TIÊU CHUẨN VIỆT NAM TCVN 7669:2007 VỀ KIỂM DỊCH THỰC VẬT – YÊU CẦU ĐỐI VỚI VIỆC THIẾT LẬP CÁC KHU VỰC VÀ ĐỊA ĐIỂM SẢN XUẤT KHÔNG NHIỄM DỊCH HẠI
TCVN 7669 : 2007
KIỂM DỊCH THỰC VẬT – YÊU CẦU ĐỐI VỚI VIỆC THIẾT LẬP CÁC KHU VỰC VÀ ĐỊA ĐIỂM SẢN XUẤT KHÔNG NHIỄM DỊCH HẠI
Requirements for the establishment of pest free places of production and pest free production sites
Lời nói đầu
TCVN 7669:2007 được xây dựng dựa trên ISPM No. 10, FAO, Rome, 1999;
TCVN 7669:2007 do Tiểu ban kỹ thuật tiêu chuẩn TCVN/TC/F7/SC1 Kiểm dịch thực vật biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
KIỂM DỊCH THỰC VẬT – YÊU CẦU ĐỐI VỚI VIỆC THIẾT LẬP CÁC KHU VỰC VÀ ĐỊA ĐIỂM SẢN XUẤT KHÔNG NHIỄM DỊCH HẠI
Requirements for the establishment of pest free places of production and pest free production sites
1. Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này qui định các yêu cầu để thiết lập, sử dụng khu vực và địa điểm sản xuất không nhiễm dịch hại như những giải pháp quản lý nguy cơ đáp ứng các yêu cầu kiểm dịch thực vật (KDTV) nhập khẩu đối với thực vật, sản phẩm thực vật và những vật thể thuộc diện KDTV khác.
2. Tài liệu viện dẫn
Các tài liệu viện dẫn sau rất cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm ban hành thì áp dụng bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm ban hành thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi.
TCVN 3937:2007, Kiểm dịch thực vật – Thuật ngữ và định nghĩa.
TCVN 7515:2005, Kiểm dịch thực vật – Yêu cầu để thiết lập các vùng không nhiễm dịch hại.
3. Thuật ngữ, định nghĩa
Trong tiêu chuẩn này áp dụng các thuật ngữ và định nghĩa nêu trong TCVN 3937:2007.
4. Khái quát yêu cầu
Tiêu chuẩn này sử dụng khái niệm “không nhiễm dịch hại” cho phép các nước xuất khẩu đảm bảo với nước nhập khẩu những thực vật, sản phẩm thực vật và vật thể thuộc diện KDTV khác không bị nhiễm một loài hoặc nhiều loài dịch hại cụ thể, đáp ứng các yêu cầu KDTV của nước nhập khẩu khi nhập khẩu từ một khu vực sản xuất không nhiễm dịch hại. Trong những điều kiện cụ thể, nơi một phần xác định của khu vực sản xuất được quản lý riêng biệt và được duy trì tình trạng không nhiễm dịch hại thì có thể coi đó là một khu vực sản xuất không nhiễm dịch hại. Việc sử dụng những khu vực sản xuất hoặc địa điểm sản xuất không nhiễm dịch hại phụ thuộc vào việc sử dụng tiêu chuẩn liên quan đến đặc điểm sinh học của dịch hại, đặc điểm của khu vực sản xuất, năng lực thực hiện của người sản xuất và những yêu cầu và trách nhiệm của Tổ chức bảo vệ thực vật quốc gia (NPPO).
Yêu cầu cho việc thiết lập và duy trì một khu vực sản xuất hoặc một địa điểm sản xuất không nhiễm dịch hại là một biện pháp KDTV của NPPO bao gồm:
– hệ thống thiết lập tình trạng không nhiễm dịch hại;
– hệ thống duy trì tình trạng không nhiễm dịch hại;
– việc xác minh tình trạng không nhiễm dịch hại đã được thực hiện hoặc duy trì;
– tính đồng nhất của sản phẩm, độ nguyên vẹn của chuyến hàng và giám sát về KDTV.
Ở nơi cần thiết, một khu vực sản xuất hoặc một địa điểm sản xuất không nhiễm dịch hại bao gồm cả việc thiết lập và duy trì một vùng đệm phù hợp.
Các hoạt động hành chính đòi hỏi để hỗ trợ một khu vực sản xuất hoặc một địa điểm sản xuất không nhiễm dịch hại gồm tài liệu chứng minh của hệ thống và việc duy trì đầy đủ hồ sơ liên quan đến các biện pháp đã được thực hiện. Các qui trình rà soát và kiểm tra được NPPO thực hiện là cần thiết để bảo đảm sự không nhiễm dịch hại cho việc đánh giá hệ thống. Những thỏa thuận hoặc hiệp định song phương cũng có thể cần thiết.
5. Khái niệm về khu vực hoặc địa điểm sản xuất không nhiễm dịch hại
5.1. Việc áp dụng của khu vực sản xuất hoặc địa điểm sản xuất không nhiễm dịch hại
Một “khu vực sản xuất không nhiễm dịch hại” là “khu vực sản xuất được chứng minh bằng chứng cứ khoa học về sự không có mặt của một dịch hại cụ thể và ở đó các điều kiện này sẽ được duy trì cho một giai đoạn xác định”. Việc áp dụng này cung cấp điều kiện cho nước xuất khẩu nếu nước nhập khẩu yêu cầu, đảm bảo rằng chuyến hàng thực vật, sản phẩm thực vật hoặc các vật thể thuộc diện KDTV khác được sản xuất và/ hoặc vận chuyển từ nơi không nhiễm dịch hại cần quan tâm, bởi vì dịch hại được chứng minh không có mặt ở khu vực đó trong một khoảng thời gian liên quan. Tình trạng không nhiễm dịch hại được thiết lập bằng cách điều tra và/ hoặc kiểm tra mùa vụ gieo trồng và cần được duy trì bằng các hệ thống khác để ngăn chặn sự xâm nhập của dịch hại vào khu vực sản xuất. Các hoạt động được minh chứng bằng tài liệu phù hợp.
Tùy thuộc vào dịch hại cần quan tâm, điều kiện từng vùng và mức nguy cơ có thể chấp nhận đối với nước nhập khẩu, một mức độ giám sát đầy đủ có thể đạt được bởi mức độ khác nhau của các biện pháp, hàng loạt các biện pháp từ việc kiểm tra mùa vụ gieo trồng trong năm xuất khẩu cho tới hệ thống điều tra phức tạp và các quy trình hỗ trợ được duy trì qua nhiều năm.
Khái niệm khu vực sản xuất không nhiễm dịch hại có thể được áp dụng đối với cơ sở sản xuất hoặc nhiều cánh đồng được coi như một đơn vị sản xuất độc lập. Người sản xuất áp dụng các biện pháp yêu cầu đối với toàn bộ khu vực sản xuất.
Nơi mà một phần xác định của khu vực sản xuất có thể được quản lý như một đơn vị riêng rẽ trong một khu vực sản xuất, việc quản lý này có thể được duy trì địa điểm không nhiễm dịch hại. Trong những trường hợp như vậy, khu vực sản xuất được xem xét bao gồm địa điểm sản xuất không nhiễm dịch hại.
Ở nơi mà đặc điểm sinh học của dịch hại khiến chúng có khả năng xâm nhập vào khu vực sản xuất hoặc địa điểm sản xuất từ các vùng lân cận thì cần phải xác định một vùng đệm xung quanh khu vực sản xuất hoặc địa điểm sản xuất và ở đó các biện pháp KDTV phù hợp được áp dụng. Phạm vi của vùng đệm và tính chất của các biện pháp KDTV sẽ phụ thuộc vào đặc điểm sinh học của dịch hại và đặc điểm thực tế của khu vực sản xuất hoặc địa điểm sản xuất.
5.2. Sự khác biệt giữa khu vực sản xuất hoặc địa điểm sản xuất không nhiễm dịch hại và một vùng không nhiễm dịch hại
Khái niệm khu vực sản xuất không nhiễm dịch hại khác với khái niệm vùng không nhiễm dịch hại (xem TCVN 7515:2005). Vùng không nhiễm dịch hại có mục đích giống như khu vực sản xuất không nhiễm dịch hại nhưng được thực hiện theo phương thức khác nhau. Mọi sự khác biệt giữa khu vực sản xuất không nhiễm dịch hại và vùng không nhiễm dịch hại có thể áp dụng tương tự đối với địa điểm sản xuất không nhiễm dịch hại.
Vùng không nhiễm dịch hại rộng hơn nhiều so với khu vực sản xuất không nhiễm dịch hại. Vùng bao gồm nhiều khu vực sản xuất và có thể là cả một quốc gia hoặc các phần lãnh thổ của nhiều quốc gia. Vùng không nhiễm dịch hại có thể được cách ly bằng rào cản tự nhiên hoặc một vùng đệm rộng lớn thích hợp. Khu vực sản xuất không nhiễm dịch hại có thể nằm trong một vùng mà ở đó dịch hại cần quan tâm phổ biến và bị cách ly, nếu cần có thể tạo một vùng đệm tại vùng phụ cận liền kề. Vùng không nhiễm dịch hại thường được duy trì nhiều năm liên tục, trừ khi tình trạng của một khu vực sản xuất không nhiễm dịch hại chỉ được duy trì một hoặc vài vụ gieo trồng. Vùng không nhiễm dịch hại được NPPO của nước xuất khẩu quản lý. Khu vực sản xuất không nhiễm dịch hại phải do người sản xuất quản lý một cách riêng rẽ dưới sự giám sát và trách nhiệm của NPPO. Nếu dịch hại bị phát hiện trong một vùng không nhiễm dịch hại thì tình trạng của toàn bộ vùng cần phải xem xét. Nếu dịch hại bị phát hiện trong một khu vực sản xuất không nhiễm dịch hại thì nơi đó không còn là khu vực không nhiễm dịch hại, tuy nhiên những khu vực sản xuất khác trong vùng đang áp dụng cùng hệ thống không bị ảnh hưởng trực tiếp. Những khác biệt này có thể không áp dụng thường xuyên trong những trường hợp cụ thể. Khu vực sản xuất nằm trong vùng không nhiễm dịch hại có thể đáp ứng quy định nhưng nước nhập khẩu vẫn có thể đòi hỏi xác minh những yêu cầu đối với khu vực sản xuất không nhiễm dịch hại.
Việc lựa chọn khu vực sản xuất hoặc vùng không nhiễm dịch hại như một giải pháp quản lý sẽ phụ thuộc vào sự phân bố thực tế của dịch hại cần quan tâm tại nước xuất khẩu, đặc điểm của dịch hại và sự xem xét hành chính. Cả hai hệ thống có thể tạo ra sự giám sát đầy đủ về KDTV: việc giám sát chủ yếu của vùng không nhiễm dịch hại nằm trong việc áp dụng các biện pháp thông thường đối với một vùng có nhiều khu vực sản xuất; việc giám sát chủ yếu của khu vực sản xuất không nhiễm dịch hại nảy sinh từ thực tế mà các quy trình quản lý, điều tra, kiểm tra được áp dụng một cách cụ thể và đầy đủ đối với các khu vực không nhiễm dịch hại.
6. Yêu cầu chung
6.1. Các yếu tố thiết yếu đối với khu vực sản xuất hoặc địa điểm sản xuất không nhiễm dịch hại
Khả năng đảm bảo cho một khu vực hoặc một địa điểm sản xuất không nhiễm dịch hại phụ thuộc vào:
– đặc điểm dịch hại;
– đặc điểm của khu vực hoặc địa điểm không nhiễm dịch hại;
– năng lực hoạt động của nhà sản xuất;
– yêu cầu và trách nhiệm của NPPO.
6.1.1. Đặc điểm của dịch hại
Một khu vực hoặc một địa điểm sản xuất có thể được công bố không nhiễm một loài dịch hại cụ thể ở mức độ giám sát đầy đủ nếu đặc điểm của dịch hại là phù hợp cho công bố này. Đặc điểm phù hợp có thể bao gồm:
– sự lan rộng tự nhiên của dịch hại (hoặc môi giới của nó) chậm và có khoảng cách ngắn;
– khả năng lan rộng nhân tạo của dịch hại bị hạn chế;
– dịch hại có phổ ký chủ hẹp;
– dịch hại có khả năng sống sót tương đối thấp từ vụ trước;
– dịch hại có khả năng sinh sản trung bình và thấp;
– có sẵn các phương pháp phát hiện dịch hại thích hợp, có thể kiểm tra bằng cảm quan hoặc bằng phân tích giám định ngoài đồng ruộng hay trong phòng thì nghiệm vào mùa vụ thích hợp;
– các yếu tố sinh học của dịch hại (ví dụ: tiềm ẩn bệnh) và việc quản lý khu vực sản xuất không ngăn cản việc phát hiện dịch hại;
– có sẵn các biện pháp thực tiễn và hiệu quả đối với việc kiểm soát và quản lý dịch hại là một thuận lợi trong việc thiết lập và duy trì một khu vực sản xuất hoặc địa điểm sản xuất không nhiễm dịch hại.
6.1.2. Đặc điểm của khu vực hoặc địa điểm sản xuất
Định nghĩa cơ bản của “khu vực sản xuất” phải được thỏa mãn (nghĩa là: hoạt động như một đơn vị trang trại hoặc sản xuất độc lập). Tùy thuộc vào dịch hại cần quan tâm và điều kiện vùng, khu vực sản xuất và địa điểm sản xuất cũng như vùng đệm cũng có thể yêu cầu một số đặc điểm bổ sung sau đây:
– vị trí ở một khoảng cách an toàn từ nguồn nhiễm dịch hại có thể, với sự cách ly phù hợp (vận dụng lợi thế của các đặc điểm tự nhiên mà có thể tác động như rào cản đối với sự di chuyển của dịch hại);
– giới hạn rõ ràng với các ranh giới được công nhận chính thức;
– tiếp cận vùng đệm (nếu phù hợp);
– không có ký chủ của dịch hại trong khu vực hoặc địa điểm sản xuất trừ việc đáp ứng các điều kiện cho xuất khẩu;
– không có ký chủ của dịch hại trong vùng đệm (nếu thích hợp) hoặc sự kiểm soát đầy đủ đối với dịch hại trên các ký chủ này.
6.1.3. Năng lực hoạt động của người sản xuất
Người sản xuất phải có năng lực hoạt động, kỹ thuật và quản lý nhất định và được NPPO công nhận có đủ năng lực để ngăn chặn dịch hại xâm nhập vào khu vực sản xuất hoặc địa điểm sản xuất và duy trì tình trạng không nhiễm dịch hại bằng việc áp dụng các biện pháp KDTV thích hợp. Người sản xuất hoặc NPPO cũng phải có khả năng áp dụng các biện pháp KDTV phù hợp trong vùng đệm, nếu cần.
6.1.4. Yêu cầu và trách nhiệm của NPPO
NPPO cần xác định những yêu cầu cụ thể mà người sản xuất phải đáp ứng để khai báo một khu vực sản xuất hoặc một địa điểm sản xuất không nhiễm dịch hại, đưa ra mức độ yêu cầu giám sát KDTV. NPPO chịu trách nhiệm điều tra, kiểm tra và cùng các tổ chức khác xác minh tình trạng không nhiễm dịch hại. Đối với bất kỳ ký chủ và dịch hại xác định nào thì hệ thống quản lý yêu cầu phải được phổ cập rộng rãi và được sử dụng ở mỗi quốc gia. Ở những nơi phù hợp, NPPO có thể đào tạo hệ thống quản lý này. NPPO phải kiểm tra các quy định của nước nhập khẩu và/ hoặc xây dựng các điều kiện song phương để đảm bảo việc tuân thủ có thể thực hiện được.
6.2. Thiết lập và duy trì các khu vực sản xuất hoặc địa điểm sản xuất không nhiễm dịch hại
Có bốn phần chính mà NPPO phải xem xét để thiết lập và duy trì khu vực sản xuất hoặc địa điểm sản xuất không nhiễm dịch hại, đó là:
– hệ thống để thiết lập tình trạng không nhiễm dịch hại;
– hệ thống để duy trì tình trạng không nhiễm dịch hại;
– việc xác minh tình trạng không nhiễm dịch hại đã được thực hiện hoặc đã được duy trì;
– tính đồng nhất của sản phẩm, nguyên vẹn của chuyến hàng và giám sát về KDTV.
6.2.1. Hệ thống để thiết lập tình trạng không nhiễm dịch hại
NPPO sẽ xác định các điều kiện để người sản xuất tuân thủ, cho phép khu vực sản xuất hoặc địa điểm sản xuất được công bố tình trạng không nhiễm dịch hại ngay sau đó. Những yêu cầu này sẽ liên quan tới đặc điểm của khu vực hoặc địa điểm sản xuất (và vùng đệm, nếu phù hợp) và năng lực hoạt động của người sản xuất. Những Hiệp định chính thức có thể được yêu cầu giữa người sản xuất (hoặc tổ chức của họ) và NPPO để đảm bảo các biện pháp cụ thể đã được thực hiện.
Trong một số trường hợp, NPPO có thể yêu cầu tình trạng không nhiễm dịch hại phải được xác minh bằng việc điều tra chính thức trong một hoặc nhiều năm trước thời điểm nơi chuyến hàng được chứng nhận xuất khẩu. Phương pháp sử dụng để xác minh tình trạng không nhiễm dịch hại theo phương thức này có thể giống hoặc khác nhau và được sử dụng cho việc xác minh không nhiễm dịch hại trong năm xuất khẩu (xem 6.2.3). Trong nhiều trường hợp khác, NPPO có thể chỉ quy định sự không nhiễm dịch hại được xác minh trong năm sản xuất. Trong mọi trường hợp, mục tiêu của NPPO và người sản xuất sẽ là duy trì thường xuyên tình trạng không nhiễm dịch hại của một khu vực sản xuất hoặc địa điểm sản xuất không nhiễm dịch hại liên tục trong nhiều năm. Cần có quy định cụ thể cho việc hủy bỏ tình trạng không nhiễm dịch hại nếu dịch hại bị phát hiện trong khu vực sản xuất hoặc địa điểm sản xuất hoặc một vùng đệm không nhiễm dịch hại và cho việc tái thiết lập, xác minh tình trạng không nhiễm dịch hại, kể cả việc điều tra nguyên nhân và xem xét các biện pháp ngăn chặn thất bại có thể xảy ra.
Trong trường hợp nơi mà khu vực hoặc địa điểm sản xuất không nhiễm dịch hại được thiết lập, điều tra khoanh vùng có thể được sử dụng để xác định phạm vi của nơi đó.
6.2.2. Hệ thống để duy trì tình trạng không nhiễm dịch hại
NPPO thường quy định các biện pháp cụ thể áp dụng đối với khu vực hoặc địa điểm sản xuất (và vùng đệm nếu phù hợp) trước và/ hoặc trong thời vụ gieo trồng, có trách nhiệm giám sát chung đối với khu vực hoặc địa điểm sản xuất để đảm bảo những yêu cầu đó được đáp ứng. Mục đích nhằm ngăn chặn sự du nhập của dịch hại vào khu vực hoặc địa điểm sản xuất hoặc tiêu hủy tình trạng nhiễm dịch hại trước đây không phát hiện thấy. Các biện pháp này có thể bao gồm:
– các biện pháp phòng ngừa (ví dụ: nguyên liệu làm giống không nhiễm dịch hại, loại bỏ các ký chủ khác);
– các biện pháp ngăn chặn (ví dụ: không phát hiện thấy các rào cản tự nhiên, lưới chắn, kiểm soát về trang thiết bị, máy móc, thực vật, đất và môi trường nuôi cấy);
– các biện pháp kiểm soát dịch hại (ví dụ: các phương pháp canh tác, xử lý và giống kháng).
Yêu cầu đối với người sản xuất:
– thông báo sự nghi ngờ hoặc xuất hiện của dịch hại cho NPPO;
– duy trì các hồ sơ liên quan đến việc canh tác và quy trình kiểm soát dịch hại định kỳ do NPPO quy định.
6.2.3. Xác minh tình trạng không nhiễm dịch hại
Cán bộ của NPPO hoặc những người được NPPO ủy quyền thực hiện việc xác minh tình trạng không nhiễm dịch hại đảm nhiệm việc điều tra chi tiết để đánh giá thực trạng không nhiễm dịch hại của khu vực sản xuất hoặc địa điểm sản xuất (và vùng đệm nếu được yêu cầu). Việc điều tra này thường áp dụng hình thức kiểm tra đồng ruộng (kiểm tra theo mùa vụ gieo trồng), nhưng cũng có thể bao gồm các phương pháp phát hiện khác (lấy mẫu phân tích giám định trong phòng thí nghiệm, bẫy, kiểm tra dịch hại trong đất, v.v…).
Tình trạng không nhiễm dịch hại có thể được xác minh bằng số liệu đã công bố hoặc tần suất kiểm tra hoặc thử nghiệm (ví dụ: kiểm tra ba lần mỗi tháng). Việc kiểm tra hoặc những thủ tục khác có thể liên quan đến một mùa gieo trồng hoặc có thể được yêu cầu qua nhiều vụ. Việc kiểm tra hoặc thử nghiệm đối với hàng hóa đã thu hoạch có thể được yêu cầu tại khu vực sản xuất hoặc địa điểm sản xuất. Tình trạng không nhiễm dịch hại qua một số năm có thể được yêu cầu và cấm gieo trồng cây ký chủ ở những địa điểm sản xuất từ những năm trước đây.
Quy trình xác minh phải căn cứ vào kế hoạch liên quan đến sự phân chia khu vực sản xuất thành những mảnh đất nhỏ riêng lẻ, và có thể theo dịch hại và các triệu chứng của nó, có thể được thực hiện bằng việc đánh giá tổng thể hoặc lấy mẫu. Sự phổ biến của dịch hại trong vùng xung quanh khu vực hoặc địa điểm sản xuất không nhiễm dịch hại có thể ảnh hưởng đến số lần điều tra được yêu cầu.
6.2.4. Tính đồng nhất của sản phẩm, độ nguyên vẹn của chuyến hàng và giám sát KDTV
Các biện pháp xác minh có thể cần thiết để duy trì sự đồng nhất của sản phẩm (dán nhãn để đảm bảo việc theo dõi đối với khu vực sản xuất không nhiễm dịch hại) và độ nguyên vẹn của chuyến hàng. Giám sát KDTV đối với sản phẩm phải được duy trì sau thu hoạch.
6.3. Những yêu cầu của vùng đệm
Trong trường hợp thích hợp, việc thiết lập và duy trì một khu vực hoặc địa điểm sản xuất không nhiễm dịch hại bao gồm các quy trình liên quan đến vùng đệm phù hợp với khu vực hoặc địa điểm sản xuất.
Phạm vi vùng đệm phải được NPPO xác định, trên cơ sở khoảng cách mà dịch hại có khả năng lan rộng tự nhiên trong mùa vụ gieo trồng. Việc điều tra giám sát phải được tiến hành thường xuyên đầy đủ qua một hoặc nhiều vụ gieo trồng. Căn cứ theo yêu cầu của NPPO, các hoạt động sẽ được thực hiện nếu dịch hại bị phát hiện trong vùng đệm. Tình trạng không nhiễm dịch hại của khu vực hoặc địa điểm sản xuất có thể được hủy bỏ hoặc các biện pháp quản lý thích hợp có thể được yêu cầu trong vùng đệm. Trong mọi trường hợp, việc mở rộng điều tra hoặc biện pháp kiểm soát phải được xác minh trước. Nếu phù hợp thì các quy trình đầy đủ có thể được thiết lập để bảo đảm rằng sự không nhiễm dịch hại được duy trì (báo cáo/thông báo vùng và thông tin đại chúng, quy định vùng, kiểm soát/ loại bỏ dịch hại bị phát hiện).
7. Tài liệu chứng minh và soát xét
Những biện pháp được áp dụng để thiết lập và duy trì khu vực hoặc địa điểm sản xuất không nhiễm dịch hại, bao gồm cả việc áp dụng các biện pháp này trong vùng đệm, nếu phù hợp thì phải được chứng minh đầy đủ và soát xét định kỳ. NPPO phải xây dựng các quy trình cho việc kiểm tra hồ sơ, soát xét và đánh giá hệ thống.
7.1. Hồ sơ
Tài liệu chứng minh phải có sẵn, hệ thống hành chính được NPPO áp dụng để thiết lập những khu vực hoặc địa điểm sản xuất không nhiễm dịch hại nói chung và liên quan đến những dịch hại cần quan tâm cụ thể. Điều này bao gồm những chi tiết của hệ thống giám sát sử dụng (bao gồm việc kiểm tra, điều tra và giám sát), của quy trình cho việc đối phó với sự có mặt của dịch hại và của quy trình để đảm bảo tính đồng nhất của sản phẩm, độ nguyên vẹn của chuyến hàng giám sát về KDTV.
Tài liệu chứng minh phải có sẵn, hoạt động cụ thể được áp dụng tại một khu vực, địa điểm sản xuất và bất kỳ vùng đệm nào liên quan tới việc phê chuẩn tình trạng không có dịch hại đối với một mùa vụ gieo trồng cụ thể, bao gồm những kết quả điều tra và những hồ sơ quản lý dịch hại (ví dụ: phương thức và ngày xử lý KDTV, sử dụng giống kháng).
Thủ tục hủy bỏ và phục hồi tình trạng không nhiễm dịch hại phải được minh chứng bằng hồ sơ.
Khi các biện pháp phức tạp cần để thiết lập và duy trì một khu vực hoặc một địa điểm sản xuất không nhiễm dịch hại, bởi vì dịch hại cần quan tâm yêu cầu một mức độ giám sát KDTV cao thì có thể cần một kế hoạch hoạt động. Ở nơi phù hợp, kế hoạch như vậy sẽ căn cứ vào các Hiệp định hoặc thỏa thuận song phương liệt kê những chi tiết cụ thể yêu cầu trong hoạt động của hệ thống bao gồm cả vai trò, trách nhiệm của người sản xuất và thương mại có liên quan.
7.2. Khai báo bổ sung đối với giấy chứng nhận KDTV
NPPO cấp giấy chứng nhận KDTV cho chuyến hàng, khẳng định rằng những yêu cầu đối với khu vực hoặc địa điểm sản xuất không nhiễm dịch hại đã được thực hiện đầy đủ. Nước nhập khẩu có thể yêu cầu khai báo bổ sung phù hợp trong giấy chứng nhận KDTV.
7.3. Cung cấp thông tin
NPPO của nước xuất khẩu phải có sẵn tài liệu chứng minh hợp lý cho việc thiết lập và duy trì các khu vực hoặc địa điểm sản xuất không nhiễm dịch hại để cung cấp cho NPPO của nước nhập khẩu khi có yêu cầu. Nơi mà hiệp định hoặc thỏa thuận song phương đã được ký kết, NPPO của nước xuất khẩu sẽ nhanh chóng cung cấp thông tin liên quan đến việc thiết lập hoặc hủy bỏ những khu vực hoặc địa điểm sản xuất không nhiễm dịch hại cho NPPO của nước nhập khẩu.
Thư mục tài liệu tham khảo
[1] TCVN 6907:2001, Biện pháp Kiểm dịch thực vật – Các nguyên tắc Kiểm dịch thực vật liên quan đến thương mại quốc tế.
[2] TCVN 6908:2001, Biện pháp Kiểm dịch thực vật. Phần 1: Những quy định về nhập khẩu – Hướng dẫn phân tích nguy cơ dịch hại.
[3] TCVN 7516:2005, Kiểm dịch thực vật – Hướng dẫn giám sát dịch hại.
[4] TCVN 7517:2005, Kiểm dịch thực vật – Xác định tình trạng dịch hại trong một vùng.
[5] International Plant Protection Convention, FAO, Rome, 1992.
[6] New revised text of the International plant Protection convention, FAO, Rome, 1997.
TIÊU CHUẨN VIỆT NAM TCVN 7669:2007 VỀ KIỂM DỊCH THỰC VẬT – YÊU CẦU ĐỐI VỚI VIỆC THIẾT LẬP CÁC KHU VỰC VÀ ĐỊA ĐIỂM SẢN XUẤT KHÔNG NHIỄM DỊCH HẠI | |||
Số, ký hiệu văn bản | TCVN7669:2007 | Ngày hiệu lực | |
Loại văn bản | Tiêu chuẩn Việt Nam | Ngày đăng công báo | |
Lĩnh vực |
Nông nghiệp - Nông thôn |
Ngày ban hành | |
Cơ quan ban hành | Tình trạng | Còn hiệu lực |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn | Văn bản hướng dẫn | ||
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |