TIÊU CHUẨN VIỆT NAM TCVN 7219:2002 VỀ KÍNH TẤM XÂY DỰNG – PHƯƠNG PHÁP THỬ DO BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ BAN HÀNH

Hiệu lực: Còn hiệu lực Ngày có hiệu lực: 15/01/2003

TIÊU CHUẨN VIỆT NAM

TCVN 7219 : 2002

KÍNH TẤM XÂY DỰNG – PHƯƠNG PHÁP THỬ

Sheet glass for construction – Method of test

Lời nói đầu

TCVN 7219 : 2002 do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn TCVN/TC 160 Thủy tinh xây dựng hoàn chỉnh trên cơ sở dự thảo của Tổng Công ty Thủy tinh và Gốm xây dựng, Bộ Xây dựng đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng xét duyệt, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành.

 

KÍNH TẤM XÂY DỰNG – PHƯƠNG PHÁP THỬ

Sheet glass for construction – Method of test

1. Phạm vi áp dụng

Tiêu chuẩn này quy định phương pháp kiểm tra kích thước, khuyết tật ngoại quan, độ cong vênh, biến dạng quang học và độ truyền sáng đối với kính tấm, loại trong suốt, bề mặt nhẵn, dùng chủ yếu trong xây dựng.

2. Tiêu chuẩn viện dẫn

ISO 9050 Glass in building – Determination of light transmittance, solar direct transmittance, total energy transmittance and ultraviolet transmittance, and related glazing factors (Kính xây dựng – Xác định độ truyền sáng, độ truyền ánh sáng mặt trời trực tiếp, độ truyền năng lượng mặt trời toàn phần và độ truyền tia cực tím và các yếu tố liên quan).

3. Kiểm tra kích thước tấm kính

3.1. Đo chiều dày

Dùng thuốc vặn (panme), loại dùng để đo mặt phẳng, có độ chính xác đến 0,01 mm, hoặc các loại dụng cụ đo khác có độ chính xác tương đương hoặc cao hơn để đo chiều dày tấm kính. Tiến hành đo tại các vị trí dọc theo cạnh tấm kính, cách đều mép kính khoảng 15 mm. Kết quả là giá trị trung bình cộng các lần đo, làm tròn số tới hàng thập phân thứ nhất.

3.2. Đo chiều dài và chiều rộng

Dùng thước cuộn bằng thép hoặc thước kim loại có vạch chia đến 1 mm, đo chiều dài và chiều rộng của tấm kính tại các vị trí dọc theo một đường thẳng song song với cạnh của tấm kính và cách mép tấm kính một khoảng không lớn hơn 50 mm. Kết quả là giá trị trung bình cộng các lần đo, làm tròn số tới hàng thập phân thứ nhất.

4. Kiểm tra khuyết tật ngoại quan

4.1. Phát hiện bọt, dị vật, lỗi thành vùng hoặc vết dài của tấm kính:

– Tiến hành kiểm tra trong điều kiện không bị ảnh hưởng bởi ánh sáng bên ngoài, bằng cách gắn lên tường đã sơn đen một nhóm đèn huỳnh quang theo chiều ngang, song song với nhau và cách đều nhau một khoảng 50 cm. Mẫu kính được đặt song song với tường, cách tường 1 m, xem hình 1.

Chú thích – Đèn huỳnh quang được sử dụng là loại đèn ánh sáng trắng, công suất 40 W, dài 120 cm. Nếu yêu cầu chiều dài đèn lớn hơn 120 cm thì các đèn sẽ được nối liên tiếp với nhau theo một hàng.

Tiến hành quan sát mẫu kính từ phía trước bằng mắt thường. Khoảng cách giữa mẫu kính và mắt người quan sát khoảng 50 cm khi quan sát bọt, dị vật và khoảng 4 m khi quan sát lỗi thành vùng hoặc vết dài.

– Kích thước bọt và dị vật được đo bằng kính lúp và thước có vạch chia đến 0,1 mm.

Hình 1 – Sơ đồ bố trí kiểm tra phát hiện khuyết tật kính

4.2. Kiểm tra các vết sứt, vết mẻ lồi hoặc lõm trên cạnh cắt của tấm kính:

– Tiến hành quan sát các vết nứt, vết mẻ lồi hoặc lõm trên cạnh cắt của tấm kính trong điều kiện qui định tại 4.1. Các lỗi sứt, mẻ lồi hoặc lõm trên cạnh cắt của tấm kính (xem hình 2) được đo bằng thước kim loại, chính xác đến 0,5 mm.

5. Kiểm tra độ cong vênh của tấm kính

Độ cong vênh của tấm kính được xác định bằng tỷ số giữa khe hở lớn nhất (h) và khoảng cách giữa hai cạnh tấm kính (chiều dày dây cung l), xem hình 3.

Tiến hành đo như sau: Đặt tấm kính thẳng đứng theo phương kéo, không được có lực tỳ, dùng thước kim loại có chiều dài thích hợp và vạch chia đến 1 mm, đo theo mép ngang tấm kính giữa hai cạnh của tấm kính (l): Khe hở lớn nhất giữa mép thước và bề mặt tấm kính mẫu (h) được đo bằng thước kim loại, chính xác đến 0,5 mm.

Độ cong vênh của kính (C), được tính bằng phần trăm, theo công thức sau:

C = x 100

trong đó:

h là khe hở lớn nhất giữa mép thước và bề mặt tấm kính mẫu, tính bằng milimét;

l là chiều dài của dây cung, tính bằng milimét.

Hình 2 – Sơ đồ kiểm tra các khuyết tật ở mép cắt

Hình 3 – Sơ đồ đo độ cong vênh

6. Kiểm tra độ biến dạng quang học

Độ biến dạng quang học, còn gọi là sự méo hình, được đo bằng góc nghiêng gây biến dạng hình học khi quan sát các vạch sọc trên màn hình qua tấm kính mẫu theo trình tự sau:

– Đặt tấm kính mẫu theo phương thẳng đứng và vuông góc với màn hình kiểm tra trên một giá đỡ có thể quay quanh trục thẳng đứng của nó. Khoảng cách giữa tấm kính mẫu và màn hình là 4,5m. Màn hình có chiều rộng tương đương chiều dài cạnh nằm ngang của tấm kính mẫu (xem hình 4) và có kẻ các sọc trắng/đen song song, mỗi sọc rộng 25 mm, nghiêng một góc 45oC so với chiều thẳng đứng.

– Giữ mẫu kính sao cho chiều kéo của tấm kính khi sản xuất là phương thẳng đứng, bề mặt tấm kính song song với màn chắn. Người quan sát đứng cách mẫu khoảng 4,5 m, điều chỉnh góc nghiêng của tấm kính đến khi các đường vạch đen trên màn hình bị mờ, biến dạng. Góc nghiêng đó là góc nghiêng biến hình. Giá trị góc nghiêng biến hình được xác định bởi bảng chia độ gắn ở trục quay của giá đỡ với vạch chia đến 1o.

Chú thích – Khi không xác định được phương kéo của tấm kính khi sản xuất, việc quan sát sẽ được tiến hành theo cả hai hướng và kết quả là giá trị góc nghiêng biến hình nhỏ nhất.

Hình 4 – Sơ đồ bố trí cho kiểm tra sự méo hình (biến dạng quang học)

7. Xác định độ truyền sáng

7.1. Nguyên tắc

Độ truyền sáng hay còn gọi là độ thấu quang, được xác định bằng tỷ số giữa cường độ tia sáng đi qua kính và cường độ tia sáng chiếu tới theo góc pháp tuyến.

7.2. Thiết bị thử

– Máy quang phổ (Spectrophotometer).

7.3. Tiến hành thử và tính kết quả

Tiến hành thử theo ISO 9050, hoặc có thể áp dụng các phương pháp khác nhưng không gây chênh lệch đáng kể về kết quả thử so với ISO 9050.

8. Báo cáo kết quả

Kết quả kiểm tra kính tấm được ghi trên báo cáo thử nghiệm với đầy đủ các thông tin sau:

– tên và loại kính;

– tên cơ sở sản xuất;

– các kết quả kiểm tra và thử nghiệm theo tiêu chuẩn này;

– các thông tin khác có liên quan đến quá trình kiểm tra, thử nghiệm;

– người tiến hành kiểm tra thử nghiệm;

– ngày tháng và nơi kiểm tra thử nghiệm.

TIÊU CHUẨN VIỆT NAM TCVN 7219:2002 VỀ KÍNH TẤM XÂY DỰNG – PHƯƠNG PHÁP THỬ DO BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ BAN HÀNH
Số, ký hiệu văn bản TCVN7219:2002 Ngày hiệu lực 15/01/2003
Loại văn bản Tiêu chuẩn Việt Nam Ngày đăng công báo 25/03/2003
Lĩnh vực Xây dựng
Ngày ban hành 31/12/2002
Cơ quan ban hành Bộ khoa học và công nghê
Tình trạng Còn hiệu lực

Các văn bản liên kết

Văn bản được hướng dẫn Văn bản hướng dẫn
Văn bản được hợp nhất Văn bản hợp nhất
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung Văn bản sửa đổi, bổ sung
Văn bản bị đính chính Văn bản đính chính
Văn bản bị thay thế Văn bản thay thế
Văn bản được dẫn chiếu Văn bản căn cứ

Tải văn bản