TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN ISO/TS 14027:2018 (ISO/TS 14027:2017) VỀ NHÃN MÔI TRƯỜNG VÀ CÔNG BỐ NHÃN MÔI TRƯỜNG – XÂY DỰNG CÁC QUY TẮC PHÂN LOẠI SẢN PHẨM

TIÊU CHUẨN QUỐC GIA

TCVN ISO/TS 14027:2018

ISO/TS 14027:2017

NHÃN MÔI TRƯỜNG VÀ CÔNG BỐ MÔI TRƯỜNG – XÂY DỰNG CÁC QUY TẮC PHÂN LOẠI SẢN PHẨM

Environmental labels and declarations – Development of product category rules

Lời nói đầu

TCVN ISO 14027:2018 hoàn toàn tương đương với ISO/TS 14027:2017.

TCVN ISO 14027:2018 do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC 207 Quản lý môi trường biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

Lời giới thiệu

Các tiêu chuẩn về trao đổi thông tin môi trường liên quan đến sản phẩm, dựa trên cơ sở đánh giá vòng đời của sản phẩm (LCA), đều buộc phải sử dụng các quy tắc phân loại sản phẩm (PCR). Giữa những năm 2006 và 2014, từ khi xuất bản các ISO 14025, ISO 14046, ISO/TS 14067 và ISO 21930, cùng với việc xây dựng và sử dụng PCR, các nhà điều hành về công bố sản phẩm môi trường kiểu III và các trao đổi thông tin về dấu vết cũng như các tổ chức khác đã thu được các kinh nghiệm với các cấp độ khác nhau.

Nói chung, trên thị trường, chất lượng của quy tắc phân loại hiện có thường khác nhau và quy tắc phân loại nào có chất lượng thấp dễ có nguy cơ làm suy giảm tính lợi ích và tính tin cậy của quy tắc phân loại sản phẩm. Phương thức tiếp cận quốc tế thông thường để xây dựng PCR cũng có thể thúc đẩy sự tham gia của tất cả các bên quan tâm, bao gồm các tổ chức từ các nước đang phát triển, các tổ chức này có thể làm tăng thêm chất lượng và sự nhất quán của PCR nói chung.

Tiêu chuẩn này nhằm đảm bảo mức chất lượng nhất định của PCR thông qua việc cung cấp các nguyên tắc, yêu cầu và các hướng dẫn cho việc xây dựng PCR, bao gồm cả xem xét, đăng ký và cập nhật.

Tiêu chuẩn này nhằm mang lại lợi ích cho các tổ chức, chính phủ, cộng đồng và các bên quan tâm khác thông qua việc:

– Cung cấp các quy trình nhất quán và hiệu quả cho việc triển khai xây dựng PCR có chất lượng tốt;

– Cho phép hài hòa PCR, hoặc thừa nhận sự tương đương của các biện pháp, nếu phù hợp;

– Cung cấp sự hiểu biết tốt hơn về PCR đặc biệt giữa các vùng và các bên quan tâm;

– Khuyến khích chấp nhận và phổ biến PCR cho cộng đồng doanh nghiệp; tăng cường độ tin cậy, tính nhất quán (ví dụ giữa các vùng hoặc các ngành công nghiệp khác nhau) và tính minh bạch của PCR.

 

NHÃN MÔI TRƯỜNG VÀ CÔNG BỐ MÔI TRƯỜNG – XÂY DỰNG CÁC QUY TẮC PHÂN LOẠI SẢN PHẨM

Environmental labels and declarations – Development of product category rules

1  Phạm vi áp dụng

Tiêu chuẩn này quy định các nguyên tắc, yêu cầu và hướng dẫn để xây dựng, xem xét, đăng ký và nâng cấp quy tắc phân loại sản phẩm (PCR) trong phạm vi công bố môi trường kiểu III hoặc chương trình trao đổi thông tin về dấu vết dựa trên đánh giá vòng đời của sản phẩm (LCA) phù hợp theo TCVN ISO 14040 và TCVN ISO 14044 cũng như TCVN ISO 14025, TCVN ISO 14046 và ISO/TS 14067.

Tiêu chuẩn này cũng cung cấp hướng dẫn về cách giải quyết và tích hợp các thông tin môi trường bổ sung, cho dù có hoặc không dựa trên cơ sở LCA theo cách thức nhất quán và khoa học theo TCVN ISO 14025.

2  Tài liệu viện dẫn

Các tài liệu viện dẫn sau rất cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi, bổ sung (nếu có).

TCVN ISO 14020 (ISO 14020), Nhãn môi trường và bản công bố môi trường – Nguyên tắc chung.

TCVN ISO 14021:2017 (ISO 14021:2016), Nhãn môi trường và công bố môi trường – Tự công bố về môi trường (Ghi nhãn môi trường kiểm II)

TCVN ISO 14025:2009 (ISO 14025:2006), Nhãn môi trường và công bố môi trường – Công bố môi trường kiểu III – Nguyên lý và thủ tục

TCVN ISO 14040:2009 (ISO 14040:2006), Quản lý môi trường – Đánh giá vòng đời của sản phẩm – Nguyên tắc và khuôn khổ

TCVN ISO 14044:2011 (ISO 14044:2006), Quản lý môi trường – Đánh giá vòng đời của sản phẩm – Yêu cầu và hướng dẫn.

TCVN ISO 14046 (ISO 14046), Hệ thống quản lý môi trường – Dấu vết nước – Các nguyên tắc, yêu cầu và hướng dẫn sử dụng.

TCVN ISO/TS 14071:2015 (ISO/TS 14071:2014), Quản lý môi trường – Đánh giá vòng đời của sản phẩm – Quá trình xem xét phản biện và năng lực của người xem xét: Các yêu cầu bổ sung và hướng dẫn đối với TCVN ISO 14044.

ISO/TS 14067, Greenhouse gases – Carbon footprint of products – Requirements and guidelines for antification and communication (Khí nhà kính – Dấu vết cacbon của các sản phẩm – Các yêu cầu và hướng dẫn để định lượng và trao đổi thông tin).

3  Thuật ngữ và định nghĩa

Trong tiêu chuẩn này áp dụng các thuật ngữ và định nghĩa sau.

3.1

Quy tắc phân loại sản phẩm (product category rules)

PCR

Bộ quy tắc, yêu cầu và các hướng dẫn cụ thể để triển khai công bố môi trường kiểu III (3.5) và trao đổi thông tin về dấu vết cho một hoặc nhiều chủng loại sản phẩm (3.3).

CHÚ THÍCH 1: Đối với PCR về các trao đổi thông tin về dấu vết thường sử dụng một bộ định tính cho chất lượng, ví dụ CFP-PCR là trường hợp của các quy tắc phân loại sản phẩm theo dấu vết cacbon.

[NGUỒN: TCVN ISO 14025:2009 (ISO 14025:2006), 3.5, có sửa đổi – Bổ sung cụm từ “và trao đổi thông tin về dấu vết” vào định nghĩa và bổ sung Chú thích 1].

3.2

Quy tắc cốt lõi (core rules)

Bộ quy tắc đưa ra các yêu cầu nhất quán để xây dựng các quy tắc phân loại sản phẩm (3.1) đối với nhiều chủng loại sản phẩm (3.3).

CHÚ THÍCH 1: Các chủng loại sản phẩm này có thể thuộc cùng một ngành công nghiệp.

CHÚ THÍCH: Ví dụ về các quy tắc cốt lõi đối với các sản phẩm dùng trong xây dựng là ISO 21930.

3.3

Chủng loại sản phẩm (product category)

Nhóm các sản phẩm có thể thực hiện các chức năng tương đương.

[NGUỒN: TCVN ISO 14025:2009 (ISO 14025:2006), 3.12].

3.4

Công bố môi trường (environmental declaration)

Nhãn môi trường (environmental labels)

Công bố chỉ ra các khía cạnh môi trường của một sản phẩm.

CHÚ THÍCH 1: Một nhãn môi trường hoặc công bố môi trường có thể ở dạng một bản công bố, biểu tượng hoặc hình vẽ trên sản phẩm hoặc nhãn bao gói, mô tả sản phẩm, thông báo kỹ thuật, quảng cáo hoặc hoặc dưới hình thức khác.

CHÚ THÍCH 2: Thuật ngữ “sản phẩm” bao gồm các hàng hóa và các dịch vụ.

[NGUỒN: TCVN ISO 14025:2009 (ISO 14025:2006), 3.1, có sửa đổi – Xóa bỏ cụm từ “hoặc dịch vụ” trong phần định nghĩa và bổ sung Chú thích 2].

3.5

Công bố môi trường kiểu III (Type III environmental declaration)

Công bố môi trường (3.4) đưa ra dữ liệu môi trường đã được định lượng bằng việc sử dụng các thông số được định trước và các thông tin môi trường bổ sung, khi thích hợp.

CHÚ THÍCH 1: Các thông số được định trước được là dựa trên cơ sở bộ tiêu chuẩn ISO 14040, gồm có tiêu chuẩn TCVN ISO 14040 và TCVN ISO 14044.

CHÚ THÍCH 2: Các thông tin môi trường bổ sung có thể là định lượng hoặc định tính.

[NGUỒN: TCVN ISO 14025:2009 (ISO 14025:2006), 3.2].

3.6

Nhà điều hành chương trình (programme operator)

Tổ chức hoặc các tổ chức điều hành một chương trình công bố môi trường kiểu III (3.5) hoặc chương trình trao đổi thông tin về dấu vết.

CHÚ THÍCH 1: Nhà điều hành chương trình có thể là một công ty hoặc một nhóm các công ty, ngành công nghiệp hoặc hiệp hội thương mại, các cơ quan hành chính công, hoặc tổ chức khoa học độc lập hoặc các tổ chức khác.

CHÚ THÍCH 2: Xem thêm chi tiết tại Phụ lục B về các nhiệm vụ của nhà điều hành chương trình.

[NGUỒN: TCVN ISO 14025:2009 (ISO 14025:2006), 3.4, có sửa đổi – Bổ sung cụm từ “hoặc chương trình trao đổi thông tin về dấu vết” vào định nghĩa và bổ sung Chú thích 2].

3.7

Ban PCR (PCR committee)

Nhóm các bên quan tâm (3.9) được nhà điều hành chương trình (3.6) giao nhiệm vụ soạn thảo và hoàn thiện các quy tắc phân loại sản phẩm (3.1).

3.8

Mã đăng ký (registration code)

Định danh các quy tắc phân loại sản phẩm (3.1).

3.9

Bên quan tâm (interested party)

Cá nhân hoặc tổ chức có thể gây ảnh hưởng, chịu ảnh hưởng, hoặc tự nhận thấy bị ảnh hưởng bởi một quyết định hay hoạt động.

VÍ DỤ: Khách hàng, cộng đồng, nhà cung ứng, nhà quản lý, các tổ chức phi chính phủ, các nhà đầu tư và người lao động.

CHÚ THÍCH: “tự nhận thấy bị ảnh hưởng” nghĩa là đã cảm nhận được ảnh hưởng liên quan đến tổ chức.

[NGUỒN: TCVN ISO 14001:2015 (ISO 14001:2015), 3.1.6].

3.10

Đơn vị công bố (declared unit)

Lượng sản phẩm được dùng như một đơn vị tham chiếu trong công bố môi trường kiểu III (3.5) hoặc trao đổi thông tin về dấu vết, dựa trên một hoặc nhiều mô hình thông tin (3.12).

CHÚ THÍCH: Đơn vị công bố được sử dụng khi chức năng hoặc kịch bản tham chiếu đối với toàn bộ vòng đời không thể nêu ra được.

VÍ DỤ: 1 kg thép đúc mộc, 1 m3 dầu thô.

[NGUỒN: ISO 21930:2017, có sửa đổi – Định nghĩa được mở rộng nhằm bao gồm tất cả các sản phẩm, cũng như là các trao đổi thông tin về dấu vết].

3.11

Xác nhận so sánh (comparative assertion)

Công bố môi trường liên quan đến tính vượt trội hoặc tương đương của một sản phẩm so với sản phẩm cạnh tranh có cùng chức năng.

[NGUỒN: TCVN ISO 14040:2009 (ISO 14040:2006), 3.6].

3.12

Môdul thông tin (information module)

Biên soạn dữ liệu để sử dụng làm cơ sở cho công bố môi trường kiểu III (3.5) hoặc trao đổi thông tin về dấu vết, gồm một đơn vị quá trình hoặc một tập hợp các đơn vị quá trình mà là một phần của vòng đời của một sản phẩm.

CHÚ THÍCH 1: Xem thêm Phụ lục A.

[NGUỒN: TCVN ISO 14025:2009 (ISO 14025:2006), 3.13, có sửa đổi – Bổ sung cụm từ “hoặc trao đổi thông tin về dấu vết” vào định nghĩa và bổ sung Chú thích 1].

4  Các ký hiệu và các thuật ngữ viết tắt

LCA Life Cycle Assessment Đánh giá vòng đời của sản phẩm
LCI Life Cycle Inventory Kiểm kê vòng đời
PCR Product Category Rules Quy tắc phân loại sản phẩm

5  Nguyên tắc

5.1  Thông tin môi trường dựa trên LCA

PCR tuân thủ theo các điều khoản của TCVN ISO 14044, và TCVN ISO 14025, TCVN ISO 14046 và ISO/TS 14067 nếu có liên quan. PCR dựa trên sự hỗ trợ của các nghiên cứu LCA hoặc dấu vết và ngoài ra còn dựa trên các thông tin từ các nguồn khác được viện dẫn trong PCR.

CHÚ THÍCH: Các công bố môi trường kiểu III cũng bao gồm các thông tin bổ sung mà không dựa trên cơ sở LCA, như mô tả tại TCVN ISO 14025:2009, 7.2.3.

5.2  Sự tham gia của các bên quan tâm

Quá trình xây dựng PCR phải rõ ràng minh bạch, bao gồm sự tham gia tư vấn, góp ý mở rộng với sự đại diện cân đối của các bên quan tâm cùng các nỗ lực hợp lý nhằm đạt được sự đồng thuận xuyên suốt quá trình. Việc tổ chức các cuộc tư vấn góp ý thích hợp đảm bảo cho sự tin tưởng và minh bạch.

5.3  Khả năng so sánh

PCR nhằm làm tăng khả năng so sánh (càng nhiều càng tốt) của công bố môi trường kiểu III và trao đổi thông tin về vết đối với các sản phẩm cùng loại, sử dụng cùng PCR.

CHÚ THÍCH: Xem TCVN ISO 14025 về các hạn chế của khả năng so sánh.

6  Xây dựng PCR

6.1  Quy định chung

PCR tuân thủ theo các quy tắc của chương trình công bố môi trường kiểu III hoặc trao đổi thông tin về dấu vết trong phạm vi được xây dựng.

CHÚ THÍCH 1: Đối với các công bố môi trường kiểu III, các quy tắc này được tóm tắt trong phần hướng dẫn chung của chương trình, phù hợp theo TCVN ISO 14025:2009, 6.4.

PCR phải dựa trên các thông tin môi trường nhận được từ ít nhất một trong các nghiên cứu sau:

  1. a) Các nghiên cứu LCA liên quan đáp ứng các yêu cầu của 6.5.1 và TCVN ISO 14044, và đại diện cho toàn bộ vòng đời của chủng loại sản phẩm bao gồm trong PCR;
  2. b) Các nghiên cứu về dấu vết dựa trên LCA liên quan.

VÍ DỤ: TCVN ISO 14046 về dấu vết nước; ISO/TS 14067 về dấu vết cacbon của các sản phẩm.

PCR cũng có thể xem xét:

– LCA khác dựa trên các thông tin môi trường bổ sung từ các tài liệu viện dẫn trong PCR;

– Các thông tin môi trường bổ sung không dựa trên LCA (xem 6.6).

Các nghiên cứu LCA được xem xét nghiêm túc theo TCVN ISO 14044:2011, Điều 6, hoặc TCVN ISO/TS 14071 sẽ được ưu tiên nếu tính đại diện, tính đầy đủ, và độ chính xác của các thông tin của chúng là so sánh được.

Trong trường hợp PCR đối với các sản phẩm, nghiên cứu hoặc các nghiên cứu hỗ trợ LCA phải đại diện cho tất cả các giai đoạn vòng đời của một hoặc nhiều sản phẩm trong phạm vi của chủng loại sản phẩm bao gồm trong PCR.

Trong trường họp đối với các môdul thông tin, các giai đoạn vòng đời được xem xét trong nghiên cứu hoặc trong các chương trình nghiên cứu, đơn lẻ hoặc kết hợp, đều phải phù hợp với phạm vi của PCR.

CHÚ THÍCH 2: Phụ lục A cung cấp hướng dẫn chi tiết hơn về các môdul thông tin.

Một tài liệu PCR hiện hành, đã được đăng ký với nhà điều hành chương trình, dựa trên cơ sở LCA phù hợp theo TCVN ISO 14044 hoặc các nghiên cứu liên quan về dấu vết có dựa theo LCA và phê duyệt PCR theo tiêu chuẩn này, có thể được sử dụng để xây dựng PCR mới. Nếu một PCR hiện hành có thể được sử dụng hoặc sửa đổi, thì chủ yếu là việc tuân thủ theo văn bản này chứ không phải như là cách tạo lập PCR mới.

CHÚ THÍCH 3: Quá trình xây dựng PCR có thể thực hiện song song nhờ các nghiên cứu LCA hỗ trợ.

6.2  Thông tin nhất quán

Mục đích của PCR là cho phép các nhà thực hành khác sử dụng PCR nhằm mang lại các kết quả chắc chắn, nhất quán khi đánh giá các sản phẩm cùng loại. PCR cung cấp các yêu cầu để đưa ra các công bố môi trường kiểu III và trao đổi thông tin về dấu vết, cung cấp các thông tin nhất quán.

Các yêu cầu này phải bao gồm khía cạnh về chất lượng dữ liệu dựa trên cơ sở TCVN ISO 14044:2011, 4.2.3.6.2.

6.3  Khả năng so sánh

PCR phải bao gồm các yêu cầu về khả năng so sánh trong phạm vi chủng loại sản phẩm, gồm các yêu cầu liên quan đến các dữ liệu và mô hình hóa.

Khả năng so sánh như mô tả trong tiêu chuẩn này là không đủ để đưa ra một công bố mang tính so sánh (xem TCVN ISO 14021) hoặc một đánh giá so sánh (xem TCVN ISO 14044). Việc theo dõi kết quả thực hiện xem ISO/TS 14067 và TCVN ISO 14026) không đòi hỏi PCR, nhưng khi sử dụng PCR để theo dõi kết quả thực hiện, phải tuân thủ toàn bộ các yêu cầu của tiêu chuẩn này, kể cả các yêu cầu về khả năng so sánh.

CHÚ THÍCH 1: Xem TCVN ISO 14025:2009, 6.7.2 về các yêu cầu về khả năng so sánh.

CHÚ THÍCH 2: Các nhà điều hành chương trình có thể ưu tiên, khuyến nghị hoặc yêu cầu sử dụng các nguồn dữ liệu nhất định nhằm thúc đẩy khả năng so sánh của các công bố môi trường và các trao đổi thông tin về dấu vết dựa trên cơ sở PCR tương tự.

6.4  Chuẩn bị PCR

6.4.1  Thành lập Ban PCR

Phải thiết lập Ban PCR cho một chủng loại sản phẩm đã lựa chọn. Nhiệm vụ của Ban PCR là xác định chủng loại sản phẩm và xây dựng PCR tương ứng.

Nhà điều hành chương trình, hoặc người ủy nhiệm của họ, phải:

  1. a) Thông báo cho đại diện của các bên quan tâm về việc xây dựng PCR và việc thành lập Ban PCR, như vậy các bên quan tâm có thể xác định xem có muốn tham gia hay không trong Ban PCR đó hoặc đóng góp khác vào quá trình xây dựng PCR này:
  2. b) Thành lập Ban PCR;
  3. c) Đảm bảo sự cân bằng giữa các quan điểm và năng lực của bên quan tâm (xem TCVN ISO 14025:2009, 5.5, 6.5 và 9.3). Nếu quan điểm của bất kỳ bên nào bị loại trừ thì đều phải chứng minh:

CHÚ THÍCH 1: Bất kỳ bên quan tâm nào cũng có thể được lựa chọn tham gia, hoặc bị loại ở giai đoạn tư vấn góp ý mở rộng (xem 6.4.3).

  1. d) Đảm bảo rằng trưởng Ban PCR có đủ kiến thức và trình độ thành thạo về LCA và các công bố môi trường kiểu III phù hợp với TCVN ISO 14025 và các trao đổi thông tin về dấu vết dựa trên cơ sở TCVN ISO 14044, TCVN ISO 14046) và ISO/TS 14067.

CHÚ THÍCH 2: TCVN ISO/TS 14071 cung cấp hướng dẫn có thể hỗ trợ.

  1. e) Đảm bảo rằng trưởng Ban PCR khuyến khích sự hợp tác giữa các thành viên của Ban PCR và tìm kiếm sự đóng góp của họ.
  2. f) Công khai các quyết định của Ban PCR liên quan đến mọi ý kiến góp ý gửi đến.

6.4.2  Nhiệm vụ của Ban PCR

Ban PCR xét theo nghĩa tổng thể phải có đầy đủ năng lực về LCA và các công nghệ cũng như các quá trình chủ chốt trong vòng đời của các sản phẩm thuộc loại sản phẩm mà PCR này đề cập.

Ban PCR có nhiệm vụ:

  1. a) Soạn thảo PCR, tuân theo và tham khảo các hướng dẫn chung của chương trình;
  2. b) Áp dụng quy trình sửa đổi PCR theo 6.4.2;
  3. c) Báo cáo các quyết định của Ban cho nhóm xem xét và nhà điều hành chương trình, người sẽ đưa quyết định công khai;
  4. d) Xem xét và trả lời các ý kiến của nhóm xem xét PCR (xem 7.2) và của quá trình tư vấn góp ý mở rộng (xem 6.4.4).

Tài liệu được công bố công khai:

– Chỉ ra sự cân bằng của tất cả các bên quan tâm đã được mời;

– Biện minh cho lý do tại sao bất kỳ bên quan tâm nào bị loại trừ;

– Xác nhận các bên đã mời nhưng không tham gia.

Cách khác, có thể một nhóm các bên quan tâm thực hiện việc soạn thảo PCR, đề nghị bên điều hành chương trình tổ chức tư vấn góp ý và đánh giá phê duyệt PCR và công bố PCR. Điều này có thể dẫn đến việc sửa đổi PCR.

6.4.3  Sửa đổi PCR hiện hành

Hình 1 minh họa ví dụ quy trình từng bước sửa đổi PCR.

Trước khi soạn thảo xây dựng PCR mới, Ban PCR phải tìm kiếm PCR hiện hành cho chủng loại sản phẩm dự kiến, hoặc chủng loại sản phẩm liên quan.

Có thể sửa đổi PCR hiện hành. Bất kỳ sự sửa đổi PCR hiện hành nào đều phải:

  1. a) Đáp ứng các yêu cầu của các tiêu chuẩn áp dụng bao gồm cả tiêu chuẩn này và TCVN ISO 14025;
  2. b) Thực hiện đúng theo các hướng dẫn chung của nhà điều hành chương trình;
  3. c) Tích hợp các yêu cầu và các hướng dẫn bổ sung làm tăng thêm tính phù hợp của PCR nhằm cải thiện tính đại diện của PCR.

CHÚ THÍCH: Các ví dụ về các yêu cầu và hướng dẫn bổ sung bao gồm việc như mở rộng phạm vi PCR, bổ sung loại tác động mới sẽ phải tính toán, sửa đổi các nguồn dữ liệu thứ cấp cho phù hợp với tình hình địa phương, hoặc đưa vào thêm các yêu cầu mới về các thông tin môi trường bổ sung.

Việc áp dụng và/hoặc sửa đổi PCR hiện hành là tùy chọn ưu tiên.

Khi sửa đổi PCR, nhà điều hành chương trình của PCR sửa đổi phải thông báo về các thay đổi cho nhà điều hành chương trình xây dựng PCR gốc.

Nếu không sử dụng PCR hiện hành thì cần lý giải điều này. PCR cho các chủng loại nhánh của sản phẩm (xem 6.5.5) có thể phụ thuộc nhiều vào các tài liệu hướng dẫn chung hoặc có thể là một thành phần của PCR chung bao trùm cả ngành công nghiệp. Trong các trường hợp này, cần lý giải về sự khác nhau giữa PCR đang xây dựng và PCR được lấy làm cơ sở, và lý giải này phải được nêu công khai.

Nếu PCR cho các môdul thông tin liên quan đến các sản phẩm trong phạm vi chủng loại sản phẩm đang xét là có sẵn và liên quan, ví dụ, các bộ phận của sản phẩm, các giai đoạn vòng đời hoặc các dòng năng lượng, thì chúng có thể tích hợp vào PCR đang xây dựng kèm theo sửa đổi nếu cần. Phạm vi của các môdul đã sử dụng để tạo ra công bố môi trường kiểu III hoặc trao đổi thông tin về dấu vết phải đảm bảo nhất quán.

Khi đã hoàn thiện PCR, nhà điều hành sẽ ban hành và công bố công khai (xem Điều 8).

6.4.4  Tư vấn góp ý mở rộng

Việc thực hiện quy trình minh bạch đối với tư vấn góp ý mở rộng như một phần của quá trình xây dựng PCR như quy định theo các hướng dẫn chung của chương trình. Nhà điều hành chương trình có trách nhiệm bảo đảm rằng việc tư vấn góp ý diễn ra một cách phù hợp (xem 7.3 và TCVN ISO 14025:2009, 5.5).

Hình 1 – Sơ đồ trợ giúp Ban PCR đưa ra các quyết định trước khi soạn thảo PCR

6.5  Nội dung của PCR

6.5.1  Chủng loại sản phẩm

Chủng loại sản phẩm áp dụng PCR cần phải được xác định rõ và mô tả trong PCR đó.

Việc mô tả chủng loại sản phẩm và cấu trúc của PCR phải phù hợp với các hướng dẫn chương trình chung của nhà điều hành chương trình.

6.5.2  Đơn vị chức năng và đơn vị công bố

Định nghĩa về đơn vị chức năng phải tuân thủ yêu cầu của TCVN ISO 14044:2011, 4.2.3.2. Điều này dựa trên cơ sử chức năng hoặc dịch vụ dự kiến của sản phẩm và được xác định là kết quả thực hiện định lượng của một hệ thống sản phẩm xét theo nghĩa đơn vị, độ lớn, và nếu có liên quan, tuổi thọ và mức chất lượng của nó. Chỉ các sản phẩm thực hiện các chức năng tương đương mới thuộc cùng một chủng loại sản phẩm (TCVN ISO 14025:2009, 3.12).

CHÚ THÍCH: Các sản phẩm khác nhau trong cùng một chủng loại sản phẩm có thể có tuổi thọ khác nhau.

Cách khác, PCR có thể dựa trên đơn vị công bố, mà nên dựa trên một đơn vị vật lý và độ lớn có liên quan đến thị trường (ví dụ, trên x (các) đơn vị khối lượng, trên x (các) đơn vị diện tích, trên SKU).

6.5.3  Yêu cầu để thực hiện các nghiên cứu LCA cơ bản hoặc dấu vết

PCR phải bao gồm tất cả các yêu cầu áp dụng để thực hiện nghiên cứu LCA hoặc nghiên cứu về dấu vết làm nền tảng cho công bố môi trường kiểu III hoặc trao đổi thông tin về dấu vết, phù hợp theo TCVN ISO 14044, TCVN ISO 14046 và ISO/TS 14067, bao gồm nhưng không hạn chế đối với:

  1. a) Đơn vị chức năng hoặc đơn vị công bố (xem 6.5.2):
  2. b) Ranh giới của hệ thống, định nghĩa về ranh giới của hệ thống phải tuân theo các yêu cầu của TCVN ISO 14044:2011, 4.2.3.3;
  3. c) Tham khảo đến các quy tắc tính toán và các dữ liệu cụ thể sử dụng cho các phép tính toán;
  4. d) Các quy tắc phân bố: PCR phải xác định quy tắc phân bố phù hợp theo TCVN ISO 14044:2011, 4.3.4;
  5. e) Tuổi thọ của sản phẩm: PCR phải dựa trên tuổi thọ riêng của sản phẩm trong lĩnh vực ngành đó, nếu không thực hiện được thì dựa trên tuổi thọ chung: tuổi thọ này được xác định với sự nhấn mạnh, tập trung vào việc cung cấp các quy tắc đánh giá chung và khách quan cho một nhóm sản phẩm cụ thể kết hợp trong một nhóm sản phẩm chung đối với ranh giới của hệ thống, chất lượng các dữ liệu, các giả định và các quy tắc tính toán.

6.5.4  Thông số định trước

PCR phải bao gồm các thông số định trước để báo cáo, các thông số này được thiết lập phù hợp theo các TCVN ISO 14025, TCVN ISO 14040 và TCVN ISO 14044. Đối với các nghiên cứu về dấu vết, chỉ bao gồm các thông số định trước có liên quan đến các lĩnh vực tương ứng thích hợp.

CHÚ THÍCH: Các thông số định trước là các thông số mà theo đó các thông tin môi trường về sản phẩm sẽ được cung cấp như xác định trong PCR đó.

Có thể xem xét các thông số sau đây là các thông số định trước:

  1. a) Một hoặc nhiều kết quả của chỉ thị về loại tác động:
  2. b) Tập hợp (bộ) các kết quả kiểm kê là các dòng cơ bản (ví dụ, quặng sắt, CO2);
  3. c) Tập hợp (bộ) các dữ liệu mà không đại diện cho các dòng cơ bản (ví dụ, chất thải).

Các thông tin và hướng dẫn chỉ liên quan đến các vấn đề về môi trường.

6.5.5  Quy tắc cốt lõi và PCR

Nếu một hoặc nhiều quy tắc cốt lõi được sử dụng làm cơ sở để xây dựng PCR, thì PCR phải:

  1. a) Đáp ứng tất cả các yêu cầu của các quy tắc cốt lõi này;
  2. b) Xác định vị trí thứ bậc của nó so với các PCR khác mà được xây dựng trên cơ sở từ cùng các quy tắc cốt lõi trong cùng một chương trình.

Hình 2 trình bày cấu trúc tầng bậc của PCR được công bố trên cơ sở từ cùng các quy tắc cốt lõi. Cấu trúc tầng bậc phải phù hợp với hệ thống phân loại được thông qua bởi nhà điều hành chương trình (xem B.1), nhưng có thể chi tiết hơn, nếu cần.

Hình 2 – Sơ đồ quan hệ giữa các quy tắc cốt lõi và PCR

Vị trí tầng bậc của PCR trong cấu trúc này phải thể hiện sự phù hợp với các tài liệu bậc trên trong hệ thống tầng bậc.

PCR phải nhất quán với các PCR khác trên cùng tầng bậc.

Nói chung, để tránh nảy sinh các vấn đề của PCR, phải xây dựng PCR theo cách sao cho loại bỏ được sự cần thiết phải xây dựng PCR phụ.

CHÚ THÍCH 1: Ví dụ, PCR đối với tấm sàn dệt bằng len cần có các quy tắc đề cập đến các tác động môi trường (ví dụ, cacbon sinh học) giống như PCR đối với các tấm sàn làm từ gỗ cứng.

CHÚ THÍCH 2: Các chủng loại sản phẩm ở bất kỳ cấp bậc nào đều có thể coi là “các loại dẫn xuất” của chủng loại sản phẩm bậc trên, ngay cả khi chúng không sử dụng cùng một đơn vị chức năng.

6.5.6  Các điều kiện nhằm hỗ trợ so sánh

PCR phải quy định cụ thể hoặc tham khảo các quy tắc về khả năng so sánh (xem 6.3) dựa trên cơ sở các yêu cầu liên quan của TCVN ISO 14044, cũng như các tài liệu viện dẫn khác liên quan.

CHÚ THÍCH 1: Các tài liệu viện dẫn khác có thể bao gồm TCVN ISO 14025, ISO 21930 hoặc các phần liên quan của các hướng dẫn chung.

CHÚ THÍCH 2: Khả năng so sánh của các công bố môi trường Kiểu III khác nhau được coi là đạt khi các yêu cầu quy định tại TCVN ISO 14025:2009, 6.7.2 được đáp ứng.

CHÚ THÍCH 3: Các công bố môi trường kiểu III và các trao đổi thông tin về dấu vết dựa trên cùng một PCR nhằm hỗ trợ khả năng so sánh giữa các sản phẩm thuộc một chủng loại sản phẩm cụ thể. Dù một PCR có thể cung cấp tính minh bạch và tính so sánh đã được cải tiến xét theo mục tiêu và phạm vi của LCA, ví dụ, các điều kiện về ranh giới riêng, các giả thiết và các quy tắc tính toán gắn theo chính PCR đó không phải luôn luôn đủ để đảm bảo khả năng so sánh.

CHÚ THÍCH 4: Các công bố môi trường kiểu III và các trao đổi thông tin về dấu vết dựa trên PCR khác nhau từ các nhà điều hành chương trình khác nhau thì không nhất thiết phải so sánh.

6.6  Các thông tin môi trường bổ sung

PCR phải công bố các yêu cầu về các thông tin môi trường bổ sung. Các thông tin môi trường bổ sung phải dựa trên cơ sở các thông tin được chứng minh và có thể kiểm tra xác nhận phù hợp các yêu cầu của TCVN ISO 14020, TCVN ISO 14021:2017, Điều 5, và TCVN ISO 14025:2009, 7.2.4.

Các thông tin môi trường bổ sung do PCR yêu cầu phải đảm bảo cụ thể, chính xác, không gây nhầm lẫn và phù hợp chủng loại sản phẩm cụ thể. Thông tin bổ sung này có thể gồm các vấn đề khu vực liên quan. Các thông tin môi trường mang tính định lượng được ưu tiên hơn các thông tin môi trường định tính, nếu có sẵn.

CHÚ THÍCH 1: Thông tin bổ sung là thông tin về môi trường liên quan đến chủng loại sản phẩm nhưng không bao gồm các thông số định trước. Tham khảo thêm TCVN ISO 14025:2009, 7.2.3.

CHÚ THÍCH 2: Các khía cạnh môi trường định lượng và định tính quan trọng không bao gồm trong LCA có thể là các số đo đang được triển khai và các số đo có độ tin cậy cao.

Khi PCR yêu cầu báo cáo các khía cạnh môi trường không thu được đầy đủ do các thông số định trước rút ra từ LCA, LCI hoặc các môdul thông tin, thì PCR phải bao gồm các yêu cầu và hướng dẫn về các thông tin môi trường bổ sung này. Khi có liên quan, các thông tin môi trường bổ sung có thể gồm các điều nêu trong TCVN ISO 14025:2009, 7.2.3 và 7.2.4, và có thể bao gồm:

  1. a) Các yêu cầu của điều khoản về thông tin môi trường bổ sung, kể cả các yêu cầu phương pháp luận (ví dụ, các tiêu chuẩn kỹ thuật để đánh giá các mối nguy hiểm và rủi ro đối với sức khỏe con người và môi trường);
  2. b) Các vật liệu và các chất phải công bố (ví dụ, thông tin về nội dung của sản phẩm, gồm các đặc tính kỹ thuật của các chất và vật liệu có thể gây ảnh hưởng xấu cho sức khỏe con người và/hoặc môi trường, trong tất cả các giai đoạn của vòng đời);
  3. c) Các hướng dẫn tạo hoặc thu nhận các dữ liệu mà các thông tin môi trường bổ sung dựa vào;
  4. d) Dữ liệu về tính năng của sản phẩm, nếu quan trọng và đã được lượng hóa về mặt môi trường, ví dụ, việc sử dụng sản phẩm mang lại các lợi ích về môi trường như tiết kiệm năng lượng do lắp đặt thêm vật liệu cách nhiệt.

Các thông tin môi trường bổ sung khác theo yêu cầu của PCR có thể gồm các thông tin môi trường suy ra từ LCA, LCI hoặc các môdul thông tin, với điều kiện nó không phải là một giá trị tuyệt đối trên một đơn vị chức năng hoặc đơn vị công bố.

VÍ DỤ: Nếu không bắt buộc báo cáo độc tính như một thông số định trước của loại tác động này, thì thông tin môi trường bổ sung về độc tính có thể gồm một phân tích của những thành phần đóng góp liên quan nhất đối với các khía cạnh độc tính. Việc công bố chỉ thuần túy giá trị này như một kết quả dạng chỉ số cho loại tác động này có thể dẫn đến việc diễn giải sai.

7  Xem xét PCR

7.1  Quy định chung

Việc xem xét PCR là một phần của quá trình xây dựng PCR, việc xem xét PCR do nhóm xem xét PCR thực hiện phù hợp theo TCVN ISO 14025.

Việc xem xét PCR mục đích nhằm bảo vệ và xác nhận tính hợp lệ của PCR. Điều này cũng có thể cải tiến PCR hơn nữa, đặc biệt các giả thiết hoặc lựa chọn các mô hình khác cần thiết cho các tính toán. Việc xem xét PCR phải phù hợp với TCVN ISO 14025 và tiêu chuẩn này. Điều này hỗ trợ việc so sánh trong phạm vi chủng loại sản phẩm xác định.

Quá trình xem xét PCR phải đảm bảo:

  1. a) PCR phải phù hợp với tiêu chuẩn này:
  2. b) Các phương pháp mà PCR yêu cầu phải có hiệu lực cả về mặt khoa học và kỹ thuật;
  3. c) Các dữ liệu mà PCR yêu cầu là phải thích hợp và hợp lý;
  4. d) Ưu tiên cho các dữ liệu LCA đã xem xét kỹ theo TCVN ISO 14044:2011, Điều 6, hoặc TCVN ISO/TS 14071.

Mặc dù việc xem xét PCR không phải là một việc quan trọng và cả hai đều có các phạm vi và đối tượng khác nhau, việc xem xét PCR phải cân nhắc áp dụng TCVN ISO/TS 14071 để tổ chức và thực hiện việc xem xét này.

7.2  Nhóm xem xét PCR

Việc xem xét PCR được thực hiện bởi một nhóm được xem là khách quan gồm ít nhất ba chuyên gia độc lập từ bên ngoài (xem TCVN ISO/TS 14071:2015, 3.2), trong đó trưởng nhóm phải là độc lập với các ngành công nghiệp sản xuất và cung cấp các sản phẩm thuộc loại sản phẩm này hoặc các nhà cung ứng của những ngành công nghiệp đó. Trưởng nhóm xem xét PCR chịu trách nhiệm đảm bảo tất cả các ý kiến góp ý được xem xét theo một cách công bằng, không thiên vị và cũng chịu trách nhiệm về việc viết công bố xem xét PCR.

Các thành viên nhóm xem xét phải công bố tính độc lập và năng lực của họ trước khi tiến hành quá trình xem xét.

Nếu không thể giải quyết được các vấn đề mâu thuẫn trong nhóm xem xét, thì các thành viên chưa nhất trí có thể nêu bổ sung một công bố phụ trong công bố xem xét PCR (xem TCVN ISO/TS 14071:2015, 4.5).

CHÚ THÍCH: TCVN ISO/TS 14071:2015, Phụ lục B cung cấp ví dụ về mẫu tự công bố, có thể sử dụng mẫu này trong nội dung của cuộc đánh giá xem xét LCA.

Năng lực tổng thể của nhóm xem xét PCR phải có kiến thức và trình độ thành thạo về:

  1. a) Sản phẩm thuộc ngành công nghiệp liên quan và các khía cạnh môi trường của sản phẩm liên quan;
  2. b) Thực hành và phương pháp luận LCA;
  3. c) Các tiêu chuẩn liên quan đến các lĩnh vực thuộc các công bố môi trường, các dấu vết và LCA;
  4. d) Khung pháp luật trong phạm vi áp dụng PCR;
  5. e) Chương trình công bố môi trường hoặc công bố về dấu vết trong đó dự kiến thực hiện PCR.

7.3  Cách tiến hành

PCR đối với công bố môi trường kiểu III hoặc trao đổi thông tin về dấu vết thường được xây dựng và xem xét trong phạm vi của chương trình, chẳng hạn như chương trình công bố môi trường kiểu III. Nhà điều hành chương trình phải xác định quy trình xem xét PCR trong các hướng dẫn chung của chương trình. Nhà điều hành chương trình chịu trách nhiệm:

  1. a) Thành lập nhóm xem xét PCR;
  2. b) Tổ chức và đánh giá các cuộc tư vấn góp ý mở rộng;
  3. c) Cung cấp các công bố xem xét cho nhóm xem xét;
  4. d) Soạn thảo công bố xem xét PCR theo yêu cầu.

Việc xem xét PCR có thể thực hiện song song với xây dựng PCR nhằm hướng dẫn cho Ban PCR.

7.4  Nhiệm vụ của nhóm xem xét

Nhóm xem xét phải tính đến ít nhất các vấn đề sau:

  1. a) Thông tin chung về PCR (tổ chức khởi xướng, nhà điều hành chương trình, mã đăng ký hoặc các dấu hiệu nhận dạng khác);
  2. b) Phạm vi áp dụng của PCR và định nghĩa về chủng loại sản phẩm hoặc các chủng loại sản phẩm đề cập đến;
  3. c) Các tiêu chuẩn khác áp dụng cho chủng loại sản phẩm liên quan đến việc xem xét PCR;
  4. d) Đánh giá quan trọng về các yêu cầu LCA liên quan của PCR về đơn vị chức năng hoặc đơn vị công bố;
  5. e) Ranh giới của hệ thống;
  6. f) Phân tích kiểm kê vòng đời, như các phương pháp phân bổ, các yêu cầu về chất lượng dữ liệu, mô hình điện năng;
  7. g) Đánh giá tác động vòng đời;
  8. h) Diễn giải vòng đời;
  9. i) Giả thiết và giới hạn của quy tắc tính toán vòng đời;
  10. j) Lựa chọn các chỉ thị;
  11. k) Yêu cầu về nguồn gốc và chất lượng dữ liệu:
  12. l) Đánh giá quan trọng về bất cứ yêu cầu nào trong PCR về hệ thống tài liệu đối với các thông tin môi trường bổ sung, gồm:

1) Các phép đo/các kết quả thử nghiệm đối với nội dung công bố;

2) Các phép đo/các kết quả thử nghiệm về hiệu suất chức năng/kỹ thuật;

  1. m) Tài liệu về thông tin kỹ thuật được công bố đối với các giai đoạn vòng đời mà chưa được xem xét đánh giá trong LCA của sản phẩm (ví dụ, các khoảng cách vận chuyển, tuổi thọ sản phẩm, tiêu thụ năng lượng trong quá trình sử dụng, các chu kỳ bảo dưỡng);
  2. n) Các phép đo/các kết quả thử nghiệm đối với công bố về phát thải vào không khí trong nhà, đất và nước trong bất kỳ giai đoạn nào của vòng đời.

7.5  Công bố xem xét PCR

Nhóm xem xét PCR phải báo cáo trong bản công bố xem xét PCR;

  1. a) PCR đã được xây dựng phù hợp theo tiêu chuẩn này và TCVN ISO 14025 trong trường hợp đối với công bố môi trường kiểu III, và phù hợp với TCVN ISO 14044, TCVN ISO 14046, hoặc ISO/TS 14067 trong trường hợp đối với trao đổi thông tin về dấu vết;
  2. b) PCR phù hợp các hướng dẫn chung của chương trình, nếu xây dựng trong ngữ cảnh của công bố môi trường kiểu III hoặc chương trình trao đổi thông tin về dấu vết;
  3. c) các chỉ thị dựa theo LCA, cùng với các thông tin môi trường bổ sung được quy định trong PCR, phải cung cấp mô tả về các khía cạnh môi trường quan trọng của sản phẩm.
  4. d) đảm bảo các ý kiến và các khuyến nghị của nhóm xem xét PCR được giải quyết thỏa đáng;
  5. e) bất kỳ các quan điểm bất đồng nào.

8  Nhận diện và đăng ký PCR

8.1  Nhận diện PCR

8.1.1  Nhận diện tài liệu PCR

PCR phải có sẵn trong kho dữ liệu trực tuyến dưới dạng điện tử có thể đọc được bằng máy và có thể tìm được bằng các công cụ tìm kiếm thông dụng.

Phải sử dụng hệ thống phân loại để cấu trúc các kho dữ liệu. PCR được công bố theo cách cho phép tìm kiếm trực tuyến. Có nhiều lựa chọn để cấu trúc các tài liệu PCR theo hệ thống phân loại. Nên áp dụng các hệ thống phân loại vẫn thường được sử dụng. Để truy tìm dấu vết tài liệu PCR, nhà điều hành chương trình sẽ cung cấp một mã đăng ký cho PCR.

Khi nhà điều hành chương trình sử dụng hệ thống phân cấp sản phẩm hiện hành, hoặc tự xây dựng, thì việc phân cấp sản phẩm phải bao gồm hệ thống cấp bậc rõ ràng, minh họa cách mà sản phẩm thuộc PCR này liên quan đến các sản phẩm tương tự khác trong hệ thống phân cấp đó như thế nào. Phải hiển thị hệ thống phân cấp, tạo thuật lợi cho việc tìm kiếm PCR về các sản phẩm hoặc ứng dụng tương tự.

Khi công bố, nhà điều hành chương trình cấp một mã đăng ký cho từng PCR, đây là số nhận diện duy nhất. Các phiên bản nâng cấp mới của PCR được công bố với mã đăng ký mới.

Để hiểu rõ hơn về việc sử dụng loại PCR nào khi áp dụng PCR cho các ứng dụng cụ thể, phải có sẵn các thông tin sau kết hợp với mã đăng ký của PCR:

  1. a) Phạm vi của PCR bao gồm:

1) Tên của chủng loại sản phẩm cũng như các từ đồng nghĩa đối với tên của chủng loại sản phẩm nhằm hiểu rõ về phạm vi của chủng loại sản phẩm này;

CHÚ THÍCH 1: Một chủng loại có thể có các dấu hiệu khác nhau đối với các vùng miền hoặc các đặc trưng văn hóa khác nhau.

2) Mọi sản phẩm thuộc một PCR phải viện dẫn đến một mã sản phẩm trong một hệ thống phân loại sản phẩm này.

CHÚ THÍCH 2: Ưu tiên sử dụng các hệ thống phân loại hiện vẫn hay dùng. Nhà điều hành chương trình có thể sử dụng hệ thống phân loại sản phẩm độc quyền vì các lý do mang tính thực hành và khả năng sử dụng. Trong các trường hợp này, hệ thống phân loại phải được công khai, ví dụ, trên mạng hoặc thông qua trang mạng của tổ chức điều hành chương trình.

3) Thông tin thực tế về cách sử dụng, ứng dụng hoặc chức năng của sản phẩm, nhằm giúp người sử dụng PCR hiểu rõ trong chủng loại sản phẩm thực tế có liên quan với sản phẩm cụ thể;

4) Liệu các sản phẩm trong khung phân loại sản phẩm được mô hình hóa theo các hệ thống sản phẩm hoặc theo các mô hình thông tin;

5) Các giai đoạn vòng đời được xem xét;

  1. b) Các định nghĩa về chủng loại sản phẩm bao gồm trong PCR và cơ sở phân loại sản phẩm;
  2. c) Các từ khóa liên quan đến PCR;
  3. d) Vùng địa lý của PCR, ví dụ, Liên minh châu Âu, Hoa kỳ, Toàn cầu;
  4. e) Ngày công bố và hiệu lực;
  5. f) Các tiêu chuẩn đánh giá sự phù hợp của PCR;
  6. g) Diễn biến của PCR;
  7. h) Tên và các thông tin chi tiết liên hệ của nhà điều hành;
  8. i) Ban PCR:

1) Thông tin liên hệ;

2) Danh sách các bên quan tâm (các công ty, các tổ chức) tham gia đánh giá PCR như các thành viên của Ban PCR.

  1. j) Nhóm xem xét PCR:

1) Thông tin liên hệ;

2) Nơi có thể nhận được sự xem xét PCR;

  1. k) danh sách các bên quan tâm tham gia xem xét PCR.

Ngôn ngữ sử dụng trong PCR phải là ngôn ngữ địa phương, tốt hơn nếu kèm theo có bản dịch tiếng Anh để cho phép người khác tìm được nếu họ muốn áp dụng, sử dụng hoặc hài hòa với PCR hiện hành. Nếu không có sẵn bản dịch tiếng Anh, thì tên và phạm vi áp dụng phải cung cấp bằng tiếng Anh.

8.2  Đăng ký PCR

Mục đích của việc đăng ký là làm cho PCR có sẵn và có thể truy cập công khai thông qua các thư viện trung tâm hoặc thư viện khu vực để phổ biến rộng rãi.

Nơi có trung tâm đăng ký PCR thích hợp, các tổ chức xây dựng PCR phải đăng ký PCR của họ. Trong phạm vi chương trình, nhà điều hành chương trình có trách nhiệm đăng ký và công bố PCR.

Khi công bố PCR, nhà điều hành chương trình phải chỉ định mã đăng ký cho từng PCR, đây là số nhận diện duy nhất. Mã số phản ánh cấu trúc phân cấp của PCR được phát hành theo công bố môi trường kiểu III hoặc chương trình trao đổi thông tin về dấu vết. Các phiên bản cập nhật, nâng cấp mới của PCR yêu cầu một mã đăng ký mới.

Để tối đa hóa tính khả thi của các thư viện PCR, PCR phải được công bố công khai theo một cấu trúc phân cấp của các chủng loại sản phẩm rõ ràng ngắn gọn và dựa theo các hệ thống phân loại quốc tế hiện hành được sử dụng rộng rãi hoặc các mô hình phân loại cụ thể của ngành.

9  Cập nhật, soát xét và hết hiệu lực của PCR

Nhà điều hành chương trình phải thường xuyên cập nhật, nâng cấp PCR để phản ánh các thực hành, dữ liệu và các phương pháp tốt nhất. Kể từ ngày phát hành, cứ ít nhất 5 năm một lần, PCR phải được soát xét sửa đổi một cách hệ thống có các bên quan tâm tham gia, nhằm xác định xem cần sửa đổi hoặc hủy bỏ.

CHÚ THÍCH: Viện dẫn vào PCR hiện hành có thể tạo sự dễ dàng sửa đổi PCR khi soát xét.

Nhà điều hành chương trình có thể thực hiện các thay đổi trong PCR do các nguyên nhân sau:

  1. a) Thay đổi so với các hướng dẫn chung của chương trình và các tài liệu bổ sung được PCR viện dẫn;
  2. b) Thay đổi do các tiêu chuẩn chung:
  3. c) Thay đổi do các nguồn dữ liệu hoặc các thông số áp dụng cho toàn bộ chương trình;
  4. d) Nội dung cập nhật cho các phương pháp về thông tin môi trường bổ sung áp dụng cho toàn bộ chương trình:
  5. e) Tài liệu PCR hết hiệu lực hoặc lỗi thời;
  6. f) Thay đổi về công nghệ và vật liệu đối với các sản phẩm trong loại xác định;
  7. g) Thay đổi về các tiêu chuẩn kỹ thuật và chất lượng đối với các sản phẩm trong loại xác định;
  8. h) Có sẵn thông tin mới dựa theo LCA của các ngành công nghiệp hoặc cộng đồng liên quan;
  9. i) Có bằng chứng rằng PCR gốc là quá khắt khe;
  10. j) PCR hiện hành không còn được hầu hết các bên quan tâm hỗ trợ;
  11. k) Cần phải giải quyết ổn thỏa các vấn đề mà trước đây chưa làm được.

Các sai sót trong PCR phải được chỉnh sửa ngay sau khi phát hiện ra chúng. Trước khi PCR được cập nhật, nâng cấp sửa đổi, nhà điều hành chương trình phải thông báo cho các bên quan tâm về các nội dung sửa đổi, phải trình và xem xét các ý kiến góp ý. Khi PCR đã được cập nhật sửa đổi thì nhà điều hành chương trình sẽ công bố PCR mới.

 

Phụ lục A

(Tham khảo)

Các môdul thông tin

A.1  Quy định chung

Các dữ liệu dựa theo LCA đối với vật liệu, thành phần và các đầu vào khác được sử dụng trong chế tạo hoặc lắp ráp các sản phẩm khác có thể sử dụng để đóng góp vào các công bố môi trường kiểu III cho các sản phẩm khác đó. Trong các trường hợp như vậy, các dữ liệu dựa theo LCA về vật liệu, thành phần và các đầu vào khác được coi là các môdul thông tin và có thể đại diện cho toàn bộ hoặc một phần của vòng đời đối với các vật liệu hoặc thành phần này. Có thể sử dụng các môdul thông tin để triển khai công bố môi trường kiểu III hoặc kết hợp để triển khai công bố môi trường kiểu III cho sản phẩm, với điều kiện là các môdul thông tin được điều chỉnh phù hợp với PCR cho chủng loại sản phẩm này.

CHÚ THÍCH: Điều này được sửa đổi từ TCVN ISO 14025:2009, 5.4.

A.2  Trình tự các bước của cách tiếp cận môdul đối với hệ thống sản phẩm

Trong ví dụ về cách tiếp cận môdul này, một hệ thống sản phẩm được chia thành nhiều hệ thống con trong đó các thông số định trước đối với công bố môi trường Kiểu III được tính toán trước khi chúng được tổng hợp vào để thu được các thông số định trước của hệ thống sản phẩm đó. Các ví dụ về các hệ thống con là các bộ phận cấu thành của sản phẩm và các giai đoạn vòng đời. Các thông số định trước có thể gồm:

– Tập hợp kết quả chỉ thị loại tác động;

– Tập hợp kết quả kiểm kê là các dòng cơ bản;

– Tập hợp dữ liệu không đại diện các dòng cơ bản (ví dụ, chất thải nguy hại).

Trình tự các bước của cách tiếp cận môdul đối với một hệ thống sản phẩm là:

  1. a) Xác định chủng loại sản phẩm và PCR liên quan;
  2. b) Xác định hệ thống sản phẩm trong phạm vi chủng loại sản phẩm, nếu cần thiết;
  3. c) Xác định các hệ thống con của hệ thống sản phẩm;
  4. d) Tìm hiểu xem các môdul thông tin cùng các công bố môi trường kiểu III và PCR của các hệ thống con đã có sẵn chưa và sửa đổi các hệ thống hiện hành song song với PCR của chủng loại sản phẩm đã xác định;
  5. e) Tập hợp và tính toán các dữ liệu kiểm kê cho từng hệ thống con mà không tìm thấy có công bố môi trường kiểu III;
  6. f) Tính các thông số định trước của từng môdul thông tin theo đánh giá tác động dựa trên các kết quả kiểm kê;
  7. g) Kiểm tra xác nhận các môdul thông tin khác nhau;
  8. h) Thông báo các công bố môi trường kiểu III về các môdul thông tin khác nhau, tùy theo, có thể cùng với PCR liên quan;
  9. i) Viện dẫn các môdul thông tin khác nhau vào dòng tham chiếu của hệ thống sản phẩm;
  10. j) Tổng hợp các thông số định trước của các môdul thông tin để thu được các thông số định trước của hệ thống sản phẩm;
  11. k) Xác định các vấn đề môi trường quan trọng để diễn giải vòng đời từ các thông số định trước của các môdul thông tin khác nhau;
  12. l) Thông báo công bố môi trường kiểu III của toàn bộ hệ thống sản phẩm.

Các công bố môi trường hoặc trao đổi thông tin về dấu vết và PCR liên quan có thể viện dẫn một môdul thông tin (xem thêm TCVN ISO 14025).

A.3  Công bố môi trường kiểu III hoặc trao đổi thông tin về dấu vết của môdul thông tin

Các tổ chức thông báo công bố môi trường kiểu III hoặc trao đổi thông tin về dấu vết của các môdul thông tin đã sử dụng cho các nghiên cứu LCA. Các tổ chức đó gồm:

  1. a) Các nhà cung ứng điện và nhiên liệu;
  2. b) Các nhà cung ứng nguyên vật liệu;
  3. c) Các nhà cung ứng các dịch vụ vận tải;
  4. d) Các tổ chức thực hiện các hoạt động cuối cùng.

Các dữ liệu của các công bố môi trường kiểu III này được công bố và thường là một phần của các tập hợp dữ liệu như được cơ sở dữ liệu cung cấp.

Theo TCVN ISO 14025:2009, Điều B.2, có thể các môdul thông tin là công bố môi trường kiểu III, nhưng không nhất thiết như vậy. Tuy nhiên, điều này được hiểu là bất kỳ công bố nào về sản phẩm mà là “công bố môi trường kiểu III” đều cần có PCR kèm theo.

Các tổ chức muốn trao đổi thông tin các công bố môi trường kiểu III hoặc thông tin về dấu vết của các môdul thông tin đều cần phải thực hiện các nghiên cứu LCA hoặc nghiên cứu về dấu vết của môdul thông tin liên quan và công bố nó như là một công bố môi trường kiểu III, cùng với PCR mà cần tiến hành kiểm tra xác nhận sự phù hợp.

 

Phụ lục B

(Tham khảo)

Nhiệm vụ của nhà điều hành chương trình

B.1  Trách nhiệm của nhà điều hành chương trình được nêu tại Điều 4 đến Điều 9. Mục đích của phụ lục này làm dễ hiểu về các yêu cầu bằng cách thu thập, tập hợp chúng trong một phụ lục để dễ dàng tham khảo. Phụ lục này không bao gồm bất cứ các yêu cầu bổ sung nào.

B.2  Nhà điều hành chương trình có trách nhiệm chuẩn bị và hoàn thiện các hướng dẫn chung của chương trình về các công bố môi trường kiểu III và/hoặc các công bố về dấu vết theo TCVN ISO 14025, TCVN ISO 1404 và ISO/TS 14067. Các nhiệm vụ về xây dựng, xem xét, tư vấn góp ý mở rộng, đăng ký, hài hòa và công bố PCR bao gồm, nhưng không giới hạn là:

  1. a) Thành lập Ban PCR, Ban này có nhiệm vụ xây dựng PCR (xem 6.1):
  2. b) Theo dõi giám sát của Ban PCR;
  3. c) Thông báo cho đại diện của các bên quan tâm về việc xây dựng PCR và việc thành lập Ban PCR, để các bên quan tâm có thể xác định xem họ có muốn tham gia trong Ban PCR không hoặc tham gia vào quá trình xây dựng PCR (xem 6.4.1):
  4. d) Đảm bảo sự kết hợp cân bằng về quan điểm và năng lực của các bên quan tâm, nếu bất kỳ bên nào bị loại trừ thì đều cần chứng minh (xem 6.4.1):
  5. e) Ghi chép quá trình tiếp xúc và tham gia của các bên quan tâm nhằm tạo sự minh bạch;
  6. f) Triệu tập Ban PCR họp hoặc tổ chức nhóm họp;
  7. g) Đảm bảo rằng trưởng ban PCR có đủ kiến thức, hiểu biết và thành thạo về các công bố môi trường kiểu III của LCA và các công bố về dấu vết phù hợp với TCVN ISO 14044, TCVN ISO 14025, TCVN ISO 14046 và ISO/TS 14067.
  8. h) Đảm bảo rằng trưởng ban PCR tạo được sự hợp tác giữa các thành viên của Ban PCR và tìm được sự đóng góp của họ.
  9. i) Công bố các quyết định của Ban PCR;
  10. j) Đảm bảo sự nhất quán trong tất cả các PCR được xây dựng trong phạm vi của chương trình (xem 6.4.1);
  11. k) Thông báo cho nhà điều hành chương trình về các thay đổi của PCR so với PCR đã đăng ký (xem 6.4.2);
  12. l) Đảm bảo quy trình hoạt động hiệu quả và minh bạch đối với tất cả các bên về quá trình tư vấn góp ý mở rộng và đánh giá các kết quả của quá trình tư vấn góp ý mở rộng (xem 6.4.4);
  13. m) Xây dựng hệ thống cấu trúc các tài liệu PCR. Nhà điều hành chương trình có thể sử dụng hệ thống phân loại sản phẩm thích hợp của họ vì các lý do thực tiễn và khả năng sử dụng. Trong các trường hợp này, hệ thống phân loại cần được công khai, hoặc thông qua trang mạng của tổ chức điều hành chương trình; (xem 8.1);
  14. n) Cung cấp PCR đã hoàn thiện cùng mã đăng ký phù hợp theo 8.1 và trình PCR mới nhất cho các thư viện quốc gia hoặc quốc tế thích hợp để phổ biến rộng rãi. Các bản PCR mới cập nhật, nâng cấp yêu cầu có mã đăng ký mới (xem 8.2);
  15. o) Công bố bản PCR đã được hoàn thành và đảm bảo tính có sẵn của chúng (xem 6.4.2).

B.3  Thông thường PCR đối với công bố môi trường kiểu III hoặc thông tin về dấu vết được xây dựng và soát xét trong phạm vi của một chương trình. Đó là nhiệm vụ trách nhiệm của tổ chức chương trình để xác định quy trình xem xét PCR trong các hướng dẫn chung của chương trình. Theo 7.3 nhà điều hành chương trình có trách nhiệm:

  1. a) Thành lập nhóm xem xét PCR;
  2. b) Cung cấp công bố xem xét PCR cho Ban PCR (6.4.1);
  3. c) Chuẩn bị sẵn sàng công bố xem xét PCR theo yêu cầu;

Ngoài ra, nhà điều hành chương trình phải:

– Thường xuyên cập nhật, nâng cấp PCR để phản ánh các phương pháp, dữ liệu và các thực hành tốt nhất sẵn có, (xem Điều 9);

– Thực hiện các sửa đổi trong PCR khi có các lý do sau (xem Điều 9):

  – Các thay đổi về các hướng dẫn chung và các tài liệu bổ sung được PCR viện dẫn;

– Các thay đổi về các tiêu chuẩn chung;

– Các thay đổi về các nguồn dữ liệu thứ cấp hoặc các thông số áp dụng cho toàn bộ chương trình;

– Cập nhật các phương pháp đối với các thông tin môi trường bổ sung áp dụng cho toàn bộ chương trình;

– Hết hiệu lực áp dụng của PCR gốc;

– Các thay đổi về vật liệu và công nghệ đối với các sản phẩm trong loại;

– Các thay đổi về tiêu chuẩn kỹ thuật và chất lượng đối với các sản phẩm trong chủng loại;

– Có sẵn thông tin mới dựa theo LCA của ngành công nghiệp hoặc cộng đồng liên quan;

– Có bằng chứng rằng PCR gốc là quá khắt khe;

– PCR hiện hành không còn được hầu hết các bên quan tâm hỗ trợ;

– Cần phải giải quyết ổn thỏa các vấn đề mà trước đây chưa làm được.

– Các sai sót trong PCR phải được chỉnh sửa ngay sau khi phát hiện ra. Trước khi PCR được cập nhật sửa đổi, nhà điều hành chương trình phải thông báo cho các bên quan tâm về các nội dung sửa đổi, phải trình và xem xét các ý kiến góp ý. Khi PCR đã được cập nhật sửa đổi thì nhà điều hành chương trình sẽ công bố PCR mới. (xem Điều 9).

 

Thư mục tài liệu tham khảo

[1] TCVN ISO 14064-3 (ISO 14064-3), Khí nhà kính – Phần 3: Quy định kỹ thuật và hướng dẫn đối với thẩm định và kiểm định của các xác nhận khí nhà kính

[2] ISO 15686-1, Buildings and constructed assets – Service life planning – Part 1: General principles and framework

[3] TCVN ISO/IEC 17025 (ISO/IEC 17025), Yêu cầu Chung về năng lực phòng thử nghiệm và hiệu chuẩn

[4] ISO 21930:2017, Sustainability in building construction – Environmental declaration of building products

[5] EN 15804, Sustainability of construction works – Environmental product declarations – Core rules for the product category of construction products

[6] Environmental information for products and services, Requirements, Instruments, Examples. Editors: Federal Ministry for the Environment, Nature Conservation, Building and Nuclear Safety (BMUB), Public Relations Division, 11055 Berlin, Germany

[7] GUIDANCE FOR PRODUCT CATEGORY RULE DEVELOPMENT 2013, Ingwersen, W., Subramanian, V., editors. The Product Category Rule Guidance Development Initiative,Version 1.0

[8] P.C. Rules Product Group Classification: UN CPC 171 and 173 Electricity, Steam and Hot/Cold Water Generation and Distribution, The International EPD System 2015

[9] PRODUCT CATEGORY RULES FOR BUILDING-RELATED PRODUCTS AND SERVICES Part A: Calculation Rules for the Life Cycle Assessment and Requirements on the Project Report, Institut Bauen und Umwelt (IBU). 2015

TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN ISO/TS 14027:2018 (ISO/TS 14027:2017) VỀ NHÃN MÔI TRƯỜNG VÀ CÔNG BỐ NHÃN MÔI TRƯỜNG – XÂY DỰNG CÁC QUY TẮC PHÂN LOẠI SẢN PHẨM
Số, ký hiệu văn bản TCVNISO/TS14027:2018 Ngày hiệu lực
Loại văn bản Ngày đăng công báo
Lĩnh vực Ngày ban hành 01/01/2018
Cơ quan ban hành Tình trạng

Các văn bản liên kết

Văn bản được hướng dẫn Văn bản hướng dẫn
Văn bản được hợp nhất Văn bản hợp nhất
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung Văn bản sửa đổi, bổ sung
Văn bản bị đính chính Văn bản đính chính
Văn bản bị thay thế Văn bản thay thế
Văn bản được dẫn chiếu Văn bản căn cứ

Tải văn bản