TIÊU CHUẨN VIỆT NAM TCVN 7666:2007 VỀ KIỂM DỊCH THỰC VẬT – HƯỚNG DẪN VỀ HỆ THỐNG QUY ĐỊNH NHẬP KHẨU

Hiệu lực: Còn hiệu lực

TIÊU CHUẨN VIỆT NAM

TCVN 7666:2007

KIỂM DỊCH THỰC VẬT – HƯỚNG DẪN VỀ HỆ THỐNG QUY ĐỊNH NHẬP KHẨU

Guidelines for a phytosanitary import regulatory system

Lời nói đầu

TCVN 7666:2007 được xây dựng dựa trên ISPM No 20, FAO, Rome, 2004;

TCVN 7666:2007 do Tiểu ban kỹ thuật tiêu chuẩn TCVN/TC/F7/SC1 Kiểm dịch thực vật biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

 

KIỂM DỊCH THỰC VẬT – HƯỚNG DẪN VỀ HỆ THỐNG QUY ĐỊNH NHẬP KHẨU

Guidelines for a phytosanitary import regulatory system

1. Phạm vi áp dụng

Tiêu chuẩn này mô tả cấu trúc và hoạt động của hệ thống quy định nhập khẩu kiểm dịch thực vật (KDTV) và những quyền hạn, nghĩa vụ, trách nhiệm cần được xem xét trong việc thiết lập, điều hành và soát xét hệ thống. Trong tiêu chuẩn này, bất cứ sự tham chiếu pháp luật, quy định, quy trình, biện pháp hoặc hoạt động là một tham khảo pháp luật KDTV, quy định v.v…. trừ khi có quy định khác.

2. Tài liệu viện dẫn

Các tài liệu viện dẫn sau là rất cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm ban hành thì áp dụng bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm ban hành thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi.

TCVN 3937:2007, Kiểm dịch thực vật – Thuật ngữ và định nghĩa.

TCVN 6907:2001, Biện pháp Kiểm dịch thực vật – Các nguyên tắc KDTV liên quan đến thương mại quốc tế.

TCVN 7515:2005, Kiểm dịch thực vật – Yêu cầu để thiết lập các vùng không nhiễm dịch hại.

TCVN 7516:2005, Hướng dẫn giám sát dịch hại.

TCVN 7668:2007, Phân tích nguy cơ dịch hại đối với dịch hại kiểm dịch thực vật bao gồm phân tích nguy cơ về môi trường và sinh vật sống biến đổi gen.

ISPM No.3, Code of conduct for the import and release of exotic biological control agents (Mã sản xuất cho việc nhập khẩu và phóng thả đối với những tác nhân điều khiển sinh học ngoại lai), FAO, Rome 1996.

ISPM No.7, Export certification system (Hệ thống chứng nhận xuất khẩu), FAO, Rome, 1997.

ISPM No.13, Guidelines for the notification of non-compliance and emergency action (Hướng dẫn thông báo trường hợp không tuân thủ và hành động khẩn cấp) FAO, Rome, 2001.

ISPM No.19, Guidelines on list of regulated pets (Hướng dẫn về danh mục dịch hại thuộc diện điều chỉnh), FAO, Rome, 2003.

ISPM No.21, Pest risk analysis for regulated non-quarantine pests (Phân tích nguy cơ dịch hại đối với dịch hại thuộc diện điều chỉnh nhưng không phải dịch hại kiểm dịch thực vật), FAO, Rome, 2004.

Agreement on the Application of Sanitary and Phytosanitary Measures [Hiệp định áp dụng các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)], 1994. World Trade Organization, Geneva.

3. Thuật ngữ, định nghĩa

Trong tiêu chuẩn này áp dụng các thuật ngữ và định nghĩa theo TCVN 3937:2007.

4. Khái quát yêu cầu

Mục đích của hệ thống quy định KDTV nhập khẩu là ngăn chặn sự du nhập của dịch hại KDTV hoặc hạn chế sự xâm nhập của các dịch hại thuộc diện điều chỉnh nhưng không phải dịch hại KDTV theo hàng hóa và những vật thể thuộc diện KDTV nhập khẩu khác. Hệ thống quy định KDTV nhập khẩu bao gồm hai phần:

– khung điều chỉnh về pháp luật, các quy định và quy trình KDTV;

– tổ chức bảo vệ thực vật quốc gia (NPPO) có trách nhiệm điều hành hoặc giám sát hệ thống.

Khung pháp lý bao gồm: quyền hợp pháp cho NPPO thực hiện những nhiệm vụ của mình, các biện pháp mà hàng hóa nhập khẩu phải tuân thủ và những biện pháp khác (bao gồm cả việc cấm) liên quan đến hàng hóa hoặc vật thể thuộc diện KDTV khác nhập khẩu, các hoạt động có thể được thực hiện đối với trường hợp không tuân thủ hoặc nguy cơ được phát hiện yêu cầu hành động khẩn cấp. Việc này cũng có thể bao gồm các biện pháp liên quan đến chuyến hàng quá cảnh.

NPPO có trách nhiệm trong quá trình điều hành hệ thống quy định nhập khẩu. Những trách nhiệm này được quy định trong Điều IV.2 của IPPC (1997) liên quan đến vấn đề nhập khẩu bao gồm: việc giám sát, kiểm tra, vệ sinh, khử trùng, phân tích nguy cơ dịch hại, đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ. Những trách nhiệm bao gồm các chức năng liên quan trong một số lĩnh vực như: hành chính; kiểm tra sổ sách và sự phù hợp; áp dụng các hoạt động đối với sự không tuân thủ; hành động khẩn cấp; quyền hạn của cán bộ KDTV; giải quyết các tranh chấp. Bên cạnh đó, các bên tham gia có thể giao trách nhiệm khác cho các NPPO như: xây dựng hoặc sửa đổi quy định. Các nguồn lực của NPPO là cần thiết cho việc thực thi những trách nhiệm và chức năng của mình. Cũng có những yêu cầu cho sự liên hệ, tài liệu minh chứng, trao đổi thông tin, soát xét ở cấp quốc gia và quốc tế.

4.1. Mục đích

Ngăn chặn sự du nhập của dịch hại KDTV hoặc hạn chế dịch hại thuộc diện điều chỉnh nhưng không phải dịch hại KDTV theo hàng hóa và những vật thể thuộc diện KDTV nhập khẩu khác.

4.2. Cấu trúc

Thành phần của hệ thống quy định nhập khẩu bao gồm:

– khung điều chỉnh pháp ký, các quy định và quy trình KDTV;

– tổ chức NPPO có trách nhiệm điều hành hoạt động hệ thống.

Hệ thống hành chính, pháp lý và cơ cấu tổ chức ở mỗi nước khác nhau. Đặc biệt một số hệ thống pháp luật yêu cầu mọi hoạt động KDTV chính thức phải được chi tiết hóa trong văn bản luật, ở văn bản khác lại đưa ra một khung pháp lý áp dụng rộng trong đó các cán bộ KDTV có thẩm quyền thực hiện chức năng của mình thông qua một quy trình hành chính. Vì vậy, tiêu chuẩn này đưa ra hướng dẫn chung đối với khung pháp lý của hệ thống quy định nhập khẩu. Khung pháp lý này được mô tả thêm ở Điều 5.

NPPO là cơ quan chính thức có trách nhiệm điều hành (tổ chức và quản lý) hệ thống quy định nhập khẩu. Các tổ chức khác thuộc Chính phủ như Hải quan có thể có vai trò (có chức năng và trách nhiệm rõ ràng) trong việc kiểm soát hàng hóa nhập khẩu và duy trì liên lạc qua lại. NPPO sử dụng cán bộ của mình để vận hành hệ thống quy định nhập khẩu nhưng cũng có thể ủy quyền cho cơ quan Chính phủ phù hợp hoặc các tổ chức phi Chính phủ hoặc cá nhân đóng vai trò đại diện và chịu sự kiểm soát đối với các chức năng xác định. Việc vận hành hệ thống được mô tả ở Điều 6.

4.3. Quyền hạn, nghĩa vụ và trách nhiệm

Trong quá trình thiết lập và vận hành hệ thống quy định nhập khẩu, NPPO sẽ quan tâm đến:

– quyền hạn, nghĩa vụ và trách nhiệm trong Hiệp ước, Công ước hoặc Hiệp định quốc tế có liên quan;

– quyền hạn, nghĩa vụ và trách nhiệm trong những tiêu chuẩn có liên quan;

– chính sách và luật pháp quốc gia;

– chính sách quản lý của Chính phủ, bộ hoặc ngành hoặc NPPO.

4.3.1. Hiệp định quốc tế, nguyên tắc và tiêu chuẩn

Chính phủ các nước có chủ quyền trong việc quy định nhập khẩu để đạt được mức bảo hộ phù hợp có tính đến nghĩa vụ quốc tế. Quyền hạn, nghĩa vụ và trách nhiệm liên quan đến các Hiệp định quốc tế cũng như những nguyên tắc và tiêu chuẩn trong các Hiệp định quốc tế, cụ thể là IPPC (1997) và Hiệp định SPS của Tổ chức Thương mại Thế giới, ảnh hưởng đến việc thực hiện và cấu trúc của hệ thống quy định nhập khẩu. Việc dự thảo, thông qua và áp dụng các quy định nhập khẩu đòi hỏi việc công nhận những nguyên tắc và khái niệm nhất định như trong TCVN 6907:2001, bao gồm;

– sự minh bạch;

– chủ quyền;

– sự cần thiết;

– không phân biệt đối xử;

– tác động tối thiểu;

– hài hòa;

– bằng chứng kỹ thuật (như việc thông qua phân tích nguy cơ dịch hại);

– kiên định;

– nguy cơ được quản lý;

– sự thay đổi;

– hành động khẩn cấp và những biện pháp tạm thời;

– tương đương;

– vùng không nhiễm dịch hại và vùng dịch hại ít phổ biến.

Đặc biệt, các quy trình và quy định KDTV phải xem xét khái niệm tác động tối thiểu và những vấn đề kinh tế và hành động khả thi để tránh ngăn cản thương mại một cách không cần thiết.

4.3.2. Hợp tác khu vực

Các tổ chức khu vực như Tổ chức BVTV vùng và Tổ chức Phát triển nông nghiệp vùng có thể khuyến khích việc hài hòa hệ thống quy định nhập khẩu giữa các nước thành viên và có thể hợp tác trong việc trao đổi thông tin vì lợi ích của các thành viên.

Một tổ chức hội nhập kinh tế vùng được FAO công nhận có thể có điều luật áp dụng đối với các nước thành viên và cũng có thể có quyền ban hành các quy định bắt buộc với tư cách là đại diện cho các thành viên của tổ chức đó.

5. Khung pháp lý

Việc ban hành các quy định là trách nhiệm của Chính phủ (các bên tham gia) (Điều IV.3c của IPPC, 1997). Để phù hợp với những trách nhiệm này, các Bên tham gia có thể giao cho NPPO thẩm quyền xây dựng và thực hiện các quy định KDTV nhập khẩu. Các Bên tham gia sẽ có một khung điều chỉnh bao gồm:

– quy định trách nhiệm và chức năng của NPPO liên quan đến hệ thống quy định nhập khẩu;

– quyền hợp pháp cho NPPO thực hiện trách nhiệm và chức năng của mình đối với hệ thống quy định nhập khẩu;

– quy trình và quyền hạn như thông qua việc phân tích nguy cơ dịch hại (PRA) để quyết định biện pháp KDTV nhập khẩu;

– các biện pháp KDTV áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu hoặc những vật thể khác thuộc diện KDTV;

– việc cấm nhập khẩu hàng hóa và những vật thể khác thuộc diện KDTV;

– quyền hợp pháp áp dụng các biện pháp đối với sự không tuân thủ và hành động khẩn cấp;

– quy định sự phối hợp giữa NPPO và cơ quan khác của Chính phủ;

– các thủ tục minh bạch rõ ràng và khung thời gian thực hiện các quy định, bao gồm cả thời điểm có hiệu lực.

Các Bên tham gia có nghĩa vụ xây dựng qui định có sẵn theo Điều VII.2b của IPPC, 1997; các qui trình này có thể đòi hỏi dựa vào qui định.

5.1. Vật thể thuộc diện KDTV

Hàng hóa nhập khẩu có thể được điều chỉnh bao gồm những vật thể có khả năng bị nhiễm hoặc bị nhiễm bẩn do dịch hại thuộc diện điều chỉnh. Dịch hại thuộc diện điều chỉnh là dịch hại KDTV hoặc dịch hại thuộc diện điều chỉnh nhưng không phải dịch hại KDTV. Mọi hàng hóa đều có thể bị điều chỉnh vì lý do dịch hại KDTV. Các sản phẩm tiêu dùng hoặc chế biến có thể không bị điều chỉnh vì dịch hại thuộc diện điều chỉnh nhưng không phải dịch hại KDTV. Dịch hại thuộc diện điều chỉnh nhưng không phải dịch hại KDTV có thể chỉ bị điều chỉnh đối với thực vật dùng làm giống. Một số ví dụ về vật thể thuộc diện KDTV:

– thực vật và sản phẩm thực vật dùng làm giống, tiêu dùng, chế biến hoặc những mục đích khác.

– trang thiết bị bảo quản;

– vật liệu bao gói, bao gồm cả vật chèn lót;

– phương tiện vận chuyển;

– đất, phân hữu cơ và những vật liệu liên quan khác;

– khả năng lẩn trốn của sinh vật hoặc lan rộng của dịch hại;

– những thiết bị có nguy cơ lẫn dịch hại (ví dụ như được sử dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, quân đội…):

– các vật liệu nghiên cứu và nguyên liệu khác;

– tư trang cá nhân của khách du lịch quốc tế;

– dịch vụ bưu chính quốc tế;

– dịch hại và các tác nhân phòng trừ sinh học1.

Danh mục vật thể thuộc diện KDTV phải được công bố.

5.2. Biện pháp đối với vật thể thuộc diện KDTV

Các bên tham gia sẽ không áp dụng các biện pháp KDTV như cấm, hạn chế đối với việc nhập khẩu hàng hóa hoặc những quy định nhập khẩu khác trừ khi những biện pháp đó là cần thiết và đã qua xem xét và chứng minh kỹ thuật. Các Bên tham gia sẽ quan tâm với những tiêu chuẩn quốc tế và các quy định liên quan khác của IPPC trong việc áp dụng các biện pháp KDTV.

5.2.1. Biện pháp đối với những chuyến hàng nhập khẩu

Các quy định sẽ yêu cầu biện pháp mà những chuyến hàng2 thực vật, sản phẩm thực vật và vật thể thuộc diện KDTV khác nhập khẩu phải tuân thủ. Những biện pháp này có thể là biện pháp chung áp dụng đối với tất cả các loại hàng hóa hoặc là những biện pháp được cụ thể áp dụng với từng hàng hóa xác định từ một nơi xuất xứ cụ thể. Các biện pháp có thể được yêu cầu trước khi nhập khẩu, khi nhập khẩu hoặc sau khi nhập khẩu. Phương pháp hệ thống có thể cũng được sử dụng nếu phù hợp.

Biện pháp được quy định tại nước xuất khẩu, mà NPPO nước xuất khẩu có thể được yêu cầu để chứng nhận (phù hợp với ISPM No 7) bao gồm:

– kiểm tra trước khi xuất khẩu;

– phân tích giám định trước khi xuất khẩu;

– xử lý trước khi xuất khẩu;

– sản xuất từ thực vật với tình trạng KDTV được xác định (ví dụ trồng từ thực vật đã được giám định virut hoặc trong những điều kiện cụ thể);

– kiểm tra hoặc phân tích giám định trong mùa vụ gieo trồng trước khi xuất khẩu;

– xuất xứ hàng hóa từ một khu vực hoặc địa điểm sản xuất không nhiễm dịch hại hoặc vùng dịch hại ít phổ biến hoặc vùng không nhiễm dịch hại;

– quy trình xác minh;

– duy trì độ nguyên vẹn của chuyến hàng.

Các biện pháp có thể được yêu cầu trong quá trình vận chuyển bao gồm:

– xử lý (ví dụ: xử lý bằng vật lý hoặc hóa chất thích hợp);

– duy trì độ nguyên vẹn của chuyến hàng.

Những biện pháp có thể được yêu cầu tại cửa khẩu bao gồm:

– kiểm tra giấy tờ;

– xác minh độ nguyên vẹn của chuyến hàng;

– xác minh việc xử lý trong quá trình vận chuyển;

– kiểm tra KDTV;

– phân tích giám định;

– xử lý;

– giữ lô hàng chờ kết quả phân tích giám định hoặc xác minh hiệu quả xử lý.

Những biện pháp có thể được yêu cầu sau khi nhập khẩu bao gồm:

– lưu giữ trong khu cách ly (như tại trạm KDTV sau nhập khẩu) để kiểm tra, phân tích giám định hoặc xử lý;

– lưu giữ tại một nơi xác định chờ biện pháp cụ thể;

– hạn chế sự phân phối hoặc sử dụng chuyến hàng (ví dụ: được chế biến cụ thể).

Những biện pháp khác có thể được yêu cầu như:

– yêu cầu đối với giấy phép hoặc chứng chỉ;

– giới hạn cửa khẩu đối với hàng hóa cụ thể;

– yêu cầu bên nhập khẩu thông báo chính thức nơi đến của chuyến hàng;

– kiểm tra sổ sách đối với các quy trình ở nước xuất khẩu;

– thông kiểm trước ở nơi xuất xứ.

Hệ thống quy định nhập khẩu sẽ đưa ra đánh giá và có thể chấp nhận các biện pháp thay thế được các bên tham gia xuất khẩu đề xuất là tương đương.

5.2.1.1 Quy định nhập khẩu tạm thời

Các Bên tham gia có thể đưa ra những điều khoản đặc biệt khi nhập khẩu dịch hại, tác nhân phòng trừ sinh học (xem thêm ISPM No 3) hoặc những vật thể khác thuộc diện KDTV phục vụ nghiên cứu, đào tạo hoặc mục đích khác. Việc nhập khẩu này có thể là đối tượng được phép theo quy định về an toàn sinh học.

5.2.1.2. Vùng, khu vực sản xuất, địa điểm sản xuất không nhiễm dịch hại, vùng dịch hại ít phổ biến và những chương trình quản lý chính thức

Các bên tham gia nhập khẩu có thể xây dựng vùng không nhiễm dịch hại (theo TCVN 7515:2005), vùng dịch hại ít phổ biến và những chương trình phòng trừ chính thức trong lãnh thổ của các nước. Các quy định nhập khẩu có thể được yêu cầu để bảo vệ hoặc duy trì như những vùng đã xây dựng trong lãnh thổ nước nhập khẩu. Tuy nhiên, những biện pháp đó nên tôn trọng nguyên tắc không phân biệt đối xử.

Các quy định nhập khẩu phải công nhận sự tồn tại của các vùng đã xây dựng và các quy định này liên quan đến các quy trình chính thức khác (ví dụ: vùng, khu vực và địa điểm sản xuất không nhiễm dịch hại trong các quốc gia xuất khẩu bao gồm điều kiện công nhận các biện pháp này là tương đương khi thích hợp. Điều này có thể cần thiết để xây dựng hệ thống qui định để đánh giá và chấp nhận các vùng xây dựng bởi các NPPO khác và để đáp ứng các yêu cầu tiếp theo.

5.2.2. Cấp phép nhập khẩu

Thẩm quyền cho nhập khẩu có thể được quy định như một hình thức cấp phép thông thường hoặc thông qua cấp phép riêng cho từng trường hợp.

Cấp phép thông thường

Việc cấp phép này có thể được thực hiện khi:

– không có yêu cầu cụ thể liên quan đến việc nhập khẩu;

– những yêu cầu cụ thể được xây dựng trong văn bản quy phạm pháp luật cho phép nhập khẩu đối với một số hàng hóa.

Cấp phép thông thường sẽ không yêu cầu chứng chỉ hoặc giấy phép nhưng có thể là đối tượng kiểm tra tại điểm nhập khẩu.

Cấp phép riêng

Việc cấp phép riêng, ví dụ: trong thể thức của một chứng chỉ hoặc giấy phép có thể được yêu cầu khi có sự thỏa thuận chính thức cho việc nhập khẩu. Việc này có thể áp dụng đối với những chuyến hàng riêng rẽ hoặc một loạt chuyến hàng có xuất xứ cụ thể. Những trường hợp yêu cầu kiểu cấp phép này bao gồm:

– nhập khẩu khẩn cấp hoặc đặc biệt;

– nhập khẩu với những yêu cầu cụ thể như: yêu cầu kiểm dịch sau nhập khẩu hoặc cho mục đích nghiên cứu hay sử dụng cho mục đích cuối cùng;

– nhập khẩu trong trường hợp NPPO yêu cầu kiểm tra những vật liệu đã quá thời gian sau khi nhập.

Một số nước có thể sử dụng giấy phép để quy định điều kiện nhập khẩu thông thường. Tuy nhiên, việc xây dựng hệ thống cấp phép thông thường được khuyến khích ở những nơi mà việc cấp phép riêng tương tự đã phổ biến.

5.2.3. Cấm nhập khẩu

Việc cấm nhập khẩu có thể áp dụng đối với những hàng hóa cụ thể hoặc vật thể thuộc diện KDTV khác với mọi xuất xứ hoặc hàng hóa đặc trưng hoặc vật thể thuộc diện KDTV khác có xuất xứ cụ thể. Việc cấm nhập khẩu cần áp dụng trong trường hợp không có biện pháp quản lý nguy cơ dịch hại thay thế. Việc cấm nhập khẩu phải được chứng minh bằng kỹ thuật. Các NPPO có thể đưa ra quy định để đánh giá tính tương đương của các biện pháp nhưng biện pháp đó phải ít hạn chế thương mại. Các bên tham gia thông qua NPPO có thẩm quyền phải sửa các quy định nhập khẩu nếu như các biện pháp này đáp ứng mức độ bảo vệ phù hợp. Việc cấm nhập khẩu được áp dụng đối với dịch hại KDTV. Những dịch hại thuộc diện điều chỉnh nhưng không phải dịch hại KDTV phải không bị cấm nhưng là đối tượng để thiết lập mức độ chống chịu dịch hại.

Những vật thể bị cấm có thể dùng cho việc nghiên cứu hoặc mục đích khác và các điều khoản được yêu cầu cho việc nhập khẩu dưới những điều kiện được kiểm soát bao gồm cả vấn đề an toàn thông qua hệ thống chứng nhận hoặc giấy phép.

5.3. Chuyến hàng quá cảnh

Theo TCVN 3937:2007, chuyến hàng quá cảnh sẽ không được phép nhập khẩu. Tuy nhiên, hệ thống quy định nhập khẩu có thể điều chỉnh cho cả những chuyến hàng quá cảnh và thiết lập các biện pháp có bằng chứng kỹ thuật để ngăn chặn dịch hại du nhập và/ hoặc lan rộng (Điều VII.4 của IPPC, 1997). Các biện pháp để giám sát, xác định độ nguyên vẹn của chuyến hàng hoặc để khẳng định xem chuyến hàng đã rời khỏi lãnh thổ quá cảnh chưa có thể được yêu cầu. Các nước có thể thiết lập các cửa khẩu, tuyến đường đi trong nước, điều kiện vận chuyển và thời hạn trong lãnh thổ của nước quá cảnh.

5.4. Những biện pháp liên quan đến sự không tuân thủ và hành động khẩn cấp

Hệ thống quy định nhập khẩu sẽ có những điều khoản để áp dụng đối với trường hợp không tuân thủ hoặc hành động khẩn cấp (Điều VII.2f của IPPC, thông tin chi tiết trong ISPM No 13) có tính đến nguyên tắc tác động tối thiểu.

Những hành động có thể được thực hiện khi một chuyến hàng nhập khẩu hoặc vật thể KDTV khác không tuân theo các qui định và bị từ chối nhập khẩu, bao gồm:

– việc xử lý;

– chọn lọc hoặc thải loại;

– vệ sinh vật thể thuộc diện KDTV (bao gồm thiết bị, nhà xưởng, nơi bảo quản, phương tiện vận chuyển);

– hướng dẫn mục đích sử dụng cụ thể như chế biến;

– trả về nơi xuất xứ;

– tiêu hủy (ví dụ: đốt).

Việc phát hiện trường hợp không tuân thủ hoặc yêu cầu một hành động khẩn cấp có thể là căn cứ để sửa đổi quy định hoặc đình chỉ việc cho phép nhập khẩu.

5.5. Những yếu tố khác có thể yêu cầu đến khung pháp lý

Các hiệp định quốc tế quy định nghĩa vụ có thể yêu cầu cơ sở pháp lý hoặc có thể được thực hiện thông qua các thủ tục hành chính. Các thỏa thuận có thể được yêu cầu như những thủ tục gồm:

– thông báo về sự không tuân thủ;

– báo cáo dịch hại;

– chỉ định điểm đầu mối liên lạc chính thức;

– phổ biến và tuyên truyền thông tin quy định;

– hợp tác quốc tế;

– sửa đổi các quy định, tài liệu chứng minh;

– công nhận tính tương đương;

– quy định cửa khẩu;

– thông báo những tài liệu chứng minh chính thức.

5.6. Quyền hạn hợp pháp của NPPO

Để NPPO có thể hoàn thành nhiệm vụ của mình (Điều IV của IPPC, 1997), cán bộ KDTV của NPPO và những người được ủy quyền khác phải được giao thẩm quyền để:

– vào những khu vực nhà xưởng, phương tiện và những nơi khác có hàng hóa, dịch hại thuộc diện điều chỉnh được nhập khẩu hoặc có thể có mặt vật thể thuộc diện KDTV khác;

– kiểm tra hoặc phân tích giám định hàng hóa nhập khẩu và những vật thể thuộc diện KDTV khác;

– lấy và chuyển mẫu hàng nhập khẩu hoặc vật thể thuộc diện KDTV khác hoặc từ những nơi dịch hại thuộc diện điều chỉnh có thể có mặt (bao gồm cả việc phân tích mà kết quả dẫn đến việc hủy mẫu);

– lưu giữ chuyến hàng nhập khẩu hoặc vật thể thuộc diện KDTV khác;

– xử lý hoặc yêu cầu xử lý chuyến hàng nhập khẩu hoặc vật thể thuộc diện KDTV khác bao gồm cả phương tiện hoặc khu vực hoặc hàng hóa nơi mà một dịch hại thuộc diện điều chỉnh có thể có mặt;

– từ chối nhập khẩu chuyến hàng, trả về nơi xuất xứ hoặc tiêu hủy;

– áp dụng hành động khẩn cấp;

– thu phí liên quan đến những hoạt động nhập khẩu hoặc liên quan đến phạt vi phạm hành chính.

6. Điều hành hệ thống quy định nhập khẩu

NPPO có trách nhiệm trong việc điều hành và/ hoặc giám sát (tổ chức và quản lý) hệ thống quy định nhập khẩu (xem thêm 4.2, đoạn thứ 3). Trách nhiệm này được quy định trong Điều IV.2 của IPPC, 1997.

6.1. Trách nhiệm quản lý và điều hành của NPPO

NPPO phải có hệ thống quản lý và đầy đủ năng lực để thực hiện chức năng của mình.

6.1.1. Việc quản lý

Việc quản lý hệ thống quy định nhập khẩu do NPPO thực hiện sẽ đảm bảo áp dụng thống nhất, hiệu quả pháp luật qui định KDTV và phù hợp với những nghĩa vụ quốc tế. Việc này đòi hỏi phải có sự phối hợp với đại diện hoặc cơ quan Chính phủ liên quan đến việc nhập khẩu, ví dụ: Hải quan, Việc quản lý hệ thống quy định nhập khẩu cần được phối hợp ở cấp quốc gia nhưng có thể được cơ cấu theo chức năng vùng hoặc cơ cấu tổ chức khác.

6.1.2. Xây dựng và sửa đổi quy định

Trách nhiệm của Chính phủ (các bên tham gia) là ban hành các quy định KDTV (Điều IV.3 c của IPPC). Để thống nhất với trách nhiệm này, Chính phủ có thể xây dựng và/ hoặc soát xét lại các quy định KDTV về trách nhiệm của NPPO. Hoạt động này có thể theo đề xuất của NPPO với sự tham vấn hoặc hợp tác của cơ quan thẩm quyền liên quan. Những quy định phù hợp phải được xây dựng, duy trì, soát xét khi cần và phù hợp với các hiệp định quốc tế thông qua thủ tục quy trình quốc gia về tham vấn luật pháp thông thường trong nước. Việc tư vấn và hợp tác với các cơ quan có liên quan cũng như các ngành và nhóm khu vực kinh tế liên quan có thể giúp ích trong việc nâng cao hiểu biết và chấp nhận các quyết định pháp lý đối với khu vực tư nhân và cải tiến các quy định.

6.1.3. Giám sát dịch hại

Chứng minh kỹ thuật của các biện pháp KDTV được xác định trong phần tình trạng dịch hại thuộc diện điều chỉnh đang được quản lý trong quốc gia. Tình trạng dịch hại có thể thay đổi và điều này có thể cần thiết cho việc sửa đổi những quy định nhập khẩu. Việc giám sát đối với thực vật gieo trồng và tự mọc trong nước nhập khẩu để duy trì thông tin đầy đủ về tình trạng dịch hại (theo TCVN 7516:2005) và có thể hỗ trợ cho việc PRA và xây dựng danh mục dịch hại.

6.1.4. Phân tích nguy cơ dịch hại và xây dựng danh mục dịch hại

Các chứng minh kỹ thuật như thông qua PRA để xác định liệu dịch hại có cần được điều chỉnh hoặc tăng cường các biện pháp KDTV để chống lại chúng hay không (TCVN 7668:2007; ISPM No 21). Việc PRA có thể được thực hiện đối với một loài dịch hại cụ thể hoặc toàn bộ dịch hại liên quan đến đường lan truyền (ví dụ: hàng hóa) cụ thể. Một loại hàng hóa có thể được phân loại theo mức độ chế biến và/ hoặc mục đích sử dụng. Những dịch hại thuộc diện điều chỉnh cần được liệt kê (theo ISPM No 19), những danh mục này phải luôn sẵn có (Điều VII.2i của IPPC, 1997), Nếu sẵn có các tiêu chuẩn phù hợp thì các biện pháp sẽ tính đến các tiêu chuẩn này và không khắt khe hơn trừ khi có bằng chứng kỹ thuật.

Khung pháp lý đối với quy trình PRA phải được chứng minh bằng văn bản rõ ràng, nếu có thể hoàn tất quá trình phân tích nguy cơ riêng rẽ trong một thời gian và hướng dẫn rõ ràng cho sự ưu tiên.

6.1.5. Kiểm tra và đánh giá sự tuân thủ

6.1.5.1. Kiểm tra thủ tục ở nước xuất khẩu

Các quy định nhập khẩu thường bao gồm những yêu cầu cụ thể phải được thực hiện tại nước xuất khẩu như: quy trình sản xuất (thường là trong thời gian phát triển của cây trồng được quan tâm) hoặc các quy trình xử lý chuyên ngành. Trong những trường hợp nhất định như: phát triển vấn đề thương mại mới, những yêu cầu có thể bao gồm hợp tác với NPPO của nước xuất khẩu, NPPO của nước nhập khẩu kiểm tra tại nước xuất khẩu với một số yêu tố như:

– hệ thống sản xuất;

– việc xử lý;

– quy trình kiểm tra;

– quản lý KDTV;

– quy trình công nhận;

– quy trình phân tích giám định;

– giám sát dịch hại.

Nước nhập khẩu sẽ quy định phạm vi kiểm tra. Những thỏa thuận cho việc kiểm tra này thường được đề cập trong hiệp định song phương, thỏa thuận hoặc chương trình làm việc liên quan đến việc tạo thuận lợi cho nhập khẩu. Những thỏa thuận này có thể bao gồm thủ tục của các chuyến hàng ở nước xuất khẩu đưa vào nước nhập khẩu, có sự tạo thuận lợi trong việc giảm thiểu quy trình nhập vào nước nhập khẩu. Những kiểu quy trình kiểm tra này không được áp dụng lâu dài và phải được xem xét thỏa đáng ngay cả khi các quy trình ở nước xuất khẩu được phê chuẩn. Phương pháp này hạn chế thời gian áp dụng, có thể khác so với việc kiểm tra đã được thông kiểm trước tại nước xuất khẩu được đề cập trong 6.1.5.2.1. Kết quả kiểm tra phải sẵn có đối với NPPO nước xuất khẩu.

6.1.5.2. Kiểm tra sự tuân thủ tại cửa khẩu

Có ba yếu tố cơ bản để kiểm tra sự tuân thủ:

– kiểm tra tài liệu;

– kiểm tra độ nguyên vẹn của chuyến hàng;

– kiểm tra KDTV, phân tích giám định….

Việc kiểm tra sự tuân thủ của những chuyến hàng nhập khẩu và những vật thể thuộc diện KDTV khác có thể được yêu cầu để:

– xác định sự tuân thủ đối với các quy định KDTV;

– kiểm tra hiệu quả của các biện pháp KDTV trong việc ngăn chặn sự du nhập của dịch hại KDTV và hạn chế sự xâm nhập của những dịch hại thuộc diện điều chỉnh nhưng không phải dịch hại KDTV;

– phát hiện những dịch hại KDTV có nguy cơ xâm nhập theo hàng hóa không thể dự báo trước.

Việc kiểm tra KDTV phải được tiến hành bởi NPPO hoặc được sự ủy quyền của NPPO.

Việc kiểm tra sự tuân thủ phải được thực hiện ngay lập tức (Điều VII.2d và VII.2e của IPPC, 1997) cần có sự hợp tác với các đại diện khác liên quan đến quy định nhập khẩu, ví dụ: Hải quan khi có thể, như vậy sẽ giảm thiểu sự cản trở đối với thương mại và tác động đến những sản phẩm nhanh hỏng.

6.1.5.2.1. Kiểm tra

Việc kiểm tra có thể thực hiện tại cửa khẩu, điểm chuyển tải, điểm đến hoặc nơi khác mà các chuyến hàng nhập khẩu có thể được xác định như thị trường chủ yếu, miễn là phải duy trì độ nguyên vẹn KDTV và thực hiện các quy trình KDTV phù hợp. Bằng những hiệp định hay thỏa thuận song phương, việc kiểm tra cũng có thể được tiến hành ở nước xuất xứ như một phần của chương trình đã được thông kiểm trước khi xuất khẩu trong quan hệ hợp tác với NPPO nước xuất khẩu.

Việc kiểm tra KDTV, với chứng minh kỹ thuật có thể áp dụng:

– cho mọi chuyến hàng như một điều kiện nhập khẩu;

– như một phần của chương trình kiểm tra nhập khẩu nơi mà mức độ kiểm tra (nghĩa là số lượng hàng hóa được kiểm tra) được thiết lập trên cơ sở nguy cơ đã được dự báo.

Quy trình kiểm tra và lấy mẫu có thể dựa vào quy trình chung hoặc là các quy trình cụ thể để đạt được mục tiêu đã xác định trước.

6.1.5.2.2. Lấy mẫu

Mẫu có thể được lấy từ các chuyến hàng để kiểm tra KDTV hoặc để phân tích giám định trong phòng thí nghiệm hoặc để tham khảo.

6.1.5.2.3. Phân tích giám định kể cả trong phòng thí nghiệm

Việc phân tích giám định có thể được yêu cầu cho việc:

– giám định một loài dịch hại đã được phát hiện bằng cảm quan;

– khẳng định dịch hại đã được xác định bằng cảm quan;

– kiểm tra sự tuân thủ với các yêu cầu liên quan đến sự nhiễm dịch hại không thể phát hiện bằng việc kiểm tra;

– kiểm tra bệnh ẩn;

– kiểm tra hoặc giám sát;

– tham khảo trong những trường hợp không tuân thủ cụ thể;

– xác minh sản phẩm đã được khai báo.

Việc phân tích giám định phải được tiến hành bởi những người có kinh nghiệm với những quy trình phù hợp và nếu có thể thì theo những quy trình đã được quốc tế thừa nhận. Việc hợp tác với các viện hàn lâm và các chuyên gia quốc tế hoặc các viện nghiên cứu được đề xuất khi cần thừa nhận các kết quả phân tích giám định.

6.1.6. Hướng dẫn việc thông báo sự không tuân thủ và hành động khẩn cấp

Thông tin chi tiết về sự không tuân thủ và hoạt động khẩn cấp được quy định trong ISPM No.13.

6.1.6.1. Hành động trong trường hợp không tuân thủ

Một số ví dụ mà các hoạt động KDTV có thể chứng minh được sự không tuân thủ đối với các quy định nhập khẩu bao gồm:

– việc phát hiện dịch hại KDTV đã được liệt kê liên quan đến hàng hóa;

– việc phát hiện một loài dịch hại thuộc diện điều chỉnh nhưng không phải dịch hại KDTV có mặt trên chuyến hàng thực vật nhập khẩu để gieo trồng với mức độ vượt quá quy định cho phép đối với những thực vật đó;

– bằng chứng không đáp ứng các yêu cầu đã được quy định (bao gồm những hiệp định hoặc thỏa thuận song phương hoặc điều kiện cho phép nhập khẩu) như: kiểm tra đồng ruộng, phân tích giám định trong phòng thí nghiệm, đăng ký người sản xuất và/ hoặc thiếu sự kiểm tra hoặc giám sát dịch hại;

– việc ngăn chặn một chuyến hàng không tuân thủ quy định nhập khẩu như: phát hiện hàng hóa không khai báo, đất hoặc những vật thể bị cấm khác hoặc bằng chứng về việc xử lý không hiệu quả;

– giấy chứng nhận KDTV hoặc giấy tờ khác không có giá trị hoặc sai sót;

– những vật thể hoặc chuyến hàng bị cấm;

– không đáp ứng các biện pháp khi “vận chuyển quá cảnh”.

Các loại hoạt động sẽ thay đổi theo từng trường hợp và phải giảm thiểu để đối phó với những nguy cơ đã được xác định. Những sai sót hành chính như giấy chứng nhận KDTV không đầy đủ có thể được giải quyết thông qua việc liên hệ với NPPO nước xuất khẩu. Đối với các vi phạm khác có thể yêu cầu biện pháp như:

Lưu giữ – có thể được áp dụng nếu cần thêm thông tin, có tính đến vấn để không để chuyến hàng bị hư hỏng;

Chọn lọc và bao gói lại – những sản phẩm bị hỏng có thể được loại bỏ thông qua việc chọn lọc chuyến hàng bao gồm việc bao gói lại nếu thấy phù hợp;

Xử lý – NPPO thực hiện khi có sẵn biện pháp xử lý hiệu quả;

Tiêu hủy – Chuyến hàng có thể bị tiêu hủy trong trường hợp NPPO xem xét chuyến hàng không thể có biện pháp giải quyết nào khác;

Trả về nơi xuất xứ – chuyến hàng không tuân thủ có thể bị trả về nước xuất.

Trong trường hợp không tuân thủ do nhiễm một dịch hại thuộc diện điều chỉnh nhưng không phải dịch hại KDTV, thì giải pháp phù hợp với các biện pháp trong nội địa, hạn chế mức độ nhiễm dịch trên chuyến hàng, nơi có thể thì tuân thủ ngưỡng yêu cầu, ví dụ: thông qua việc xử lý hoặc hạ cấp độ hàng hóa hoặc tái phân loại, việc này được phép áp dụng đối với nguyên liệu tương đương được sản xuất hoặc điều chỉnh trong nước.

NPPO có trách nhiệm ban hành những hướng dẫn cần thiết và xác định việc áp dụng những hướng dẫn này. Chức năng của NPPO là xem xét việc cưỡng chế nhưng các cơ quan có liên quan khác có thể được ủy quyền để hỗ trợ.

Một NPPO có thể quyết định không áp dụng hành động KDTV chống lại một loài dịch hại thuộc diện điều chỉnh hoặc trong những trường hợp không tuân thủ khác, nơi mà những hành động không được chứng minh kỹ thuật đối với một tình huống cụ thể ví dụ như dịch hại đó không có nguy cơ thiết lập quần thể hoặc lan rộng (ví dụ: thay đổi mục đích sử dụng từ tiêu dùng sang chế biến hoặc một dịch hại đang ở giai đoạn phát triển nào đó không thể thiết lập quần thể hoặc lan rộng), hoặc một vài lý do khác.

6.1.6.2. Hành động khẩn cấp

Hành động khẩn cấp có thể được yêu cầu đối với tình huống KDTV mới hoặc không mong muốn như phát hiện ra những dịch hại KDTV hoặc dịch hại có nguy cơ trở thành dịch hại KDTV;

– trong những chuyến hàng mà biện pháp KDTV không xác định được.

– trong những chuyến hàng thuộc diện điều chỉnh hoặc vật thể thuộc diện KDTV khác mà sự có mặt của dịch hại không biết trước nên không có biện pháp cụ thể.

– khi lẫn dịch hại trong phương tiện, nơi bảo quản hoặc khu vực khác liên quan đến hàng hóa nhập khẩu.

Những biện pháp tương tự cũng có thể phù hợp đối với trường hợp không tuân thủ. Những hành động có thể dẫn đến việc thay đổi các biện pháp KDTV hiện thời hoặc chấp nhận các biện pháp tạm thời đang được xem xét với bằng chứng kỹ thuật đầy đủ.

Những tình huống thường gặp yêu cầu hành động khẩn cấp bao gồm:

Những dịch hại trước đây chưa được đánh giá nguy cơ. Những sinh vật chưa được liệt kê có thể cần hành động KDTV khẩn cấp vì trước đây chưa được đánh giá. Tại thời điểm ngăn chặn, các dịch hại có thể được phân cấp như dịch hại thuộc diện điều chỉnh vì NPPO có lý do để tin rằng dịch hại tạo ra mối đe dọa về KDTV. Trong những trường hợp đó, trách nhiệm của NPPO là cung cấp cơ sở kỹ thuật phù hợp. Nếu các biện pháp tạm thời được thiết lập thì NPPO sẽ tích cực tìm kiếm thông tin bổ sung. Nếu phù hợp cùng với sự tham gia của NPPO nước xuất khẩu và việc hoàn thành PRA để thiết lập một cách kịp thời tình trạng dịch hại đã được điều chỉnh hoặc chưa được điều chỉnh.

Dịch hại chưa được điều chỉnh đối với đường lan truyền cụ thể. Những hành động KDTV khẩn cấp có thể áp dụng đối với dịch hại chưa được điều chỉnh theo đường lan truyền cụ thể. Mặc dù đã được điều chỉnh, những dịch hại này có thể chưa được liệt kê bởi vì không biết xuất xứ, hàng hóa hoặc những trường hợp mà danh mục hoặc biện pháp đã được xây dựng. Những dịch hại này phải được liệt kê trong các danh mục phù hợp hoặc những biện pháp khác nếu sự xuất hiện của dịch hại trong các trường hợp như nhau thì có thể dự đoán được trong thời gian tới.

Thiếu điều kiện giám định. Trong một vài trường hợp, một loài dịch hại có thể là căn cứ để áp dụng hành động KDTV, bởi vì không thể giám định hoặc mô tả phân loại đầy đủ về dịch hại đó. Điều này có thể xảy ra vì mẫu vật không được mô tả (chưa biết về phân loại), hoặc trong một điều kiện không cho phép giám định, hoặc trong pha phát dục chưa thể phân loại được. Ở nơi mà việc giám định không thể thực hiện được, thì NPPO phải có cơ sở khoa học để thực hiện những hành động KDTV.

Trường hợp dịch hại bị phát hiện ở pha phát dục không thể giám định được đầy đủ (ví dụ: trứng, sâu non tuổi nhỏ, những dạng chưa hoàn chỉnh….) thì phải cố gắng nuôi mẫu đó đến khi có thể giám định. Liên lạc với nước xuất khẩu có thể hỗ trợ việc giám định. Có thể yêu cầu các biện pháp KDTV tạm thời đối với những dịch hại này. Việc giám định có thể đạt được thông qua PRA, điều đó khẳng định rằng dịch hại này đòi hỏi phải áp dụng những hành động KDTV, NPPO sẽ bổ sung các dịch hại vào những danh mục dịch hại thuộc diện điều chỉnh có liên quan, thông báo những vấn đề giám định và cơ sở để yêu cầu những hành động KDTV. Các bên tham gia liên quan phải được thông báo rằng hành động trong tương lai sẽ dựa vào sự giám định có thể nếu những dạng dịch hại bị phát hiện. Tuy nhiên, hành động trong tương lai sẽ chỉ được thực hiện đối với xuất xứ có nguy cơ dịch hại xác định và có thể có mặt dịch hại KDTV trong những chuyến hàng nhập khẩu trong thể loại trừ được.

6.1.6.3. Báo cáo về sự không tuân thủ và hành động khẩn cấp

Báo cáo về sự ngăn chặn, trường hợp không tuân thủ và hành động khẩn cấp là một nghĩa vụ của các Bên tham gia IPPC, vì vậy các nước xuất khẩu hiểu được cơ sở của việc áp dụng hành động KDTV đối với hàng hóa nhập khẩu và tạo điều kiện điều chỉnh hệ thống xuất khẩu. Hệ thống này rất cần cho việc thu thập và chuyển giao thông tin.

6.1.6.4. Hủy bỏ hoặc sửa đổi quy định

Trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc nghiêm trọng hoặc áp dụng hành động khẩn cấp bảo đảm việc ngăn chặn thì NPPO nước nhập khẩu có thể hủy bỏ việc cấp phép nhập khẩu (ví dụ: giấy phép), thay đổi quy định hay thiết lập biện pháp khẩn cấp hoặc tạm thời với quy trình nhập khẩu được sửa đổi hoặc cấm nhập khẩu. Nước xuất khẩu sẽ được thông báo ngay lập tức về sự thay đổi và lý do thay đổi.

6.1.7. Hệ thống cấp phép đối với tổ chức không thuộc NPPO

NPPO có thể ủy quyền các tổ chức thuộc Chính phủ hoặc các tổ chức phi Chính phủ, cơ quan hoặc cá nhân để thực hiện chức năng đã được xác định dưới sự quản lý và trách nhiệm của mình. Để đảm bảo rằng các yêu cầu của NPPO được đáp ứng, các quy trình hành động phải được xây dựng. Hơn nữa, quy trình phải được xây dựng để chứng minh năng lực trong hoạt động kiểm tra, điều chỉnh, soát xét một cách hệ thống và hủy bỏ việc ủy quyền.

6.1.8. Hợp tác quốc tế

Các bên tham gia có những nghĩa vụ quốc tế như:

– xác định đầu mối chính thức;

– thông báo những điểm nhập khẩu cụ thể;

– phổ biến và tuyên truyền danh mục dịch hại thuộc diện điều chỉnh, các quy định KDTV, sự hạn chế và cấm nhập khẩu;

– thông báo về sự không tuân thủ và hành động khẩn cấp (ISPM No.13);

– cung cấp cơ sở hợp lý của các biện pháp KDTV khi được yêu cầu;

– cung cấp thông tin liên quan.

Những thỏa thuận hành chính được yêu cầu để đảm bảo việc thực hiện các nghĩa vụ một cách hiệu quả và nhanh chóng.

6.1.9. Thông báo và phổ biến văn bản quy phạm pháp luật

6.1.9.1. Các quy định mới hoặc sửa đổi

Những đề xuất đối với những quy định mới hoặc sửa đổi cần được phổ biến và cung cấp cho các Bên quan tâm với khoảng thời gian hợp lý cho phép để bình luận và thực hiện.

6.1.9.2. Phổ biến những quy định đã được ban hành

Những quy định nhập khẩu đã được ban hành hoặc những mục có liên quan phải luôn sẵn có cho các Bên tham gia quan tâm một cách thích hợp, cho Ban Thư ký IPPC và cho các Tổ chức BVTV vùng mà nước đó là thành viên. Thông qua những quy trình phù hợp, các quy định này có thể cũng sẵn có cho các bên quan tâm khác (ví dụ các tổ chức xuất khẩu và những đại diện của họ). Các NPPO được khuyến khích trong việc cung cấp những quy định nhập khẩu thông qua các website và trang http://www.ippc.int của IPPC.

6.1.10. Phối hợp trong nước

Những quy trình tạo thuận lợi cho hành động hợp tác, chia sẻ thông tin và phối hợp các hoạt động chung trong nước phải được thiết lập với những cơ quan Chính phủ liên quan hoặc những cơ quan thích hợp.

6.1.11. Giải quyết tranh chấp

Việc thực hiện hệ thống quy định nhập khẩu có thể dẫn đến sự nảy sinh tranh chấp với cơ quan thẩm quyền của quốc gia khác. NPPO phải xây dựng quy định cho việc tham vấn và trao đổi thông tin với NPPO khác để giải quyết các tranh chấp này, “các bên sẽ tham vấn với nhau ngay khi có thể” trước khi xem xét triệu tập theo quy trình giải quyết tranh chấp quốc tế chính thức (Điều VIII của IPPC, 1997).

6.2. Nguồn lực của NPPO

Các Bên tham gia sẽ cung cấp nguồn lực phù hợp cho NPPO của mình để thực hiện nhiệm vụ được giao (Điều IV.1 của IPPC, 1997).

6.2.1. Đội ngũ cán bộ và công tác đào tạo

NPPO sẽ:

– thực hiện hoặc ủy quyền cho tổ chức có trình độ và kỹ năng phù hợp;

– tổ chức đào tạo đầy đủ và liên tục cho cán bộ để đảm bảo đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ được giao.

6.2.2. Thông tin

NPPO phải đảm bảo sẵn có đầy đủ thông tin, đặc biệt là:

– các văn bản hướng dẫn, quy trình và những chỉ thị liên quan đến hoạt động của hệ thống quy định nhập khẩu;

– những quy định nhập khẩu;

– thông tin về dịch hại thuộc diện điều chỉnh bao gồm về sinh học, phổ ký chủ, con đường lan truyền, phân bố toàn cầu, phương pháp phát hiện và giám định, phương pháp xử lý.

NPPO phải đảm bảo có sẵn thông tin về sự có mặt của dịch hại trong nước (tốt nhất là danh mục dịch hại), để tạo thuận lợi cho việc phân cấp dịch hại trong quá trình phân tích nguy cơ. NPPO cũng sẽ duy trì những danh mục của tất cả dịch hại thuộc diện điều chỉnh. Những thông tin chi tiết về danh mục dịch hại thuộc diện điều chỉnh được quy định trong ISPM No.19.

Nơi mà một dịch hại thuộc diện điều chỉnh có mặt trong nước thì phải duy trì thông tin về sự phân bố, những vùng không nhiễm dịch hại, kiểm soát chính thức, trường hợp dịch hại thuộc diện điều chỉnh nhưng không phải dịch hại KDTV, thì các chương trình đối với thực vật làm giống. Các Bên tham gia sẽ phổ biến thông tin trong lãnh thổ của mình về những dịch hại thuộc diện điều chỉnh và những phương thức ngăn chặn, quản lý và có thể giao nhiệm vụ này cho NPPO.

6.2.3. Thiết bị và cơ sở vật chất

NPPO sẽ đảm bảo sẵn có đầy đủ thiết bị và cơ sở vật chất để:

– kiểm tra, lấy mẫu, phân tích giám định, giám sát và những quy trình xác minh chuyến hàng;

– thông tin tuyên truyền và truy cập thông tin (tốt nhất là bằng phương pháp điện tử).

7. Tài liệu, thông tin và soát xét

7.1. Tài liệu

7.2. Quy trình

NPPO sẽ duy trì những văn bản, các quy trình và chỉ thị hướng dẫn cho các hoạt động của hệ thống quy định nhập khẩu. Quy trình này bao gồm:

– chuẩn bị danh mục dịch hại;

– phân tích nguy cơ dịch hại;

– thiết lập những vùng không nhiễm dịch hại, vùng dịch hại ít phổ biến, khu vực hoặc địa điểm sản xuất không nhiễm dịch hại và những chương trình quản lý chính thức ở nơi thích hợp.

– kiểm tra, lấy mẫu và phương pháp phân tích giám định (bao gồm cả phương pháp duy trì độ nguyên vẹn của mẫu);

– hành động không tuân thủ, bao gồm cả vấn đề xử lý;

– thông báo về sự không tuân thủ;

– thông báo về hành động khẩn cấp.

7.3. Hồ sơ

Hồ sơ phải lưu giữ toàn bộ hành động, kết quả, quyết định liên quan đến quy định nhập khẩu, ở nơi thích hợp, bao gồm:

– tài liệu về phân tích nguy cơ dịch hại (ISPM No.11);

– tài liệu về những vùng không nhiễm dịch hại, vùng dịch hại ít phổ biến, khu vực hoặc địa điểm sản xuất không nhiễm dịch hại và những chương trình quản lý chính thức (bao gồm những thông tin về sự phân bố của dịch hại và những biện pháp sử dụng để duy trì vùng không nhiễm dịch hoặc vùng dịch hại ít phổ biến);

– những ghi chép về việc kiểm tra, lấy mẫu và phân tích giám định;

– sự không tuân thủ và hành động khẩn cấp (ISPM No.13).

Nếu phù hợp, hồ sơ có thể lưu trữ về những chuyến hàng nhập khẩu:

– với mục đích sử dụng cuối cùng cụ thể;

– quy trình xử lý hoặc kiểm dịch sau nhập khẩu;

– yêu cầu theo hành động (lần lại dấu vết), theo nguy cơ dịch hại; hoặc

– theo sự cần thiết để quản lý hệ thống quy định nhập khẩu.

8. Thông tin

– NPPO sẽ đảm bảo có quy trình thông tin để tiếp cận với:

– nhà nhập khẩu và những đại diện ngành nghề phù hợp;

– tổ chức NPPO của nước xuất khẩu;

– ban Thư ký của IPPC;

– ban Thư ký của Tổ chức BVTV vùng mà Việt Nam là thành viên.

9. Cơ chế soát xét

9.1. Soát xét hệ thống

Bên tham gia sẽ định kỳ soát xét hệ thống quy định nhập khẩu. Việc này có thể bao gồm theo dõi tính hiệu quả của các biện pháp KDTV, kiểm tra những hoạt động của NPPO và những tổ chức hoặc cá nhân được ủy quyền, sửa đổi luật pháp KDTV, các quy định và quy trình theo yêu cầu.

9.2. Soát xét lại vấn đề liên quan

NPPO phải có những quy định thay thế để xem xét lại những trường hợp không tuân thủ và những hành động khẩn cấp. Việc xem xét đó có thể sẽ quyết định thay đổi hoặc không đối với các biện pháp KDTV.

 

Thư mục tài liệu tham khảo

[1] TCVN 6908:2001, Biện pháp Kiểm dịch thực vật – Phần 1: Những quy định về nhập khẩu – Hướng dẫn phân tích nguy cơ dịch hại.

[2] TCVN 7517:2005, Kiểm dịch thực vật – Xác định tình trạng dịch hại trong một vùng.

[3] TCVN 7669:2007, Yêu cầu đối với việc thiết lập các khu vực và địa điểm sản xuất không nhiễm dịch hại.

 


1 Dịch hại và các tác nhân phòng trừ sinh học không nằm trong thuật ngữ “dịch hại thuộc diện điều chỉnh (Điều II.1 của IPPC năm 1997). Tuy nhiên khi có bằng chứng kỹ thuật thì dịch hại và các tác nhân phòng trừ sinh học có thể là mục tiêu áp dụng các biện pháp KDTV (IPPC, 1997. Điều VI đối với dịch hại thuộc diện điều chỉnh, và Điều VII. 1c và VII. 1d) và với mục đích của tiêu chuẩn này có thể xem xét theo các vật thể thuộc diện điều chỉnh.

2 Với mục đích của tiêu chuẩn này, việc nhập khẩu được xem xét nhằm bao quát tất cả các chuyến hàng vận chuyển vào trong nước (trừ hàng quá cảnh), bao gồm cả sự vận chuyển vào khu mậu dịch tự do (bao gồm khu vực miễn thuế và những chuyến hàng khế ước) và những chuyến hàng bất hợp pháp được các tổ chức khác lưu giữ.

TIÊU CHUẨN VIỆT NAM TCVN 7666:2007 VỀ KIỂM DỊCH THỰC VẬT – HƯỚNG DẪN VỀ HỆ THỐNG QUY ĐỊNH NHẬP KHẨU
Số, ký hiệu văn bản TCVN7666:2007 Ngày hiệu lực
Loại văn bản Tiêu chuẩn Việt Nam Ngày đăng công báo
Lĩnh vực Nông nghiệp - Nông thôn
Ngày ban hành
Cơ quan ban hành Tình trạng Còn hiệu lực

Các văn bản liên kết

Văn bản được hướng dẫn Văn bản hướng dẫn
Văn bản được hợp nhất Văn bản hợp nhất
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung Văn bản sửa đổi, bổ sung
Văn bản bị đính chính Văn bản đính chính
Văn bản bị thay thế Văn bản thay thế
Văn bản được dẫn chiếu Văn bản căn cứ

Tải văn bản