TIÊU CHUẨN VIỆT NAM TCVN 8399 :2010 VỀ TÔM BIỂN – TÔM SÚ BỐ MẸ – YÊU CẦU KỸ THUẬT

Hiệu lực: Còn hiệu lực

TIÊU CHUẨN QUỐC GIA

TCVN 8399 :2010

TÔM BIỂN – TÔM SÚ BỐ MẸ –YÊU CẦU KỸ THUẬT

Marine shrimp – Broodstock of tiger shrimp – Technical requirement

Lời nói đầu

TCVN 8399 : 2010 thay thế Tiêu chuẩn ngành thủy sản 28TCN99: 1996 Tôm biển – Tôm sú bố mẹ – Yêu cầu kỹ thuật;

TCVN 8399 : 2010 do Tổng cục Thủy sản Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường công bố.

1. Phạm vi điều chỉnh

Tiêu chuẩn này áp dụng đối với tôm bố mẹ của loài tôm sú (Penaeus monodon Fabricius, 1798).

2. Thuật ngữ và định nghĩa

Trong tiêu chuẩn này sử dụng thuật ngữ và định nghĩa sau đây:

2.1. Tôm sú bố mẹ thành thục (Broodstock of tiger shrimp mature) là tôm đực và tôm cái sử dụng để cho sinh sản.

2.2. Bộ phận sinh dục ngoài (External genitalia) còn được gọi là cơ quan giao vỹ của tôm; Bộ phận giao vĩ của tôm đực là petasma; Bộ phận giao vĩ của tôm cái là Thelycum.

2.3. Buồng trứng (còn gọi là noãn sào – Ovarian): là nơi sản xuất, dự trữ các tế bào trứng (noãn hoàng) của tôm cái. Buồng trứng nằm dọc theo mặt lưng phía trên, có hai ống dẫn trứng mở ra ở khớp háng đôi chân ngực thứ 3.

2.4. Túi chứa tinh (Bags containing crystal): là một bộ phận ở cơ quan sinh dục phụ của tôm cái gồm có 2 tấm phồng lên ở đôi chân ngực thứ 4 và thứ 5 dưới bụng tôm. Túi chứa tinh có chức năng lưu trữ, bảo vệ tinh trùng sau khi được giao phối.

3. Yêu cầu kỹ thuật

3.1. Chọn tôm sú bố mẹ cho sinh sản

Tôm sú bố mẹ thành thục sử dụng để sinh sản phải đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật quy định trong Bảng 1.

Bảng 1  Yêu cầu đối với tôm sú bố mẹ cho sinh sản

Chỉ tiêu

Yêu cầu kỹ thuật

1. Ngoại hình Cơ thể cân đối; vỏ cứng, nhẵn, không có vật bám, không bị thô ráp hoặc nứt;

Các phần phụ: chân, râu, thuỳ, đuôi, chuỷ nguyên vẹn, không bị tổn thương; râu A2 không bị mòn, không ngắn hơn chiều dài toàn thân;

Bộ phận sinh dục ngoài hoàn chỉnh.

2. Màu sắc Tự nhiên, tươi sáng, bóng mượt;

Không đen mang, đỏ thân.

3. Sức khoẻ và trạng thái hoạt động Bắt mồi bình thường, không có dấu hiệu nhiễm bệnh, bơi nhanh nhẹn, khi bơi cơ thể thẳng, đuôi xòe, phản xạ nhanh với tiếng động, ánh sáng, nếu khuấy động nước chúng bật lùi nhanh, liên tục……;
4. Khối lượng (g) Tôm cái không dưới 150 gram/cá thể;

Tôm đực không dưới 120 gram/cá thể;

5. Buồng trứng của tôm cái Thành thục sinh dục ở giai đoạn IV

Phát triển lan rộng ra hai bên về phía mang tới hai hốc mắt, phủ kín phần giáp đầu ngực và kéo dài dọc lưng tới đuôi.

Ở đốt bụng thứ nhất, buồng trứng phình rộng và phân thuỳ rõ rệt.

Màu sắc: Khi nhìn bằng mắt thường qua lớp vỏ từ phía lưng có màu xanh đậm, hoặc vàng nâu, nâu đậm; Khi soi đèn pin ngược từ phía bụng và nhìn bằng mắt thường qua lớp vỏ từ phía lưng có màu đen.

6. Túi chứa tinh của tôm cái Túi chứa tinh còn nguyên vẹn, không có vết đen ở mặt ngoài;

Hơi phồng, màu trắng sữa

Có thể thấy các bó tinh tập trung thành hai hình hạt gạo màu trắng bên trong Thelycum.

Mặt bên ngoài Thelycum không bị các vết đen

7. Cơ quan giao vĩ của tôm đực Nguyên vẹn
8. Mức độ cảm nhiễm bệnh Tỷ lệ % số cá thể nhiễm bệnh cho phép theo quy định trong Bảng 2

 

Bảng 2 – Mức độ nhiễm bệnh cho phép của tôm sú mẹ

Mức độ cảm nhiễm bệnh

Tỷ lệ cảm nhiễm cho phép (%)

1. Bệnh do virus
Bệnh MBV (Monodon baculovirus) Không nhiễm MBV (0%)
Bệnh đốm trắng – WSSV (White spot syndrome virus) Không nhiễm WSSV (0%)
Bệnh đầu vàng – YHV/GAV

(Yellow head virus/

Gill – associated virus)

Không nhiễm YHV/GAV (0%)
Bệnh hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu – IHHNV (Infectious hypodermal and haematopoetic necrosis virus) Không nhiễm IHHNV (0%)
Bệnh teo gan tụy – HPV (Hepatopancreatic parvovirus) Không nhiễm HPV (0%)
2. Bệnh do vi khuẩn:
Bệnh phát sang (Vibrio harveyi,

V.parahaemolyticus)

Không nhiễm (0%)
Bệnh đen mang

(Vibro spp và tác nhân khác)

Không nhiễm (0%)

3.2. Sử dụng tôm mẹ cho sinh sản tối đa

Tôm sú mẹ cho sinh sản tối đa không quá 3 lần/vòng đời.

4Phương pháp kiểm tra

4.1. Dụng cụ kiểm tra

Một số dụng cụ chủ yếu để kiểm tra các chỉ tiêu chất lượng của tôm sú mẹ cho sinh sản được quy định trong Bảng 3.

Bảng 3 – Dụng cụ chủ yếu để kiểm tra chất lượng tôm bố m

Danh mục

Quy cách, đặc điểm

Số lượng

1. Vợt vớt tôm mẹ Đường kính 200 mm đến 300 mm

Làm bằng lưới sợi cước, mắt lưới 2a = 20mm đến 30 mm

1 chiếc đến 2 chiếc

2. Chậu (hoặc) xô chứa tôm mẹ Dung tích 15 lít đến 20 lít

Bằng nhựa, hoặc tôn

2 cái đến 3 cái

3. Đèn pin Dùng pin 3 vôn đến 4,5 vôn

1 cái

4. Cân đĩa đồng hồ Cân được tối đa 2000 gram

Độ chính xác 1 gram

1 chiếc

4.2. Lấy mẫu

Số lượng mẫu cần kiểm tra gồm toàn bộ số tôm mẹ chọn để cho sinh sản ngay.

Dùng vợt vớt từng cá thể thả vào chậu chứa nước sạch, có độ mặn như ở nơi nuôi dưỡng.

4.3. Kiểm tra các chỉ tiêu cơ quan sinh dục của tôm

4.3.1. Buồng trứng

Kiểm tra buồng trứng từng cá thể ở trong chậu chứa mẫu.

Quan sát bằng mắt thường trong điều kiện ánh sáng tự nhiên có thể thấy được buồng trứng của tôm ở Giai đoạn IV có màu xanh đậm, hoặc vàng nâu.

Phân biệt các giai đoạn chín sinh dục của buồng trứng được quy định trong Bảng 4:

Bảng 4 – Phân biệt các giai đoạn chin sinh dục của buồng trứng

Giai đoạn

Đặc điểm phân biệt

I

Buồng trứng chưa nhìn thấy được bằng mắt thường

II

Buồng trứng có màu xanh nhạt, là một giải mảnh, phát triển từ giữa khoang giáp đầu ngực tới đuôi

III

Buồng trứng có màu xanh, là một giải lớn và dài bắt đầu lan ra hai bên giáp đầu ngực

IV

Buồng trứng có màu xanh đậm, hoặc vàng nâu, nâu đậm khi nhìn bằng mắt thường qua lớp vỏ từ phía lưng; khi soi ánh sáng đèn pin ngược từ phía bụng và nhìn bằng mắt thường qua lớp vỏ từ phía lưng có màu đen, buồng trứng phát triển lan rộng ra hai bên về phía mang tới hai hốc mắt, phủ kín phần giáp đầu ngực và kéo dài dọc lưng tới đuôi. Ở đốt bụng thứ nhất, buồng trứng phình rộng và phân thuỳ rõ rệt

4.3.2. Túi chứa tinh

Nhẹ nhàng lật ngửa tôm cái trong chậu, quan sát túi chứa tinh bằng mắt thường trong điều kiện ánh sáng tự nhiên: mức độ phồng, màu trắng sữa của túi chứa tinh, đánh giá mức độ nhiều hay ít tinh trong túi chứa tinh.

4.3.3. Cơ quan giao vĩ

Nhẹ nhàng lật ngửa tôm đực trong chậu, quan sát cơ quan giao vĩ của tôm đực (petasma) bằng mắt thường, trong điều kiện ánh sáng tự nhiên để chọn những cá thể có cơ quan giao vĩ không bị xây xát, dập nát.

4.4. Xác định khối lượng của tôm bố mẹ

Nhẹ nhàng đặt tôm trên đĩa cân để xác định khối lượng. Yêu cầu thao tác nhanh, thời gian không kéo dài hơn 1 phút.

4.5. Quan sát ngoại hình, màu sắc, trạng thái hoạt động, các phần phụ

Quan sát tôm trong chậu bằng mắt thường, trong điều kiện ánh sáng tự nhiên. Đánh giá các chỉ tiêu về ngoại hình, màu sắc, trạng thái hoạt động và các phần phụ của tôm mẹ chọn cho đẻ, phải theo quy định trong Bảng 1.

Căn cứ vào những dấu hiệu sau để đánh giá tôm khoẻ mạnh: hoạt động bình thường, không có dấu hiệu bệnh lý, màu sắc tươi sáng, cơ thể không bị tổn thương hoặc thân không có những đốm đỏ, đốm đen, đốm trắng; đỏ hoặc đen mang.

Ước lượng bằng mắt thường, để so sánh râu A2 và chiều dài toàn thân tính từ mũi chuỷ đến mút đốt đuôi.

TIÊU CHUẨN VIỆT NAM TCVN 8399 :2010 VỀ TÔM BIỂN – TÔM SÚ BỐ MẸ – YÊU CẦU KỸ THUẬT
Số, ký hiệu văn bản TCVN8399:2010 Ngày hiệu lực
Loại văn bản Tiêu chuẩn Việt Nam Ngày đăng công báo
Lĩnh vực Nông nghiệp - Nông thôn
Ngày ban hành
Cơ quan ban hành Tình trạng Còn hiệu lực

Các văn bản liên kết

Văn bản được hướng dẫn Văn bản hướng dẫn
Văn bản được hợp nhất Văn bản hợp nhất
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung Văn bản sửa đổi, bổ sung
Văn bản bị đính chính Văn bản đính chính
Văn bản bị thay thế Văn bản thay thế
Văn bản được dẫn chiếu Văn bản căn cứ

Tải văn bản