TIÊU CHUẨN VIỆT NAM TCVN 8213:2009 VỀ TÍNH TOÁN VÀ ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ KINH TẾ DỰ ÁN THỦY LỢI PHỤC VỤ TƯỚI, TIÊU
TCVN 8213:2009
TÍNH TOÁN VÀ ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ KINH TẾ DỰ ÁN THỦY LỢI PHỤC VỤ TƯỚI, TIÊU
Economic evaluation of Irrigation and drainage projects
1. Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này sử dụng để tính toán và đánh giá hiệu quả kinh tế các dự án thủy lợi (trong các giai đoạn lập báo cáo đầu tư, lập dự án đầu tư hoặc lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật) xây dựng mới hoặc khôi phục, nâng cấp công trình thuỷ lợi.
Tiêu chuẩn này là những chỉ dẫn chung về phương pháp, trình tự tính toán, các giả định và chỉ tiêu cơ bản được áp dụng trong việc phân tích và đánh giá hiệu quả kinh tế dự án thủy lợi phục vụ tưới, tiêu kết hợp với các mục tiêu khác như cấp nước công nghiệp, sinh hoạt, phát điện, nuôi trồng thủy sản …, nhưng mục tiêu phục vụ tưới, tiêu là chính (sau đây gọi tắt là dự thủy lợi).
2. Thuật ngữ và định nghĩa
Tiêu chuẩn này sử dụng các thuật ngữ và định nghĩa sau:
2.1 Phân tích kinh tế của dự án thủy lợi (economic analysis of irrigation and drainage project)
Phân tích đánh giá tính bền vững về hiệu quả của dự án, trên cơ sở phân tích tương quan giữa toàn bộ chi phí cần thiết cho việc thực hiện mục tiêu kinh tế xã hội của dự án đã vạch ra và các lợi ích mà dự án mang lại, thông qua các chỉ tiêu hiệu quả đầu tư.
2.2 Phân tích tài chính của dự án thủy lợi (financial analysis of irrigation and drainage project)
Phân tích tài chính của dự án thủy lợi về hình thức cũng giống như phân tích kinh tế vì cả hai loại phân tích đều đánh giá lợi ích của đầu tư. Tuy nhiên, quan điểm về lợi ích trong phân tích tài chính thì không đồng nhất với lợi ích trong phân tích kinh tế. Phân tích tài chính dự án là xem xét lợi ích trực tiếp của dự án mang lại cho nhà đầu tư (đó là lợi nhuận nhà đầu tư hay nói cách khác đó là lợi ích xét ở góc độ vi mô). Phân tích kinh tế dự án là xem xét lợi ích của dự án đối với toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Một dự án được coi là có tính khả thi về mặt kinh tế thì nó phải có hiệu quả về tài chính và kinh tế. Do đó phân tích tài chính và phân tích kinh tế bổ sung cho nhau.
2.3 Chi phí và lợi ích (cost and benefit)
Trong phân tích kinh tế và phân tích tài chính đều dùng đơn vị tiền tệ để xác định chi phí và lợi ích, tuy nhiên sự khác nhau cơ bản giữa hai phân tích này là cách tính toán chi phí và lợi ích.
– Chi phí tài chính là toàn bộ chi phí cần thiết cho việc hình thành dự án và được tính bằng giá tài chính (trong giá tài chính bao gồm cả nghĩa vụ tài chính phải nộp cho Nhà nước và các chính sách của Nhà nước như thuế, phí, chính sách trợ giá, …) thông thường được lấy theo giá thị trường;
– Lợi ích tài chính là toàn bộ lợi ích dự án mang lại được tính theo giá tài chính;
– Chi phí kinh tế là chi phí mà nền kinh tế quốc dân bỏ ra cho việc hình thành dự án và được tính bằng giá kinh tế (giá kinh tế là giá tài chính sau khi đã loại bỏ thuế, phí, trợ giá … hay gọi là phần thanh toán chuyển dịch – transfer payment);
– Lợi ích kinh tế là toàn bộ lợi ích do dự án mang lại đối với nền kinh tế, được tính theo giá kinh tế (là giá đầu ra của dự án có xét đến các điều kiện trao đổi hoặc không trao đổi thị trường quốc tế).
Đối với các dự án thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh kinh tế xã hội thuộc loại đầu tư cơ sở hạ tầng, (đầu tư công cộng) khác với các dự án đầu tư mang tính kinh doanh thuần túy nên việc phân tích, đánh giá hiệu quả đầu tư các dự án tưới, tiêu chủ yếu tập trung phân tích đánh giá hiệu quả kinh tế để đánh giá lợi ích mà dự án mang lại cho nền kinh tế quốc dân.
Đối với các dự án thủy lợi đa mục tiêu, ngoài nhiệm vụ tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp còn kết hợp với các mục tiêu sản xuất kinh doanh khác như cấp nước công nghiệp, sinh hoạt, phát điện, nuôi trồng thủy sản …, việc phân tích đánh giá hiệu quả đầu tư ngoài phân tích đánh giá hiệu quả kinh tế của dự án còn phải phân tích và đánh giá hiệu quả tài chính của dự án.
2.4 Nguyên tắc “Có” và “Không có” (rules “with project” and “without project”)
– Nguyên tắc “Có” và “ Không có” dự án là xác định chi phí và lợi ích tăng thêm của các dự án khi “có dự án” và so sánh với khi “không có dự án”. Lợi ích thuần túy tăng thêm này là do tác động trực tiếp của dự án mang lại;
– Nguyên tắc “Có” và “Không có” dự án không đồng nghĩa với trước và sau khi có dự án.
2.5 Nguyên tắc xác định lợi ích tăng thêm (rule of increased benefit)
Lợi ích tăng thêm của các dự án tưới, tiêu là các lợi ích nhờ có dự án mang lại như tăng diện tích, tăng vụ, tăng năng suất, tăng sản lượng, giảm thiệt hại, giảm chi phí, … Khi tính toán lợi ích tăng thêm ngoài lợi ích đối với sản xuất nông nghiệp cần liệt kê đầy đủ các lợi ích tăng thêm khác và tránh trùng lặp hoặc bỏ sót.
2.6 Vòng đời kinh tế của dự án (n) (economic life of project)
Vòng đời kinh tế của dự án là thời hạn (số năm) tính toán chi phí ròng và thu nhập ròng (là số năm tính toán dự kiến của dự án mà hết thời hạn đó lợi ích thu được là không đáng kể so với chi phí bỏ ra). Vòng đời kinh tế của dự án nhỏ hơn tuổi thọ của công trình.
Theo kinh nghiệm của các nước trong khu vực và các tổ chức tài chính quốc tế, vòng đời kinh tế của dự án tưới tiêu ở Việt Nam quy định như sau:
– Các hồ chứa có quy mô lớn, các hệ thống tưới, tiêu có diện tích > 20.000 ha thì vòng đời kinh tế của dự án lấy bằng 50 năm;
– Các hồ chứa, trạm bơm, các hệ thống có quy mô vừa thì vòng đời kinh tế của các dự án lấy bằng 40 năm;
– Các hồ chứa, trạm bơm, các hệ thống có quy mô nhỏ, các dự án khôi phục, nâng cấp thì vòng đời kinh tế của dự án lấy bằng 25 năm.
3. Trình tự và phương pháp đánh giá hiệu quả kinh tế
3.1 Điều tra, thu thập tài liệu, số liệu
3.1.1 Nguyên tắc và phương pháp thu thập tài liệu, số liệu
– Tài liệu số liệu điều tra thu thập phải chính xác, có trích dẫn nguồn gốc rõ ràng, cụ thể;
– Đối với các số liệu thống kê, số liệu kế hoạch và các số liệu dự kiến chiến lược có thể thu thập ở các cơ quan thống kê (Trung ương, tỉnh, huyện, xã) và các cơ quan chuyên môn có liên quan như Kế hoạch đầu tư, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, xây dựng, tài chính vật giá, thủy sản, môi trường, … từ Trung ương đến địa phương;
– Về giá cả của một số yếu tố đầu vào và đầu ra của dự án trao đổi trên thị trường Quốc tế (xuất nhập khẩu) thì có thể sử dụng nguồn số liệu của các tổ chức tài chính quốc tế như ADB, WB, …;
– Trước khi phân tích đánh giá hiệu quả của dự án, nhất thiết phải tiến hành điều tra phỏng vấn tại các điểm đã được xem xét lựa chọn trong vùng dự án, tại các hộ nông dân điển hình để có được số liệu tin cậy về tác động của dự án đến từng nông hộ và người hưởng lợi dự án nói chung và thái độ của họ đối với dự án;
– Điều tra trực tiếp ở thị trường để có được những thông tin chính xác về hệ thống giá cả, trao đổi hàng hóa, thu mua, đại lý, tiếp thị ở vùng dự án.
3.1.2 Thu thập các tài liệu dân sinh kinh tế – xã hội vùng dự án tưới, tiêu
3.1.2.1 Điều kiện sản xuất nông nghiệp
– Phân loại đất: Điều tra hiện trạng các loại đất (theo biểu Phụ lục A.1);
– Hiện trạng sử dụng đất trong nông nghiệp: Tổng diện tích đất tự nhiên, đất canh tác, đất gieo trồng, đất hoang hóa, đất được tưới chủ động hoàn toàn (bằng trọng lực, bơm) đất tưới bán chủ động, đất tưới 1 phần (hoặc 1 vụ) và đất tưới nhờ mưa [điều tra số liệu trong vòng từ 3 năm đến 5 năm gần nhất (theo biểu Phụ lục A.2)];
– Diện tích, năng suất, sản lượng, cơ cấu cây trồng: Tổng diện tích canh tác, diện tích và năng suất các loại cây theo từng vụ, thị trường tiêu thụ và giá cả. Chuỗi số liệu tối thiểu phải đủ 5 năm gần nhất (theo biểu Phụ lục A.3);
– Chi phí sản xuất nông nghiệp: Phải điều tra rõ các yếu tố chi phí đầu vào của sản xuất trên mỗi ha canh gieo trồng từng loại cây trồng theo từng vụ như giống, phân bón (đạm, lân, kali, phốt phát, phân chuồng …), thuốc trừ sâu, thuê máy làm đất, cày – bừa, máy gặt – tuốt, công lao động làm giống, gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, thủy lợi phí và các chi phí khác có liên quan (theo mẫu biểu Phụ lục 6);
– Hiện trạng tưới tiêu, tình hình úng, hạn hàng năm: Cần điều tra đánh giá hoạt động sản xuất (diện tích hạn úng của các loại cây trồng hàng năm và ước tính thiệt hại trong khoảng từ 5 năm đến 10 năm gần đây nhất).
3.1.2.2 Điều kiện cơ sở hạ tầng giao thông thủy lợi
– Hiện trạng các công trình tưới, tiêu hiện có trong khu vực dự án;.
– Hệ thống tổ chức đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi, chi phí vận hành khai thác hàng năm (bao gồm các khoản mục theo quy định như chi phí trả lương và các khoản phải trả theo lương, chi phí quản lý, chi phí sửa chữa thường xuyên, chi phí sửa chữa lớn, chi phí năng lượng, nhiên liệu …) lấy theo số liệu quyết toán của các công ty quản lý khai thác công trình thủy lợi trong vùng dự án từ 3 năm đến 5 năm gần nhất theo mẫu bảng Phụ lục A.5;
– Hiện trạng hệ thống đường giao thông và cơ sở hạ tầng khác trong khu vực dự án.
3.1.2.3 Thị trường trao đổi hàng hóa và tiêu thụ sản phẩm
– Mạng lưới tiêu thụ sản phẩm (nông nghiệp) tại chỗ, ngoài tỉnh hay xuất khẩu; hệ thống thu mua, đại lý;
– Giá đầu vào các yếu tố sản xuất nông nghiệp tại vùng dự án như giá giống, phân bón (đạm, lân, kali, phốt phát, phân chuồng, …), thuốc trừ sâu, chi phí máy làm đất cày, bừa, máy gặt tuốt, giá thuê lao động trong nông nghiệp, công nghiệp (thợ xây dựng, lái xe, cày máy…);
– Thủy lợi phí và các chi phí khác có liên quan đến sản xuất …;
– Chi phí vận chuyển các loại vật tư, vật liệu, sản phẩm nông nghiệp bằng một số phương tiện có trong vùng dự án: ô tô, đường sắt, đường thủy;
– Giá cả các loại vật tư và dịch vụ tại vùng dự án để làm cơ sở xác ước tính giá thành xây dựng công trình và quản lý khai thác công trình.
3.1.3 Các tài liệu về chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội vùng dự án
3.1.3.1 Kế hoạch phát triển nông nghiệp
– Dự kiến kế hoạch sử dụng đất trong sản xuất nông nghiệp sau khi có dự án;
– Dự kiến thay đổi cơ cấu cây trồng, năng suất, sản lượng theo các mục tiêu của dự án đặt ra (tương tự mẫu Phụ lục A.3 ứng với trường hợp “Có dự án”);
– Mức độ đầu tư và chi phí sản xuất nông nghiệp dự kiến sau khi có dự án: (tương tự mẫu Phụ lục A.6 ứng với trường hợp có dự án).
3.1.3.2 Mục tiêu của dự án
– Xác định rõ các tác động “khi có” dự án đối với sản xuất nông nghiệp và các hoạt động sản xuất khác (nếu có) để so sánh với tình hình khi “Không có” dự án. Cụ thể cần xác định các yếu tố sau:
Diện tích tưới được tăng thêm khi có dự án (bao gồm diện tích tưới, tiêu chủ động hoàn toàn; bán chủ động; hay tưới một phần, 1 vụ, …);
· Diện tích tiêu được tăng thêm khi có dự án;
· Năng suất, sản lượng, hệ số quay vòng ruộng đất (hệ số sử dụng đất) dự kiến khi có dự án.
3.2 Xác định tổng chi phí của dự án thủy lợi (C)
3.2.1 Xác định vốn đầu tư của dự án (K) (tổng mức đầu tư)
Tổng mức đầu tư bao gồm: chi phí xây dựng; chi phí thiết bị; chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư; chi phí quản lý dự án; chi phí tư vấn đầu tư xây dựng; chi phí khác và chi phí dự phòng. Tổng mức đầu tư phải phù hợp với nội dung dự án và thiết kế cơ sở hoặc phù hợp với thiết kế bản vẽ thi công nếu chỉ lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật.
3.2.1.1 Chi phí xây dựng
Chi phí xây dựng bao gồm chi phí xây dựng các công trình, hạng mục công trình; chi phí phá và tháo dỡ các vật kiến trúc cũ; chi phí san lấp mặt bằng xây dựng; chi phí xây dựng công trình tạm, công trình phụ trợ phục vụ thi công; chi phí nhà tạm tại hiện trường để ở và điều hành thi công.
3.2.1.2 Chi phí thiết bị
Chi phí thiết bị bao gồm chi phí mua sắm thiết bị công nghệ (kể cả thiết bị công nghệ phi tiêu chuẩn cần sản xuất, gia công); chi phí đào tạo và chuyển giao công nghệ; chi phí lắp đặt thiết bị và thí nghiệm, hiệu chỉnh; chi phí vận chuyển, bảo hiểm thiết bị; thuế và các loại phí liên quan.
3.2.1.3 Chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư
Chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư bao gồm chi phí bồi thường nhà cửa, vật kiến trúc, cây trồng trên đất,… ; chi phí thực hiện tái định cư có liên quan đến bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án; chi phí tổ chức bồi thường giải phóng mặt bằng; chi phí sử dụng đất trong thời gian xây dựng; chi phí chi trả cho phần hạ tầng kỹ thuật đã đầu tư.
3.2.1.4 Chi phí quản lý dự án
Chi phí quản lý dự án là các chi phí để tổ chức thực hiện các công việc quản lý dự án từ giai đoạn chuẩn bị dự án, thực hiện dự án đến khi hoàn thành nghiệm thu bàn giao đưa công trình vào khai thác sử dụng. Chi phí quản lý dự án bao gồm:
– Chi phí tổ chức lập báo cáo đầu tư, chi phí tổ chức lập dự án đầu tư hoặc báo cáo kinh tế – kỹ thuật; chi phí tổ chức thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư;
– Chi phí tổ chức thi tuyển thiết kế kiến trúc;
– Chi phí tổ chức thẩm định dự án đầu tư, báo cáo kinh tế – kỹ thuật, tổng mức đầu tư;
– Chi phí tổ chức thẩm tra thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán xây dựng công trình;
– Chi phí tổ chức lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng;
– Chi phí tổ chức quản lý chất lượng, khối lượng, tiến độ và quản lý chi phí xây dựng công trình;
– Chi phí tổ chức đảm bảo an toàn và vệ sinh môi trường của công trình;
– Chi phí tổ chức lập định mức, đơn giá xây dựng công trình;
– Chi phí tổ chức kiểm tra chất lượng vật liệu, kiểm định chất lượng công trình theo yêu cầu của chủ đầu tư;
– Chi phí tổ chức kiểm tra và chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình;
– Chi phí tổ chức nghiệm thu, thanh toán, quyết toán hợp đồng; thanh toán, quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình;
– Chi phí tổ chức nghiệm thu, bàn giao công trình;
– Chi phí khởi công, khánh thành, tuyên truyền quảng cáo và chi phí tổ chức thực hiện một số công việc quản lý khác.
3.2.1.5 Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng
Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng bao gồm:
– Chi phí khảo sát xây dựng; chi phí lập báo cáo đầu tư (nếu có), chi phí lập dự án hoặc lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật;
– Chi phí thi tuyển thiết kế kiến trúc;
– Chi phí thiết kế xây dựng công trình;
– Chi phí thẩm tra thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán xây dựng công trình;
– Chi phí lập hồ sơ yêu cầu, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu và chi phí phân tích đánh giá hồ sơ đề xuất, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu để lựa chọn nhà thầu tư vấn, nhà thầu thi công xây dựng, nhà thầu cung cấp vật tư thiết bị, tổng thầu xây dựng;
– Chi phí giám sát khảo sát xây dựng, giám sát thi công xây dựng, giám sát lắp đặt thiết bị;
– Chi phí lập báo cáo đánh giá tác động môi trường;
– Chi phí lập định mức, đơn giá xây dựng công trình; chi phí quản lý đầu tư xây dựng: tổng mức đầu tư, dự toán, định mức xây dựng, đơn giá xây dựng công trình, hợp đồng,… ;
– Chi phí tư vấn quản lý dự án;
– Chi phí kiểm tra chất lượng vật liệu, kiểm định chất lượng công trình theo yêu cầu của chủ đầu tư;
– Chi phí kiểm tra và chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình;
– Chi phí quy đổi vốn đầu tư xây dựng công trình đối với dự án có thời gian thực hiện trên 3 năm và chi phí thực hiện các công việc tư vấn khác.
3.2.1.6 Chi phí khác
Chi phí khác bao gồm:
– Chi phí thẩm tra tổng mức đầu tư;
– Chi phí rà phá bom mìn, vật nổ;
– Chi phí bảo hiểm công trình;
– Chi phí di chuyển thiết bị thi công và lực lượng lao động đến công trường; chi phí đăng kiểm chất lượng quốc tế, quan trắc biến dạng công trình;
– Chi phí đảm bảo an toàn giao thông phục vụ thi công các công trình;
– Chi phí kiểm toán, thẩm tra, phê duyệt quyết toán vốn đầu tư; các khoản phí và lệ phí theo quy định;
– Chi phí nghiên cứu khoa học công nghệ liên quan dự án; vốn lưu động ban đầu đối với các dự án đầu tư xây dựng nhằm mục đích kinh doanh, lãi vay trong thời gian xây dựng;
– Chi phí cho quá trình chạy thử không tải và có tải theo quy trình công nghệ trước khi bàn giao trừ giá trị sản phẩm thu hồi được và một số chi phí khác.
3.2.1.7 Chi phí dự phòng
Chi phí dự phòng bao gồm chi phí dự phòng cho khối lượng công việc phát sinh và chi phí dự phòng cho yếu tố trượt giá mà chưa lường trước được khi lập dự án.
Sau khi tính toán và xác định được nội dung chi phí, lập thành bảng (ví dụ Bảng B.2.1 Phụ lục B).
3.2.2 Chi phí quản lý và vận hành công trình hàng năm (CQLVH)
Chi phí cho công tác tưới nước và tiêu nước (quản lý và vận hành công trình hàng năm) bao gồm:
– Tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp có tính chất lương (bao gồm cả tiền ăn giữa ca);
– Các khoản phải nộp tính theo lương như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn của người lao động do doanh nghiệp trực tiếp trả lương;
– Nguyên, nhiên, vật liệu để vận hành, bảo dưỡng công trình, máy móc thiết bị dùng cho dịch vụ tưới nước và tiêu nước;
– Sửa chữa lớn tài sản cố định (trừ chi phí sửa chữa lớn được cấp kinh phí riêng);
– Sửa chữa thường xuyên tài sản cố định, công trình thuỷ lợi;
– Chi phí tiền điện bơm nước tưới, tiêu (bao gồm cả tiền điện bơm nước chống úng, chống hạn trong định mức và vượt định mức);
– Chi trả tạo nguồn nước (nếu có);
– Chi phí quản lý doanh nghiệp (bao gồm cả chi phí đàm thoại vận hành bằng hệ thống máy vi tính để điều hành nước phục vụ sản xuất);
– Chi phí phục vụ phòng chống bão lụt, úng hạn (bao gồm cả trong điều kiện thời tiết bình thường và thiên tai);
– Chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mới xây dựng chỉ tiêu định mức kinh tế kỹ thuật;
– Chi phí cho công tác bảo hộ, an toàn lao động và bảo vệ công trình thuỷ lợi…;
– Chi phí cho công tác thu thuỷ lợi phí đối với các đối tượng phải thu thuỷ lợi phí;
– Chi phí dự phòng gồm giảm giá hàng tồn kho, tổn thất đầu tư dài hạn, nợ phải thu khó đòi, trợ cấp mất việc làm;
– Chi phí khác….
Chi phí quản lý vận hành công trình hàng năm có thể tính bằng tỷ lệ phần trăm so với tổng vốn đầu tư xây dựng công trình, CQLVH có thể lấy bằng từ 3% đến 5% tổng vốn đầu tư xây dựng công trình đối với các hệ thống tưới tiêu bằng động lực và bằng từ 1,5% đến 3% đối với dự án hồ chứa, nước tự chảy. CQLVH có thể có thể tính theo mức chi của công trình tương tự trong khu vùng (đồng/ha tưới, tiêu) xem Phụ lục A.5;
Đối với các dự án vừa xây dựng, vừa khai thác sử dụng từng phần khi dự án chưa hoàn thành thì chi phí quản lý vận hành hàng năm tính theo quy định trên nhân với tỷ lệ phần trăm diện tích hàng năm được tưới tiêu.
3.2.3 Chi phí thay thế (CTT)
– Chi phí thay thế là khoản chi phí để thay thế hoàn toàn thiết bị (hoặc sửa chữa lớn thiết bị). Khoản chi phí này được đưa vào dòng chi phí của dự án theo chu kỳ (thường là 5 năm một lần sau khi công trình đưa vào khai thác sử dụng) và chỉ tính cho các trạm bơm tưới, tiêu hoặc các dự án có giá trị thiết bị lớn;
– Chi phí thay thế tính ở mức từ 10 % đến 15 % giá trị thiết bị trong vốn đầu tư ban đầu đối với thiết bị sản xuất trong nước và từ 7 % đến 10 % đối với thiết bị nhập ngoại.
3.2.4 Tổng chi phí của dự án (C)
Sau khi xác định được tổng vốn đầu tư ban đầu của dự án (K), chi phí quản lý vận hành (CQLVH) và chi phí thay thế (CTT) lập bảng tính tổng chi phí của dự án theo từng năm trên cơ sở tiến độ thi công xây dựng và dự kiến kế hoạch khai thác sử dụng công trình theo mẫu Bảng B.2.2 Phụ lục B.
3.3 Xác định tổng lợi ích của dự án thủy lợi (B)
3.3.1 Nguyên tắc xác định lợi ích của dự án thủy lợi
3.3.1.1 Lợi ích của dự án
– Lợi ích của dự án tưới, tiêu đối với sản xuất nông nghiệp được đánh giá bằng giá trị thu nhập thuần túy tăng thêm của dự án;
– Lợi ích của dự án tưới, tiêu có thể bao gồm các lợi ích đem lại từ sản xuất nông nghiệp và các lợi ích khác ngoài nông nghiệp như lợi ích thủy điện, nuôi trồng thủy sản, cấp nước sinh hoạt, công nghiệp, dân sinh, vui chơi giải trí, môi trường, … nhưng lợi ích từ phục vụ tưới, tiêu là chính;
– Hướng dẫn xác định lợi ích dự án tưới, tiêu ở đây chủ yếu hướng dẫn cụ thể cách xác định lợi ích đối với nông nghiệp. Đối với các lợi ích khác (nếu có) thì có thể sử dụng các phương pháp khác nhau để định lượng lợi ích để đưa vào dòng lợi ích của dự án.
3.3.1.2 Đánh giá hiệu quả kinh tế của dự án
– Để đánh giá hiệu quả kinh tế của dự án phải sử dụng nguyên tắc “Có” và “Không có” dự án để tính toán thu thập thuần túy của dự án;
– Đối với các dự án tiêu úng cho sản xuất nông nghiệp và các ngành kinh tế khác ngoài phần giá trị sản lượng nông nghiệp tăng thêm do tác động của dự án tiêu mang lại, lợi ích của dự án tiêu còn được đánh giá bằng giá trị thiệt hại hàng năm tránh được nhờ có dự án;
– Khi tính toán xác định thu nhập của dự án phải căn cứ vào tiến độ xây dựng và dự kiến kế hoạch đưa công trình vào khai thác sử dụng từng phần (nếu có) cho đến khi dự án hoàn thành và khai thác sử dụng đầy đủ theo năng lực thiết kế. Do đó, căn cứ vào tính chất từng dự án và năng lực quản lý vận hành, cần xác định khoảng thời gian dự án phát triển đầy đủ năng lực thiết kế và khả năng phát huy hiệu quả của dự án trong từng năm (xem ví dụ ở phần phụ lục);
– Khi xác định lợi ích kinh tế của dự án tiêu, giá các yếu tố đầu vào và đầu ra của dự án phải tính bằng giá kinh tế trong tương lai như đã trình bày ở 3.3.2;
– Để đánh giá hiệu quả của dự án thủy lợi đối với các hộ nông dân (về mặt tài chính) cần phải tính toán thu nhập thuần túy (lãi) trên 1 ha gieo trồng của hộ nông dân điển hình ứng với từng loại cây trồng, từng mùa vụ trong 1 năm, ví dụ Bảng B.2.5 và B.2.6 Phụ lục B.
3.3.2 Phương pháp và trình tự xác định lợi ích của dự án thủy lợi (thu nhập thuần túy)
3.3.2.1 Tính toán xác định sản lượng dự kiến sẽ tăng thêm khi có dự án
– Trên cơ sở các tài liệu đã thu thập được về tình hình sản xuất nông nghiệp trong điều kiện chưa có dự án (diện tích và năng suất), tính toán xác định giá trị sản lượng đạt được trong sản xuất của nông nghiệp;
– Dự kiến về tình hình sản xuất nông nghiệp trong điều kiện có dự án (diện tích và năng suất sẽ đạt được) như mục tiêu của dự án đã đề ra. Tính toán giá trị sản lượng dự kiến đạt được trong điều kiện có dự án như Phụ lục A.3, ví dụ Bảng B.1.3 Phụ lục B.
3.3.2.2 Tính toán xác định giá kinh tế các yếu tố đầu vào và đầu ra của sản xuất nông nghiệp
– Giá kinh tế của đầu vào, đầu ra của sản xuất là giá để tính chi phí và lợi ích của dự án thủy lợi;
– Khi tính toán, xác định giá kinh tế các yếu tố đầu vào và đầu ra của sản xuất nông nghiệp cần phải xác định rõ yếu tố nào được buôn bán trao đổi trên thị trường Quốc tế;
– Các yếu tố đầu vào và đầu ra là hàng hóa được trao đổi trên thị trường Quốc tế (như ngô, gạo, cà phê, phân bón, thuốc trừ sâu, …) có thể sử dụng giá dự báo của các tổ chức tài chính Quốc tế như: ADB, WB ở các thị trường chính trên thế giới sau đó tính chuyển giá tại vùng dự án;
– Nếu là hàng xuất khẩu (như gạo, cà phê, …) thì lấy giá FOB (tên tiếng Anh là Freight-on-Board price – dịch nghĩa là giá tại sàn giao dịch quốc tế khi chuyển qua tàu biển tại cảng biển quốc tế) trên thị trường thế giới tính chuyển đổi về giá FOB tại thị trường nước ta (giá biên giới, giá tại cảng biển Việt nam) sau đó tính chuyển về tại vùng dự án bằng cách tính các chi phí hợp lý như thuế nhập khẩu, lưu kho bãi, vận chuyển, … (cách tính toán minh họa ở bảng B.1.4 Phụ lục B);
– Nếu là hàng hóa nhập khẩu (như phân bón, thuốc trừ sâu, …) thì lấy giá FOB trên thị trường thế giới tính chuyển đổi về giá CIF (tên tiếng Anh là Cost-Insurance-Freight price nghĩa là giá bao gồm cả cước phí chuyển hàng xuống phương tiện vận tải và bảo hiểm vận tải hàng hóa tại nơi giao nhận hàng hóa) tại cảng biển ở nước ta sau đó tính chuyển đổi về giá tại vùng dự án (Cách tính toán minh họa ở Bảng B.1.6 Phụ lục B).
– Đối với hàng hóa chỉ trao đổi trên thị trường nội địa thì giá kinh tế lấy bằng giá thị trường hiện tại và dự báo cho những năm sau;
– Kết quả tính toán giá kinh tế lập thành bảng (như minh họa ở Bảng B.1.8 Phụ lục B);
– Tính tổng thu nhập, tổng chi phí và giá trị thu nhập thuần túy của 1ha từng loại cây trồng trong điều kiện có và không có dự án như ví dụ trình bày ở Bảng B.1.9 và Bảng B.1.10 Phụ lục B;
– Thu nhập thuần túy của dự án: dựa vào kết quả tính toán thu thập thuần túy của 1 ha gieo trồng khi không có (ví dụ Bảng B.1.9 Phụ lục B) và khi có dự án (ví dụ Bảng B.1.10 Phụ lục B) và diện tích gieo trồng tương ứng sẽ tính được thu nhập thuần túy của dự án, kết quả tập hợp thành bảng (ví dụ Bảng B.1.11 Phụ lục B). Việc xác định thu nhập thuần tuý được hướng dẫn như sau:
Đối với dự án tiêu thu nhập của dự án có thể bao gồm: thu nhập do tăng diện tích canh tác, tăng vụ, tăng năng suất cây trồng nhờ tác động của dự án (được tính toán tương tự như trên) hoặc do hạn chế được tình trạng ngập úng (được đánh giá bằng giá trị các thiệt hại trung bình hàng năm do úng ngập gây ra ở vùng dự án đối với sản xuất nông nghiệp và các ngành kinh tế khác theo tài liệu điều tra hàng năm và chi phí trung bình hàng năm để khắc phục hậu quả úng ngập do có dự án mà tiết kiệm được);
Các lợi ích của dự án tưới, tiêu có thể bao gồm lợi ích từ tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, lợi ích từ cấp nước phục vụ công nghiệp, sinh hoạt dân sinh; lợi ích nhận từ thủy điện; lợi ích từ nuôi trồng thủy sản, … nhưng mục tiêu phục vụ tưới, tiêu là chính. Vì vậy, bản hướng dẫn này chỉ hướng dẫn cụ thể cách xác định lợi ích của dự án đối với sản xuất nông nghiệp, phương pháp xác định các lợi ích khác (nếu có) thực hiện tương tự các bước xác định lợi ích của dự án đối với sản xuất nông nghiệp, đồng thời có thể sử dụng các phương pháp, điều tra, đánh giá lợi ích khác.
3.4 Xác định các chỉ tiêu hiệu quả kinh tế của dự án thủy lợi
3.4.1 Giá trị thu nhập ròng (NPV)
– Biểu thức xác định giá trị của NPV
trong đó
Bi là thu nhập của dự án năm thứ i;
Ci là tổng chi phí của dự án năm thứ I;
rc là mức lãi suất chiết khấu (hệ số chiết khấu);
n là vòng đời kinh tế của dự án (tuổi thọ của dự án tính bằng năm);
i là chỉ số thời gian và chạy từ 0 đến n;
– Giá trị của NPV > 0 thì dự án mới có hiệu quả kinh tế và NPV càng lớn thì hiệu quả của dự án càng cao. Nếu NPV ≤ 0 thì dự án không đạt hiệu quả kinh tế.
3.4.2 Hệ số nội hoàn kinh tế (EIRR %)
– Biểu thức xác định giá trị của EIRR
– Hệ số nội hoàn kinh tế EIRR có giá trị bằng hệ số chiết khấu trong công thức (1) mà tại đó NPV có giá trị bằng 0;
– Nếu NPV là chỉ tiêu tuyệt đối thì EIRR là chỉ tiêu tương đối biểu thị đầy đủ hơn tính hiệu quả về mặt kinh tế của dự án (Để tính toán NPV, EIRR sử dụng các hàm (fx) chuẩn trong bảng tính Excel);
– Giá trị của EIRR nhỏ hơn hoặc bằng chi phí cơ hội của vốn thì dự án không đạt hiệu quả kinh tế. EIRR càng lớn thì hiệu quả kinh tế của dự án càng cao;
– EIRR thường được so sánh với một mức lãi suất giới hạn do nhà nước quy định, thông thường EIRR ≥ 12 %;
– Đối với các dự án tưới, tiêu, căn cứ vào mục tiêu đầu tư, đối tượng hưởng lợi và các tác động của dự án đối với phát triển kinh tế xã hội, môi trường, an ninh quốc phòng, … để xem quy định chỉ số EIRR tối thiểu phải đạt được theo từng vùng miền khác nhau (xem Bảng 1).
3.4.4 Phân tích độ nhạy của dự án
– Phân tích độ nhạy của dự án để đánh giá ảnh hưởng của các yếu tố bất lợi có thể xảy ra trong tương lai (rủi ro) như chi phí dự án tăng, thu nhập giảm ứng với các chỉ tiêu hiệu quả đã tính toán trên (phương án cơ sở);
– Để phân tích độ nhạy của dự án thủy lợi tính toán các chỉ số hiệu quả kinh tế với các trường hợp giả định như sau để phân tích độ nhạy của dự án và ví dụ minh hoạ Bảng B.1.13 Phụ lục B để rút ra kết luận:
1) Thu nhập giảm 10 %;
2) Thu nhập giảm 20 %;
3) Chi phí tăng 10 %;
4) Chi phí tăng 20 %;
5) Chi phí tăng 10 %, thu nhập giảm 10 %;
6) Chi phí tăng 20 %, thu nhập giảm 10 %;
7) Chi phí tăng 10 %, thu nhập giảm 20 %.
3.4.5 Phân tích tác động của dự án thủy lợi đối với kinh tế xã hội vùng hưởng lợi
Các dự án tưới tiêu quy mô nhỏ ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, mục tiêu chính là giải quyết các vấn đề kinh tế xã hội như (xóa đói, giảm nghèo, ổn định dân cư, tạo công ăn việc làm, an ninh quốc phòng, …) thông qua tác động của dự án đối với sản xuất nông nghiệp;
– Thông thường các dự án này ít khi đạt được các chỉ tiêu về hiệu quả kinh tế vì vậy cần phải phân tích thêm một số yếu tố kinh tế xã hội của dự án;
– Việc phân tích này vẫn theo nguyên tắc “Có” và “Không có” dự án;
– Phân tích đánh giá đầy đủ tác động của dự án đối với kinh tế xã hội thường gặp nhiều khó khăn vì nhiều yếu tố khó định lượng rõ ràng;
– Đối với các dự án thủy lợi vùng núi nên phân tích thêm một số yếu tố kinh tế xã hội cơ bản dưới đây ngoài việc phân tích kinh tế thuần túy như đã giới thiệu ở trên bởi vì dự án thủy lợi có tác động đến hầu hết đời sống kinh tế xã hội của vùng hưởng lợi. Các yếu tố đó bao gồm:
a) Khả năng tạo công ăn việc làm, biểu thức xác định:
M = ∆F x mL (công)
trong đó
M số lượng việc làm hàng năm tăng thêm nhờ có dự án;
∆F là diện tích canh tác tăng lên nhờ có dự án (tăng diện tích, tăng vụ, …);
mL là số công lao động cần để sản xuất trên một đơn vị diện tích theo vụ hoặc năm.
b) Tăng thu nhập cho người hưởng lợi, biểu thức xác định:
∆I = ∆A/P
trong đó
∆I là mức thu nhập gia tăng của người hưởng lợi;
∆A là giá trị sản lượng gia tăng trong vùng nhờ có dự án (lúa, ngô, khoai, …);
P là số người hưởng lợi từ dự án.
c) Góp phần xóa đói giảm nghèo, biểu thức xác định:
∆N = Nt – N0
trong đó
∆N là số hộ nghèo giảm đi nhờ có dự án (hộ);
Nt là số hộ nghèo trong vùng hưởng lợi khi có dự án (hộ);
N0 là số hộ nghèo trong vùng hưởng lợi khi chưa có dự án (hộ);
Tiêu chí đánh giá tác động của dự án đối với xóa đói giảm nghèo phải căn cứ vào tiêu chí phân hộ nghèo hiện hành ứng với vùng dự án của Bộ Lao động TB&XH và số liệu điều tra về thu nhập của hộ gia đình trong vùng hưởng lợi khi chưa có dự án và dự kiến khả năng tăng thu nhập để dự đoán số hộ được xóa đói giảm nghèo khi có dự án.
d) Một số yếu tố kinh tế xã hội khác
– Căn cứ vào mục tiêu cụ thể của từng dự án có thể phân tích thêm một số yếu tố khác như vệ sinh, môi trường, cải thiện cơ sở hạ tầng nông thôn …;
– Đối với các dự án vùng sâu, vùng xa cần đưa các yếu tố khác như an ninh, quốc phòng, chính sách cho vùng sâu, vùng xa…
3.5 Tổng hợp các chỉ tiêu hiệu quả đã tính toán với các phương án khác nhau (nếu có)
– Dựa vào các chỉ tiêu hiệu quả của dự án đã tính toán ở trên lập thành bảng tóm tắt các tiêu chuẩn đánh giá hiệu quả dự án để Chủ đầu tư xem xét cân nhắc quyết định quyết định có nên đầu tư vào dự án hay không;
– Nếu dự án còn có nhiều phương án lựa chọn thì tính toán, phân tích kinh tế cõ thể sẽ được thực hiện ứng với các phương án dự án khác nhau để làm tăng cơ sở cho lựa chọn phương án.
3.6 Các tiêu chí để đánh giá hiệu quả dự án thủy lợi
– Việt nam là nước đang phát triển, sự đồng đều về phát triển kinh tế xã hội các vùng, miền khác nhau, đồng thời cũng có sự khác nhau cả về điều kiện tự nhiên (khí hậu, thời tiết, vị trí địa lý, thủy văn, địa chất, thổ nhưỡng …), dân sinh kinh tế, nên việc quy định các tiêu chuẩn hiệu quả của dự án thủy lợi phải phù hợp với vùng, miền khác nhau và mục tiêu đầu tư;
– Một dự án thủy lợi được đánh giá là có hiệu quả kinh tế thì phải thỏa mãn các tiêu chí như Bảng 1;
Bảng 1 – Một số tiêu chí đánh giá hiệu quả dự án thủy lợi
Vùng hưởng lợi của dự án |
Phân tích |
Các chỉ tiêu để đánh giá |
Điều kiện thỏa mãn |
Đồng bằng | Hiệu quả kinh tế | NPV; EIRR và B/C | EIRR ≥ 15 % và NPV ≥ 0, B/C ≥ 1 ứng với rc = 10 %. (rc là tỷ suất chiết khấu xã hội do nhà nước quy định và thường lấy bằng lãi suất cho vay dài hạn trên thị trường quốc tế) |
Ảnh hưởng của dự án đối với xã hội, môi trường | Báo cáo đánh giá tác động môi trường | Không gây ảnh hưởng xấu đối với xã hội, môi trường | |
Trung du | Hiệu quả kinh tế | NPV; EIRR và B/C | EIRR ≥ 15 % và NPV ≥ 0, B/C ≥ 1 ứng với rc = 10 %. (rc là tỷ suất chiết khấu xã hội do nhà nước quy định và thường lấy bằng lãi suất cho vay dài hạn trên thị trường quốc tế) |
Ảnh hưởng của dự án đối với xã hội, môi trường | Báo cáo đánh giá tác động môi trường | Không gây ảnh hưởng xấu đối với xã hội, môi trường | |
Vùng núi
vùng sâu vùng xa |
Phân tích tài chính | EIRR | Theo đặc thù của từng dự án |
Phân tích xã hội | M, ∆I, ∆N và một số chỉ tiêu định tính khác | – Tạo công ăn việc làm để ổn định dân cư trong vùng dự án
– Tăng thu nhập để cải thiện điều kiện sống cho người dân trong vùng dự án – Góp phần xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trong vùng dự án – Cải thiện cơ sở hạ tầng, vệ sinh môi trường, nước sạch ổn định chính trị xã hội và các lợi ích có thể khác. |
|
CHÚ THÍCH:
1) Với dự án tưới tiêu quy mô vừa và lớn thì báo cáo đánh giá tác động môi trường thường được thực hiện riêng vì vậy cần phải đưa vào xem xét khi ra quyết định đầu tư. 2) Các chỉ tiêu đánh gia kinh tế ở bảng trên có thể thay đổi đối với dự án cụ thể do chủ đầu tư và cấp có thẩm quyền quyết định. |
– Trong các trường hợp đầu tư vì các mục tiêu đặc biệt như xóa đói giảm nghèo, an ninh quốc phòng, đầu tư cho vùng sâu vùng xa thì ngoài tính toán phân tính kinh tế thông thường còn phải phân tích các mục tiêu khác của dự án để đạt được mục tiêu đặc biệt.
TIÊU CHUẨN VIỆT NAM TCVN 8213:2009 VỀ TÍNH TOÁN VÀ ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ KINH TẾ DỰ ÁN THỦY LỢI PHỤC VỤ TƯỚI, TIÊU | |||
Số, ký hiệu văn bản | TCVN8213:2009 | Ngày hiệu lực | |
Loại văn bản | Tiêu chuẩn Việt Nam | Ngày đăng công báo | |
Lĩnh vực |
Nông nghiệp - Nông thôn |
Ngày ban hành | |
Cơ quan ban hành | Tình trạng | Còn hiệu lực |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn | Văn bản hướng dẫn | ||
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |