TIÊU CHUẨN VIỆT NAM TCVN 5699-2-23:2000 VỀ AN TOÀN ĐỐI VỚI THIẾT BỊ ĐIỆN GIA DỤNG VÀ CÁC THIẾT BỊ ĐIỆN TƯƠNG TỰ – PHẦN 2-23. YÊU CẦU CỤ THỂ ĐỐI VỚI CÁC THIẾT BỊ DÙNG ĐỂ CHĂM SÓC TÓC HOẶC DA
TCVN 5699-2-23 : 2000
AN TOÀN ĐỐI VỚI THIẾT BỊ ĐIỆN GIA DỤNG VÀ CÁC THIẾT BỊ ĐIỆN TƯƠNG TỰ – PHẦN 2-23: YÊU CẦU CỤ THỂ ĐỐI VỚI CÁC THIẾT BỊ DÙNG ĐỂ CHĂM SÓC TÓC HOẶC DA
Safety of household and similar electrical appliances – Part 2-23: Particular requirements for appliances for skin or hair care
1. Phạm vi áp dụng
Điều này của phần 1 được thay bằng:
Tiêu chuẩn này qui định các vấn đề về an toàn của các thiết bị điện dùng để chăm sóc tóc hoặc da dùng cho người hoặc động vật và được thiết kế dùng trong gia đình và các mục đích tương tự, có điện áp danh định không quá 250 V
Chú thích
1) Ví dụ về các thiết bị nằm trong phạm vi áp dụng của tiêu chuẩn này là:
– thiết bị sấy tóc;
– thiết bị hơ tay;
– thiết bị uốn tóc thành dạng sóng
– kẹp uốn;
– lược uốn;
– lô quấn có nguồn nhiệt tách rời;
– nguồn nhiệt có phương tiện uốn tháo rời được;
– thiết bị xông hơi vùng mặt.
2) Các thiết bị được đề cập trong tiêu chuẩn này có thể có cơ cấu tạo hơi nước hoặc xịt nước.
Các thiết bị không nhằm sử dụng bình thường trong gia đình nhưng vẫn có thể là nguồn gây nguy hiểm cho công chúng, ví dụ như các thiết bị cho những người không có chuyên môn sử dụng trong các cửa hàng, trong ngành công nghiệp nhẹ hoặc trong các trang trại cũng là đối tượng của tiêu chuẩn này.
Chú thích 3 – Ví dụ như các thiết bị sử dụng trong các hiệu làm đầu.
Ở chừng mực có thể, tiêu chuẩn này đề cập đến những nguy hiểm thường gặp mà thiết bị có thể gây ra cho tất cả những người ở bên trong và xung quanh nhà ở.
Tiêu chuẩn này nói chung không xét đến:
– việc trẻ em hoặc người già yếu sử dụng mà không được giám sát;
– việc trẻ em nghịch thiết bị.
Chú thích 4:
4) Lưu ý là:
– đối với thiết bị sử dụng trên xe, tàu thủy, máy bay, có thể cần phải có yêu cầu bổ sung;
– đối với thiết bị dùng ở các nước có khí hậu nhiệt đới, có thể cần phải có yêu cầu đặc biệt;
– ở nhiều nước, các yêu cầu bổ sung được qui định bởi các cơ quan có thẩm quyền về y tế, bảo hộ lao động và các cơ quan có thẩm quyền tương tự;
5) Tiêu chuẩn này không áp dụng cho:
– các thiết bị được thiết kế dành riêng cho mục đích công nghiệp;
– các thiết bị được thiết kế để sử dụng ở những nơi có môi trường đặc biệt như môi trường ăn mòn, dễ nổ (bụi, hơi nước hoặc khí);
– thiết bị cạo râu, tông đơ và các thiết bị tương tự (IEC 335-2-8);
– thiết bị bức xạ tia cực tím và tia hồng ngoại (IEC 335-2-27);
– thiết bị cấp nhiệt tắm hơi (IEC 335-2-53);
– thiết bị dùng cho mục đích y tế (IEC 601).
2. Định nghĩa
Áp dụng điều này của phần 1 ngoài ra còn:
2.2.9. Thay thế:
Hoạt động bình thường: Hoạt động của thiết bị trong các điều kiện dưới đây:
Sấy tóc kiểu chụp hoạt động với trục của mũ nghiêng một góc 60o so với mặt phẳng nằm ngang hoặc góc lớn nhất cho phép theo kết cấu nếu góc đó là nhỏ hơn. Hình cầu bằng gỗ, sơn màu đen mờ, đường kính 200 mm được đặt trong mũ sao cho tâm hình cầu nằm trên trục của mũ, khoảng cách ngắn nhất giữa hình cầu và lưới thoát không khí là 50 mm.
Sấy tóc có gắn mũ mềm hoạt động với mũ gắn đặt phía trên lưới kim loại bảo vệ cho trên hình 101, lưới này đặt phía trên hình cầu.
Chú thích – Sấy tóc kiểu chụp, đỡ bằng đầu, hoạt động như sấy tóc có gắn mũ mềm.
Sấy tóc cầm tay hoạt động với luồng không khí hướng xuống dưới không bị cản trở.
Thiết bị uốn tóc thanh dạng sóng hoạt động trong trạng thái sử dụng bình thường, lô quấn được treo tự do.
Nguồn nhiệt dùng cho lô quấn tháo rời được, hoạt động ở vị trí sử dụng bình thường cùng với các lô quấn.
Kẹp uốn, lược uốn và các thiết bị tương tự hoạt động với trục chính nằm ngang.
Các thiết bị có cơ cấu tạo hơi nước hoặc xịt nước hoạt động với bình chứa không có nước hoặc chứa đầy nước, chọn điều kiện nào bất lợi hơn. Tuy nhiên, nếu thiết bị có ghi nhãn chỉ ra rằng sử dụng với bình chứa đầy nước thì phải sử dụng với bình chứa đầy. Nước được bổ sung, khi cần, để bù cho sự bay hơi.
Thiết bị hơ tay hoạt động ở vị trí sử dụng bình thường với luồng không khí không bị cản trở.
Thiết bị máy xông hơi vùng mặt hoạt động ở vị trí sử dụng bình thường và bình chứa đầy nuớc. Nước được bổ sung, khi cần, để duy trì năng suất hơi.
2.101. Sấy tóc kiểu chụp: Sấy tóc có mũ cứng được đặt trên đầu trong sử dụng bình thường.
Chú thích – Mũ có thể được đỡ bằng giá hoặc có phương tiện để gắn vào giá đỡ.
2.102. Nguồn nhiệt dùng cho lô quấn tháo rời được: Nguồn nhiệt được thiết kế để làm nóng cơ cấu tích nhiệt, ví dụ như lô quấn và kẹp uốn.
2.103. Mối nối xoay: Phương tiện để nối dây nguồn sao cho thiết bị có thể xoay liên tục mà dây không bị xoắn.
3. Yêu cầu chung
Áp dụng điều này của phần 1.
4. Điều kiện chung đối với các thử nghiệm
Áp dụng điều này của phần 1, ngoài ra còn:
4.2 Bổ sung:
Chú thích – Thử nghiệm bổ sung của 25.14 dùng cho các thiết bị sấy tóc cầm tay được thực hiện trên thiết bị tách rời.
5. Chưa có.
6. Phân loại
Áp dụng điều này của phần 1, ngoài ra còn:
6.1. Thay thế:
Các thiết bị phải thuộc một trong các loại dưới đây về phương diện bảo vệ chống điện giật:
– thiết bị sấy tóc, kẹp uốn, lược uốn, máy xông hơi vùng mặt và các thiết bị có cấu tạo hơi nước hoặc xịt nước khác phải là thiết bị cấp II hoặc cấp llI. Tuy nhiên, các thiết bị hơ tay cố định được nối vĩnh viễn với hệ thống dây cố định các thiết bị sấy tóc kiểu chụp dùng cho làm đầu và các thiết bị có cấu tạo hơi nước hoặc xịt nước dùng cho làm đầu có thể là thiết bị cấp I;
– các thiết bị khác phái là thiết bị cấp I, cấp II hoặc cấp III.
Kiểm tra sự phù hợp bằng cách xem xét và bằng các thử nghiệm thích hợp.
6.2. Bổ sung:
Thiết bị hơ tay phải có cấp bảo vệ bằng vỏ ngoài ít nhất là IPX1.
Lô cuốn của thiết bị uốn tóc thành dạng sóng phải có ít nhất là IPX4.
7. Ghi nhãn và hướng dẫn
Áp dụng điều này của phần 1, ngoài ra còn:
7.1. Bổ sung:
Thiết bị sấy tóc di động, kẹp uốn và thiết bị tương tự phải được ghi nhãn có nội dung cảnh báo như sau:
Cảnh báo – Không sử dụng thiết bị này gần nước chứa trong bồn tắm, chậu tắm hoặc chậu khác chứa nước.
Chú thích
1) Điều ghi nhãn này có thể ghi trên nhãn gắn vĩnh viễn vào thiết bị.
2) Ký hiệu thích hợp có thể được dùng để thay thế.
7.12. Bổ sung:
Hướng dẫn sử dụng đối với thiết bị sấy tóc di động phải có phần nội dung sau:
– khi sử dụng thiết bị sấy tóc trong buồng tắm, phải rút phích cắm sau khi dùng vì ở gần nước, nguy hiểm vẫn có, ngay cả khi đã tắt thiết bị sấy tóc;
– để bảo vệ bổ sung, nên lắp thiết bị dòng rò (RCD) có dòng điện rò tác động danh định không quá 30 mA trên mạch cung cấp điện cho buồng tắm. Hỏi ý kiến người lắp đặt.
Hướng dẫn sử dụng đối với thiết bị máy xông hơi vùng mặt phải có phần nội dung sau:
– làm sạch thiết bị sau khi dùng để tránh tích tụ chất nhờn và các chất bẩn khác.
7.12.1. Bổ sung:
Hướng dẫn lắp đặt cho thiết bị sấy tóc cố định được thiết kế để sử dụng trong buồng tắm phải có phần nội dung sau:
Thiết bị sấy tóc này phải được cố định ở ngoài tầm với của người sử dụng bồn tắm hoặc vòi hoa sen.
Nếu bộ phận tay nắm của thiết bị sấy tóc có lắp linh kiện điện thì hướng dẫn phải nêu rõ thiết bị phải được cố định sao cho bộ phận tay nắm, khi kéo ra hoàn toàn phải nằm ngoài tầm với của người sử dụng bồn tắm hoặc vòi hoa sen.
8. Bảo vệ chống chạm vào các bộ phận mang điện
Áp dụng điều này của phần 1, ngoài ra còn:
8.1.3. Không áp dụng.
9. Khỏi động các thiết bị có truyền động bằng động cơ điện
Không áp dụng điều này của phần 1.
10. Công suất đầu vào và dòng điện
Áp dụng điều này của phần 1.
11. Phát nóng
Áp dụng điều này của phần 1, ngoài ra còn:
11.1. Bổ sung:
Đối với các thiết bị có lắp mối nối xoay, kiểm tra thêm sự phù hợp bằng thử nghiệm của 11.101.
11.2. Bổ sung:
Các thiết bị có giá và có phuơng tiện để gắn vào giá phải được đặt sao cho nhận được kết quả bất lợi nhất.
11.4. Bổ sung:
Nếu giới hạn độ tăng nhiệt bị vượt quá trong các thiết bị có lắp động cơ điện, máy biến áp hoặc mạch điện tử mà công suất đầu vào thấp hơn công suất đầu vào danh định thì thử nghiệm được lặp lại với thiết bị được cung cấp ở 1,06 lần điện áp danh định.
11.6. Thay thế:
Các thiết bị tổ hợp được hoạt động như thiết bị phát nhiệt.
11.7. Thay thế:
Các thiết bị không hẹn giờ được hoạt động:
– 30 min đối với thiết bị cầm tay;
– theo các chu kỳ 30 s đóng và 5 s cắt cho đến khi đạt tới tình trạng ổn định đối với thiết bị hơ tay được điều khiển tự động bằng cách đưa tay vào;
– cho đến khi đạt tới tình trạng ổn định đối với các thiết bị khác.
Các thiết bị có hẹn giờ hoạt động theo chu kỳ cho đến khi đạt tới tình trạng ổn định. Mỗi chu kỳ bao gồm thời gian hoạt động lớn nhất đạt được của hẹn giờ, tiếp theo là thời gian nghỉ 5 s.
11.8. Bổ sung:
Các giới hạn độ tăng nhiệt của động cơ điện, biến áp hoặc mạch điện tử và các bộ phận chịu ảnh hưởng trực tiếp của các thiết bị đó cho phép vượt quá khi thiết bị làm việc ở 1,15 lần công suất đầu vào danh định.
Độ tăng nhiệt của tay nắm của kẹp uốn được gia nhiệt bằng nguồn nhiệt của lô quấn tháo rời được, có lắp hẹn giờ, được xác định ở cuối chu kỳ thứ nhất.
11.101 Thiết bị có lắp mối nối xoay được đặt ở trạng thái trục chính của nó nằm ngang, dây nguồn treo thẳng đứng. Đặt lực kéo bằng 1 N lên dây nguồn.
Thiết bị được cung cấp điện áp danh định, dòng điện bằng 1,25 lần dòng điện danh định.
Chú thích 1 – Điều kiện này có thể đạt được bằng cách nối điện trở vào vị trí của phần tử đốt nóng.
Thiết bị được xoay xung quanh trục chính của nó với tốc độ khoảng 50 vòng/min, đảo chiều quay sau mỗi đợt quay 20 vòng. Thử nghiệm thực hiện liên tục trong 1 500 vòng quay.
Độ tăng nhiệt của các tiếp xúc trượt không được vượt quá 65°C.
Chú thích 2 – Độ tăng nhiệt có thể xác định bằng hạt nóng chảy hoặc chỉ thị đổi màu.
12. Chưa có.
13. Dòng rò và độ bền điện ở nhiệt độ làm việc
Áp dụng điều này của phần 1.
14. Chưa có
15. Khả năng chống ẩm
Áp dụng điều này của phần 1.
16. Dòng rò và độ bền điện
Áp dụng điều này của phần 1.
17. Bảo vệ quá tải máy biến áp và các mạch liên quan
Áp dụng điều này của phần 1.
18. Độ bền
Không áp dụng điều này của phần 1.
19. Thao tác không bình thường
Áp dụng điều này của phần 1, ngoài ra còn:
19.1. Bổ sung:
Thiết bị sấy tóc cũng phải chịu thử nghiệm của 19.101 và 19.102.
19.2. Bổ sung:
Hạn chế tản nhiệt đạt được như sau:
– mạch động cơ được ngắt ra;
– thiết bị sấy tóc cầm tay được đặt trên sàn của góc thử nghiệm ở bất kỳ vị trí ổn định nào có nhiều khả năng hạn chế tản nhiệt;
– thiết bị được thiết kế để đổ đầy nước, làm việc với bình chứa không có nước.
Thiết bị sấy tóc có gắn mũ mềm cũng được thử nghiệm với động cơ điện hoạt động, luồng không khí đi qua các lỗ được hạn chế để nhận được kết quả bất lợi nhất.
Đặt nguồn nhiệt dùng cho lô quấn tháo rời được lên cách nhiệt bằng bông thủy tinh có tỉ trọng thấp và có hệ số cách nhiệt xấp xỉ 2,5 m2. °C/W.
19.7. Bổ sung:
Thử nghiệm được tiến hành trong 5 min, ngoại trừ với:
– các thiết bị cầm tay;
– các thiết bị mà nếu nhả tay ra là ngừng hoạt động;
– các thiết bị có hẹn giờ.
Chú thích – Thiết bị hơ tay chỉ chịu thử nghiệm khi mômen hãm rôto nhỏ hơn mômen tải toàn phần.
19.9. Không áp dụng.
19.10. Bổ sung:
Thử nghiệm được thực hiện với phần tử đốt nóng được ngắt ra hoặc cắt mạch.
19.101. Thiết bị sấy tóc làm việc như qui định của điều 11, tuy nhiên phần tử đốt nóng và động cơ điện được cấp điện riêng rẽ Phần tử đốt nóng được cấp điện ở điện áp theo 11.4 và động cơ điện được cấp điện ở điện áp làm việc cho đến khi đạt trạng thái ổn định.
Sau đó, giảm điện áp đặt vào động cơ điện cho đến khi tốc độ động cơ chỉ còn vừa đủ để bộ cắt nhiệt không tác động cắt. Thiết bị sấy tóc hoạt động cho đến khi đạt tình trạng ổn định.
Điện áp được giảm với tốc độ:
– 1 V/min đối với động cơ có điện áp làm việc không quá 30 V;
– 5 V/min đối với động cơ có điện áp làm việc lớn hơn 30 V.
Thiết bị sấy tóc không được phát ra ngọn lửa hoặc kim loại chảy và độ tăng nhiệt không được vượt quá giá trị qui định trong bảng 7.
Chú thích
1) Không áp dụng các tiêu chuẩn khác của 19.13
2) Nếu cần, có thể bù cho ảnh hưởng trên phần tử nhiệt khi cắt động cơ điện.
19.102. Thiết bị sấy tóc xách tay làm việc theo hoạt động bình thường ở 1,15 lần công suất vào danh định.
Tấm polyetylen có kích thước xấp xỉ 20 cm x 20 cm, dày khoảng 50 mm được đặt tỳ vào lỗ không khí vào và xê dịch theo hướng bất kỳ để hạn chế luồng không khí sao cho đạt được tình trạng bất lợi nhất.
Thử nghiệm tiến hành trong 30 min.
Lặp lại thử nghiệm với luồng không khí hướng theo chiều nằm ngang.
Chú thích – Tình trạng bất lợi nhất thường đạt được bằng cách đặt tấm polyetylen sao cho ngăn không để bộ cắt nhiệt tác động.
20. Sự ổn định và nguy hiểm cơ học
Áp dụng điều này của phần 1.
21. Độ bền cơ
Áp dụng điều này của phần 1, ngoài ra còn:
Bổ sung.
Các thiết bị cầm tay cũng phải chịu thử nghiệm của 21.101
21.101. Thiết bị được đặt trên bề mặt nằm ngang, cách một tấm gỗ cứng được đỡ là 70 cm về phía trên. Thiết bị được cấp điện ở điện áp danh định và hoạt động ở vị trí đặt lớn nhất của nó.
Thiết bị được kéo khỏi bề mặt nằm ngang bằng dây nguồn của nó và thả cho rơi tự do. Thử nghiệm thực hiện 5 lần, thiết bị được đặt trong các vị trí khác nhau có nhiều khả năng xảy ra.
Thiết bị không được hỏng đến mức không phù hợp với tiêu chuẩn này. Đặc biệt, các yêu cầu của điều 8 và điều 29 phải đáp ứng hoàn toàn.
22. Kết cấu
Áp dụng điều này của phần 1, ngoài ra còn:
22.24. Bổ sung:
Phần tử đốt nóng cũng phải ít có khả năng chạm vào da hoặc tóc nếu phần tử đốt nóng bị đứt.
22.32. Bổ sung:
Cách điện phụ và cách điện tăng cường trong các kẹp uốn cấp II phải có độ bền lão hóa.
Kiểm tra sự phù hợp bằng thử nghiệm sau:
Treo các mẫu cách điện không được nêu ra trong bảng 3 vào tủ nóng sao cho các mẫu cách nhau ít nhất 10 mm, cách nóc tủ và đáy tủ ít nhất 10 mm. Mẫu phải cách các thành bên của tủ ít nhất là 50 mm. Thể tích của các mẫu không được chiếm quá 1 /10 thể tích của tủ.
Tủ được thông gió bằng đối lưu tự nhiên, với ít nhất ba lần thay đổi không khí một giờ. Nhiệt độ trong tủ được giữ cao hơn độ tăng nhiệt của các bộ phận được xác định trong quá trình thử nghiệm của điều 19 là 30°C ± 1°C hoặc 70°C ± 2°C, chọn giá trị nào cao hơn.
Lưu mẫu trong tủ 240 h và sau đó ít nhất là 16 h ở nhiệt độ môi trường.
Mẫu không được có các vết nứt và phải chịu được thử nghiệm độ bền điện của 16.3 đối với cách điện phụ.
Chú thích – Cách điện nêu trong bảng 3 được coi là có độ bền lão hóa.
22.36. Bổ sung:
Đối với các thiết bị cấp I không kể thiết bị hơ tay và máy xông hơi vùng mặt, các phần kim loại mà trong sử dụng bình thường có thể tiếp xúc với da hoặc tóc phải được cách ly với phần mang điện bằng cách điện kép hoặc cách điện tăng cường và không được nối đất.
22.40. Bổ sung:
Công tắc ở vị trí cắt phải cách ly các mạch điện, trừ khi sự phù hợp với điều 19 không phụ thuộc vào hoạt động của bộ cắt nhiệt tự phục hồi.
22.101. Các thiết bị có cấu tạo hơi nước hoặc xịt nước phải có kết cấu sao cho không làm tràn hoặc phụt hơi nước hoặc nước ngoài ý muốn để có thể dẫn đến nguy hiểm.
Kiểm tra sự phù hợp bằng các thử nghiệm của điều 11.
22.102. Lô quấn của thiết bị uốn tóc thành dạng sóng trong đó các phần tử gia nhiệt là bộ phận hợp thành của lô quấn và mang điện trong quá trình sử dụng thì phải được cấp nguồn với điện áp cực thấp an toàn không quá 24 V.
Kiểm tra sự phù hợp bằng cách xem xét và bằng các thử nghiệm thích hợp.
23. Dây dẫn bên trong
Áp dụng điều này của phần 1, ngoài ra còn:
23.3. Bổ sung:
Đối với dây dẫn chỉ bị uốn khi lưu giữ thiết bị, số lần uốn dây là 5 000 lần.
24. Các phụ kiện bổ trợ
Áp dụng điều này của phần 1, ngoài ra còn:
24.1.3. Bổ sung:
Các công tắc được lắp trong thiết bị hơ tay được thử nghiệm 50 000 chu kỳ hoạt động.
24.2. Bổ sung:
Tuy nhiên, các thiết bị sấy tóc kiểu chụp và thiết bị sấy tóc thành dạng sóng có thế lắp công tắc trên dây mềm.
25. Đấu nối nguồn và dây dẫn mềm bên ngoài
Áp dụng điều này của phần 1, ngoài ra còn:
25.5. Bổ sung
Cho phép đấu nối kiểu Z đối với:
– các thiết bị cầm tay;
– các thiết bị sấy tóc có gắn mũ mềm;
– các thiết bị có nguồn nhiệt dùng cho lô quấn tháo rời được có không quá 10 lô cuốn.
25.7. Bổ sung:
Cho phép dây có bọc nhựa PVC nhẹ, bất luận khối lượng thiết bị là bao nhiêu.
Giới hạn độ tăng nhiệt bằng 75°C được tăng đến 130°C nếu độ tăng nhiệt giảm đến 75°C trong vòng 5 min sau khi thiết bị được cắt điện.
25.8. Bổ sung vào bảng:
Đối với các thiết bị sấy tóc cầm tay có dây nguồn dài không quá 2 m, mặt cắt danh nghĩa có thể giảm đến:
– 0,75 mm2 đối với dòng điện danh định đến 10 A;
– 1,0 mm2 đối với dòng điện danh định đến 16 A.
25.14. Bổ sung:
Lực đặt lên dây nguồn của thiết bị có mối nối xoay là:
– 20 N đối với dây có mặt cắt danh nghĩa trên 0,75 mm2;
– 10 N đối với dây khác.
Các thiết bị cầm tay được thử nghiệm bổ sung trong khi được lắp đặt trên hệ thống như hình 11, dây nguồn được thả thẳng đứng. Dây được mang tải sao cho lực bằng 10 N được đặt lên dây. Cơ cấu dao động của hệ thống được di chuyển qua góc 180o rồi trở về vị trí ban đầu. Số lần uốn là 4 000 lần với tốc độ 6 lần mỗi phút.
Chú thích
1) Thiết bị được lắp đặt sao cho hướng uốn tương ứng với hướng có nhiều khả năng bị uốn nhất khi quấn dây nguồn quanh thiết bị trước khi cất đi.
2) Thử nghiệm này không thực hiện trên thiết bị có mối nối xoay.
25.15. Bổ sung:
Mối nối xoay không bị chốt chặt trong quá trình thử nghiệm.
25.101. Thiết bị có mối nối xoay phải có kết cấu sao cho trong sử dụng bình thường không có những hỏng hóc về cơ, về điện dẫn đến không phù hợp với tiêu chuẩn này.
Kiểm tra sự phù hợp bằng thử nghiệm sau.
Thiết bị làm việc trong điều kiện qui định trong 11.101. Số lần quay được tăng đến 20 000 lần.
Sau thử nghiệm này, mối nối xoay và dây nguồn phải phù hợp cho sử dụng tiếp theo. Các phần mang điện không trở nên chạm tới được và thiết bị phải chịu được thử nghiệm độ bền điện của 16.3.
26. Đầu nối dùng cho các ruột dẫn ngoài
Áp dụng điều này của phần 1, ngoài ra còn:
26.3. Bổ sung:
Đầu nối dùng cho đấu nối kiểu X trong thiết bị có mối nối xoay phải không cho phép nối dây dẫn nguồn bằng các vít và không được là loại không bắt ren.
27. Qui định cho nối đất
Áp dụng điều này của phần 1.
28. Vít và các mối nối
Áp dụng điều này của phần 1.
29. Chiều dài đường rò, khe hở và khoảng cách qua cách điện
Áp dụng điều này của phần 1, ngoài ra còn:
29.2 Bổ sung:
Chú thích – Đối với kẹp uốn, khoảng cách xuyên qua cách điện giữa các bộ phận kim loại được cách ly bằng cách điện phụ có thể giảm đến 0.6 mm, miễn là khoảng cách xuyên qua cách điện chính ít nhất là 1 mm
30. Độ chịu nhiệt, chịu cháy và chịu phóng điện bề mặt
Áp dụng điều này của phần 1, ngoài ra còn:
30.1. Bổ sung:
Đối với thiết bị hơ tay và thiết bị sấy tóc, độ tăng nhiệt xuất hiện trong quá trình thử nghiệm của điều 19 coi như không tính đến.
30.2. Bổ sung:
Đối với thiết bị sấy tóc kiểu chụp, kiểm tra thêm sự phù hợp bằng thử nghiệm của 30.101.
Đối với nguồn nhiệt dùng cho lô cuốn tháo rời được, áp dụng 30.2.3. Đối với các thiết bị khác, áp dụng 30.2.2.
30.101. Đối với thiết bị sấy tóc kiểu chụp, áp dụng thử nghiệm ngọn lửa hình kim của phụ lục M cho:
– các bộ phận phi kim loại bọc ngoài phần tử đốt nóng và các linh kiện điện khác;
– các bộ phận phi kim loại nằm trong vỏ.
31. Chống gỉ
Áp dụng điều này của phần 1.
32. Bức xạ, tính độc hại và các rủi ro tương tự
Áp dụng điều này của phần 1.
Kích thước tính bằng milimét
Hình 101 – Lưới kim loại bảo vệ
TIÊU CHUẨN VIỆT NAM TCVN 5699-2-23:2000 VỀ AN TOÀN ĐỐI VỚI THIẾT BỊ ĐIỆN GIA DỤNG VÀ CÁC THIẾT BỊ ĐIỆN TƯƠNG TỰ – PHẦN 2-23. YÊU CẦU CỤ THỂ ĐỐI VỚI CÁC THIẾT BỊ DÙNG ĐỂ CHĂM SÓC TÓC HOẶC DA | |||
Số, ký hiệu văn bản | TCVN5699-2-23:2000 | Ngày hiệu lực | |
Loại văn bản | Tiêu chuẩn Việt Nam | Ngày đăng công báo | |
Lĩnh vực |
Điện lực Giao dịch điện tử |
Ngày ban hành | |
Cơ quan ban hành | Tình trạng | Hết hiệu lực |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn | Văn bản hướng dẫn | ||
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |