TIÊU CHUẨN VIỆT NAM TCVN 6606:2000 VỀ CÀ PHÊ TAN – PHÂN TÍCH CỠ HẠT DO BỘ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG BAN HÀNH
TCVN 6606 : 2000
ISO 7532 : 1985
CÀ PHÊ TAN – PHÂN TÍCH CỠ HẠT
Instant coffee – Side analysis
Lời nói đầu
TCVN 6606 : 2000 hoàn toàn tương đương với ISO 7532:1985;
TCVN 6606 : 2000 do Ban kỹ thuật TCVN/TC/F16 Cà phê và sản phẩm cà phê biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường ban hành.
CÀ PHÊ TAN – PHÂN TÍCH CỠ HẠT
Instant coffee – Side analysis
1. Phạm vi và lĩnh vực áp dụng
Tiêu chuẩn này qui định phương pháp xác định cỡ hạt của cà phê tan, bằng phương pháp dùng rây thử nghiệm để rây tay hoặc rây cơ học.
2. Tiêu chuẩn trích dẫn
ISO 2591 Rây thử nghiệm.
ISO 3310-1 Rây thử nghiệm − Yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử − Phần 1 : Rây thử nghiệm bằng lưới kim loại.
ISO 3509 Cà phê và sản phẩm cà phê − Thuật ngữ.
TCVN 6605 : 2000 (ISO 6670 : 1983) Cà phê tan đựng trong thùng có lót − Lấy mẫu.
3. Định nghĩa
Trong tiêu chuẩn này áp dụng các định nghĩa của ISO 3509.
4. Nguyên tắc
Tách phần mẫu thử thành từng phần theo cỡ hạt bằng cách rây tay hoặc rây cơ học, và biểu thị kết quả theo phần trăm khối lượng.
5. Thiết bị, dụng cụ
Sử dụng thiết bị, dụng cụ phòng thí nghiệm thông thường và :
5.1. Bộ rây thử nghiệm, có đường kính 200 mm, phù hợp với ISO 2591 và ISO 3310-1, có nắp đậy và có đĩa hứng. Các rây này nên lấy từ một trong hai dãy trong bảng 1, thích hợp là dãy R 20/3.
Bảng 1 − Kích thước danh định của lỗ rây
Dãy R 20/3 µm |
Các cỡ chọn lọc từ dãy R 40/3 µm |
4 000 2 800 2 000 1 400 1 000 710 500 365 250 180 125 |
3 350 2 360 1 700 1 180 850 600 425 300 212 150 |
5.2. Cân, có độ chính xác đến 0,1 g.
5.3. Chổi lông mềm.
5.4. Máy lắc cơ học (theo yêu cầu), đạt được tương tự như lắc bằng tay mô tả trong 7.3.
6. Lấy mẫu
Theo TCVN 6605 : 2000 (ISO 6670 : 1983).
7. Cách tiến hành
Cảnh báo − Do đặc tính hút ẩm của cà phê tan, việc xác định không nên tiến hành trong môi trường ẩm, thí dụ như có độ ẩm tương đối cao hơn 60%. Do đó nên sử dụng các dụng cụ khử ẩm một cách có hiệu quả.
7.1. Chọn rây
Đối với cà phê tan chế biến bằng phương pháp sấy phun, thì chọn bộ rây có bốn hoặc năm chiếc trong đó chiếc rây có kích thước lỗ nhỏ nhất, thích hợp nhất là thuộc dãy R 20/3 hoặc có kích thước chọn từ dãy 40/3 (xem bảng).
Đối với cà phê tan chế biến bằng phương pháp làm đông đặc rồi sấy chân không hoặc kết vón, thì chọn bộ rây có bốn hoặc năm chiếc trong đó rây có kích thước lỗ lớn nhất, thích hợp nhất là thuộc dãy R 20/3 hoặc có kích thước chọn từ dãy 40/3 (xem bảng).
Kích thước của lỗ rây sát với đĩa thu nhận là nhỏ nhất.
7.2. Phần mẫu thử
Cân khoảng 100 g mẫu, chính xác đến 0,1 g.
7.3. Rây và cân
Cho phần mẫu thử (7.2) đều lên đỉnh rây và đậy nắp.
Dùng hai tay lắc trong 5 phút, với chuyển động ngang có biên độ 70 mm ở tốc độ 120 lần trên phút (60 lần lắc qua và 60 lần lắc lại).
Cũng có thể sử dụng máy lắc cơ học (5.4) tạo được chuyển động tương tự như mô tả.
Dỡ bỏ cẩn thận lần lượt từng tấm rây một, dùng chổi lấy hết cà phê tan còn dính phía dưới lưới của rây cho vào phần cà phê còn lại ở trên rây (hoặc đĩa) phía dưới.
Lần lượt cân phần được còn lại trên mỗi rây và phần thu được trên đĩa, chính xác đến 0,1 g.
7.4. Số lần xác định
Tiến hành ít nhất hai lần xác định trên các phần mẫu thử 100 g, lấy từ cùng một mẫu.
8. Biểu thị kết quả
8.1. Đối với mỗi thử nghiệm, biểu thị kết quả theo phần trăm khối lượng như sau:
– Phần còn lại trên rây (quá cỡ hoặc phần tồn dư) (đối với từng loại rây sử dụng trong thử nghiệm): % (m/m).
– Phần lọt qua rây (dưới cỡ hoặc mịn) (đối với rây có kích thước lỗ nhỏ nhất, giữ lại trên đĩa thu nhận): % (m/m).
8.2. Đối với mỗi thử nghiệm, tổng phần trăm phải là 100% ± 1%, nếu không, lặp lại toàn bộ qui trình đối với các phần mẫu thử mới.
8.3. Lấy kết quả trung bình cộng của các kết quả của các lần xác định (7.4) đối với từng cỡ rây và đĩa thu nhận và biểu thị như đã định trước (đã nêu ở trên) với điều kiện là thoả mãn yêu cầu trong 8.2.
8.4. Cũng nên dựng đồ thị về các kết quả thu được (tăng) theo kích thước lỗ rây nhằm xác định kích thước lỗ theo phần trăm tăng thu được của 50%.
9. Báo cáo kết quả
Báo cáo kết quả phải chỉ ra phương pháp sử dụng, loại rây (bằng tay hay bằng cơ học), chỉ rõ loại thiết bị đã sử dụng sau cùng và kết quả thu được. Báo cáo cũng phải đề cập đến tất cả các chi tiết thao tác không qui định trong tiêu chuẩn này, hoặc tuỳ ý lựa chọn, cùng với các chi tiết bất thường nào khác có thể ảnh hưởng tới kết quả
Báo cáo kết quả cũng bao gồm tất cả các thông tin cần thiết về việc nhận biết hoàn toàn mẫu thử.
TIÊU CHUẨN VIỆT NAM TCVN 6606:2000 VỀ CÀ PHÊ TAN – PHÂN TÍCH CỠ HẠT DO BỘ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG BAN HÀNH | |||
Số, ký hiệu văn bản | TCVN6606:2000 | Ngày hiệu lực | |
Loại văn bản | Tiêu chuẩn Việt Nam | Ngày đăng công báo | |
Lĩnh vực |
Nông nghiệp - Nông thôn |
Ngày ban hành | |
Cơ quan ban hành |
Bộ khoa học và công nghê |
Tình trạng | Còn hiệu lực |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn | Văn bản hướng dẫn | ||
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |