TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN ISO/IEC 17030:2011 (ISO/IEC 17030:2003) VỀ ĐÁNH GIÁ SỰ PHÙ HỢP – YÊU CẦU CHUNG VỀ DẤU PHÙ HỢP CỦA BÊN THỨ BA
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA
TCVN ISO/IEC 17030:2011
ISO/IEC 17030:2003
ĐÁNH GIÁ SỰ PHÙ HỢP – YÊU CẦU CHUNG VỀ DẤU PHÙ HỢP CỦA BÊN THỨ BA
Conformity assessment – General requirements for third-party marks of conformity
Lời nói đầu
TCVN ISO/IEC 17030:2011 hoàn toàn tương đương với ISO/IEC 17030:2003;
TCVN ISO/IEC 17030:2011 do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC 176 Quản lý chất lượng và Đảm bảo chất lượng biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
Lời giới thiệu
Có rất nhiều dạng dấu phù hợp cũng như việc sử dụng dấu phù hợp khác nhau. Dấu phù hợp có thể truyền đạt thông tin hữu ích về sản phẩm, hoặc chỉ ra các đặc trưng cụ thể của sản phẩm như tính an toàn, chất lượng, tính năng, độ tin cậy hay tác động tới môi trường. Có thể thấy dấu phù hợp trên sản phẩm, giấy chứng nhận hay các ấn phẩm chỉ ra sự phù hợp với những yêu cầu quy định của sản phẩm, hệ thống quản lý, dịch vụ, quá trình, con người, hay tổ chức. Điều quan trọng nhất đối với tất cả các dấu phù hợp là đạt được sự tin cậy của thị trường, gồm cả người tiêu dùng, đối với sản phẩm và các đối tượng khác được đánh giá sự phù hợp và được sử dụng dấu phù hợp.
Mục đích cơ bản của tiêu chuẩn này là tạo ra phương pháp tiếp cận thống nhất về việc sử dụng dấu phù hợp của bên thứ ba, thu hẹp khoảng cách trong các tiêu chuẩn, hướng dẫn hiện tại, giải quyết những vấn đề tiềm ẩn nảy sinh từ việc sử dụng khác nhau dấu phù hợp của bên thứ ba, đưa ra cơ sở rõ ràng và hợp lý cho việc sử dụng dấu phù hợp và thiết lập các yêu cầu chung. Tiêu chuẩn này tuy chỉ tập trung vào yêu cầu đối với dấu phù hợp của bên thứ ba, nhưng cũng có thể dùng làm hướng dẫn cho các ứng dụng khác của dấu phù hợp.
Tiêu chuẩn này được xây dựng trên cơ sở thông tin phản hồi từ thị trường và yêu cầu của những người sử dụng cũng như người cấp dấu đánh giá sự phù hợp khác nhau. Việc sử dụng tiêu chuẩn này cần dẫn tới việc nâng cao lòng tin của thị trường, sự thừa nhận quốc tế cũng như sự chấp nhận của người tiêu dùng đối với dấu phù hợp của bên thứ ba.
ĐÁNH GIÁ SỰ PHÙ HỢP – YÊU CẦU CHUNG VỀ DẤU PHÙ HỢP CỦA BÊN THỨ BA
Conformity assessment – General requirements for third-party marks of conformity
1. Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này đưa ra những yêu cầu chung về dấu phù hợp của bên thứ ba, bao gồm cả việc cấp và sử dụng dấu.
CHÚ THÍCH: Ngoài hoạt động đánh giá sự phù hợp của bên thứ ba, cũng có thể dùng tiêu chuẩn này làm hướng dẫn sử dụng dấu phù hợp.
2. Tài liệu viện dẫn
Tài liệu viện dẫn dưới đây rất cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu ghi năm công bố thì áp dụng bản được nêu. Đối với các tài liệu không ghi năm công bố thì áp dụng bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi.
TCVN ISO/IEC 17000, Đánh giá sự phù hợp – Thuật ngữ và nguyên tắc cơ bản
3. Thuật ngữ và định nghĩa
Tiêu chuẩn này áp dụng các thuật ngữ và định nghĩa trong TCVN ISO/IEC 17000 và các thuật ngữ dưới đây.
3.1. Dấu phù hợp của bên thứ ba (third-party mark of conformity)
Dấu được bảo hộ, do một tổ chức tiến hành đánh giá sự phù hợp của bên thứ ba cấp, chỉ ra rằng đối tượng đánh giá sự phù hợp (sản phẩm, quá trình, con người, hệ thống hay tổ chức) phù hợp với các yêu cầu quy định.
VÍ DỤ: Dấu phù hợp của bên thứ ba có thể là: dấu chứng nhận sản phẩm, dấu chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng/môi trường, dấu phù hợp môi trường,…
CHÚ THÍCH 1: Dấu được bảo hộ là dấu được bảo vệ về mặt pháp lý khỏi việc sử dụng trái phép.
CHÚ THÍCH 2: Yêu cầu quy định thường được nêu trong các tài liệu “quy định” như tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn quốc gia hoặc khu vực, quy chuẩn, quy định kỹ thuật.
3.2. Người sở hữu dấu phù hợp của bên thứ ba (Owner of a third-party mark of conformity)
Cá nhân hoặc tổ chức có quyền hợp pháp đối với dấu phù hợp của bên thứ ba.
3.3. Tổ chức cấp dấu phù hợp của bên thứ ba (issuer of a third-party mark of conformity)
Tổ chức cho phép sử dụng dấu phù hợp của bên thứ ba.
CHÚ THÍCH: Tổ chức cấp dấu có thể không phải là người sở hữu dấu phù hợp của bên thứ ba và có thể được ủy quyền cấp phép cho tổ chức khác.
4. Yêu cầu chung
4.1. Người sở hữu dấu phù hợp của bên thứ ba phải có trách nhiệm bảo hộ về mặt pháp lý khỏi việc sử dụng dấu trái phép.
4.2. Người sở hữu và/hoặc cấp dấu phù hợp của bên thứ ba phải
a) có các quy tắc điều hành việc sử dụng dấu phù hợp của bên thứ ba,
b) thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu những hiểu lầm và sự thiếu rõ ràng về dấu phù hợp của bên thứ ba có thể làm giảm hiệu lực của dấu,
c) có các quy tắc để đảm bảo rằng dấu phù hợp của bên thứ ba và mọi thông tin kèm theo không bị sai lệch cũng như thực hiện hành động chống lại việc sử dụng dấu một cách sai lệch,
d) có các biện pháp bảo vệ và theo dõi việc sử dụng dấu phù hợp của bên thứ ba,
e) thực hiện các hành động để giải quyết việc sử dụng sai dấu phù hợp của bên thứ ba, bao gồm việc hủy bỏ dấu hay hành động pháp lý thích hợp, và
f) thực hiện hành động và lưu giữ hồ sơ tất cả những khiếu nại liên quan đến việc sử dụng dấu phù hợp của bên thứ ba.
4.3. Khi người sở hữu hay tổ chức cấp dấu phù hợp của bên thứ ba cấp phép sử dụng dấu cho tổ chức khác, phải lập một thỏa thuận rõ ràng theo các quy tắc nêu ở 4.2 a).
5. Thiết kế và áp dụng dấu phù hợp của bên thứ ba
5.1. Thiết kế của dấu phù hợp của bên thứ ba, hoặc những tài liệu kèm theo hay thông tin công khai, sẵn có, phải nhận biết được người cấp cũng như các khía cạnh bao trùm của dấu (ví dụ an toàn, môi trường, tính năng, đạo đức), sao cho tránh được mọi sự hiểu lầm tiềm ẩn.
Cần thiết kế dấu phù hợp của bên thứ ba sao cho giảm thiểu rủi ro bị làm giả hay những dạng sử dụng sai lệch khác.
5.2. Dấu phù hợp của bên thứ ba có thể kèm theo những thông tin bổ sung giúp hiểu rõ hơn ý nghĩa của dấu. Những thông tin này phải tránh dẫn đến hiểu lầm và cần dùng ngôn ngữ mà người tiếp nhận dự kiến có thể hiểu được.
CHÚ THÍCH: Ưu tiên sử dụng các biểu tượng dễ hiểu với mọi người hơn là từ ngữ mô tả.
5.3. Dấu phù hợp của bên thứ ba phải có khả năng truy nguyên các yêu cầu quy định mà đối tượng đánh giá sự phù hợp đáp ứng.
5.4. Chỉ có thể thể hiện dấu phù hợp của bên thứ ba trên sản phẩm hay bao bì sản phẩm nếu dấu được cấp trên cơ sở đánh giá sự phù hợp của sản phẩm. Tất cả các dấu phù hợp khác của bên thứ ba như dấu liên quan đến hệ thống quản lý chất lượng hoặc môi trường và dịch vụ không được thể hiện trên sản phẩm, bao bì sản phẩm hoặc theo cách có thể được diễn giải thể hiện sự phù hợp của sản phẩm.
5.5 Khi dấu phù hợp của bên thứ ba liên quan đến sản phẩm hữu hình, phải áp dụng trực tiếp dấu cho từng sản phẩm, trừ khi kích thước vật lý của sản phẩm không cho phép làm việc này hoặc khi việc áp dụng không thích hợp với loại sản phẩm đó, trong trường hợp này có thể áp dụng với bao bì hoặc thông tin kèm theo khác. Khi dấu phù hợp của bên thứ ba chỉ liên quan đến các bộ phận nhất định của sản phẩm, những nguyên tắc điều hành việc sử dụng dấu phải bao gồm các yêu cầu nhằm giảm thiểu mọi hiểu lầm rằng dấu được áp dụng cho toàn bộ sản phẩm.
5.6. Cũng có thể viện dẫn dấu phù hợp của bên thứ ba trong các tài liệu, tài liệu quảng bá,…
6. Cấp dấu phù hợp của bên thứ ba
6.1. Việc cấp dấu phù hợp của bên thứ ba phải dựa vào hệ thống hay chương trình đánh giá sự phù hợp gồm ít nhất các yếu tố sau:
a) xác định các đặc trưng của đối tượng đánh giá sự phù hợp, khi thích hợp, gồm thử nghiệm, kiểm tra năng lực cá nhân, đánh giá tổ chức, đánh giá hệ thống quản lý,…;
b) xem xét, nghĩa là kiểm tra mức độ đáp ứng các yêu cầu quy định của đối tượng đánh giá sự phù hợp;
c) quyết định sau xem xét rằng đối tượng đánh giá sự phù hợp đáp ứng các yêu cầu quy định;
d) cấp phép, hay phương pháp khác, cho phép người khác sử dụng dấu phù hợp của bên thứ ba trừ trường hợp đề cập ở 6.2;
e) giám sát, đánh giá sự phù hợp liên tục của đối tượng đánh giá sự phù hợp với các yêu cầu cụ thể đủ để đảm bảo tính tin cậy liên tục của dấu phù hợp của bên thứ ba, trừ trường hợp đề cập ở 6.2.
6.2. Trong các hệ thống hay chương trình đánh giá sự phù hợp theo đó người cấp dấu đánh giá từng đối tượng đánh giá sự phù hợp được sản xuất trước khi áp dụng dấu phù hợp của bên thứ ba, thì không yêu cầu việc cấp phép và giám sát.
6.3. Chỉ được áp dụng dấu phù hợp của bên thứ ba theo những quy tắc được nêu trong hệ thống hay chương trình đánh giá sự phù hợp công khai, sẵn có.
6.4. Phải thiết lập theo các quy tắc của hệ thống hay chương trình đánh giá sự phù hợp, khoảng thời gian tối đa thích hợp để áp dụng dấu phù hợp của bên thứ ba khi tiêu chuẩn hay tài liệu quy định khác được sửa đổi hay trở nên lỗi thời.
7. Quyền sở hữu và kiểm soát
7.1. Thông tin
7.1.1. Người sở hữu hay cấp dấu phải cung cấp thông tin theo yêu cầu, diễn giải ý nghĩa dấu phù hợp của bên thứ ba. Phải đưa ra câu trả lời cụ thể cho các câu hỏi hoặc thắc mắc của các bên quan tâm về dấu phù hợp của bên thứ ba.
7.1.2. Người sở hữu hay cấp dấu phải duy trì và cập nhật danh mục đối tượng đánh giá sự phù hợp được cấp dấu phù hợp của bên thứ ba và danh mục đó phải sẵn có theo yêu cầu.1)
7.1.3. Người sở hữu hay cấp dấu phù hợp của bên thứ ba phải duy trì, cập nhật và có sẵn theo yêu cầu bản mô tả quyền và nghĩa vụ của người được cấp phép, cũng như những hạn chế hay giới hạn khác đối với việc sử dụng dấu.
7.2. Giấy phép
7.2.1. Thỏa thuận rõ ràng quy định ở 4.3 phải gồm những điều khoản đảm bảo rằng người được cấp phép tuân theo những quy tắc của hệ thống hay chương trình.
7.2.2. Giấy phép phải yêu cầu người được cấp phép
a) kiểm soát việc sử dụng dấu phù hợp của bên thứ ba,
b) tiến hành các hành động khắc phục trong trường hợp không phù hợp, và
c) lưu giữ hồ sơ của tất cả các khiếu nại liên quan đến việc sử dụng dấu phù hợp của bên thứ ba và hồ sơ phải sẵn có cho người sở hữu/người cấp dấu.
7.3. Theo dõi việc sử dụng dấu phù hợp của bên thứ ba
7.3.1. Người sở hữu hay cấp dấu phải thiết lập một thủ tục để giải quyết mọi việc sử dụng không đúng hay dẫn đến hiểu sai dấu phù hợp của bên thứ ba, cũng như phải tiến hành các hành động thích hợp.
CHÚ THÍCH: Hành động thích hợp có thể bao gồm việc giám sát định kỳ người được cấp phép, hành động khắc phục, hủy bỏ giấy phép, công bố vi phạm và hành động pháp lý khác khi cần. Điều này cũng áp dụng trong các trường hợp bên không liên quan đến hợp đồng với người sở hữu dấu phù hợp của bên thứ ba sử dụng sai dấu này.
7.3.2. Phải thiết lập một kế hoạch hành động khắc phục cho từng việc sử dụng sai dấu phù hợp của bên thứ ba. Kế hoạch này cần bao gồm các bước phối hợp với các bên quan tâm khác nhiều nhất có thể, tùy theo mức độ theo đó sự tham gia của họ sẽ giảm thiểu hậu quả tiêu cực từ việc sử dụng sai.
CHÚ THÍCH: Từng kế hoạch hành động khắc phục có thể khác nhau vì tình huống xoay quanh từng việc sử dụng sai dấu phù hợp của bên thứ ba sẽ khác nhau.
THƯ MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] TCVN 17011:2007 (ISO/IEC 17011:2004), Yêu cầu chung đối với tổ chức công nhận tổ chức đánh giá sự phù hợp
[2] ISO/IEC 17021:2011 (ISO/IEC 17021:2011), Yêu cầu đối với tổ chức đánh giá và chứng nhận hệ thống quản lý
[3] TCVN 7457:2004 (ISO/IEC Guide 65:1996) Yêu cầu chung đối với tổ chức vận hành hệ thống chứng nhận sản phẩm
[4] TCVN ISO 14024:2005 (ISO 14024:1999), Nhãn môi trường và công bố môi trường – Ghi nhãn môi trường kiểu 1 – Nguyên tắc và thủ tục
[5] TCVN ISO/IEC 17020, Chuẩn mực chung cho các hoạt động của tổ chức tiến hành giám định
[6] TCVN ISO/IEC 17024, Đánh giá sự phù hợp – Yêu cầu chung đối với tổ chức chứng nhận năng lực cá nhân
MỤC LỤC
Lời nói đầu
Lời giới thiệu
1. Phạm vi áp dụng
2. Tài liệu viện dẫn
3. Thuật ngữ và định nghĩa
4. Yêu cầu chung
5. Thiết kế và áp dụng dấu phù hợp của bên thứ ba
6. Cấp dấu phù hợp của bên thứ ba
7. Quyền sở hữu và kiểm soát
7.1. Thông tin
7.2. Giấy phép
7.3. Theo dõi việc sử dụng dấu phù hợp của bên thứ ba
Thư mục tài liệu tham khảo
1) Yêu cầu này tương tự về ý nghĩa với những yêu cầu ở 4.8.1 g), TCVN 7457: 2004 (ISO/IEC Guide 65: 1996).
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN ISO/IEC 17030:2011 (ISO/IEC 17030:2003) VỀ ĐÁNH GIÁ SỰ PHÙ HỢP – YÊU CẦU CHUNG VỀ DẤU PHÙ HỢP CỦA BÊN THỨ BA | |||
Số, ký hiệu văn bản | TCVNISO/IEC17030:2011 | Ngày hiệu lực | |
Loại văn bản | Tiêu chuẩn Việt Nam | Ngày đăng công báo | |
Lĩnh vực |
Lĩnh vực khác |
Ngày ban hành | |
Cơ quan ban hành | Tình trạng | Còn hiệu lực |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn | Văn bản hướng dẫn | ||
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |