisoquinolin-1-yl]methyl]-3-ethyl-9,10-dimethoxy-1,3,4,6,7,11b-hexahydro-2H-benzo[a]quinolizin dihydroclorid heptahydrat, phải chứa từ 98,0 % đến 102,0 % C29H40N2O4.2HCl, tính theo chế phẩm đã làm khô.
Tính chất
Bột kết tinh trắng hay hơi vàng nhạt.
Dễ tan trong nước và ethanol 96 %.
Định tính
Có thể chọn một trong hai nhóm định tính sau:
Nhóm I: A, E.
Nhóm II: B, C, D và E.
- Phổ hồng ngoại (Phụ lục 4.2) của chế phẩm phải phù hợp với phổ hồng ngoại của emetin hydroclorid chuẩn.
- Trong mục thử Tạp chất liên quan, vết chính trên sắc ký đồ thu được từ dung dịch thử phải tương ứng về vị trí, màu sắc huỳnh quang và kích thước với vết thu được trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu (3).
- C. Hòa tan khoảng 10 mg chế phẩm trong 2 ml dung dịch hydrogen peroxyd 10 thể tích (TT), thêm 1 ml acid hydrocloric (TT) và đun nóng, có màu da cam xuất hiện.
- Rắc khoảng 5 mg chế phẩm lên bề mặt của 1 ml dung dịch amoni molybdat 0,5 % trong acid sulfuric đậm đặc (TT), xuất hiện màu xanh sáng.
- Chế phẩm phải cho phản ứng A của clorid (Phụ lục 8.1).
Độ trong và màu sắc của dung dịch
Dung dịch S: Hòa tan 1,25 g chế phẩm trong nước không có carbon dioxyd (TT) và pha loãng thành 25 ml với cùng dung môi.
Dung dịch S phải trong (Phụ lục 9.2) và không được có màu đậm hơn dung dịch màu đối chiếu V5 hay VN5 (Phụ lục 9.3, phương pháp 2).
pH
Pha loãng 4 ml dung dịch S thành 10 ml với nước không có carbon dioxyd (TT), pH của dung dịch thu được phải từ 4,0 đến 6,0 (Phụ lục 6.2).
Góc quay cực riêng
Từ +16° đến +19o, tính theo chế phẩm đã làm khô (Phụ lục 6.4).
Hòa tan một lượng chế phẩm tương ứng với 1,250 g chế phẩm đã làm khô trong nước và pha loãng thành 25,0 ml với cùng dung môi. Dùng dung dịch thu được để đo.
Tạp chất liên quan
Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).
Bản mỏng: Silica gel G.
Dung môi khai triển: Cloroform – 2-methoxyethanol – methanol – nước – diethylamin (200 : 40 : 10 : 4 : 1).
Chuẩn bị các dung dịch sau ngay trước khi dùng, pha trong dung môi là methanol (TT) chứa 1 % (theo thể tích) dung dịch ammoniac 2 M (TT).
Dung dịch thử: chứa 0,5 mg chế phẩm trong 1 ml.
Dung dịch đối chiếu (1): Chứa 0,01 mg isoemetin hydrobromid chuẩn trong 1 ml.
Dung dịch đối chiếu (2): Chứa 0,01 mg cephaelin hydroclorid chuẩn trong 1 ml.
Dung dịch đối chiếu (3): Chứa 0,5 mg emetin hydroclorid chuẩn trong 1 ml.
Dung dịch đối chiếu (4): Pha loãng 1 ml dung dịch đối chiếu (3) thành 100 ml.
Dung dịch đối chiếu (5): Thêm 1 ml dung dịch đối chiếu (1) và 1 ml dung dịch đối chiếu (2) vào 1 ml dung dịch đối chiếu (3).
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 10 ml mỗi dung dịch thử, dung dịch đối chiếu (1), (2), (3), (4) và 30 ml dung dịch đối chiếu (5). Sau khi triển khai được khoảng 15 cm, lấy bản mỏng để khô ngoài không khí đến khi bay hết hơi dung môi. Phun dung dịch iod 0,5 % trong cloroform, sấy bản mỏng ở 60 °C trong 15 min và quan sát dưới ánh sáng tử ngoại ở bước sóng 365 nm. Bất kỳ vết nào tương ứng với vết của isoemetin và cephaelin trên sắc ký đồ thu được từ dung dịch thử không được đậm màu hơn các vết tương ứng trên sắc ký đồ thu được từ dung dịch đối chiếu (1) và (2) (2,0 %) và bất kỳ một vết phụ nào khác cũng không được đậm màu hơn vết trên sắc ký đồ thu được từ dung dịch đối chiếu (4) (1,0 %).
Phép thử chỉ có giá trị khi sắc ký đồ thu được từ dung dịch đối chiếu (5) có 3 vết tách riêng rõ rệt.
Mất khối lượng do làm khô
Từ 15,0 % đến 19,0 % (Phụ lục 9.6).
(1,00 g, 105 °C; 3 h).
Tro sulfat
Không được quá 0,1 % (Phụ lục 9.9, phương pháp 2).
Dùng 1,0 g chế phẩm.
Định lượng
Hòa tan 0,200 g chế phẩm trong 5,0 ml dung dịch acid hydrocloric 0,01 M (TT) và 50 ml ethanol 96 % (TT). Tiến hành chuẩn độ bằng phương pháp chuẩn độ đo điện thế (Phụ lục 10.2), dùng dung dịch natri hydroxyd 0,1 M (CĐ). Đọc thể tích của dung dịch chuẩn độ đã tiêu thụ giữa hai điểm uốn.
1 ml dung dịch natri hydroxyd 0,1 M (CĐ) tương đương 27,68 mg C29H40N2O4.2HCl.
Bảo quản
Trong đồ đựng kín, tránh ánh sáng.
Loại thuốc
Trị giun sán.
Chế phẩm
Thuốc tiêm.
HEPTAMINOL HYDROCLORID
Heptaminoli hydrochloridum
C8H19NO.HCl P.t.l: 181,7
Heptaminol hydroclorid là (6RS)-6-amino-2-methylheptan-2-ol hydroclorid, phải chứa từ 99,0 % đến 101,0 % C8H19NO.HCl, tính theo chế phẩm đã làm khô.
Tính chất
Bột kết tinh trắng hay gần như trắng.
Dễ tan trong nước, tan trong ethanol 96 %, thực tế không tan trong methylen clorid.
Định tính
Có thể chọn một trong hai nhóm định tính sau:
Nhóm I: A, D
Nhóm II: B, C, D
- Phổ hồng ngoại (Phụ lục 4.2) của chế phẩm phải phù hợp với phổ hồng ngoại của heptaminol hydroclorid chuẩn.
- Ở mục tạp chất liên quan, quan sát dưới ánh sáng ban ngày, dung dịch thử (2) phải cho vết chính có vị trí, màu sắc và kích thước tương ứng với vết chính của dung dịch đối chiếu (2).
- C. Thêm 4 ml nước và 2 ml dung dịch amoni ceri nitrat 20 % trong dung dịch acid nitric 4 M vào 1 ml dung dịch S, màu nâu da cam xuất hiện.
- Chế phẩm phải cho phản ứng A của clorid (Phụ lục 8.1).
Độ trong và màu sắc của dung dịch
Dung dịch S: Hòa tan 5,0 g chế phẩm trong nước không có carbon dioxyd (TT) và pha loãng thành 50 ml với cùng dung môi.
Dung dịch S phải trong (Phụ lục 9.2) và có màu không được đậm hơn màu mẫu VN6 (Phụ lục 9.3, phương pháp 2).
Giới hạn acid kiềm
Thêm 0,1 ml dung dịch đỏ methyl (TT) và 0,3 ml dung dịch acid hydroclorid 0,01 M (CĐ) vào 10 ml dung dịch S, dung dịch phải có màu đỏ. Thêm 0,6 ml dung dịch natri hydroxyd 0,01 M (CĐ) dung dịch phải có màu vàng.
Tạp chất liên quan
Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).
Bản mỏng: Silica gel G.
Dung môi khai triển: Amoniac – dioxan – 2-propanol (10 : 50 : 50).
Dung dịch thử (1): Hòa tan 0,50 g chế phẩm trong methanol (TT) và pha loãng thành 5,0 ml với cùng dung môi.
Dung dịch thử (2): Pha loãng 1,0 ml dung dịch thử (1) thành 10 ml với methanol (TT).
Dung dịch đối chiếu (1): Pha loãng 3,0 ml dung dịch thử (1) thành 10,0 ml với methanol (TT). Pha loãng 1,0 ml dung dịch thu được thành 50,0 ml với methanol (TT).
Dung dịch đối chiếu (2): Hòa tan 0,10 g heptaminol hydroclorid chuẩn trong methanol (TT) và pha loãng thành 10 ml với cùng dung môi.
Dung dịch đối chiếu (3): Hòa tan 10,0 mg tạp chất A chuẩn của heptaminol [(2RS)-6-methylhept- 5-en-2-amin)] trong methanol (TT) và pha loãng thành 5,0 ml với cùng dung môi.
Dung dịch đối chiếu (4): Pha loãng 1,0 ml dung dịch đối chiếu (3) thành 10,0 ml với methanol (TT).
Dung dịch đối chiếu (5): Lấy 2,5 ml dung dịch đối chiếu (3), thêm 0,5 ml dung dịch thử (2) và pha loãng thành 5 ml với methanol (TT).
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 10 ml dung dịch thử (1), thử (2), đối chiếu (1), (2), (4) và (5). Triển khai sắc ký đến khi dung môi đi được 15 cm. Lấy bản mỏng ra và để khô ngoài không khí. Đặt bản mỏng trong bình bão hòa hơi iod ít nhất 15 h.
Phép thử chỉ có giá trị khi trên sắc ký đồ: Dung dịch đối chiếu (5) cho 2 vết chính tách nhau rõ ràng và dung dịch đối chiếu (1) cho 1 vết chính.
Trên sắc ký đồ của dung dịch thử (1): vết tương ứng với vết tạp chất A không được có màu đậm hơn màu của vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu (4) (0,2 %); bất kỳ vết phụ nào ngoài vết chính và vết tạp chất A không được có màu đậm hơn màu của vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu (1) (0,6 %).
Kim loại nặng
Không được quá 10 phần triệu (Phụ lục 9.4.8).
Lấy 12 ml dung dịch S thử theo phương pháp 1. Dùng dung dịch chì mẫu 1 phần triệu Pb (TT) để chuẩn bị mẫu đối chiếu.
Mất khối lượng do làm khô
Không được quá 0,5 % (Phụ lục 9.6).
(1,000 g; 105 °C; 4 h).
Tro sulfat
Không được quá 0,1 % (Phụ lục 9.9, phương pháp 2).
Dùng 1,0 g chế phẩm.
Định lượng
Hòa tan 0,140 g chế phẩm trong 50 ml ethanol 96 % (TT) và thêm 5,0 ml dung dịch acid hydrocloric 0,01 M (CĐ). Chuẩn độ bằng dung dịch natri hydroxyd 0,1 M (CĐ). Xác định điểm kết thúc bằng phương pháp chuẩn độ đo điện thế (Phụ lục 10.2). Đọc thể tích đã tiêu thụ giữa 2 điểm uốn.
1 ml dung dịch natri hydroxyd 0,1 M (CĐ) tương ứng với 18,17 mg C8H19NO.HCl.
Bảo quản
Trong đồ đựng kín.
Loại thuốc
Thuốc điều trị hạ huyết áp.
Chế phẩm
Thuốc tiêm.
IMIPRAMIN HYDROCLORID
Imipramini hydrochloridum
C19H24N2.HCl P.t.l: 316,9
Imipramin hydroclorid là 3-(10,11-dihydro-5H-dibenzo[b,f]azepin-5-yl)-N,N-dimethylpropan-1-amin hydroclorid, phải chứa từ 98,5 % đến 101,0 % C19H24N2.HCl, tính theo chế phẩm đã làm khô.
Tính chất
Bột kết tinh trắng hay hơi vàng.
Dễ tan trong nước và trong ethanol 96 %.
Định tính
Có thể chọn một trong hai nhóm định tính sau:
Nhóm I: A, D
Nhóm II: B, C, D
- Phổ hồng ngoại (Phụ lục 4.2) của chế phẩm phải phù hợp với phổ hồng ngoại của imipramin hydroclorid chuẩn.
- Điểm chảy (Phụ lục 6.7): Từ 170 oC đến 174 °C.
- C. Hòa tan khoảng 5 mg chế phẩm trong 2 ml acid nitric (TT), màu xanh lam đậm xuất hiện.
- Khoảng 20 mg chế phẩm cho phản ứng A của clorid (Phụ lục 8.1).
Độ trong và màu sắc của dung dịch
Dung dịch S: Hòa tan nhanh 3,0 g chế phẩm trong 20 ml nước không có carbon dioxyd (TT) bằng cách lắc và khuấy bằng đũa thủy tinh, pha loãng thành 30 ml với cùng dung môi.
Dung dịch S phải trong (Phụ lục 9.2). Sau khi pha xong lập tức pha loãng dung dịch S với cùng thể tích nước. Dung dịch thu được có màu không được đậm hơn màu mẫu VN6 (Phụ lục 9.3, phương pháp 2).
pH
Dung dịch S có pH từ 3,6 đến 5,0 (Phụ lục 6.2). Đo ngay sau khi pha.
Tạp chất liên quan
Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).
Bản mỏng: Silica gel G.
Dung môi khai triển: Dung dịch acid hydrocloric 25 % – nước – acid acetic băng – ethyl acetat (5 : 5 : 35 : 55).
Dung dịch thử: Hòa tan 0,250 g chế phẩm trong methanol (TT) và pha loãng thành 10,0 ml với cùng dung môi.
Dung dịch đối chiếu (1): Pha loãng 1,0 ml dung dịch thử thành 50,0 ml với methanol (TT). Pha loãng 5,0 ml dung dịch thu được thành 50,0 ml với methanol (TT).
Dung dịch đối chiếu (2): Hòa tan 25 mg iminodibenzyl trong methanol (TT) và pha loãng thành 50 ml với cùng dung môi. Pha loãng 5,0 ml dung dịch thu được thành 50,0 ml với methanol (TT).
Các dung dịch trên chỉ pha trước khi dùng.
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 10 ml mỗi dung dịch trên. Triển khai sắc ký đến khi dung môi đi được 15 cm. Lấy bản mỏng ra và để khô ngoài không khí khoảng 5 min. Phun bản mỏng bằng dung dịch kali dicromat 0,5 % trong hỗn hợp nước – acid sulfuric đặc (4 : 1). Quan sát bản mỏng dưới ánh sáng thường.
Trên sắc ký đồ của dung dịch thử, vết tương ứng với vết iminodibenzyl không được có màu đậm hơn màu của vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu (2); bất kỳ vết phụ nào, ngoài vết chính và vết iminodibenzyl, không được có màu đậm hơn màu của vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu (1)
Kim loại nặng
Không được quá 20 phần triệu (Phụ lục 9.4.8).
Dung dịch thử: Hòa tan 0,500 g chế phẩm trong 20 ml nước.
Dung dịch đối chiếu: Pha loãng 10 ml dung dịch chì mẫu 1 phần triệu Pb (TT) thành 20 ml với nước.
Dung dịch mẫu trắng: 20 ml nước.
Dung dịch kiểm tra: Hòa tan 0,500 g chế phẩm trong 10 ml dung dịch chì mẫu 1 phần triệu Pb (TT) và pha loãng thành 20 ml với nước.
Thêm 2 ml đệm acetat pH 3,5 (TT) vào mỗi dung dịch trên. Lắc đều và thêm 1,2 ml thuốc thử thioacetamid (TT). Lắc đều ngay. Lọc các dung dịch qua màng lọc 0,45 mm. So sánh các vết trên màng lọc. Phép thử chỉ có giá trị khi các vết của dung dịch đối chiếu và dung dịch kiểm tra có màu nâu nhạt khi so sánh với vết của dung dịch mẫu trắng. Chế phẩm đạt yêu cầu nếu vết của dung dịch thử nhạt màu hơn vết của dung dịch đối chiếu.
Mất khối lượng do làm khô
Không được quá 0,5 % (Phụ lục 9.6).
(1,000 g; 105 oC).
Tro sulfat
Không được quá 0,1 % (Phụ lục 9.9, phương pháp 2).
Dùng 1,0 g chế phẩm.
Định lượng
Hòa tan 0,250 g chế phẩm trong 50 ml ethanol 96 % (TT) và thêm 5,0 ml dung dịch acid hydrocloric 0,01 M (CĐ). Chuẩn độ bằng dung dịch natri hydroxyd 0,1 M (CĐ). Xác định điểm kết thúc bằng phương pháp chuẩn độ đo điện thế (Phụ lục 10.2). Đọc thể tích đã tiêu thụ giữa 2 điểm uốn.
1 ml dung dịch natri hydroxyd 0,1 M (CĐ) tương ứng với 31,69 mg C19H24N2.HCl.
Bảo quản
Trong đồ đựng kín, tránh ánh sáng.
Loại thuốc
Ức chế tái thu hồi monoamin, chống trầm cảm 3 vòng.
Chế phẩm
Viên nén.
LANSOPRAZOL
Lansoprazolum
C16H14F3N3O2S P.t.l: 369,4
Lansoprazol là 2-[(RS)-[[3-methyl-4-(2,2,2-trifluoroethoxy)pyridin-2-yl]methyl]sulfinyl]-1H-benzimidazol, phải chứa từ 99,0 % đến 101,0 % C16H14F3N3O2S, tính theo chế phẩm khan.
Tính chất
Bột đa hình, màu trắng hay nâu nhạt.
Tan trong ethanol tuyệt đối, rất khó tan trong acetonitril, thực tế không tan trong nước.
Định tính
Phổ hồng ngoại (Phụ lục 4.2) của chế phẩm phải phù hợp với phổ hồng ngoại của lansoprazol chuẩn. Nếu phổ khác nhau, hòa tan chế phẩm và chất chuẩn riêng rẽ trong ethanol (TT), bốc hơi đến khô và ghi lại phổ của các cắn thu được.
Độ trong và màu sắc của dung dịch
Dung dịch S: Hòa tan 1,0 g chế phẩm trong dimethylformamid (TT) và pha loãng thành 20 ml với cùng dung môi.
Dung dịch S phải trong (Phụ lục 9.2) và có màu không được đậm hơn màu mẫu N2 hoặc VN2 (Phụ lục 9.3, phương pháp 2).
Tạp chất liên quan
Phương pháp sắc ký lỏng (Phụ lục 5.3).
Pha động A: Nước
Pha động B: Acetonitril – nước – triethylamin (160 : 40 : 1), điều chỉnh pH đến 7,0 bằng acid phosphoric (TT).
Dung dịch thử: Cân chính xác khoảng 125 mg chế phẩm, hòa tan trong methanol (TT) và pha loãng thành 50,0 ml với cùng dung môi. Pha loãng 1,0 ml dung dịch thu được thành 10,0 ml với hỗn hợp pha động A – pha động B (9 : 1). Dung dịch chỉ pha trước khi dùng
Dung dịch chuẩn: Cân chính xác khoảng 25 mg lansoprazol chuẩn, hòa tan trong methanol (TT) và pha loãng thành 100,0 ml với cùng dung môi. Pha loãng 5,0 ml dung dịch này thành 50,0 ml với methanol (TT). Pha loãng 1,0 ml dung dịch thu được thành 10,0 ml với hỗn hợp pha động A – pha động B (9 : 1)
Dung dịch mẫu trắng: Pha loãng 1,0 ml methanol (TT) thành 10,0 ml với hỗn hợp pha động A – pha động B (9 : 1).
Dung dịch phân giải: Hòa tan 5 mg lansoprazol chuẩn và 5 mg 2-[[[3-methyl-4-(2,2,2-trifluoroethoxy)-2-pyridyl]methyl]sulfonyl]benzimidazol chuẩn (tạp chất A) trong 200,0 ml methanol (TT). Pha loãng 1,0 ml dung dịch thu được thành 10,0 ml với hỗn hợp pha động A – pha động B (9 : 1).
Điều kiện sắc ký:
Cột thép không gỉ (15 cm x 4,6 mm) được nhồi pha tĩnh C (5 mm).
Detector quang phổ tử ngoại đặt ở bước sóng 285 nm.
Tốc độ dòng: 0,8 ml/min.
Thể tích tiêm: 40 ml.
Cách tiến hành:
Tiến hành chạy sắc ký theo chương trình dung môi sau:
Thời gian (min) |
Pha động A (%) |
Pha động B (%) |
Điều kiện rửa giải |
0 – 40 | 90 → 20 | 10 → 80 | Gradient tuyến tính |
40 – 50 | 20 | 80 | Đẳng dòng |
50 – 51 | 20 → 90 | 80 → 10 | Gradient tuyến tính |
51 – 60 | 90 | 10 | Đẳng dòng |
Kiểm tra tính phù hợp của hệ thống: Tiêm dung dịch phân giải, phép thử chỉ có giá trị khi độ phân giải giữa pic lansoprazol và pic tạp chất A không nhỏ hơn 6. Tiêm dung dịch chuẩn lặp lại 6 lần, độ lệch chuẩn tương đối của diện tích pic tạp chất A không được quá 3 %.
Tiêm dung dịch mẫu trắng, dung dịch chuẩn và dung dịch thử. Bỏ qua các pic của dung dịch thử tương ứng với các pic trên sắc ký đồ của mẫu trắng.
Hàm lượng phần trăm từng tạp chất được tính theo công thức:
50 x C x Ai / W x As
Trong đó:
C: Nồng độ lansoprazol (mg/ml) trong dung dịch chuẩn.
W: Lượng cân chế phẩm (mg).
Ai: Diện tích của từng pic tạp.
As: Diện tích của pic lansoprazol trong dung dịch chuẩn.
Tổng hàm lượng của các tạp chất không được quá 0,1 %.
Nước
Không được quá 0,1 % (Phụ lục 10.3).
Dùng 1,000 g chế phẩm.
Tro sulfat
Không được quá 0,1 % (Phụ lục 9.9, phương pháp 2).
Dùng 1,0 g chế phẩm.
Định lượng
Hòa tan 0,300 g chế phẩm trong 40 ml ethanol 96 % (TT) và pha loãng thành 50 ml với nước. Chuẩn độ bằng dung dịch natri hydroxyd 0,1 M (CĐ). Xác định điểm kết thúc bằng phương pháp chuẩn độ đo điện thế (Phụ lục 10.2).
1 ml dung dịch natri hydroxyd 0,1 M (CĐ) tương ứng với 36,94 mg C16H14F3N3O2S.
Bảo quản
Trong đồ đựng kín, tránh ánh sáng.
Loại thuốc
Ức chế tiết acid dịch vị, ức chế bơm proton.
Chế phẩm
Nang tan trong ruột.
LEVAMISOL HYDROCLORID
Levamisoli hydrochloridum
C11H12N2S.HCl P.t.l: 240,8
Levamisol hydroclorid là (6S)-6-phenyl-2,3,5,6-tetrahydroimidazo[2,1-b)]thiazol hydroclorid, phải chứa từ 98,5 % đến 101,0 % C11H12N2S.HCl, tính theo chế phẩm đã làm khô.
Tính chất
Bột kết tinh trắng hoặc gần như trắng, dễ tan trong nước, tan trong ethanol 96 %, khó tan trong methylen clorid.
Định tính
- Phổ hồng ngoại (Phụ lục 4.2) của chế phẩm phải phù hợp với phổ hồng ngoại của levamisol hydroclorid chuẩn.
- Chế phẩm phải đáp ứng yêu cầu của phép thử Góc quay cực riêng.
- C. Chế phẩm phải cho phản ứng A đặc trưng của clorid (Phụ lục 8.1).
Độ trong và màu sắc của dung dịch
Dung dịch S: Hòa tan 2,50 g chế phẩm trong nước không có carbon dioxyd (TT) và pha loãng thành 50,0 ml bằng cùng dung môi.
Dung dịch S phải trong (Phụ lục 9.2) và màu không được đậm hơn dung dịch màu đối chiếu V7 (Phụ lục 9.3, Phương pháp 2).
pH
pH của dung dịch Sr từ 3,0 đến 4,5 (Phụ lục 6.2).
Góc quay cực riêng
Từ -121° đến -128°, tính theo chế phẩm đã làm khô (Phụ lục 6.4).
Xác định trên dung dịch S.
Tạp chất liên quan
Phương pháp sắc ký lỏng (Phụ lục 5.3).
Các dung dịch được chuẩn bị ngay trước khi dùng, tránh ánh sáng và giữ ở nhiệt độ dưới 25 °C.
Pha động A: Hòa tan 0,5 g amoni dihydrophosphat (TT) trong 90 ml nước, chỉnh pH của dung dịch đến 6,5 bằng dung dịch natri hydroxyd 1 M (TT) và pha loãng thành 100 ml bằng nước.
Pha động B: Acetonitril (TT).
Dung dịch thử: Hòa tan 0,100 g chế phẩm trong methanol (TT), thêm 1,0 ml amoniac (TT) và thêm methanol (TT) vừa đủ 10,0 ml.
Dung dịch đối chiếu (1): Hòa tan 50 mg chất đối chiếu levamisol hydroclorid dùng cho kiểm tra tính phù hợp của hệ thống sắc ký (Có chứa các tạp chất A, B, C, D và E) trong methanol (TT), thêm 0,5 ml amoniac (TT) và thêm methanol (TT) vừa đủ 5,0 ml.
Dung dịch đối chiếu (2): Pha loãng 1,0 ml dung dịch thử thành 100,0 ml bằng methanol (TT). Pha loãng 5,0 ml dung dịch thu được thành 25,0 ml với methanol (TT).
Điều kiện sắc ký:
Cột thép không gỉ (10 cm x 4,6 mm) được nhồi pha tĩnh base-deactivated octadecylsilyl silica gel loại dùng cho sắc ký (3 mm).
Detector quang phổ hấp thụ tử ngoại ở bước sóng 215 nm.
Tốc độ dòng: 1,5 ml/min.
Thể tích tiêm: 10 ml.
Cách tiến hành:
Cân bằng cột ít nhất trong 4 min bằng hỗn hợp pha động A và B (9 : 1) sau đó tiến hành sắc ký theo chương trình dung môi như sau:
Thời gian (min) |
Pha động A (% theo thể tích) |
Pha động B (% theo thể tích) |
0 – 8 | 90 → 30 | 10 → 70 |
8 – 10 | 30 | 70 |
Định tính các tạp chất: Dùng sắc ký đồ đi kèm theo chất đối chiếu levamisol hydroclorid dùng cho kiểm tra tính phù hợp của hệ thống sắc ký và sắc ký đồ thu được từ dung dịch đối chiếu (1) để xác định các pic tạp chất A, B, C, D và E.
Thời gian lưu tương đối (so với levamisol có thời gian lưu khoảng 3 min) của tạp chất A khoảng 0,9; tạp chất B khoảng 1,4; tạp chất C khoảng 1,5; tạp chất D khoảng 1,6; tạp chất E khoảng 2,0. Kiểm tra tính phù hợp của hệ thống sắc ký: Sắc ký đồ thu được từ dung dịch đối chiếu (1) phải tương ứng với sắc ký đồ cung cấp kèm theo chất đối chiếu levamisol hydroclorid dùng cho kiểm tra tính phù hợp của hệ thống sắc ký. Hệ số đối xứng không quá 3,5 tính trên pic chính trên sắc ký đồ thu được từ dung dịch đối chiếu (2).
Giới hạn:
Hệ số hiệu chỉnh: Để tính toán hàm lượng các tạp chất, nhân diện tích pic thu được của mỗi tạp với các hệ số hiệu chỉnh tương ứng sau: tạp chất A = 2,0; tạp chất B = 1,7; tạp chất C = 2,9; tạp chất D = 1,3 tạp chất E = 2,7.
Diện tích pic của mỗi tạp chất A, B, C, D, E sau khi hiệu chỉnh không được lớn hơn diện tích của pic chính trên sắc ký đồ thu được của dung dịch đối chiếu (2) (0,2 %).
Tạp chất không xác định: Diện tích pic của mỗi tạp chất không lớn hơn một nửa diện tích của pic chính trên sắc ký đồ thu được từ dung dịch đối chiếu (2) (0,1 %).
Tổng các tạp chất: Không quá 1,5 lần diện tích của pic chính trên sắc ký đồ thu được từ dung dịch đối chiếu (2) (0,3 %).
Bỏ qua những pic có diện tích pic bằng hoặc nhỏ hơn 0,25 lần diện tích của pic chính trên sắc ký đồ thu được từ dung dịch đối chiếu (2) (0,05 %).
Kim loại nặng
Không được quá 20 phần triệu (Phụ lục 9.4.8).
Lấy 12 ml dung dịch S và tiến hành thử theo phương pháp 1. Dùng dung dịch chì mẫu 1 phần triệu Pb (TT) để chuẩn bị mẫu đối chiếu.
Mất khối lượng do làm khô
Không được quá 0,5 % (Phụ lục 9.6).
(1,000 g; 100 – 105 °C; 4 h).
Tro sulfat
Không được quá 0,1 % (Phụ lục 9.9, phương pháp 2).
Dùng 1,0 g chế phẩm.
Định lượng
Hòa tan 0,200 g chế phẩm trong 30 ml ethanol 96 % (TT), thêm 5,0 ml dung dịch acid hydrocloric 0,01 N (CĐ) và chuẩn độ bằng dung dịch natri hydroxyd 0,1 N (CĐ). Xác định điểm kết thúc bằng phương pháp chuẩn độ đo điện thế (Phụ lục 10.2). Đọc thể tích dung dịch natri hydroxyd 0,1 N (CĐ) thêm vào giữa 2 điểm uốn.
1 ml dung dịch natri hydroxyd 0,1 N (CĐ) tương đương với 24,08 mg C11H12N2S.HCl.
Bảo quản
Tránh ánh sáng.
Loại thuốc
Kích thích miễn dịch, trị giun sán.
Chế phẩm
Thuốc tiêm, viên nén, dung dịch.
Ghi chú: Các tạp chất
Tạp chất A: 3-[(2RS)-2-amino-2-phenylethyl]thiazolidin-2-on,
Tạp chất B: 3-[(E)-2-phenylethenyl]thiazolidin-2-imin,
Tạp chất C: (4RS)-4-phenyl-1-(2-sulphanylethyl)imidazolidin-2-on,
Tạp chất D: 6-phenyl-2,3-dihydroimidazo[2,1-b]thiazol,
Tạp chất E: 1,1′-[(disulphan-1,2-diyl)bis(ethylen)]bis[(4RS)-4-phenylimidazolidin-2-on].
LEVODOPA
Levodopum
C9H11NO4 P.t.l: 197,2
Levodopa là acid [(2S)-2-amino-3-(3,4-dihydroxyphenyl) propanoic], phải chứa từ 99,0 % đến 101,0 % C9H11NO4, tính theo chế phẩm đã làm khô.
Tính chất
Bột kết tinh màu trắng hoặc màu trắng ngà.
Khó tan trong nước, thực tế không tan trong ethanol 96 %. Dễ tan trong dung dịch acid hydrocloric 1 M và hơi tan trong dung dịch acid hydrocloric 0,1 M.
Định tính
Có thể chọn một trong hai nhóm định tính sau
Nhóm I: A
Nhóm II: B, C, D
- Phổ hồng ngoại (Phụ lục 4.2) của chế phẩm phải phù hợp với phổ hồng ngoại của levodopa chuẩn.
- Hòa tan khoảng 2 mg chế phẩm trong 2 ml nước và thêm 0,2 ml dung dịch sắt (III) clorid 1,3 % (TT). Màu xanh lá cây xuất hiện và chuyển thành màu tím ánh lam khi thêm 0,1 g hexamethylentetramin (TT).
- C. Hòa tan khoảng 5 mg chế phẩm trong hỗn hợp dung môi gồm 5 ml dung dịch acid hydrocloric 1 M (TT) và 5 ml nước (TT). Thêm 0,1 ml dung dịch amoni molybdat 10 % (TT) trong dung dịch natri nitrit 10 % (TT). Màu vàng xuất hiện và chuyển thành màu đỏ khi thêm dung dịch natri hydroxyd đậm đặc (TT).
- Thêm 1 ml nước, 1 ml pyridin (TT) và 5 mg nitrobenzoyl clorid (TT) vào 5 mg chế phẩm. Trộn đều và để yên khoảng 3 min. Màu tím xuất hiện và chuyển thành màu vàng nhạt khi đun sôi. Vừa thêm vừa lắc với 0,2 ml dung dịch natri carbonat 10 % (TT), màu tím xuất hiện trở lại.
Màu sắc của dung dịch
Hòa tan 1,0 g chế phẩm trong dung dịch acid hydrocloric 1 M (TT) và pha loãng thành 25 ml với cùng dung môi. Dung dịch thu được có màu không đậm hơn màu mẫu VN6 (Phụ lục 9.3, phương pháp 2).
pH
Lắc 0,10 g chế phẩm trong 10 ml nước không có carbon dioxyd (TT) khoảng 15 min. pH của hỗn dịch thu được từ 4,5 đến 7,0 (Phụ lục 6.2).
Góc quay cực
Từ -1,27o đến -1,34o (Phụ lục 6.4).
Hòa tan một lượng chế phẩm tương đương với 0,200 g chế phẩm đã được làm khô và 5 g hexamethylentetramin (TT) trong 10 ml dung dịch acid hydrocloric 1 M (TT) và pha loãng thành 25,0 ml với cùng dung dịch acid. Để dung dịch tránh ánh sáng trong khoảng 3 h và tiến hành đo.
Độ hấp thụ ánh sáng
Hòa tan và pha loãng 30,0 mg chế phẩm trong dung dịch acid hydrocloric 0,1 M (TT) thành 100,0 ml
Pha loãng 10,0 ml dung dịch trên thành 100,0 ml với cùng acid. Đo độ hấp thụ (Phụ lục 4.1) của dung dịch ở bước sóng từ 230 nm đến 350 nm, phổ tử ngoại thu được chỉ có 1 cực đại hấp thụ ở bước sóng 280 nm. Độ hấp thụ riêng ở cực đại 280 nm phải từ 137 đến 147, tính theo chế phẩm đã làm khô.
Tạp chất liên quan
Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).
Bản mỏng: Celulose loại dùng cho sắc ký (TT).
Dung môi khai triển: Acid acetic băng – nước – butanol (25: 25: 50).
Dung dịch thử: Hòa tan 0,1 g chế phẩm trong 5 ml acid formic khan (TT) và pha loãng thành 10 ml bằng methanol (TT), sử dụng dung dịch ngay sau khi pha.
Dung dịch đối chiếu (1): Pha loãng 0,5 ml dung dịch thử thành 100 ml với methanol (TT).
Dung dịch đối chiếu (2): Hòa tan 30 mg tyrosin (TT) trong 1 ml acid formic khan (TT) và pha loãng thành 100 ml bằng methanol (TT). Trộn 1 ml dung dịch này với 1 ml dung dịch thử.
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 10 ml dung dịch thử, 10 ml dung dịch đối chiếu (1) và 20 ml dung dịch đối chiếu (2). Triển khai sắc ký đến khi dung môi đi được 15 cm. Để khô bản mỏng trong luồng khí ấm và phun hỗn hợp dung dịch đồng thể tích gồm dung dịch sắt (III) clorid 10 % (TT) và dung dịch kali fericyanid 5 % (TT) vừa mới pha. Kiểm tra ngay sắc ký đồ. Bất cứ vết phụ nào khác với vết chính thu được trên sắc ký đồ của dung dịch thử không được đậm hơn vết trên sắc ký đồ thu được của dung dịch đối chiếu (1) (0,5 %). Phép thử chỉ có giá trị khi trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu (2) cho thấy ở trên vết chính có một vết tách riêng biệt đậm hơn vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu (1).
Kim loại nặng
Không được quá 10 phần triệu (Phụ lục 9.4.8).
Lấy 2,0 g chế phẩm tiến hành thử theo phương pháp 3.
Dùng 2 ml dung dịch chì mẫu 10 phần triệu Pb (TT) để chuẩn bị dung dịch đối chiếu.
Mất khối lượng do làm khô
Không được quá 1,0 % (Phụ lục 9.6).
(0,50 g; 100 °C đến 105 oC).
Tro sulfat
Không được quá 0,1 % (Phụ lục 9.9, phương pháp 2).
Dùng 1,0 g chế phẩm.
Định lượng
Hòa tan 0,180 g chế phẩm trong 5 ml acid formic khan (TT), đun nóng nếu cần, thêm 25 ml acid acetic khan (TT) và 25 ml dioxan (TT). Chuẩn độ với dung dịch acid percloric 0,1 M (CĐ) cho đến khi dung dịch có màu xanh lá cây, dùng 0,1 ml dung dịch tím tinh thể (TT) làm chỉ thị.
1 ml dung dịch acid percloric 0,1 M (CĐ) tương đương với 19,72 mg C9H11NO4.
Bảo quản
Tránh ánh sáng.
Loại thuốc
Điều trị bệnh Parkinson.
Chế phẩm
Nang, viên nén.
OUABAIN
Ouabainum
C29H44O12.8H2O P.t.l: 729,0
Ouabain là 3b-[(6-deoxy-a-L-mannopyranosyl) oxy]-1b, 5, 11a, 14, 19-pentahydroxy- 5b, 14b- card-20(22)-enolid ngậm 8 phân tử nước, phải chứa từ 96,0 % đến 104,0 % C29H44O12, tính theo chế phẩm khan.
Tính chất
Bột kết tinh màu trắng hoặc gần như trắng hay tinh thể không màu.
Hơi tan trong nước và ethanol, thực tế không tan trong ethyl acetat.
Định tính
- Trong mục Tạp chất liên quan, vết chính trên sắc ký đồ thu được từ dung dịch thử phải có vị trí, màu sắc và kích thước tương ứng với vết chính trên sắc ký đồ thu được từ dung dịch đối chiếu (1).
- Hòa tan 2 mg đến 3 mg chế phẩm trong 2 ml acid sulfuric (TT), màu hồng xuất hiện và nhanh chóng chuyển sang màu đỏ. Dung dịch cho huỳnh quang màu xanh lục dưới ánh sáng tử ngoại.
- C. Hòa tan khoảng 1 mg chế phẩm trong 1 ml dung dịch dinitrobenzen 1 % trong ethanol 96 %, thêm 0,2 ml dung dịch natri hydroxyd loãng (TT), màu xanh lam đậm xuất hiện.
- Hòa tan 0,1 g chế phẩm trong 5 ml dung dịch acid sulfuric 15 % và đun sôi vài phút. Dung dịch có màu vàng và vẩn đục. Lọc, thêm vào dịch lọc 5 ml dung dịch natri hydroxyd 12 % và 3 ml thuốc thử Fehling (TT). Đun nóng có tủa đỏ tạo thành.
Độ trong và màu sắc của dung dịch
Dung dịch S: Hòa tan 0,20 g chế phẩm trong 15 ml nước, đun nóng trên cách thủy. Để nguội và pha loãng thành 20,0 ml với nước.
Dung dịch S phải trong (Phụ lục 9.2) và không màu (Phụ lục 9.3, phương pháp 2).
Góc quay cực riêng
Từ -30° đến -33°, tính theo chế phẩm khan (Phụ lục 6.4).
Xác định trên dung dịch S.
Tạp chất liên quan
Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).
Bản mỏng: Silica gel G.
Dung môi khai triển: Nước – methanol – dimethyl sulfoxid – cloroform (4 : 15 : 15 : 70).
Dung môi hòa tan: Nước – cloroform – methanol (32 : 100 : 100).
Dung dịch thử: Hòa tan một lượng chế phẩm tương ứng với 20 mg chế phẩm khan trong 1,0 ml dung môi hòa tan.
Dung dịch đối chiếu (1): Hòa tan một tượng ouabain chuẩn tương ứng với 20 mg ouabain khan trong 1,0 ml dung môi hòa tan.
Dung dịch đối chiếu (2): Hòa tan một lượng ouabain chuẩn tương ứng với 10 mg ouabain khan trong dung môi hòa tan và pha loãng thành 25,0 ml bằng cùng dung môi.
Dung dịch đối chiếu (3): Pha loãng 2,5 ml dung dịch đối chiếu (2) thành 10 ml bằng dung môi hòa tan.
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 5 ml mỗi dung dịch trên. Triển khai đến khi dung môi đi được 13 cm. Sấy ngay bản mỏng ở 140 °C trong 30 min trong tủ sấy có quạt. Để nguội, phun dung dịch acid sulfuric trong ethanol (TT) và sấy ở 140 °C trong 15 min. Bất kỳ vết phụ nào trên sắc ký đồ của dung dịch thử không được đậm màu hơn vết thu được trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu (2) (2,0 %). Phép thử chỉ có giá trị khi vết chính trên sắc ký đồ thu được từ dung dịch đối chiếu (1) và từ dung dịch thử đã di chuyển được một đoạn đủ để các vết phụ tách rõ rệt và nhìn thấy rõ vết thu được trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu (3).
Alcaloid và strophanthin-K
Thêm 0,5 ml dung dịch acid tanic 10 % vào 5,0 ml dung dịch S, không có tủa tạo thành.
Nước
Từ 18,0 % đến 22,0 % (Phụ lục 10.3).
Dùng 0,100 g chế phẩm.
Tro sulfat
Không được quá 0,1 % (Phụ lục 9.9, phương pháp 2).
Dùng 1,0 g chế phẩm.
Định lượng
Hòa tan 40,0 mg chế phẩm trong ethanol 96 % (TT) và pha loãng thành 50,0 ml bằng ethanol 96 % (TT), pha loãng 5,0 ml dung dịch này thành 100,0 ml bằng ethanol 96 % (TT). Chuẩn bị mẫu chuẩn giống như mẫu thử với 40,0 mg ouabain chuẩn. Thêm 3,0 ml dung dịch natri picrat kiềm (TT) vào 5,0 ml dung dịch thử và 5,0 ml dung dịch chuẩn. Để yên 30 min tránh ánh sáng và đo độ hấp thụ (Phụ lục 4.1) của dung dịch thử và dung dịch chuẩn ở bước sóng cực đại 495 nm. Dùng hỗn hợp 5,0 ml ethanol 96 % (TT) và 3,0 ml dung dịch natri picrat kiềm (TT) chuẩn bị đồng thời làm mẫu trắng.
Tính hàm lượng của C29H44O12 từ các độ hấp thụ đo được và hàm lượng của ouabain chuẩn.
Bảo quản
Tránh ánh sáng.
RAMIPRIL
Ramiprilum
C23H32N2O5 P.t.l: 416.5
Ramipril là acid (2S,3aS,6aS)-1-[(S)-2-[[(S)-1-(ethoxycarbonyl)-3-phenylpropyl]amino]propanoyl] octahydrocyclopenta[b]pyrrol-2-carboxylic, phải chứa từ 98,0 % đến 101,0 % C23H32N2O5, tính theo chế phẩm đã làm khô.
Tính chất
Bột kết tinh trắng hay gần như trắng.
Hơi tan trong nước, dễ tan trong methanol.
Định tính
- Phổ hồng ngoại (Phụ lục 4.2) của chế phẩm phải phù hợp với phổ hồng ngoại của ramipril chuẩn.
- Phải đáp ứng phép thử Góc quay cực riêng.
Độ trong và màu sắc của dung dịch
Hòa tan 0,1 g chế phẩm trong methanol (TT) và pha loãng thành 10 ml với cùng dung môi. Dung dịch phải trong (Phụ lục 9.2) và không màu (Phụ lục 9.3, phương pháp 2).
Góc quay cực riêng
Từ +32,0° đến +38,0o, tính theo chế phẩm đã làm khô (Phụ lục 6.4).
Hòa tan 0,250 g chế phẩm trong hỗn hợp dung môi gồm 14 thể tích dung dịch acid hydrocloric 25 % (TT) và 86 thể tích methanol (TT) vừa đủ 25,0 ml.
Tạp chất liên quan
Phương pháp sắc ký lỏng (Phụ lục 5.4).
Pha động A: Hòa tan 2,0 g natri perclorat (TT) trong hỗn hợp gồm 0,5 ml triethylamin (TT) và 800 ml, nước, điều chỉnh về pH 3,6 bằng acid phosphoric (TT), sau đó thêm 200 ml acetonitril (TT), trộn đều.
Pha động B: Hòa tan 2,0 g natri perclorat (TT) trong hỗn hợp gồm 0,5 ml triethylamin (TT) và 300 ml nước, điều chỉnh về pH 2,6 bằng acid phosphoric (TT), sau đó thêm 700 ml acetonitril (TT), trộn đều.
Dung dịch thử: Hòa tan 20,0 mg chế phẩm trong pha động A và pha loãng thành 20,0 ml với cùng pha động.
Dung dịch đối chiếu (1): Hòa tan 5 mg của từng tạp chất A chuẩn của ramipril, tạp chất B chuẩn của ramipril, tạp chất C chuẩn của ramipril và tạp chất D chuẩn của ramipril trong 5 ml dung dịch thử và pha loãng thành 10,0 ml bằng pha động B.
Dung dịch đối chiếu (2): Pha loãng 5,0 ml dung dịch thử thành 100,0 ml bằng pha động B. Pha loãng 5,0 ml dung dịch này thành 50,0 ml bằng pha động B.
Dung dịch đối chiếu (3): Pha loãng 1,0 ml dung dịch đối chiếu (2) thành 10,0 ml bằng pha động B.
Điều kiện sắc ký:
Cột thép không gỉ (25 cm x 4,0 mm) được nhồi pha tĩnh C (3 mm).
Detector quang phổ hấp thụ tử ngoại ở bước sóng 210 nm.
Nhiệt độ cột: 65 °C.
Tốc độ dòng: 1,0 ml/min.
Thể tích tiêm: 10 ml.
Cách tiến hành:
Tiến hành chạy sắc ký theo chương trình dung môi như sau:
Thời gian (min) |
Pha động A (% theo thể tích) |
Pha động B (% theo thể tích) |
Ghi chú |
0 – 6 | 90 | 10 | Đẳng dòng |
6 – 7 | 90 → 75 | 10 → 25 | Tuyến tính |
7 – 20 | 75 → 65 | 25 → 35 | Tuyến tính |
20 – 30 | 65 → 25 | 35 → 75 | Tuyến tính |
30 – 40 | 25 | 75 | Đẳng dòng |
40 – 45 | 25 → 90 | 75 → 10 | Tuyến tính |
45 – 55 | 90 | 10 | Cân bằng lại |
Kiểm tra tính phù hợp của hệ thống: Cân bằng cột bằng hỗn hợp gồm 90 % pha động A và 10 % pha động B với thời gian ít nhất là 35 min. Trong trường hợp không thu được đường nền thích hợp, thì sử dụng triethylamin có độ tinh khiết cao hơn. Tiêm dung dịch đối chiếu (3). Điều chỉnh độ nhạy của hệ thống sao cho phải xuất hiện pic trên sắc ký đồ. Tiêm lần lượt các dung dịch đối chiếu (1), dung dịch đối chiếu (2) và dung dịch thử. Phép thử chỉ có giá trị khi độ phân giải giữa các pic tương ứng với tạp chất A và ramipril trên sắc ký đồ thu được từ dung dịch đối chiếu (1) ít nhất là 3,0; pic chính trên sắc ký đồ thu được từ dung dịch đối chiếu (3) có tỉ lệ tín hiệu/nhiễu ít nhất bằng 3; hệ số đối xứng của pic chính trên sắc ký đồ thu được từ dung dịch thử từ 0,8 đến 2,0.
Với sắc ký đồ được ghi lại theo các điều kiện nêu trên, thời gian lưu của tạp chất A khoảng 14 min, ramipril khoảng 18 min, tạp chất B khoảng 22 min, toluen khoảng 24 min, tạp chất C khoảng 26 min và tạp chất D khoảng 28 min.
Trên sắc ký đồ thu được từ dung dịch thử, diện tích của pic tương ứng với tạp chất C được nhân với hệ số hiệu chỉnh là 2,4.
Trên sắc ký đồ thu được từ dung dịch thử: Diện tích của các pic tương ứng với tạp chất A, tạp chất B, tạp chất C và tạp chất D không được lớn hơn diện tích của pic chính trên sắc ký đồ thu được từ dung dịch đối chiếu (2) (0,5 %); diện tích của bất cứ pic nào khác với pic chính và các pic tạp chất A, B, C và D không được lớn hơn 0,2 lần diện tích của pic chính trên sắc ký đồ thu được từ dung dịch đối chiếu (2) (0,1 %); tổng diện tích các pic, trừ pic chính, không được lớn hơn 2 lần diện tích của pic chính trên sắc ký đồ thu được từ dung dịch đối chiếu (2) (1,0 %). Bỏ qua các pic có diện tích nhỏ hơn diện tích của pic chính trên sắc ký đồ thu được từ dung dịch đối chiếu (3).
Paladi
Không được quá 20 phần triệu.
Phương pháp quang phổ hấp thụ nguyên tử (Phụ lục 4.4, phương pháp 1).
Dung dịch thử: Hòa tan 0,200 g chế phẩm trong hỗn hợp dung môi gồm 0,3 thể tích acid nitric (TT) và 99,7 thể tích nước và pha loãng thành 100,0 ml với cùng hỗn hợp dung môi.
Các dung dịch đối chiếu: Pha loãng dung dịch paladi mẫu 0,5 phần triệu Pd (TT) với hỗn hợp dung môi gồm 0,3 thể tích acid nitric (TT) và 99,7 thể tích nước để thu được các dung dịch có chứa 0,02 mg, 0,03 mg và 0,05 mg paladi/ml, sử dụng các dung dịch này ngay sau khi pha.
Dung dịch mẫu trắng: Hòa tan 0,150 g magnesi nitrat (TT) trong hỗn hợp dung môi gồm 0,3 thể tích acid nitric (TT) và 99,7 thể tích nước và pha loãng thành 100,0 ml với cùng hỗn hợp dung môi.
Cách tiến hành: Tiêm lần lượt 20 ml của các dung dịch thử, dung dịch chuẩn và 10 ml dung dịch mẫu trắng. Đo độ hấp thụ ở 247,6 nm sử dụng đèn cathod rỗng paladi làm nguồn bức xạ, lò graphit và dải truyền quang thích hợp là 1 nm.
Mất khối lượng do làm khô
Không được quá 0,2 % (Phụ lục 9.6).
(1,000 g; trong chân không hoàn toàn; 60 °C; 4 h).
Tro sulfat
Không được quá 0,1 % (Phụ lục 9.9, phương pháp 2).
Dùng 1,0 g chế phẩm.
Định lượng
Hòa tan 0,300 g chế phẩm trong 25 ml methanol (TT) và thêm 25 ml nước. Chuẩn độ bằng dung dịch natri hydroxyd 0,1 M (CĐ), xác định điểm tương đương bằng phương pháp chuẩn độ đo điện thế (Phụ lục 10.2), song song tiến hành mẫu trắng.
1 ml dung dịch natri hydroxyd 0,1 M (CĐ) tương đương với 41,65 mg C23H32N2O5.
Bảo quản
Tránh ánh sáng.
Loại thuốc
Điều trị cao huyết áp, suy tim.
Chế phẩm
Nang, viên nén.
Các tạp chất
- Tạp chất A (ramipril methyl ester): Acid (2S, 3aS, 6aS)-1-[(S)-2-[[(S)-1-(methoxycarbonyl)-3- phenylpropyl]amino]propanoyl]octahydrocyclopenta[b]pyrrol-2-carboxylic.
- Tạp chất B (ramipril isopropyl ester): Acid (2S, 3aS, 6aS)-1-[(S)-2-[[(S)-1-[(1-methylethoxy)carbonyl]-3-phenylpropyl]amino]propanoyl]octahydrocyclopenta[b]pyrrol-2-carboxylic.
- Tạp chất C (hexahydroramipril): Acid (2S, 3aS, 6aS)1-[(S)-2-[[(S)-3-cyclohexyl-1- (ethoxycarbonyl)propyl]amino]propanoyl]octahydrocyclopenta[b]pyrrol-2-carboxylic.
- Tạp chất D (ramipril diketopiperazin): ethyl (2S)-2-[(3S, 5aS, 8aS, 9aS)-3-methyl-1,4-dioxodecahydro-2H-cyclopenta[4,5]pyrrolo[1,2-a]pyrazin-2-yl]-4-phenylbutanoat.
SALBUTAMOL SULFAT
Salbutamoli sulfas
(C13H21NO3)2.H2SO4 P-t-l: 576,7
Salbutamol sulfat là bis[(1RS)-2-[(1,1-dimethylethyl)amino]-1-[4-hydroxy-3-(hydroxymethyl) phenyl]ethanol] sulfat, phải chứa từ 98,0 % đến 101,0 % (C13H21NO3)2.H2SO4, tính theo chế phẩm đã làm khô.
Tính chất
Bột kết tinh trắng hay gần như trắng.
Dễ tan trong nước, thực tế không tan hoặc rất khó tan trong ethanol 96 % và trong methylen clorid.
Định tính
Có thể chọn một trong hai nhóm định tính sau:
Nhóm I: B, E
Nhóm II: A, C, D, E
- Hòa tan 80,0 mg chế phẩm trong dung dịch acid hydrochloric 1 % (TT) và pha loãng thành 100,0 ml với cùng dung môi. Pha loãng 10,0 ml dung dịch này thành 100,0 ml với cùng dung môi. Đo phổ hấp thụ tử ngoại (Phụ lục 4.1) ở bước sóng 230 nm đến 350 nm, dung dịch phải có cực đại hấp thụ ở bước sóng 276 nm. Độ hấp thụ riêng ở cực đại hấp thụ phải từ 55 đến 64.
- Phổ hồng ngoại (Phụ lục 4.2) của chế phẩm phải phù hợp với phổ hồng ngoại của salbutamol sulfat chuẩn.
- C. Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4)
Bản mỏng: Silica gel.
Dung môi khai triển: Amoniac – nước – ethyl acetat – 2-propanol – methyl isobutyl keton (3 : 18 : 35 : 45 : 50)
Dung dịch thử: Hòa tan 12 mg chế phẩm trong nước và pha loãng thành 10 ml với nước.
Dung dịch đối chiếu: Hòa tan 12 mg salbutamol sulfat chuẩn trong nước và pha loãng thành 10 ml bằng cùng dung môi.
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 1 ml mỗi dung dịch trên. Triển khai sắc ký đến khi dung môi đi được khoảng 18 cm, lấy bản mỏng ra, để khô ở nhiệt độ phòng, phun dung dịch methylbenzothiazolon hydrazon hydroclorid 0,1 % trong dung dịch methanol 90 %, tiếp theo là dung dịch kali fericyanid 2 % trong hỗn hợp gồm amoniac 18 M (TT) và nước (1 : 3), phun tiếp dung dịch methylbenzothiazolon hydrazon hydroclorid 0,1 % trong dung dịch methanol 90 %.
Vết chính thu được trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải phù hợp với vết chính trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu về vị trí, kích thước và màu sắc.
- Hòa tan khoảng 10 mg chế phẩm trong 50 ml dung dịch dinatri tetraborat 2 %. Thêm 1 ml dung dịch aminopyrazolon 3 %, 10 ml methylen clorid (TT) và 10 ml dung dịch kali fericyanid 2 %. Lắc mạnh và để cho tách lớp, màu đỏ cam xuất hiện trong lớp methylen clorid.
- Chế phẩm cho phản ứng A của sulfat (Phụ lục 8.1).
Độ trong và màu sắc của dung dịch
Dung dịch S: Hòa tan 0,250 g chế phẩm trong nước không có carbon dioxyd (TT) và pha loãng thành 25,0 ml với cùng dung môi.
Dung dịch S phải trong (Phụ lục 9.2) và có màu không đậm hơn màu của dung dịch màu mẫu VN6 (Phụ lục 9.3, phương pháp 2).
Góc quay cực
Từ -0,10° đến +0,10° (Phụ lục 6.4).
Xác định trên dung dịch S.
Giới hạn acid-kiềm
Lấy 10 ml dung dịch S, thêm 0,15 ml dung dịch đỏ methyl (TT) và 0,2 ml dung dịch natri hydroxyd 0,01 M (CĐ), dung dịch có màu vàng. Dung dịch chuyển sang màu đỏ khi thêm không quá 0,4 ml dung dịch acid hydrocloric 0,01 M (CĐ).
Tạp chất J
Không được quá 0,2 %.
Hòa tan 60,0 mg chế phẩm trong dung dịch acid hydrocloric 0,1 %, pha loãng thành 25,0 ml với cùng dung môi. Độ hấp thụ (Phụ lục 4.1) của dung dịch ở bước sóng 310 nm không được lớn hơn 0,10.
Tạp chất liên quan
Phương pháp sắc ký lỏng (Phụ lục 5.3).
Pha động: Hỗn hợp gồm 22 thể tích acetonitril (TT) và 78 thể tích dung dịch đệm phosphat pH 3,65 [dung dịch có chứa 0,287 % natri heptansulfonat và 0,25 % kali dihydrophosphat được điều chỉnh đến pH 3,65 bằng dung dịch acid phosphoric loãng (TT)].
Dung dịch thử: Hòa tan 0,100 g chế phẩm trong pha động và pha loãng thành 50,0 ml với pha động.
Dung dịch đối chiếu (1): Hòa tan 2,4 mg salbutamol sulfat chuẩn; 2,0 mg tạp chất chuẩn B; 3,0 mg tạp chất chuẩn D; 3,0 mg tạp chất chuẩn F và 3,0 mg tạp chất chuẩn G của salbutamol trong pha động và pha loãng thành 10,0 ml với pha động. Pha loãng 2,0 ml dung dịch này thành 100,0 ml với pha động.
Dung dịch đối chiếu (2): Hòa tan 1 ống tạp chất chuẩn I của salbutamol với 1 ml pha động.
Điều kiện sắc ký:
Cột thép không gỉ (15 cm x 3,9 mm) được nhồi pha tĩnh là các hạt hình cầu end-capped octylsilyl silica gel dùng cho sắc ký (5 mm) có diện tích bề mặt riêng 335 m2/g, kích thước lỗ xốp 10 nm và tỷ lệ carbon của mạch liên kết chiếm 11,7 %.
Detector quang phổ tử ngoại đặt ở bước sóng 220 nm.
Tốc độ dòng: 1,0 ml/min.
Thể tích tiêm: 20 ml.
Thời gian chạy: 25 lần thời gian lưu của salbutamol.
Kiểm tra tính phù hợp của hệ thống: Tiêm dung dịch đối chiếu (1), độ phân giải giữa pic salbutamol và pic tạp chất chuẩn B không được nhỏ hơn 3,0.
Thời gian lưu tương đối của các tạp chất so với salbutamol (thời gian lưu khoảng 1,9 min): tạp B là 1,3; tạp A là 1,7; tạp C là 2,0: tạp D là 2,7; tạp H là 3,0; tạp E là 3,1; tạp G là 4,1; tạp F là 6,2 và tạp I là 23,2.
Dùng dung dịch đối chiếu (2) để xác định pic tạp I.
Giới hạn: Trên sắc ký đồ của dung dịch thử, diện tích của các pic tương ứng với các tạp D, tạp F và tạp G không được lớn hơn diện tích pic tương ứng của các tạp D, tạp F, tạp G trong dung dịch đối chiếu (1) (0,3%).
Diện tích của mỗi pic tương ứng với tạp A, B, C, E, H, I không được lớn hơn 1,5 lần diện tích của pic salbutamol trong dung dịch đối chiếu (1) (0,3 %).
Tổng hàm lượng các tạp chất không được lớn hơn 1,0 %, bỏ qua các pic có diện tích nhỏ hơn hoặc bằng 0,25 lần diện tích pic salbutamol trong dung dịch đối chiếu (1) (0,05 %)
Ghi chú:
Tạp chất A: [5-[(1RS)-2-[(1,1-dimethylethyl)amino]-1-methoxyethyl]-2-hydroxyphenyl]methanol.
Tạp chất B: (1RS)-2-[(1,1-dimethylethyl)amino]-1-(4-hydroxyphenyl)ethanol.
Tạp chất C: (1RS)-2-[(1,1-dimethylethyl)amino]-1-(4-hydroxy-3-methylphenyl)ethanol.
Tạp chất D: 5-[(1RS)-2-[(1,1-dimethylethyl)amino]-1-hydroxyethyl)-2-hydroxybenzaldehyd.
Tạp chất E: (1RS)-2-[benzyl(1,1-dimethylethyl)amino]-1-[4-hydroxy-3-(hydroxymethyl) phenyl]ethanol.
Tạp chất F: 1,1′-[oxybis[methylene(4-hydroxy-1,3-phenylene)]]bis[2-[(1,1-dimethylethyl)amino] ethanol].
Tạp chất G: 2-[benzyl(1,1-dimethylethyl)amino]-1-[4-hydroxy-3-(hydroxymethyl)phenyl]ethanon.
Tạp chất H: 4-[2-[(1,1-dimethylethyl)amino]ethyl]-2-methylphenol.
Tạp chất I: (1RS)-2-[(1,1-dimethylethyl)amino]-1-[3-(hydroxymethyl)-4-benzyloxyphenyl] ethanol.
Tạp chất J: 2-[(1,1-dimethylethyl)amino]-1-[4-hydroxy-3-(hydroxymethyl)phenyl]ethanon (salbutamon).
Bor
Không được quá 50 phần triệu.
Dung dịch thử: Lấy 50 mg chế phẩm, thêm 5 ml dung dịch có chứa 1,3 % natri carbonat khan và 1,7 % kali carbonat. Làm bay hơi tới cắn trên cách thủy và sấy khô ở 120 °C. Nung nhanh cắn đến khi các chất hữu cơ bị phá hủy hoàn toàn, để nguội, thêm 0,5 ml nước và 3,0 ml dung dịch curcumin 0,125 % trong acid acetic băng (TT) mới pha. Đun nóng cẩn thận đến khi tan hoàn toàn, để nguội và thêm 3,0 ml hỗn hợp mới pha bằng cách thêm từ từ (vừa thêm vừa khuấy) 5 ml acid sulfuric (TT) vào 5 ml acid acetic băng (TT). Trộn đều rồi để yên 30 min. Pha loãng thành 100,0 ml với ethanol 96 % (TT), lọc và dùng dịch lọc làm dung dịch thử.
Dung dịch đối chiếu: Hòa tan 0,572 g acid boric (TT) trong 1000,0 ml nước. Pha loãng 1,0 ml dung dịch này thành 100,0 ml với nước. Lấy 2,5 ml dung dịch, thêm 5 ml dung dịch có chứa 1,3 % natri carbonat khan và 1,7 % kali carbonat rồi tiến hành như đối với dung dịch thử, bắt đầu từ “Làm bay hơi tới cắn trên cách thủy và sấy khô ở 120 oC…”
Đo độ hấp thụ (Phụ lục 4.1) của dung dịch thử và dung dịch đối chiếu ở bước sóng cực đại khoảng 555 nm. Độ hấp thụ của dung dịch thử không được lớn hơn độ hấp thụ của dung dịch đối chiếu.
Mất khối lượng do làm khô
Không được quá 0,5 % (Phụ lục 9.6).
(1,000 g; 100 °C đến 105 °C).
Tro sulfat
Không được quá 0,1 % (Phụ lục 9.9, phương pháp 2).
Dùng 1,0 g chế phẩm.
Định lượng
Hòa tan 0,400 g chế phẩm trong 5 ml acid formic khan (TT), thêm 35 ml acid acetic khan (TT). Chuẩn độ bằng dung dịch acid percloric 0,1 N (CĐ). Xác định điểm tương đương bằng phương pháp chuẩn độ đo điện thế (Phụ lục 10.2).
1 ml dung dịch acid percloric 0,1 N (CĐ) tương ứng với 57,67 mg (C13H21NO3)2H2SO4.
Bảo quản
Tránh ánh sáng.
Loại thuốc
Kích thích thụ thể beta2 giao cảm.
Chế phẩm
Viên nén, thuốc tiêm, thuốc đạn trực tràng, khí dung.
Phần 3
THÀNH PHẨM HÓA DƯỢC
BỘT PHA TIÊM CEFUROXIM
Cefuroximi pulvis ad injectionem
Là bột vô khuẩn của cefuroxim natri có thể có thêm tá dược và được đóng trong lọ nút kín.
Chế phẩm phải đáp ứng các yêu cầu trong chuyên luận “Thuốc tiêm, thuốc tiêm truyền” (Phụ lục 1.19) và các yêu cầu sau đây:
Hàm lượng cefuroxim, C16H16N4O8S, từ 90,0 % đến 110,0 % so với lượng ghi trên nhãn.
Tính chất
Bột trắng hoặc gần như trắng.
Định tính
- Trong mục Định lượng, pic chính thu được trên sắc ký đồ của dung dịch thử có thời gian lưu tương ứng với thời gian lưu của pic chính thu được trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu (1).
- Chế phẩm cho phép thử định tính của ion natri (Phụ lục 8.1).
pH
Dung dịch chế phẩm có nồng độ tương ứng với 10,0 % cefuroxim trong nước không có carbon dioxyd (TT) có pH từ 5,5 đến 8,5 (Phụ lục 6.2).
Độ trong của dung dịch
Dung dịch chế phẩm có nồng độ tương ứng với 10,0 % cefuroxim trong nước không có carbon dioxyd (TT) không được đục hơn hỗn dịch đối chiếu II (Phụ lục 9.2).
Tạp chất liên quan
Phương pháp sắc ký lỏng (Phụ lục 5.3).
Pha động: Acetonitril – đệm acetat pH 3,4 (1 : 10).
Dung dịch thử: Hòa tan một lượng chế phẩm tương đương với 25,0 mg cefuroxim natri trong nước và pha loãng thành 50,0 ml với cùng dung môi.
Dung dịch đối chiếu (1): Hòa tan 25,0 mg cefuroxim natri chuẩn trong nước và pha loãng thành 50,0 ml với cùng dung môi.
Dung dịch đối chiếu (2): Pha loãng 5,0 ml dung dịch đối chiếu (1) với nước thành 25,0 ml. Đun trong cách thủy ở 60 °C trong 10 min, làm nguội và tiêm ngay.
Dung dịch đối chiếu (3): Pha loãng 1,0 ml dung dịch thử với nước thành 100,0 ml.
Điều kiện sắc ký:
Cột thép không gỉ (25 cm x 4,6 mm) được nhồi pha tĩnh là hexylsilyl silica gel dùng cho sắc ký (5 mm).
Detector quang phổ tử ngoại đặt ở bước sóng 273 nm.
Tốc độ dòng: 1,5 ml/min.
Thể tích tiêm: 20 ml.
Cách tiến hành:
Tiêm dung dịch đối chiếu (2): Trên sắc ký đồ thu được hai pic chính tương ứng với descarbamoyl-cefuroxim và cefuroxim. Phép thử chỉ có giá trị khi độ phân giải giữa hai pic này không nhỏ hơn 2,0. Điều chỉnh tỉ lệ acetonitril trong pha động nếu cần.
Tiêm dung dịch đối chiếu (3), điều chỉnh độ nhạy của hệ thống sao cho chiều cao của pic chính ít nhất bằng 25 % của thang đo. Phép thử chỉ có giá trị khi hệ số đối xứng của pic cefuroxim không lớn hơn 1,5.
Tiêm dung dịch thử và tiến hành sắc ký với thời gian gấp ba lần thời gian lưu của pic chính. Trên sắc ký đồ thu được, diện tích của bất kỳ pic phụ nào cũng không được lớn hơn diện tích pic chính thu được trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu (3) (1 %) và tổng diện tích của tất cả các pic phụ không lớn hơn 3 lần diện tích pic chính thu được trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu (3) (3 %). Bỏ qua các pic có diện tích nhỏ hơn 0,1 lân diện tích của pic chính thu được trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu (3) (0,1 %).
Nước
Không quá 3,5 % (Phụ lục 10.3).
Dùng 0,4 g chế phẩm.
Nội độc tố vi khuẩn
Hòa tan một lượng chế phẩm với nước BET để thu được dung dịch có nồng độ cefuroxim 10 mg/ml (dung dịch A). Nồng độ giới hạn nội độc tố của dung dịch A là 1,0 EU/ml. Tiến hành thử nghiệm sử dụng độ pha loãng tối đa của dung dịch A được tính từ độ nhạy của thuốc thử lysat dùng trong phép thử (Phụ lục 13.2).
Định lượng
Phương pháp sắc ký lỏng (Phụ lục 5.3).
Pha động, điều kiện sắc ký và cách tiến hành: Như mô tả trong mục Tạp chất liên quan.
Sử dụng dung dịch thử và dung dịch đối chiếu (1).
Căn cứ vào diện tích pic thu được từ dung dịch thử, dung dịch đối chiếu (1) và hàm lượng C16H16N4O8S trong cefuroxim natri chuẩn, tính hàm lượng cefuroxim, C16H16N4O8S, trong chế phẩm.
Bảo quản
Nơi khô mát, tránh ánh sáng.
Loại thuốc
Kháng sinh.
Liều lượng thường dùng
0,5 g; 0,75 g; 1 g hoặc 1,5 g cefuroxim.
BỘT PHA TIÊM VANCOMYCIN
Vancomycini pulvis ad injectionem
Là bột vô khuẩn của vancomycin hydroclorid có thể có thêm các tá dược và được đóng trong lọ nút kín. Chế phẩm phải đáp ứng các yêu cầu chung trong chuyên luận “Thuốc tiêm, thuốc tiêm truyền” (Phụ lục 1.19) và các yêu cầu sau đây:
Hàm lượng vancomycin, từ 90,0 % đến 115,0 % so với lượng ghi trên nhãn.
Tính chất
Bột trắng hoặc gần như trắng.
Định tính
- Trong mục Vancomycin B, pic chính thu được trên sắc ký đồ của dung dịch thử có thời gian lưu tương ứng với thời gian lưu của pic chính thu được trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.
- Chế phẩm cho phản ứng định tính A của clorid (Phụ lục 8.1).
Độ trong của dung dịch
Dung dịch 10 % chế phẩm phải trong (Phụ lục 9.2). Độ hấp thụ ánh sáng (Phụ lục 4.1) của dung dịch này ở bước sóng 450 nm không được lớn hơn 0,10.
pH
Dung dịch 5 % chế phẩm trong nước không có carbon dioxyd (TT) có pH từ 2,5 đến 4,5 (Phụ lục 6.2).
Vancomycin B
Không ít hơn 88,0 %.
Phương pháp sắc ký lỏng (Phụ lục 5.3).
Dung dịch A: Thêm 1996 ml nước vào 4,0 ml triethylamin (TT) và chỉnh đến pH 3,2 với acid phosphoric (TT).
Pha động A: Dung dịch A – acetonitril – tetrahydrofuran (920 : 70 : 10).
Pha động B: Dung dịch A – acetonitril – tetrahydrofuran (700 : 290 : 10).
Dung dịch thử (1): Hòa tan một lượng chế phẩm tương đương 50 000 IU vancomycin trong pha động A và pha loãng thành 25,0 ml với cùng dung môi.
Dung dịch thử (2): Pha loãng 2,0 ml dung dịch thử (1) thành 50,0 ml bằng pha động A.
Dung dịch thử (3): Pha loãng 0,5 ml dung dịch thử (2) thành 20,0 ml bằng pha động A.
Dung dịch đối chiếu: Hòa tan 5,0 mg vancomycin hydroclorid chuẩn trong 10 ml nước. Đun nóng ở 65 °C trong 24 h, để nguội.
Dùng các dung dịch này trong vòng 4 h sau khi pha chế.
Điều kiện sắc ký:
Cột thép không gỉ (25 cm x 4,6 mm) được nhồi end-capped octadecylsilyl silicagel dùng cho sắc ký (5 mm).
Detector quang phổ tử ngoại đặt ở bước sóng 280 nm.
Tốc độ dòng: 1,0 ml/min.
Thể tích tiêm: 20 ml.
Cách tiến hành:
Tiến hành sắc ký theo chương trình dung môi như sau:
Thời gian (min) |
Pha động A (% theo thể tích) |
Pha động B (% theo thể tích) |
Ghi chú |
0 – 13 | 100 | 0 | Đẳng dòng |
13 – 21 | 100 → 0 | 0 → 100 | Gradient tuyến tính |
21 – 25 | 0 | 100 | Đẳng dòng |
25 – 35 | 100 | 0 | Cân bằng lại cột |
Kiểm tra tính phù hợp của hệ thống sắc ký: Tiêm dung dịch thử (3), phép thử chỉ có giá trị khi pic chính thu được trên sắc ký đồ có tỉ số giữa tín hiệu và nhiễu đường nền ít nhất là 5. Tiêm dung dịch thử (2), phép thử chỉ có giá trị khi hệ số đối xứng của pic vancomycin không lớn hơn 1,6. Tiêm dung dịch đối chiếu, phép thử chỉ có giá trị khi độ phân giải giữa 2 pic chính ít nhất là 5,0.
Tiêm dung dịch thử (1).
Tính hàm lượng phần trăm vancomycin B theo công thức sau:
trong đó:
Ab là diện tích pic vancomycin B trên sắc ký đồ của dung dịch thử (2);
At là tổng diện tích tất cả các pic tạp chất trên sắc ký đồ của dung dịch thử (1).
Tạp chất liên quan
Tiến hành phương pháp sắc ký lỏng (Phụ lục 5.3) như mô tả trong mục Vancomycin B.
Tiêm riêng rẽ dung dịch thử (1), dung dịch thử (2) và dung dịch thử (3).
Tính hàm lượng phần trăm cho mỗi tạp chất bằng công thức sau:
trong đó:
Ai là diện tích pic của từng tạp chất trên sắc ký đồ của dung dịch thử (1);
Ab là diện tích pic vancomycin B trên sắc ký đồ của dung dịch thử (2);
At là tổng diện tích tất cả các pic tạp chất trên sắc ký đồ của dung dịch thử (1).
Hàm lượng của từng tạp không được lớn hơn 4,0 % và tổng hàm lượng của tất cả các tạp chất không được lớn hơn 12,0 %. Bỏ qua các pic có diện tích nhỏ hơn diện tích pic chính trên sắc ký đồ của dung dịch thử (3).
Nước
Không quá 5,0% (Phụ lục 10.3).
Dùng 0,5 g chế phẩm.
Nội độc tố vi khuẩn
Hòa tan một lượng chế phẩm với dung dịch đệm tris-clorid pH 7,4 pha trong nước BET để thu được dung dịch có nồng độ vancomycin 1000 IU/ml (dung dịch A). Nồng độ giới hạn nội độc tố của dung dịch A là 2,5 EU /ml. Tiến hành thử nghiệm sử dụng độ pha loãng tối đa của dung dịch A được tính từ độ nhạy của thuốc thử lysat dùng trong phép thử (Phụ lục 13.2).
Định lượng
Cân 20 lọ, xác định khối lượng trung bình của bột thuốc trong lọ và trộn đều. Tiến hành định lượng hoạt lực thuốc kháng sinh bằng phương pháp thử vi sinh vật (Phụ lục 13.9).
Bảo quản
Nơi khô mát, tránh ánh sáng.
Loại thuốc
Kháng sinh.
Hàm lượng thường dùng
0,5 g; 1 g.
DUNG DỊCH ACID BORIC 3 %
Solutio Acidi borici 3 %
Là dung dịch dùng tại chỗ của acid boric trong nước.
Công thức điều chế
Acid boric 3 g
Nước tinh khiết vđ 100 ml
Hòa tan acid boric trong nước sôi, để nguội, thêm nước vừa đủ 100 ml. Lọc.
Chế phẩm phải đáp ứng các yêu cầu chung trong chuyên luận “Dung dịch thuốc” (Phụ lục 1.3) và các yêu cầu sau đây:
Hàm lượng acid boric, H3BO3, từ 95,0 % đến 105,0 % so với lượng ghi trên nhãn.
Tính chất
Dung dịch trong, không màu, không mùi, có phản ứng hơi acid.
Định tính
- Lấy 3 ml chế phẩm vào một bát sứ nhỏ, đun trong cách thủy đến cắn. Thêm vào cắn 5 ml methanol (TT), khuấy cho tan (có thể đun trên cách thủy nếu cần). Thêm 0,1 ml acid sulfuric (TT) và đốt. Ngọn lửa thu được có viền màu xanh lá.
- Lấy 5 ml chế phẩm, thêm 1 giọt dung dịch da cam methyl (TT), dung dịch có màu vàng. Thêm 5 ml glycerin (TT), màu chuyển sang đỏ cam.
Định lượng
Lấy chính xác 5 ml chế phẩm, thêm 20 ml glycerin (TT) đã được trung tính trước [(dùng dung dịch phenolphtalein (TT) làm chỉ thị)] và chuẩn độ bằng dung dịch natri hydroxyd 0,1 N (CĐ) cho tới khi xuất hiện màu hồng. Thêm 5 ml glycerin (TT) đã trung tính trước với dung dịch phenolphtalein (TT), nếu màu hồng biến mất thì tiếp tục chuẩn độ bằng dung dịch natri hydroxyd 0,1 N (CĐ) cho tới khi xuất hiện màu hồng bền vững.
1 ml dung dịch natri hydroxyd 0,1 N (CĐ) tương ứng với 6,18 mg H3BO3.
Giới hạn nhiễm khuẩn
Chế phẩm phải đạt yêu cầu về giới hạn nhiễm khuẩn (Phụ lục 13.6).
Nếu dùng để rửa mắt, chế phẩm phải vô khuẩn (Phụ lục 13.7).
Bảo quản
Đựng trong lọ nút kín.
Loại thuốc
Sát khuẩn tại chỗ.
DUNG DỊCH IOD 1 %
Solutio lodo lodidata 1 %
Dung dịch Lugol
Công thức điều chế
lod | 1 g |
Kali iodid | 2 g |
Nước tinh khiết (mới đun sôi để nguội) vđ | 100 ml |
Hòa tan kali iodid và iod trong khoảng 3 ml nước, khuấy kỹ cho tan hết, sau đó thêm nước vừa đủ 100 ml.
Chế phẩm phải đáp ứng các yêu cầu trong chuyên luận “Dung dịch thuốc” (Phụ lục 1.3) và các yêu cầu sau đây:
Hàm lượng của iod, l, và hàm lượng của kali iodid, Kl, từ 95,0 % đến 105 % so với lượng ghi trên nhãn.
Tính chất
Dung dịch trong, màu đỏ sẫm, mùi iod.
Định tính
- Nhỏ 1 giọt chế phẩm vào 1 ml dung dịch hồ tinh bột (TT) sẽ xuất hiện màu xanh tím.
- Lấy vài ml chế phẩm cho vào một bát sứ, bốc hơi trên cách thủy cho khô và đốt nhẹ cho bay hết iod tự do. Hòa tan cắn vào một ít nước. Dung dịch thu được phải cho các phản ứng của kali và iodid (Phụ lục 8.1).
Định lượng
lod: Lấy chính xác 20 ml chế phẩm, thêm 10 ml nước. Chuẩn độ bằng dung dịch natri thiosulfat 0,1 N (CĐ). Vào lúc gần cuối chuẩn độ, khi dung dịch đã rất nhạt màu, thêm vài giọt dung dịch hồ tinh bột (TT).
1 ml dung dịch natri thiosulfat 0,1 N (CĐ) tương đương với 12,69 mg l.
Kali iodid: Lấy chính xác 10 ml chế phẩm, thêm 20 ml nước, 40 ml dung dịch acid hydrocloric loãng (TT), chuẩn độ bằng dung dịch kali iodat 0,05 M (CĐ) cho đến khi màu nâu sẫm chuyển sang nâu nhạt, thêm 1 ml dung dịch amaranth S 0,2 % (TT) rồi tiếp tục chuẩn độ chậm cho đến khi màu đỏ chuyển sang vàng nhạt.
Số gam kali iodid chứa trong 100 ml chế phẩm được tính bằng công thức:
Trong đó:
n1 là số ml dung dịch kali iodat 0,05 M (CĐ).
n2 là số ml dung dịch natri thiosulfat 0,1 N (CĐ) đã dùng trong phép định lượng iod.
Bảo quản
Chế phẩm bảo quản trong chai thủy tinh màu, nút kín, để ở nơi mát.
DUNG DỊCH THUỐC DIPHENHYDRAMIN
Solutio Diphenhydramini
Là dung dịch thuốc uống chứa diphenhydramin hydroclorid, có thể chứa các chất tạo màu và mùi vị phù hợp.
Chế phẩm phải đáp ứng các yêu cầu trong chuyên luận “Dung dịch thuốc” (Phụ lục 1.3) và các yêu cầu sau đây:
Hàm lượng diphenhydramin hydroclorid, C17H21NO.HCl, từ 90,0 % đến 110,0 % so với lượng ghi trên nhãn.
Định tính
- Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).
Bản mỏng: Silica gel G.
Dung môi khai triển: Ethanol 96 % – acid acetic băng – nước (50 : 30 : 20)
Dung dịch thử: Acid hóa một thể tích dung dịch thuốc tương ứng 50 mg diphenhydramin hydroclorid bằng dung dịch acid hydrochloric 2 M (TT), lắc 3 lần, mỗi lần với 20 ml ether (TT), bỏ lớp ether, chiết lớp nước 2 lần, mỗi lần với 20 ml cloroform (TT). Lắc dịch chiết cloroform thu được với natri sulfat khan (TT). Lọc, bốc hơi dịch lọc đến khô. Hòa tan cắn đã để nguội trong 5 ml cloroform (TT).
Dung dịch đối chiếu: Chứa 1 % diphenhydramin hydroclorid chuẩn trong cloroform (TT).
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt 5 ml mỗi dung dịch trên lên bản mỏng. Triển khai sắc ký đến khi dung môi đi được khoảng 15 cm, lấy bản mỏng ra, để khô ngoài không khí và phun dung dịch kali iodobismuthat (TT) (Thuốc thử Dragendorff). Vết chính trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải tương ứng với vết chính trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu về vị trí và màu sắc.
- Bốc hơi 1 ml dung dịch thử ở phép thử A, hòa tan cắn trong 0,15 ml nước, thêm 2 ml acid sulfuric (TT), màu vàng được tạo thành. Thêm 0,5 ml acid nitric (TT), màu chuyển thành đỏ. Thêm 15 ml nước, để nguội, thêm 5 ml cloroform (TT), lắc và để yên cho tách lớp, lớp cloroform có màu tím.
Tạp chất liên quan
Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).
Bản mỏng: Silica gel H.
Dung môi khai triển: Cloroform – methanol (80 : 20)
Dung dịch thử: Sử dụng dung dịch thử ở phép thử A ở mục Định tính.
Dung dịch đối chiếu: Pha loãng 1 ml dung dịch thử thành 100 ml bằng cloroform (TT).
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt 5 ml mỗi dung dịch trên lên bản mỏng. Để khô bản mỏng và triển khai sắc ký đến khi dung môi đi được khoảng 15 cm, lấy bản mỏng ra, để khô bản mỏng ngoài không khí và phun dung dịch kali iodobismuthat (TT). Bất kỳ vết phụ nào ngoài vết chính trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải không được đậm màu hơn vết chính trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu (1,0%).
Định lượng
Phương pháp sắc ký lỏng (Phụ lục 5.3).
Pha động: Acetonitril – nước – triethylamin (50 : 50 : 0,5), điều chỉnh bằng acid acetic băng (TT) đến pH 6,5. Có thể điều chỉnh tỷ lệ nếu cần.
Dung dịch thử: Lấy chính xác một thể tích chế phẩm tương đương với khoảng 50 mg diphenhydramin hydroclorid vào bình định mức 100 ml, pha loãng với nước đến vạch và lắc đều.
Dung dịch chuẩn: Hòa tan một lượng cân chính xác diphenhydramin hydroclorid chuẩn trong nước để thu được dung dịch có nồng độ khoảng 0,5 mg/ml.
Dung dịch phân giải: Hòa tan khoảng 5 mg benzophenon trong 5 ml acetonitril (TT), pha loãng với nước thành 100 ml và lắc đều. Lấy 1,0 ml dung dịch này và 5 mg diphenhydramin hydroclorid chuẩn vào bình định mức 10 ml, thêm nước đến vạch, lắc đều
Điều kiện sắc ký:
Cột thép không gỉ (25 cm x 4,6 mm) nhồi pha tĩnh silica gel được biến đổi hóa học gắn với nhóm cyano, kích thước hạt 5 mm.
Detector quang phổ tử ngoại đặt ở bước sóng 254 nm.
Tốc độ dòng: 1,0 ml/min.
Thể tích tiêm: 10 ml.
Cách tiến hành:
Kiểm tra tính phù hợp của hệ thống sắc ký: Tiêm dung dịch phân giải. Phép thử chỉ có giá trị khi độ phân giải giữa pic benzophenon và pic diphenhydramin không nhỏ hơn 2.
Tiến hành sắc ký với dung dịch chuẩn, độ lệch chuẩn tương đối của diện tích pic diphenhydramin đáp ứng từ các lần tiêm lặp lại không được lớn hơn 2,0 %. Hệ số đối xứng của pic diphenhydramin không được lớn hơn 2,0.
Tiến hành sắc ký lần lượt với dung dịch chuẩn và dung dịch thử, tính hàm lượng của diphenhydramin hydroclorid, C17H21NO.HCl, trong chế phẩm dựa vào diện tích pic trên sắc ký đồ của dung dịch chuẩn, dung dịch thử và hàm lượng C17H21NO.HCl trong diphenhydramin hydroclorid chuẩn.
Bảo quản
Tránh ánh sáng.
Loại thuốc
Thuốc kháng histamin.
Hàm lượng thường dùng
12,5 mg/5 ml.
NANG CLOFAZIMIN
Capsulae Clofazimini
Là nang cứng chứa clofazimin.
Chế phẩm phải đáp ứng các yêu cầu trong chuyên luận “Thuốc nang” (Phụ lục 1.13) và các yêu cầu sau đây:
Hàm lượng clofazimin, C27H22CI2N4, từ 90,0 % đến 110,0 % so với lượng ghi trên nhãn.
Tính chất
Nang cứng nhẵn bóng, không méo mó, bột thuốc bên trong đồng nhất.
Định tính
- Trong phép thử Tạp chất liên quan, vết chính trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có giá trị Rf tương ứng với vết thu được trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu (1).
- Phổ hấp thụ tử ngoại (Phụ lục 4.1) của dung dịch thử và dung dịch chuẩn trong mục Định lượng phải có cùng bước sóng hấp thụ cực đại và cực tiểu khi tiến hành đo đồng thời.
Tạp chất liên quan
Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).
Bản mỏng: Silica gel GF254. Trước khi sử dụng, đặt bản mỏng vào bình sắc ký khác đã có sẵn một cốc chứa một lớp mỏng khoảng 25 ml dung dịch amoniac. Đậy nắp kín khoảng 30 min (chú ý không để bản mỏng tiếp xúc với dung dịch amoniac).
Dung dịch amoniac: Lấy 1 ml amoniac (TT) pha loãng thành 100 ml bằng nước, trộn đều (sử dụng trong ngày).
Dung môi khai triển: Methylen clorid – propan-1-ol (10 : 1)
Các dung dịch đối chiếu: Hòa tan một lượng clofazimin chuẩn trong methylen clorid (TT) để được dung dịch đối chiếu (1) có nồng độ khoảng 0,2 mg/ml. Pha loãng dung dịch đối chiếu (1) với methylen clorid (TT) để được dung dịch đối chiếu (2) và (3) có nồng độ tương ứng khoảng 0,1 mg/ml và 0,04 mg/ml.
Dung dịch thử: Lấy một lượng bột thuốc trong nang tương ứng 500 mg clofazimin, thêm 25 ml methylen clorid (TT) và 25 ml dung dịch natri hydroxyd 0,1 M, lắc siêu âm khoảng 30 min. Lấy lớp methylen clorid và lọc qua natri sulfat khan (TT).
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt 5 ml mỗi dung dịch trên. Triển khai sắc ký đến khi dung môi đi được khoảng 15 cm. Lấy bản mỏng ra, để khô bản mỏng ngoài không khí và quan sát dưới ánh sáng tử ngoại ở bước sóng 254 nm. Trên sắc ký đồ của dung dịch thử ngoài vết chính, không được có vết phụ nào lớn hơn hoặc đậm hơn vết chính trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu (1) (1,0 %), và tổng độ đậm của các vết phụ trên sắc ký đồ của dung dịch thử khi so sánh với các vết của các dung dịch đối chiếu không được lớn hơn 2,0 %.
Định lượng
Dung dịch thử: Cân 20 nang, tính khối lượng trung bình của bột thuốc trong nang, trộn đều và nghiền thành bột mịn. Hòa tan một lượng bột thuốc đã được cân chính xác với methylen clorid (TT) để được dung dịch có nồng độ khoảng 0,075 mg/ml, lọc. Lấy 5,0 ml dịch lọc pha loãng thành 50,0 ml với dung dịch acid hydrocloric 0,1 M trong methanol (TT), lắc đều.
Dung dịch chuẩn: Hòa tan một lượng cân chính xác clofazimin chuẩn trong methylen clorid (TT) để được dung dịch chuẩn có nồng độ khoảng 0,075 mg/ml. Lấy 5,0 ml dung dịch trên pha loãng thành 50,0 ml với dung dịch acid hydrocloric 0,1 M trong methanol (TT), lắc đều.
Dung dịch mẫu trắng: Lấy 5 ml methylen clorid (TT) cho vào bình định mức 50 ml, thêm dung dịch acid hydrocloric 0,1 M trong methanol (TT) đến vạch, lắc đều.
Đo độ hấp thụ của dung dịch thử, dung dịch chuẩn ở bước sóng cực đại khoảng 491 nm (Phụ lục 4.1), trong cốc đo dày 1 cm, với dung dịch mẫu trắng chuẩn bị ở trên.
Tính lượng clofazimin, C27H22Cl2N4, có trong nang dựa vào độ hấp thụ của dung dịch thử, dung dịch chuẩn và hàm lượng của clofazimin chuẩn.
Bảo quản
Trong bao bì kín, nơi khô mát, tránh ánh sáng.
Loại thuốc
Thuốc trị bệnh phong.
Hàm lượng thường dùng
50 mg.
NANG FLUCLOXACILIN
Capsulae Flucloxacillini
Là nang cứng chứa flucloxacilin natri.
Chế phẩm phải đáp ứng các yêu cầu trong chuyên luận “Thuốc nang” (Phụ lục 1.13) và các yêu cầu sau đây:
Hàm lượng flucloxacilin, C19H17CIFN3O5S, từ 92,5 % đến 110,0 % so với lượng ghi trên nhãn.
Tính chất
Nang cứng nhẵn bóng, không méo mó, bột thuốc bên trong đồng nhất.
Định tính
- Phổ hồng ngoại (Phụ lục 4.2) của chế phẩm phải phù hợp với phổ hồng ngoại đối chiếu của flucloxacilin natri.
- Thời gian lưu của pic chính trên sắc ký đồ của dung dịch thử trong mục Định lượng phải tương ứng với thời gian lưu của pic chính trên sắc ký đồ của dung dịch chuẩn.
Tạp chất liên quan
Phương pháp sắc ký lỏng (Phụ lục 5.3).
Pha động: Acetonitril – dung dịch kali dihydrophosphat 0,27 % đã được điều chỉnh đến pH 5,0 bằng dung dịch natri hydroxyd 2 M (25 : 75). Thay đổi tỷ lệ acetonitril nếu cần để đạt điều kiện sắc ký yêu cầu.
Dung dịch thử: Cân chính xác một lượng bột thuốc trong nang tương ứng với khoảng 0,1 g flucloxacilin vào bình định mức 100 ml, thêm 80 ml pha động, lắc khoảng 15 min để hòa tan, thêm pha động đến vạch, lắc đều và lọc.
Dung dịch đối chiếu: Hút 1 ml dung dịch thử pha loãng thành 100 ml bằng pha động.
Dung dịch phân giải: Dung dịch flucloxacilin natri chuẩn 0,01 % và cloxacilin natri chuẩn 0,01 % trong pha động.
Điều kiện sắc ký:
Cột thép không gỉ (25 cm x 4,6 mm) nhồi pha tĩnh C (5 mm), cột Hypersil 5 ODS là phù hợp.
Detector quang phổ tử ngoại đặt ở bước sóng 225 nm.
Tốc độ dòng: 1,0 ml/min.
Thể tích tiêm: 20 ml.
Cách tiến hành:
Kiểm tra tính phù hợp của hệ thống sắc ký: Tiêm dung dịch phân giải. Phép thử chỉ có giá trị khi độ phân giải giữa pic cloxacilin và pic flucloxacilin không nhỏ hơn 2,5.
Tiêm dung dịch thử và tiến hành chạy sắc ký với thời gian gấp 6 lần thời gian lưu của pic chính (flucloxacilin). Trên sắc ký đồ của dung dịch thử, diện tích của bất kỳ pic phụ nào ngoài pic chính không được lớn hơn diện tích của pic chính trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu (1 %) và tổng diện tích của tất cả các pic phụ không được lớn hơn 5 lần diện tích của pic chính trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu (5 %). Bỏ qua bất cứ pic nào có diện tích nhỏ hơn 0,05 lần diện tích của pic chính trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu (0,05 %).
Định lượng
Phương pháp sắc ký lỏng (Phụ lục 5.3).
Pha động: Acetonitril – dung dịch kali dihydrophosphat 0,27 % đã được điều chỉnh đến pH 5,0 bằng dung dịch natri hydroxyd 2 M (25 : 75). Thay đổi tỷ lệ acetonitril nếu cần để đạt điều kiện sắc ký yêu cầu.
Dung dịch thử: Cân 20 nang, tính khối lượng trung bình của bột thuốc trong nang, nghiền thành bột mịn. Cân chính xác một lượng bột thuốc tương ứng khoảng 50 mg flucloxacilin cho vào bình định mức 50 ml, thêm 40 ml pha động, lắc khoảng 15 min để hòa tan, thêm pha động đến vạch, lắc đều và lọc. Hút 5,0 ml dịch lọc pha loãng thành 50,0 ml bằng pha động.
Dung dịch chuẩn: Dung dịch flucloxacilin natri chuẩn 0,011 % trong pha động.
Dung dịch phân giải: Dung dịch flucloxacilin natri chuẩn 0,01 % và cloxacilin natri chuẩn 0,01 % trong pha động.
Điều kiện sắc ký:
Cột thép không gỉ (25 cm x 4,6 mm) nhồi pha tĩnh C (5 mm), cột Hypersil 5 ODS là phù hợp.
Detector quang phổ tử ngoại đặt ở bước sóng 225 nm.
Tốc độ dòng: 1,0 ml/min.
Thể tích tiêm: 20 ml.
Cách tiến hành:
Kiểm tra tính phù hợp của hệ thống sắc ký: Tiêm dung dịch phân giải. Phép thử chỉ có giá trị khi độ phân giải giữa pic cloxacilin và pic flucloxacilin không nhỏ hơn 2,5.
Tính hàm lượng flucloxacilin, C19H17CIFN3O5S, trong nang từ diện tích pic trên sắc ký đồ của dung dịch chuẩn, dung dịch thử và hàm lượng C19H17CIFN3O5S trong flucloxacilin natri chuẩn.
1 mg flucloxacilin natri tương đương với 0,9538 mg flucloxacilin C19H17CIFN3O5S.
Bảo quản
Trong bao bì kín, nơi khô mát.
Loạt thuốc
Kháng sinh.
Hàm lượng thường dùng
250 mg, 500 mg.
NANG LANSOPRAZOL
Capsulae Lansoprazoli
Là nang cứng chứa lansoprazol.
Chế phẩm phải đáp ứng các yêu cầu trong chuyên luận “Thuốc nang” (Phụ lục 1.13) và các yêu cầu sau đây:
Hàm lượng lansoprazol, C16H14F3N3O2S, từ 90,0 % đến 110,0 % so với lượng ghi trên nhãn.
Định tính
- Trong phần thử Độ đồng đều hàm lượng, phổ hấp thụ tử ngoại (Phụ lục 4.1) của dung dịch thử phải tương ứng với phổ thu được từ dung dịch chuẩn.
- Trong mục Định lượng, thời gian lưu của pic chính trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải tương ứng với thời gian lưu của pic lansoprazol trên sắc ký đồ của dung dịch chuẩn.
Độ hòa tan (Phụ lục 11.4)
Giai đoạn trong môi trường acid (giai đoạn 1)
Thiết bị: Kiểu cánh khuấy.
Môi trường hòa tan: 500 ml dung dịch acid hydrocloric 0,1 M (TT).
Tốc độ quay: 75 r/min.
Thời gian: 60 min.
Cách tiến hành: Cho từng nang vào trong cốc và vận hành theo quy định. Sau 60 min lấy 25 ml dung dịch (để lại 475 ml dung dịch trong cốc dùng cho giai đoạn 2), lọc. Đo độ hấp thụ ở bước sóng cực đại khoảng 306 nm (Phụ lục 4.1), trong cốc đo dày 1 cm, mẫu trắng là dung dịch acid hydrochloric 0,1 M (TT). Chuẩn bị dung dịch lansoprazol chuẩn bằng cách hòa tan một lượng chất chuẩn lansoprazol tương đương với khoảng 8 % lượng lansoprazol ghi trên nhãn trong 500 ml dung dịch acid hydrocloric 0,1 M (TT) [có thể dùng methanol (TT) để hòa tan lansoprazol trước khi pha loãng với dung dịch acid hydrochlorid 0,1 M (TT) nhưng lượng methanol không được quá 0,5 % thể tích dung dịch chuẩn]. Tính lượng lansoprazol được hòa tan dựa vào độ hấp thụ của dung dịch thử, dung dịch chuẩn và hàm lượng đã biết của lansoprazol chuẩn.
Yêu cầu: Không được quá 10 % lượng lansoprazol, C16H14F3N3O2S, so với lượng ghi trên nhãn được hòa tan trong 60 min.
Giai đoạn trong môi trường đệm (giai đoạn 2)
Thiết bị: Kiểu cánh khuấy.
Môi trường hòa tan: 900 ml hỗn hợp gồm 425 ml dung dịch đệm và 475 ml dung dịch acid hydrocloric 0,1 M có sẵn trong cốc ở giai đoạn 1, điều chỉnh đến pH 6,8 bằng acid phosphoric (TT) hoặc dung dịch natri hydroxyd.
Tốc độ quay: 75 r/min.
Thời gian: 60 min.
Dung dịch đệm: Hòa tan 65,4 g natri dihydrophosphat (TT), 28,2g natri hydroxyd (TT) và 12 g natri dodecyl sulfat (TT) trong nước và thêm nước vừa đủ 4000 ml.
Dung dịch mẫu trắng: Hỗn hợp gồm dung dịch đệm và dung dịch acid hydrocloric 0,1 M (TT) (17 : 19), điều chỉnh đến pH 6,8 bằng acid phosphoric (TT) hoặc dung dịch natri hydroxyd.
Cách tiến hành: Sau 60 min thử theo các điều kiện nêu trên, lấy một lượng dung dịch, lọc, bỏ 10 ml dịch lọc dầu, pha loãng nếu cần. Đo độ hấp thụ ở bước sóng khoảng 286 nm và 650 nm (Phụ lục 4.1), trong cốc đo dày 1 cm. Đồng thời đo độ hấp thụ của dung dịch lansoprazol được chuẩn bị bằng cách hòa tan một lượng chất chuẩn lansoprazol bằng khoảng 70 % lượng ghi trên nhãn trong 900 ml dung dịch mẫu trắng [có thể dùng methanol (TT) để hòa tan lansoprazol trước khi pha loãng với dung dịch mẫu trắng nhưng lượng methanol không được quá 2 % thể tích dung dịch chuẩn]. Tính lượng lansoprazol được hòa tan dựa vào hiệu số độ hấp thụ ở bước sóng 286 nm và 650 nm của dung dịch thử, dung dịch chuẩn và hàm lượng đã biết của lansoprazol chuẩn.
Yêu cầu: Không được ít hơn 80 % lượng lansoprazol, C16H14F3N3O2S, so với lượng ghi trên nhãn được hòa tan trong cả 2 giai đoạn.
Độ đồng đều hàm lượng (Phụ lục 11.2)
Cho toàn bộ lượng thuốc của từng nang vào bình định mức dung tích 100 ml, thêm 30 ml dung dịch natri hydroxyd 0,1 M, lắc siêu âm để làm rã các hạt. Thêm 65 ml acetonitril (TT), để nguội và thêm acetonitril (TT) đến vạch, lắc đều. Ly tâm và lọc. Pha loãng dịch lọc với hỗn hợp acetonitril (TT) và dung dịch natri hydroxyd 0,1 M (7 : 3) để được dung dịch có nồng độ lansoprazol khoảng 0,012 mg/ml. Pha dung dịch lansoprazol chuẩn có cùng nồng độ trong cùng dung môi.
Đo độ hấp thụ của dung dịch thử, dung dịch chuẩn ở bước sóng cực đại khoảng 294 nm (Phụ lục 4.1), trong cốc đo dày 1 cm, mẫu trắng là hỗn hợp acetonitril (TT) và dung dịch natri hydroxyd 0,1 M (7 : 3).
Tính lượng lansoprazol có trong mỗi nang dựa vào độ hấp thụ của dung dịch thử, dung dịch chuẩn và hàm lượng đã biết của lansoprazol chuẩn.
Mất khối lượng do làm khô.
Không được quá 5,0 % (Phụ lực 9.6).
(Dùng 1,000 g thuốc trong nang; áp suất không quá 5 mmHg; phosphor pentoxyd; 60 °C; 5 h).
Định lượng
Phương pháp sắc ký lỏng (Phụ lục 5.3).
Dung môi pha loãng: Hỗn hợp gồm nước – acetonitril – triethylamin (60 : 40 : 1), điều chỉnh đến pH 10,0 bằng acid phosphoric (TT).
Pha động: Hỗn hợp gồm nước – acetonitril – triethylamin (60 : 40 : 1), điều chỉnh đến pH 7,0 bằng acid phosphoric (TT). Thay đổi tỷ lệ nếu cần.
Dung dịch chuẩn: Hòa tan (bằng cách lắc siêu âm) một lượng lansoprazol chuẩn trong hỗn hợp acetonitril (TT) và dung dịch natri hydroxyd 0,1 M (2 : 3) để được dung dịch có nồng độ khoảng 3,0 mg/ml. Pha loãng tiếp với dung môi pha loãng để được dung dịch có nồng độ lansoprazol khoảng 0,1 mg/ml.
Dung dịch thử: Cân 20 nang, tính khối lượng trung bình của thuốc trong nang. Cân chính xác một lượng thuốc trong nang tương ứng với 300 mg lansoprazol vào bình định mức dung tích 100 ml. Thêm 60 ml dung dịch natri hydroxyd 0,1 M, lắc siêu âm đến khi các hạt rã hoàn toàn. Thêm acetonitril (TT) vừa đủ đến vạch, trộn đều. Ly tâm lấy phần dung dịch trong ở trên. Pha loãng dung dịch với dung môi pha loãng để được dung dịch có nồng độ lansoprazol khoảng 0,1 mg/ml.
Điều kiện sắc ký:
Cột thép không gỉ (15 cm x 4,6 mm) nhồi pha tĩnh C (5 mm).
Detector quang phổ tử ngoại đặt ở bước sóng 285 nm.
Tốc độ dòng: 1,0 ml/min.
Thể tích tiêm: 10 ml.
Cách tiến hành:
Kiểm tra khả năng thích hợp của hệ thống sắc ký: Tiến hành sắc ký với dung dịch chuẩn. Phép thử chỉ có giá trị khi độ lệch chuẩn tương đối của diện tích pic lansoprazol trên sắc ký đồ thu được trong 6 lần tiêm nhắc lại không lớn hơn 2,0 %.
Tiến hành sắc ký lần lượt với dung dịch chuẩn và dung dịch thử.
Tính hàm lượng lansoprazol, C16H14F3N3O2S, dựa vào diện tích pic lansoprazol thu được trên sắc ký đồ của dung dịch thử, dung dịch chuẩn và hàm lượng của lansoprazol chuẩn.
Bảo quản
Trong bao bì kín, để nơi khô mát, tránh ánh sáng.
Loại thuốc
Thuốc chống loét dạ đày, tá tràng, ức chế bơm proton.
Hàm lượng thường dùng
30 mg.
NANG OXYTETRACYCLIN
Capsulae Oxytetracycllini
Là nang cứng chứa oxytetracyclin hydroclorid.
Chế phẩm phải đáp ứng các yêu cầu trong chuyên luận “Thuốc nang” (Phụ lục 1.13) và các yêu cầu sau đây:
Hàm lượng oxytetracyclin hydroclorid, C22H24N2O9.HCl, từ 95,0 % đến 110,0 % so với lượng ghi trên nhãn.
Tính chất
Nang cứng nhẵn bóng, không méo mó, bột thuốc bên trong có màu vàng đồng nhất.
Định tính
- Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).
Bản mỏng: Silica gel H.
Phun dung dịch natri edetat 10 % đã điều chỉnh đến pH 7,0 bằng dung dịch natri hydroxyd 10 M (TT) lên bản mỏng, khoảng 10 ml cho một bản mỏng kích thước 100 mm x 200 mm. Để khô ở vị trí nằm ngang ít nhất 1 h. Trước khi sử dụng, hoạt hóa bản mỏng ở 110 °C trong 1 h.
Dung môi khai triển: Nước – methanol – dicloromethan (6 : 35 : 59)
Dung dịch thử: Lắc một lượng bột thuốc trong nang tương ứng 10 mg oxytetracyclin hydroclorid với 20 ml methanol (TT), ly tâm lấy phần dung dịch trong ở trên.
Dung dịch đối chiếu (1): Hòa tan 5 mg oxytetracyclin hydroclorid chuẩn trong 10 ml methanol (TT).
Dung dịch đối chiếu (2): Hòa tan 5 mg oxytetracyclin hydroclorid chuẩn và 5 mg demeclocyclin hydroclorid chuẩn trong 10 ml methanol (TT).
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt 1 ml mỗi dung dịch trên. Triển khai sắc ký đến khi dung môi đi được khoảng 15 cm, lấy bản mỏng ra, để khô bản mỏng ngoài không khí và quan sát dưới ánh sáng tử ngoại ở bước sóng 365 nm. Vết chính trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải tương ứng với vết chính trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu (1) về vị trí, màu sắc và kích thước. Phép thử chỉ có giá trị khi dung dịch đối chiếu (2) cho 2 vết tách nhau rõ ràng riêng biệt.
- Lấy một lượng bột thuốc trong nang tương ứng với 0,5 mg oxytetracyclin hydroclorid, thêm 2 ml acid sulfuric (TT), màu đỏ thẫm được tạo thành. Thêm 1 ml nước, màu chuyển thành vàng.
- C. Lấy một lượng bột thuốc tương ứng với 20 mg oxytetracyclin hydroclorid, lắc kỹ với 10 ml nước, lọc, dịch lọc cho phản ứng của clorid (Phụ lục 8.1).
Mất khối lượng do làm khô
Không được quá 5,0 % (Phụ lục 9.6).
(1,000 g bột thuốc; áp suất giảm không quá 0,7 kPa; 60 °C; 3 h).
Độ hòa tan (Phụ lục 11.4)
Môi trường hòa tan: 900 ml dung dịch acid hydrocloric 0,1 M (TT).
Thiết bị: Kiểu giỏ quay.
Tốc độ quay: 100 r/min.
Thời gian: 45 min.
Cách tiến hành: Lấy một lượng dung dịch đã hòa tan mẫu thử, lọc, bỏ 10 ml dịch lọc đầu, pha loãng nếu cần. Đo độ hấp thụ ở bước sóng cực đại khoảng 353 nm (Phụ lục 4.1), trong cốc đo dày 1 cm, mẫu trắng là dung dịch acid hydrocloric 0,1 M (TT). Tính lượng oxytetracyclin hydroclorid hòa tan theo A (1 %,1 cm). Lấy 282 là giá trị A (1 %,1 cm) của oxytetracyclin hydroclorid ở bước sóng cực đại 353 nm.
Yêu cầu: Không được ít hơn 70 % lượng oxytetracyclin hydroclorid, C22H24N2O9.HCl, so với lượng ghi trên nhãn được hòa tan trong 45 min.
Tạp chất hấp thụ ánh sáng
Hòa tan lượng bột thuốc của 5 nang trong hỗn hợp dung dịch acid hydrocloric 0,1 M – methanol (1 : 99) để được hai dung dịch thử có nồng độ oxytetracyclin hydroclorid là 0,20 % và 1,0 %. Lọc. Độ hấp thụ của dung dịch 0,20 % ở bước sóng khoảng 430 nm không được lớn hơn 0,75 (Phụ lục 4.1), tính theo bột thuốc đã làm khô. Độ hấp thụ của dung dịch 1,0 % ở bước sóng khoảng 490 nm không được lớn hơn 0,40, tính theo bột thuốc đã làm khô.
Định lượng
Phương pháp sắc ký lỏng (Phụ lục 5.3).
Dung dịch acid hydrocloric 0,1 M trong methanol: Pha loãng 1 thể tích dung dịch acid hydrocloric 1 M (TT) thành 10 thể tích bắng methanol (TT).
Pha động: Hòa tan 50,0 g 2-methylpropan-2-ol (TT) trong 200 ml nước, thêm 60 ml dung dịch đệm phosphat 0,33 M pH 7,5 (TT), 50 ml dung dịch tetrabutylamoni hydrosulfat 1,0 % đã được điều chỉnh pH đến 7,5 bằng dung dịch natri hydroxyd 2 M (TT) và 10 ml dung dịch natri edetat 0,04 % đã được điều chỉnh pH đến 7,5 bằng dung dịch natri hydroxyd 2 M (TT). Thêm nước vừa đủ 1000 ml.
Dung dịch thử: Cân 20 nang, tính khối lượng trung bình của bột thuốc trong nang và nghiền thành bột mịn. Cân chính xác một lượng bột tương ứng khoảng 0,1 g oxytetracyclin hydroclorid cho vào bình định mức 100 ml, thêm 80 ml dung dịch acid hydrocloric 0,1 M trong methanol, lắc siêu âm để hòa tan, thêm đến vạch định mức với cùng dung môi, trộn đều và lọc qua màng lọc.
Pha loãng 1,0 ml dịch lọc thành 20,0 ml với cùng dung môi.
Dung dịch chuẩn (1): Dung dịch oxytetracyclin chuẩn 0,1 % trong cùng dung môi.
Dung dịch chuẩn (2): Dung dịch oxytetracyclin chuẩn 0,005 % trong cùng dung môi.
Dung dịch chuẩn (3): Dung dịch 4-epioxytetracyclin chuẩn 0,1 % trong cùng dung môi.
Dung dịch chuẩn (4): Dung dịch tetracyclin hydroclorid chuẩn 0,1 % trong cùng dung môi.
Dung dịch phân giải: Hút 1,5 ml dung dịch chuẩn (1),1 ml dung dịch chuẩn (3) và 3 ml dung dịch chuẩn (4) pha loãng thành 25 ml với cùng dung môi.
Điều kiện sắc ký:
Cột thép không gỉ (25 cm x 4,6 mm) được nhồi pha tĩnh styren-divinylbenzen copolymer (8 đến 10 mm).
Detector quang phổ tử ngoại đặt ở bước sóng 254 nm.
Tốc độ dòng: 1,0 ml/min.
Nhiệt độ cột: 60 °C.
Thể tích tiêm: 20 ml.
Cách tiến hành:
Kiểm tra tính phù hợp của hệ thống: Tiêm dung dịch phân giải. Phép thử chỉ có giá trị khi độ phân giải giữa pic đầu (4-epioxytetracyclin) và pic thứ hai (oxytetracyclin) không nhỏ hơn 4,0; độ phân giải giữa pic thứ hai (oxytetracyclin) và pic thứ ba (tetracyclin) không nhỏ hơn 5,0 (nếu cần điều chỉnh lượng 2-methylpropan-2-ol trong pha động để tăng độ phân giải); hệ số đối xứng của pic oxytetracyclin không lớn hơn 1,25.
Tính hàm lượng oxytetracyclin hydroclorid, C22H24N2O9.HCl, trong nang từ diện tích pic trên sắc ký đồ của dung dịch chuẩn (2), dung dịch thử và hàm lượng C22H24N2O9 trong oxytetracyclin chuẩn.
1 mg C22H24N2O9 tương đương với 1,079 mg C22H24N2O9.HCl.
Bảo quản
Để ở nơi mát, trong đồ đựng kín, tránh ánh sáng.
Loại thuốc
Kháng sinh.
Hàm lượng thường dùng
100 mg.
THUỐC NHỎ MẮT BETAMETHASON
Collyrium Betamethasoni
Thuốc nhỏ mắt betamethason là dung dịch vô khuẩn của betamethason natri phosphat trong nước. Chế phẩm phải đáp ứng các yêu cầu trong chuyên luận “Thuốc nhỏ mắt” (Phụ lục 1.14) và các yêu cầu sau đây:
Hàm lượng betamethason natri phosphat, C22H28FNa2O8P, từ 90,0 % đến 110,0 % so với lượng ghi trên nhãn.
Tính chất
Dung dịch trong suốt, không màu.
Định tính
- Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4)
Bản mỏng: Silica gel GF254.
Dung môi khai triển: Butan-1-ol – anhydrid acetic – nước (60 : 20 : 20), chuẩn bị ngay trước khi dùng.
Dung dịch thử: Pha loãng (nếu cần) một thể tích chế phẩm với nước để được dung dịch có chứa betamethason natri phosphat 0,1 %.
Dung dịch đối chiếu (1): Dung dịch betamethason natri phosphat chuẩn 0,1% trong nước.
Dung dịch đối chiếu (2): Hỗn hợp đồng thể tích của dung dịch thử và dung dịch đối chiếu (1).
Dung dịch đối chiếu (3): Hỗn hợp đồng thể tích của dung dịch đối chiếu (1) và dung dịch prednisolon natri phosphat chuẩn 0,1 % trong nước.
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 10 ml mỗi dung dịch trên. Triển khai sắc ký đến khi dung môi đi được 15 cm. Để bản mỏng khô ngoài không khí, sấy ở 110 °C trong 10 min và quan sát dưới đèn tử ngoại ở bước sóng 254 nm. Trên sắc ký đồ thu được từ dung dịch thử, dung dịch đối chiếu (1) và dung dịch đối chiếu (2) đều có một vết chính, có giá trị Rf tương tự nhau. Phép thử chỉ có giá trị khi trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu (3) có 2 vết có giá trị Rf gần bằng nhau.
- Trong mục Định lượng, pic chính trên sắc ký đồ thu được của dung dịch thử (1) phải có thời gian lưu tương tự thời gian lưu của pic betamethason natri phosphat trên sắc ký đồ thu được của dung dịch chuẩn (2).
- C. Lấy một thể tích chế phẩm có chứa khoảng 0,2 mg betamethason natri phosphat, thêm từ từ 1 ml acid sulfuric (TT) và để trong 2 min. Dung dịch có màu vàng nâu nhưng không được có màu đỏ hoặc có huỳnh quang màu xanh lục vàng.
pH
Từ 7,0 đến 8,5 (Phụ lục 6.2).
Tạp chất liên quan
Phương pháp sắc ký lỏng (Phụ lục 5.3). Thử nghiệm được tiến hành trong điều kiện tránh ánh sáng.
Pha động: Đệm citro-phosphat pH 5,0 – methanol (60 : 40).
Dung dịch thử: Pha loãng một thể tích chế phẩm (nếu cần) với nước để được dung dịch betamethason natri phosphat có nồng độ khoảng 0,10 %.
Dung dịch đối chiếu (1): Pha loãng 1,0 ml dung dịch thử thành 50,0 ml với nước.
Dung dịch đối chiếu (2): Dung dịch chứa 0,0060 % betamethason natri phosphat chuẩn và 0,0060 % betamethason chuẩn trong nước.
Điều kiện sắc ký:
Cột thép không gỉ (20 cm x 4,6 mm), nhồi pha tĩnh C (10 mm, cột Spherisorb ODS là phù hợp).
Nhiệt độ cột: 60 °C.
Tốc độ dòng: 2 ml/min.
Detector quang phổ tử ngoại đặt ở bước sóng 241 nm.
Thể tích tiêm: 20 ml.
Cách tiến hành:
Tiến hành sắc ký với dung dịch đối chiếu (2), phép thử chỉ có giá trị khi độ phân giải giữa pic betamethason natri phosphat và betamethason ít nhất là 3,5;
Tiến hành sắc ký với dung dịch thử và dung dịch đối chiếu (1), ghi sắc ký đồ trong khoảng thời gian gấp 3 lần thời gian lưu của pic chính.
Trên sắc ký đồ thu được từ dung dịch thử, diện tích của bất kỳ pic nào tương ứng với betamethason không được lớn hơn 1,3 lần diện tích của pic chính trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu (1); diện tích của bất cứ pic phụ nào khác không được lớn hơn 1,5 lần diện tích pic chính trên sắc ký đồ thu được từ dung dịch đối chiếu (1). Tổng diện tích của tất cả các pic phụ không được lớn hơn 2,5 lần diện tích pic chính trên sắc ký đồ thu được của dung dịch đối chiếu (1). Bỏ qua tất cả các pic có diện tích nhỏ hơn 0,05 lần diện tích pic chính trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu (1).
Định lượng
Phương pháp sắc ký lỏng (Phụ lục 5.3).
Pha động: Đệm citro-phosphat pH 5 – methanol (55 : 45).
Dung dịch chuẩn nội: Dung dịch hydrocortison chuẩn 0,06 % trong methanol (TT).
Dung dịch chuẩn (1): Dung dịch betamethason natri phosphat chuẩn 0,1 % trong nước.
Dung dịch chuẩn (2): Lấy chính xác 5,0 ml dung dịch chuẩn (1) vào bình định mức 25 ml, thêm 10,0 ml dung dịch chuẩn nội, trộn đều, thêm nước đến vạch.
Dung dịch thử (1): Lấy chính xác một thể tích chế phẩm có chứa khoảng 5 mg betamethason natri phosphat, thêm 10,0 ml methanol (TT), trộn đều, pha loãng thành 25,0 ml với nước.
Dung dịch thử (2): Chuẩn bị giống như dung dịch thử (1) nhưng dùng 10,0 ml dung dịch chuẩn nội thay cho methanol.
Điều kiện sắc ký:
Cột thép không gỉ (20 cm x 5 mm), nhồi pha tĩnh C (10 mm, cột Spherisorb ODS là phù hợp).
Nhiệt độ cột: 60 °C.
Tốc độ dòng: 2 ml/min.
Detector quang phổ tử ngoại đặt ở bước sóng 241 nm.
Thể tích tiêm: 20 ml.
Cách tiến hành:
Xác định nồng độ betamethason natri phosphat, C22H28FNa2O8P, trong dung dịch chuẩn (1) bằng cách đo độ hấp thụ (Phụ lục 4.1) của dung dịch pha loãng từ dung dịch chuẩn (1) với nước để có nồng độ betamethason natri phosphat khoảng 0,002 % ở bước sóng cực đại 241 nm. Lấy 297 là giá trị A (1 %, 1 cm) của betamethason natri phosphat ở cực đại hấp thụ 241 nm.
Tiến hành sắc ký lần lượt với dung dịch chuẩn (2), dung dịch thử (1) và (2).
Tính hàm lượng betamethason natri phosphat, C22H28FNa2O8P, trong thuốc nhỏ mắt, dựa vào nồng độ betamethason natri phosphat trong dung dịch chuẩn (1) và các diện tích pic trên sắc ký đồ thu được của dung dịch thử (2), dung dịch chuẩn (2).
Bảo quản
Trong đồ đựng kín, nơi khô mát, tránh ánh sáng.
Loại thuốc
Glucocorticoid.
Hàm lượng thường dùng
0,1 %.
THUỐC NHỎ MẮT TOBRAMYCIN
Collyrium Tobramycin
Thuốc nhỏ mắt tobramycin là dung dịch vô khuẩn của tobramycin trong nước, có thể có thêm các tá dược thích hợp như chất đệm, chất bảo quản, chất phân tán hay chất điều chỉnh độ đẳng trương.
Chế phẩm phải đáp ứng các yêu cầu trong chuyên luận “Thuốc nhỏ mắt’’ (Phụ lục 1.14) và các yêu cầu sau đây:
Hàm lượng tobramycin, C18H37N5O9, từ 90,0 % đến 120,0 % so với lượng ghi trên nhãn.
Tính chất
Dung dịch trong, không màu.
Định tính
- Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).
Bản mỏng: Silica gel G.
Dung môi triển khai: Methanol – amoniac đậm đặc – methylen clorid (50 : 33 : 17).
Dung dịch thử: Pha loãng (nếu cần) một thể tích chế phẩm trong nước để thu được dung dịch có nồng độ tobramycin khoảng 3 mg/ml.
Dung dịch đối chiếu (1): Dung dịch tobramycin chuẩn trong nước có nồng độ 3 mg/ml.
Dung dịch đối chiếu (2): Hòa tan 3,0 mg neomycin sulfat chuẩn và 3,0 mg kanamycin monosulfat chuẩn trong 1 ml dung dịch đối chiếu (1).
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt 5 ml mỗi dung dịch trên lên bản mỏng. Triển khai sắc ký đến khi dung môi đi được được khoảng 15 cm. Làm khô bản mỏng bằng luồng khí nóng. Phun lên bản mỏng hỗn hợp đồng thể tích của dung dịch 1,3-dihydroxynaphtalen 0,2 % trong ethanol 96 % và dung dịch acid sulfuric 46,0 %. Sấy bản mỏng ở 105 °C trong 5 đến 10 min. Vết chính thu được trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải tương ứng về vị trí, màu sắc và kích thước so với vết chính thu được trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu (1). Phép thử chỉ có giá trị khi dung dịch đối chiếu (2) cho 3 vết chính tách nhau rõ ràng.
- Lấy 2 ml chế phẩm, thêm 5 ml dung dịch ninhydrin 0,1 % trong ethanol 96 %, và đun trong cách thủy 3 min. Màu xanh tím xuất hiện.
pH
Từ 7,0 đến 8,0 (Phụ lục 6.2).
Định lượng
Định lượng theo phương pháp Xác định hoạt lực thuốc kháng sinh bằng phương pháp thử vi sinh vật (Phụ lục 13.9).
1000 IU tương đương với 1 mg tobramycin, C18H37N5O9.
Bảo quản
Bảo quản trong lọ kín, ở nơi mát, tránh ánh sáng.
Loại thuốc
Kháng sinh.
Hàm lượng thường dùng
Dung dịch 0,3 %.
THUỐC NHỎ TAI CLORAMPHENICOL
Auricularia Chloramphenicoli
Thuốc nhỏ tai cloramphenicol là dung dịch của cloramphenicol trong một chất lỏng thích hợp.
Chế phẩm phải đáp ứng các yêu cầu trong chuyên luận “Thuốc nhỏ tai và thuốc xịt vào tai” (Phụ lục 1.16) và các yêu cầu sau đây:
Hàm lượng cloramphenicol, C11H12Cl2N2O5, từ 90,0 % đến 110,0 % so với lượng ghi trên nhãn.
Tính chất
Chất lỏng trong suốt, không màu đến màu vàng nhạt.
Định tính
- Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4)
Bản mỏng: Silica gel GF254.
Dung môi khai triển: Cloroform – methanol – nước (90 : 10 : 1).
Dung dịch thử: Pha loãng một thể tích chế phẩm có chứa khoảng 100 mg cloramphenicol với 10 ml ethanol 96 % (TT).
Dung dịch đối chiếu: Dung dịch cloramphenicol chuẩn 1 % trong ethanol 96 % (TT).
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 1 ml mỗi dung dịch trên. Triển khai sắc ký đến khi dung môi đi được khoảng 15 cm. Lấy bản sắc ký ra và để khô ngoài không khí. Quan sát dưới ánh sáng tử ngoại ở bước sóng 254 nm. Trên sắc ký đồ, vết chính của dung dịch thử phải tương đương với vết chính của dung dịch đối chiếu.
- Pha loãng một thể tích chế phẩm có chứa khoảng 50 mg cloramphenicol với 10 ml ethanol 50 % (TT). Lấy 2 ml dung dịch thu được thêm 4,5 ml dung dịch acid sulfuric 1 M (TT), 50 mg kẽm bột (TT), để yên 10 min, gạn lớp chất lỏng ở trên hoặc lọc nếu cần thiết. Làm lạnh dung dịch thu được trong nước đá, thêm 0,5 ml dung dịch natri nitrit 10 % (TT), sau 2 min thêm 1 g ure (TT), 1 ml dung dịch 2- naphtol trong kiềm (TT) và 2 ml dung dịch natri hydroxyd 10 M (TT), màu đỏ xuất hiện. Làm lại thí nghiệm này không có bột kẽm, dung dịch sẽ không có màu đỏ.
2-Amino-1-(4-nitrophenyl)propan-1,3-diol
Phương pháp sắc ký lỏng (Phụ lục 5.3).
Pha động: Dung dịch natri pentansulfonat 0,21 % – acetonitril – acid acetic băng (85 : 15 : 1).
Dung dịch thử: Pha loãng một thể tích chế phẩm với pha động để thu được dung dịch có chứa cloramphenicol 0,050 %.
Dung dịch đối chiếu: Dung dịch 2-amino-1-(4-nitrophenyl)propan-1,3-diol chuẩn 0,0025 % trong pha động.
Điều kiện sắc ký:
Cột thép không gỉ (10 cm x 4,6 mm), được nhồi pha tĩnh C (5 mm) (Cột Nucleosil C18 là thích hợp).
Detector quang phổ tử ngoại ở bước sóng 272 nm.
Tốc độ dòng: 2,0 ml/min.
Thể tích tiêm: 10 ml.
Cách tiến hành:
Tiến hành sắc ký với dung dịch thử và dung dịch đối chiếu. Trên sắc ký đồ thu được của dung dịch thử, diện tích của bất kỳ pic nào tương ứng với 2-amino-1-(4-nitrophenyl) propan-1,3-diol không được lớn hơn diện tích của pic tương ứng trên sắc ký đồ thu được của dung dịch đối chiếu.
Định lượng
Lấy chính xác một thể tích chế phẩm có chứa 25 mg cloramphenicol và pha loãng với nước thành 250,0 ml. Lấy 10,0 ml dung dịch này cho vào bình định mức 100 ml, thêm nước vừa đủ đến vạch, trộn đều. Đo độ hấp thụ (Phụ lục 4.1) của dung dịch thu được ở bước sóng cực đại 278 nm, cốc đo dày 1 cm, dùng nước làm mẫu trắng. Tính hàm lượng của cloramphenicol, C11H12Cl2N2O5, theo A (1 %, 1 cm). Lấy 297 là giá trị A (1 %, 1 cm) của cloramphenicol ở cực đại 278 nm.
Bảo quản
Trong đồ đựng thích hợp, nơi khô mát, tránh ánh sáng.
Loại thuốc
Kháng sinh.
Hàm lượng thường dùng
0,25 %.
THUỐC TIÊM DIMERCAPROL
lnjectio Dimercaproli
Thuốc tiêm dimercaprol là dung dịch vô khuẩn của dimercaprol trong hỗn hợp benzyl benzoat và dầu thực vật.
Chế phẩm phải đáp ứng các yêu cầu trong chuyên luận “Thuốc tiêm, thuốc tiêm truyền” (Phụ lục 1.19) và các yêu cầu sau đây:
Hàm lượng dimercaprol, C3H8OS2, từ 95,0 % đến 105,0 % so với lượng ghi trên nhãn.
Tính chất
Dung dịch trong, không màu hoặc màu vàng nhạt, có mùi khó chịu.
Định tính
Lấy một lượng chế phẩm tương ứng với 30 mg dimercaprol, lắc với hỗn hợp gồm 1 giọt dung dịch cobalt clorid 0,5 % và 5 ml nước, xuất hiện màu vàng nâu.
pH
Lắc một lượng chế phẩm với cùng một thể tích nước trong 2 min và để tách lớp. Lọc lớp nước qua giấy lọc trung tính, pH của dung dịch nước thu được từ 4,5 đến 6,5 (Phụ lục 6.2).
Thử vô khuẩn
Thử theo phương pháp màng lọc (Phụ lục 13.7).
Định lượng
Cân chính xác một lượng chế phẩm tương ứng với khoảng 0,1 g dimercaprol vào một bình nón, thêm 50 ml hỗn hợp methanol – ether (3 : 1), lắc đều. Chuẩn độ bằng dung dịch iod 0,1 N (CĐ) đến khi có màu vàng bền vững. Song song tiến hành mẫu trắng.
1 ml dung dịch dung dịch iod 0,1 N (CĐ) tương đương với 6,21 mg C3H8OS2.
Xác định khối lượng riêng (g/ml) của chế phẩm (Phụ lục 6.5) để tính hàm lượng dimercaprol ra phần trăm khối lượng/thể tích.
Bảo quản
Trong bao bì kín, ở nơi mát, tránh ánh sáng.
Loại thuốc
Điều trị ngộ độc kim loại nặng.
Hàm lượng thường dùng
5 g/100 ml; 10 g/100 ml.
THUỐC TIÊM TOBRAMYCIN
Injectio Tobramycini
Là dung dịch vô khuẩn của tobramycin trong nước để pha thuốc tiêm có thêm acid sulfuric.
Chế phẩm phải đáp ứng các yêu cầu chung trong chuyên luận “Thuốc tiêm, thuốc tiêm truyền” (Phụ lục 1.19) và các yêu cầu sau đây:
Hàm lượng tobramycin, C18H37N5O9, từ 90,0 % đến 120,0 % so với lượng ghi trên nhãn.
Tính chất
Dung dịch trong, không màu.
Định tính
- Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).
Bản mỏng: Silica gel G.
Dung môi khai triển: Methanol – amoniac đậm đặc – cloroform (60 : 40 : 20).
Dung dịch thử: Pha loãng một thể tích thích hợp thuốc tiêm với nước để thu được dung dịch có nồng độ tobramycin 4 mg/ml.
Dung dịch đối chiếu (1): Hòa tan 20,0 mg tobramycin chuẩn trong nước và pha loãng thành 5 ml với cùng dung môi.
Dung dịch đối chiếu (2): Hòa tan 4,0 mg kanamycin sulfat chuẩn và 4,0 mg neomycin sulfat chuẩn trong 1 ml dung dịch đối chiếu (1).
Cách tiến hành: Chấm riêng rẽ 5 ml mỗi dung dịch lên bản mỏng. Triển khai trong bình bão hòa dung môi đến khi dung môi đi được khoảng 15 cm. Lấy bản mỏng ra và làm khô bằng luồng khí ấm. Phun lên bản mỏng hỗn hợp đồng thể tích của dung dịch 1,3-dihydroxynaphtalen 0,2 % trong ethanol 96 % và dung dịch acid sulfuric 46,0 %. Sấy ở 105 oC trong 5 đến 10 min. Vết chính thu được từ sắc ký đồ của dung dịch thử phải tương ứng về vị trí, màu sắc và kích thước với vết chính trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu (1). Phép thử chỉ có giá trị khi dung dịch đối chiếu (2) cho 3 vết tách ra rõ ràng.
- Lấy một thể tích chế phẩm tương đương với khoảng 6 mg tobramycin, thêm 2 ml nước. Thêm tiếp 5 ml dung dịch ninhydrin 0,1 % trong ethanol 96 % và đun trong cách thủy 3 min. Màu xanh tím xuất hiện.
- C. Chế phẩm cho các phép thử định tính của sulfat (Phụ lục 8.1).
pH
Từ 3,5 đến 6,0 (Phụ lục 6.2).
Tạp chất liên quan
- Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).
Bản mỏng: Silica gel H.
Dung môi khai triển: Amoniac đậm đặc – butan-2-on – ethanol 96 % (1 : 1 : 1).
Dung dịch thử: Pha loãng một thể tích thích hợp thuốc tiêm với dung dịch amoniac 0,01 M để thu được dung dịch chứa 40 mg tobramycin trong 4 ml. Lắc 4 ml dung dịch này với 10 ml ether (TT), sử dụng lớp nước.
Dung dịch đối chiếu: Pha loãng 1 ml dung dịch thử thành 50 ml với dung dịch amoniac 0,01 M.
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt 4 ml mỗi dung dịch lên bản mỏng. Triển khai trong bình bão hòa dung môi đến khi dung môi đi được khoảng 15 cm. Lấy bản mỏng ra và để khô ngoài không khí. Sấy ở 110 oC trong 10 min. Phun ngay bản mỏng khi còn nóng với dung dịch được pha ngay trước khi dùng, bằng cách pha loãng dung dịch natri hypoclorid (3 % clor) với nước để thu được dung dịch chứa 0,5 % clor. Làm khô bản mỏng bằng luồng không khí lạnh cho đến khi phần bản mỏng được phun thuốc thử dưới vạch xuất phát chỉ cho màu xanh rất nhạt với 1 giọt dung dịch hồ tinh bột có kali iodid (TT) (tránh để lâu ngoài không khí lạnh). Phun bản mỏng với dung dịch hồ tinh bột có kali iodid (TT). Bất kỳ vết phụ nào trên sắc ký đồ của dung dịch thử không được đậm màu hơn vết thu được trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu (2 %).
Nội độc tố vi khuẩn
Pha loãng chế phẩm với nước BET (nếu cần) để thu được dung dịch có nồng độ tobramycin 10 mg/ml (dung dịch A). Nồng độ giới hạn nội độc tố của dung dịch A là 20 EU/ml. Tiến hành thử nghiệm sử dụng độ pha loãng tối đa của dung dịch A được tính từ độ nhạy của thuốc thử lysat dùng trong phép thử (Phụ lục 13.2).
Định lượng
Định lượng theo phương pháp Xác định hoạt lực thuốc kháng sinh bằng phương pháp thử vi sinh vật (Phụ lục 13.9).
1000 IU tương đương với 1 mg tobramycin, C18H37N5O9.
Bảo quản
Nơi khô mát, tránh ánh sáng.
Loại thuốc
Kháng sinh.
Nồng độ thường dùng
20 mg/ml; 80 mg/ml.
VIÊN NÉN ACENOCOUMAROL
Tabellae Acenocoumaroli
Là viên nén chứa acenocoumarol.
Chế phẩm phải đáp ứng các yêu cầu trong chuyên luận “Thuốc viên nén” (Phụ lục 1.20) và các yêu cầu sau đây:
Hàm lượng acenocoumarol, C19H15NO6, từ 92,5 % đến 107,5 % so với lượng ghi trên nhãn.
Tính chất
Viên nén màu trắng.
Định tính
- Đun hồi lưu một lượng bột viên đã nghiền mịn có chứa 50 mg acenocoumarol với 30 ml aceton (TT) dưới sinh hàn ngược trong 5 min. Lọc và rửa cắn 2 lần, mỗi lần 10 ml aceton (TT). Gộp dịch lọc và dịch rửa, bốc hơi đến còn khoảng 5 ml, thêm từng giọt nước tới khi dung dịch trở nên đục. Làm nóng hỗn hợp trên cách thủy đến khi dung dịch trong và để yên. Lọc và rửa tinh thể với hỗn hợp đồng thể tích nước và aceton (TT), làm khô ở nhiệt độ 100 °C, áp suất 2 kPa trong 30 min. Phổ hồng ngoại (Phụ lục 4.2) của cắn phải phù hợp với phổ đối chiếu của acenocoumarol.
- Phổ hấp thụ ánh sáng (Phụ lục 4.1) của dung dịch thu được trong mục Định lượng phải cho cực đại hấp thụ ở bước sóng 283 nm và 306 nm.
- C. Làm nóng 25 mg cắn thu được trong phép thử A với 2,5 ml acid acetic băng (TT), 0,5 ml acid hydrocloric (TT) và 0,2 g bột kẽm (TT) trên cách thủy trong 5 min, để nguội và lọc. Thêm vào dịch lọc 0,05 ml dung dịch natri nitrit 10 % (TT) và thêm hỗn hợp trên vào hỗn hợp gồm 10 ml dung dịch 2-naphthol 1 % và 3 ml dung dịch natri hydroxyd 5 M (TT). Tủa màu đỏ tươi tạo thành.
Tạp chất liên quan
Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).
Bản mỏng: Silica gel GF254.
Dung môi khai triển: Acid acetic băng – cloroform – cyclohexan (20 : 50 : 50).
Dung dịch thử: Lắc kỹ một lượng bột viên tương ứng với khoảng 20 mg acenocoumarol với 5 ml aceton (TT). Ly tâm và sử dụng dung dịch trong làm dung dịch thử.
Dung dịch đối chiếu: Pha loãng 1 thể tích dung dịch thử thành 200 thể tích bằng aceton (TT).
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 20 ml mỗi dung dịch trên. Triển khai sắc ký tới khi dung môi đi được khoảng 15 cm, để bản mỏng khô ngoài không khí và quan sát ngay bản mỏng dưới ánh sáng tử ngoại ở bước sóng 254 nm.
Bất kỳ vết phụ nào trên sắc ký đồ của dung dịch thử cũng không được đậm hơn vết chính trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu (0,5 %).
Độ đồng đều hàm lượng (Phụ lục 11.2)
Áp dụng cho viên nén có hàm lượng acenocoumarol nhỏ hơn hoặc bằng 4 mg.
Nghiền mịn 1 viên nén, thêm 30 ml methanol (TT) và khuấy trong 30 min. Lọc qua phễu thủy tinh xốp và rửa cắn 3 lần, mỗi lần 15 ml methanol (TT). Gộp dịch lọc và dịch rửa, thêm 10 ml dung dịch acid hydrocloric 1 M (TT) và thêm methanol (TT) vừa đủ 100,0 ml. Tiếp tục pha loãng (nếu cần) bằng hỗn hợp dung môi được chuẩn bị bằng cách pha loãng 1 thể tích dung dịch acid hydrocloric 1 M (TT) thành 10 thể tích bằng methanol (TT) để thu được dung dịch có nồng độ khoảng 0,001 % acenocoumarol.
Đo độ hấp thụ (Phụ lục 4.1) của dung dịch thu được ở bước sóng cực đại khoảng 306 nm, trong cốc đo dày 1 cm dùng hỗn hợp dung dịch acid hydrocloric 1 M – methanol (1 : 9) làm mẫu trắng. Tính hàm lượng acenocoumarol, C19H15NO6, trong mỗi viên dựa vào độ hấp thụ đo được, lấy 521 là giá trị A (1 %, 1 cm) của acenocoumarol ở bước sóng cực đại 306 nm.
Định lượng
Cân 20 viên và nghiền thành bột mịn. Cân chính xác một lượng bột viên tương ứng với 1 mg acenocoumarol, thêm 30 ml methanol (TT) và khuấy trong 30 min. Lọc qua phễu thủy tinh xốp và rửa cắn 3 lần, mỗi lần 15 ml methanol (TT). Gộp dịch lọc và dịch rửa, thêm 10 ml dung dịch acid hydrocloric 1 M (TT) thêm methanol (TT) vừa đủ 100,0 ml. Đo độ hấp thụ (Phụ lục 4.1) của dung dịch thu được ở bước sóng cực đại khoảng 306 nm, trong cốc đo dày 1 cm, dùng hỗn hợp dung dịch acid hydrocloric 1 M – methanol (1 : 9) làm mẫu trắng. Tính hàm lượng acenocoumarol, C19H15NO6, trong chế phẩm dựa vào độ hấp thụ đo được, lấy 521 là giá trị A (1 %, 1 cm) của acenocoumarol ở bước sóng cực đại 306 nm.
Bảo quản
Trong đồ đựng kín, để nơi khô mát, tránh ánh sáng.
Loại thuốc
Thuốc chống đông máu.
Hàm lượng thường dùng
4 mg.
VIÊN NÉN AMITRIPTYLIN
Tabellae Amitriptylini
Là viên nén chứa amitriptylin hydroclorid.
Chế phẩm phải đáp ứng các yêu cầu trong chuyên luận “Thuốc viên nén” (Phụ lục 1.20) và các yêu cầu sau đây:
Hàm lượng amitriptylin hydroclorid, C20H23N.HCl, từ 90,0 % đến 110,0 % so với lượng ghi trên nhãn.
Tính chất
Viên nén màu trắng.
Định tính
- Lắc một lượng bột viên đã nghiền mịn tương ứng với khoảng 10 mg amitriptylin hydroclorid với 100 ml methanol (TT), lọc và pha loãng 10 ml dịch lọc thành 100 ml với methanol (TT). Phổ hấp thụ tử ngoại (Phụ lục 4.1) của dung dịch thu được phải phù hợp với phổ của dung dịch amitriptylin hydroclorid chuẩn có nồng độ tương đương trong cùng dung môi.
- Trong mục Định lượng, pic chính trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có thời gian lưu tương ứng với thời gian lưu của pic chính trên sắc ký đồ của dung dịch chuẩn.
Độ hòa tan (Phụ lục 11.4)
Thiết bị: Kiểu giỏ quay.
Môi trường: 900 ml dung dịch acid hydrocloric 0,1 M (TT).
Tốc độ quay: 100 r/min.
Thời gian: 45 min.
Cách tiến hành:
Dung dịch thử: Lấy một phần dung dịch môi trường đã hòa tan mẫu thử, lọc (bỏ 20 ml dịch lọc đầu). Pha loãng dịch lọc thu được tới nồng độ thích hợp với môi trường hòa tan (nếu cần).
Dung dịch chuẩn: Dung dịch amitriptylin hydroclorid chuẩn trong môi trường hòa tan có nồng độ tương đương với nồng độ amitriptylin hydroclorid trong dung dịch thử.
Đo độ hấp thụ (Phụ lục 4.1) của các dung dịch thu được ở hấp thụ cực đại khoảng 239 nm, cốc đo dày 1 cm, mẫu trắng là môi trường hòa tan. Tính hàm lượng amitriptylin hydroclorid, C20H23N.HCl, hòa tan trong mỗi viên, dựa vào độ hấp thụ đo được của dung dịch chuẩn, dung dịch thử và hàm lượng C20H23N.HCl của amitriptylin hydroclorid chuẩn.
Yêu cầu: Không ít hơn 75 % lượng amitriptylin hydroclorid, C20H23N.HCl, so với lượng ghi trên nhãn được hòa tan trong 45 min.
Định lượng
Phương pháp sắc ký lỏng (Phụ lục 5.3).
Pha động: Acetonitril – Dung dịch đệm phosphat (42 : 58).
Dung dịch đệm phosphat: Hòa tan 11,04 g natri dihydrophosphat monohydrat (TT) trong 900 ml nước, điều chỉnh pH đến 2,5 ± 0,5 bằng acid phosphoric (TT) và pha loãng thành 1000 ml bằng nước.
Dung dịch chuẩn: Hòa tan một lượng amitriptylin hydroclorid chuẩn trong pha động để thu được dung dịch có nồng độ khoảng 0,2 mg amitriptylin hydroclorid trong 1 ml.
Dung dịch thử: Cân 20 viên và nghiền thành bột mịn. Cân chính xác một lượng bột viên tương ứng với khoảng 20 mg amitriptylin hydroclorid vào bình định mức 100 ml, thêm 70 ml pha động và lắc kỹ, pha loãng bằng pha động vừa đủ đến vạch, lắc đều.
Điều kiện sắc ký:
Cột thép không gỉ (30 cm x 4,0 mm) được nhồi pha tĩnh C (3 – 10 mm).
Detector quang phổ tử ngoại đặt ở bước sóng 254 nm.
Tốc độ dòng: 2,0 ml/min.
Thể tích tiêm: 20 ml.
Cách tiến hành:
Kiểm tra tính phù hợp của hệ thống sắc ký: Tiến hành sắc ký 6 lần riêng biệt đối với dung dịch chuẩn. Phép thử chỉ có giá trị khi hệ số đối xứng của pic amitriptylin hydroclorid không lớn hơn 2,0; số đĩa lý thuyết của cột không dưới 800; và độ lệch chuẩn tương đối của diện tích pic amitriptylin hydroclorid không được lớn hơn 2,0 %.
Tiến hành sắc ký lần lượt đối với dung dịch chuẩn và dung dịch thử. Căn cứ vào diện tích pic thu được từ dung dịch thử, dung dịch chuẩn và hàm lượng C20H23N.HCl của amitriptylin hydroclorid chuẩn, tính hàm lượng amitriptylin hydroclorid, C20H23N.HCl, có trong một viên.
Bảo quản
Tránh ánh sáng.
Loại thuốc
Thuốc chống trầm cảm.
Hàm lượng thường dùng
10 mg, 25 mg, 50 mg, 75 mg, 100 mg và 150 mg.
VIÊN NÉN AMLODIPIN
Tabellae Amlodipini
Là viên nén chứa amlodipin besilat.
Chế phẩm phải đáp ứng các yêu cầu trong chuyên luận “Thuốc viên nén” (Phụ lục 1.20) và các yêu cầu sau đây:
Hàm lượng amlodipin, C20H25CIN2O5, từ 90,0 % đến 110,0 % so với lượng ghi trên nhãn.
Tính chất
Viên nén màu trắng.
Định tính
- Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4)
Bản mỏng: Silica gel GF254.
Dung môi khai triển: Lắc hỗn hợp acid acetic băng – nước – methyl isobutyl ceton (25 : 25 : 50), để tách lớp, lấy lớp trên.
Dung dịch thử: Lắc một lượng bột viên tương ứng với 10 mg amlodipin với 2 ml methanol (TT), ly tâm lấy dịch trong.
Dung dịch đối chiếu: Hòa tan amlodipin besilat chuẩn trong methanol (TT) để được dung dịch có chứa 5 mg amlodipin trong 1 ml.
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 5 ml mỗi dung dịch trên. Triển khai sắc ký tới khi dung môi đi được khoảng 15 cm, lấy bản mỏng ra, để bay hơi dung môi. Quan sát dưới đèn tử ngoại ở bước sóng 365 nm.
Vết chính trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải tương ứng về vị trí, màu sắc, kích thước với vết chính trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.
- Trong mục Định lượng, thời gian lưu của pic chính trên sắc ký đồ thu được của dung dịch thử phải tương ứng với thời gian lưu của pic chính trên sắc ký đồ thu được của dung dịch chuẩn.
Tạp chất liên quan
Phương pháp sắc lý lỏng (Phụ lục 5.3).
Pha động và Điều kiện sắc ký như mô tả ở mục Định lượng.
Dung dịch thử: Cân 20 viên và nghiền thành bột mịn. Cân chính xác một lượng bột viên tương ứng với khoảng 50 mg amlodipin, hòa tan trong pha động và pha loãng thành 50,0 ml với pha động. Ly tâm lấy dịch trong.
Dung dịch đối chiếu: Pha loãng 5,0 ml dung dịch thử thành 100,0 ml với pha động và pha loãng 5,0 ml dung dịch thu được thành 50,0 ml với pha động.
Dung dịch phân giải: Hòa tan 5 mg amlodipin besilat chuẩn trong 5 ml dung dịch hydrogen peroxyd đậm đặc (TT). Đun nóng ở 70 °C trong 45 min.
Cách tiến hành:
Thời gian lưu tương đối giữa pic amlodipin và pic tạp chất D là khoảng 0,5.
Tiêm dung dịch phân giải, phép thử chỉ có giá trị khi độ phân giải giữa pic tương ứng với amlodipin và pic tạp chất D ít nhất là 4,5.
Tiêm dung dịch thử và dung dịch đối chiếu. Tiến hành sắc ký đối với dung dịch thử trong khoảng thời gian gấp 3 lần thời gian lưu của amlodipin. Trên sắc ký đồ của dung dịch thử, hai lần diện tích của pic tương ứng với tạp chất D không được lớn hơn diện tích của pic chính trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu (0,5 %). Tổng diện tích của tất cả các pic tạp khác không được lớn hơn diện tích của pic chính trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu (0,5 %). Bỏ qua pic tương ứng với benzen sulfonat (thời gian lưu tương đối khoảng 0,2) và bất kỳ pic nào có diện tích nhỏ hơn 0,1 lần diện tích của pic chính trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu (0,05 %).
Độ hòa tan (Phụ lục 11.4)
Thiết bị: Kiểu cánh khuấy
Môi trường hòa tan: 900 ml dung dịch acid hydrocloric 0,01 M (TT).
Tốc độ quay: 75 r/min.
Thời gian: 45 min.
Cách tiến hành:
Dung dịch chuẩn: Dung dịch amlodipin besilat chuẩn trong môi trường hòa tan có nồng độ tương ứng với nồng độ amlodipin besilat trong dung dịch thử.
Dung dịch thử: Lấy một phần môi trường sau khi hòa tan và lọc, loại bỏ dịch lọc đầu.
Đo độ hấp thụ của các dung dịch ở bước sóng 239 nm (Phụ lục 4.1) trong cốc đo dày 1 cm, dùng dung dịch acid hydrocloric 0,01 M (TT) làm mẫu trắng. Tính hàm lượng amlodipin, C20H25ClN2O5, đã hòa tan trong mỗi viên dựa vào độ hấp thụ đo được của dung dịch chuẩn, dung dịch thử và hàm lượng C20H25ClN2O5 trong amlodipin besilat chuẩn
Yêu cầu: Không được ít hơn 70 % lượng amlodipin, C20H25ClN2O5, so với lượng ghi trên nhãn được hòa tan trong 45 min.
Định lượng
Phương pháp sắc ký lỏng (Phụ lục 5.3).
Pha động: Dung dịch đệm triethylamin pH 3,0 – methanol – acetonitril (50 : 35 : 15)
Dung dịch đệm triethylamin pH 3,0: Hòa tan 7,0 ml triethylamin (TT) trong 1000 ml nước, điều chỉnh đến pH 3,0 ± 0,1 bằng acid phosphoric (TT).
Dung dịch chuẩn: Cân chính xác khoảng 70 mg amlodipin besilat chuẩn hòa tan trong pha động và pha loãng với pha động thành 100,0 ml. Pha loãng 10,0 ml dung dịch thu được thành 100,0 ml với pha động.
Dung dịch thử: Cân 20 viên, tính khối lượng trung bình viên và nghiền thành bột mịn. Cân chính xác một lượng bột viên tương ứng với khoảng 50 mg amlodipin vào bình định mức 100 ml, thêm 70 ml pha động, lắc siêu âm 10 min, để nguội, thêm pha động đến vạch, lọc. Pha loãng 10,0 ml dịch lọc thành 100,0 ml bằng pha động.
Điều kiện sắc ký:
Cột thép không gỉ (15 cm x 3,9 mm) được nhồi pha tĩnh C (5 mm).
Detector quang phổ tử ngoại đặt ở bước sóng 237 nm.
Tốc độ dòng: 1,0 ml/min.
Thể tích tiêm: 10 ml.
Cách tiến hành:
Tiêm riêng biệt dung dịch chuẩn và dung dịch thử.
Tính hàm lượng amlodipin, C20H25ClN2O5, trong chế phẩm dựa vào diện tích của pic amlodipin trên sắc ký đồ thu được của dung dịch thử, dung dịch chuẩn và hàm lượng C20H25ClN2O5 trong amlodipin besilat chuẩn.
Bảo quản
Nơi khô mát, tránh ánh sáng.
Loại thuốc
Chống tăng huyết áp.
Hàm lượng thường dùng
5 mg; 10 mg.
VIÊN NÉN ASPIRIN VÀ CAFEIN
Tabellae Aspirini et Caffeini
Là viên nén chứa aspirin và cafein.
Chế phẩm phải đáp ứng các yêu cầu trong chuyên luận “Thuốc viên nén” (Phụ lục 1.20) và các yêu cầu sau đây:
Hàm lượng aspirin, C9H8O4, từ 90,0 % đến 110,0 % so với lượng ghi trên nhãn.
Hàm lượng cafein, C8H10N4O2, từ 90,0 % đến 110,0 % so với lượng ghi trên nhãn.
Tính chất
Viên nén màu trắng.
Định tính
Trong mục Định lượng, hai pic chính trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có thời gian lưu tương tự với thời gian lưu của hai pic chính trên sắc ký đồ của dung dịch chuẩn.
Độ hòa tan (Phụ lục 11.4)
Thiết bị: Kiểu cánh khuấy.
Môi trường: 500 ml dung dịch đệm acetat 0,05 M pH 4,5 được chuẩn bị như sau: Hòa tan 2,99 g natri acetat (TT) và 1,66 ml acid acetic băng (TT) trong nước và thêm nước vừa đủ 1000 ml.
Tốc độ quay: 50 r/min.
Thời gian: 45 min.
Tiến hành: Lấy một phần dung dịch môi trường đã hòa tan mẫu thử, lọc, bỏ 20 ml dịch lọc đầu.
Tiến hành định lượng aspirin và cafein hòa tan bằng phương pháp sắc ký lỏng (Phụ lục 5.3) với pha động và điều kiện sắc ký như phần định lượng. Chuẩn bị dung dịch aspirin chuẩn và cafein chuẩn trong môi trường hòa tan có nồng độ tương đương với nồng độ aspirin và cafein tương ứng trong dung dịch thử.
Yêu cầu:
Không ít hơn 75 % lượng aspirin, C9H8O4, so với lượng ghi trên nhãn được hòa tan trong 45 min.
Không ít hơn 75 % lượng cafein, C8H10N4O2, so với lượng ghi trên nhãn được hòa tan trong 45 min.
Định lượng và giới hạn acid salicylic
Phương pháp sắc ký lỏng (Phụ lục 5.3).
Pha động: Hòa tan 1,0 g natri pentansulfonat (TT) và 2,3 g amoni dihydrophosphat (TT) trong 850 ml nước. Thêm 150 ml acetonitril (TT) và điều chỉnh pH đến 2,5 bằng acid phosphoric (TT).
Dung môi pha mẫu: Hỗn hợp nước và acetonitril (53 : 46), điều chỉnh pH đến 2,5 bằng acid phosphoric (TT).
Dung dịch chuẩn: Hòa tan một lượng aspirin chuẩn và cafein chuẩn trong dung môi pha mẫu để thu được dung dịch có nồng độ khoảng 0,001xA mg aspirin và 0,001xC mg cafein trong 1 ml (trong đó A và C là lượng ghi trên nhãn của aspirin và cafein tương ứng trong mỗi viên, tính bằng mg).
Dung dịch chuẩn acid salicylic: Hòa tan một lượng acid salicylic chuẩn trong dung môi pha mẫu để thu được dung dịch có nồng độ khoảng 0,005xA mg acid salicylic trong 1 ml (trong đó A là lượng ghi trên nhãn của aspirin trong mỗi viên, tính bằng mg).
Dung dịch phân giải: Hòa tan một lượng acid salicylic chuẩn trong dung dịch chuẩn để thu được dung dịch có nồng độ khoảng 0,0001 x A mg acid salicylic trong 1 ml (trong đó A là lượng ghi trên nhãn của aspirin trong mỗi viên, tính bằng mg).
Dung dịch thử: Cân 20 viên và nghiền thành bột mịn. Cân chính xác một lượng bột viên tương ứng với khoảng 1 viên vào bình định mức 100 ml, thêm 70 ml dung môi pha mẫu và lắc kỹ. Thêm dung môi pha mẫu vừa đủ đến vạch, lắc đều, lọc và bỏ 20 ml dịch lọc đầu. Hút chính xác 5,0 ml dịch lọc vào bình định mức 50 ml và thêm dung môi pha mẫu vừa đủ.
Điều kiện sắc ký:
Cột thép không gỉ (15 cm x 4,6 mm) được nhồi pha tĩnh B (3 – 10 mm)
Detector quang phổ tử ngoại đặt ở bước sóng 215 nm.
Tốc độ dòng: 2,0 ml/min.
Thể tích tiêm: 10 ml.
Cách tiến hành:
Kiểm tra tính phù hợp của hệ thống sắc ký: Tiến hành sắc ký đối với dung dịch phân giải: Thời gian lưu tương đối khoảng 0,2 đối với cafein, 0,7 đối với aspirin và 1,0 đối với acid salicylic. Phép thử chỉ có giá trị khi độ phân giải giữa hai pic aspirin và acid salicylic không dưới 1,5.
Tiến hành sắc ký 6 lần lặp lại đối với dung dịch chuẩn. Phép thử chỉ có giá trị khi độ lệch chuẩn tương đối của diện tích mỗi pic aspirin và cafein không lớn hơn 2,0 %.
Tiến hành sắc ký lần lượt đối với dung dịch chuẩn và dung dịch thử.
Căn cứ vào diện tích pic acid salicylic thu được từ dung dịch thử và dung dịch chuẩn acid salicylic, hàm lượng C7H6O3 của acid salicylic chuẩn, tính hàm lượng acid salicylic, C7H6O3, trong chế phẩm. Chế phẩm không được có quá 3,0 % acid salicylic, C7H6O3, so với lượng aspirin ghi trên nhãn.
Căn cứ vào diện tích pic aspirin thu được từ dung dịch thử và dung dịch chuẩn, hàm lượng C9H8O4 của asprin chuẩn, tính hàm lượng aspirin, C9H8O4, có trong một viên.
Căn cứ vào diện tích pic cafein thu được từ dung dịch thử và dung dịch chuẩn, hàm lượng C8H10N4O2 của cafein chuẩn, tính hàm lượng cafein, C8H10N4O2, có trong một viên.
Bảo quản
Tránh ánh sáng.
Loại thuốc
Hạ nhiệt giảm đau.
Hàm lượng thường dùng
Aspirin 350 mg và cafein 30 mg.
Aspirin 200 mg và cafein 20 mg.
VIÊN NÉN CODEIN PHOSPHAT
Tabellae Codeini phosphatis
Là viên nén chứa codein phosphat.
Chế phẩm phải đáp ứng các yêu cầu trong chuyên luận “Thuốc viên nén” (Phụ lục 1.20) và các yêu cầu sau đây:
Hàm lượng codein phosphat, C18H21NO3.H3PO4.1/2H2O, từ 93,0 % đến 107,0 % so với lượng ghi trên nhãn.
Tính chất
Viên nén màu trắng.
Định tính
- Lấy một lượng bột viên có chứa khoảng 100 mg codein phosphat, thêm 15 ml nước và 5 ml dung dịch acid sulfuric 1 M (TT), để yên 1 h. Lọc, rửa cắn không tan bằng vài ml nước, kiềm hóa dịch lọc bằng dung dịch amoniac 6 M (TT), chiết 2 lần, mỗi lần 10 ml cloroform (TT). Làm bay hơi dịch chiết cloroform trên cách thủy tới khô. Tiếp tục làm khô cắn ở 80 °C trong 4 h. Phổ hồng ngoại (Phụ lục 4.2) của cắn phải phù hợp với phổ hồng ngoại của codein thu được bằng cách xử lý 10 ml dung dịch codein phosphat chuẩn 1 % tương tự như mẫu thử.
- B. Lấy lượng bột viên có chứa khoảng 100 mg codein phosphat thêm 10 ml nước và 2 giọt dung dịch acid sulfuric 2 M (TT), đun nóng trong 15 min, thỉnh thoảng lắc. Lọc, trung tính hóa 5 ml dịch lọc với dung dịch amoniac 6 M (TT), và thêm dung dịch bạc nitrat 5 % (TT), tủa bạc phosphat màu vàng được tạo thành, tủa này tan trong acid nitric loãng (TT) và dung dịch amoniac 6 M (TT).
Độ hòa tan (Phụ lục 11.4)
Thiết bị: Kiểu cánh khuấy.
Môi trường hòa tan: 500 ml nước.
Tốc độ quay: 50 r/min.
Thời gian: 45 min.
Cách tiến hành:
Dung dịch thử: Lấy một phần dung dịch môi trường sau khi hòa tan, lọc, bỏ 20 ml dịch lọc đầu. Pha loãng nếu cần.
Dung dịch chuẩn: Chuẩn bị một dung dịch codein phosphat chuẩn trong nước có nồng độ tương ứng với dung dịch thử.
Đo độ hấp thụ tử ngoại của dung dịch thử và dung dịch chuẩn ở bước sóng cực đại 284 nm.
Tính hàm lượng codein phosphat, C18H21NO3.H3PO3.1/2H2O, được hòa tan trong mỗi viên dựa vào độ hấp thụ đo được của các dung dịch chuẩn, dung dịch thử và hàm lượng C18H21NO3.H3PO3.1/2H2O của codein phosphat chuẩn.
Yêu cầu: Không được ít hơn 75 % lượng codein phosphat, C18H21NO3.H3PO3.1/2H2O, so với lượng ghi trên nhãn được hòa tan trong 45 min.
Giới hạn morphin
Hòa tan khoảng 50 mg kali ferricyanid (TT) trong 10 ml nước, thêm 1 giọt dung dịch sắt (III) clorid 10,5 % (TT) và 1 ml dịch lọc từ phép thử B của phần định tính, màu xanh lam không được xuất hiện ngay.
Định lượng
Cân 20 viên và nghiền thành bột mịn. Cân chính xác một lượng bột viên tương ứng với 0,15 g codein phosphat và chuyển vào bình định mức 100 ml. Thêm 20 ml dung dịch acid sulfuric 0,25 M (TT), lắc 30 min và thêm nước vừa đủ 100 ml. Lọc, lấy 50 ml dịch lọc, kiềm hóa bằng dung dịch amoniac 6 M (TT) và chiết bằng cloroform (TT) 4 lần (25 ml, 15 ml, 15 ml, 15 ml). Gộp dịch chiết cloroform, bốc hơi trên cách thủy đến khô, thêm vào cắn 25,0 ml dung dịch acid sulfuric 0,01 M (CĐ), đun nóng để hòa tan, để nguội, thêm 2 giọt dung dịch đỏ methyl (TT) và chuẩn độ bằng dung dịch natri hydroxyd 0,02 M (CĐ).
1 ml dung dịch acid sulfuric 0,01 M (CĐ) tương đương với 8,128 mg C18H21NO3.H3PO3.1/2H2O.
Bảo quản
Trong bao bì kín, tránh ánh sáng.
Loại thuốc
Chữa ho, tiêu chảy, giảm đau.
Hàm lượng thường dùng
15 mg; 30 mg.
VIÊN NÉN COLCHICIN
Tabellae Colchicini
Là viên nén chứa colchicin.
Chế phẩm phải đáp ứng các yêu cầu trong chuyên luận “Thuốc viên nén” (Phụ lục 1.20) và các yêu cầu sau đây:
Hàm lượng colchicin, C22H25NO6, từ 90,0 % đến 110,0 % so với lượng ghi trên nhãn.
Tính chất
Viên nén màu trắng hoặc trắng ngà.
Định tính
Lấy một lượng bột viên có chứa khoảng 20 mg colchicin nghiền với 20 ml nước, để lắng, lọc dung dịch trong phía trên vào một bình chiết. Chiết với 30 ml cloroform (TT). Làm bay hơi dịch chiết cloroform tới khô bằng cách làm nóng nhẹ. Phổ hồng ngoại (Phụ lục 4.2) của cắn phải phù hợp với phổ hồng ngoại của colchicin chuẩn.
Độ hòa tan (Phụ lục 11.4)
Tiến hành trong điều kiện tránh ánh sáng.
Thiết bị: Kiểu giỏ quay.
Môi trường hòa tan: 500 ml nước.
Tốc độ quay: 100 r/min.
Thời gian: 30 min.
Dung dịch thử: Lấy một phần dung dịch môi trường sau khi hòa tan, lọc, bỏ 20 ml dịch lọc đầu.
Dung dịch chuẩn: Chuẩn bị một dung dịch colchicin chuẩn trong nước có nồng độ tương ứng với nồng độ colchicin của dung dịch thử.
Xác định hàm lượng colchicin được hòa tan bằng phương pháp sắc ký lỏng (Phụ lục 5.3). Tiêm riêng biệt 50 ml mỗi dung dịch thử và chuẩn vào hệ thống sắc ký. Sử dụng pha động và các điều kiện sắc ký như ở mục Định lượng.
Yêu cầu: Không được ít hơn 75 % lượng colchicin, C22H25NO6, so với lượng ghi trên nhãn được hòa tan trong 30 min.
Đồng đều hàm lượng (Phụ lục 11.2)
Dung dịch thử: Lấy 1 viên nghiền thành bột mịn, thêm khoảng 50 ml hỗn hợp methanol (TT) và nước (1 : 1), lắc 15 min, chuyển vào trong một bình định mức có thể tích phù hợp và pha loãng với cùng hỗn hợp dung môi để thu được một dung dịch có nồng độ khoảng 5 mg/ml, lọc.
Dung dịch chuẩn: Hòa tan một lượng chất chuẩn colchicin đã được cân chính xác trong hỗn hợp methanol – nước (1 : 1) và pha loãng với cùng hỗn hợp dung môi để thu được một dung dịch có nồng độ khoảng 5 mg/ml.
Tiến hành xác định hàm lượng colchicin trong 1 viên bằng phương pháp sắc ký lỏng (Phụ lục 5.3). Sử dụng pha động và các điều kiện sắc ký như ở mục Định lượng.
Định lượng
Phương pháp sắc ký lỏng (Phụ lục 5.3).
Pha động: Pha loãng 45 ml dung dịch kali dihydrophosphat 0,5 M với nước thành 450 ml, thêm khoảng 530 ml methanol (TT), làm nguội tới nhiệt độ phòng và thêm methanol (TT) tới vừa đủ 1000 ml. Điều chỉnh đến pH = 5,5 ± 0,05 bằng acid phosphoric 0,5 M (TT).
Dung dịch chuẩn: Hòa tan một lượng chất chuẩn colchicin đã được cân chính xác trong hỗn hợp methanol (TT) và nước (1 : 1) và pha loãng với cùng hỗn hợp dung môi để thu được một dung dịch có nồng độ khoảng 6 mg/ml. Dung dịch này ổn định trong 4 tháng khi được bảo quản trong lọ kín tránh ánh sáng.
Dung dịch thử (Chuẩn bị dung dịch ngay trước khi sử dụng): Lấy 20 viên nghiền thành bột mịn. Chuyển một lượng bột viên đã được cân chính xác, tương đương với khoảng 0,6 mg colchicin vào một bình định mức 100 ml, thêm khoảng 50 ml hỗn hợp methanol (TT) và nước (1 : 1), lắc 15 min. Rửa thành bình và pha loãng đến vạch với cùng hỗn hợp dung môi, lọc.
Điều kiện sắc ký:
Cột thép không gỉ (250 mm x 4,6 mm) được nhồi pha tĩnh B (5 mm).
Detector quang phổ tử ngoại đặt ở bước sóng 254 nm.
Tốc độ dòng: 1,0 ml/min.
Thể tích tiêm: 20 ml.
Cách tiến hành:
Tiêm dung dịch chuẩn và ghi diện tích pic đáp ứng. Xác định hiệu năng của cột, số đĩa lý thuyết tính trên pic colchicin không nhỏ hơn 4500; thời gian lưu của pic colchicin trong khoảng từ 5,5 đến 9,5 min; độ lệch chuẩn tương đối của diện tích pic colchicin trong các lần tiêm lặp lại không quá 2,0 %.
Tiêm lần lượt các dung dịch chuẩn và thử. Căn cứ vào diện tích pic thu được từ dung dịch thử và dung dịch chuẩn, hàm lượng C22H25NO6 của chất chuẩn colchicin, tính hàm lượng colchicin, C22H25NO6, trong chế phẩm.
Bảo quản
Nơi khô mát, tránh ánh sáng.
Loại thuốc
Chữa bệnh gút.
Hàm lượng thường dùng
0,25 mg; 0,5 mg.
VIÊN NÉN COLECALCIFEROL
Tabellae Colecalciferoli
Là viên nén hay viên bao chứa colecalciferol.
Chế phẩm phải đáp ứng các yêu cầu trong chuyên luận “Thuốc viên nén” (Phụ lục 1.20) và các yêu cầu sau đây:
Hàm lượng colecalciferol, C27H44O, từ 90,0 % đến 125,0 % so với lượng ghi trên nhãn.
Tính chất
Viên nén màu trắng hay viên bao màu đồng nhất.
Định tính
- Trong mục Định lượng, thời gian lưu của pic chính trên sắc ký đồ thu được của dung dịch thử phải tương ứng với thời gian lưu của pic colecalciferol trên sắc ký đồ thu được của dung dịch chuẩn.
- Lắc một lượng bột viên tương ứng với 400 IU vitamin D với 5 ml cloroform không có ethanol (TT), lọc. Thêm vào 1 ml dịch Iọc 9 ml dung dịch antimony triclorid (TT), màu đỏ nâu tạo thành.
Độ đồng đều hàm lượng (Phụ lục 11.2)
Tiến hành bằng phương pháp sắc ký lỏng (Phụ lục 5.3) trong điều kiện tránh ánh sáng.
Pha động, Dung dịch chuẩn, Điều kiện sắc ký và Cách tiến hành: Như mô tả ở phần Định lượng.
Dung dịch thử: Chuyển toàn bộ lượng bột đã nghiền mịn của 1 viên vào bình nón dung tích 50 ml, thêm 20,0 ml methanol 90 % (TT), đậy nút, lắc đều và siêu âm 5 min. Ly tâm và lọc qua phễu xốp thủy tinh (Whatman GF/C là thích hợp). Nếu cần, pha loãng dịch lọc với methanol 90 % (TT), để thu được dung dịch có nồng độ colecalciferol khoảng 0,00005 %.
Tính hàm lượng colecalciferol trong mỗi viên, dựa vào diện tích (hay chiều cao) của pic colecalciferol trên sắc ký đồ thu được của dung dịch thử, dung dịch chuẩn và hàm lượng C27H44O của colecalciferol chuẩn.
Định lượng
Tiến hành bằng phương pháp sắc ký lỏng (Phụ lục 5.3) trong điều kiện tránh ánh sáng.
Pha động: Methanol – nước (97 : 3).
Dung dịch chuẩn: Dung dịch colecalciferol chuẩn 0,00005 % trong methanol 90 % (TT).
Dung dịch thử: Cân 20 viên (đã loại bỏ lớp vỏ bao nếu là viên bao), nghiền thành bột mịn. Cân chính xác một lượng bột viên tương ứng với khoảng 50 mg colecalciferol vào bình định mức 100 ml, thêm 70 ml methanol 90 % (TT), lắc trong 5 min, rồi để siêu âm 5 min. Thêm methanol 90 % (TT) vừa đủ đến vạch, lắc đều. Ly tâm và lọc qua phễu xốp thủy tinh (Whatman GF/C là thích hợp).
Điều kiện sắc ký:
Cột thép không gỉ (10 cm x 4,6 mm) được nhồi pha tĩnh C (5 mm) (Hypersil 5 ODS là thích hợp).
Detector quang phổ tử ngoại đặt ở bước sóng 264 nm.
Tốc độ dòng: 1,0 ml/min
Thể tích tiêm: 50 ml.
Cách tiến hành:
Tiêm riêng biệt dung dịch chuẩn và dung dịch thử.
Tính hàm lượng colecalciferol, C27H44O, trong viên, dựa vào diện tích (hay chiều cao) của pic colecalciferol trên sắc ký đồ thu được của dung dịch thử, dung dịch chuẩn và hàm lượng C27H44O của colecalciferol chuẩn.
Ghi chú: 1 mg colecalciferol tương ứng với 40 IU vitamin D.
Bảo quản
Nơi khô mát, tránh ánh sáng.
Loại thuốc
Vitamin.
Hàm lượng thường dùng
400 IU.
VIÊN NÉN CORTISON
Tabellae Cortisoni
Là viên nén chứa cortison acetat.
Chế phẩm phải đáp ứng các yêu cầu trong chuyên luận “Thuốc viên nén” (Phụ lục 1.20) và các yêu cầu sau đây:
Hàm lượng cortison acetat, C23H30O6, từ 90,0 % đến 110,0 % so với lượng ghi trên nhãn.
Tính chất
Viên nén màu trắng.
Định tính
- Lấy một lượng bột viên tương ứng với khoảng 30 mg cortison acetat, thêm 15 ml cloroform (TT), khuấy kỹ 15 min và lọc. Bay hơi dịch lọc đến khô trên cách thủy. Cắn thu được dùng cho các phép thử sau:
Hòa tan 1 mg cắn trong 10 ml methanol (TT). Lấy 1 ml dung dịch, thêm 8 ml dung dịch phenylhydrazin sulfat (TT) mới pha, đun nóng ở 70 °C trong 15 min. Xuất hiện màu vàng.
Hòa tan khoảng 2 mg cắn trong 2 ml acid sulfuric (TT), để yên 5 min. Xuất hiện màu vàng hay cam nhạt. Màu phai dần khi pha loãng với 10 ml nước, dung dịch vẫn trong.
- Trong mục Định lượng, thời gian lưu của pic chính trên sắc ký đồ thu được của dung dịch thử phải tương ứng với thời gian lưu của pic chính trên sắc ký đồ thu được của dung dịch chuẩn.
Độ hòa tan (Phụ lục 11.4)
Thiết bị: Kiểu cánh khuấy
Môi trường hòa tan: 900 ml dung dịch natri lauryl sulfat 0,3 %.
Tốc độ quay: 50 r/min.
Thời gian: 45 min.
Cách tiến hành:
Dung dịch chuẩn: Dung dịch cortison acetat chuẩn 0,0028 % trong môi trường hòa tan.
Dung dịch thử: Lấy một phần môi trường và lọc, loại bỏ dịch lọc đầu.
Đo độ hấp thụ của các dung dịch ở bước sóng hấp thụ cực đại ở khoảng 242 nm (Phụ lục 4.1) trong cốc đo dày 1 cm, dùng môi trường hòa tan làm mẫu trắng. Tính hàm lượng cortison acetat, C23H30O6, trong mỗi viên, dựa vào độ hấp thụ đo được của dung dịch chuẩn, dung dịch thử và hàm lượng C23H30O6 của cortison acetat chuẩn.
Yêu cầu: Không được ít hơn 70 % lượng cortison acetat, C23H30O6, so với hàm lượng ghi trên nhãn được hòa tan trong 45 min.
Tạp chất liên quan
Phương pháp sắc ký lỏng (Phụ lục 5.3).
Pha động: Trộn 400 ml acetonitril (TT) với 550 ml nước, để cân bằng, thêm nước vừa đủ 1000 ml lắc đều.
Các dung dịch sau pha ngay trước khi dùng.
Dung dịch thử: Cân chính xác một lượng bột viên tương ứng với khoảng 25 mg cortison acetat, thêm 10 ml pha động, lắc siêu âm 10 min, lọc.
Dung dịch đối chiếu: Pha loãng 1,0 ml dung dịch thử thành 100,0 ml với pha động, lắc đều.
Dung dịch phân giải: Dung dịch chứa 0,002 % cortison acetat chuẩn và 0,002 % hydrocortison acetat chuẩn trong pha động.
Điều kiện sắc ký:
Cột thép không gỉ (25 cm x 4,6 mm) được nhồi pha tĩnh C (5 mm) (Hypersil ODS là thích hợp). Detector quang phổ tử ngoại đặt ở bước sóng 254 nm.
Tốc độ dòng: 1,0 ml/min.
Thể tích tiêm: 20 ml.
Cách tiến hành:
Cân bằng cột với pha động trong 30 min.
Tiêm dung dịch đối chiếu. Điều chỉnh độ nhạy của hệ thống sao cho chiều cao của pic chính trên sắc ký đồ thu được ít nhất bằng 50 % thang đo.
Tiêm dung dịch phân giải. Trên sắc ký đồ thu được với các điều kiện sắc ký đã mô tả, thời gian lưu của hydrocortison acetat khoảng 10 min và của cortison acetat khoảng 12 min. Phép thử chỉ có giá trị, khi độ phân giải giữa hai pic hydrocortison acetat và cortison acetat ít nhất là 4,2. Nếu cần, điều chỉnh tỷ lệ acetonitril trong pha động.
Tiêm riêng biệt dung dịch thử và dung dịch đối chiếu. Tiến hành sắc ký với thời gian gấp đôi thời gian lưu của pic chính. Trong sắc ký đồ thu được của dung dịch thử, diện tích của bất kỳ pic phụ nào không được lớn hơn 1/2 diện tích của pic chính trong sắc ký đồ thu được của dung dịch đối chiếu (0,5 %), tổng diện tích của tất cả các pic phụ không được lớn hơn 1,5 lần diện tích của pic chính trong sắc ký đồ thu được của dung dịch đối chiếu (1,5 %). Không tính đến các pic có diện tích nhỏ hơn 0,05 lần diện tích của pic chính trong sắc ký đồ thu được của dung dịch đối chiếu (0,05 %).
Định lượng
Tiến hành bằng phương pháp sắc ký lỏng (Phụ lục 5.3).
Pha động: Methanol 60 %
Dung dịch chuẩn: Chuẩn bị dung dịch chứa 0,02 % cortison acetat chuẩn trong methanol (TT). Tiếp tục pha loãng 50,0 ml dung dịch thu được thành 100,0 ml với nước, lắc đều.
Dung dịch phân giải: Chuẩn bị dung dịch chứa 0,02 % cortison acetat chuẩn và 0,02 % prednisolon chuẩn trong methanol (TT). Tiếp tục pha loãng 50,0 ml dung dịch thu được thành 100,0 ml với nước, lắc đều.
Dung dịch thử: Cân 20 viên, nghiền thành bột mịn. Cân chính xác một lượng bột viên tương ứng với khoảng 10 mg cortison acetat, thêm 50 ml methanol (TT), lắc kỹ, rồi để siêu âm 2 min, thêm nước vừa đủ 100,0 ml, lắc đều, ly tâm. Sử dụng dịch trong ở trên.
Điều kiện sắc ký:
Cột thép không gỉ (25 cm x 4,6 mm) được nhồi pha tĩnh end-capped octadecylsilyl silica gel dùng cho sắc ký (5 mm) (Hypersil ODS là thích hợp).
Detector quang phổ tử ngoại đặt ở bước sóng 240 nm.
Tốc độ dòng: 1,5 ml/min.
Thể tích tiêm: 20 ml.
Cách tiến hành:
Tiêm dung dịch phân giải và ghi lại sắc ký đồ. Phép thử chỉ có giá trị khi độ phân giải giữa hai pic cortison acetat và prednisolon ít nhất là 5,0.
Tiêm riêng biệt dung dịch chuẩn và dung dịch thử.
Tính hàm lượng cortison acetat, C23H30O6, trong viên, dựa vào diện tích (hay chiều cao) của pic cortison acetat trong sắc ký đồ thu được của dung dịch thử, dung dịch chuẩn, và nồng độ C23H30O6 của dung dịch chuẩn.
Bảo quản
Nơi khô mát, tránh ánh sáng.
Loại thuốc
Corticosteroid.
Hàm lượng thường dùng
25 mg.
VIÊN NÉN DAPSON
Tabellae Dapsoni
Là viên nén chứa dapson.
Chế phẩm phải đáp ứng các yêu cầu trong chuyên luận “Thuốc viên nén” (Phụ lục 1.20) và các yêu cầu sau đây:
Hàm lượng dapson, C12H12N2O2S, từ 92,5 % đến 107,5 % so với lượng ghi trên nhãn.
Tính chất
Viên nén màu trắng.
Định tính
- Lắc kỹ một lượng bột viên chứa khoảng 50 mg dapson với 50 ml methanol (TT) và lọc. Pha loãng 1,0 ml dịch lọc thành 200 ml với methanol (TT), lắc đều. Phổ tử ngoại (Phụ lục 4.1) của dung dịch thu được, trong khoảng từ 230 nm đến 350 nm, có các hấp thụ cực đại ở khoảng 261 nm và 296 nm.
- Trong mục Tạp chất liên quan, vết chính trên sắc ký đồ thu được từ dung dịch thử (2) phải tương đương về vị trí, kích thước và màu sắc với vết chính trên sắc ký đồ thu được từ dung dịch đối chiếu (3).
Độ hòa tan (Phụ lục 11.4)
Thiết bị: Kiểu giỏ quay.
Môi trường hòa tan: 1000 ml dung dịch acid hydrocloric 0,25 M (TT).
Tốc độ quay: 100 r/min.
Thời gian: 60 min.
Cách tiến hành:
Dung dịch chuẩn: Pha dung dịch dapson chuẩn trong môi trường hòa tan có nồng độ chính xác khoảng 0,05 mg/ml. Lấy 2,0 ml dung dịch thu được vào bình định mức 25 ml, thêm 5 ml dung dịch natri hydroxyd 1 M (TT), pha loãng với nước vừa đủ đến vạch, lắc đều.
Dung dịch thử: Lấy một phần môi trường đã hòa tan mẫu thử và lọc, loại bỏ dịch lọc đầu. Lấy một thể tích chính xác dịch lọc chứa khoảng 0,1 mg dapson vào bình định mức 25 ml, thêm 5 ml dung dịch natri hydroxyd 1 M (TT), pha loãng với nước vừa đủ đến vạch, lắc đều.
Đo độ hấp thụ của các dung dịch ở bước sóng hấp thụ cực đại ở khoảng 290 nm (Phụ lục 4.1) trong cốc đo dày 1 cm, mẫu trắng là môi trường hòa tan. Tính hàm lượng dapson, C12H12N2O2S, đã hòa tan trong mỗi viên, dựa vào độ hấp thụ đo được của dung dịch chuẩn, dung dịch thử và hàm lượng C12H12N2O2S của dapson chuẩn.
Yêu cầu: Không được ít hơn 75 % lượng dapson, C12H12N2O2S, so với lượng ghi trên nhãn được hòa tan trong 60 min.
Tạp chất liên quan
Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).
Bản mỏng: Silica gel G.
Hệ dung môi khai triển: n-Heptan – ethyl acetat – methanol – amoniac 13,5 M (20 : 20 : 6 : 1).
Dung dịch thử (1): Cân một lượng bột viên tương ứng với 100 mg dapson, thêm 10 ml methanol (TT), lắc kỹ trong 10 min, lọc.
Dung dịch thử (2): Pha loãng 1,0 ml dung dịch thử (1) thành 10,0 ml với methanol (TT), lắc đều.
Dung dịch đối chiếu (1): Pha loãng 1,0 ml dung dịch thử (2) thành 10,0 ml với methanol (TT), lắc đều.
Dung dịch đối chiếu (2): Pha loãng 1,0 ml dung dịch đối chiếu (1) thành 5,0 ml với methanol (TT), lắc đều.
Dung dịch đối chiếu (3): Dung dịch dapson chuẩn 0,1 % trong methanol (TT).
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 10 ml dung dịch thử (1), dung dịch đối chiếu (1) và dung dịch đối chiếu (2), 1 ml dung dịch thử (2) và dung dịch đối chiếu (3). Triển khai sắc ký trong bình không bão hòa dung môi đến khi dung môi đi được 15 cm. Lấy bản mỏng ra, để khô ngoài không khí. Phun dung dịch 4-dimethylaminocinnamaldehyd (TT) 0,1 % trong dung dịch acid hydrocloric 1 % (theo thể tích) trong ethanol 96 % (TT) và kiểm tra dưới ánh sáng ban ngày.
Trên sắc ký đồ thu được của dung dịch thử (1), bất kỳ vết phụ nào không được đậm màu hơn vết trên sắc ký đồ thu được từ dung dịch đối chiếu (1) (1,0 %) và có không quá hai vết phụ đậm màu hơn vết trên sắc ký đồ thu được từ dung dịch đối chiếu (2) (0,2 %).
Định lượng
Cân 20 viên, nghiền thành bột mịn. Cân chính xác một lượng bột viên tương ứng với khoảng 0,25 g dapson, thêm 30 ml dung dịch acid hydrocloric 1 M (TT), lắc kỹ để hòa tan, thêm 3 g kali bromid (TT), làm lạnh trong nước đá và chuẩn độ chậm với dung dịch natri nitrit 0,1 M (CĐ), lắc liên tục trong quá trình định lượng. Xác định điểm kết thúc bằng phương pháp đo điện (Phụ lục 10.1 hoặc 10.2).
1 ml dung dịch natri nitrit 0,1 M (CĐ) tương ứng với 12,42 mg C12H12N2O2S.
Bảo quản
Nơi khô mát, tránh ánh sáng.
Loại thuốc
Trị bệnh phong.
Hàm Iượng thường dùng
50 mg; 100 mg.
VIÊN NÉN ERGOCALCIFEROL
Tabellae Ergocalciferoli
Là viên nén chứa ergocalciferol.
Chế phẩm phải đáp ứng các yêu cầu trong chuyên luận “Thuốc viên nén” (Phụ lục 1.20) và các yêu cầu sau đây:
Hàm lượng ergocalciferol, C28H44O, từ 90,0 % đến 125,0 % so với lượng ghi trên nhãn.
Tính chất
Viên nén màu trắng.
Định tính
- Nghiền một lượng bột viên chứa khoảng 0,5 mg ergocalciferol với 10 ml cloroform (TT) và lọc. Thêm vào dịch lọc 0,3 ml anhydrid acetic (TT) và 0,1 ml acid sulfuric (TT), lắc mạnh. Xuất hiện màu đỏ tươi, chuyển nhanh sang tím, lam, rồi lục.
- Trong phép thử Độ đồng đều hàm lượng, thời gian lưu của pic chính trên sắc ký đồ thu được của dung dịch thử phải tương ứng với thời gian lưu của pic ergocalciferol trên sắc ký đồ thu được của dung dịch chuẩn.
Độ đồng đều hàm lượng (Phụ lục 11.2)
Tiến hành bằng phương pháp sắc ký lỏng (Phụ lục 5.3) trong điều kiện tránh ánh sáng.
Pha động: Hexan – pentan-1-ol (992 : 8).
Dung dịch chuẩn: Chuẩn bị dung dịch ergocalciferol chuẩn trong hexan (TT) có nồng độ tương đương nồng độ của dung dịch thử.
Dung dịch thử: Đối với viên hàm lượng lớn hơn 0,25 mg, lấy 1 viên, thêm 4 ml nước, lắc siêu âm cho đến khi viên rã hoàn toàn. Thêm 12 ml dimethyl sulfoxid (TT) lắc đều, chiết với 100 ml hexan (TT) bằng cách lắc cơ học 30 min. Ly tâm lớp hexan và sử dụng dịch trong ở trên. Đối với viên có hàm lượng nhỏ hơn hoặc bằng 0,25 mg cũng tiến hành như trên nhưng dùng 2 ml nước, 6 ml dimethyl sulfoxid (TT) và chiết với 25 ml hexan (TT).
Dung dịch phân giải: Hòa tan (không đun nóng) 50,0 mg colecalciferol chuẩn trong 10 ml toluen (TT), pha loãng thành 100,0 ml với pha động, lắc đều. Pha loãng 5,0 ml dung dịch này thành 50,0 ml với pha động, lắc đều. Lấy 5,0 ml dung dịch thu được, đun nóng 60 min dưới sinh hàn ngược với luồng khí nitrogen trong cách thủy. Để nguội, pha loãng thành 50,0 ml với pha động, lắc đều.
Điều kiện sắc ký:
Cột thép không gỉ (20 cm x 4,6 mm) được nhồi pha tĩnh A (5 mm) (Partisil là thích hợp).
Detector quang phổ tử ngoại đặt ở bước sóng 254 nm.
Tốc độ dòng: 2,0 ml/min
Cách tiến hành:
Tiêm một thể tích thích hợp dung dịch phân giải và ghi lại sắc ký đồ. Điều chỉnh độ nhạy của hệ thống sao cho chiều cao của pic colecalciferol lớn hơn 50 % thang đo. Trên sắc ký đồ thu được với các điều kiện sắc ký đã mô tả, thời gian lưu tương đối so với colecalciferol là 0,4 cho precolecalciferol, 0,5 cho trans-colecalciferol. Phép thử chỉ có giá trị khi độ phân giải giữa hai pic precolecalciferol và trans-colecalciferol ít nhất là 1,0. Nếu cần, điều chỉnh thành phần pha động và tốc độ dòng để thu được độ phân giải đạt yêu cầu.
Tiêm một thể tích thích hợp dung dịch chuẩn. Điều chỉnh độ nhạy của hệ thống sao cho chiều cao của pic ergocalciferol lớn hơn 50 % thang đo. Tiêm cùng một thể tích dung dịch thử.
Tính hàm lượng ergocalciferol, C28H44O, trong mỗi viên, dựa vào chiều cao của pic ergocalciferol trên sắc ký đồ thu được của dung dịch thử, dung dịch chuẩn và hàm lượng C28H44O trong ergocalciferol chuẩn.
1 mg ergocalciferol tương ứng với 40 IU vitamin D.
Định lượng
Hàm lượng ergocalciferol trong viên là hàm lượng trung bình của 10 viên thu được trong phép thử Độ đồng đều hàm lượng.
Bảo quản
Nơi khô mát, tránh ánh sáng.
Loại thuốc
Vitamin.
Hàm lượng thường dùng
1,25 mg.
VIÊN NÉN ETHINYLESTRADIOL
Tabellae Ethinylestradioli
Là viên nén hoặc viên bao chứa ethinylestradiol.
Chế phẩm phải đáp ứng các yêu cầu chung trong chuyên luận “Thuốc viên nén” (Phụ lục 1.20) và các yêu cầu sau đây:
Hàm lượng ethinylestradiol, C20H24O2, từ 90,0 % đến 110,0 % so với lượng ghi trên nhãn.
Tính chất
Viên nén màu trắng.
Định tính
- Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).
Bản mỏng: Silica gel G.
Dung môi khai triển: Toluen – ethanol 96 % (90 : 10).
Dung dịch thử: Lắc một lượng bột viên (đã loại bỏ lớp bao nếu cần) tương ứng với 0,25 mg ethinylestradiol 4 lần, mỗi lần với 20 ml aceton (TT). Lọc từng dịch chiết, tập trung dịch lọc và bốc hơi trên cách thủy đến khô dưới luồng khí nitơ. Hòa tan cắn trong 0,25 ml aceton (TT).
Dung dịch đối chiếu: Dung dịch ethinylestradiol chuẩn 0,1 % trong aceton (TT).
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt 20 ml dung dịch thử và dung dịch đối chiếu. Triển khai trong bình bão hòa dung môi đến khi dung môi đi được khoảng 15 cm. Để bản mỏng khô trong không khí.
Phun dung dịch acid sulfuric trong ethanol (TT) và sấy ở 110 °C trong 10 min. Quan sát dưới ánh sáng tử ngoại ở bước sóng 365 nm và dưới ánh sáng ban ngày. Với cả hai cách quan sát, vết chính thu được trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải tương đương về vị trí, màu sắc và kích thước với vết chính trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.
- Nghiền một lượng bột viên tương đương với 0,1 mg ethinylestradiol với 0,5 ml dung dịch natri hydroxyd 0,1 M (TT) và 5 ml nước. Để yên 5 min, lọc, acid hóa dịch lọc với 0,15 ml acid sulfuric (TT), thêm 3 ml ether (TT), lắc và để yên cho tách lớp. Bốc hơi lớp ether đến khô và tiếp tục đun nóng cắn trên cách thủy trong 5 min với 0,2 ml acid acetic băng (TT) và 2 ml acid phosphoric (TT). Dung dịch có màu hồng với huỳnh quang màu cam đậm.
- C. Trong mục Độ đồng đều hàm lượng, pic chính thu được trên sắc ký đồ của dung dịch thử có thời gian lưu tương tự với thời gian lưu của pic chính thu được trên sắc ký đồ của dung dịch chuẩn.
Độ đồng đều hàm lượng (Phụ lục 11.2)
Phương pháp sắc ký lỏng (Phụ lục 5.3).
Pha động: Nước – acetonitril (40 : 60).
Dung dịch thử:
Đối với viên nén có hàm lượng lớn hơn 50 mg: Chuyển 1 viên nén vào bình nón thích hợp có nút mài. Thêm 10,0 ml pha động, để yên cho rã hoàn toàn, siêu âm 10 min. Ly tâm và dùng lớp dịch trong ở trên.
Đối với viên nén có hàm lượng bằng hoặc nhỏ hơn 50 mg: Chuyển 1 viên nén vào bình nón thích hợp có nút mài. Thêm 5,0 ml pha động, để yên cho rã hoàn toàn, siêu âm 10 min. Ly tâm và dùng lớp dịch trong ở trên.
Dung dịch chuẩn: Hòa tan ethinylestradiol chuẩn trong pha động để thu được dung dịch có nồng độ tương đương với dung dịch thử.
Điều kiện sắc ký:
Cột thép không gỉ (20 cm x 4,6 mm) được nhồi pha tĩnh C (5 mm).
Detector quang phổ đặt ở bước sóng 280 nm.
Tốc độ dòng: 1,5 ml/min.
Thể tích tiêm: 100 ml hoặc 200 ml.
Cách tiến hành: Tiêm lần lượt các dung dịch chuẩn và dung dịch thử. Ghi lại sắc ký đồ.
Từ diện tích pic thu được trên sắc ký đồ của dung dịch thử, dung dịch chuẩn và hàm lượng C20H24O2 trong ethinylestradiol chuẩn, tính hàm lượng ethinylestradiol, C20H24O2, trong mỗi viên.
Định lượng
Hàm lượng ethinylestradiol được tính bằng cách lấy trung bình 10 kết quả thu được ở mục Độ đồng đều hàm lượng.
Bảo quản
Để nơi khô mát, tránh ánh sáng.
Loại thuốc
Hormon estrogen.
Hàm lượng thường dùng
10 mg; 50 mg; 1 mg.
VIÊN NÉN GLIBENCLAMID
Tabellae Glibenclamidi
Là viên nén chứa glibenclamid.
Chế phẩm phải đáp ứng các yêu cầu trong chuyên luận “Thuốc viên nén” (Phụ lục 1.20) và các yêu cầu sau đây:
Hàm lượng glibenclamid, C23H28ClN3O5S, từ 95,0 % đến 105,0 % so với lượng ghi trên nhãn.
Tính chất
Viên nén màu trắng.
Định tính
- Trong phần Định lượng, thời gian lưu của pic chính trên sắc ký đồ thu được từ dung dịch thử phải tương ứng với thời gian lưu của pic chính trên sắc ký đồ thu được từ dung dịch chuẩn.
- Trong phép thử Tạp chất liên quan, vết chính trên sắc ký đồ thu được của dung dịch thử phải có vị trí, kích thước tương đương với vết chính trên sắc ký đồ thu được của dung dịch đối chiếu (2).
Tạp chất liên quan
Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).
Bản mỏng: Silica gel GF254.
Dung môi khai triển: Cloroform – cyclohexan – ethanol (96 %) – acid acetic băng (45 : 45 : 5 : 5).
Dung dịch thử: Cân một lượng bột viên đã nghiền mịn tương ứng với 20 mg glibenclamid, chiết 4 lần, mỗi lần với 5 ml hỗn hợp dicloromethan – aceton (2 : 1). Tập trung dịch chiết, bốc hơi đến khô ở nhiệt độ không quá 40 °C, áp suất 2 kPa. Hòa tan cắn trong 4 ml hỗn hợp đồng thể tích cloroform (TT) và methanol (TT).
Dung dịch đối chiếu (1): Dung dịch glibenclamid chuẩn nồng độ 0,01 % trong hỗn hợp đồng thể tích cloroform (TT) và methanol (TT).
Dung dịch đối chiếu (2): Dung dịch glibenclamid chuẩn nồng độ 0,5 % trong hỗn hợp đồng thể tích cloroform (TT) và methanol (TT).
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 10 ml mỗi dung dịch. Triển khai sắc ký đến khi dung môi đi được 15 cm. Để khô bản mỏng ngoài không khí và quan sát dưới ánh sáng tử ngoại ở bước sóng 254 nm. Trên sắc ký đồ thu được từ dung dịch thử không được có vết phụ nào đậm hơn vết chính trên sắc ký đồ thu được từ dung dịch đối chiếu (1).
Độ hòa tan (Phụ lục 11.4)
Thiết bị: Kiểu cánh khuấy.
Môi trường hòa tan: 900 ml dung dịch chứa 0,8134 % dinatri hydrophosphat khan (TT) và 0,1350 % kali dihydrophosphat (TT).
Tốc độ quay: 100 r/min.
Thời gian: 45 min.
Cách tiến hành:
Phương pháp sắc ký lỏng (Phụ lục 5.3).
Pha động: Dung dịch kali dihydrophosphat 0,1 M (TT) đã được chỉnh pH 3,0 bằng acid phosphoric đậm đặc – acetonitril (40 : 60).
Dung dịch thử: Lấy một phần môi trường đã hòa tan mẫu thử, lọc.
Dung dịch chuẩn: Hòa tan glibenclamid chuẩn trong một lượng tối thiểu methanol (TT) và pha loãng với môi trường hòa tan để được dung dịch có nồng độ tương đương dung dịch thử.
Điều kiện sắc ký:
Cột thép không gỉ (25 cm x 4,6 mm) được nhồi pha tĩnh C (5 mm) (Spherisorb ODS là thích hợp).
Detector quang phổ tử ngoại đặt ở bước sóng 225 nm.
Tốc độ dòng: 1,0 ml/min.
Thể tích tiêm: 20 ml.
Tiêm lần lượt dung dịch thử và dung dịch chuẩn. Tính hàm lượng C23H28CIN3O5S hòa tan dựa vào diện tích pic glibenclamid thu được trên sắc ký đồ của dung dịch chuẩn, dung dịch thử và hàm lượng C23H28CIN3O5S của glibenclamid chuẩn.
Yêu cầu: Không ít hơn 70 % lượng glibenclamid, C23H28CIN3O5S, so với lượng ghi trên nhãn được hòa tan trong 45 min.
Độ đồng đều hàm lượng
Viên nén chứa 5 mg glibenclamid hoặc ít hơn phải đáp ứng yêu cầu phép thử độ đồng đều hàm lượng (Phụ lục 11.2).
Dung dịch thử: Nghiền một viên, thêm hỗn hợp 2,0 ml nước và 20,0 ml methanol (TT), lắc siêu âm cho đến khi phân tán đều. Lọc qua màng lọc 0,2 mm (Anatop LC là thích hợp).
Dung dịch chuẩn: Thêm 2,0 ml nước vào 20,0 ml dung dịch glibenclamid chuẩn 0,025 % trong methanol (TT), trộn và siêu âm cho đến khi phân tán đều, lọc qua màng lọc 0,2 mm (Anatop LC là thích hợp).
Tiến hành phương pháp sắc ký lỏng (Phụ lục 5.3). Điều kiện sắc ký và cách tiến hành như mô tả ở phần định lượng.
Định lượng
Phương pháp sắc ký lỏng (Phụ lục 5.3).
Pha động: Acetonitril – dung dịch kali dihydrophosphat 1,36 % được điều chỉnh đến pH 3,0 bằng acid phosphoric (47 : 53).
Dung dịch thử: Cân 20 viên, tính khối lượng trung bình viên và nghiền thành bột mịn. Cân chính xác một lượng bột thuốc tương ứng 5 mg glibenclamid, thêm hỗn hợp 2,0 ml nước và 20,0 ml methanol (TT), lắc siêu âm cho đến khi có sự phân tán đều. Lọc qua màng lọc 0,2 mm (Anatop LC là thích hợp).
Dung dịch chuẩn: Hòa tan 50 mg glibenclamid chuẩn trong 10 ml methanol (TT) bằng cách lắc siêu âm 20 min, thêm methanol (TT) vừa đủ 50,0 ml, pha loãng 4 lần dung dịch thu được với methanol (TT). Lấy 20,0 ml dung dịch này thêm 2,0 ml nước (TT), trộn đều, lọc qua màng lọc 0,2 mm (Anatop LC là thích hợp).
Điều kiện sắc ký:
Cột thép không gỉ (10 cm x 4,6 mm) được nhồi pha tĩnh C (5 mm) (Spherisorb ODS 1 là thích hợp).
Detector quang phổ tử ngoại đặt ở bước sóng 300 nm.
Tốc độ dòng: 1,5 ml/min.
Thể tích tiêm: 20 ml.
Cách tiến hành:
Tiêm dung dịch thử và dung dịch chuẩn. Tính hàm lượng glibenclamid, C23H28CIN3O5S, dựa vào diện tích pic glibenclamid thu được trên sắc ký đồ của dung dịch chuẩn, dung dịch thử và hàm lượng C23H28CIN3O5S của glibenclamid chuẩn.
Bảo quản
Ở nhiệt độ phòng, nơi khô ráo, tránh ánh sáng.
Loại thuốc
Chống đái tháo đường.
Hàm lượng thường dùng
2,5 mg; 5 mg.
VIÊN NÉN GLYCERYL TRINITRAT
Tabellae Glicerylis trinitratis
Viên nén glyceryl trinitrat là viên ngậm dưới lưỡi được pha chế bằng cách thêm dung dịch glyceryl trinitrat có nồng độ thích hợp vào các hạt manitol đã sấy khô, trộn nhẹ nhàng, sấy khô ở nhiệt độ không quá 50 °C hoặc không sấy trong thời gian không quá 4 h và dập viên.
Chú ý: Glyceryl trinitrat dạng không pha loãng có thể phát nổ do sự va đập hoặc do nhiệt độ cao. Cần có biện pháp đề phòng thích hợp và nên chia từng lượng nhỏ khi vận chuyển.
Chế phẩm phải đáp ứng yêu cầu trong chuyên luận “Thuốc viên nén” (Phụ lục 1.20) và các yêu cầu sau đây:
Hàm lượng glyceryl trinitrat, C3H5N3O9, từ 85,0 % đến 115,0 % so với lượng ghi trên nhãn.
Tính chất
Viên nén màu trắng hoặc viên có màu đồng nhất.
Định tính
- Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4)
Bản mỏng: Silica gel G.
Pha động: Toluen.
Dung dịch thử: Lắc một lượng bột viên chứa 0,5 mg glyceryl trinitrat với 1 ml aceton (TT), ly tâm.
Dung dịch đối chiếu: Pha loãng một lượng dung dịch glyceryl trinitrat chuẩn với nước vừa đủ để thu được dung dịch alyceryl trinitrat 0,05 %.
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 20 ml mỗi dung dịch trên. Sau khi triển khai sắc ký, sấy khô bản mỏng, phun dung dịch diphenylamin 1 % trong acid sulfuric (TT) và chiếu đèn tử ngoại ở bước sóng 365 nm trong 15 min. Quan sát bản mỏng dưới ánh sáng ban ngày. Vết thu được trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải tương ứng với vết của dung dịch đối chiếu.
- Chiết một lượng bột viên tương ứng 3 mg glyceryl trinitrat với 5 ml ether (TT), lọc. Bốc hơi ether, hòa tan cắn trong 0,2 ml acid sulfuric (TT) có chứa một lượng rất nhỏ diphenylamin (TT), xuất hiện màu xanh lam đậm.
Tạp chất liên quan
Phương pháp sắc ký lỏng (Phụ lục 5.3).
Pha động: Acetonitril – nước (40 : 60), điều chỉnh tỷ lệ nếu cần.
Dung dịch thử: Lấy một lượng bột viên chứa 2,5 mg glyceryl trinitrat, hòa trong 10 ml acetonitril (TT), siêu âm để hòa tan, lọc qua màng lọc 4 mm, pha loãng 1 thể tích dịch lọc với 1 thể tích nước.
Dung dịch đối chiếu: Pha loãng 1,0 ml dung dịch thử thành 100,0 ml với pha động.
Dung dịch phân giải: Pha dung dịch glyceryl trinitrat chuẩn với dung dịch acid hydrocloric 1 M (TT) để được dung dịch chứa 0,05 % glyceryl trinitrat. Làm nóng dung dịch trong lọ phản ứng ở 100 oC trong 30 min.
Điều kiện sắc ký:
Cột thép không gỉ (250 x 4,6 mm) được nhồi pha tĩnh C (5 mm) (Cột Nucleosil ODS là thích hợp)
Tốc độ dòng: 1 ml/min.
Detector quang phổ tử ngoại đặt ở bước sóng 210 nm.
Thể tích tiêm: 50 ml.
Cách tiến hành:
Tiêm lần lượt các dung dịch trên, triển khai sắc ký trong khoảng thời gian gấp 3 lần thời gian lưu của pic chính. Phép thử chỉ có giá trị khi sắc ký đồ thu được từ dung dịch phân giải có pic chính của glyceryl trinitrat và pic của tạp chất dinitrat, hai pic này phải tách rõ ràng, thời gian lưu tương đối của pic tạp chất dinitrat so với pic của glyceryl trinitrat khoảng 0,5.
Trên sắc ký đồ của dung dịch thử, diện tích của bất cứ pic phụ nào không được lớn hơn diện tích của pic chính trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu (1 %) và tổng diện tích của các pic phụ không lớn hơn 3 lần diện tích của pic chính trên sắc ký đồ dung dịch đối chiếu (3 %). Bỏ qua các pic có diện tích nhỏ hơn 0,1 lần diện tích của pic chính trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu (0,1 %).
Độ đồng đều hàm lượng (Phụ lục 11.2)
Tiến hành bằng phương pháp sắc ký lỏng (Phụ lục 5.3) với điều kiện sắc ký như mục Tạp chất liên quan.
Dung dịch thử: Thêm 2 ml acetonitril (TT) vào một viên, siêu âm trong 5 min để hòa tan, lọc qua màng lọc 4 mm, pha loãng 1 thể tích dịch lọc với 1 thể tích nước.
Dung dịch chuẩn: Pha loãng dung dịch glyceryl trinitrat chuẩn với pha động để được dung dịch glyceryl trinitrat có nồng độ tương đương với nồng độ dung dịch thử.
Dung dịch phân giải: Pha loãng dung dịch glyceryl trinitrat chuẩn với dung dịch acid hydrocloric 1 M (TT) để được dung dịch chứa 0,05 % glyceryl trinitrat. Làm nóng dung dịch trong lọ phản ứng ở 100 oC trong 30 min.
Cách tiến hành:
Tiêm lần lượt các dung dịch trên.
Phép thử chỉ có giá trị khi sắc ký đồ thu được từ dung dịch phân giải có pic chính của glyceryl trinitrat và pic của tạp chất dinitrat, hai pic này phải tách rõ ràng, thời gian lưu tương đối của pic tạp chất dinitrat so với pic của glyceryl trinitrat khoảng 0,5.
Tính hàm lượng glyceryl trinitrat, C3H5N3O9, trong mỗi viên dựa vào điện tích pic glyceryl trinitrat trên sắc ký đồ thu được từ dung dịch chuẩn, dung dịch thử và hàm lượng C3H5N3O9 của dung dịch glyceryl trinitrat chuẩn.
Định lượng
Lấy kết quả trung bình của hàm lượng 10 viên thu được ở mục Độ đồng đều hàm lượng.
Bảo quản
Viên nén glyceryl trinitrat nên bảo quản trong lọ thủy tinh nắp vặn bằng nhôm hoặc bằng thiếc, tránh ánh sáng. Tránh đóng gói thêm các chất có thể hấp thụ glyceryl trinitrat. Đơn vị đóng gói cho bệnh nhân không nên quá 100 viên.
Loại thuốc
Thuốc tim mạch. Dự phòng cơn đau thắt ngực.
VIÊN NÉN HYOSCIN BUTYLBROMID
Tabellae Hyoscini butylbromidi
Là viên nén chứa hyoscin butylbromid.
Chế phẩm phải đáp ứng các yêu cầu trong chuyên luận “Thuốc viên nén” (Phụ lục 1.20) và các yêu cầu sau đây:
Hàm lượng hyoscin butylbromid, C21H30BrNO4, từ 92,5 % đến 107,5 % so với lượng ghi trên nhãn.
Tính chất
Viên nén màu trắng.
Định tính
- Lắc một lượng bột viên tương ứng với khoảng 50 mg hyoscin butylbromid với 20 ml cloroform (TT) lọc, bay hơi dịch lọc đến khô và phân tán cắn thu được trong 5 ml acetonitril (TT). Bay hơi đến khô và làm khô cắn ở 50 °C, áp suất không quá 0,7 kPa trong 1 h. Phổ hồng ngoại (Phụ lục 4.2) của cắn thu được phải phù hợp với phổ hồng ngoại đối chiếu của hyoscin butylbromid.
- Lấy 1 mg cắn thu được trong phản ứng A, thêm 0,2 ml acid nitric bốc khói (TT) và bay hơi đến khô trên cách thủy. Hòa tan cắn trong 2 ml aceton (TT) và thêm 0,1 ml dung dịch kali hydroxyd 3 % trong methanol sẽ xuất hiện màu tím.
- C. Lắc một lượng bột viên tương ứng với khoảng 50 mg hyoscin butylbromid với 20 ml cloroform (TT), lọc, bay hơi dịch lọc đến khô. Lắc cắn với 50 ml nước và lọc. Phổ hấp thụ ánh sáng (Phụ lục 4.1) của dung dịch thu được trong khoảng từ 230 đến 350 nm có cực đại hấp thụ ở 252 nm, 257 nm và 264 nm, và một vai ở 247 nm.
Hyoscin
Không được quá 0,1 %.
Phương pháp sắc ký lỏng (Phụ lục 5.3).
Pha động: Hòa tan 2,0 g natri lauryl sulfat (TT) trong hỗn hợp gồm 370 ml acid hydrocloric 0,001 M (TT) và 680 ml methanol (TT).
Dung dịch thử: Lắc một lượng bột viên tương ứng với khoảng 0,1 g hyoscin butylbromid với 10 ml dung dịch acid hydrocloric 0,001 M (TT), siêu âm 15 min, ly tâm và lọc.
Dung dịch đối chiếu: Dung dịch hyoscin hydrobromid chuẩn 0,001 % trong dung dịch acid hydrocloric 0,001 M (TT).
Dung dịch phân giải: Pha loãng 10 ml dung dịch thử thành 10 ml với dung dịch đối chiếu.
Điều kiện sắc ký:
Cột thép không gỉ (25 cm x 4,6 mm) được nhồi pha tĩnh B (10 mm) (cột Lichrosorb C8, 10 mm là thích hợp).
Detector quang phổ tử ngoại đặt ở bước sóng 210 nm.
Tốc độ dòng: 2,0 m/min.
Thể tích tiêm: 20 ml.
Cách tiến hành:
Tiêm dung dịch phân giải. Phép thử chỉ có giá trị khi độ phân giải giữa hai pic hyoscin và butylhyoscin ít nhất là 5.
Tiêm dung dịch thử và dung dịch đối chiếu. Trên sắc ký đồ thu được từ dung dịch thử, diện tích của pic tương ứng với hyoscin không được lớn hơn diện tích pic chính trên sắc ký đồ thu được từ dung dịch đối chiếu (0,1 %).
Tạp chất liên quan
Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).
Bản mỏng: Silica gel F254 hiệu năng cao (Bản mỏng Merck silica gel 60 F254 HPTLC là phù hợp).
Dung môi khai triển: Acid formic khan – nước – ethanol – dicloromethan (0,5 : 1,5 : 9 : 9).
Dung dịch thử: Lắc một lượng bột viên tương ứng với khoảng 20 mg hyoscin butylbromid với 5 ml dung dịch acid hydrocloric 0,01 M (TT), ly tâm lấy dịch trong.
Dung dịch đối chiếu (1): Pha loãng 3 thể tích dung dịch thử thành 100 thể tích bằng dung dịch acid hydrocloric 0,01 M (TT).
Dung dịch đối chiếu (2): Pha loãng 1 thể tích dung dịch thử thành 50 thể tích bằng dung dịch acid hydrocloric 0,01 M (TT).
Dung dịch đối chiếu (3): Pha loãng 1 thể tích dung dịch thử thành 400 thể tích bằng dung dịch acid hydrocloric 0,01 M (TT).
Cách tiến hành:
Chấm riêng biệt lên bản mỏng 2 ml của mỗi dung dịch trên. Sau khi triển khai sắc ký, lấy bản mỏng ra và làm khô ở 60 °C trong 15 min. Sau đó phun lên bản mỏng dung dịch kali iodobismuthat (TT) mới pha, để khô ngoài không khí và phun dung dịch natri nitrit 5 % (TT) và quan sát ngay.
Vết chính trên sắc ký đồ thu được từ dung dịch thử có giá trị Rf khoảng 0,45. Trên sắc ký đồ thu được từ dung dịch thử, bất cứ vết phụ nào có giá trị Rf nhỏ hơn giá trị Rf của vết chính thì không được đậm hơn vết trên sắc ký đồ thu được từ dung dịch đối chiếu (1) (3 %) và không được quá hai vết như vậy đậm hơn vết trên sắc ký đồ thu được từ dung dịch đối chiếu (3) (0,25 %), bất cứ vết phụ nào có giá trị Rf lớn hơn giá trị Rf của vết chính thì không được đậm hơn vết trên sắc ký đồ thu được từ dung dịch đối chiếu (2) (2 %) và không được có quá một vết như vậy đậm hơn vết trên sắc ký đồ thu được từ dung dịch đối chiếu (3) (0,25 %).
Định lượng
Phương pháp sắc ký lỏng (Phụ lục 5.3).
Pha động, điều kiện sắc ký: Như mô tả trong mục Hyoscin.
Dung dịch thử: Cân 20 viên, nghiền thành bột mịn. Cân một lượng bột viên tương ứng với 40 mg hyoscin butylbromid, thêm 60 ml dung dịch acid hydrocloric 0,001 M (TT), lắc kỹ, siêu âm 15 min, để nguội, pha loãng với dung dịch acid hydrocloric 0,001 M (TT) vừa đủ 100,0 ml, lắc đều. Ly tâm lấy dịch trong, lọc.
Dung dịch chuẩn: Dung dịch hyoscin butylbromid chuẩn 0,04 % trong dung dịch acid hydrocloric 0,001 M (TT).
Cách tiến hành:
Tiến hành sắc ký lần lượt với dung dịch chuẩn và dung dịch thử.
Tính hàm lượng hyoscin butylbromid, C21H30BrNO4, có trong viên dựa vào diện tích pic thu được trên sắc ký đồ của dung dịch thử, dung dịch chuẩn và hàm lượng C21H30BrNO4 của hyoscin butylbromid chuẩn.
Bảo quản
Ở nhiệt độ dưới 25 °C, nơi khô ráo, tránh ánh sáng.
Loại thuốc
Chống co thắt.
Hàm lượng thường dùng
10 mg.
VIÊN NÉN IMIPRAMIN
Tabellae imipramini
Là viên nén chứa imipramin hydroclorid. Viên có thể được bao đường hay bao phim.
Chế phẩm phải đáp ứng các yêu cầu trong chuyên luận “Thuốc viên nén” (Phụ lục 1.20) và các yêu cầu sau đây:
Hàm lượng imipramin hydroclorid, C19H24N2.HCl, từ 92,5 % đến 107,5 % so với lượng ghi trên nhãn.
Tính chất
Viên nén màu trắng hoặc viên bao có màu. Viên bao phải nhẵn bóng, không nứt cạnh, không dính tay, đồng đều về màu sắc.
Định tính
Chiết một lượng bột viên có chứa khoảng 100 mg imipramin hydroclorid với 10 ml cloroform (TT). Lọc dịch cloroform vào một ống nghiệm miệng rộng, làm bay hơi dịch lọc đến còn khoảng 3 ml. Thêm từ từ và cẩn thận ether (TT) cho đến khi dung dịch trở nên đục, đun cách thủy cho dung dịch trong trở lại, làm lạnh, để yên cho kết tủa hoàn toàn. Nếu cần có thể kết tinh lại tủa thu được trong aceton (TT). Rửa tủa với ether (TT), sấy chân không ở 105 °C. Tủa thu được phải đáp ứng các phép thử sau:
- Điểm chảy: 170 °C – 174 °C (Phụ lục 6.7).
- Hòa tan 5 mg trong 2 ml acid nitric (TT), xuất hiện màu xanh lam đậm.
- C. Cho phản ứng của clorid (Phụ lục 8.1).
Tạp chất liên quan
Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).
Bản mỏng: Silica gel G.
Dung môi khai triển: Ethyl acetat – acid acetic băng – acid hydrocloric – nước (55 : 35 : 5 : 5).
Dung dịch thử: Cân chính xác một lượng bột viên tương đương với 0,2 g imipramin, chiết bằng cloroform (TT) 3 lần, mỗi lần 10 ml. Lọc và tập hợp các dịch chiết rồi bốc hơi đến khô. Hòa cắn thu được trong 10 ml ethanol (TT).
Dung dịch đối chiếu: Pha loãng 1,0 ml dung dịch thử thành 100,0 ml với ethanol (TT).
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 10 ml mỗi dung dịch trên. Triển khai sắc ký đến khi dung môi đi được 15 cm. Lấy bản mỏng ra và để khô ngoài không khí. Phun bản mỏng bằng dung dịch kali dicromat 0,5 % trong hỗn hợp nước – acid sulfuric đặc (4 : 1). Quan sát ngay bản mỏng, trên sắc ký đồ của dung dịch thử, bất kỳ vết phụ nào ngoài vết chính không được có màu đậm hơn màu của vết thu được trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.
Độ hòa tan (Phụ lục 11.4)
Thiết bị: Kiểu giỏ quay.
Môi trường hòa tan: 900 ml dung dịch acid hydrocloric 0,1 M (TT).
Tốc độ quay: 100 r/min.
Thời gian: 45 min.
Cách tiến hành: Lấy một phần môi trường sau khi hòa tan, lọc, loại bỏ dịch lọc đầu. Đo độ hấp thụ của dung dịch thu được ở bước sóng 250 nm (Phụ lục 4.1) trong cốc đo dày 1 cm, dùng dung dịch acid hydrocloric 0,1 M (TT) làm mẫu trắng. Tính lượng imipramin hydroclorid, C19H24N2.HCl, đã hòa tan trong mỗi viên dựa vào độ hấp thụ đo được, lấy 264 là giá trị A (1 %,1 cm) của imipramin hydroclorid ở bước sóng cực đại 250 nm.
Yêu cầu: Không được ít hơn 75 % lượng imipramin hydroclorid, C19H24N2.HCl, so với lượng ghi trên nhãn được hòa tan trong 45 min.
Định lượng
Cân 20 viên đã loại bỏ vỏ bao nếu cần và nghiền thành bột mịn. Cân chính xác một lượng bột viên tương ứng với 10 viên vào bình định mức 500 ml, thêm khoảng 300 ml dung dịch acid hydrocloric 0,1 M (TT), lắc nhẹ nhàng trên máy lắc trong 30 min, thêm dung dịch acid hydrocloric 0,1 M (TT) vừa đủ đến vạch, trộn đều. Lọc qua bông thủy tinh. Pha loãng dung dịch này với dung dịch acid hydrocloric 0,1 M (TT) để có dung dịch thử cuối cùng có nồng độ 0,0025 % imipramin hydroclorid. Đo độ hấp thụ của dung dịch thu được ở bước sóng cực đại 250 nm (Phụ lục 4.1), cốc đo dày 1 cm, dùng dung dịch acid hydrocloric 0,1 M (TT) làm mẫu trắng. Tính hàm lượng imipramin hydroclorid, C19H24N2.HCl, có trong chế phẩm dựa vào độ hấp thụ đo được, lấy 264 là giá trị A (1 %,1 cm) của imipramin hydroclorid ở bước sóng cực đại 250 nm.
Bảo quản
Nơi khô mát, tránh ánh sáng.
Loại thuốc
Thuốc chống trầm cảm.
Hàm lượng thường dùng
10 mg, 25 mg, 50 mg.
VIÊN NÉN LEVODOPA
Tabellae Levodopi
Là viên nén chứa levodopa.
Chế phẩm phải đáp ứng các yêu cầu trong chuyên luận “Thuốc viên nén” (Phụ lục 1.20) và các yêu cầu sau đây:
Hàm lượng levodopa, C9H11NO4, từ 95,0 % đến 105,0 % so với lượng ghi trên nhãn.
Tính chất
Viên nén màu trắng.
Định tính
- Cân một lượng bột viên tương ứng với 500 mg levodopa, thêm 25 ml dung dịch acid hydrocloric 1 M (TT). Lắc kỹ, lọc. Điều chỉnh đến pH 3 bằng cách thêm từng giọt dung dịch amoniac 5 M (TT) kết hợp với khuấy, sau đó để lắng trong vài giờ, tránh ánh sáng. Lọc, rửa tủa với nước và sấy khô ở 105 °C. Phổ hồng ngoại (Phụ lục 4.2) của cắn thu được phải phù hợp với phổ hồng ngoại đối chiếu của levodopa.
- Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4)
Bản mỏng: Silica gel G.
Dung môi khai triển: n-Butanol – acid acetic băng – nước (50 : 25 : 25)
Dung dịch thử: Lắc một lượng bột viên tương ứng với 0,1 g levodopa với 10 ml dung dịch acid hydrcloric 1 M (TT), lọc.
Dung dịch đối chiếu: Dung dịch levodopa chuẩn 1 % trong dung dịch acid hydrcloric 1 M (TT).
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 5 ml mỗi dung dịch trên. Triển khai sắc ký đến khi dung môi đi được 15 cm. Lấy bản sắc ký ra và làm khô bằng không khí nóng, sau đó phun hỗn hợp đồng thể tích dung dịch sắt (III) clorid 10,5 % (TT) và dung dịch kali fericyanid 5 % (TT), quan sát sắc ký đồ dưới ánh sáng ban ngày.
Vết chính thu được trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải phù hợp với vết chính trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu về vị trí, màu sắc và kích thước.
- C. Cân một lượng bột viên tương ứng với 20 mg levodopa, thêm 5 ml dung dịch acid hydrocloric 0,1 M (TT), lắc kỹ để hòa tan. Thêm 0,1 ml dung dịch sắt (III) clorid 5 % (TT), dung dịch xuất hiện màu xanh lục. Chia đôi dung dịch vào 2 ống nghiệm, một ống nghiệm thêm một lượng thừa dung dịch amoniac 5 M (TT), xuất hiện màu tím; một ống nghiệm thêm một lượng thừa dung dịch natri hydroxyd 5 M (TT), xuất hiện màu đỏ.
Góc quay cực riêng
Từ -38,5° đến -41,5° (Phụ lục 6.4).
Xác định theo cách sau: Lắc một lượng bột viên chứa 1,25 g levodopa với 25 ml dung dịch acid hydrocloric 0,5 M (TT) trong 30 min, ly tâm và lọc, bỏ 5 ml dịch lọc đầu. Lấy chính xác 10 ml dịch lọc cho vào bình định mức 50 ml, thêm 10 ml dung dịch nhôm sulfat 21,5 % và 20 ml dung dịch natri acetat 21,8 %, thêm nước vừa đủ, lắc đều, đo năng suất quay cực.
Lấy chính xác 5 ml dịch lọc trên cho vào bình định mức 200 ml, thêm dung dịch acid hydrocloric 0,1 M (TT) vừa đủ đến vạch, lắc đều. Pha loãng 10 ml dung dịch này thành 200 ml với dung dịch acid hydrocloric 0,1 M (TT). Đo độ hấp thụ ánh sáng của dung dịch thử ở bước sóng 280 nm (Phụ lục 4.1), cốc đo dày 1 cm, dùng dung dịch acid hydrocloric 0,1 M (TT) làm mẫu trắng. Tính nồng độ của levodopa, C9H11NO4, trong dịch lọc, lấy 142 là giá trị A (1 %, 1 cm) của levodopa ở bước sóng 280 nm, từ đó tính góc quay cực riêng.
Tạp chất liên quan
Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4)
Bản mỏng: Silica gel G.
Dung môi khai triển: n-Butanol – acid acetic băng – nước (50 : 25 : 25).
Dung dịch thử: Lắc một lượng bột viên tương ứng với 0,1 g levodopa với 10 ml hỗn hợp đồng thể tích acid formic khan (TT) và methanol (TT), lọc, sử dụng ngay.
Dung dịch đối chiếu (1): Pha loãng 1 thể tích dung dịch thử thành 200 thể tích bằng methanol (TT).
Dung dịch đối chiếu (2): Là hỗn hợp đồng thể tích của dung dịch thử và của một dung dịch được chuẩn bị như sau: hòa tan 30 mg L-tyrosin trong 1 ml acid tormic (TT) sau đó thêm methanol (TT) vừa đủ 100 ml.
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 10 ml dung dịch thử và dung dịch đối chiếu (1), 20 ml dung dịch đối chiếu (2). Triển khai sắc ký đến khi dung môi đi được 15 cm. Lấy bản sắc ký ra và làm khô bằng không khí nóng, sau đó phun hỗn hợp đồng thể tích của dung dịch sắt (III) clorid 10,5 % (TT) và dung dịch kali fericyanid 5 % (TT), quan sát ngay lập tức sắc ký đồ dưới ánh sáng ban ngày.
Trên sắc ký đồ của dung dịch thử, bất kỳ vết phụ nào ngoài vết chính không được có màu đậm hơn màu của vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu (1).
Phép thử chỉ có giá trị khi trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu (2) có một vết tách rõ rệt có giá trị Rf lớn hơn giá trị Rf của vết chính và có màu đậm hơn màu của vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu (1).
Độ hòa tan (Phụ lục 11.4)
Thiết bị: Kiểu giỏ quay.
Môi trường hòa tan: 900 ml dung dịch acid hydrocloric 0,1 M (TT).
Tốc độ quay: 100 r/min.
Thời gian: 45 min.
Cách tiến hành: Lấy một phần dung dịch môi trường sau khi hòa tan, lọc, bỏ 20 ml dịch lọc đầu.
Đối với viên chứa hàm lượng levodopa nhỏ hơn hoặc bằng 250 mg, hút chính xác 2 ml dịch lọc vào bình định mức 10 ml, thêm dung dịch acid hydrocloric 0,1 M (TT) vừa đủ đến vạch, lắc đều. Đối với viên chứa hàm lượng levodopa lớn hơn 250 mg, hút chính xác 1 ml dịch lọc vào bình định mức 10 ml, thêm dung dịch acid hydrocloric 0,1 M (TT) vừa đủ đến vạch, lắc đều.
Đo độ hấp thụ ánh sáng của dung dịch thử ở bước sóng 280 nm (Phụ lục 4.1), cốc đo dày 1 cm, dùng dung dịch acid hydrocloric 0,1 M (TT) làm mẫu trắng. Tính lượng levodopa, C9H11NO4, đã hòa tan trong mỗi viên từ độ hấp thụ đo được của dung dịch thử, lấy 142 là giá trị A (1 %, 1 cm) của levodopa ở bước sóng 280 nm.
Yêu cầu: Không được ít hơn 70 % lượng levodopa, C9H11NO4, so với lượng ghi trên nhãn được hòa tan trong 45 min.
Định lượng
Cân 20 viên và nghiền thành bột mịn. Cân chính xác một lượng bột viên tương ứng với khoảng 30 mg levodopa cho vào bình định mức 100 ml, thêm khoảng 70 ml dung dịch acid hydrocloric 0,1 M (TT) lắc kỹ để hòa tan, thêm dung dịch acid hydrocloric 0,1 M (TT) vừa đủ đến vạch. Lắc đều, lọc, loại bỏ 20 ml dịch lọc đầu. Hút chính xác 10 ml dịch lọc vào bình định mức 100 ml, thêm dung dịch acid hydrocloric 0,1 M (TT) vừa đủ đến vạch, lắc đều.
Đo độ hấp thụ ánh sáng của dung dịch thử ở bước sóng 280 nm (Phụ lục 4.1), cốc đo dày 1 cm, dùng dung dịch acid hydrocloric 0,1 M (TT) làm mẫu trắng. Tiến hành song song với chuẩn trong cùng điều kiện hoặc tính hàm lượng levodopa, C9H11NO4, theo A (1 %, 1 cm), lấy 142 là giá trị A (1 %, 1 cm) của levodopa ở bước sóng 280 nm.
Bảo quản
Đựng trong lọ kín, để nơi khô mát, tránh ánh sáng.
Loại thuốc
Thuốc trị bệnh Parkinson.
Hàm lượng thường dùng
50 mg, 125 mg, 250 mg, 500 mg.
VIÊN NÉN NITROFURANTOIN
Tabellae Nitrofurantoini
Là viên nén chứa nitrofurantoin.
Chế phẩm phải đáp ứng các yêu cầu trong chuyên luận “Thuốc viên nén” (Phụ lục 1.20) và các yêu cầu sau đây:
Hàm lượng nitrofurantoin, C8H6N4O5, từ 90,0 % đến 110,0 % so với lượng ghi trên nhãn.
Tính chất
Viên nén màu vàng.
Định tính
Phổ tử ngoại (Phụ lục 4.1) trong khoảng bước sóng từ 220 nm đến 400 nm của dung dịch chế phẩm ở mục định lượng cho hai cực đại hấp thụ ở bước sóng 266 nm và 367 nm.
Tạp chất liên quan
Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).
Bản mỏng: Silica gel HF254
Dung môi khai triển: Methanol – nitromethan (10 : 90)
Dung dịch thử: Lắc một lượng bột viên có chứa 0,1 g nitrofurantoin với 10 ml hỗn hợp dimethylformamid – aceton (1 : 9), lọc.
Dung dịch đối chiếu: Pha loãng 1 ml dung dịch thử thành 100 ml với aceton (TT).
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 10 ml mỗi dung dịch trên. Sau khi lấy bản mỏng ra, để khô ngoài không khí, sấy ở 100 °C đến 105 °C trong 5 min và quan sát dưới ánh sáng tử ngoại 254 nm. Phun dung dịch phenylhydrazin hydroclorid (TT) rồi sấy ở 100 °C đến 105 °C trong 10 min. Khi quan sát dưới ánh sáng tử ngoại và quan sát trực tiếp sau khi phun thuốc thử, bất cứ vết nào ngoài vết chính có trên sắc ký đồ thu được của dung dịch thử phải không được đậm màu hơn vết thu được trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu (1,0 %).
Độ hòa tan (Phụ lục 11.4)
Thiết bị: Kiểu giỏ quay.
Môi trường hòa tan: 900 ml đệm phosphat chuẩn pH 7,2 (TT).
Tốc độ quay: 100 r/min.
Thời gian: 60 min, 120 min.
Cách tiến hành:
Dung dịch thử: Lấy một phần dung dịch môi trường sau thời gian hòa tan quy định, lọc, bỏ 20 ml dịch lọc đầu. Pha loãng dịch lọc bằng môi trường hòa tan đến nồng độ tương ứng với dung dịch chuẩn.
Dung dịch chuẩn: Cân chính xác khoảng 50 mg nitrofurantoin chuẩn, thêm 25 ml dimethylformamid (TT), lắc kỹ để hòa tan, pha loãng với môi trường hòa tan thành 500 ml, trộn đều rồi tiếp tục pha loãng một thể tích thích hợp của dung dịch này bằng môi trường hòa tan để thu được dung dịch có nồng độ khoảng 10 mg/ml.
Đo độ hấp thụ ánh sáng của dung dịch thử và dung dịch chuẩn ở bước sóng 375 nm (Phụ lục 4.1), dùng môi trường hòa tan làm mẫu trắng. Tính lượng nitrofurantoin, C8H6N4O5, đã hòa tan trong mỗi viên ở các thời điểm 60 min và 120 min từ độ hấp thụ đo được của dung dịch thử, dung dịch chuẩn và hàm lượng C8H6N4O5 của nitrofurantoin chuẩn.
Yêu cầu: Không được ít hơn 25 % lượng nitrofurantoin, C8H6N4O5, so với lượng ghi trên nhãn được hòa tan trong 60 min và không được ít hơn 85 % lượng nitrofurantoin, C8H6N4O5, so với lượng ghi trên nhãn được hòa tan trong 120 min.
Định Iượng
Thực hiện trong điều kiện tránh ánh sáng.
Cân 20 viên, tính khối lượng trung bình của viên, nghiền mịn. Cân một lượng bột viên tương ứng với khoảng 0,12 g nitrofurantoin, thêm 50 ml dimethylformamid (TT), lắc 5 min, pha loãng với nước thành 1000 ml, lắc đều. Pha loãng 5,0 ml dung dịch này với dung dịch có chứa 1,8 % natri acetat (TT) và 0,14 % (theo thể tích) acid acetic băng (TT) thành 100,0 ml, lọc. Đo độ hấp thụ ánh sáng của dịch lọc thu được ở bước sóng 367 nm (Phụ lục 4.1) trong cốc dày 1 cm, mẫu trắng là dung dịch natri acetat-acid acetic. Tính hàm lượng nitrofurantoin theo A (1 %, 1 cm), lấy 765 là giá trị A (1 %, 1 cm) của nitrofurantoin ở bước sóng cực đại 367 nm.
Bảo quản
Đựng trong lọ nút kín, tránh ánh sáng, để nơi khô mát.
Loại thuốc
Thuốc kháng sinh.
Hàm lượng thường dùng
50 mg, 100 mg.
VIÊN NÉN PIPERAZIN PHOSPHAT
Tabellae Piperazini phosphatis
Là viên nén hoặc viên nén nhai chứa piperazin phosphat.
Chế phẩm phải đáp ứng các yêu cầu trong chuyên luận “Thuốc viên nén” (Phụ lục 1.20) và các yêu cầu sau đây:
Hàm lượng piperazin phosphat, C4H10N2.H3PO4.H2O từ 92,5 % đến 107,5 % so với lượng ghi trên nhãn.
Tính chất
Viên có màu đồng nhất.
Định tính
Chiết một lượng bột viên chứa khoảng 1 g piperazin phosphat với 20 ml nước, lọc. Dịch lọc phải đáp ứng các phép thử sau:
- Lấy 4 ml dịch lọc, vừa thêm 1 ml acid hydrocloric (TT) vừa khuấy đều. Tiếp tục thêm 1 ml dung dịch natri nitrit 50 % và làm lạnh trong nước đá 15 min, khuấy nếu cần để tạo tủa kết tinh. Điểm chảy (Phụ lục 6.7) của tủa kết tinh (sau khi đã rửa bằng 10 ml nước lạnh và sấy khô ở 105 °C) khoảng 159 oC.
- Dịch lọc phải có phản ứng đặc trưng của phosphat (Phụ lục 8.1)
Độ rã
Chỉ tiêu độ rã không áp dụng cho viên nén nhai.
Định lượng
Cân 20 viên và nghiền thành bột mịn. Cân chính xác một lượng bột viên có chứa khoảng 0,15 g piperazin phosphat lắc với 10 ml nước trong 1 h, lọc. Rửa cắn hai lần, mỗi lần với 10 ml nước. Gộp dịch chiết và dịch rửa, thêm 5 ml dung dịch acid sulfuric 1 M (TT) và 50 ml dung dịch acid picric (TT), đun sôi, để yên vài giờ, lọc qua phễu thủy tinh xốp có số độ xốp là 4 và rửa cắn nhiều lần, mỗi lần bằng 10 ml dung dịch đồng thể tích của dung dịch bão hòa acid picric (TT) và nước đến khi nước rửa không còn phản ứng của ion sulfat. Rửa cắn 5 lần, mỗi lần với 10 ml ethanol (TT) và sấy cắn đến khối lượng không đổi ở nhiệt độ từ 100 oC đến 105 °C.
1 g cắn tương đương với 0,3714 g C4H10N2.H3PO4.H2O
Bảo quản
Để nơi mát, trong bao bì kín.
Loại thuốc
Trị giun sán.
Hàm lượng thường dùng
300 mg tính theo piperazin.
VIÊN NÉN RAMIPRIL
Tabellae Ramiprili
Là viên nén chứa ramipril.
Chế phẩm phải đáp ứng các yêu cầu trong chuyên luận “Thuốc viên nén” (Phụ lục 1.20) và các yêu cầu sau đây:
Hàm lượng ramipril, C23H32N2O5, từ 90,0 % đến 105,0 % so với lượng ghi trên nhãn.
Tính chất
Viên nén có màu đồng nhất.
Định tính
Lắc một lượng bột viên tương đương với khoảng 25 mg ramipril với 50 ml acetone (TT), ly tâm trong 10 min, lọc lớp dịch trong ở trên qua màng lọc 0,45 mm. Bốc hơi dịch lọc trên cách thủy đến khô, sau đó sấy cắn ở 60 °C trong 3 h. Phổ hấp thụ hồng ngoại (Phụ lục 4.2) của cắn thu được phải phù hợp với phổ đối chiếu của ramipril.
Độ hòa tan (Phụ lục 11.4)
Thiết bị: Kiểu cánh khuấy.
Môi trường hòa tan: 500 ml dung dịch acid hydrocloric 0,1 M (TT).
Tốc độ quay: 75 r/min.
Thời gian: 45 min.
Cách tiến hành:
Phương pháp sắc ký lỏng (Phụ lục 5.3)
Pha động, Điều kiện sắc ký, Cách tiến hành thực hiện như mô tả ở mục Định lượng.
Dung dịch thử: Lấy một phần dung dịch môi trường đã hòa tan mẫu thử, bỏ 5 ml dịch lọc đầu. Pha loãng nếu cần với dung dịch acid hydrocloric 0,1 M (TT) để thu được dung dịch có nồng độ ramipril khoảng 2,5 mg/ml.
Dung dịch chuẩn: Dung dịch ramipril chuẩn 0,00025 % trong dung dịch acid hydrocloric 0,1 M (TT). Tính lượng ramipril hòa tan trong mỗi viên từ diện tích pic thu được trên sắc ký đồ của dung dịch thử, dung dịch chuẩn và hàm lượng C23H32N2O5 trong ramipril chuẩn.
Yêu cầu: Không ít hơn 70 % lượng ramipril, C23H32N2O5, so với lượng ghi trên nhãn được hòa tan trong 45 min.
Độ đồng đều hàm lượng (Phụ lục 11.2).
Phương pháp sắc ký lỏng (Phụ lục 5.3).
Pha động, Điều kiện sắc ký và Cách tiến hành thực hiện như mô tả ở mục Định lượng.
Dung dịch chuẩn: Dung dịch ramipril chuẩn 0,025 % trong dung dịch acid hydrocloric 0,1 M (TT).
Dung dịch thử: Lấy một viên, thêm 5 ml dung dịch acid hydrocloric 0,1 M (TT), lắc siêu âm 10 min và pha loãng bằng dung dịch acid hydrocloric 0,1 M (TT) để thu được dung dịch có nồng độ ramipril 0,025 %. Ly tâm hoặc lọc để được dung dịch trong.
Định lượng
Đối với viên có hàm lượng ramipril bằng hoặc lớn hơn 2 mg
Phương pháp sắc ký lỏng (Phụ lục 5.3).
Pha động: Trộn đều 420 thể tích acetonitril (TT) và 580 thể tích dung dịch chứa 1,4 % natri perclorat (TT) và 0,58 % acid phosphoric (TT) đã được chỉnh đến pH 2,5 bằng triethylamin (TT). Điều chỉnh pH của hỗn hợp đến 2,1 bằng acid phosphoric (TT).
Dung dịch chuẩn: Dung dịch ramipril chuẩn 0,025 % trong dung dịch acid hydrocloric 0,1 M (TT).
Dung dịch thử: Cân 20 viên, tính khối lượng trung bình và nghiền thành bột mịn. Cân chính xác một lượng bột thuốc tương ứng với khoảng 25 mg ramipril vào bình định mức 100 ml, thêm 70 ml dung dịch acid hydrocloric 0,1 M (TT) và lắc siêu âm 10 min, thêm dung dịch acid hydrocloric 0,1 M (TT) vừa đủ đến vạch, lắc đều, lọc.
Điều kiện sắc ký:
Cột thép không gỉ (12,5 cm x 4,6 mm) được nhồi pha tĩnh C (5 mm), Nucleosil 100 – C18 là phù hợp.
Detector quang phổ tử ngoại đặt ở bước sóng 210 nm.
Tốc độ dòng: 1,0 ml/min.
Thể tích tiêm: 50 ml.
Cách tiến hành:
Tiêm lần lượt dung dịch chuẩn và dung dịch thử.
Tính hàm lượng ramipril, C23H32N2O5, trong mỗi viên từ diện tích pic ramipril trên sắc ký đồ của dung dịch thử, dung dịch chuẩn và hàm lượng C23H32N2O5 trong ramipril chuẩn.
Đối với viên có hàm lượng ramipril nhỏ hơn 2 mg
Lấy giá trị trung bình của kết quả định lượng 10 viên trong phép thử Độ đồng đều hàm lượng.
Bảo quản
Trong bao bì kín, tránh ánh sáng.
Loại thuốc
Chống tăng huyết áp.
Hàm lượng thường dùng
1,25 mg, 2,5 mg, 5 mg.
VIÊN NÉN TERFENADIN
Tabellae Terfenadini
Là viên nén chứa terfenadin.
Chế phẩm phải đáp ứng các yêu cầu trong chuyên luận “Thuốc viên nén” (Phụ lục 1.20) và các yêu cầu sau đây:
Hàm lượng terfenadin, C32H41NO2, từ 95,0 % đến 105,0 % so với lượng ghi trên nhãn.
Tính chất
Viên nén màu trắng.
Định tính
- Lắc một lượng bột viên chứa 0,2 g terfenadin với 20 ml dicloromethan (TT), thêm 10 ml dung dịch natri hydroxyd 0,1 M (TT) và tiếp tục lắc, để tách lớp và lấy lớp dicloromethan. Rửa lớp dicloromethan bằng 10 ml nước, lắc với 2 g natri sulfat khan (TT) và lọc. Thêm 0,2 ml dịch lọc vào 0,3 g kali bromid (TT) trong cối, dùng chày trộn đều, làm ấm để loại dung môi và chuẩn bị đĩa nén từ hỗn hợp thu được. Phổ hồng ngoại (Phụ lục 4.2) phải phù hợp với phổ hồng ngoại đối chiếu của terfenadin.
- Trong mục Định lượng, pic chính trên sắc ký đồ thu được từ dung dịch thử phải có thời gian lưu tương ứng với thời gian lưu của pic chính trên sắc ký đồ thu được từ dung dịch chuẩn.
Độ hòa tan (Phụ lục 11.4)
Thiết bị: Kiểu cánh khuấy.
Môi trường hòa tan: 1000 ml dung dịch acid hydrocloric 0,1 M (TT).
Tốc độ quay: 50 r/min.
Thời gian: 45 min.
Cách tiến hành:
Dung dịch thử: Lấy 20 ml môi trường đã hòa tan và lọc. Pha loãng dịch lọc, nếu cần, bằng dung dịch acid hydrocloric 0,1 M (TT) để được dung dịch terfenadin có nồng độ khoảng 0,006 %.
Dung dịch chuẩn: Pha loãng 1 thể tích của dung dịch terfenadin chuẩn 0,06 % trong methanol (TT) thành 10 thể tích bằng dung dịch acid hydrocloric 0,1 M (TT).
Tiến hành bằng phương pháp sắc ký lỏng (Phụ lục 5.3) với điều kiện sắc ký như mô tả ở mục Định lượng nhưng với bước sóng phát hiện ở 217 nm.
Tính hàm lượng của terfenadin, C32H41NO2, đã hòa tan trong mỗi viên dựa vào diện tích pic thu được trên sắc ký đồ của dung dịch thử, dung dịch chuẩn và hàm lượng C32H41NO2 của terfenadin chuẩn.
Yêu cầu: Không được ít hơn 70 % lượng terfenadin, C32H41NO2, so với lượng ghi trên nhãn được hòa tan trong 45 min.
1-[4-(1,1-Dimethylethyl)phenyl]-4-[4-(hydroxydiphenylmethyl)piperidin-1-yl]butan-1-on
Không được quá 0,2 %.
Phương pháp sắc ký lỏng (Phụ lục 5.3).
Dung dịch thử: Hòa tan một lượng bột viên chứa 0,15 g terfenadin trong 75 ml pha động, siêu âm 15 min, làm nguội đến nhiệt độ phòng, pha loãng đến 100 ml bằng pha động, trộn đều và lọc qua màng lọc thủy tinh (Whatman GF/C là thích hợp).
Dung dịch đối chiếu: Dung dịch chứa 0,0003 % tạp chất A chuẩn của terfenadin, 1-[4-(1,1-dimethylethyl)phenyl]-4-[4-(hydroxydiphenylmethyl)piperidin-1-yl]butan-1-on, trong pha động.
Dung dịch phân giải: Dung dịch chứa hỗn hợp 1 thể tích dung dịch thử và 9 thể tích của dung dịch 0,015% tạp chất A chuẩn của terfenadin trong pha động.
Điều kiện sắc ký như mô tả ở mục định lượng nhưng với bước sóng phát hiện ở 217 nm.
Tiêm lần lượt các dung dịch trên và tiến hành sắc ký trong khoảng thời gian gấp 5 lần thời gian lưu của terfenadin. Phép thử chỉ có giá trị khi hệ số phân giải giữa hai pic terfenadin và tạp chất A trên sắc ký đồ thu được từ dung dịch phân giải ít nhất bằng 5,0.
Trên sắc ký đồ thu được từ dung dịch thử, diện tích của bất kỳ pic nào tương ứng với tạp chất A của terfenadin không được lớn hơn diện tích của pic chính trên sắc ký đồ thu được từ dung dịch đối chiếu. Trên sắc ký đồ thu được từ dung dịch thử, có thể có các pic tá dược với thời gian lưu dài.
Định lượng
Phương pháp sắc ký lỏng (Phụ lục 5.3).
Pha động: Lấy 3 thể tích acetonitril (TT) pha loãng thành 5 thể tích với dung dịch đệm phosphat diethylamoni pH 6,0 (TT).
Dung dịch thử: Cân 20 viên và nghiền thành bột mịn. Cân chính xác một lượng bột viên tương ứng với 0,15 g terfenadin, thêm 75 ml pha động và lắc siêu âm 15 min, làm nguội đến nhiệt độ phòng, pha loãng thành 100,0 ml bằng pha động, trộn đều và lọc qua màng lọc thủy tinh (Whatman GF/C là thích hợp).
Dung dịch chuẩn: Dung dịch chứa 0,15 % terfenadin chuẩn trong pha động.
Dung dịch phân giải: Dung dịch chứa 0,015 % terfenadin chuẩn và 0,015 % tạp chất A chuẩn của terfenadin trong pha động.
Điều kiện sắc ký:
Cột thép không gỉ (25 cm x 4,6 mm) được nhồi pha tĩnh B (5 mm) (Lichrosorb RP8 là thích hợp).
Tốc độ dòng: 1,0 ml/min.
Detector quang phổ tử ngoại đặt ở bước sóng 254 nm.
Thể tích tiêm: 20 ml.
Tiêm lần lượt các dung dịch trên và tiến hành sắc ký trong khoảng thời gian gấp 5 lần thời gian lưu của terfenadin. Phép thử chỉ có giá trị khi hệ số phân giải giữa pic terfenadin và pic tạp chất A trên sắc ký đồ thu được từ dung dịch phân giải ít nhất là 5,0. Trên sắc ký đồ thu được từ dung dịch thử có thể có các pic tá dược với thời gian lưu dài.
Tính hàm lượng của terfenadin, C32H41NO2, trong viên dựa vào diện tích pic thu được trên sắc ký đồ của dung dịch thử, dung dịch chuẩn và hàm lượng C32H41NO2 của terfenadin chuẩn.
Bảo quản
Nơi khô mát, tránh ánh sáng.
Loại thuốc
Thuốc đối kháng thụ thể H1 – histamin, thuốc kháng histamin.
Hàm lượng thường dùng
60 mg.
VIÊN NÉN TIMOLOL
Tabellae Timololi
Là viên nén chứa timolol maleat.
Chế phẩm phải đáp ứng các yêu cầu trong chuyên luận “Thuốc viên nén” (Phụ lục 1.20) và các yêu cầu sau đây:
Hàm lượng timolol maleat, C13H24N4O3S.C4H4O4, từ 90,0 % đến 110,0 % so với lượng ghi trên nhãn.
Tính chất
Viên nén màu trắng.
Định tính
Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).
Bản mỏng: Silica gel GF254
Dung môi triển khai: Amoniac – methanol – cloroform (1 : 20 : 80).
Dung dịch thử: Lấy một lượng bột viên tương ứng với khoảng 30 mg timolol maleat, làm ẩm bằng 2 ml dung dịch acid hydrocloric 0,1 M (TT), thêm 5 ml methanol (TT), lắc 20 min và thêm methanol (TT) vừa đủ 50 ml, ly tâm, sử dụng lớp trên.
Dung dịch đối chiếu: Hòa tan 60 mg timolol maleat chuẩn trong 4 ml dung dịch acid hydrocloric 0,1 M (TT), thêm methanol (TT) vừa đủ 100 ml.
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 10 ml mỗi dung dịch trên. Triển khai sắc ký đến khi dung môi đi được 3/4 bản mỏng, để khô bản mỏng ngoài không khí. Quan sát dưới ánh sáng tử ngoại ở bước sóng 254 nm. Vết chính trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải tương ứng với vết chính trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu về vị trí, màu sắc và kích thước.
Độ hòa tan (Phụ lục 11.4)
Thiết bị: Kiểu giỏ quay.
Môi trường hòa tan: 500 ml dung dịch acid hydrocloric 0,1 M (TT).
Tốc độ quay: 100 r/min.
Thời gian: 20 min.
Cách tiến hành:
Dung dịch thử: Lấy một phần dung dịch môi trường sau khi hòa tan, lọc, bỏ 20 ml dịch lọc đầu.
Dung dịch chuẩn: Chuẩn bị một dung dịch timolol maleat chuẩn trong dung dịch acid hydrocloric 0,1 M (TT) có nồng độ tương ứng với nồng độ timolol maleat của dung dịch thử.
Xác định hàm lượng timolol maleat được hòa tan bằng phương pháp sắc ký lỏng (Phụ lục 5.3). Sử dụng pha động và các điều kiện sắc ký như ở phần Định lượng. Điều chỉnh thể tích tiêm nếu cần.
Yêu cầu: Không được ít hơn 80 % lượng timolol maleat, C13H24N4O3S.C4H4O4, so với lượng ghi trên nhãn hòa tan trong 20 min.
Định lượng
Phương pháp sắc ký lỏng (Phụ lục 5.3).
Pha động: Methanol – dung dịch đệm phosphat pH 2,8 (2 : 3).
Dung dịch đệm phosphat pH 2,8: Hòa tan 11,04 g natri dihydrophosphat (TT) trong 1000 ml nước, điều chỉnh dung dịch tới pH 2,8 bằng acid phosphoric (TT).
Dung dịch chuẩn: Cân chính xác khoảng 50 mg timolol maleat chuẩn vào bình định mức 500 ml, thêm 50 ml dung dịch natri dihydrophosphat 0,05 M, siêu âm đến tan hoàn toàn, thêm 100 ml acetonitril (TT), lắc, pha loãng với nước vừa đủ đến vạch, trộn đều.
Dung dịch thử: Cân chính xác một lượng bột viên tương ứng với 10 mg timolol maleat vào bình định mức 100 ml, thêm 10 ml dung dịch natri dihydrophosphat 0,05 M, siêu âm 5 min, thêm 20 ml acetonitril (TT), lắc, pha loãng với nước vừa đủ đến vạch, trộn đều.
Điều kiện sắc ký:
Cột thép không gỉ (25 cm x 4,6 cm) được nhồi pha tĩnh C (5 mm).
Detector quang phổ tử ngoại đặt ở bước sóng 295 nm.
Tốc độ dòng: 1,8 ml/min.
Thể tích tiêm: 20 ml.
Cách tiến hành:
Kiểm tra tính phù hợp của hệ thống: Tiêm riêng biệt 6 lần dung dịch chuẩn, độ lệch chuẩn tương đối của diện tích pic chính từ 6 lần tiêm lặp lại không được lớn hơn 2,0 %, hệ số đối xứng của pic chính không được lớn hơn 2,0.
Tiêm lần lượt dung dịch chuẩn và dung dịch thử. Căn cứ vào diện tích pic thu được từ dung dịch chuẩn, dung dịch thử và hàm lượng C13H24N4O3S.C4H4O4 của timolol maleat chuẩn, tính hàm lượng timolol maleat, C13H24N4O3S.C4H4O4, có trong chế phẩm.
Bảo quản
Nơi khô mát, tránh ánh sáng.
Loại thuốc
Thuốc đối kháng beta adrenoreceptor.
Hàm lượng thường dùng
5 mg, 10 mg, 20 mg.
VIÊN NGẬM AMPHOTERICIN
Tabellae Amphotericini
Là viên nén ngậm chứa amphotericin B.
Chế phẩm phải đáp ứng các yêu cầu trong chuyên luận “Thuốc viên nén” mục “Viên ngậm’’ (Phụ lục 1.20) và các yêu cầu sau đây:
Hàm lượng amphotericin B, C47H73NO17, từ 90,0 % đến 120,0 % so với lượng ghi trên nhãn.
Tính chất
Viên nén tan chậm trong miệng, thường có mùi thơm, vị ngọt.
Định tính
Cân một lượng bột viên tương ứng với khoảng 12,5 mg amphotericin B, thêm 2,5 ml dimethyl sulphoxid (TT) và lắc trong 5 min. Thêm 15 ml methanol (TT), lắc 10 min, thêm methanol (TT) vừa đủ 25 ml và lọc. Pha loãng 1 ml dịch lọc này thành 100 ml bằng methanol (TT). Độ hấp thụ ánh sáng (Phụ lục 4.1) của dung dịch thu được trong khoảng từ 300 nm đến 450 nm phải có 3 cực đại hấp thụ ở 362 nm, 381 nm và 405 nm. Tỉ số độ hấp thụ ở bước sóng 362 nm so với độ hấp thụ ở bước sóng 381 nm khoảng từ 0,5 đến 0,6. Tỉ số độ hấp thụ ở bước sóng 381 nm so với độ hấp thụ ở bước sóng 405 nm khoảng 0,9.
Hàm lượng tetraen
Không được quá 13,3 % so với lượng amphotericin B ghi trên nhãn.
Dung dịch thử: Thêm vào lượng bột viên tương ứng với 37,5 mg amphotericin B 5 ml dimethyl sulfoxid (TT) và 25 ml methanol (TT). Lắc trong 10 min, thêm methanol (TT) vừa đủ 50 ml, lắc mạnh và lọc. Pha loãng 4 ml dung dịch lọc này với methanol (TT) vừa đủ 50 ml.
Dung dịch đối chiếu (1): Hòa tan 50 mg amphotericin B chuẩn trong 5 ml dimethyl sulphoxid (TT), thêm methanol (TT) vừa đủ 50 ml. Pha loãng 4 ml dung dịch này với methanol (TT) vừa đủ 50 ml.
Dung dịch đối chiếu (2): Hòa tan 25 mg nystatin chuẩn trong 25 ml dimethyl sulphoxid (TT), thêm methanol (TT) vừa đủ 250 ml. Pha loãng 4 ml dung dịch này với methanol (TT) vừa đủ 50 ml.
Đo lần lượt độ hấp thụ (Phụ lục 4.1) của dung dịch thử và các dung dịch đối chiếu (1) và (2) ở các bước sóng cực đại 282 nm 304 nm, dùng dung dịch dimethyl sulphoxid 0,8 % (theo thể tích) trong methanol làm mẫu trắng.
Tính độ hấp thụ riêng A (1 %,1 cm) của chế phẩm ở cả 2 bước sóng theo kết quả hàm lượng amphotericin B tính được ở phần định lượng. Tính A (1 %, 1 cm) của nystatin chuẩn và amphotericin B chuẩn ở cả 2 bước sóng theo chế phẩm đã làm khô. Tính hàm lượng (%) tetraen trong mẫu theo công thức:
Trong đó:
S1 và S2 là độ hấp thụ riêng của chế phẩm ở 282 nm và 304 nm.
N1 và N2 là độ hấp thụ riêng của nystatin chuẩn ở 282 nm và 304 nm.
B1 và B2 là độ hấp thụ riêng của amphotericin B chuẩn ở 282 nm và 304 nm.
F là hàm lượng tetraen trong amphotericin B chuẩn.
Định lượng
Cân 20 viên, nghiền thành bột mịn. Cân chính xác một lượng bột viên tương ứng với khoảng 10 mg amphotericin B, thêm 10 ml nước, trộn đều, thêm dimethyl sulfoxid (TT) vừa đủ 100 ml, lắc 20 min và lọc. Tiến hành định lượng theo chuyên luận “Xác định hoạt lực thuốc kháng sinh bằng phương pháp thử vi sinh vật” (Phụ lục 13.9).
1000 IU tương đương với 1 mg amphotericin B.
Bảo quản
Bảo quản tránh ánh sáng.
Loại thuốc
Thuốc chống nấm.
Hàm lượng thường dùng
10 mg.
VIÊN NÉN SỦI CALCI GLUCONAT
Tabellae effervescenti calcii gluconatis
Là viên nén chứa calci gluconat trong hỗn hợp tá dược và chất sủi bọt thích hợp.
Chế phẩm phải đáp ứng các yêu cầu trong chuyên luận “Thuốc viên nén” (Phụ lục 1.20) và các yêu cầu sau đây:
Hàm lượng calci gluconat, C12H22CaO14.H2O, từ 95,0 % đến 105,0 % so với lượng ghi trên nhãn.
Tính chất
Viên nén sủi bọt, màu trắng hoặc có màu đồng nhất.
Định tính
- Hòa tan một lượng bột viên lương ứng với khoảng 1 g calci gluconat trong 20 ml nước nóng, để nguội và lọc. Lấy 0,5 ml dịch lọc, thêm 0,05 ml dung dịch sắt (III) clorid 10,5 % (TT), xuất hiện màu vàng đậm.
- Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4)
Bản mỏng: Silica gel G.
Dung môi khai triển: Ethyl acetat – amoniac đậm đặc – nước – ethanol 96% (10 : 10 : 30 : 50).
Dung dịch thử: Hòa tan một lượng bột viên tương ứng với khoảng 0,4 g calci gluconat trong 20 ml nước, đun nóng nếu cần trong nồi cách thủy ở 60 oC, để nguội, lọc.
Dung dịch đối chiếu: Hòa tan 20 mg calci gluconat chuẩn trong 1 ml nước, đun nóng nếu cần trong cách thủy ở 60 °C.
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 10 ml mỗi dung dịch trên. Triển khai sắc ký đến khi dung môi đi được khoảng 15 cm. Lấy bản mỏng ra, sấy ở 100 °C trong 20 min. Để nguội. Phun lên bản mỏng dung dịch kali dicromat 5 % trong acid sulfuric 40 % (theo khối lượng). Sau 5 min, quan sát sắc ký đồ. Vết chính trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có vị trí, màu sắc và kích thước tương ứng với vết chính trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.
- C. Hòa tan một lượng bột viên tương ứng với khoảng 1 g calci gluconat trong 20 ml nước nóng, để nguội và lọc. Dịch lọc cho các phản ứng đặc trưng của ion calci (Phụ lục 8.1).
- Viên nén sủi bọt khi thêm nước.
Định lượng
Cân 20 viên và nghiền thành bột mịn. Cân chính xác một lượng bột viên tương ứng với khoảng 500 mg calci gluconat vào một chén nung thích hợp. Đốt cẩn thận ở mức độ nhẹ sau đó nung cho đến khi vô cơ hóa hoàn toàn. Để nguội và hòa tan cắn trong 5 ml acid hydrocloric 2 M (TT) bằng cách đun nóng nhẹ. Lọc, rửa cắn trên phễu lọc với nước và pha loãng hỗn hợp dịch lọc và dịch rửa với nước thành 50 ml. Trung hòa với dung dịch amoniac 5 M (TT), dùng dung dịch da cam methyl (TT) làm chỉ thị, thêm 5 ml dung dịch natri hydroxyd 8 M (TT) và định lượng với dung dịch dinatri edetat 0,05 M (CĐ), sử dụng 300 mg lam hydroxy naphtol (TT) làm chỉ thị, đến khi dung dịch chuyển màu xanh lam.
1 ml dung dịch dinatri edetat 0,05 M (CĐ) tương ứng với 22,42 mg C12H22CaO14.H2O.
Bảo quản
Trong đồ đựng kín, nơi khô thoáng tránh ánh sáng.
Nhãn
Ghi rõ hòa tan với nước ngay trước khi sử dụng.
Loại thuốc
Thuốc bổ sung calci.
Hàm lượng thường dùng
600 mg.
Phần 4
DƯỢC LIỆU
BÁCH BỆNH (Rễ)
Radix Eurycomae longifoliae
Bá bệnh, Mật nhân
Rễ đã phơi hay sấy khô của cây Bách bệnh (Eurycoma longifolia Jack), họ Thanh thất (Simaroubaceae).
Mô tả
Rễ hình trụ tròn, đường kính từ 2,0 cm đến 8,5 cm, hơi cong, bị chặt thành từng đoạn 40 cm đến 50 cm. Mặt ngoài màu vàng nâu, trơn hay hơi xù xì, có rễ con. Mặt cắt ngang màu trắng ngà, có lớp bần mỏng, không thấy vân đồng tâm. Chất cứng, khó bẻ gãy.
Vi phẫu
Mặt cắt rễ hình gần tròn, từ ngoài vào trong có: Lớp bần gồm nhiều hàng tế bào hình chữ nhật (6 đến 10 hàng), bong tróc, thành mỏng xếp chồng lên nhau. Mô mềm vỏ gồm nhiều hàng tế bào hình đa giác thành mỏng, có đám mô cứng nằm rải rác. Libe gồm các tế bào nhỏ tạo thành vòng liên tục. Xen kẽ giữa các lớp libe đôi khi có những tia gồm nhiều tế bào xếp chồng lên nhau như cột sống chạy từ phần gỗ ra. Tủy hóa gỗ hoàn toàn, mạch gỗ rộng
Bột
Bột màu vàng, nhiều xơ, vị đắng rõ. Nhiều hạt tinh bột, đứng riêng lẻ hay kép đôi, kép ba, không rõ vân, hình cầu hay hình trứng, đường kính khoảng 200 mm. Mô mềm gồm các tế bào thành mỏng. Mảnh bần có nhiều tế bào hình đa giác, thành hơi dày, kích thước khoảng 1300 mm x 1700 mm. Tinh thể calci oxalat hình thoi hay khối. Mảnh mạch mạng (kích thước khoảng 500 mm x 480 mm), mạch điểm (kích thước khoảng 400 mm x 1000 mm). Các sợi rời hay kết thành bó. Chất tiết màu đỏ. Tế bào mô cứng hình cầu, thành dày, khoang rộng (kích thước khoảng 250 mm x 150 mm).
Định tính
Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).
Bản mỏng: Silica gel GF254
Dung môi khai triển: Cloroform – methanol (9 : 1)
Dung dịch thử: Lấy 1 g bột thô dược liệu, thêm 20 ml methanol (TT), đun trên cách thủy trong 10 min, để nguội, lọc. Cho dịch lọc vào chén sứ, cô đến cắn. Hòa cắn bằng 1 ml methanol (TT) làm dung dịch thử.
Dung dịch đối chiếu: Lấy 1 g bột thô dược liệu Bách bệnh (mẫu chuẩn) và tiến hành chiết như dung dịch thử.
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 20 ml dung dịch thử và dung dịch đối chiếu. Sau khi triển khai, để khô bản mỏng ở nhiệt độ phòng, quan sát dưới ánh sáng tử ngoại ở bước sóng 365 nm. Sắc ký đồ của dung dịch thử phải có các vết cùng màu và cùng giá trị Rf với các vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu. Sau đó, phun thuốc thử Dragendorff (TT) lên bản mỏng. Sắc ký đồ của dung dịch thử phải có ít nhất 1 vết màu vàng cam có cùng giá trị Rf với vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.
Thực hiện lặp lại phép thử như mô tả ở trên. Bản mỏng sau khi triển khai xong được phun hỗn hợp dung dịch vanilin 1 % – acid sulfuric 10 % trong ethanol (TT) (1 : 1). Sấy bản mỏng ở 110 °C trong 5 min. Sắc ký đồ của dung dịch thử phải có ít nhất 2 vết màu đen đậm và cùng giá trị Rf với các vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.
Độ ẩm
Không quá 12,0 % (Phụ lục 9.6, 1 g, 100 °C đến 105 °C, 4 h).
Tro toàn phần
Không quá 2,5 % (Phụ lục 9.8).
Tro không tan trong acid hydrocloric
Không quá 0,7 % (Phụ lục 9.7).
Chất chiết được trong dược liệu
Không được dưới 3,0 % tính theo dược liệu khô kiệt.
Tiến hành theo phương pháp chiết nóng (Phụ lục 12.10), dùng ethanol 96 % (TT) làm dung môi.
Chế biến
Đào lấy rễ, rửa sạch đất cát, cắt bỏ đầu, sau đó phơi khô hoặc thái lát phơi khô.
Bào chế
Rễ bá bệnh được rửa sạch, phơi khô. Khi dùng, cần cạo bỏ lớp vỏ bần bên ngoài, thái vát thành những miếng mỏng, có kích thước dài 3 cm đến 5 cm, dày 2 mm đến 3 mm. Sao vàng.
Bảo quản
Trong bao bì kín. Để nơi khô, mát, tránh mốc, mọt.
Tính vị, qui kinh
Vị đắng, tính ôn. Quy kinh thận, tỳ, vị.
Công năng chủ trị
Bổ khí huyết, ôn tỳ thận. Chủ trị khí huyết lưỡng hư, cơ thể yếu mệt, thiếu máu, ăn uống kém, khó tiêu, các bệnh tả, lỵ, các trường hợp sinh dục yếu, dương nuy, tảo tiết. Còn dùng để chữa cảm mạo, phát sốt, sốt rét, giải độc rượu, tẩy giun.
Cách dùng, liều lượng
Ngày 8 g đến 16 g, dưới dạng thuốc sắc, thuốc hoàn hoặc ngâm rượu.
Kiêng kỵ
Phụ nữ có thai không được dùng.
CHÈ ĐẮNG (Lá)
Folium llexi kaushii
Lá đã phơi hay sấy khô của cây Chè đắng (llex kaushue S.Y.Hu; Syn. Ilex kudingcha C.J. Tseng), họ Trâm bùi (Aquifoliaceae).
Mô tả
Lá hình bầu dục thuôn dài hay hình mác ngược, dài 10 cm đến 22 cm, rộng 4 cm đến 7 cm cuống ngắn 1 cm đến 1,5 cm. Gân hình lông chim, mỗi bên có khoảng 10 gân đến 14 gân tạo với gân giữa một góc lớn hơn 45°. Mặt trên lá màu xanh thẫm, bóng, mặt dưới lá màu xanh nhạt, đầu lá nhọn, ngắn. Mép lá xẻ răng cưa nhỏ, đầu răng cưa màu đen, cứng như sừng. Vị rất đắng.
Vi phẫu
Gân giữa của lá có mặt trên hơi lõm, mặt dưới lồi. Lớp cutin dày phủ toàn bộ biểu bì trên, biểu bì dưới cả phần gân lá và phần phiến lá. Mô dày gồm 1 đến 2 hàng tế bào nằm sát biểu bì trên và 3 đến 4 hàng tế bào nằm sát biểu bì dưới của gân lá. Cung libe-gỗ lớn nằm ở giữa gân lá, cung libe ở phía dưới cung gỗ, bao trùm hai đầu cung gỗ. Bó sợi tập trung nhiều ở hai đầu cung libe-gỗ, sát với phiến lá, một số bó khác nằm rải rác quanh cung libe (thường có nhiều ở những lá già, ở lá non ít có). Mô mềm gồm các tế bào hình tròn, thàng mỏng, kích thước lớn. Mô giậu gồm 2 hàng tế bào hình chữ nhật, xếp thẳng góc và sát với biểu bì trên của phiến lá. Mô khuyết rộng, chiếm 1/2 bề dày của phiến lá. Có rất nhiều tinh thể calci oxalat hình cầu gai nằm rải rác trong mô dày, mô giậu và mô mềm.
Bột
Bột màu xanh lục, vị rất đắng. Soi bột dưới kính hiển vi thấy: Mảnh biểu bì mang tế bào lỗ khí. Mảnh mô mềm. Sợi xếp thành bó hoặc riêng lẻ, thành rất dày, khoang rất hẹp, phía ngoài gồ ghề. Rất nhiều tinh thể calci oxalat hình cầu gai. Mảnh mạch mạng, mạch xoắn, mạch thang.
Định tính
- Lấy 3,0 g bột dược liệu qua rây số 250, thêm 50 ml ethanol 80 % (TT) đun trên cách thủy trong 30 min. Lọc, cô dịch lọc trên cách thủy còn khoảng 6 ml (dịch A), cho vào 3 ống nghiệm, mỗi ống nghiệm 1 ml để làm các phản ứng sau:
Ống 1: Thêm một ít bột magnesi (TT) và 3 giọt đến 4 giọt acid hydrocloric (TT), đun nóng trên cách thủy, dung dịch xuất hiện màu hồng.
Ống 2: Thêm 2 giọt dung dịch natri hydroxyd 10 % (TT), xuất hiện tủa màu đỏ nâu.
Ống 3: Thêm 2 giọt dung dịch sắt (III) clorid 5 % (TT), dung dịch chuyển màu xanh đen.
- Cho vào ống nghiệm 5 ml dung dịch acid hydrocloric 0,1 N (TT), thêm 5 giọt dịch A. Lắc mạnh trong 15 giây, xuất hiện nhiều bọt bền vững.
- C. Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).
Bản mỏng: Silica gel G.
Dung môi khai triển: n-Butanol – ethanol – amoniac (7 : 2 : 5).
Dung dịch thử: Lấy 2 ml dịch A, bốc hơi dung môi trên cách thủy. Hòa cắn trong 0,5 ml methanol (TT).
Dung dịch đối chiếu: Lấy 3,0 g bột lá Chè đắng (mẫu chuẩn) và tiến hành chiết như mẫu thử.
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 20 ml dung thử và dung dịch đối chiếu. Triển khai sắc ký đến khi dung môi đi được 10 cm đến 12 cm, lấy bản mỏng ra để khô ngoài không khí. Phun lên bản mỏng dung dịch acid sulfuric 10 % trong ethanol (TT). Sấy bản mỏng ở 100 °C cho đến khi hiện rõ vết.
Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có 6 vết màu đỏ nâu, cùng màu và cùng giá trị Rf với dung dịch đối chiếu.
Độ ẩm
Không quá 13,0 % (Phụ lục 9.6, 2 g, 105 °C, 4 h).
Tạp chất
Không quá 1,0 % (Phụ lục 12.11).
Định lượng
Cân chính xác khoảng 5 g bột dược liệu (rây qua rây số 250), cho vào bình Soxhlet, thêm 100 ml ether dầu hỏa (khoảng sôi 40 °C đến 60 °C) (TT), đun hồi lưu trên cách thủy đến khi dịch chiết không màu và loại bỏ dịch chiết ether dầu hỏa. Tiếp tục chiết với 100 ml methanol (TT) đến khi dịch chiết không màu. Cất thu hồi dung môi methanol còn khoảng 20 ml. Để nguội, lọc, tráng giấy lọc bằng 10 ml methanol (TT). Gộp dịch lọc và dịch rửa, bốc hơi trên cách thủy còn khoảng 10 ml. Để nguội, rót từ từ dịch chiết methanol vào cốc đã có sẵn 50 ml ether (TT) có nắp, lắc đều, đậy nắp và để cốc vào tủ lạnh qua đêm. Gạn lấy tủa, tủa được để ngoài không khí cho bay hết hơi ether. Hòa tan tủa trong 10 ml methanol (TT), đun nóng trên cách thủy nếu không tan hết. Để nguội, lọc, tráng giấy lọc bằng 10 ml methanol (TT). Gộp dịch lọc và dịch rửa, bốc hơi trên cách thủy còn khoảng 10 ml. Để nguội, rót từ từ vào một cốc đã cân bì chứa sẵn 50 ml ether (TT), để lạnh qua đêm. Gạn lấy tủa. Sấy cốc cùng tủa thu được (saponin toàn phần) ở 60 °C đến khối lượng không đổi, cân. Tính hàm lượng phần trăm của saponin trong dược liệu.
Hàm lượng saponin toàn phần không được ít hơn 5,0 % tính theo dược liệu khô kiệt.
Chế biến
Hàng năm, có thể thu hái lá từ 2 đến 3 lần. Hái những lá già và lá trưởng thành, phơi trong bóng râm, chỗ thoáng gió hoặc sấy ở 50 °C đến 60 °C đến khô.
Bảo quản
Trong bao bì kín, để nơi khô mát, tránh nấm mốc.
Tính vị, qui kinh
Vị đắng ngọt. Tính mát. Quy kinh tâm, tỳ, thận.
Công năng chủ trị
Thanh nhiệt tư hỏa (giải thử, giải nhiệt, tiêu viêm) bình can hạ áp. Chủ trị cảm nắng sốt cao; các chứng do thử nhiệt như: viêm họng, lỵ, viêm dạ dày cấp tính; đau đầu hoa mắt. Còn dùng trị bệnh tăng huyết áp, cholesterol máu cao; trừ lỵ do thấp nhiệt.
Cách dùng, liều lượng
Dùng dưới dạng hãm, hoặc sắc. Ngày dùng 8 g đến 10 g.
Kiêng kỵ
Vì vị thuốc rất đắng nên không nên dùng liều quá cao và thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến tiêu hóa.
CƠM CHÁY (Hoa)
Flos Sambuci javanicae
Hoa phơi hay sấy khô của cây Cơm cháy (Sambucus javanica Blume), họ Cơm cháy (Sambucaceae).
Mô tả
Hoa khô màu từ vàng nhạt đến vàng nâu, mùi hắc đặc biệt, đường kính 1,5 mm đến 2,5 mm. Năm tràng hoa hình bánh xe, đầu nhọn. Bộ nhị gồm 5 nhị xếp xen kẽ cánh hoa. Bao phấn 2 ô, nứt dọc, hướng ngoài. Bộ nhụy cấu tạo bởi 3 lá noãn chia bầu thành 3 ô, mỗi ô mang 1 noãn. Một số hoa không sinh sản biến thành thể tuyến hình chén, đường kính 1 mm đến 2 mm.
Soi bột
Bột màu vàng nâu, mùi hắc đặc biệt, không vị. Mảnh mô mềm cánh hoa gồm các tế bào hình đa giác, xếp đều đặn, mảnh mô mang lỗ khí, lông tiết đa bào. Hạt phấn màu vàng, hình tròn, có 3 lỗ nảy mầm, lớp vỏ ngoài sù sì, đứng riêng lẻ hay tụ lại thành đám. Mảnh mạch xoắn, mạch điểm.
Định tính
Lấy 10 g bột dược liệu vào túi giấy lọc, cho vào bình Soxhlet, chiết bằng ether dầu hỏa (khoảng sôi 30 oC đến 60 °C) (TT) đến khi dịch chiết không còn màu xanh. Lấy bã ra để bay hơi hết ether dầu hỏa. Cho bã vào bình nón, thêm 30 ml ethanol 90 % (TT), đun cách thủy 15 min, lọc nóng.
Lấy dịch chiết làm các phản ứng:
- Nhỏ 1 giọt dịch chiết lên tờ giấy lọc, để khô rồi hơ lên miệng lọ có chứa amoniac (TT), màu vàng của vết dịch chiết sẽ tăng lên.
- Cho 2 ml dịch chiết vào ống nghiệm, nhỏ 2 đến 3 giọt dung dịch natri hydroxyd 10 % (TT) vào ống nghiệm thấy xuất hiện kết tủa màu vàng, tiếp tục thêm 1 ml nước cất tủa sẽ tan.
- C. Cho 2 ml dịch chiết vào ống nghiệm, thêm một ít bột magnesi (TT) và 3 đến 4 giọt acid hydrocloric (TT) rồi đun trong cách thủy, dung dịch xuất hiện màu hồng.
Độ ẩm
Không quá 12,0 % (Phụ lục 9.6, 1 g, 85 °C, 4 h).
Tro toàn phần
Không quá 9,0 % (Phụ lục 9.8).
Tạp chất
Không quá 1,0 % (Phụ lục 12.11).
Chất chiết được trong dược liệu
Không ít hơn 25,0 % tính theo dược liệu khô kiệt. Tiến hành theo phương pháp chiết nóng (Phụ lục 12.10), dùng nước làm dung môi
Chế biến
Hoa được thu hái ngay sau khi nở, đem phơi khô hoặc sấy khô ở nhiệt độ 50 °C đến 60 °C. Khi dùng cần vi sao.
Bảo quản
Trong bao bì kín. Để nơi khô ráo, tránh sâu mọt.
Tính vị, qui kinh
Vị đắng. Tính ấm, hơi có độc. Quy kinh can, thận.
Công năng chủ trị
Tiêu phù lợi tiểu, trừ hàn thấp. Chủ trị thấp thũng (phù do trung tiêu, tương tự hội chứng thận hư), phong hàn thấp tí.
Cách dùng, liều lượng
Ngày dùng 10 g đến 12 g, dưới dạng thuốc hãm hoặc sắc.
Kiêng kỵ
Những người tỳ vị hư hàn, phân sống nát, không nên dùng.
CÚC GAI (Quả)
Fructus Silybi
Dược liệu là quả chín đã phơi, sấy khô của cây Cúc gai (Silybum marianum (L.) Gaertn.), họ Cúc (Asteraceae).
Mô tả
Quả hình trứng thon dài, hơi cong, hơi dẹt, dài 5 mm đến 7 mm, rộng 2 mm đến 3 mm, dày khoảng 1,5 mm. Mặt ngoài màu nâu xám hoặc nâu sẫm, có các gân dọc nhỏ. Đỉnh quả tròn tù, hơi rộng với một vòng tròn hình nhẫn màu vàng nhạt ở đầu, giữa vòng tròn có một phần nhọn của vòi nhụy còn sót lại. Đáy hơi hẹp. Chất cứng chắc. Hai lá mầm, màu trắng hơi vàng, có dầu, mùi nhẹ, vị không rõ.
Bột
Bột màu nâu xám. Tế bào vỏ quả ngoài có hình đa giác dài, một số chứa chất màu. Tế bào vỏ quả giữa hình trụ hoặc hình elip có những nếp nhăn hình mạng lưới. Tinh thể calci oxalat hình lăng trụ và hình cầu gai. Tế bào đá của vỏ quả trong hình thoi, xếp thành tầng không rõ ràng. Tế bào lá mầm chứa những bó tinh thể và những giọt dầu nhỏ. Bó sợi.
Định tính
- Lấy 2 g bột dược liệu, thêm 30 ml ethanol 96 % (TT), đun sôi hồi lưu 30 min, lọc. Dùng dịch lọc để làm các phản ứng sau:
Lấy 2 ml dịch lọc cho vào ống nghiệm, thêm ít bột magnesi (TT), 4 đến 5 giọt dung dịch acid hydrocloric (TT), đun nóng, dung dịch có màu hồng.
Lấy 2 ml dịch lọc cho vào ống nghiệm, thêm 2 đến 3 giọt dung dịch sắt (III) clorid 5 % trong ethanol (TT), có màu tím đen.
- Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).
Bản mỏng: Silica gel G.
Dung môi khai triển: Toluen – ethyl acetat – acid formic (5 : 4 : 1).
Dung dịch thử: Lấy 1,0 g bột mịn dược liệu, thêm 20 ml ether dầu hỏa (khoảng sôi 40 °C đến 60 °C) (TT), đun sôi hồi lưu trên cách thủy 30 min, để nguội, lọc. Bỏ dịch chiết ether dầu hỏa. Đuổi hết hơi ether dầu hỏa trong cắn bằng cách đun nóng nhẹ trên cách thủy. Thêm vào cắn 20 ml ethyl acetat (TT), đun sôi hồi lưu trên cách thủy 30 min, để nguội, lọc. Cô dịch lọc trên cách thủy đến cạn. Hòa cắn trong 2 ml ethanol (TT) được dung dịch thử.
Dung dịch chuẩn: Lấy 1,0 g bột mịn quả Cúc gai (mẫu chuẩn) tiến hành chiết như mẫu thử.
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 10 ml mỗi dung dịch thử và dung dịch đối chiếu.
Sau khi triển khai, lấy bản mỏng ra, để khô trong không khí, phun lên bản mỏng dung dịch nhôm clorid 5 % trong ethanol (TT), sấy ở 120 °C trong 5 min, quan sát dưới đèn tử ngoại ở bước sóng 366 nm.
Sắc ký đồ của dung dịch thử phải có các vết phát quang giống với các vết phát quang của dung dịch đối chiếu về màu sắc và vị trí.
- C. Trong phần Định lượng, sắc ký đồ của dung dịch thử phải cho các pic có thời gian lưu tương đối là khoảng 0,68 (sillychristin); 0,73 (silydianin); 1,00 (silybin A); 1,05 (silybin B); 1,09 (dehydrosilybin); 1,24 (isosilybin A); 1,30 (isosilybin B).
Độ ẩm
Không quá 10,0 % (Phụ lục 9.6, 1 g, 100 oC; 4 h).
Tro toàn phần
Không quá 9,0 % (Phụ lục 9.8).
Tạp chất
Không quá 2,0 % (Phụ lục 12.11).
Định lượng
Phương pháp sắc ký lỏng (Phụ lục 5.3).
Pha động:
Dung môi A: Nước – methanol – acid phosphoric (80 : 20 : 0,5)
Dung môi B: Nước – methanol – acid phosphoric (20 : 80 : 0,5)
Tiến hành chạy sắc ký theo chương trình ở bảng sau:
Thời gian (min) |
% Dung môi A (theo thể tích) |
% Dung môi B (theo thể tích) |
0 – 10 | 85 | 15 |
10 – 35 | 85 → 55 | 15 → 45 |
35 – 75 | 55 | 45 |
75 – 76 | 55 → 85 | 45 → 15 |
76 – 80 | 85 | 15 |
Dung dịch thử: Cân chính xác khoảng 5 g bột dược liệu (rây qua rây có cỡ mắt rây 0,355 mm) vào túi giấy lọc rồi đặt vào bình chiết Soxhlet 250 ml, thêm 150 ml n-hexan (TT), đun hồi lưu trên cách thủy trong 4 h, để nguội, loại bỏ lớp n-hexan, để bay hơi hoàn toàn dung môi ra khỏi cắn. Chuyển cắn và túi giấy lọc đựng cắn sang bình chiết Soxhlet 250 ml có chứa 100 ml ethyl acetat (TT) (có thể điều chỉnh thể tích ethyl acetat cho phù hợp). Đun hồi lưu trên cách thủy trong 8 h. Chuyển toàn bộ dịch chiết vào bát thủy tinh, cô trên cách thủy đến cạn. Dùng methanol (TT) để hòa tan và chuyển toàn bộ cắn vào bình định mức 20 ml, thêm methanol (TT) đến vạch, lắc đều, lọc qua màng lọc 0,45 mm.
Dung dịch chuẩn: Cân chính xác một lượng silybin chuẩn và hòa tan trong methanol (TT) rồi pha loãng với methanol (TT) để được các dung dịch chuẩn có nồng độ đã biết khoảng 1,25 mg/ml; 0,25 mg/ml; 0,05 mg/ml và 0,01 mg/ml, lọc qua màng lọc 0,45 mm.
Điều kiện sắc ký:
Cột thép không gỉ (25 cm x 4,6 mm), được nhồi pha tĩnh C (5 mm).
Detector quang phổ hấp thụ tử ngoại ở bước sóng 288 nm.
Tốc độ dòng: 0,8 ml/min.
Thể tích tiêm: 5 ml.
Cách tiến hành:
Tiêm dung dịch chuẩn có nồng độ 0,25 mg/ml. Độ phân giải giữa 2 pic silybin A và silybin B phải không nhỏ hơn 1,0.
Tiêm riêng biệt các dung dịch chuẩn, ghi diện tích các pic silybin A, silybin B. Xây dựng đường hồi quy biểu diễn sự phụ thuộc của tổng diện tích pic silybin A và silybin B theo nồng độ của silybin chuẩn.
Tiêm dung dịch thử. Ghi sắc ký đồ. Xác định các pic sillychristin, silydianin, silybin A, silybin B, dehydrosilybin, isosilybin A, isosilybin B bằng cách so sánh với sắc ký đồ của dung dịch chuẩn silybin và tính thời gian lưu tương đối của các pic so với pic silybin A. Thời gian lưu tương đối là khoảng 0,68 (với sillychristin); 0,73 (với silydianin); 1,00 (với silybin A); 1,05 (với silybin B); 1,09 (với dehydrosilybin); 1,24 (với isosilybin A); 1,30 (với isosilybin B).
Căn cứ vào diện tích pic thu được từ dung dịch thử, đường hồi quy thu được từ các dung dịch silybin chuẩn, tính hàm lượng % của từng thành phần trong dung dịch thử theo silybin (C25H22O10) bằng công thức sau:
Trong đó:
C là nồng độ (mg/ml) của từng thành phần trong dung dịch thử tính được từ phương trình hồi quy.
w là khối lượng cân của mẫu thử đã trừ độ ẩm (g)
Hàm lượng % (theo khối lượng) silymarin bằng tổng hàm lượng phần trăm của từng thành phần. Dược liệu phải chứa không dưới 0,4 % (theo khối lượng) hàm lượng của silymarin tính theo dược liệu khô kiệt.
Chế biến
Thu hoạch vào mùa thu, hái lấy quả chín, phơi khô, đập nhẹ, loại bỏ tạp chất, phơi hoặc sấy khô ở 50 oC đến 60 °C.
Bảo quản
Trong bao bì kín, để nơi khô ráo thoáng mát, tránh ẩm, sâu mọt, nấm mốc.
Tính vị, qui kinh
Vị đắng, tính hàn. Quy kinh can, đởm, phế
Công năng chủ trị
Thanh trừ thấp nhiệt. Điều trị chứng thấp nhiệt (viêm gan, viêm túi mật, bệnh đau gan, vàng da), chứng phế nhiệt (ho suyễn lâu ngày, có bội nhiễm).
Cách dùng, liều lượng
Ngày dùng 4 g đến 6 g, dưới dạng thuốc sắc, hoặc phối hợp với các vị thuốc khác.
CỎ CỨT LỢN
Herba Agerati conyzoides
Cỏ hôi, Hoa ngũ sắc
Dược liệu là toàn bộ phần trên mặt đất đã phơi hoặc sấy khô của cây Cỏ cứt lợn (Ageratum conyzoides L.), họ Cúc (Asteraceae).
Mô tả
Thân hình trụ, phân cành nhiều, dài 20 cm đến 40 cm, đường kính 2 mm đến 4 mm. Mặt ngoài thân màu vàng nhạt đến vàng nâu hoặc có màu tím, có lông mềm, màu trắng. Lá mọc đối, hình trứng hoặc tam giác, đầu nhọn, dài 2 cm đến 6 cm, rộng 0,5 cm đến 5 cm, mép có răng tròn, mặt dưới màu xám nhạt, có 3 gân tỏa từ gốc lá, mặt trên sẫm hơn; hai mặt lá đều có lông mịn, lá có mùi thơm đặc biệt. Cụm hoa hình đầu xếp thành ngù ở ngọn thân hoặc đầu cành, cuống cụm hoa có lông mềm; tổng bao hình đầu gồm những lá bắc xếp thành hai dãy; đầu nhỏ chứa hoa hình ống bé và đều nhau; tràng ngắn có 5 thùy tam giác, hoa màu tím nhạt hoặc trắng ngà; hoa có 5 nhị. Quả bế, màu đen, có 5 sống dọc.
Vi phẫu
Vi phẫu lá: Gân lá lồi về 2 phía, lồi nhiều về phía dưới. Biểu bì gồm tế bào hình tròn, mang lông che chở đa bào. Sát lớp biểu bì là hàng tế bào mô dày tròn; mô mềm hẹp. Bó libe-gỗ nằm chính giữa, xếp vòng cung uốn theo gân lá (lồi nhiều về phía dưới). Tế bào libe nhỏ, xếp xung quanh gỗ. Mạch gỗ đều xếp thành hàng. Biểu bì phiến lá mang nhiều lỗ khí; hàng tế bào mô giậu không rõ.
Vi phẫu thân: Biểu bì gồm 1 đến 2 hàng tế bào hình bầu dục nằm ngang, xếp sít nhau mang lông che chở đa bào. Dưới lớp biểu bì là 2 đến 3 hàng tế bào mô dày. Mô mềm vỏ hẹp. Rải rác sau mô mềm vỏ là đám tế bào mô cứng. Libe hẹp ở ngoài, gỗ ở trong. Bó gỗ xếp thành vòng tròn, những chỗ lồi bên trong ứng với đám mô cứng ở bên ngoài. Mạch gỗ to nằm rải rác, tập trung nhiều ở những chỗ lồi. Mô mềm gỗ hình chữ nhật, xếp thành hàng. Tầng phát sinh libe-gỗ uốn lượn thành vòng tròn. Tế bào mô mềm ruột to, tròn, thành mỏng.
Bột
Bột màu lục vàng, mùi thơm, vị hơi cay. Soi bột dược liệu dưới kính hiển vi thấy:
Mảnh biểu bì lá gồm các tế bào thành mỏng chứa nhiều lỗ khí. Lông che chở đa bào. Mảnh mô mềm gồm các tế bào hình đa giác, thành mỏng. Mảnh mạch vạch, mạch xoắn. Hạt phấn hoa hình cầu gai, đường kính từ 15 mm đến 25 mm, màu vàng nhạt. Mảnh nhụy hoa có đầu tròn, kết lớp lên nhau. Mảnh cánh hoa cấu tạo bởi những tế bào thành mỏng, bề mặt sần sùi, có chất tế bào. Sợi đứng riêng lẻ hoặc tập trung thành bó. Các bó sợi có mấu lồi nhọn.
Định tính
- Lấy 2 g bột dược liệu, thêm 30 ml ethanol 90 % (TT), đun sôi hồi lưu trên cách thủy 30 min, lọc. Lấy 1 ml dịch lọc cho vào bát sứ, để bay hơi tự nhiên đến cắn, nhỏ lên cắn 1 giọt acid sulfuric (TT), sẽ thấy các chỗ khác nhau có màu xanh, vàng cam. Các màu này chuyển dần sang nâu rồi nâu xỉn.
- Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).
Bản mỏng: Silica gel G.
Dung môi khai triển: Toluen – ethyl acetat (93 : 7).
Dung dịch thử: Lấy 1,0 g bột dược liệu, thêm 10 ml n-hexan (TT), lắc trên máy lắc trong 30 min, lọc. Dùng dịch lọc để chấm sắc ký.
Dung dịch đối chiếu: Lấy 1,0 g bột cây Hoa ngũ sắc (mẫu chuẩn) tiến hành chiết như mẫu thử.
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 10 ml mỗi dung dịch thử và dung dịch đối chiếu. Sau khi triển khai, lấy bản mỏng ra, để khô ngoài không khí, phun lên bản mỏng dung dịch vanilin 1 % trong acid sulfuric (TT), sấy ở 120 °C đến khi hiện rõ vết.
Sắc ký đồ của dung dịch thử phải có các vết giống với các vết của dung dịch đối chiếu về màu sắc và vị trí.
Độ ẩm
Không quá 13,0 % (Phụ lục 12.13). Dùng 10 g bột thô dược liệu.
Tro toàn phần
Không quá 13,0 % (Phụ lục 9.8).
Tạp chất
Không quá 1,0 % (Phụ lục 12.11).
Tỷ lệ vụn nát
Qua rây có kích thước mắt rây 4 mm: Không quá 8 % (Phụ lục 12.12).
Định lượng
Tiến hành theo phương pháp định lượng tinh dầu trong dược liệu (Phụ lục 12.7).
Dùng 50 g dược liệu đã cắt nhỏ. Cất kéo hơi nước với 300 ml nước trong 3 h, tốc độ cất 2 đến 3 ml/min, dùng 0,2 đến 0,3 ml xylen (TT).
Dược liệu phải chứa ít nhất 0,3 % tinh dầu (tính theo dược liệu khô kiệt).
Chế biến
Thu hái quanh năm, tốt nhất là vào tháng 9, khi cây vừa ra hoa, lúc trời khô ráo, cắt lấy phần trên mặt đất, rửa sạch, dùng tươi hoặc phơi trong bóng râm hay sấy ở 30 oC đến 40 °C đến khô, cắt thành đoạn dài 3 cm đến 5 cm, khi dùng sao vàng.
Bảo quản
Trong bao bì kín, để nơi thoáng mát, tránh ẩm, sâu mọt.
Tính vị, qui kinh
Vị hơi đắng, mùi thơm. Tính bình. Quy kinh phế, tâm.
Công năng, chủ trị
Chỉ huyết, tiêu viêm. Chủ trị băng huyết, rong huyết, đa kinh, chảy máu cam, chảy máu chân răng, viêm mũi, viêm xoang mũi dị ứng.
Cách dùng, liều lượng
Dùng tươi, thêm ít muối, giã nát, vắt lấy nước cốt, uống khi bị xuất huyết, hoặc băng kinh, băng huyết; hoặc giã lá tươi, vắt lấy dịch, nhỏ vào lỗ mũi khi viêm xoang. Ngoài ra còn dùng dưới dạng thuốc sắc uống. Hiện nay, hoa ngũ sắc còn được điều chế dạng thuốc xịt, trị viêm xoang mũi dị ứng hoặc viêm mũi mạn tính. Dùng ngoài, cây tươi nấu nước gội đầu, tắm ghẻ.
DẦU GẤC
Oleum Momordicae
Dầu ép từ màng đỏ phơi hay sấy khô của hạt cây Gấc (Momordica cochinchinensis (Lour.) Spreng), họ Bí (Cucurbitaceae).
Tính chất
Chất lỏng sánh, trong, màu đỏ, mùi thơm ngọt đặc biệt, vị béo không khé cổ. Có thể có cắn carotenoid khi để lâu hoặc khi để ở nhiệt độ 0 °C đến 5 °C.
Tỷ trọng
Ở 20 °C: 0,916 đến 0,925 (Phụ lục 6.5, phương pháp dùng picnomet).
Chỉ số khúc xạ
Ở 20 °C: 1,470 đến 1,472 (Phụ lục 6.1).
Chỉ số iod
72 đến 88 (Phụ lục 7.5, phương pháp iod bromid).
Độ nhiễm khuẩn
Yêu cầu giới hạn nhiễm khuẩn: Đạt yêu cầu mức 4 (Phụ lục 13.6).
Định tính
- Định tính b-caroten và lycopen: Trong phép thử định lượng b-caroten và lycopen, trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải cho các pic có thời gian lưu tương ứng với thời gian lưu của pic b-caroten và lycopen trên sắc ký đồ của dung dịch chuẩn.
- Định tính acid linoleic và oleic: Trong phép thử định lượng acid béo không no, trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải cho các pic có thời gian lưu tương ứng với thời gian lưu của pic acid oleic và acid linoleic trên sắc ký đồ của dung dịch chuẩn.
Định lượng
Định lượng b-caroten và lycopen
Phương pháp sắc ký lỏng (Phụ lục 5.3).
Pha động: Hỗn hợp dung môi acetonitril – methanol – dicloromethan được sử dụng theo chương trình dung môi như sau:
Thời gian (min) |
Acetonitril (%) |
Methanol (%) |
Diclomethan (%) |
0 → 15 | 100 → 20 | 0 → 10 | 0 → 70 |
16 → 25 | 20 | 10 | 70 |
Dung dịch chuẩn: Hòa tan lycopen và b-caroten chuẩn trong diclorometan (TT) để được dung dịch chứa lycopen và b-caroten có nồng độ lần lượt là 10 mg/ml và 5 mg/ml.
Dung dịch thử: Cân chính xác khoảng 1 g dầu gấc vào bình định mức 25 ml, thêm 10 ml ether dầu hỏa (khoảng sôi 40 °C đến 60 °C) (TT), lắc kỹ cho tan, thêm ether dầu hỏa (khoảng sôi 40 °C đến 60 oC) (TT) đến vạch, lắc đều. Hút chính xác 2,0 ml dung dịch này chuyển vào một cột thủy tinh (dài khoảng 20 cm, đường kính trong khoảng 1,2 cm, phía dưới có vòi khóa để điều chỉnh tốc độ dòng) có chứa 1 g bột nhôm oxyd trung tính (cỡ hạt 63 mm đến 200 mm và đã được sấy ở 120 °C trong 3 h để hoạt hóa). Cho 20 ml ether dầu hỏa (khoảng sôi 40 °C đến 60 °C) (TT) chảy qua cột với tốc độ khoảng 30 giọt/min. Hứng lấy dịch chiết ether dầu hỏa, tiếp tục cho 30 ml dicloromethan (TT) chảy qua cột với tốc độ như trên. Gộp dịch chiết dicloromethan và dịch chiết ether dầu hỏa, làm bay hơi dung môi đến gần khô bằng dòng khí nitơ. Dùng dicloromethan (TT) để hòa tan và chuyển toàn bộ cắn vào bình định mức thủy tinh màu nâu 20 ml, thêm dicloromethan (TT) đến vạch, lắc đều, lọc qua màng lợc cỡ 0,45 mm, thu được dung dịch thử.
Điều kiện sắc ký.
Cột thép không gỉ kích thước (25 cm x 4,6 mm) được nhồi pha tĩnh C (10 mm) hoặc tương đương.
Nhiệt độ cột: 30 °C
Detector UV-VIS đặt ở bước sóng 476 nm.
Tốc độ dòng: 1 ml/min.
Thể tích tiêm: 20 ml.
Cách tiến hành:
Kiểm tra độ ổn định của hệ thống sắc ký. Tiêm 6 lần lặp lại hỗn hợp dung dịch hai chuẩn lycopen và b-caroten có nồng độ lần lượt là 10 mg/ml và 5 mg/ml, độ lệch chuẩn tương đối của các diện tích pic lycopen và b-caroten không được lớn hơn 2,0 %.
Tiêm dung dịch thử và dung dịch chuẩn, ghi thời gian lưu và diện tích pic của lycopen và b-caroten trong mỗi dung dịch. Tính hàm lượng lycopen và b-caroten trong chế phẩm dựa vào diện tích pic trên sắc ký đồ của dung dịch chuẩn, dung dịch thử và nồng độ lycopen và b-caroten trong dung dịch chuẩn.
Hàm lượng lycopen (C40H56) không được dưới 0,05 %, b-caroten (C40H56) không được dưới 0,1 % trong chế phẩm dầu Gấc.
Định lượng acid béo không no
Phương pháp sắc ký khí (Phụ lục 5.2).
Dung dịch chuẩn nội: Hòa tan acid pentadecanoic trong n-hexan (TT) để được dung dịch có nồng độ là 100 mg/ml.
Dung dịch chuẩn: Cân chính xác khoảng 50 mg mỗi chất chuẩn acid linoleic, acid oleic cho vào bình định mức 100 ml, hòa tan trong n-hexan (TT) và thêm n-hexan (TT) đến vạch, lắc đều, thu được dung dịch hỗn hợp acid linoleic, oleic có nồng độ mỗi chất khoảng 500 mg/ml. Lấy 100 mL dung dịch trên cho vào ống nghiệm 20 ml có nút xoáy, đệm cao su, thêm 1 ml dung dịch chuẩn nội. Loại dung môi n-hexan bằng khí nitơ. Thêm vào ống nghiệm 2 ml dung dịch natri hydroxyd 0,5 N trong methanol (TT), đậy kín nắp, đun cách thủy ở 70 °C trong thời gian 20 min, cho tiếp 2 ml dung dịch boron trifluorid 20 % trong methanol, sục khí nitrogen, đun cách thủy ở 70 °C trong 30 min. Chiết bằng n-hexan (TT) 3 lần, mỗi lần 5 ml. Gộp dịch chiết n-hexan, làm bay hơi dung môi bằng dòng khí nitrogen có gia nhiệt ở 60 °C đến cắn, hòa tan cắn bằng 1 ml n-hexan (TT).
Dung dịch thử:
Cân chính xác 500 mg dầu gấc cho vào bình định mức có thể tích 100 ml, hòa tan bằng n-hexan (TT) và thêm n-hexan (TT) đến vạch, lắc đều, lấy chính xác 0,1 ml cho vào ống nghiệm 20 ml có nút xoáy, thêm 1 ml dung dịch chất chuẩn nội. Loại dung môi bằng khí nitrogen. Sau đó tiến hành tương tự như với dung dịch chuẩn bắt đầu từ câu “Thêm vào ống nghiệm 2 ml …. Hòa tan cắn bằng 1 ml n-hexan (TT)”.
Điều kiện sắc ký khí:
Cột sắc ký khí mao quản HP-1 kích thước (30 m x 0,32 mm x 0,25 mm) hoặc tương đương.
Detector ion hóa ngọn lửa: 290 oC.
Tốc độ dòng khí detector: Hydrogen là 35 ml/min, không khí là 400 ml/min.
Nhiệt độ buồng tiêm mẫu 250 °C.
Nhiệt độ cột: Nhiệt độ ban đầu 100 °C giữ trong 2 min, tăng đến 200 °C với tốc độ 10 °C/min, giữ trong 3 min; tăng đến 250 °C với tốc độ 5 °C/min, giữ trong 5 min.
Khí mang nitrogen với tốc độ dòng 1 ml/min.
Bơm mẫu theo kiểu chia dòng với tỷ lệ 5 : 1
Thể tích bơm mẫu 1 ml.
Cách tiến hành:
Kiểm tra độ ổn định của hệ thống sắc ký khí. Tiêm 6 lần lặp lại dung dịch chuẩn. Độ lệch chuẩn tương đối của các tỷ lệ diện tích pic giữa acid linoleic và acid oleic với diện tích pic của chuẩn nội không được lớn hơn 1,5 %.
Tiến hành sắc ký lần lượt với dung dịch chuẩn và dung dịch thử. Ghi thời gian lưu và diện tích pic acid linoleic, acid oleic, chuẩn nội trong mỗi dung dịch. Độ phân giải giữa pic methyl linoleat và pic methyl oleat không dưới 1,5.
Tính hàm lượng của acid linoleic, acid oleic theo tỷ lệ diện tích giữa pic acid tương ứng so với pic chuẩn nội thu được trên sắc ký đồ của dung dịch thử, dung dịch chuẩn và nồng độ acid linoleic và acid oleic trong dung dịch chuẩn.
Hàm lượng acid linoleic (C18H32O2) không được dưới 10 %, acid oleic (C18H34O2) không được dưới 30 %.
Bảo quản
Bảo quản trong bao bì kín, để nơi khô mát, tránh ánh sáng.
DÂY THÌA CANH
Caulis et folium Gymnemae sylvestris
Cành và lá phơi hay sấy khô của cây Dây thìa canh [Gymnema sylvestre (Retz.) R. Br. ex Schult.], họ Thiên lý (Asclepiadaceae).
Mô tả
Dược liệu chưa cắt đoạn có dạng dây leo, dài tới 6 m, đường kính tới 3 mm. Thường cắt đoạn dài 1,5 cm đến 3 cm. Khi khô có màu xanh lục. Lá có phiến bầu dục hoặc xoan ngược thon dài 6 cm đến 7 cm, rộng 2,5 cm đến 5 cm, đầu nhọn có mũi, gân phụ 4 đến 6 cặp, rõ ở mặt dưới, nhăn lúc khô; cuống dài 5 cm đến 8 cm.
Vi phẫu
Lá:
Phần gân lá: Hơi lồi ở mặt trên, từ dưới lên trên bao gồm: biểu bì dưới, gồm một lớp tế bào hình tròn, đôi lúc có lông che chở đa bào; sát với biểu bì là 3 lớp đến 5 lớp mô dày dưới, có thành dày; bó libe gỗ gồm có các mạch gỗ phía trong, cung libe ở ngoài bao quanh tủy ở giữa gân chính; mô mềm gồm các tế bào hình trứng thành mỏng, rải rác trong gân lá có tinh thể calci oxalat hình cầu gai; mô dày trên gồm 3 đến 4 lớp tế bào có cấu tạo tương tự như mô dày dưới; biểu bì trên gồm một lớp tế bào hình chữ nhật.
Phần phiến lá: Biểu bì trên và dưới gồm một lớp tế bào hình chữ nhật, xếp đều đặn, có mang lông che chở đa bào. Mô giậu cấu tạo bởi 2 đến 3 hàng tế bào hình chữ nhật xếp vuông góc biểu bì trên, chiếm một phần năm bề dày phiến lá. Mô khuyết nằm ở phần thịt lá, cấu tạo bởi những tế bào tròn xếp lộn xộn, để hở những khuyết nhỏ. Tiếp giáp giữa mô khuyết và mô giậu là các bó libe-gỗ của gân phụ và các mạch.
Thân: Mặt cắt thân hình tròn, từ ngoài vào trong bao gồm: lớp bần, gồm 2 đến 3 hàng tế bào hình chữ nhật xếp thành hàng đồng tâm, có nhiều lỗ vỏ lớn. Ở thân non là lớp biểu bì gồm 1 lớp tế bào hình chữ nhật, xếp đều đặn thành hàng, có nhiều lông che chở đa bào; mô mềm vỏ gồm nhiều lớp tế bào hình trứng, thành mỏng; các bó sợi liền nhau hoặc tạo thành đám; libe-gỗ gồm có libe quanh tủy, bao xung quanh mạch gỗ phía trong; gỗ cấp hai xếp thành vòng tròn để hở các tia ruột rất nhỏ; trong cùng là lớp mô mềm ruột.
Bột
Màu xanh, mùi thơm nhẹ. Soi dưới kính hiển vi có các đặc điểm sau: Lông che chở đa bào; mảnh mô mềm; mảnh biểu bì mang lỗ khí; tế bào lỗ khí; mảnh bần gồm các tế bào thành mỏng; tinh thể calci oxalat hình cầu gai; có nhiều mảnh mạch: mạch xoắn, mạch vạch, mạch đồng tiền; sợi và bó sợi.
Định tính
- Cho vào ống nghiệm to 1 g bột dược liệu, thêm 5 ml nước, đun sôi nhẹ, lọc nóng. Dịch lọc cho vào ống nghiệm to, thêm 10 ml nước. Lắc mạnh trong vòng 2 min theo chiều dọc của ống nghiệm. Xuất hiện cột bọt cao khoảng 4 cm, bền trong 15 min.
- Lấy 2 g bột dược liệu vào ống nghiệm to, thêm 10 ml ethanol 96 % (TT), đun nóng khoảng 80 °C trong 10 min, lọc nóng. Bốc hơi dịch lọc tới cắn. Thêm 1 ml cloroform (TT), lắc cho tan cắn. Thêm 1 ml acid sulfuric (TT), lắc đều. Xuất hiện màu đỏ.
Độ ẩm
Không quá 13,0 % (Phụ lục 9.6, 1 g, 85 °C, 3 h).
Tro toàn phần
Không quá 10,0 % (Phụ lục 9.8).
Tạp chất
Không quá 1,0 % (Phụ lục 12.11).
Chất chiết được trong dược liệu
Không dưới 25,0 % tính theo dược liệu khô kiệt.
Tiến hành theo phương pháp chiết nóng (Phụ lục 12.10). Dùng nước làm dung môi.
Chế biến
Thu hái quanh năm, phơi hoặc sấy khô, thái đoạn 3 cm đến 5 cm, khi dùng sao vàng.
Bảo quản
Để nơi khô, tránh ẩm.
Tính vị, qui kinh
Vị đắng, tính hàn. Quy kinh phế, tỳ, thận.
Công năng, chủ trị
Lợi tiểu, nhuận tràng, hạ đường huyết. Chủ trị tiểu tiện bí dắt, tiểu vàng đỏ, tiểu đường, táo bón do nhiệt.
Cách dùng, liều lượng
Ngày dùng 10 g đến 12 g, dưới dạng thuốc sắc.
GIẢO CỔ LAM
Herba Gynostemmae
Phần trên mặt đất đã phơi hay sấy khô của cây Giảo cổ lam [Gynostemma pentaphyllum (Thunb.) Makino], họ Bí (Cucurbitaceae).
Mô tả
Phần trên mặt đất có dạng dây leo; thân hình trụ, có góc cạnh, dài 0,3 m đến 1 m, phân đốt, khoảng cách giữa các đốt từ 6 cm đến 10 cm, mang tua cuốn mọc cùng phía cuống lá và lá. Lá kép hình chân chim có 5 đến 7 lá chét, lá chét ở giữa thường lớn hơn lá chét ở bên, cuống lá dài 3 cm đến 5 cm. Phiến lá màu lục hay hơi vàng nâu, mép có răng cưa tròn. Vị đắng, ngọt.
Vi phẫu
Thân: Lớp biểu bì là những tế bào tròn, nhỏ đều đặn, xếp thành hàng, thành tế bào phía ngoài hóa cutin. Mô dày cấu tạo khoảng 2 đến 3 lớp tế bào thành dày. Mô dày phát triển ở phần lồi. Mô mềm vỏ là những tế bào hình trứng có thành mỏng. Mô cứng tế bào hình đa giác thành dày hóa gỗ tạo thành vòng liên tục uốn theo chỗ lồi lõm của thân. Phía trong mô cứng là mô mềm ruột có những bó libe-gỗ xếp thành vòng tương ứng với phần lồi của thân. Phía trong các bó libe-gỗ xếp xen kẽ tạo thành vòng thứ 2. Bó libe-gỗ có mạch gỗ ở giữa và libe xung quanh, libe ở phía ngoài phát triển hơn phía trong.
Lá:
Gân lá: Biểu bì trên gồm những tế bào hình chữ nhật thường có lông che chở đa bào, các tế bào ngắn. Biểu bì dưới cấu tạo bởi những tế bào hình tròn, xếp thành hàng. Mô dày sát biểu bì trên và dưới gồm 2 đến 3 lớp tế bào thành dày. Bó libe-gỗ của gân chính cấu tạo bởi một cung libe bao quanh cung gỗ. Mô mềm gỗ gồm những tế bào thành mỏng có hình dạng thay đổi.
Phiến lá: Biểu bì trên và dưới có một lớp tế bào hình chữ nhật thỉnh thoảng có lông tiết đầu đơn bào. Dưới biểu bì trên là lớp mô mềm giậu gồm 1 đến 2 hàng tế bào nhỏ. Mô mềm có 2 đến 3 lớp tế bào thành mỏng.
Bột
Bột màu vàng xanh; lông che chở đa bào, lông tiết, mảnh phiến lá có mạch xoắn, mảnh biểu bì lá mang lỗ khí, mạch xoắn, sợi xếp thành bó hay đứng riêng lẻ. Mảnh biểu bì có các u lồi.
Định tính
Lấy 3 g bột dược liệu, thêm 20 ml ethanol 96 % (TT), đun sôi cách thủy 10 min. Lọc, lấy dịch lọc làm các phản ứng sau:
Lấy 2 ml dịch lọc cho vào ống nghiệm, thêm một ít bột magnesi (TT) và 3 đến 4 giọt acid hydrocloric (TT). Sau vài phút màu của dung dịch chuyển từ vàng sang hồng.
Lấy 1 ml dịch lọc cho vào ống nghiệm, thêm 3 giọt dung dịch sắt (III) clorid 5 % (TT) sẽ xuất hiện màu xanh đen.
Lấy 1 ml dịch lọc cho vào ống nghiệm to, thêm 5 ml nước cất, lắc mạnh trong 2 min. Để yên, cột bọt bền sau 15 min.
Độ ẩm
Không quá 13,0 % (Phụ lục 9.6, 1 g, 100 °C, 5 h).
Tro toàn phần
Không quá 10,0 % (Phụ lục 9.8).
Tro không tan trong acid hydrocloric
Không quá 3,0 % (Phụ lục 9.7).
Tạp chất
Không được có đất, cát, sỏi (Phụ lục 12.11).
Kim loại nặng
Không quá 2,0 phần triệu Pb; 1,0 phần triệu Cd. 0,5 phần triệu Hg; 1,0 phần triệu As (Phụ lục 9.4.11).
Định lượng
Cân chính xác khoảng 10 g bột dược liệu đã xác định độ ẩm cho vào túi giấy lọc, đặt túi vào bình Soxhlet, chiết bằng cloroform (TT) đến khi dịch chiết không còn màu (để loại chlorophyl). Loại bỏ dịch chiết clorofor. Sau đó chiết bằng methanol (TT) trong 2 h. Lọc, lấy dịch lọc cất thu hồi dung môi đến còn khoảng 20 ml, rót từ từ vào 100 ml aceton (TT), khuấy đều, sẽ xuất hiện tủa, lọc lấy tủa, hòa tan tủa vào 50 ml nước nóng, đun cách thủy cho tan hết. Lọc lấy dịch lọc vào bình gạn, chiết saponin bằng n-butanol (TT) 8 lần, mỗi lần 25 ml cho đến khi kiệt saponin. Gộp dịch chiết, cất thu hồi dung môi, cô cách thủy đến khô. Sấy cắn ở 60 °C đến khối lượng không đổi. Cân và tính hàm lượng saponin trong dược liệu theo công thức sau:
Trong đó:
a là khối lượng cắn khô saponin (g);
m là khối lượng dược liệu đem định lượng (g);
d là độ ẩm dược liệu (%).
Hàm lượng saponin toàn phần trong dược liệu không được ít hơn 4,5 % tính theo dược liệu khô kiệt.
Chế biến
Thu hái vào mùa hạ, rửa sạch, phơi khô, cắt đoạn ngắn 2 cm đến 3 cm, phơi hoặc sấy khô. Khi dùng sao vàng.
Bảo quản
Trong bao bì kín, để nơi khô, thoáng, tránh ẩm, sâu mọt.
Tính vị, qui kinh
Vị đắng. Tính hàn. Quy kinh can, phế.
Công năng chủ trị
Thanh nhiệt giải độc, chỉ ho, trừ đờm. Chủ trị đợt cấp của viêm phế quản mạn tính, viêm gan virus, viêm thận, viêm dạ dày cấp, bệnh tiểu đường, chứng tăng mỡ máu.
Cách dùng, liều lượng
Ngày dùng 15 g đến 30 g, dưới dạng thuốc sắc, hoặc có thể tán thành bột thô làm chè hãm uống.
KHÔI (Lá)
Folium Ardisiae
Lá phơi hay sấy khô của cây Khôi (Ardisia sylvestris Pitard), họ Đơn nem (Myrsinaceae).
Mô tả
Lá hình mác thuôn, dài 25 cm đến 35 cm, rộng 6 cm đến 10 cm, cuống lá dài 1,5 cm đến 3 cm, phiến lá nguyên, mép có khía răng cưa rất nhỏ, đều và sít nhau, mặt trên màu xanh lục, mặt dưới màu tím có nhiều chấm nhỏ, hai mặt đều có lông mịn như nhung.
Vi phẫu
Gân chính: Lõm ở phía trên, lồi ở phía dưới. Trên lớp biểu bì có lông che chở đa bào, lông tiết chân đơn bào, đầu đa bào. Biểu bì là một lớp tế bào xếp đều đặn. Mô dày gồm những tế bào có thành dày nằm sát dưới biểu bì. Mô mềm gồm những tế bào hình tròn thành mỏng, rải rác có các ống tiết. Các bó libe-gỗ xếp gần sát nhau thành hình vòng cung; mỗi bó libe-gỗ có libe ở ngoài, gỗ ở trong. Mô mềm ruột là những tế bào hình tròn to thành rất mỏng, rải rác có những ống tiết.
Phiến lá: Dưới lớp biểu bì trên là một hàng tế bào mô giậu, mô mềm khuyết gồm các tế bào nhỏ thành mỏng, xếp không đều.
Bột
Bột màu nâu xám, mùi thơm, vị ngọt mát. Có nhiều lông che chở đa bào, lông tiết chân đơn bào, đầu đa bào, mảnh mô mềm, lỗ khí, có nhiều mạch xoắn, tinh thể calci oxalat hình cầu gai.
Định tính
- Lấy 3 g bột dược liệu, thêm 20 ml nước cất, đun sôi trong 2 đến 3 min, lọc qua giấy lọc, lấy dịch lọc làm các phản ứng sau:
Lấy 1 ml dịch Iọc, thêm 2 giọt dung dịch sắt (III) clorid (TT) sẽ xuất hiện màu xanh đen.
Lấy 1 ml dịch lọc, thêm 2 giọt dung dịch gelatin 1 % (TT), sẽ có tủa bông trắng.
- Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).
Bản mỏng: Silica gel GF254
Dung môi khai triển: Ethyl acetat – cloroform – acid formic (3 : 3 : 1).
Dung dịch thử: Lấy 3 g bột dược liệu cho vào túi giấy lọc và đặt vào bình Soxhlet, loại tạp bằng ether dầu hỏa (TT) (khoảng sôi từ 40 °C đến 70 °C) đến khi dịch chiết không còn màu, lấy bã dược liệu, chiết bằng 30 ml ethyl acetat (TT) trong 2 h, lấy dịch chiết, cất loại dung môi tới cắn khô. Hòa tan cắn trong 1 ml methanol (TT) được dung dịch thử.
Dung dịch đối chiếu: Dùng 3 g bột lá Khôi (mẫu chuẩn), tiến hành chiết như dung dịch thử.
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt 10 ml mỗi dung dịch trên lên bản mỏng. Sau khi triển khai, lấy bản mỏng ra để khô ở nhiệt độ phòng. Phun dung dịch acid sulfuric 10 % trong ethanol (TT). Sấy nóng tấm sắc ký đến khi hiện màu các vết. Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có các vết cùng giá trị Rf và màu sắc với các vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.
Độ ẩm
Không quá 12,0 % (Phụ lục 9.6, 2 g, 100 °C, 5 h).
Tro toàn phần
Không quá 20,0 % (Phụ lục 9.8).
Tạp chất
Không được có đất, đá, sỏi (Phụ lục 12.11).
Kim loại nặng
Không quá 2,0 phần triệu Pb; 0,5 phần triệu Cd; 0,5 phần triệu Hg; 1,0 phần triệu As (Phụ lục 9.4.11).
Chất chiết được trong dược liệu
Không ít hơn 10,0 % tính theo dược liệu khô kiệt.
Tiến hành theo phương pháp chiết nóng (Phụ lục 12.10), dùng ethanol 96 % (TT) làm dung môi.
Chế biến
Sau khi thu hái, rửa sạch, phơi khô. Khi dùng, cắt đoạn dài 3 cm đến 5 cm và vi sao.
Bảo quản
Để nơi khô, thoáng, tránh ẩm.
Tính vị, qui kinh
Vị nhạt. Tính bình. Quy kinh Tỳ, vị.
Công năng chủ trì
Giáng vị khí, hòa vị, chỉ thống. Chủ trị đau dạ dày thể đa toan, nuốt chua, ợ hơi.
Cách dùng, liều lượng
Ngày dùng 12 g đến 16 g, dưới dạng thuốc sắc, hoặc thuốc bột. Ngoài ra còn phối hợp lá Khôi với lá Vối, lá Hòe nấu nước tắm trị ngứa lở.
Ghi chú: Loại lá Khôi có hai mặt đều xanh, không dùng.
LÁ MÓNG (Lá)
Folium Lawsoniae
Lá tươi hoặc đã phơi hay sấy khô của cây Lá móng (Lawsonia inermis L.), họ Tử vi (Lythraceae).
Mô tả
Lá hình trứng, gốc lá thuôn, đầu nhọn, dài 2 cm đến 3 cm, rộng 1 cm đến 1,5 cm, cuống ngắn mép lá nguyên hơi lượn sóng, mặt trên màu lục, mặt dưới màu nâu nhạt.
Vi phẫu
Gân chính: Gân lá hơi lồi ở phía dưới, hơi lõm và nhọn ở phía trên. Biểu bì trên và dưới là một lớp tế bào xếp đều đặn. Sau biểu bì trên và dưới là lớp mô dày có 2 đến 3 hàng tế bào có thành dày ở góc. Mô mềm gồm các tế bào hình đa giác thành mỏng. Rải rác trong mô mềm có calci oxalat hình cầu gai. Giữa gân chính là những bó libe-gỗ xếp thành hình cung, libe ở phía trên và dưới, các bó gỗ ở trong.
Phiến lá: Dưới lớp biểu bì trên là 2 đến 3 hàng tế bào mô giậu, mô mềm rải rác có tinh thể calci oxalat hình cầu gai.
Bột
Bột có màu xanh lục. Soi dưới kính hiển vi thấy: Mảnh mô mềm mang tinh bột, tinh thể calci oxalat hình cầu gai, mảnh mạch xoắn, mạch điểm, mạch thang.
Định tính
- Lấy khoảng 5 g bột dược liệu cho vào bình nón, thêm 30 ml ethanol 96 % (TT), đun cách thủy khoảng 10 min, lọc, dịch lọc làm các phản ứng sau:
Cho 1 ml dịch lọc vào ống nghiệm, thêm ít bột magnesi (TT) và 4 đến 5 giọt acid hydrocloric (TT). lắc đều rồi đặt vào bình cách thủy vài phút sẽ xuất hiện màu đỏ đậm.
Nhỏ 1 giọt dịch lọc lên tờ giấy lọc, sấy nhẹ cho khô rồi đặt trên miệng lọ amoniac đặc, thấy màu vàng của vết đậm lên.
Cho vào ống nghiệm 1 ml dịch lọc, thêm 2 đến 3 giọt dung dịch sắt (III) clorid 5 % (TT) sẽ xuất hiện màu xanh đen.
Lấy 1 ml dịch lọc cho vào ống nghiệm to, thêm 5 ml nước, lắc mạnh ống nghiệm theo chiều dọc sẽ có cột bọt bền 15 min.
- Lấy 5 g bột dược liệu, thêm 10 ml methanol (TT) và 10 ml dung dịch natri hydroxyd 1 N (TT), đun hồi lưu 15 min, lọc nóng. Đun cách thủy dịch lọc để loại hết methanol và thu được dịch chiết nước. Acid hóa dịch chiết nước bằng acid hydrocloric (TT) đến pH 6, sau đó lắc kỹ với 5 ml cloroform (TT), gạn lớp cloroform vào ống nghiệm, thêm 3 ml amoniac (TT), lắc đều, lớp amoniac sẽ xuất hiện màu đỏ.
Độ ẩm
Không quá 12,0 % (Phụ lục 9.6, 2 g, 100 °C, 5 h).
Tỉ lệ vụn nát
Qua rây có kích thước mắt rây 4 mm: Không quá 1,0 % (Phụ lục 12.12).
Tạp chất (Phụ lục 12.11)
Tạp chất vô cơ: Không được có.
Bộ phận khác của cây: Không quá 2,0 %.
Chế biến
Thu hái lá, phơi khô hoặc sấy khô. Khi dùng tiến hành vi sao.
Bảo quản
Để nơi khô mát, tránh ẩm.
Tính vị, qui kinh
Vị đắng hơi chát. Tính ấm. Quy kinh can, thận.
Công năng chủ trị
Hoạt huyết, tán ứ. Chủ trị đau nhức xương khớp, tê bại chân tay, bế kinh, hoặc phụ nữ kinh nguyệt không đều. Còn dùng khi bị chấn thương sưng tấy cơ nhục, sang lở, mụn nhọt, hắc lào, nấm móng tay, móng chân, rắn cắn.
Cách dùng, liều lượng
Ngày dùng 8 g đến 12 g, dưới dạng thuốc sắc. Dùng ngoài: Lấy Lá móng giã nát, trộn với giấm thành bột nhão đắp vào nơi bị sưng đau, hoặc nhọt độc, hoặc vết rắn cắn. Cũng có thể nấu nước ngâm rửa.
Kiêng kỵ
Phụ nữ có thai, hoặc đa kinh không dùng.
LINH CHI
Ganoderma
Nấm lim, Nấm trường thọ
Thể quả hóa gỗ đã phơi hay sấy khô của Linh chi [Ganoderma lucidum (Leyss. ex Fr.) Karst.), họ Nấm lim (Ganodermataceae).
Mô tả
Thể quả dạng hình thận, hình tròn hay hình quạt, hóa gỗ, cứng, đường kính 5 cm đến 18 cm, dày 1 cm đến 2 cm. Mặt trên màu nâu vàng đến nâu đỏ, bóng loáng như đánh vecni, có những vòng đồng tâm và nếp nhăn tỏa ra, mép mỏng, nhẵn, hơi lượn sóng. Mặt dưới màu vàng nâu đến nâu nhạt với các lỗ nhỏ li ti. Phần trong xốp, màu trắng đến nâu nhạt. Cuống hình trụ, đính lệch, có khi phân nhánh, dài 6 cm đến 10 cm, đường kính 1 cm đến 3,5 cm, màu nâu đỏ đến nâu đen. Mùi thơm nhẹ, vị đắng.
Bột
Bột màu vàng nâu. Soi bột dưới kính hiển vi thấy: Sợi nấm rải rác hoặc tụ thành đám, không màu hoặc nâu nhạt, mảnh, hơi cong, phân nhánh, đường kính 2,5 mm đến 6 mm. Bào tử hình trứng, màu nâu, đứng riêng lẻ hay tụ thành từng đám, dài 8 mm đến 12 mm, rộng 5 mm đến 8 mm, đỉnh trơn nhẵn, lớp vỏ ngoài không màu, lớp vỏ trong có nhiều chỗ lồi ra.
Định tính
- Lấy 2 g bột dược liệu, thêm 20 ml ethanol 96 % (TT), đun sôi hồi lưu 1 h, lọc. Nhỏ vài giọt dịch lọc lên tờ giấy lọc, sấy nhẹ cho khô, phun hỗn hợp dung dịch sắt (III) clorid 0,9 % (TT) và dung dịch kali fericyanid 0,6 % (TT) theo tỷ lệ (1 : 1), sẽ có màu xanh lơ.
- Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).
Bản mỏng: Silica gel G.
Dung môi khai triển: Ether dầu hỏa (khoảng sôi 60 °C đến 90 °C) – ether ethylic – acid formic (15 : 5 : 1).
Dung dịch thử: Lấy 2 g bột thô dược liệu, thêm 30 ml methanol (TT), đun hồi lưu trong 30 min, lọc. Bốc hơi dịch lọc trên cách thủy đến cạn. Hòa cắn trong 2 ml methanol (TT).
Dung dịch đối chiếu: Lấy 2 g bột thô Linh chi (mẫu chuẩn) tiến hành chiết như mẫu thử.
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 5 ml mỗi dung dịch thử và dung dịch đối chiếu. Triển khai sắc ký đến khi dung môi đi được 10 cm đến 12 cm, lấy bản mỏng ra, để khô trong không khí, quan sát dưới đèn tử ngoại, bước sóng 366 nm.
Sắc ký đồ của dung dịch thử phải có các vết giống với các vết của dung dịch đối chiếu về màu sắc và vị trí (có ít nhất 4 vết phát quang màu vàng ánh xanh, trong đó có vết thứ hai từ trên xuống có cường độ đậm hơn nhiều so với các vết khác).
Độ ẩm
Không quá 17,0 % (Phụ lục 9.6, 1 g; 100 °C; 5 h).
Tro toàn phần
Không quá 3,0 % (Phụ lục 9.8).
Tro không tan trong acid
Không quá 0,5 % (Phụ lục 9.7).
Chất chiết được trong dược liệu
Không ít hơn 3,0 % tính theo dược liệu khô kiệt.
Tiến hành theo phương pháp chiết nóng (Phụ lục 12.10). Dùng ethanol 95 % (TT) làm dung môi.
Chế biến
Thu hái quanh năm, lúc trời khô ráo, loại bỏ tạp chất, phơi khô trong râm hay sấy ở 40 °C đến 50 °C đến khô.
Bào chế
Đem phần thể quả phơi khô hoặc sấy khô ở nhiệt độ 50 °C đến 60 °C đồ cho mềm rồi thái phiến dài 5 cm đến 7 cm, dày 2 mm đến 3 mm, phơi hoặc sấy cho khô.
Bảo quản
Trong bao bì kín, để nơi khô ráo, tránh mốc mọt, sâu bọ.
Tính vị, qui kinh
Vị hơi đắng, ngọt. Tính ôn, bình, không độc. Quy kinh can, thận.
Công năng, chủ trị
Hành khí, hoạt huyết, tư bổ chính khí. Chủ trị hư lao (sức đề kháng, tiêu hóa kém, mỡ máu cao, khí huyết hư), khí huyết ứ trệ (bệnh mạch vành, tăng huyết áp, thống phong thấp khớp).
Cách dùng, liều lượng
Ngày dùng 2 g đến 5 g, dưới dạng sắc hoặc thuốc bột, hoặc dạng chè tan, có thể dùng riêng hoặc phối hợp với Nhân sâm.
RAU ĐẮNG ĐẤT
Herba Glini oppositifolii
Toàn cây phơi hay sấy khô của cây Rau đắng đất [Glinus oppositifolius (L.) A. DC.], họ Rau đắng đất (Molluginaceae).
Mô tả
Phần trên mặt đất có dạng dây leo, sau khi phơi khô có màu vàng rơm. Thân và cành rất mảnh, dài khoảng 20 cm đến 30 cm, nhẵn, đường kính khoảng 0,7 mm đến 1 mm. Lá mọc vòng, to nhỏ không đều, hình mác thuôn, mép nguyên, dài 1 cm đến 1,5 cm, rộng 3 mm đến 10 mm. Cụm hoa chùm, lá bắc ở gốc hoa, hoa mọc tụm 2 đến 5 ở kẽ lá, cuống hoa dài 1 cm đến 1,5 cm, nhị 5, nhụy 3 ô.
Vi phẫu
Lá:
Phần gân lá: Mặt trên lồi, mặt dưới lõm. Biểu bì trên và dưới gồm một lớp tế bào hình chữ nhật, to, xếp đều đặn, mang lông che chở. Mô mềm gồm các tế bào thành mỏng, tròn hoặc đa giác không đều, các góc có khoảng gian bào nhỏ. Bó libe-gỗ nằm giữa gân lá, libe phía ngoài, gỗ ở phía trong. Libe gồm những tế bào nhỏ, xếp thành từng bó hình nón.
Phần phiến lá: Biểu bì trên và dưới gồm một lớp tế bào hình chữ nhật, xếp đều đặn, màng ngoài hóa cutin. Mô giậu cấu tạo bởi 2 đến 3 hàng tế bào hình chữ nhật xếp vuông góc với lớp biểu bì, chiếm một nửa bề dày phiến lá. Mô khuyết nằm ở phần thịt lá, cấu tạo bởi những tế bào tròn xếp lộn xộn, để hở những khuyết nhỏ. Tiếp giáp giữa mô khuyết và mô giậu là các bó libe-gỗ của gân phụ và các mạch xoắn.
Thân: Mặt cắt thân cây tròn, từ ngoài vào trong có biểu bì là một hàng tế bào hình chữ nhật xếp đều đặn, mang lông che chở đơn bào, đa bào. Mô mềm vỏ là những tế bào thành mỏng, phía trong mô mềm có các tế bào thành hóa gỗ tạo thành một vòng mô cứng. Bó libe-gỗ tạo thành vòng tròn. Libe nằm bên ngoài gồm các tế bào nhỏ, xếp thành một vòng bao quanh mô gỗ. Gỗ có các mạch gỗ to xếp thành hàng dãy xuyên tâm. Mô mềm ruột ở chính giữa thân, gồm nhiều tế bào lớn hình tròn, kích thước không đều nhau, có thành rất mỏng.
Rễ: Mặt cắt tròn. Từ ngoài vào trong có lớp bần gồm các tế bào nhỏ, dẹt, xếp thành dãy đồng tâm và dãy xuyên tâm. Mô mềm vỏ là những tế bào đa giác thành mỏng xếp lộn xộn. Libe-gỗ xếp thành từng bó, mỗi bó có libe phía ngoài, mạch gỗ phía trong. Các bó libe-gỗ rất phát triển. Các bó libe-gỗ xếp rải rác thành bốn vòng đồng tâm. Ở tâm các bó libe-gỗ xếp sát nhau tạo thành hình tròn. Các bó libe-gỗ cách nhau bởi những tia ruột rất hẹp, xếp thành vòng gần như liên tục.
Bột
Màu vàng, mùi thơm nhẹ, vị nhạt.
Soi dưới kính hiển vi có các đặc điểm sau: Mảnh mô mềm màu vàng, tế bào hình đa giác, thành mỏng. Mảnh biểu bì mang lỗ khí. Tế bào mô cứng thành dày, có ống trao đổi rõ, đứng riêng lẻ hoặc thành đám, màu đỏ. Mảnh mạch xoắn. Mảnh bần gồm các tế bào thành mỏng. Hạt tinh bột hình tròn, rốn hạt phân nhánh. Hạt phấn hình tròn màu vàng. Tế bào lỗ khí. Tinh thể calci oxalat hình khối. Lông che chở. Sợi và bó sợi.
Định tính
- Cho vào ống nghiệm 1 g bột dược liệu, thêm 5 ml nước, đun sôi nhẹ, lọc nóng. Dịch lọc cho vào ống nghiệm, thêm 10 ml nước. Lắc mạnh trong vòng 2 min theo chiều dọc của ống nghiệm. Xuất hiện cột bọt cao khoảng 4 cm và bền sau 15 min.
- Lấy 2 g bột dược liệu vào ống nghiệm, thêm 10 ml ethanol 96 % (TT), đun nóng khoảng 80 °C trong 10 min, lọc nóng. Bốc hơi dịch lọc tới cắn. Thêm 1 ml cloroform (TT), lắc cho tan cắn. Thêm 1 ml acid sulfuric (TT), lắc đều. Thấy xuất hiện màu đỏ.
Độ ẩm
Không quá 14,0 % (Phụ lục 9.6, 1 g, 85 oC, 3 h).
Tro toàn phần
Không quá 12,0 % (Phụ lục 9.8).
Tạp chất
Không quá 1,0 % (Phụ lục 12.11).
Chất chiết được trong dược liệu
Không dưới 20,0 % tính theo dược liệu khô kiệt.
Tiến hành theo phương pháp chiết nóng (Phụ lục 12.10). Dùng nước làm dung môi.
Chế biến
Thu hái vào khoảng tháng 3 đến 4 trong năm, rửa sạch, phơi khô hoặc sấy khô ở nhiệt độ 50 °C đến 60 oC. Khi dùng cắt thành đoạn 3 cm đến 5 cm và chế vi sao.
Bảo quản
Trong bao bì kín, để nơi khô, tránh ẩm mốc, sâu mọt.
Tính vị, qui kinh
Vị đắng tính mát. Quy kinh can, đởm, bàng quang.
Công năng chủ trị
Thanh trừ thấp nhiệt. Kiện tỳ, lợi tiểu, tiêu viêm, nhuận gan mật. Chủ trị các chứng sốt cao, tiểu bí, tiểu buốt, dắt, viêm gan vàng da, ăn uống không tiêu, dị ứng mẩn ngứa, u nhọt.
Cách dùng, liều lượng
Dùng dưới dạng thuốc sắc, ngày 8 g đến 12 g.
Dùng ngoài: Giã nát, thêm ít dầu thầu dầu, trộn đều rồi hơ nóng làm thuốc đắp trị đau đầu, hoặc đem cây tươi nấu nước rửa chỗ bị ngứa, ghẻ lở, mụn nhọt ngoài da.
SỬ QUÂN TỬ
Semen Quisqualis
Hạt đã phơi hay sấy khô lấy từ quả già của cây Quả giun (Quisqualis indica L.), họ Bàng (Combretaceae).
Mô tả
Hạt hình thoi dài 1,5 cm đến 2,5 cm, đường kính 0,5 cm đến 0,8 cm, vỏ mỏng, màu nâu xám. Hai lá mầm dày, màu trắng ngà.
Soi bột
Bột màu trắng ngà, vị bùi, hơi ngọt. Soi dưới kính hiển vi thấy: mảnh mô mềm, có khi mang những tinh thể calci oxalat hình cầu gai. Những giọt dầu riêng lẻ hoặc nằm trong các mảnh mô. Mảnh biểu bì vỏ hạt hình nhiều cạnh, thành dày. Những mảnh mạch xoắn nhỏ, rất ít.
Định tính
- Lấy một ít bột dược liệu trên phiến kính, cho vào một giọt dung dịch Sudan III (TT), soi dưới kính hiển vi thấy các giọt dầu nhuộm màu vàng cam.
- Lấy 2 g bột dược liệu, thêm 10 ml ethanol 90 % (TT), đun nóng, lắc, lọc. Lấy 1 ml dịch lọc, thêm 1 ml thuốc thử Fehling (TT), đun sôi, xuất hiện tủa đỏ gạch.
- C. Lấy khoảng 5 g bột dược liệu, thấm ẩm bằng 2 ml amoniac (TT). Chiết bằng 40 ml cloroform (TT) bằng cách đun hồi lưu trên cách thủy trong 2 h, thỉnh thoảng lắc. Lọc, lắc dịch lọc với 5 ml dung dịch acid sulfuric 1 N (TT), lấy phần dịch acid chia vào 4 ống nghiệm:
Ống 1: Thêm một giọt thuốc thử Mayer (TT), dịch chiết cho tủa trắng.
Ống 2: Thêm một giọt thuốc thử Dragendorff (TT), dịch chiết cho tủa màu vàng cam.
Ống 3: Thêm một giọt thuốc thử Bouchardat (TT), dịch chiết cho tủa màu vàng nâu.
Ống 4: Thêm một giọt dung dịch acid picric 1 % (TT), dịch chiết cho tủa vàng.
- Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).
Bản mỏng: Silica gel GF254
Dung môi khai triển: Ether dầu hỏa (khoảng sôi từ 30 °C đến 60 °C) – aceton – methanol (9,5 : 2,5 : 0,5).
Dung dịch thử: Lấy 2 g bột dược liệu, thêm 10 ml methanol (TT) ngâm qua đêm, lọc, bốc hơi dịch lọc trên cách thủy đến còn 1 ml.
Dung dịch đối chiếu: Lấy 2 g bột Sử quân tử (mẫu chuẩn) tiến hành chiết như dung dịch thử.
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt 4 ml dung dịch thử và dung dịch đối chiếu lên bản mỏng. Sau khi triển khai, lấy bản mỏng để khô trong không khí, rồi quan sát dưới ánh sáng tử ngoại ở bước sóng 365 nm. Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có các vết huỳnh quang cùng màu và cùng giá trị Rf với các vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.
Độ ẩm
Không quá 13,0 % (Phụ lục 9.6, 1 g, 100 °C, 3 h).
Tạp chất
Tỷ lệ hạt sẫm màu không quá 1,0 % (Phụ lục 12.11).
Chất chiết được trong dược liệu
Không ít hơn 15,0 % tính theo dược liệu khô kiệt.
Tiến hành theo phương pháp chiết nóng (Phụ lục 12.10), dùng nước làm dung môi.
Chế biến
Khi trời khô ráo, hái quả già, phơi khô, tách vỏ, tiếp tục phơi chỗ râm mát hay sấy ở 40 oC đến 50 oC đến khô.
Bào chế
Lấy quả chín khô, đập dập vỏ quả, bóc lấy nhân bên trong ngâm vào nước sôi 5 min, xát bỏ lớp vỏ mỏng bên ngoài, phơi khô hoặc sấy khô. Khi dùng, sao vàng.
Bảo quản
Để nơi khô ráo, tránh mốc mọt, định kỳ phơi sấy lại.
Tính vị, qui kinh
Vị ngọt. Tính ôn, không có độc. Quy kinh tỳ, vị.
Công năng, chủ trị
Khu trùng tiêu tích, kiện tỳ, tiêu cam. Chủ trị: Giun đũa, giun kim, các chứng cam tích ở trẻ em (bụng ỏng, da xanh, mắt mũi nhoèn gỉ).
Cách dùng, liều lượng
Trẻ em: Ngày dùng 3 g đến 8 g. Người lớn: Ngày dùng 8 g đến 12 g, dưới dạng thuốc bột, thuốc sắc. Thường phối hợp với các vị thuốc khác.
Kiêng kỵ
Khi dùng cần phải loại bỏ lớp vỏ nhân, đồng thời không nên uống nước chè để tránh bị nấc.
TINH DẦU GỪNG
Oleum Zingiberis
Tinh dầu thu được từ thân rễ cây Gừng (Zingiber officinale Rosc.), họ Gừng (Zingiberaceae) bằng phương pháp cất kéo hơi nước.
Tính chất
Chất lỏng trong, màu vàng nhạt đến vàng, mùi thơm gừng đặc trưng, vị hơi cay nóng, dễ tan trong ether, cloroform, tan trong ethanol 96%.
Tỷ trọng
Ở 20 °C: Từ 0,865 đến 0,885 (Phụ lục 6.5).
Chỉ số khúc xạ
Ở 20 °C: Từ 1,484 đến 1,494 (Phụ lục 6.1).
Góc quay cực riêng
Ở 20 °C: Từ -48° đến -28° (Phụ lục 6.4).
Định tính
Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).
Bản mỏng: Silica gel G.
Dung môi khai triển: n-Hexan – ether (3 : 7).
Dung dịch thử: Dung dịch tinh dầu 1 % trong cloroform (TT).
Dung dịch đối chiếu: Dung dịch tinh dầu gừng 1 % trong cloroform (TT) [mẫu chuẩn: Tinh dầu của thân rễ cây Gừng (Zingiber officinale) thu được bằng phương pháp cất kéo hơi nước].
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 5 ml dung dịch thử và dung dịch chuẩn. Triển khai sắc ký cho tới khi dung môi đi được 10 cm. Để khô bản mỏng ở nhiệt độ phòng và phun dung dịch vanillin 1 % trong acid sulfuric (TT). Sấy bản mỏng ở nhiệt độ 105 °C trong 5 min. Sắc ký đồ của dung dịch thử phải có các vết chính cùng màu sắc và giá trị Rf với các vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.
Cắn sau khi bay hơi
Không quá 5 g/l (Phụ lục 12.15).
Bảo quản
Đóng đầy, đựng trong chai nút kín, để nơi khô mát, tránh ánh sáng.
TINH DẦU HÚNG CHANH
Oleum Plectranthi amboinici
Tinh dầu Tần dày lá
Tinh dầu thu được từ lá tươi của cây Húng chanh [Plectranthus amboinicus (Lour.) Spreng.], họ Bạc hà (Lamiaceae), bằng cách cất kéo hơi nước.
Tính chất
Chất lỏng trong suốt, có màu vàng đến màu vàng sậm, đôi khi có ánh xanh nhạt, mùi đặc biệt, vị cay nóng. Dễ tan trong cloroform, ether dầu hỏa, ethanol 96 %.
Tỷ trọng
Ở 20 oC: Từ 0,890 đến 0,920 (Phụ lục 6.5).
Chỉ số khúc xạ
Ở 20°C: Từ 1,480 đến 1,510 (Phụ lục 6.1).
Góc quay cực riêng
Ở 20 oC: Từ -25° đến -3° (Phụ lục 6.4).
Định tính
- Hòa tan 2 giọt tinh dầu trong 5 ml ethanol 90 % (TT), thêm 2 giọt dung dịch sắt (III) clorid 3 %, dung dịch phải có màu xanh rêu đậm.
- Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).
Bản mỏng: Silica gel G.
Dung môi khai triển: Ether dầu hỏa – ethyl acetat (80 : 20).
Dung dịch thử: Dung dịch tinh dầu 0,1 % trong cloroform (TT).
Dung dịch đối chiếu: Dung dịch tinh dầu Húng chanh 0,1 % trong cloroform (TT) (mẫu chuẩn: Tinh dầu thu được bằng phương pháp cất kéo hơi nước).
Cách tiến hành: Chấm 20 ml mỗi dung dịch trên lên bản mỏng. Triển khai sắc ký đến khi dung môi đi được 10 cm, lấy bản mỏng ra, để khô ở nhiệt độ phòng, phun dung dịch mới pha vanilin 1 % trong acid sulfuric (TT). Sấy ở 105 °C trong 5 min. Trên sắc ký đồ của dung dịch thử sẽ xuất hiện các vết: 2 vết màu tím có Rf khoảng 0,55 đến 0,70; một vết màu hồng đỏ có Rf khoảng 0,45 và một vết màu xanh đậm có Rf khoảng 0,33 cùng màu sắc và giá trị Rf với các vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.
Cắn sau khi bay hơi
Không quá 0,5 % (theo khối lượng) (Phụ lục 12.15).
Cân 2 g chế phẩm, thêm 5 ml nước. Bốc hơi trên cách thủy đến khô, sấy chén ở nhiệt độ 100 °C đến 105 °C trong 1 h. Lượng cắn còn lại không được quá 1,0 mg.
Bảo quản
Chứa trong bình nút kín, để chỗ mát, tránh ánh sáng.
TINH DẦU NGHỆ
Oleum Curcumae
Tinh dầu thu được từ thân rễ cây Nghệ (Curcuma longa L), họ Gừng (Zingiberaceae) bằng phương pháp cất kéo hơi nước.
Tính chất
Chất lỏng trong, màu vàng nhạt đến vàng cam, mùi nghệ đặc trưng, dễ tan trong ether, cloroform, ethyl acetat, aceton, methanol, ethanol.
Tỷ trọng
Ở 20 oC: Từ 0,925 đến 0,935 (Phụ lục 6.5).
Chỉ số khúc xạ
Ở 20 °C: Từ 1,4850 đến 1,5250 (Phụ lục 6.1).
Góc quay cực riêng
Ở 20 oC: Từ -27° đến -24o (Phụ lục 6.4).
Định tính
Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).
Bản mỏng: Silica gel G.
Dung dịch thử: Dung dịch tinh dầu 1 % trong cloroform (TT).
Dung dịch đối chiếu: Dung dịch tinh dầu Nghệ 1 % trong cloroform (TT) [mẫu chuẩn: Tinh dầu Nghệ thu được từ thân rễ cây Nghệ (Curcuma longa) bằng phương pháp cất kéo hơi nước].
Dung môi khai triển: Toluen – ethyl acetat (97 : 3).
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 5 ml dung dịch thử và dung dịch đối chiếu thành vạch dài 3 mm, tiến hành sắc ký cho tới khi dung môi đi được 10 cm. Để khô bản mỏng ở nhiệt độ phòng và phun dung dịch vanilin – acid sulfuric (TT). Sấy bản mỏng ở nhiệt độ 105 °C trong 5 min. Sắc ký đồ của dung dịch thử phải có các vết chính cùng màu sắc và giá trị Rf với các vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.
Cắn sau khi bay hơi
Không quá 5 g/l (Phụ lục 12.15).
Bảo quản
Đóng đầy, đựng trong chai nút kín, để nơi khô mát, tránh ánh sáng.
TRINH NỮ HOÀNG CUNG (LÁ)
Folium Crini latifolii
Lá đã phơi hay sấy khô của cây Trinh nữ hoàng cung (Crinum latifolium L.), họ Thủy tiên (Amaryilidaceae).
Mô tả
Lá hình dài, dài 30 cm đến 50 cm, rộng 3 cm đến 8 cm, mỏng, nhẹ, ở giữa dày, càng ra mép lá càng mỏng, mép gợn sóng, đầu nhọn hay tù, gốc phẳng. Phiến lá có màu nâu vàng hoặc nâu nhạt, cỏ rất nhiều gân nhỏ song song với gân chính. Thể chất dai, mặt bẻ có nhiều sợi tơ nhỏ màu trắng. Mùi hơi chua, hắc đặc biệt, vị hơi đắng.
Vi phẫu
Biểu bì trên và dưới gồm các tế bào nhỏ hình vuông thành dày hóa cutin, xếp đều đặn thành hàng, rải rác có lỗ khí. Mô giậu không rõ. Ở phần phiến lá, mỗi gân phụ được cấu tạo từ một bó libe-gỗ gồm 2 đến 3 mạch gỗ cùng với libe xếp thành hàng vuông góc với bề mặt biểu bì. Xen kẽ giữa các bó libe-gỗ là mô khuyết, phía trên các mô khuyết thường có các đám sợi. Mô mềm gồm những tế bào thành mỏng, kích thước không đều. Phần gân chính có cấu tạo tương tự như gân phụ nhưng bó libe gỗ to hơn và ở phần lồi, sát lớp biểu bì dưới có một đám mô dày.
Bột
Bột màu nâu nhạt, mùi đặc trưng, vị hơi đắng. Mảnh biểu bì mang lỗ khí. Mảnh biểu bì mang cutin lồi. Nhiều mảnh mạch vòng đơn hoặc đan chéo vào nhau, mạch vạch, các mảnh mạch xếp thưa đặc biệt. Tinh thể calci oxalat hình kim, thường bị gãy, đứng riêng lẻ hay tụ lại thành từng đám.
Định tính
- Lấy 2 g bột dược liệu, thêm 20 ml ethanol 96 % (TT), đun sôi trên cách thủy 5 min, lọc, lấy 2 ống nghiệm, mỗi ống cho 1 ml dịch lọc để làm các phản ứng sau:
Ống nghiệm 1: Thêm vài giọt dung dịch natri hydroxyd 5 % (TT), dung dịch chuyển từ màu vàng nhạt sang màu cam đậm.
Ống nghiệm 2: Thêm 0,5 ml acid hydrocloric (TT), thêm một ít bột magnesi (TT), dung dịch có màu đỏ.
- Lấy 2 g bột dược liệu, làm ẩm bằng amoniac đậm đặc (TT), thêm 30 ml cloroform (TT), lắc siêu âm 15 min, lọc. Cô dịch lọc trên cách thủy đến cạn. Hòa cắn trong 10 ml dung dịch acid hydrocloric 0,1 N (TT), lọc, lấy 3 ống nghiệm, mỗi ống cho 2 ml dịch lọc để làm các phản ứng sau:
Ống nghiệm 1: Thêm 1 giọt thuốc thử Mayer (TT), cho tủa trắng.
Ống nghiệm 2: Thêm 1 giọt thuốc thử Bouchardat (TT), cho tủa nâu.
Ống nghiệm 3: Thêm 1 giọt thuốc thử Dragendorff (TT), cho tủa đỏ cam.
- C. Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).
Bản mỏng: Silica gel G.
Dung môi khai triển: Cloroform – methanol – amoniac (7 : 1 : 0,05).
Dung dịch thử: Lấy 4 g bột thô dược liệu, thêm 50 ml ethanol 50 % (TT), đun hồi lưu trong 1 h, lọc. Cô dịch lọc trên cách thủy đến cạn. Hòa cắn trong 10 ml nước. Kiềm hóa dung dịch bằng amoniac (TT) đến pH 10 đến 11, lắc với 30 ml cloroform (TT). Gạn lấy dịch chiết cloroform, cô trên cách thủy đến cạn. Hòa cắn trong 1 ml hỗn hợp cloroform – methanol (9 : 1).
Dung dịch đối chiếu 1: Hòa tan crinamidin chuẩn trong hỗn hợp cloroform – methanol (9 : 1) để được dung dịch có nồng độ khoảng 0,5 mg/ml
Dung dịch đối chiếu 2: Lấy 4 g bột thô lá Trinh nữ hoàng cung (mẫu chuẩn) tiến hành chiết như mẫu thử.
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 10 ml mỗi dung dịch thử và dung dịch đối chiếu. Triển khai sắc ký đến khi dung môi đi được 10 cm đến 12 cm, lấy bản mỏng ra, để khô trong không khí, phun thuốc thử Dragendorff (TT).
Sắc ký đồ của dung dịch thử phải có các vết giống với các vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu 2 về màu sắc và vị trí, trong đó có một vết có vị trí và màu sắc tương ứng với vết crinamidin trong sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu 1.
- Trong phần Định lượng, sắc ký đồ của dung dịch thử phải cho pic có cùng thời gian lưu với pic của crinamidin trong sắc ký đồ dung dịch chuẩn.
Độ ẩm
Không quá 12,0 % (Phụ lục 9.6, 1 g; 100 °C; 5 h).
Tro toàn phần
Không quá 12,0 % (Phụ lục 9.8).
Tạp chất
Không quá 0,5 % (Phụ lục 12.11).
Định lượng
- Định lượng alcaloid toàn phần
Cân chính xác khoảng 10 g bột thô dược liệu (đã trừ độ ẩm) vào bình nón nút mài 250 ml, thêm 100 ml ethanol 96 % (TT) [đã acid hóa bằng dung dịch acid acetic 5 % (TT)], đun sôi hồi lưu 30 min, gạn lọc qua bông. Tiếp tục chiết như trên cho đến khi dịch chiết không còn phản ứng với thuốc thử alcaloid nữa [không còn tủa với thuốc thử Mayer (TT)]. Gộp các dịch chiết ethanol, bốc hơi trên cách thủy đến cạn. Hòa tan cắn bằng 40 ml dung dịch acid sulfuric 5 % (TT) chia làm 3 lần, mỗi lần lắc siêu âm 5 min, lọc qua giấy lọc vào một bình lắng gạn. Rửa tiếp giấy lọc bằng 10 ml dung dịch acid sulfuric 5 % (TT) nữa. Gộp dịch rửa vào bình gạn trên. Kiềm hóa dung dịch bằng amoniac (TT) đến pH = 10 rồi lắc với cloroform (TT) 5 lần, mỗi lần 30 ml. Gộp các dịch chiết cloroform vào bình gạn khác, lắc nhẹ với 50 ml nước. Gạn bỏ lớp nước. Gạn lấy lớp cloroform, làm khan bằng natri sulfat khan (TT), gạn cloroform vào bình nón 250 ml. Rửa natri sulfat khan bằng cloroform 3 lần, mỗi lần 5 ml. Gộp dịch rửa vào bình nón 250 ml trên, bốc hơi cloroform đến cắn khô. Hòa tan cắn trong 1 ml ethanol 96 % (TT), thêm chính xác 10,0 ml dung dịch acid hydrocloric 0,02 N (CĐ), lắc siêu âm 10 min, thêm 2 giọt dung dịch methyl đỏ (CT), chuẩn độ acid hydrocloric thừa bằng dung dịch natri hydroxyd 0,02 N (CĐ) đến khi dung dịch chuyển từ màu đỏ sang màu vàng.
Song song chuẩn độ mẫu trắng trong cùng điều kiện.
1 ml dung dịch natri hydroxyd 0,02 N (CĐ) tương đương với 0,005746 g lycorin (C16H17NO4, p.t.l: 287,32). Hàm lượng (X %) alcaloid toàn phần được tính theo công thức
Trong đó:
V là thể tích dung dịch natri hydroxyd 0,02 N (CĐ) đã dùng cho mẫu trắng, tính bằng ml;
v là thể tích dung dịch natri hydroxyd 0,02 N (CĐ) đã dùng cho mẫu thử, tính bằng ml;
m là khối lượng bột dược liệu đem định lượng đã trừ độ ẩm, tính bằng g.
Dược liệu phải chứa ít nhất 0,2 % alcaloid toàn phần tính theo lycorin (C16H17NO4) tính trên dược liệu khô kiệt.
- Phương pháp sắc ký lỏng (Phụ lục 5.3)
Pha động: Acetonitril – đệm phosphat 100 mM, pH = 3,0* với chương trình rửa giải như sau:
Thời gian (min) |
Đệm phosphat pH=3,0 (%, theo thể tích) |
Acetonitril (%, theo thể tích) |
0 – 40 | 90 | 10 |
40 – 41 | 90 → 60 | 10 → 40 |
41 – 60 | 60 | 40 |
60 – 61 | 60 → 90 | 40 → 10 |
61 – 65 | 90 | 10 |
* Đệm phosphat 100 mM, pH = 3,0: Hòa tan 13,6 g kali dihydrophosphat (TT) vào 800 ml nước, thêm 3 ml triethylamin (TT), lắc đều, điều chỉnh đến pH = 3,0 bằng acid phosphoric (TT), thêm nước vừa đủ 1000 ml.
Dung dịch thử: Cân chính xác khoảng 2,5 g bột dược liệu (rây qua rây có cỡ mắt rây 0,355 mm) vào bình nón nút mài 100 ml, làm ẩm bằng amoniac (TT), đậy kín, để yên trong 1 h. Thêm 50 ml hỗn hợp dung môi cloroform – methanol (3 : 1), lắc siêu âm 30 min, để lắng, lọc qua giấy lọc. Bã được chiết như trên 4 lần nữa, mỗi lần với 40 ml hỗn hợp dung môi trên. Gộp các dịch chiết hỗn hợp dung môi, cô trên cách thủy đến cạn. Dùng dung dịch acid hydrocloric 0,1 M (TT) để hòa tan và chuyển toàn bộ cắn vào bình định mức 20 ml, thêm dung dịch acid hydrocloric 0,1 M (TT) đến vạch, lắc đều, lọc qua giấy lọc thường rồi lọc tiếp qua màng lọc 0,45 mm.
Dung dịch chuẩn: Cân chính xác crinamidin chuẩn và hòa tan trong dung dịch acid hydrocloric 0,1 M (TT) để được dung dịch có nồng độ chính xác khoảng 0,1 mg/ml.
Điều kiện sắc ký:
Cột thép không gỉ (25 cm x 4,6 mm), được nhồi pha tĩnh C (5 mm).
Detector quang phổ hấp thụ tử ngoại ở bước sóng 285 nm.
Tốc độ dòng: 1 ml đến 1,5 ml/min (điều chỉnh tốc độ dòng để thời gian lưu của crinamidin khoảng 30 min).
Thể tích tiêm: 50 ml.
Cách tiến hành:
Tiêm 6 lần dung dịch chuẩn vào hệ thống sắc ký, tiến hành phân tích theo điều kiện đã nêu trên, ghi sắc ký đồ. Hệ thống sắc ký chỉ đạt yêu cầu khi độ lệch chuẩn tương đối của diện tích pic crinamidin không quá 2,0 %, hệ số đối xứng của pic crinamidin không quá 1,5, số đĩa lý thuyết trung bình của cột tính theo pic crinamidin không dưới 10 000.
Tiêm lần lượt dung dịch chuẩn và dung dịch thử. Căn cứ vào diện tích pic thu được từ dung dịch thử, dung dịch chuẩn và hàm lượng của chuẩn, tính hàm lượng của crinamidin trong dược liệu. Dược liệu phải chứa không dưới 0,08 % (theo khối lượng) crinamidin (C17H19NO5) tính theo dược liệu khô kiệt.
Chế biến
Thu hái lá từ tháng 4 đến tháng 9, loại bỏ lá vàng úa, phơi trong râm hoặc sấy ở 40 °C đến 50 °C đến khô. Khi dùng, cắt đoạn 3 cm đến 5 cm. Sao vàng.
Bảo quản
Trong bao bì kín. Để nơi khô ráo, thoáng mát. Tránh nấm mốc và sâu mọt.
Tính vị, qui kinh
Vị đắng, chát. Tính ôn. Quy kinh thận, bàng quang.
Công năng chủ trị
Lợi niệu, nhuyễn kiên, tán kết, tiêu u, giải độc (ôn bổ thận dương, hóa khí hành thủy). Chủ trị tiểu tiện bí dắt, u xơ tuyến tiền liệt, u vú, u tử cung, dạ dày. Lá tươi và thân hành dùng ngoài, hơ nóng xoa bóp vào chỗ sưng đau do thấp khớp, sang chấn.
Cách dùng, liều lượng
Ngày dùng 4 g đến 10 g, dưới dạng thuốc sắc.
VỌNG CÁCH (Lá)
Folium Premnae corymbosae
Lá đã phơi hay sấy khô của cây Vọng cách [Premna corymbosa (Burm.f.) Rottl. et Willd.], họ Cỏ roi ngựa (Verbenaceae).
Mô tả
Lá hình trái xoan dài 12 cm đến 15 cm, rộng 5 cm đến 10 cm, gốc lá tròn hay hơi hình tim, đầu tù hay có mũi nhọn ngắn, mặt trên nhẵn có màu nâu nhạt, mặt dưới có lông mịn, mép lá nguyên hoặc có khía răng cưa nhỏ ở phía đầu lá, cuống lá dài 1 cm đến 4 cm.
Vi phẫu
Phần gân chính: Gân lá phía trên hơi lồi, phía dưới lồi nhiều. Biểu bì trên và dưới là một hàng tế bào hình chữ nhật xếp đều đặn, rải rác mang lông che chở đa bào và lông tiết đơn bào. Dưới biểu bì là lớp mô dày gồm các tế bào hình trứng có thành dày lên ở góc. Mô mềm là các tế bào hình trứng không đều có thành mỏng. Ở giữa gân lá là những bó libe-gỗ xếp thành hình cung khép kín, libe ở phía ngoài, gỗ phía trong. Phía ngoài bó libe gỗ là những đám sợi. Trong cùng là mô mềm ruột gồm những tế bào hình đa giác thành mỏng.
Phiến lá: Dưới lớp biểu bì trên là 2 đến 3 hàng tế bào mô giậu, mô mềm là các tế bào hình đa giác thành mỏng, rải rác trong mô mềm có các bó libe-gỗ của gân phụ.
Bột
Bột có màu xanh nhạt, mùi thơm hắc, vi hơi đắng. Quan sát dưới kính hiển vi thấy: Mảnh biểu bì mang lỗ khí, lông che chở đa bào, lông tiết chân đơn bào, đầu đa bào. Bó sợi, mảnh mạch điểm.
Định tính
Lấy khoảng 10 g bột dược liệu, ngâm trong 100 ml methanol (TT) ở nhiệt độ phòng trong 12 h. Rút lấy dịch chiết, cất thu hồi dung môi dưới áp suất giảm còn khoảng 5 ml, thêm đồng lượng nước cất rồi cho chảy qua cột đã được chuẩn bị như sau:
Chuẩn bị cột: Cột thủy tinh có đường kính 2 cm, dài 30 cm. Nhồi vào cột 2 g hỗn hợp than hoạt tính – cát (tỉ lệ 1 : 10), rửa kỹ cột bằng nước cất tới trung tính (thử bằng giấy quỳ).
Cho dịch chiết đã pha thêm đồng lượng nước ở trên chảy qua cột, rửa cột bằng nước cất cho tới khi dịch rửa giải không còn lên màu với thuốc thử Fehling (TT). Ngâm cột với khoảng 30 ml hỗn hợp ethanol – nước (50 : 48) trong 12 h. Rút dịch chiết với tốc độ 6 giọt/min cho tới kiệt. Cô dịch chiết còn khoảng 5 ml (dung dịch A) để làm các phản ứng sau:
- Lấy 0,2 ml dung dịch A cho vào ống nghiệm, thêm 2 ml ethanol (TT), 1 ml thuốc thử Stalia 1 %, đun cách thủy trong 5 min sẽ xuất hiện màu xanh tím.
Thuốc thử Stalia 1 %: Lấy 1 g p-dimethylaminobenzaldehyd (TT) hòa trong 100 ml ethanol (TT) có chứa 5 % acid hydrocloric.
- Lấy 0,2 ml dung dịch A, thêm 2 ml methanol (TT) và 1 ml thuốc thử Bekon-Egelman, hơ nóng khoảng 5 min sẽ xuất hiện màu nâu xám.
Thuốc thử Bekon-Egelman: Lấy 1 g benzidin (TT) và 20 g acid tricloacetic (TT) hòa tan trong 100 ml methanol (TT).
Ghi chú: Than hoạt tính sử dụng ở trên phải đáp ứng yêu cầu của Dược điển Việt Nam IV.
Cát: Những hạt silic màu trắng hoặc xám nhạt, kích thước hạt từ 150 mm đến 300 mm.
- C. Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).
Bản mỏng: Silica gel GF254.
Dung môi khai triển: Ethanol – cloroform (3 : 7) hoặc Ethyl acetat – cloroform – acid formic – ethanol (5 : 8 : 1 : 1).
Dung dịch thử: Lấy 4 ml dung dịch A, cô cách thủy tới khô, hòa cắn trong 1 ml methanol (TT) được dung dịch thử.
Dung dịch đối chiếu: Lấy 10 g bột lá Vọng cách (mẫu chuẩn) và tiến hành chiết như dung dịch thử.
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 10 ml mỗi dung thử và dung dịch đối chiếu. Sau khi triển khai, lấy bản mỏng ra để khô ở nhiệt độ phòng. Phun lên bản mỏng thuốc thử Stalia 1 %, sấy nóng ở 80 oC trong vài phút sẽ xuất hiện màu. Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có các vết cùng màu và cùng giá trị Rf với các vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.
Độ ẩm
Không quá 12,0 % (Phụ lục 9.6, 3 g, 100 °C, 5 h).
Tạp chất (Phụ lục 12.11).
Tạp chất lạ như đất, sỏi, cát: Không được có.
Bộ phận khác của cây: Không quá 1,0 %.
Kim loại nặng
Không quá 6,0 phần triệu Pb; 0,5 phần triệu Cd; 0,5 phần triệu Hg; 1,5 phần triệu As (Phụ lục 9.4.11).
Chế biến
Hái các lá bánh tẻ, phơi khô hoặc sấy khô ở nhiệt độ 50 °C đến 60 °C. Khi dùng, thái nhỏ, sao vàng.
Bảo quản
Để nơi khô mát, tránh ẩm, mốc mọt.
Tính vị, qui kinh
Vị đắng nhẹ. Tính mát. Quy vào 3 kinh tâm, can, tỳ.
Công năng chủ trị
Thanh tràng chỉ lỵ, lợi niệu. Chủ trị: Lỵ ra máu, đau dạ dày, tiêu hóa kém, tiểu tiện khó khăn, ít sữa, còn dùng chữa sốt, viêm gan, chứng vàng da sau sinh.
Cách dùng, liều lượng
Ngày dùng 30 g đến 40 g dưới dạng thuốc sắc; cũng có thể dùng lá tươi vò nát lấy nước, thêm chút muối hoặc đường cho dễ uống.
XUYÊN TÂM LIÊN
Herba Andrographii
Bộ phận trên mặt đất đã phơi hay sấy khô của cây Xuyên tâm liên [Andrographis paniculata (Burm.f.) Nees], họ Ô rô (Acanthaceae).
Mô tả
Thân hình vuông, thường phân nhánh, đốt hơi phình ra, kết cấu mỏng manh, dễ gãy. Lá đơn, mọc đối, có cuống ngắn, hình mác, dài 3 cm đến 10 cm, rộng 1 cm đến 2 cm, gốc thuôn, đầu nhọn dài, hai mặt nhẵn, mặt trên màu xanh đậm, mặt dưới màu xanh nhạt. Hoa nhỏ, mọc thành chùm ở nách lá và ở ngọn cành. Mùi nhẹ, đặc trưng, vị rất đắng.
Vi phẫu
Lá: Tế bào biểu bì trên hình gần vuông hoặc hình chữ nhật, các tế bào biểu bì dưới tương đối nhỏ, cả hai bề mặt biểu bì đều có tế bào rộng chứa nang thạch hình tròn, hình bầu đục hoặc hình chùy, đường kính tới 36 mm và dài 180 mm. Có lông tiết, đôi khi có lông che chở. Đầu lông tiết dẹt, có 4, 6 hoặc 8 tế bào, đường kính tới 40 mm, cuống rất ngắn. Lông che chở gồm 1 đến 4 tế bào, dài tới 160 mm, đường kính 40 mm, bề mặt có phủ lớp cutin. Lỗ khí có nhiều ở biểu bì dưới, các tế bào phụ thay đổi nhiều về kích thước. Mô dày nằm sát biểu bì trên và biểu bì dưới của gân lá. Cung libe-gỗ nấm ở giữa gân lá, bó mạch gỗ ở phía trên và libe ở phía dưới. Mô mềm. Mô giậu gồm một hàng tế bào hình chữ nhật, xếp thẳng đứng. Mô khuyết chiếm 2/3 bề dày của phiến lá.
Thân: Biểu bì có lông tiết và lông che chở. Mô dày tập trung nhiều ở bốn góc của thân. Mô mềm vỏ. Nội bì gồm một hàng tế bào có thành dày. Bó libe-gỗ. Phần ruột gồm những tế bào mô mềm lớn. Các tinh thể calci oxalat hình kim nhỏ rải rác trong mô mềm vỏ và mô mềm ruột.
Bột
Bột màu xanh, mùi nhẹ, đặc trưng, vị rất đắng. Soi bột dưới kính hiển vi thấy: Mảnh tế bào biểu bì trên của lá với mô giậu và nang thạch nằm ở dưới; biểu bì dưới có tế bào lỗ khí, nang thạch và lông tiết. Mảnh tế bào mô mềm. Mảnh mạch hình thang, mạch xoắn, mạch điểm. Các bó sợi. Các mảnh tế bào biểu bì của thân cùng khí khổng, nang thạch và lông tiết. Rải rác có nang thạch, lông đơn bào và đa bào. Hạt phấn hình cầu, đường kính khoảng 4 mm đến 6 mm, màu vàng nâu.
Định tính
Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).
Bản mỏng: Silica gel GF254.
Dung môi khai triển: Cloroform – methanol (1 : 1).
Dung dịch thử: Lấy 1,0 g bột dược liệu qua (rây qua rây số 250), thêm 30 ml ethanol 96 % (TT), chiết siêu âm 30 min. Lọc dịch chiết, dùng 300 mg than hoạt để loại màu. Lọc lại dịch chiết và cô dưới áp suất giảm đến cắn. Hòa cắn trong 1 ml methanol (TT).
Dung dịch đối chiếu: Hòa tan andrographolid chuẩn trong ethanol (TT) để được dung dịch có nồng độ 1 mg/ml. Nếu không có chất chuẩn trên, dùng 1,0 g bột Xuyên tâm liên (mẫu chuẩn) và tiến hành chiết như dung dịch thử.
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 10 ml dung dịch thử và dung dịch đối chiếu. Triển khai sắc ký đến khi dung môi đi được 10 cm đến 12 cm, lấy bản mỏng ra để khô ngoài không khí. Quan sát dưới đèn tử ngoại ở bước sóng 254 nm, xuất hiện các vết tắt quang. Phun lên bản mỏng dung dịch vanilin 2 % trong acid sulfuric (TT). Sấy bản mỏng ở 110 °C trong 5 min.
Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có vết tương ứng về vị trí và màu sắc với vết của andrographolid trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu. Nếu dùng dược liệu Xuyên tâm liên chuẩn để chiết dung dịch đối chiếu, thì trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có 5 vết màu hồng, tím đến tím đậm, cùng màu và cùng giá trị Rf với các vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.
Độ ẩm
Không quá 10,0 % (Phụ lục 9.6, 1 g, 85 °C, 4 h).
Tro không tan trong acid hydrocloric
Không quá 2,0 % (Phụ lục 9.7).
Lá
Không dưới 30 % (Phụ lục 12.11).
Tạp chất
Không quá 2,0 % (Phụ lục 12.11).
Chất chiết được trong dược liệu
Không ít hơn 8,0 % tính theo dược liệu khô kiệt.
Tiến hành theo phương pháp chiết nóng (Phụ lục 12.10), dùng ethanol 96 % (TT) làm dung môi.
Định lượng diterpen lacton
Dung dịch chuẩn: Cân chính xác khoảng 50 mg andrographolid chuẩn, cho vào bình định mức 50 ml, thêm ethanol 96 % (TT) lắc cho tan, thêm cùng dung môi đến vạch, lắc đều, được dung dịch có nồng độ 1000 mg/ml.
Xây dựng đường chuẩn:
Từ dung dịch có nồng độ 1000 mg/ml, pha các dung dịch chuẩn trong ethanol 96 % (TT) có các nồng độ lần lượt là 25, 50, 100, 150, 200, 250, 300, 400, 500 mg/ml.
Lấy chính xác 1,0 ml của mỗi dung dịch, cho vào 9 ống, để bay hết dung môi trên cách thủy đến cắn. Thêm vào mỗi ống 3 ml ethanol 96 % (TT), lắc đều. Ngay trước khi tiến hành đo quang, thêm vào mỗi ống 500 ml thuốc thử Kedde (250 ml Kedde A và 250 ml Kedde B). Đo độ hấp thụ ở bước sóng 544 nm (Phụ lục 4.1), với mẫu trắng là 3 ml ethanol 96 % (TT) và 500 ml thuốc thử Kedde được thêm vào ngay trước khi đo. Vẽ đường chuẩn, lấy độ hấp thụ là trục tung, nồng độ là trục hoành.
Dung dịch thử: Cân chính xác khoảng 1 g bột dược liệu qua rây số 125, chiết siêu âm 3 lần, mỗi lần 30 min với 20 ml ethanol 96 % (TT). Lọc, gộp các dịch lọc, dùng 300 mg than hoạt để loại màu. Lọc lấy dịch chiết, rửa giấy lọc bằng ethanol 96 % (TT), gộp dịch lọc và dịch rửa. Cô dưới áp suất giảm đến cắn. Hòa tan cắn trong ethanol 96 % (TT), chuyển dịch ethanol vào bình định mức 100 ml, thêm ethanol 96 % (TT) đến vạch, lắc kỹ. Lấy chính xác 20,0 ml dung dịch trên cho vào bình định mức 50 ml, thêm ethanol 96 % (TT) đến vạch, lắc kỹ, được dung dịch thử. Lấy chính xác 1,0 ml dung dịch thử, cho vào ống đo, để bay hết dung môi trên cách thủy đến cắn. Thêm vào ống 3 ml ethanol 96 % (TT), lắc đều. Ngay trước khi tiến hành đo quang, thêm vào mỗi ống 500 ml thuốc thử Kedde (250 ml Kedde A và 250 ml Kedde B). Đo độ hấp thụ ở bước sóng 544 nm (Phụ lục 4.1), với mẫu trắng là 3 ml ethanol 96 % (TT) và 500 ml thuốc thử Kedde được thêm vào ngay trước khi đo. Dựa vào đường chuẩn đã xây dựng ở trên, tính nồng độ (mg/ml) của dung dịch thử, từ đó tính hàm lượng phần trăm diterpen lacton trong dược liệu theo andrographolid.
Ghi chú:
Thuốc thử Kedde A: Dung dịch acid 3,5-dinitrobenzoic 2 % trong ethanol (TT).
Thuốc thử Kedde B: Dung dịch kali hydroxyd (TT) 5,7 % trong ethanol (TT).
Phản ứng của andrographolid và thuốc thử Kedde nhanh mất màu nên quá trình đo quang cần tiến hành ngay sau khi thực hiện phản ứng tạo màu.
Hàm lượng diterpen lacton toàn phần không ít hơn 6,0 % tính theo dược liệu khô kiệt.
Chế biến
Thu hái khi cây bắt đầu ra nụ hoặc nở hoa. Loại bỏ tạp chất, rửa sạch, thái thành từng đoạn, phơi hay sấy ở 50 °C đến 60 °C đến khô.
Bào chế
Lấy dược liệu khô, sạch cắt nhỏ, sao hơi vàng.
Bảo quản
Trong bao bì kín, để nơi khô mát. Tránh sâu mọt, nấm mốc.
Tính vị, qui kinh
Vị rất đắng. Tính hàn. Quy vào kinh phế, can, tỳ.
Công năng, chủ trị
Thanh nhiệt giải độc, thanh nhiệt táo thấp, thanh tràng chỉ lỵ, thanh phế chỉ khái. Chủ trị các bệnh viêm ruột, lỵ cấp tính, viêm phổi, viêm họng, amidan, ho, ho gà, viêm gan virus, viêm đường tiết niệu, mụn nhọt, ung thũng đinh độc, rắn độc cắn.
Cách dùng, liều lượng
Ngày dùng 4 g đến 16 g dưới dạng thuốc sắc, hoặc bột. Dùng ngoài: Ngày dùng 20 g đến 40 g lá tươi, giã nát để đắp, hoặc sắc lấy nước rửa chỗ mụn nhọt, ngứa lở.
Kiêng kỵ
Do vị thuốc có vị rất đắng nên không dùng thời gian dài, ảnh hưởng đến tiêu hóa.
MỤC LỤC
Lời nói đầu
Lời giới thiệu
- Phạm vi áp dụng
- Tài liệu viện dẫn
- Các tiêu chuẩn
Phần 1: Phương pháp kiểm nghiệm thuốc và chuyên mục
Phụ lục 1
1.25 Dung dịch rửa vết thương
Phụ lục 4
4.5 Phổ khối
Phụ lục 6
6.12 Phân tích nhiệt
Phụ lục 12
12.21 Xác định hàm lượng aflatoxin B1 trong dược liệu
12.22 Xác định acid aristolochic I trong dược liệu
Phần 2: Nguyên liệu hóa dược
Acenocoumarol
Acid aminocaproic
Acid tranexamic
Amoxicilin natri
Bethamethason natri phosphat
Bupivacain hydroclorid
Cefoperazon natri
Colchicin
Diltiazem hydroclorid
Emetin hydroclorid
Heptaminol hydroclorid
Imipramin hydroclorid
Lansoprazol
Levamisol hydroclorid
Levodopa
Ouabain
Ramipril
Salbutamol sulfat
Phần 3: Thành phẩm hóa dược
Bột pha tiêm cefuroxim
Bột pha tiêm vancomycin
Dung dịch acid boric 3 %
Dung dịch iod 1 %
Dung dịch thuốc diphenhydramin
Nang clofazimin
Nang flucloxacilin
Nang lansoprazol
Nang oxytetracyclin
Thuốc nhỏ mắt betamethason
Thuốc nhỏ mắt tobramycin
Thuốc nhỏ tai cloramphenicol
Thuốc tiêm dimercaprol
Thuốc tiêm tobramycin
Viên nén acenocoumarol
Viên nén amitryptilin
Viên nén amlodipin
Viên nén aspirin và cafein
Viên nén codein phosphat
Viên nén colchicin
Viên nén colecalciferol
Viên nén cortison
Viên nén dapson
Viên nén ergocalciferol
Viên nén ethinylestradiol
Viên nén glibenclamid
Viên nén glycerin trinitrat
Viên nén hyoscin butylbromid
Viên nén imipramin
Viên nén levodopa
Viên nén nitrofurantoin
Viên nén piperazin phosphat
Viên nén ramipril
Viên nén terfenadin
Viên nén timolol
Viên ngậm amphotericin
Viên nén sủi calci gluconat
Phần 4: Dược liệu
Bách bệnh (Rễ)
Chè đắng (Lá)
Cơm cháy (Hoa)
Cúc gai (Quả)
Cỏ cứt lợn
Dầu gấc
Dây thìa canh
Giảo cổ lam
Khôi (Lá)
Lá móng (Lá)
Linh chi
Rau đắng đất
Sử quân tử
Tinh dầu gừng
Tinh dầu húng chanh
Tinh dầu nghệ
Trình nữ hoàng cung (Lá)
Vọng cách (Lá)
Xuyên tâm liên
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN II:2012 BỘ TIÊU CHUẨN QUỐC GIA VỀ THUỐC | |||
Số, ký hiệu văn bản | TCVNII:2012 | Ngày hiệu lực | 08/10/2012 |
Loại văn bản | Tiêu chuẩn Việt Nam | Ngày đăng công báo | |
Lĩnh vực |
An toàn thực phẩm Hóa chất, dầu khí |
Ngày ban hành | 08/10/2012 |
Cơ quan ban hành |
Bộ khoa học và công nghê |
Tình trạng | Còn hiệu lực |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn | Văn bản hướng dẫn | ||
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |