TIÊU CHUẨN VIỆT NAM TCVN 7857-2 : 2008 (ISO 6322-2 : 2000) VỀ BẢO QUẢN NGŨ CỐC VÀ ĐẬU ĐỖ – PHẦN 2: KHUYẾN NGHỊ THỰC HÀNH

Hiệu lực: Còn hiệu lực

TIÊU CHUẨN QUỐC GIA

TCVN 7857-2 : 2008

ISO 6322-2 : 2000

BẢO QUẢN NGŨ CỐC VÀ ĐẬU ĐỖ –

PHẦN 2: KHUYẾN NGHỊ THỰC HÀNH

Storage of cereals and pulses –

Part 2: Practical recommendations

Lời nói đầu

TCVN 7857-2:2008 thay thế TCVN 5089-90;

TCVN 7857-2:2008 hoàn toàn tương đương với ISO 6322-2:2000;

TCVN 7857-2:2008 do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn TCVN/TC/F1 Ngũ cốc và đậu đỗ biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

Bộ TCVN 7857 (ISO 6322) Bảo quản ngũ cốc và đậu đỗ, gồm các phần sau đây:

– TCVN 7857-1:2008 (ISO 6322-1:1996) Bảo quản ngũ cốc và đậu đỗ – Phần 1: Khuyến nghị chung về bảo quản ngũ cốc;

– TCVN 7857-2:2008 (ISO 6322-2:2000) Bảo quản ngũ cốc và đậu đỗ – Phần 2: Khuyến nghị thực hành;

– TCVN 7857-3:2008 (ISO 6322-3:1989) Bảo quản ngũ cốc và đậu đỗ – Phần 3: Kiểm soát sự xâm nhập của dịch hại.

 

BẢO QUẢN NGŨ CỐC VÀ ĐẬU ĐỖ –

PHẦN 2: KHUYẾN NGHỊ THỰC HÀNH

Storage of cereals and pulses –

Part 2: Practical recommendations

1. Phạm vi áp dụng

Tiêu chuẩn này đưa ra hướng dẫn về cách lựa chọn phương pháp bảo quản ngũ cốc và đậu đỗ, các khuyến nghị thực hành bảo quản tốt đối với phương pháp được chọn. Các khía cạnh khác về bảo quản ngũ cốc và đậu đỗ được quy định trong TCVN 7857-1 (ISO 6322-1) và TCVN 7857-3 (ISO 6322-3).

2. Tài liệu viện dẫn

Các tài liệu viện dẫn sau rất cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi.

TCVN 7587-1 (ISO 6322-1), Bảo quản ngũ cốc và đậu đỗ – Phần 1: Khuyến nghị chung về bảo quản ngũ cốc.

TCVN 7857-3 (ISO 6322-3), Bảo quản ngũ cốc và đậu đỗ – Phần 3: Kiểm soát sự xâm nhập của dịch hại.

3. Cách thức bốc xếp

Mọi hệ thống bảo quản cần có cách thức bốc xếp hàng hóa vào kho và ra khỏi kho. Cách thức bốc xếp cần được chọn để làm giảm thiểu sự hư hỏng hoặc suy giảm chất lượng của hạt và các thùng chứa. Trong thực tế, các cách thức bốc xếp này phải hạn chế sự phân tán bụi trong nhà kho hoặc môi trường lân cận.

4. Bảo quản dạng hở

4.1. Yêu cầu chung

Bảo quản dạng hở có chi phí thấp nhất nhưng là phương pháp kém an toàn nhất. Ở đây có nguy cơ cao do sự phá hoại của chim, loại gậm nhấm, côn trùng và nhóm động vật nhỏ [xem TCVN 7857-3:2008 (ISO 6322-3:1989)], sự phát triển của nấm, hư hỏng do thời tiết xấu, do trộm cắp và do những rủi ro khác. Nói chung, bảo quản dạng hở này chỉ nên áp dụng trong một khoảng thời gian ngắn. Phương pháp bảo quản này có thể được sử dụng khi vụ mùa bội thu không còn đủ phương tiện để bảo quản. Cách bảo quản này phải được thực hiện ở nơi khô và mát.

4.2. Bảo quản không mái che

Bảo quản không mái che là thích hợp hơn ở các nước ôn đới, tại đây có những cơn mưa rào đột ngột, ngắn, nên chỉ ảnh hưởng đến bề mặt (tới độ sâu khoảng 5 cm) và trời nắng sau đó sẽ làm hạt khô dần hạt trở lại. Dĩ nhiên, việc phơi nắng như thế có thể dẫn đến sự hư hỏng do “biến mầu”. Cũng có thể bảo quản dưới tuyết hoặc ở nhiệt độ lạnh, vì nhiệt độ thấp sẽ hạn chế sâu mọt và nấm mốc phát triển. Tuy nhiên, vẫn có một vài loại nấm mốc sinh độc tố cũng có thể phát triển ở nhiệt độ gần với nhiệt độ đông lạnh trên các hạt bị ướt do tuyết, do đó hết sức thận trọng khi áp dụng phương pháp bảo quản này.

Nếu có thể, nên thực hiện bảo quản dạng hở ở trên bề mặt “cứng” hoặc trên bề mặt nhẵn khác cách mặt sàn 0,5 m và có lắp hệ thống cách ly để tránh mưa chảy qua nền nhà và tránh ẩm từ sàn và dễ dàng thu gom hạt.

Với hạt để rời, đôi khi có thể thực hiện thông khí nhân tạo nhưng không phải lúc nào cũng có thể thực hiện được.

4.3. Bảo quản có mái che

Đôi khi, có thể dựng một mái che tạm bằng khung gỗ lợp tôn múi, để che đống bao hoặc đống hạt; có thể dùng vải bao đay hoặc giấy dầu để bảo vệ ”tường” để bảo vệ khỏi thời tiết.

Với cách khác, có thể dùng vải hạt không thấm nước để phủ khối hạt (dạng để rời hoặc đóng bao) để tránh ánh nắng mặt trời và đổ mô hôi. Mái che cũng cần phải dễ dàng gấp lại trong những ngày khô để bay hơi lượng nước ngưng tụ. Mái che cũng cần phải được cố định bằng các vật nặng (lốp xe ôtô, bao cát, gạch v.v…) được đặt ở chân đống hạt. Mái che phải được phủ dư thêm ít nhất 50 cm vì phải tính đến chiều gió hay thổi nhất.

Thông thường, ngô bắp hay được bảo quản trong các khung cũi không vách, ví dụ như khung có thành được bọc bằng lưới thép để ngô tiếp tục khô trong không khí. Ngô bắp có thể bảo quản tương đối dễ dàng và an toàn vì không bị hư hỏng cơ học do tách hạt. Khung cũi không vách cần phải có mái che để tránh mưa và hạn chế nấm mốc phát triển. Cần đặc biệt chú ý bảo vệ ngô khỏi sự phá hoại của chim và loài gặm nhấm [xem TCVN 7857-3 (ISO 6322-3)].

5. Bảo quản trong kho có kết cấu đặc biệt khác với xilô (nhà kho bằng phẳng)

5.1. Yêu cầu chung

Mục đích của việc đưa hạt vào trong kho là để bảo vệ hạt khỏi thời tiết, sự xâm nhập của vật gây hại và để đảm bảo an toàn. Việc bảo quản trong kho tốt nhất là kiểm soát được nhiệt độ và độ ẩm để giữ hạt khô, mát và đồng đều về nhiệt độ. Cấu trúc kho phải được xây dựng thích hợp để tạo điều kiện bảo quản tốt, dễ ra vào, có các điều kiện làm việc an toàn và không làm nơi cư trú của sinh vật gây hại.

5.2. Xây dựng nhà kho

5.2.1. Vị trí và nền móng

Phải chọn hướng kho sao cho giảm thiểu được sự tích tụ bức xạ mặt trời, nghĩa là ở vùng ôn đới thì chiều dài kho theo hướng bắc-nam, ở vùng nhiệt đới thì chiều dài kho theo hướng đông-tây. Nền móng cần đủ vững chắc để chịu được trọng lượng của nhà kho và hạt được đổ đầy và chống được mối ở những nơi cần thiết. Môi trường xung quanh phải giữ sạch, không có cây cối, rác, không bị ngập nước. v.v… Cần có đường vào trực tiếp cho các dạng phương tiện vận chuyển thích hợp.

5.2.2. Sàn nhà

Sàn phải vững chắc, nhẵn, cứng và chống thấm nước. Không dùng đất “đầm” làm sàn. Sàn gỗ có vết nứt nẻ và kẽ hở là nơi chứa rác, côn trùng và nhóm động vật nhỏ. Thông thường mặt sàn rắn và nhẵn làm bằng bê tông chất lượng tốt được xử lý bằng chất phụ gia đông cứng để ngăn bụi. Chân tường tiếp giáp với nền nhà phải được trát hình vòm, nhẵn để dễ dạng làm vệ sinh. Cần đổ một lớp chống thấm dọc theo tường để ngăn không cho tường bị ẩm, thông thường là bê tông “nhiều lớp”.

Nền kho phải được xây cao hơn mặt đất, hoặc khi gần sông hồ thì nền kho phải cao hơn mực nước cao nhất để tránh bị ngập lụt.

5.2.3. Tường

Tường phải vững chắc, nhẵn và nếu theo quy định của địa phương thì tường có màu nhạt (thường là màu trắng) ở mặt ngoài để giảm sự hấp thụ nhiệt. Ở các nước nhiệt đới, tường cách nhiệt là tốt nhất. Khi xây dựng cần tránh “những vị trí chết” và lớp trát mặt trong tường không được có vết nứt, rạn.

Tường của nhà kho có thể được xây bằng các vật liệu khác nhau tùy thuộc vào điều kiện địa phương và thực tế: bằng gỗ (không khuyến khích), gạch nung, hoặc đá phối, gạch hoặc tấm panen. Tường phải được phủ một lớp bên trong. Chúng cũng có thể được làm bằng tôn kẽm, nhôm, trát vữa bê tông đổ tại chỗ hoặc bê tông tăng cường. Những khối bê tông rỗng thường không được khuyến khích sử dụng (trừ khi đổ đầy) vì chúng có thể là nơi trú ẩn của loài gặm nhấm hoặc côn trùng.

Điều quan trọng là kết cấu phải đủ vững chắc để chịu được áp lực của hạt lên tường.

5.2.4. Mái che

Mái che phải vững chắc, không thấm nước và nếu quy định của địa phương, thì mặt ngoài có màu nhạt (thường là màu trắng). Cần phải có dầm và trụ đỡ. Cột trụ đỡ phải không gây ra các vết nứt trên tường của kho. Tuy nhiên, cột trụ đặt ở giữa kho có thể gây cản trở đến việc vận chuyển sản phẩm ra/vào kho vì sẽ làm giảm khả năng chứa của kho. Hạt không được chất đống quanh cột trụ vì sẽ gây khó khăn cho việc xông hơi. Mái phải có độ dốc để thoát nước mưa. Ở vùng nhiệt đới, mái dốc có hiên rộng tàm tăng khả năng cách nhiệt. Mái phải có khả năng cách nhiệt tốt, không bị đọng hơi nước, chống côn trùng và nấm mốc. Mái phải được thiết kế sao cho không làm nơi cư trú của côn trùng và nhóm động vật nhỏ. Tường và trần phải kín và có lưới chống côn trùng. Không nên làm trần bên trong vì nó có thể là nơi cư trú của động vật. Vật liệu làm mái gồm: ngói lợp, tấm đá lợp, tấm lợp ximăng, giấy dầu, tôn kẽm hoặc nhôm tấm.

Toàn bộ ống dẫn thoát nước từ máng phải đặt bên ngoài. Không nên để các ống nước đi dọc theo tường phía trong tòa nhà, vì nó vừa là nơi sinh sống của sâu mọt và vi sinh vật vừa là lối đi cho loài gậm nhấm và nếu có những chỗ hỏng thì nước mưa có thể làm hỏng hạt. Tất cả đường ống dẫn nước bên ngoài và ống thoát nước phải được lắp với một tấm kim loại để bảo vệ khỏi chuột. Đường ống cũng cần có các tấm lưới chắn được gắn phía trong đầu ra của ống

5.2.5. Cửa ra vào và cửa sổ

Việc thông khí phải kiểm soát được. Trong kho chứa gần đầy, khối hạt tự điều chỉnh các điều kiện quản. Không nên thường xuyên thông gió “tự nhiên” vì gió trời có thể đưa không khí ẩm vào. Tuy nhiên, ở một thời điểm nhất định trong ngày, có thể cần phải thông gió để làm mát cần thiết. Có thể làm mát bằng cửa chớp có mái che đua rộng v.v…

Có các lỗ thông khí là rất quan trọng để lưu thông không khí. Các ô thoáng nhỏ phải phù hợp với kích thước của kho và được mở ở phần cao trên tường. Các ô thoáng này phải được gắn với các lưới sắt chống chim đặt ở bên ngoài và có lưới ở bên trong.

Các ống thông gió có lưới thích hợp phải được đặt ở mỗi đầu hồi nhà kho để không khí nóng tích đọng dưới mái che có thể thoát ra được.

Tránh hoặc giảm đến mức tối thiểu ánh sáng từ mái che và từ cửa sổ chiếu vào. Nên mở cửa sổ càng ít càng tốt. Cửa sổ cũng phải được bảo vệ bằng các lưới sắt để khi mở chim không bay vào được.

Cửa ra vào phải đóng kín được, nếu có thể, nên làm bằng kim loại. Nếu cửa được làm bằng gỗ thì phần chân của cửa và khung cửa nên được bọc bằng thép không gỉ để tránh sự tấn công của loài gặm nhấm. Phía trên cửa cần phải có mái để che mưa.

Số lượng cửa ra vào phụ thuộc vào tần suất yêu cầu nhập kho của sản phẩm bảo quản. Kích thước của cửa phụ thuộc vào hoạt động nhập kho/xuất kho (ví dụ: trường hợp cả xe tải cho hàng vào kho). Thiết kế cửa nhập kho cần tính toán sao cho ngăn được loài gặm nhấm lọt vào.

5.2.6. Độ kín của nhà kho

Cần bảo vệ nhà kho chống sự xâm nhập của côn trùng, loài gặm nhấm, chim và dơi.

Kho cần được đóng kín khi xông hơi. Nhà kho phải kín trước khi đưa sản phẩm vào kho. Nếu kho không đóng kín được thì việc xông hơi có thể được tiến hành dưới tấm phủ kín khí.

5.3. Bảo quản sản phẩm đóng bao trong kho

5.3.1. Làm sạch

Kho phải được làm sạch và đảm bảo vệ sinh tốt. Kho phải gọn gàng, nghĩa là được làm sạch và được xử lý trước khi đưa sản phẩm vào bảo quản. Trong quá trình bảo quản cần làm vệ sinh thường xuyên.

5.3.2. Tấm kê

Sử dụng các tấm kê (tấm nâng hàng) để cho các bao chứa không tiếp xúc trực tiếp với sàn nhà và đặc biệt là khi sàn nhà không kín nước hoàn toàn. Ở những nơi ẩm ướt nên dùng các tấm kê. Các tấm kê chủ yếu là để thông khí, tránh nhiệt độ giảm cục bộ và ngăn ngừa ẩm làm ngưng tụ cũng như để tránh “hơi ẩm bốc lên” từ sàn có kết cấu không tốt. Tấm kê phải là những giá kê chuẩn, kích thước dễ sử dụng và dễ bốc dỡ. Chúng nên được xử lý bằng thuốc và xếp gọn gàng khi chưa sử dụng.

Tuy nhiên, ở những vùng khô, các nhà kho đã được thiết kế phù hợp thì không cần thiết phải dùng các tấm kê.

5.3.3. Xếp chồng

Xếp chồng theo khối hình học, gọn gàng và chắc chắn về cơ học để thuận tiện cho việc bốc xếp và xử lý thuốc trừ dịch hại. Xếp các bao thành các khối giống nhau là thuận tiện cho việc đếm số lượng bao.

Tránh xếp thành khối quanh các cột trụ và sát tường vì sẽ khó khăn khi kiểm tra và xông hơi và có thể làm hỏng nhà kho.

Lối đi giữa các hàng phải đủ rộng (ít nhất là 1 m) để thuận lợi cho việc kiểm tra và phun thuốc. Phải để lối đi để kiểm tra giữa các đống bao trong kho bảo quản.

Sau khi xông hơi, không nên giữ lại các tấm không thấm nước nhằm tránh sự tái nhiễm sâu bọ vì vẫn để ngưng tụ hơi nước.

5.4. Bảo quản hạt rời trong “kho bằng phẳng”

5.4.1. Làm sạch

Điều cơ bản là phía trong các tòa nhà, khu vực lân cận và tất cả các dụng cụ, thiết bị vận chuyển phải được làm sạch và xử lý bằng thuốc trừ dịch hại.

5.4.2. Thiết bị

Kho bảo quản rời là giải pháp hiệu quả, kinh tế nhưng khó khăn trong xử lý và áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch hại. Điều quan trọng để cung cấp tất cả các thiết bị cần thiết để bảo quản và kiểm soát chất lượng tốt là: hệ thống xử lý thích hợp, thiết bị xông hơi, dụng cụ lấy mẫu và thiết bị kiểm tra nhiệt độ hạt.

Có nguy cơ tăng chênh lệch nhiệt độ trong toàn khối hạt làm cho hơi nước phát tán và tăng khả năng nấm mốc sinh trưởng, đặc biệt có nguy cơ cao tại lớp hạt nằm cách bề mặt khối hạt, cách tường và sàn từ 5 cm đến 20 cm. Có thể khắc phục nguy cơ này bằng hệ thống thông khí nhân tạo qua khối hạt (xem 7.2).

5.4.3. Sắp xếp khối hạt

Tại một số kho, hạt được đổ đầy sát tường kho. Tường kho phải đủ vững để chịu được lực ép của hạt.

Có thể sử dụng các vách ngăn để trợ lực cho tường và để tách riêng các mẻ sản phẩm. Những vách ngăn này có thể được làm bằng bê tông, gỗ hoặc kim loại. Tuy nhiên, khi đó việc bốc xếp hạt sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.

Giữa đỉnh của khối hạt và mái nhà nên có khoảng trống đủ cho một người có thể qua lại để kiểm tra hạt, nếu cấu trúc ban đầu của kho không đủ cao.

Nơi có thể sử dụng hệ thống thông khí thì bề mặt khối hạt nên được san bằng để tăng việc lưu thông không khí.

6. Bảo quản bằng xilô

Tùy theo mức độ phát triển kỹ thuật của từng nước mà có thể sử dụng các vật chứa khác nhau.

Các đơn vị bảo quản có thể có kích thước khác nhau, từ thùng nhỏ dung lượng vài kilôgam tới những hệ thống thiết bị lớn gồm nhiều thùng xilô, mỗi xilô không quá 1 000 tấn. Bảo quản trong xilô lớn thuận tiện nhưng lắp đặt tốn kém. Các xilô lớn ở cảng là những thiết bị trung chuyển tốt và không kinh tế khi bảo quản trong thời gian dài. Đối với việc bảo quản, các yêu cầu chính là đơn giản, ít sử dụng máy móc và các hệ thống được sản xuất hàng loạt.

Vật liệu được dùng phải thích hợp với kích cỡ của xilô, ví dụ:

a) ở vùng nhiệt đới, có thể dùng các vật liệu dễ kiếm tại địa phương như đất sét, tre nứa v.v… để làm thùng đựng kích thước nhỏ; có thể tận dụng thùng phuy đựng dầu cũ sau khi làm sạch hoàn toàn;

b) có thể dùng thùng lớn hơn (hơn 10 tấn) làm bằng gỗ (gỗ tấm hoặc gỗ dán), gạch hoặc bêtông (tấm hoặc tôn đúc), tấm kim loại (thép, tôn múi, nhôm) hoặc lưới kim loại (được bọc bằng bao gai, giấy dầu, polyetylen, polivinyl clorit, cao su butyl v.v…);

c) Các xilô rất lớn có thể được làm bằng thép múi hoặc bê tông đã đổ khuôn.

Cũng như các nhà kho khác, xilô phải được thiết kế đủ vững chắc và phải được kết cấu không có vết nứt hay kẽ hở.

Khi xây dựng xilô, phải tính đến thiết bị xông hơi làm sạch, lấy mẫu, kiểm soát nhiệt độ và kiểm tra. Cũng như các hệ thống thông khí một vài thùng chứa như trong mục b) ở trên không thể xông hơi được trừ khi được che phủ kín bằng các tấm phủ kín khí.

Đối với xilô nhỏ, không cần thiết có các thiết bị bốc xếp tự động, nhưng lại cần cho hệ thống xilô lớn.

7. Hệ thống bảo quản đặc biệt

7.1. Bảo quản kín

7.1.1. Yêu cầu chung

Bảo quản trong kho kín có thể được sử dụng để kiểm soát và ngăn ngừa sự nhiễm côn trùng và nhóm động vật nhỏ đối với hạt khô và ngăn chặn sự phát triển của nấm mốc đối với hạt quá ẩm. Nguyên tắc của phương pháp là như nhau trong cả hai trường hợp, là loại bỏ oxy cần cho sự sinh trưởng của sâu mọt hoặc nấm mốc. Kết quả này ra do sự hô hấp của hạt và của các loại sinh vật khác. Làm sạch bằng khí nitơ, cacbon dioxit hoặc các loại khí trơ khác có thể làm tăng tốc độ tiêu diệt côn trùng nhưng không phải là chủ yếu và có thể gặp khó khăn trong thực tiễn.

CHÚ THÍCH: Việc tiêu diệt côn trùng trong hàng hóa phụ thuộc vào nồng độ cacbon dioxyt (CO2) được sử dụng. Với nồng độ CO lớn hơn 35 % trong 10 ngày thì tỷ lệ côn trùng chết đạt được là 99%.

Trong thực tế, sự hô hấp của hạt sẽ làm giảm nồng độ oxy của không khí trong thùng đựng kín khí xuống khoảng 2% trong vài ngày đến 3 tuần, do đó tiêu diệt được sâu mọt có mặt. Nếu qua các kẽ hở, lượng oxy lọt vào mỗi ngày ít hơn khoảng 0,5 % khoảng trống bên trên hạt và gồm cả không khí giữa các hạt, thì thế hệ sâu mọt tiếp sau không có khả năng sống sót và chúng sẽ bị chết. Nhưng nếu kẽ hở lớn hơn, sâu mọt có thể sinh trưởng và làm quần thể côn trùng tăng nhẹ.

Bảo quản kín khí rất thích hợp để kiểm soát sự lây nhiễm sâu mọt đối với hạt khô, mà không cần dùng đến thuốc trừ dịch hại. Cách bảo quản này đặc biệt thích hợp cho việc dự trữ lâu dài ở các nước có khí hậu ấm, nơi mà giới hạn trên về độ ẩm của hạt nên là 13,5% (theo khối lượng ẩm). Trong những điều kiện đó có rất ít sự thay đổi về tính chất của hạt, hạt có thể dùng cho hầu hết các mục đích, bao gồm cả để làm thực phẩm. Tuy vậy, không nên bảo quản hạt giống trong thùng kín lâu hơn một vụ.

7.1.2. Bảo quản kín khí để ngăn ngừa sự sinh trưởng của nấm mốc

Bảo quản kín khí để ngăn ngừa sự sinh trưởng của nấm mốc trong hạt ẩm là thích hợp hơn đối với các nước ôn đới.

Trong quá trình bảo quản kín khí, hạt có độ ẩm lớn hơn 16 % (theo khối lượng ẩm), thì các thay đổi sinh ra từ hoạt động của các enzym xuất hiện tự nhiên có thể xuất hiện. Cũng có thể do hoạt động của các vi sinh vật nửa hiếu khí. Hạt đã bị biến đổi sẽ ảnh hưởng tới đặc tính làm bánh và xay xát dẫn đến không thích hợp cho sử dụng thương mại tiếp theo.

Nếu hạt ẩm được bảo quản trong kho kín khí nhân tạo thì độ ẩm của hạt phải nằm trong khoảng từ 18 % đến 22 % (theo khối lượng). Nếu hạt có độ ẩm cao hơn mức này thì có thể dẫn đến hạt bị mềm và kết dính lại, với độ ẩm lớn hơn 25 % (theo khối lượng) thì cần có hệ thống dỡ hạt đặc biệt.

Nếu kho không giữ được kín khí theo yêu cầu, thì vi sinh vật có hại có thể phát triển, đặc biệt nếu không có phương tiện thích hợp giảm lượng oxy lọt vào đến mức tối thiểu.

7.1.3. Kho kín khí

7.1.3.1. Kho bảo quản dưới mặt đất

Các kho này có ưu điểm là đảm bảo nhiệt độ tương đối ổn định, do đó tránh được nguy cơ di chuyển ẩm.

Phải thận trọng chọn vị trí thích hợp để mực nước quanh năm thấp hơn đáy kho. Phải ngăn chặn nước ngầm và nước mưa xâm nhập. Tường hầm kho không được ngấm nước; bê tông phải có lớp bảo vệ. Mái che phải không được thấm nước.

7.1.3.2. Kho nổi trên mặt đất

Kho nổi trên mặt đất cũng được dùng để bảo quản hạt có độ ẩm cao. Các xilô có thể được làm bằng tấm thép có thể sơn, tránh kẽm hoặc tráng men. Các tấm thường được gắn bằng matit đặc biệt. Cần sắp xếp để giảm áp lực và để không khí lọt vào ít nhất khi làm rỗng kho. Quá trình làm rỗng cần được tiến hành với một tốc độ định trước, để hạn chế sự phát triển của vi sinh vật sinh độc tố ở lớp hạt trên bề mặt đến mức thấp nhất.

Có thể chế tạo xilô kín khí có dung tích đến 500 tấn bằng cách củng cố trong khung lưới kim loại. Bao này thường được làm từ cao su butyl, nhưng có thể sử dụng polyetylen và polyvinyl clorua có độ dày thích hợp hoặc vật liệu tương tự.

7.2. Bảo quản lạnh

7.2.1. Yêu cầu chung

Có thể thông khí để giữ hạt ở nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ phát triển của côn trùng và nấm mốc. Để tránh sự nóng lên của kho vào ban ngày thì các kho bảo quản cần được cách biệt.

7.2. Lưu thông khí lạnh với không khí xung quanh

Bằng cách hạ nhiệt độ xuống dưới 12 oC, thì sự phát triển của hầu hết sâu mọt trở nên chậm đến mức sự xâm nhiễm coi như được ngăn chặn. Ví dụ, tại các nước ôn đới, việc lưu thông với không khí xung quanh với dòng khí từ 1,66 l/s đến 5,0 l/s (0,1 m3/min đến 0,3 m3/min) trên 1 m3 hạt trong tổng thời gian làm thông khí từ 50 h đến 200 h, thì có thể kéo dài vài tuần là đủ. Hiện nay các nước ôn đới, làm lạnh hạt bằng thông khí với không khí xung quanh là một thực tế vững chắc, nơi có khối hạt riêng rẽ lớn hơn 50.000 tấn đã được xử lý như vậy.

Khi độ ẩm vượt quá mức an toàn thì việc thông khí lạnh ngăn chặn được sự phát triển của nấm mốc cũng như làm giảm nhiệt độ của hạt. Khi độ ẩm vượt quá 18 % (theo khối lượng ẩm) thì mùi mốc có thể xuất hiện sau 2 tháng đến 6 tháng phụ thuộc vào nhiệt độ và sự phát triển của nấm mốc.

CHÚ THÍCH: Trong trường hợp này, tiếp tục thông khí ở tốc độ dòng cao (khoảng 10 lần thể tích của việc làm lạnh) có thể làm khô hạt từ từ nếu đã tính đến việc tăng nhiệt độ không khí tối đa 40C hoặc 50C  vào ban đêm và trong suốt thời gian có mưa. Tuy nhiên, kỹ thuật này chỉ thích hợp về mặt kinh tế đối với đống hạt không chồng đống cao hoặc với lượng nhỏ.

7.2.3. Làm lạnh bằng không khí

Để ngăn ngừa hư hỏng do nấm và côn trùng thì nhiệt độ của hạt phải được hạ nhanh đến nhiệt độ mong muốn. Nhiệt độ này phụ thuộc vào độ ẩm và không được cao hơn 10 oC đối với độ ẩm của hạt là 15 % (theo khối lượng ẩm). Việc thông khí kín bằng không khí lạnh nhân tạo, có thể làm lạnh nhanh và sẽ hạn chế sự phát triển của côn trùng. Điều kiện này thậm chí có thể tiêu diệt chúng, đặc biệt, có thể bảo quản hạt rất tốt. Chi phí năng lượng có thể là đáng kể so với hệ thống làm sạch không khí xung quanh.

8. Bảo quản trong khi vận chuyển

8.1. Vận chuyển trong thời gian ngắn

Vận chuyển trong thời gian ngắn thường là bằng đường bộ, đường sắt hoặc trong các thuyền hoặc trong sà lan nhỏ. Có thể chứa hạt trong chính phương tiện vận chuyển hoặc trong thùng vận chuyển. Lượng đơn vị đựng hạt được vận chuyển tương đối nhỏ. Phương tiện vận chuyển và thùng chứa phải sạch, khô và không có mùi lạ và không bị nhiễm sâu mọt. Cần phòng ẩm ướt dưới bất kỳ hình thức nào.

Nếu sản phẩm cần phải bảo quản trong thời gian ngắn dài ngoài dự kiến trong phương tiện vận chuyển và thùng chứa thì sự nhiễm sâu mọt có thể trở thành một vấn đề và nếu độ ẩm vượt quá mức cho phép thì hoạt động của vi sinh vật có thể phải xem xét.

8.2. Vận chuyển trong thời gian dài

Vận chuyển trong thời gian dài thường được thực hiện bằng đường biển. Những chuyến đi bình thường có thể kéo dài khoảng từ 4 tuần đến 6 tuần, nhưng có thể bị kéo dài do hư hỏng động cơ tàu v.v… Ngoài ra, vẫn có thể bị chậm trễ trong bốc dỡ hàng hóa do ứ đọng tại cảng đến. Tại một số cảng, việc chậm trễ kéo dài vài tuần lễ là bình thường và kéo dài tới 6 tháng cũng đã xảy ra. Ở các nước có nhiệt độ ẩm, sự kéo dài tại cảng như thế là đặc biệt nguy hiểm. Có nhiều chuyến hàng phải vận chuyển qua các vùng khí hậu khác nhau. Do đó, sẽ có nguy cơ của việc di chuyển ẩm trong hàng hóa do quá trình sinh nhiệt hoặc làm lạnh trong vận chuyển.

Có thể vận chuyển ngũ cốc và đậu đỗ trong bao hoặc để rời, hiện nay dạng để rời là phương pháp chủ yếu để vận chuyển ngũ cốc. Đậu đỗ chủ yếu vẫn được vận chuyển trong bao. Nhiều hàng hóa đóng bao và một số ngũ cốc rời được vận chuyển trong thùng chứa hàng khô.

Nói chung, có thể coi các hầm chứa hàng của tàu biển như những kho hàng hoặc xilô. Cần phải áp dụng những nguyên tắc bảo quản như nhau như đã được nêu ở các điều trên. Do đó, cần phải đảm bảo khoang chứa hàng sạch, khô và không nhiễm côn trùng trước khi chất hàng. Ngoài các dạng bao đã sử dụng, ví dụ như để ổn định hàng hóa thì các bao chứa đó cũng phải sạch và không bị nhiễm côn trùng và nhóm động vật nhỏ. Cần đảm bảo hàng hóa không bị nhiễm côn trùng ngoại trừ đã xông hơi khi quá cảnh. Các nước xuất khẩu khác nhau dùng các chuẩn cứ khác nhau đối với mức có thể chấp nhận về nhiễm sâu mọt trong hàng hóa xuất khẩu tùy thuộc vào hàng hóa đã được xông hơi khi quá cảnh. Khi có quy định thì hàng hóa ngũ cốc và đậu đỗ phải tuân theo quy định đó. Khi không có quy định thì mức nhiễm sâu mọt tối đa chỉ được là hai sâu mọt trưởng thành sống trên một kilôgam hạt bảo quản xem TCVN 7857-3 (ISO 6322-3). Cần phát hiện và xác định mức nhiễm côn trùng ẩn náu trong khối hạt.

Ở nhiệt độ khi xếp hàng hóa, thì hàng hóa phải có độ ẩm đủ thấp để ngăn ngừa sự hoạt động của vi sinh vật trước khi bốc dỡ hàng. Để đảm bảo tình huống này, cần xem xét các khuyến nghị trong TCVN 7857-1 (ISO 6322-1). Tuy nhiên, đối với những chuyến đi ngắn, thì ngũ cốc và đậu đỗ được xếp xuống tàu có thể có độ ẩm cao hơn một chút so với mức tối đa cho phép đối với sản phẩm để bảo quản dài ngày. Dung sai được chấp nhận tùy thuộc vào điều kiện của chuyến đi, lượng hàng hóa chuyên chở trong từng khoang chứa hàng v.v… Độ ẩm của hàng vận chuyển phải phù hợp với các quy định của nước nhập khẩu hoặc theo các điều khoản trong hợp đồng thương mại.

8.3. Các vấn đề cụ thể liên quan đến vận chuyển biển

CHÚ THÍCH: Các chi tiết kỹ thuật đưa ra trên đây rất có giá trị nhưng các yếu tố cụ thể xuất hiện trong hàng hóa vận chuyển bằng đường biển.

8.3.1. Chênh lệch nhiệt độ và di chuyển ẩm

Khi xếp hàng xuống tàu biển, thì phải cân nhắc không chỉ phương pháp tốt nhất để bảo vệ hàng hóa khỏi hư hỏng mà còn phải đảm bảo an toàn cho tàu trong suốt chuyến đi. Yêu cầu an toàn là tối cao và vì vậy có thể xếp hàng trên tàu theo một cách mà trong một số hoàn cảnh nhất định có thể xảy ra hư hỏng hàng hóa, khi điều này có thể tránh được nếu xếp hàng theo cách khác. Ví dụ, các quy định về vận chuyển biển của các nước tham gia Hội nghị quốc tế về An toàn Hàng hải yêu cầu hàng ngũ cốc để rời phải được xếp đầy hầm tàu. Biện pháp này là để ngăn ngừa việc di chuyển hàng hóa trong các khoang chứa. Tuy nhiên, chất xếp hàng như thế có thể làm cho hạt tiếp giáp với vách hầm bị ẩm do hậu quả của di chuyển ẩm và ngưng tụ hơi nước trên vách. Đây là các vấn đề đặc biệt khi chuyến hàng được vận chuyển từ vùng có khí hậu này đến vùng có khí hậu khác; thay đổi nhiệt độ bên ngoài có thể dẫn đến sự di chuyển ẩm trong khối hạt.

Quy định vận chuyển biển thực chất là vấn đề nghiêm ngặt về hàng hải và phức tạp. Có những nước xuất khẩu yêu cầu phải chất xếp hàng vào tàu theo các quy định riêng của họ, trong khi có những nước khác yêu cầu phải xếp hàng xuống theo quy định của nước đăng ký tàu. Tuy nhiên, tất cả các quy định về hàng hải là tương tự nhau hoặc giống hệt các điều khoản trong báo cáo ”Hội nghị Quốc tế về Hàng hải 1960” do Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO), Luân đôn xuất bản. Thông thường, các nhà chức trách tại cảng hoặc các thanh tra viên hàng hải tiến hành thanh tra hàng hóa trong khi xếp hàng để đảm bảo chất lượng sản phẩm như đã khai báo hoặc để đảm bảo rằng tàu biển đã được xếp hàng hóa có thể được khởi hành.

8.3.2. Xông hơi trong vận chuyển

CẢNH BÁO – Việc xông hơi chỉ được thực hiện bởi công ty đã được cấp phép vì khí xông rất độc với tất cả các loài động vật.

Vận chuyển khối lượng lớn hạt rời trên tàu hoặc “vật mang” không cần đến dụng cụ thông gió là phương pháp phổ biến nhất trong vận chuyển.

Hệ thống thông gió có lợi nếu nó được thiết kế ở cùng thời điểm với việc trang bị khoang chứa trên tàu, việc thông khí được sử dụng để làm sạch khí trong khoang lưu giữ hàng trước khi đến nơi nhận hàng, khi khoang đã được xông hơi trong quá trình vận chuyển.

Để có thể thực hiện xông hơi, điều cần thiết là thuốc xông hơi phải được đưa vào từ các điểm khác nhau của khoang chứa, đặc biệt ở đáy hầm tàu. Các ống dẫn cứng được thiết kế để chống lại áp lực do hạt được chèn đầy trên đáy của hầm tàu với ống hút sát tường để nối với hệ thống hút khí. Việc xông hơi tàu vận chuyển (trên biển) phải phù hợp với các quy định của IMO.

 

Thư mục tài liệu tham khảo

TCVN 7847-1:2008 (ISO 6639-1:1986) Ngũ cốc và đậu đỗ – Xác định sự nhiễm côn trùng ẩn náu – Phần 1: Nguyên tắc chung.

TCVN 7847-2:2008 (ISO 6639-2:1986) Ngũ cốc và đậu đỗ – Xác định sự nhiễm côn trùng ẩn náu – Phần 2: Lấy mẫu.

TCVN 7847-3:2008 (ISO 6639-3:1986) Ngũ cốc và đậu đỗ – Xác định sự nhiễm côn trùng ẩn náu – Phần 3: Phương pháp chuẩn.

TCVN 6130:1996 (ISO 6639-4:1987) Ngũ cốc và đậu đỗ – Xác định sự nhiễm côn trùng ẩn náu –  Phương pháp nhanh.

TIÊU CHUẨN VIỆT NAM TCVN 7857-2 : 2008 (ISO 6322-2 : 2000) VỀ BẢO QUẢN NGŨ CỐC VÀ ĐẬU ĐỖ – PHẦN 2: KHUYẾN NGHỊ THỰC HÀNH
Số, ký hiệu văn bản TCVN7857-2:2008 Ngày hiệu lực
Loại văn bản Tiêu chuẩn Việt Nam Ngày đăng công báo
Lĩnh vực An toàn thực phẩm
Nông nghiệp - Nông thôn
Ngày ban hành
Cơ quan ban hành Tình trạng Còn hiệu lực

Các văn bản liên kết

Văn bản được hướng dẫn Văn bản hướng dẫn
Văn bản được hợp nhất Văn bản hợp nhất
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung Văn bản sửa đổi, bổ sung
Văn bản bị đính chính Văn bản đính chính
Văn bản bị thay thế Văn bản thay thế
Văn bản được dẫn chiếu Văn bản căn cứ

Tải văn bản