TIÊU CHUẨN VIỆT NAM TCVN 8479:2010 VỀ CÔNG TRÌNH ĐÊ, ĐẬP – YÊU CẦU KỸ THUẬT KHẢO SÁT MỐI, MỘT SỐ ẨN HỌA VÀ XỬ LÝ MỐI GÂY HẠI

Hiệu lực: Còn hiệu lực Ngày có hiệu lực: 29/12/2010

TIÊU CHUẨN QUỐC GIA

TCVN 8479 : 2010

CÔNG TRÌNH ĐÊ, ĐẬP – YÊU CẦU KỸ THUẬT KHẢO SÁT MỐI, MỘT SỐ ẨN HỌA VÀ XỬ LÝ MỐI GÂY HẠI

Technical requirements of servey for abnormalities and termites and termites control for dike and dam

Lời nói đầu

TCVN 8479 : 2010 được chuyển đổi từ 14TCN 182 : 2006 theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và điểm a khoản 1 Điều 7 Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01/8/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.

TCVN 8479 : 2010 do Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam biên soạn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

 

CÔNG TRÌNH ĐÊ, ĐẬP – YÊU CẦU KỸ THUẬT KHẢO SÁT MỐI, MỘT SỐ ẨN HỌA VÀ XỬ LÝ MỐI GÂY HẠI

Technical requirements of servey for abnormalities and termites and termites control for dike and dam

1. Phạm vi áp dụng

Tiêu chuẩn này áp dụng cho công tác khảo sát mối, một số ẩn họa cho thân đê sông, đập đất, kênh dẫn nước đang vận hành hoặc nền đập chuẩn bị xây dựng, môi trường xung quanh, mỏ vật liệu đất đắp và công tác xử lý mối gây hại trong các công trình đê, đập.

2. Tài liệu viện dẫn

TCVN 8480:2010, Công trình đê đập – Yêu cầu về thành phần, khối lượng khảo sát và xử lý mối gây hại

TCVN 8227:2009, Mối gây hại công trình đê, đập – Định loại, xác định đặc điểm sinh học, sinh thái học và đánh giá mức độ gây hại

14 TCN 1:2004, Quy trình kỹ thuật phụt vữa gia cố đê

TCXD 174:1989, Đất xây dựng – Phương pháp thí nghiệm xuyên tĩnh.

3. Thuật ngữ và định nghĩa

Trong tiêu chuẩn này sử dụng các thuật ngữ và định nghĩa sau:

3.1. Tổ mối ở đê, đập (tổ mối) (termite nest in dike and dam)

Là các cấu trúc ở đê, đập do mối tạo ra, thường gồm một số khoang tổ và hệ thống hang giao thông, thông khí, đường đi lấy nước.

3.2. Tổ mối nổi (epigeous nest)

Là tổ mối có một phần cấu trúc thường xuyên nằm trên mặt đất.

3.3. Tổ mối chìm (subterranean nest)

Là tổ mối có toàn bộ cấu trúc nằm dưới mặt đất.

3.4. Khoang tổ mối (chamber)

Là khoang rỗng do mối tạo ra.

3.5. Đường kính khoang tổ (diameter of chamber)

Là khoảng cách rộng nhất của khoang tổ.

3.6. Khoang chính (main chamber)

Là khoang lớn nhất của tổ mối, nơi thường có hoàng cung, tập trung nhiều cá thể mối, thức ăn và vườn nấm.

3.7. Hang thông khí (chimney)

Là hang nối từ khoang chính lên gần mặt đất để trao đổi không khí.

3.8. Hang giao thông (tunnel)

Là đường đi ngầm của mối, nối các khoang tổ với nhau và từ khoang tổ đi ra bên ngoài để mối đi kiếm thức ăn và lấy nước.

3.9. Lỗ bay phân đàn (fly castle)

Là nơi mối cánh bay ra khỏi tổ trong mùa giao hoan.

3.10. Đường mui (mude tube)

Là cấu trúc do mối xây dựng trên bề mặt các vật thể, dùng để đi lại và khai thác thức ăn.

3.11. Khu vực tổ mối (area including whole nest)

Là diện tích bề mặt đất mà ở đó bao gồm hầu hết các dấu hiệu xác định 1 hay một số tổ mối mới.

3.12. Định loại mối (termite identifycation)

Là việc xác định tên khoa học của mẫu vật trong hệ thống phân loại mối.

3.13. Âm họa (abnormality)

Là hang rỗng, khe nứt, vùng thấm và bất đồng nhất về độ chặt.

3.14. SIR System-10B

Là tên thiết bị ra đa đất.

3.15. Tần số trung tâm (frequency)

Là tần số thiết kế phát và thu sóng điện từ của ăng ten ra đa đất.

3.16. Radan For Windows

Là một phần mềm xử lý số liệu của thiết bị ra đa đất SIR System-10B.

3.17. SuperSting R1/IP

Là tên thiết bị thăm dò điện

3.18. Earthlmager 2D, 3D

Là phần mềm xử lý số liệu của thiết bị điện SuperSting R1/IP

3.19. Điện cực (electrode)

Là tên bộ phận phát và thu tín hiệu điện của thiết bị thăm dò điện.

3.20. Hệ cực (electrode set-up)

Là cách bố trí các điện cực.

3.21. Hệ cực Schlumberger, hệ cực Wenner, hệ cực Dipole – Dipole

Là tên gọi các loại hệ cực của thiết bị thăm dò điện.

3.22. Thân đê (dike’s body)

Là phần tính từ chân đê đến đỉnh đê.

3.23. Thân đập (dam’s body)

Là phần đất đắp tính từ chân và vai đến mặt đập.

4. Các ký hiệu viết tắt

Bảng 1 – Các ký hiệu viết tắt sử dụng trong tiêu chuẩn

STT

Ký hiệu

Tên đầy đủ

Đơn vị tính

1

H

Chiều cao thân đê, thân đập

m

2

S

Diện tích khu vực tổ mối

m2

3

dm

Đường kính khoang tổ mối

m

4

hm

Chiều sâu tính từ mặt đất đến đỉnh khoang tổ mối

m

5

ha

Chiều sâu tính từ mặt đất đến đỉnh các ẩn họa

m

6

da

Độ rộng của ăng ten

m

7

Vd

Tốc độ dịch chuyển ăng ten

m/s

8

Vq

Tốc độ lấy mẫu của thiết bị ra đa đất

scan/s

9

ε

Hằng số điện môi của môi trường

10

V

Vận tốc truyền sóng điện từ trong môi trường địa chất

m/ns

11

a

Khoảng cách giữa các điện cực của thiết bị điện đa cực

m

12

ρ

Điện trở suất của môi trường địa chất

Ωm

13

ρdt

Điện trở suất dị thường trong bất đồng nhất

Ωm

14

n

Số khoảng điện cực ở tuyến đo

15

z

Chiều sâu khảo sát hiệu dụng phương pháp điện đa cực

m

16

qc

Sức kháng xuyên đầu mũi

Pa (KN/cm2)

5. Điều kiện để tiến hành khảo sát mối, các ẩn họa

5.1. Điều kiện tiến hành khảo sát mối

Các công trình: đê, đập, kênh dẫn nước đang vận hành hoặc trước khi đắp áp trúc, tôn cao; nền đê, đập trước khi xây dựng; mỏ vật liệu đất đắp đê, đập, khi phát hiện có dấu hiệu hoạt động của các loài mối gây hại, theo 5.2 trong TCVN 8227, thì phải tiến hành khảo sát mối.

5.2. Điều kiện tiến hành khảo sát ẩn họa

Các công trình: thân đê, thân đập khi có hiện tượng: nứt nẻ, vùng thấm, sụt lún, hang động vật và bất đồng nhất thì phải tiến hành khảo sát.

6. Yêu cầu kỹ thuật khảo sát, xử lý mối và khảo sát các ẩn họa

6.1. Khảo sát sinh học, sinh thái học mối phải đảm bảo khoanh vùng được 100 % các khu vực tổ

mối có đường kính 0,15 m trở lên.

6.2. Công tác khảo sát bằng thiết bị rađa đất khi điện trở suất của môi trường không nhỏ hơn 50 Ωm phải:

– Phát hiện được các tổ mối có đường kính 0,15 m trở lên với sai số về số lượng không lớn hơn 10 % sai số về kích thước tổ mối dm­ không được vượt quá 15 %.

– Phát hiện được các hang rỗng có tiết diện ngang 0,15 m trở lên với sai số về kích thước và độ sâu không được vượt quá 15 % và xác định được chiều dài của hang rỗng.

6.3. Công tác xử lý tổ mối phải đảm bảo diệt được 100 % số lượng tổ mối và lắp đầy hơn 90 % thể tích của các khoang tổ.

6.4. Công tác phòng mối phải đảm bảo ngăn ngừa, hầu hết mối cánh xâm nhập vào thân công trình để làm tổ tối thiểu một mùa bay giao hoan.

6.5. Công tác khảo sát bằng thiết bị điện đa cực phải phát hiện được các vùng thấm trong phạm vị yêu cầu khảo sát với sai số về kích thước không lớn hơn 20 %.

6.6. Công tác khảo sát bằng thiết bị điện đa cực phải:

– Phát hiện được bất đồng nhất cục bộ về độ chặt, có kích thước không nhỏ hơn 1/3 chiều sâu của bất đồng nhất đó với sai số không lớn hơn 20 %.

– Phát hiện được bất đồng nằm ngang, với sai số về độ sâu không lớn hơn 15 %.

6.7. Công tác khảo sát bằng thiết bị điện đa cực phải phát hiện được các khe nứt trong phạm vi yêu cầu khảo sát với sai số về độ sâu không lớn hơn 15 %.

6.8. Đảm bảo an toàn cho đê, đập, kênh dẫn nước và an toàn lao động trong quá trình khảo sát, xử lý.

7. Khảo sát, phát hiện mối

7.1. Khảo sát sinh học,sinh thái học mối

7.1.1. Phạm vi khảo sát sinh học, sinh thái học mối

Tùy theo giai đoạn khảo sát và công trình cụ thể, phạm vi khảo sát sinh học, sinh thái học mối, theo 5.3 trong TCVN 8480.

7.1.2. Nội dung, phương pháp và yêu cầu kỹ thuật

7.1.2.1. Nội dung khảo sát sinh học, sinh thái học mối:

– Xác định sự có mặt của các loài mối trong phạm vi khảo sát qua các dấu hiệu như: tổ mối nổi, lỗ bay phân đàn, nắp phòng đợi bay, đường mui, vết ăn trên các đống phân động vật hay gốc cây hoặc các đàn mối đi kiếm ăn. Trường hợp không có sẵn các dấu hiệu như trên thì phải nhử mối bằng cách đóng cọc nhử hoặc đào hố nhử mối. Cọc nhử hoặc hố nhử mối được bố trí thành các tuyến song song cách nhau từ 3 m đến 5 m. Trên các tuyến cọc nhử hoặc hố nhử cách nhau từ 5 m đến 10 m. Cọc nhử làm bằng các loại gỗ mà mối ưa thích. Nếu dùng cọc thì đường kính không nhỏ hơn 4 cm, dài 30 cm và chôn sâu vào đất 10 cm. Nếu dùng hố nhử thì kích thước hố rộng 20 cm, dài 30 cm và sâu 20 cm, trong hố đặt các miếng gỗ mà mối ưa thích.

– Xác định sơ bộ thành phần loài mối tại hiện trường, theo 5.2.1 trong TCVN 8227.

– Xác định khu vực tổ mối, theo quy định tại 7.3.1.1 và khoanh vùng các khu vực tổ mối lên bình đồ.

– Xác định mùa vụ hoạt động của các loài mối bao gồm: thời kỳ bay giao hoan và thời kỳ mối hoạt động nhiều nhất trên mặt đất, đặc biệt đối với các loài thuộc các giống Odontotermes, Macrotermes và Hypotermes.

– Xác định sự liên hệ của mỗi loài đối với môi trường tự nhiên của khu vực khảo sát và đặc điểm của môi trường tự nhiên liên quan mật thiết đến sự tồn tại và phát triển của mối.

– Xác định đặc điểm chung về cấu tạo tổ của các loài mối chủ yếu thuộc các giống Odontotermes, Macrotermes và Hypotermes

7.1.2.2. Phương pháp khảo sát sinh học, sinh thái học mối

Theo 4.3 trong TCVN 8227.

7.1.2.3. Yêu cầu kỹ thuật

Theo quy định tại 6.1.

7.2. Thu mẫu mối và định loại

7.2.1. Phạm vi thu mẫu

Chỉ thu mẫu mối ở phạm vi khảo sát sinh học, sinh thái học mối.

7.2.2. Yêu cầu thu, xử lý và bảo quản mẫu mối

Phương pháp thu mẫu, xử lý và bảo quản mẫu mối

Theo 4.1 trong TCVN 8227.

7.2.3. Định loại mẫu, xác định loài gây hại

Phương pháp phân tích và định loại mẫu mối

Theo 4.2 trong TCVN 8227.

Xác định các loài mối gây hại và gây hại nặng cần phải khảo sát xác định vị trí, kích thước tp63 mối bằng ra đa đất, theo 5.2 trong TCVN 8227.

7.3. Khảo sát tổ mối bằng ra đa đất

7.3.1. Khu vực tổ mối và tuyến khảo sát bằng ra đa đất

7.3.1.1. Khu vực tổ mối

Diện tích khu vực khảo sát tổ mối phụ thuộc vào đặc điểm cấu trúc tổ của loài mối gây hại và địa hình đoạn đê, đập hoặc kênh dẫn nước:

– Khi xác định được hang thông khí thì diện tích khu vực khảo sát tổ mối được tính theo một hình vuông, thông thường mỗi cạnh là 6 đến 8m, bao quanh hang thông khí, thể hiện trên Hình 1.

– Khi không xác định được hang thông khí thì phải xác định khu vực tổ mối thông qua các dấu hiệu hoạt động chính như lỗ bay phân đàn, đường mui, dấu vết ăn trên mặt đất hoặc ở các cọc nhử, hố nhử (nếu có). Khi ấy, khu vực khảo sát được mở rộng ra bên ngoài đường bao qua các dấu hiệu này mỗi chiều 1,5m, thể hiện trên Hình 2.

 

Hình 1 – Khu vực khảo sát tổ mối khi phát hiện được hang thông khí

Hình 2 – Khu vực khảo sát tổ mối (đường nét liền) thông qua các dấu hiệu hoạt động chính

7.3.1.2. Thiết kế tuyến khảo sát

Cách thứ nhất: Tại khu vực tổ mối thiết kế tuyến khảo sát theo mạng lưới ô vuông, khoảng cách giữa các tuyến bằng 1/2 đường kính trung bình khoang chính của loài mối khảo sát. Đường kính trung bình dự kiến, theo Phụ lục F trong TCVN 8227, xem Hình 3.

Cách thứ hai: Tại khu vực tổ mối thiết kế tuyến khảo sát theo mạng lưới ô vuông, khoảng cách giữ các tuyến bằng 1/1 đến 1/2 độ rộng của loại ăng ten sử dụng khảo sát, thể hiện trên Hình 3. Độ rộng của loại ăng ten, trong Bảng 2.

Hình 3 – Sơ đồ thiết kế tuyến khảo sát

Trong đó:

Tuyến dọc: qui ước là tuyến song song với tim đê, đập, kênh dẫn nước;

Tuyến ngang: qui ước là tuyến theo mặt cắt ngang đê, đập, kênh dẫn nước.

Trường hợp khu vực khảo sát tổ mối nằm tại vị trí có địa hình đặc biệt, không thể thiết kế được tuyến đo ngang thì trong quá trình khảo sát bằng các tuyến đo dọc, với tuyến phát hiện có dị thường dạng tổ mối cần bổ sung hai tuyến khảo sát ở hai bên, cách tuyến đã phát hiện dị thường một khoảng không lớn hơn 1/2 đường kính dự kiến của dị thường dạng tổ mối, xem Hình 4.

Hình 4: Sơ đồ thiết kế tuyến dọc bổ sung

Bảng 2 – Độ rộng các loại ăng ten sử dụng khảo sát tổ mối

STT

Loại ăng ten (MHz)

Đơn vị tính

Độ rộng của ăng ten (da)

1

400

m

0,30

2

200

m

0,60

3

100

m

0,80

4

80

m

1,00

7.3.2. Xác định vị trí và kích thước tổ mối bằng ra đa đất

7.3.2.1. Thiết bị

Hệ thiết bị SIR System-10B và phần mềm xử lý số liệu Radan for Windows hoặc hệ thiết bị tương đương.

7.3.2.2. Quy trình sử dụng hệ thiết bị SIR System-10B và phần mềm xử lý số liệu Radn for Windows

7.3.2.2.1. Sử dụng hệ thiết bị SIR System-10B để khảo sát thực địa phải tiến hành theo các bước cơ bản sau:

– Chuẩn bị hệ thiết bị: Máy chủ, ăng ten, nguồn nuôi ắc quy 12V và cáp nối;

– Khởi động máy;

– Cài đặt các thông số đo thích hợp.

+ Lựa chọn ăng ten: Ăng ten được chọn phụ thuộc vào 2 yếu tố đường kính và độ sâu của khoang tổ mối. Việc xác định đường kính, độ sâu trung bình dự kiến, theo Phụ lục F trong TCVN 8227. Lựa chọn loại ăng ten sử dụng trong quá trình khảo sát, xem Bảng 3.

Bảng 3 – Lựa chọn loại ăng ten sử dụng trong quá trình khảo sát tổ mối

STT

Đường kính

d (m)

Độ sâu khoang tổ mối hm (m)

Tần số trung tâm

(MHz)

Ghi chú

1

0,15 ÷ 0,30

đến 0,80

400

Trường hợp đường kính khoang tổ mối trong khoảng lớn nằm ở khoảng sâu nhỏ thì sử dụng ăng ten theo yếu tố chiều sâu

2

0,30 ÷ 0,50

0,8 ÷ 1,5

400 hoặc 200

3

> 0,5

1,5 ÷ 2,5

200 hoặc 100

4

> 0,5

2,5 ÷ 3,0

100

5

> 0,5

> 3,0

100 hoặc 80

+ Lựa chọn độ sâu nghiên cứu (range);

+ Lựa chọn số mẫu thu trên một đường quét (samples/scan);

+ Lựa chọn điểm sóng đầu (mặt đất);

+ Lựa chọn tần số thu;

+ Lựa chọn hệ số khuếch đại tín hiệu (set gain);

+ Chọn ổ đĩa làm việc;

+ Chọn chế độ ghi số liệu 8 bits hoặc 16 bits;

+ Đặt hoặc lựa chọn thư mục lưu giữ số liệu;

+ Lựa chọn cách thức đo;

+ Xác định tốc độ dịch chuyển ăng ten trên tuyến đo.

Tốc độ dịch chuyển ăng ten phải đạt được 20 đường quét trên một khoang tổ mối và thỏa mãn điều kiện: 

Đặt tên file số liệu:

– Tiến hành phép đo;

– Kết thúc phép đo;

– Ghi nhật ký thực địa;

– Kết thúc đo và thu dọn thiết bị;

– Vệ sinh và bảo quản thiết bị.

7.3.2.2.2. Sử dụng phần mềm Radan For Windows để xử lý số liệu đo phải tiến hành theo các bước cơ bản sau:

– Chuyển số liệu đo từ máy đo sang máy tính cá nhân đã cài đặt phần mềm Radan For Windows;

– Khởi động chương trình xử lý;

– Loại bỏ những lỗi do người đo ở file số liệu

– Chuẩn lại những điểm đánh dấu “Marker” khoảng cách của file;

– Hiệu chỉnh địa hình trên tuyến đo (nếu cần);

– Loại bỏ nhiễu, phản xạ nhiều lần bằng các phép lọc;

– Thực hiện một số phép biến đổi, sử dụng hàm toán khác nhằm làm rõ đối tượng hơn (arithmetic function, hilbert magnitude transform, stack, arithmetic function, migration).

– Minh giải tài liệu nhận được;

– Lưu giữ và in ấn tài liệu.

7.3.2.3. Dạng kết quả khảo sát tổ mối bằng ra đa đất

Kết quả khảo sát tổ mối phải được trình bày dưới dạng giản đồ sóng hoặc ảnh trên đó thể hiện kích thước các chiều của tổ mối, xem Phụ lục B.

7.3.2.4. Xác định vị trí tổ mối

Vị trí tổ mối được xác định là hoành độ của điểm cực đại trên hình hypecbol của dạng kết quả khảo sát tổ mối, xem Phụ lục B.

7.3.2.5. Xác định độ sâu tổ mối

Độ sâu đến đỉnh khoang tổ mối là tung độ của điểm cực đại trên hình hypecbol của dạng kết quả khảo sát tổ mối, xem Phụ lục B.

7.3.2.6. Xác định đường kính tổ mối

Đường kính khoang tổ mối được xác định kết quả khảo sát tổ mối bằng hai cách sau

– Lấy bằng chiều rộng của hình hypecbol tại điểm bằng 1/3 khoảng cách tính từ đỉnh đến đáy hypecbol.

– Lấy bằng chiều rộng lớn nhất của hình hypecbol sau khi đã xử lý kết quả khảo sát bằng phương pháp dịch chuyển (migration) trong phần mềm Radan For Windows, xem Phục lục C.

7.3.3. Khỏa sát xác định trạng thái tổ mối (sống hoặc chết) bằng thiết bị dò âm

Chỉ thực hiện công việc này đối với những dị thường tổ mối đặc biệt như: ở khu vực tổ mối khảo sát có dấu hiệu hoạt động của mối không rõ ràng hoặc dị thường ở vị trí sát biên khu vực tổ mối hoặc dị thường không có dạng hypecbol.

7.3.3.1. Khoan tạo lỗ

Tại vị trí dị thường khoang tổ mối khoan một lỗ khoan đường kính 18 mm đến 22 mm, độ sâu đến đáy khoang tổ.

7.3.3.2. Thiết bị

Thiết bị sử dụng là máy dò âm Sonic detector 3A hoặc thiết bị tương đương.

7.3.3.3. Phương pháp xác định trạng thái tổ mối

Xác định trạng thái tổ mối bằng thiết bị âm theo các bước sau:

– Đưa ăng ten máy dò âm vào lỗ khoan, sâu đến đáy lỗ khoan;

– Khởi động máy dò âm;

– Nghe tín hiệu âm tần báo động của mối từ tai nghe của máy;

– Trạng thái tổ mối được xác định bằng tín hiệu âm tần báo động của mối:

+ Có tín hiệu âm tần báo động của mối là tổ mối đang sống;

+ Không có tín hiệu âm tần là tổ mối chết hoặc lỗ rỗng thông thường.

7.3.3.4. Lắp lỗ khoan

Lắp lỗ khoan, theo 14 TCN 1:2004.

8. Khảo sát, phát hiện ẩn họa

8.1. Khảo sát, phát hiện hang rỗng bằng thiết bị ra đa đất

8.1.1. Thiết bị

Theo quy định tại 7.3.2.1.

1.1.2. Quy trình sử dụng hệ thiết bị SIR System-10B và phần mềm xử lý số liệu Radan For Windows

Theo quy định tại 7.3.2.2.

8.1.3. Thiết kế tuyến khảo sát

Hệ thống tuyến đo phụ thuộc vào giai đoạn khảo sát. Đối với giai đoạn khảo sát sơ bộ 1 đến 2 tuyến trong phạm vị yêu cầu khảo sát nhằm xác định có hay không có hang rỗng. Để khảo sát chi tiết cho hang rỗng, hệ thống tuyến đo được bố trí như sau:

Tuyến khảo sát chính (Tc) được thiết kế cắt hang rỗng (hang rỗng dự kiến) tạo thành một góc không nhỏ hơn 10o. Số lượng tuyến khảo sát tối thiểu là ba tuyến. Từ kết quả khảo sát tuyến chính, xác định sơ bộ hình dạng, kích thước và hướng phát triển của hang rỗng, tiến hành khảo sát bổ sung mở rộng về hai phía của các tuyến chính đã phát hiện dị thường cho đến hết dị thường. Tuyến khảo sát bổ sung (Tbx­) cách tuyến kề cận một khoảng trung bình bằng (1/1 ÷ 1/2) da. Khi xác định được quy mô hang rỗng, khảo sát bổ sung một số tuyến cắt vuông góc (Tv) với hướng phát triển của hang rỗng để xác định kích thước hang, xem Hình 5. Chiều dài các tuyến khảo sát bằng 4 lần độ sâu dự kiến của hang rỗng.

Hình 5 – Sơ đồ thiết kế tuyến khảo sát hang rỗng

8.1.4. Dạng kết quả khảo sát hang rỗng bằng ra đa đất

Dạng kết quả khảo sát hang rỗng bằng ra đa đất giống như dạng kết quả khảo sát tổ mối theo quy định tại 7.3.2.3.

8.1.5. Xác định vị trí qui mô và kích thước hang rỗng.

Vị trí, chiều sâu, chiều rộng hang rỗng, xác định theo quy định tại 7.3.2.4, 7.3.2.5 và 7.3.2.6.

Riêng chiều dài hang rỗng được xác định bằng cách liên kết các hình hypecbol của dạng kết quả khảo sát theo Hình 6

Hình 6 – Sơ đồ xác định chiều dài hang rỗng

8.2. Khảo sát, phát hiện vùng thấm bằng thiết bị điện đa cực

8.2.1. Thiết bị

Hệ thiết bị điện đa cực SuperSting R1/IP và phần mềm xử lý số liệu Earthlmager 2D, 3D hoặc hệ thiết bị tương đương.

8.2.2. Quy trình sử dụng hệ thiết bị SuperSting R1/IP và phần mềm xử lý số liệu Earthlmager 2D, 3D

8.2.2.1. Sử dụng hệ thiết bị SuperSting R1/IP và phần mềm xử lý số liệu Earthlmager 2D, 3D để khảo sát thực địa phải tiến hành theo các bước cơ bản sau:

– Chuẩn bị thiết bị: Máy chủ, cáp tín hiệu và nguồn ắc quy 12 V;

– Bố trí các điện cực khảo sát cho tuyến đo. Khoảng cách giữa các điện cực phải chọn phù hợp với các đối tượng khảo sát và không lớn hơn kích thước đối tượng;

– Khởi động máy và lựa chọn các thông số đo:

+ Lựa chọn hệ cực khảo sát: Hệ cực Wenner hoặc Schlumberger hoặc dipole-dipole.

+ Cài đặt số lần lặp: tùy thuộc vào điều kiện khảo sát; đối với vùng có điện trở suất thấp (không lớn hơn 50 Ωm), điều kiện tiếp đất của hệ cực tốt (sai số của điện trở tiếp đất không lớn hơn 2 %) thì chọn số lần lặp là 1 hoặc 2; đối với vùng có điện trở suất cao (lớn hơn 50 Ωm) hoặc điều kiện tiếp đất của cực khó khăn (sai số của điện trở tiếp đất lớn hơn 2 %) thì chọn số lần lặp lại là 3 hoặc 4.

+ Cài đặt lỗi tối đa của phép đo: độ sai lệch giá trị trung bình điện trở suất ở các lần đo không được vượt quá 3 %.

+ Kiểm tra điều kiện tiếp đất của hệ cực: giá trị điện trở tiếp đất của mỗi đôi điện cực không được lớn hơn 2 lần giá trị điện trở tiếp đất của đôi điện cực liền kề và không lớn hơn 3 lần giá trị của đôi điện cực có giá trị điện trở tiếp đất nhỏ nhất;

Đặt tên file số liệu:

– Tiến hành phép đo;

– Kết thúc phép đo;

– Ghi nhật ký thực địa;

– Kết thúc đo và thu dọn thiết bị;

– Vệ sinh và bảo quản thiết bị.

8.2.2.2. Sử dụng phần mềm Earthlmager 2D, 3D xử lý số liệu đo phải tiến hành theo các bước cơ bản sau:

– Chuyển số liệu từ máy đo vào máy tính cá nhân đã cài đặt phần mềm Earthlmager 2D, 3D.

– Khởi động chương trình xử lý;

– Hiệu chỉnh file số liệu và loại bỏ nhiễu;

+ Loại bỏ nhiễu theo giá trị ngưỡng cài đặt;

+ Hiệu chỉnh điện cực lỗi và nhiễu điện cực;

+ Loại bỏ trực tiếp nhiễu trong file số liệu bằng phím delete.

– Loại bỏ số liệu không thích hợp;

– Cài đặt thông số xử lý setting menu:

+ Điện thế tối thiểu;

+ Lỗi lặp lớn nhất;

+ Điện trở suất nhỏ nhất;

+ Điện trở suất lớn nhất.

Sử dụng các phương pháp xử lý:

+ Phuong pháp cho mẫu trước (forward Model method);

+ Phương pháp công thức cho trước (forward equation solver).

– Cài đặt số lần xử lý lặp;

– Hiệu chỉnh địa hình (nếu cần):

+ Tạo file chuẩn có đuôi .trn;

+ Mở file cần hiệu chỉnh.

– Sử dụng lệnh Start inversion (chạy chương trình);

– Minh giải tài liệu nhận được;

– Lưu giữ và in ấn tài liệu.

8.2.3. Thiết kế tuyến khảo sát

Hệ thống tuyến đo được thiết kế phụ thuộc vào giai đoạn khảo sát. Đối với khảo sát sơ bộ đo hai tuyến dọc theo hai ria mặt đê hay đập. Đối với khảo sát chi tiết, ngoài các tuyến kể trên đo bổ sung một đến ba tuyến dọc thông thường theo thứ tự sau:

– Đối với đê: mái phía sông tại cao trình báo động 3, mái phía đồng tương đương cao trình báo động 3 và tuyến tiếp theo cách tuyến liền kề tối thiểu 4,0 m (hoặc trên cơ đê nếu có).

– Đối với đập: mái thượng lưu cao trình nhỏ hơn cao trình đỉnh đập 2,0 m, mái hạ lưu cao trình nhỏ hơn cao trình đỉnh đập 2,0 m; 5,0 m (hoặc tuyến bổ sung thứ 3 trên cơ đập).

Chiều dài mỗi tuyến khảo sát chi tiết bằng kích thước vùng thấm dự kiến trên tuyến đo cộng với 4 lần độ sâu cần khảo sát.

8.2.4. Hệ điện cực khảo sát

Sử dụng hệ điện cực Wenner, xem Phụ lục A. Các điện cực khảo sát cách đều nhau và phụ thuộc vào độ sâu cần khảo sát, thông thường áp dụng như dưới đây:

– Khảo sát sâu đến 5,0 m là 1,0 m;

– Khảo sát sâu đến 10,0 m là 2, m;

– Khảo sát sâu đến 15,0 m là 3,0 m;

– Khảo sát dâu trên 15,0 m là 5,0 m.

8.2.5. Phương pháp khảo sát và cách xác định vùng thấm

Khảo sát vùng thấm chỉ sử dụng phương pháp đo điện trở suất và khảo sát theo tuyến thiết kế. Kết quả khảo sát vùng thấm được trình bày dưới dạng ảnh trên đó thể hiện giá trị điện trở suất khác nhau của các vùng hoặc lớp đất. Vùng thấm được xác định là vùng từ thượng lưu đến hạ lưu và có điện trở suất thấp hơn ít nhất 1,5 lần so với điện trở suất của môi trường xung quanh.

Xác định một vùng thấm bằng hai cách sau:

– Cách thứ nhất: xác định theo các tuyến đo;

– Cách thứ hai: xác định bằng phương pháp đo 3D và sử dụng phần mềm Earlthmeger 3D hoặc tương đương.

8.3. Khảo sát, phát hiện khe nứt bằng thiết bị điện đa cực

8.3.1. Thiết bị

Theo quy định tại 8.2.1.

8.3.2. Quy trình sử dụng hệ thiết bị SuperSting R1/IP và phần mềm xử lý số liệu Earthlmager 2D, 3D

Theo quy định tại 8.2.2.

8.3.3. Thiết kế tuyến khảo sát

Trường hợp khe nứt phát triển ngang đê, đập, hệ thống tuyến khảo sát thiết kế dọc đê, đập. Trường hợp khe nứt phát triển dọc đê, đập, thiết kế tuyến khảo sát ngang đê, đập. Số lượng tuyến khảo sát phụ thuộc vào quy mô của khe nứt. Đối với khảo sát sơ bộ số lượng tuyến đo tối thiểu là 3 tuyến. Từ kết quả tuyến khảo sát sơ bộ có dị thường khe nứt, theo hướng phát triển của khe nứt tiến hành khảo sát các tuyến bổ xung cho đến khi hết dị thường. Khoảng cách giữa các tuyến đo bổ sung tối đa bằng 1 lần độ sâu dự kiến khảo sát. Chiều dài mỗi tuyến đo bằng 6 lần độ sâu dự kiến khảo sát.

8.3.4. Hệ điện cực khảo sát

Sử dụng hệ điện cực Dipole – Dipole, xem Phụ lục A. Các điện cực khảo sát cách đều nhau và phụ thuộc vào độ sâu cần khảo sát, thông thường áp dụng như dưới đây:

– Khảo sát sâu đến 3,0 m là 0,5 m;

– Khảo sát sâu đến 6,0 m là 1,0 m;

– Khảo sát sâu đến 10,0 m là 2,0 m;

– Khảo sát sâu trên 10,0 m là 3,0 m.

8.3.5. Phương pháp khảo sát và cách xác định khe nứt

– Đối với trường hợp khảo sát khe nứt chỉ sử dụng phương pháp đo điện trở suất.

– Kết quả khảo sát khe nứt được trình bày dưới dạng ảnh, trên đó thể hiện giá trị điện trở suất của các vùng hay các lớp khác nhau. Khe nứt là lớp thẳng đứng hoặc nghiêng có giá trị điện trở suất lớn hơn ít nhất 3 lần so với điện trở suất của các lớp hay các vùng xung quanh.

+ Vị trí khe nứt được xác định trên trục hoành, xem Phụ lục E.

+ Độ sâu khe nứt được xác định trên trục tung, xem Phụ lục E.

+ Góc đổ của khe nứt là góc tạo bởi khe nứt với trục tung.

– Cách xác định khe nứt ở từng tuyến đo, xem Phụ lục E.

– Cách xác định quy mô của khe nứt bằng cách liên kết kết quả xác định ở từng tuyến đo hoặc xác định phần mềm xử lý Earthlmager 3D.

8.4. Khảo sát, phát hiện bất đồng nhất độ chặt

8.4.1. Dạng bất đồng nhất

Có hai dạng bất đồng nhất theo độ chặt sau: bất đồng nhất cục bộ (dạng thể khối) và bất đồng nhất phân lớp ngang.

8.4.2. Thiết bị

– Hệ thiết bị điện đa cực SuperSting R1/IP cùng phần mềm xử lý số liệu Earthlmager 2D hoặc hệ thiết bị tương đương.

– Thiết bị xuyên tĩnh, xuyên động.

8.4.3. Quy trình sử dụng hệ thiết bị

Quy trình sử dụng hệ thiết bị SuperSting R1/IP, phần mềm xử lý số liệu Earthlmager 2D, 3D, theo quy định tại 8.2.2.

Quy trình sử dụng thiết bị xuyên, theo TCXD 174 : 1989.

8.4.4. Thiết kế tuyến khảo sát

Hệ thống tuyến đo được thiết kế phụ thuộc vào giai đoạn khảo sát. Đối với giai đoạn khảo sát sơ bộ đo một tuyến dọc trên mặt đê hay mặt đập. Đối với khảo sát chi tiết, ngoài các tuyến kể trên đo bổ sung một đến ba tuyến dọc. Các tuyến đo bổ sung cách tuyến liền kề tối thiểu 3,0 m. Tùy theo dạng bất đồng nhất và khu vực khảo sát, không nhất thiết các tuyến đo bổ sung phải cách đều tuyến đo liền kề. Trong trường hợp phải kích thước ngang của bất đồng nhất thì bổ sung một tuyến đo ngang đê hay đập. Vị trí tuyến đo này tại vùng trung tâm của bất đồng nhất thể hiện trên các tuyến đo dọc.

Đối với bất đồng nhất cục bộ, chiều dài mỗi tuyến khảo sát chi tiết bằng kích thước ngang dự kiến của bất đồng nhất ở tuyến đo cộng với 6 lần độ sâu cần khảo sát; đối với bất đồng nhất phân lớp ngang, chiều dài mỗi tuyến khảo sát bằng chiều dài phân lớp dự kiến cộng với 4 lần độ sâu cần khảo sát.

8.4.5. Phương pháp đo và hệ điện cực khảo sát

– Cả hai dạng bất đồng nhất đều sử dụng phương pháp đo điện trở suất.

– Đối với dạng bất đồng nhất phân lớp ngang sử dụng hệ điện cực Wenner, xem Phụ lục A. Các điện cực khảo sát cách đều nhau và phụ thuộc vào độ sâu cần khảo sát, thông thường áp dụng như dưới đây:

+ Khảo sát sâu đến 5,0 m là 1,0 m;

+ Khảo sát sâu đến 10,0 m là 2,0 m;

+ Khảo sát sâu đến 15,0m là 3,0 m;

+ Khảo sát sâu trên 15,0 m là 5,0 m.

Đối với dạng bất đồng nhất cục bộ sử dụng hệ điện cực Schlumberger, xem Phụ lục A. Các điện cực khảo sát cách đều nhau và phụ thuộc vào độ sâu cần khảo sát, kích thước bất đồng nhất, thông thường áp dụng như dưới đây:

+ Khảo sát sâu đến 5,0 m là 1,0 m;

+ Khảo sát sâu đến 10,0 m là 2,0 m;

+ Khảo sát sâu trên 10,0 m là 3,0 m.

8.4.6. Dạng kết quả khảo sát và cách xác định bất đồng nhất

Kết quả khảo sát bất đồng nhất bằng phương pháp thăm dò điện được trình bày dưới dạng ảnh trên đó thể hiện giá trị điện trở suất của các khối hay các lớp khác nhau. Bất đồng nhất được xác định là một khối hay một lớp có điện trở suất khác biệt ít nhất 1,5 lần so với điện trở suất của môi trường xung quanh.

Xác định bất đồng nhất bằng hai cách sau:

– Cách thứ nhất: xác định theo các tuyến đo, xem Phụ lục F.

– Cách thứ hai: xác định bằng phương pháp đo 3D và sử dụng phần mềm Earthlmager 3D hoặc tương đương.

– Khi phát hiện được bất đồng nhất bằng phương pháp điện trở suất, tiến hành phương pháp xuyên để xác định độ chặt, theo TCXD 174:1989. Số lượng điểm xuyên, theo Phụ lục G. Độ sâu tiến hành xuyên lớn hơn 20 % độ sâu tính đến lớp đáy của bất đồng nhất.

8.4.7. Lắp lỗ xuyên

Theo quy định tại 7.3.3.4.

9. Xử lý tổ mối

9.1. Loài mối phải xử lý

Tổ mối phải xử lý thuộc các loài (O. hainanensis, M. barneyi) và có mức độ gây hại trung bình, gây hại năng, theo 5.2 trong TCVN 8227.

9.2. Biện pháp xử lý

9.2.1. Xử lý tổ mối ở nền đê, đập trước khi xây dựng

Đối với các tổ mối ở độ sâu không lớn hơn 0,5m thì:

– Xử lý bằng cách bóc bỏ lớp đất trên cùng dày 0,3 m đến 0,5m kèm theo việc loại bỏ hoàn toàn các rễ cây, thân cây có sẵn trên nền đập.

– Hoặc xử lý bằng khoan phụt, theo quy định tại 9.2.5.

Đối với các tổ mối ở độ sâu lớn hơn 0,5 mm, thì xử lý bằng khoan phụt, theo quy định tại 9.2.5.

9.2.2. Xử lý tổ mối môi trường xung quanh nền đê, đập trước khi xây dựng và mỏ vật liệu đất

Xử lý bằng khoan phụt, theo quy định tại 9.2.5 nhưng không cần lấp bịt tổ

Riêng với mỏ vật liệu đất chỉ xử lý tổ mối thuộc các loài gây hại nặng, theo 5.2 trong TCVN 8227.

9.2.3. Xử lý tổ mối ở thân đê, đập và kênh dẫn nước

Xử lý bằng khoan phụt, theo quy định tại 9.2.5.

9.2.4. Xử lý tổ mối môi trường xung quanh đê, đập đang vận hành

Xử lý bằng khoan phụt, theo quy định tại 9.2.5 nhưng không cần lấp bịt tổ.

9.2.5. Xử lý tổ mối bằng khoan phụt

9.2.5.1. Khoan tạo lỗ

Tùy theo quy mô, số lượng, vị trí các khoang của một tổ mối để xác định vị trí, số lượng lỗ khoan xử lý. Mỗi tổ khoan một lỗ vào khoang chính và các lỗ khoan vào khoang phụ. Khoảng cách giữa các lỗ khoan phải cách nhau tối thiểu 1,0 m. Độ sâu của lỗ khoan sâu hơn độ sâu của đáy khoang tổ đó 0,3 m.

9.2.5.2. Phụt thuốc diệt mối

– Công tác phụt thuốc diệt tổ mối được phụt theo các lỗ khoan. Thuốc diệt mối phải sử dụng dưới dạng dung dịch.

– Lượng thuốc phụt, tùy theo mức độ to nhỏ của tổng thể tích phần rỗng của tổ mối. Thông thường khối lượng thuốc phụt xử lý một tổ mối bằng tổng thể tích phần rỗng của tổ mối đó.

– Tùy từng thời điểm, từng công trình cụ thể lựa chọn loại thuốc phù hợp, tuy nhiên loại thuốc sử dụng phải thuộc danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam và ưu tiên sử dụng các loại thuốc sinh học. Nồng độ, liều lượng thuốc sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

– Phụt dung dịch thuốc diệt mối phải đảm bảo diệt được 100% số lượng tổ mối và lấp đầy hơn 90 % tổng thể tích của các khoang tổ.

Tùy từng công trình cụ thể để quyết định áp lực phụt cuối cùng, nhưng trong mọi trường hợp:

– Đối với nền đê, đập trước khi xây dựng, thân đập hay môi trường xung quanh đê, đập áp lực phụt tối đa không quá 2 atm.

– Đối với thân đê và kênh dẫn nước áp lực phụt tối đa không quá 1,5 atm.

9.2.5.3. Phụt dung dịch lắp tổ mối

– Công tác phụt dung dịch lấp bịt tổ mối cũng được phụt theo các lỗ khoan đã sử dụng phụt thuốc diệt mối. Chỉ phụt dung dịch lấp bịt tổ mối sau khi tổ mối đã chết.

– Phụt dung dịch lấp bịt tổ mối phải đảm bảo lấp đầy hơn 90% tổng thể tích của các khoang tổ.

– Tùy từng công trình cụ thể để quyết định áp lực phụt cuối cùng, nhưng trong mọi trường hợp áp lực phụt tối đa, theo quy định tại 9.2.5.2.

Dung dịch phụt:

+ Là dung dịch sét, có thể phối trộn với 0,5 % đến 1,0 % vôi hoặc xi măng

+ Khối lượng riêng của dung dịch phụt, tùy theo mức độ to nhỏ của tổng thể tích phần rỗng của một tổ mối. Thông thường khối lượng dung dịch phụt lấp bịt một tổ mối lớn hơn hai lần tổng thể tích phần rỗng của tổ mối đó.

9.2.5.4. Lắp lỗ khoan xử lý

Theo quy định tại 7.3.3.4.

10. Phòng mối

Công trình đê, đập sau khi đã được diệt mối cần phải phòng mối để ngăn ngừa mối cánh xâm nhập vào thân công trình để làm tổ trong các mùa bay giao hoan. Phạm vi và biện pháp phòng mối cụ thể như sau:

10.1. Phạm vi phòng mối

Tùy theo từng công trình và biện pháp phòng mối lựa chọn để xác định phạm vi cho công tác phòng mối, theo 5.3 trong TCVN 8480.

10.2. Biện pháp phòng mối

10.2.1. Biện pháp phòng mối trực tiếp cho đê, đập

Đối với mặt, mái đê đập

Phun thuốc phòng mối dạng dung dịch hoặc rải thuốc dạng bột lên mặt đê, đập.

Đối với chỗ tiếp giáp giữa đê, đập và công trình xây đúc:

Làm một hàng rào (hào) phòng mối bao quanh công trình xây đúc, rộng 0,3 m sâu 0,4 m. Phun thuốc phòng mối dạng dung dịch hoặc trộn thuốc dạng bột vào đất làm hàng rào.

Thuốc phòng mối

Tùy từng thời điểm, từng công trình cụ thể để lựa chọn loại thuốc phù hợp, tuy nhiên loại thuốc sử dụng phải thuộc danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam và ưu tiên sử dụng các loại thuốc sinh học. Nồng độ, liều lượng thuốc sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

10.2. Biện pháp phòng mối gián tiếp cho đê, đập

Xử lý diệt các tổ ở môi trường xung quanh đê, đập bằng khoan phụt, theo quy định tại 9.2.5 nhưng không cần lấp bịt tổ.

11. Hồ sơ khảo sát và xử lý phòng trừ mối

Hồ sơ gồm 3 phần:

a) Thuyết minh

b) Các bản vẽ

c) Tài liệu gốc

 

PHỤ LỤC A

(Quy định)

CÁC HỆ CỰC CỦA THIẾT BỊ ĐIỆN ĐA CỰC

Trong phương pháp thăm dò điện, hệ cực đo có ý nghĩa rất quan trọng, mỗi loại hệ cực đo có một quy trình phân tích, xác định đối tượng khác nhau và có chiều sâu khảo sát hiệu dụng (z) phụ thuộc vào khoảng mở của hệ cực. Đối với phương pháp điện đa cực thì các điện cực luôn được bố trí cách đều nhau (a), khoảng mở của hệ cực là bội số (n) của khoảng cách giữa các điện cực (n = 1,2,3…). Dưới đây là một số hệ cực được sử dụng trong Tiêu chuẩn.

Hình A.1 – Hệ cực đo Wenner; z = (0,35 ÷ 0,4) na

Hình A.2 – Hệ cực đo Schlumberger; z = (0,35 ÷ 0,4) na

Hình A.3 – Hệ cực đo Dipole – Dipole; z = (0,25 ÷ 0,3) na

 

PHỤ LỤC B

(Tham khảo)

DẠNG KẾT QUẢ KHẢO SÁT TỔ MỐI BẰNG THIẾT BỊ RA ĐA ĐẤT SIR SYSTEM-10B VÀ PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH VỊ TRÍ

Hình B.1 – Kết quả khảo sát tổ mối dạng giản đồ sóng

Hình B.2 – Kết quả khảo sát tổ mối dạng ảnh

Xác định đường kính khoang tổ mối bằng phần mềm Radan For Windows

Hình C.1 – Kết quả xác định đường kính khoang tổ mối bằng phương pháp dịch chuyển Migration trong phần mềm Radan For Windows

 

PHỤ LỤC D

(Tham khảo)

DẠNG KẾT QUẢ KHẢO SÁT VÀ PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH VÙNG THẤM BẰNG THIẾT BỊ SUPERSTING R1/IP VÀ PHẦN MỀM EARTHLMAGER 2D

Hình D.1 – Kết quả khảo sát ở tuyến T1

Hình D.2 – Kết quả khảo sát ở tuyến T2

Hình D.3 – Kết quả khảo sát ở tuyến T3

Hình D.4 – Kết quả xác định vùng thấm

 

PHỤ LỤC E

(Tham khảo)

DẠNG KẾT QUẢ KHẢO SÁT VÀ PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH KHE NỨT BẰNG THIẾT BỊ SUPERSTING R1/IP VÀ PHẦN MỀM EARTLMAGER 2D

Hình E.1 – Dạng kết quả khảo sát và phương pháp xác định khe nứt

 

Phụ lục F

(Tham khảo)

DẠNG KẾT QUẢ KHẢO SÁT VÀ PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH BẤT ĐỒNG NHẤT BẰNG THIẾT BỊ SUPERSTING R1/IP VÀ PHẦN MỀM EARTHLMAGER 2D

Hình F.1 – Kết quả khảo sát bất đồng nhất cục bộ ở tuyến dọc (T1)

Hình F.2 – Kết quả khảo sát bất đồng nhất cục bộ tuyến ngang (T2)

Hình F.3 – Kết quả xác định bất đồng nhất cục bộ

 

PHỤ LỤC G

(Tham khảo)

SỐ LƯỢNG ĐIỂM XUYÊN CHO BẤT ĐỒNG NHẤT

Bảng G.1 – Số lượng điểm xuyên cho bất đồng nhất trong đê

Dạng bất đồng nhất

Mức độ phức tạp theo điện trở suất ρdt (Ωm)

Khoảng cách trung bình giữa các điểm xuyên

(m)

Số lượng điểm xuyên cho một bất đồng nhất

Ghi chú

Tối thiểu

Tối đa

Cục bộ

Đơn giản

15

1

1

Điểm xuyên ưu tiên lựa chọn tại vị trí dị thường (ρ­dt)

Trung bình

10

1

3

Phức tạp

5

2

4

Phân lớp ngang

Đơn giản

30

1

2

Trung bình

20

2

3

Phức tạp

10

2

5

Bảng G.2 – Số lượng điểm xuyên cho bất đồng nhất trong đập

Dạng bất đồng nhất

Mức độ phức tạp theo điện trở suất ρdt (Ωm)

Khoảng cách trung bình giữa các điểm xuyên

(m)

Số lượng điểm xuyên cho một bất đồng nhất

Ghi chú

Tối thiểu

Tối đa

Điểm xuyên ưu tiên lựa chọn tại vị trí dị thường (ρ­dt)

Cục bộ

Đơn giản

30

1

1

Trung bình

20

1

3

Phức tạp

10

2

4

Phân lớp ngang

Đơn giản

60

1

3

Trung bình

40

2

4

Phức tạp

10

3

6

CHÚ THÍCH:

Mức đơn giản : không có dị thường (ρ­dt)

Mức trung bình: có 1 đến 2 dị thường (ρ­dt)

Mức phức tạp: có hơn 2 dị thường (ρ­dt)

 

PHỤ LỤC H

(Tham khảo)

THIẾT BỊ RA ĐA ĐẤT SIR SYSTEM-10B VÀ PHẦN MỀM RADAN FOR WINDOWS

H.1. Bản chất của phương pháp rađa đất và điều kiện áp dụng

Bản chất của ra đa đất là sử dụng sóng điện từ tần số cao từ 1 ÷ 1.000 MHz. Sóng điện từ được phát xuống lòng đất bằng ăng ten phát với các tần số trung tâm khác nhau và thu lại bằng các ăng ten thu. Khi môi trường là đồng nhất tuyệt đối thì sóng điện từ sẽ đi sâu vào trong lòng đất rồi triệt tiêu, còn khi môi trường có bất đồng nhất thì tại mặt các ranh giới xảy ra hiện tượng phản xạ sóng điện từ. Việc ghi nhận các thông số của sóng phản xạ như biên độ và pha cho ta biết được hình dạng, kích thước cũng như vị trí của dị vật nằm phía dưới mặt đất.

Năng lượng sóng ra đa truyền trong lòng đất luôn bị suy giảm và phụ thuộc vào rất nhiều thông số của môi trường địa chất, trong đó thông số quan trọng nhất là điện trở suất (ρ). Người ta đã xác định và phân chia môi trường làm việc của ra đa đất theo điện trở suất như sau:

Tốt                               Trung bình                                 Kém

ρ > 100 Ωm                   50 ≤ ρ ≥ 100 Ωm                        ρ < 50 Ωm

H.2. Nguyên lý hoạt động thiết bị rađa đất SIR System-10B và phần mềm Radan For Windows

Thiết bị ra đa đất SIR System-10B, xem Hình H.1, nguyên lý hoạt động ở Hình H.2. Phần mềm Radan For Windows được cài đặt trong máy tính cá nhân, sử dụng hệ điều hành Windows.

Hình H.1 – Hệ thiết bị rađa đất SIR System-10B

 

Hình H.2 – Sơ đồ nguyên lý hoạt động của hệ thiết bị ra đa đất

H.3. Các bước tiến hành

Sử dụng hệ thiết bị SIR System-10B để khảo sát thực địa và phần mềm xử lý số liệu đo Radan For Windows theo 7.3.2.2 của Tiêu chuẩn này.

 

PHỤ LỤC I

(Tham khảo)

THIẾT BỊ ĐIỆN ĐA CỰC SUPERSTING R1/IP VÀ PHẦN MỀM EARTHLMAGER 2D, 3D

I.1 Bản chất phương pháp điện trở suất

Bản chất của phương pháp điện trở suất là để phân biệt hay xác định các đối tượng trong môi trường địa chất dựa vào sự khác biệt về giá trị điện trở suất của chúng.

Để xác định các giá trị điện trở suất, người ta tự tạo ra môi trường điện trong lòng đất qua 2 điện cực phát A, B với cường độ dòng điện I biết trước và thu hiệu điện thế ∆U tại hai cực thu M, N từ đó tính ra điện trở suất biểu kiến theo biểu thức:

trong đó:

ρ là điện trở suất biểu kiến, tính bằng Ωm;

I là cường độ dòng điện, tính bằng mA;

∆U là hiệu điện thế đo ở 2 cực thu, tính bằng mV;

K là hệ số điện cực

I.2. Nguyên lý hoạt động của thiết bị điện đa cực SuperSting R1/IP và phần mềm Earthlmager

Thiết bị SuperSting R1/IP gồm một trạm máy chủ, hệ thống cáp tín hiệu và các cực đo, xem Hình I.1.

Nguyên lý hoạt động của thiết bị là phát tín hiệu điện, thu và tín hiệu lưu giữ tín hiệu là giá trị điện trở suất của môi trường. Bằng các phương pháp đo khác nhau, chúng ta sẽ xác định được sự phân bố điện trở suất của môi trường khảo sát trên tuyến đo, xem Hình I.2.

Từ sự khác biệt về điện trở suất, sử dụng các thuật toán trong phần mềm Earthlmager 2D, 3D chúng ta minh giải được các đối tượng.

I.3. Các bước tiến hành

Sử dụng hệ thiết bị SuperSting R1/IP trong khảo sát thực địa và phần mềm xử lý số liệu đo Earthlmager 2D, 3D theo 8.2.2 của Tiêu chuẩn này.

 

Hình I.1 – Thiết bị điện đa cực SuperSting R1/IP

Hình I.2 – Sơ đồ nguyên lý hoạt động của hệ thiết bị điện đa cực SuperSring R1/IP

 

MỤC LỤC

Lời nói đầu

1. Phạm vi áp dụng

2. Tài liệu viện dẫn

3. Thuật ngữ và định nghĩa

4. Các ký hiệu viết tắt

5. Điều kiện để tiến hành khảo sát mối, các ẩn họa

6. Yêu cầu kỹ thuật khảo sát, xử lý mối và khảo sát các ẩn họa

7. Khảo sát, phát hiện mối

8. Khảo sát, phát hiện ẩn họa

9. Xử lý tổ mối

10. Phòng mối

11. Hồ sơ khảo sát và xử lý phòng trừ mối

Phụ lục A Các hệ cực của thiết bị điện đa cực (Quy định)

Phụ lục B Dạng kết quả khảo sát tổ mối bằng thiết bị ra đa đất Sir System–10B và phương pháp xác định vị trí (Tham Khảo)

Phụ lục C Xác định đường kính khoang tổ mối bằng phần mềm Radan for Windows (Tham khảo)

Phụ lục D Dạng kết quả khảo sát và phương pháp xác định vùng thấm bằng thiết bị SuperSting R1/IP và phần mềm Earthlmager 2D (Tham khảo)

Phụ lục E Dạng kết quả khảo sát và phương pháp xác định khe nứt bằng thiết bị SuperSting R1/IP và phần mềm Earthlmager 2D (Tham khảo)

Phụ lục F Dạng kết quả khảo sát và phương pháp xác định bất đồng nhất bằng thiết bị SuperSting R1/IP và phần mềm Earthlmager 2D (Tham khảo)

Phụ lục G Số lượng điểm xuyên cho bất đồng nhất (Tham khảo)

Phụ lục H Thiết bị ra đa đất Sir System – 10B và phần mềm Radan for Windows (Tham khảo)

Phụ lục I Thiết bị điện đa cực SuperSting R1/IP và phần mềm Earthlmager 2D, 3D (Tham khảo)

TIÊU CHUẨN VIỆT NAM TCVN 8479:2010 VỀ CÔNG TRÌNH ĐÊ, ĐẬP – YÊU CẦU KỸ THUẬT KHẢO SÁT MỐI, MỘT SỐ ẨN HỌA VÀ XỬ LÝ MỐI GÂY HẠI
Số, ký hiệu văn bản TCVN8479:2010 Ngày hiệu lực 29/12/2010
Loại văn bản Tiêu chuẩn Việt Nam Ngày đăng công báo
Lĩnh vực Xây dựng
Ngày ban hành 29/12/2010
Cơ quan ban hành Bộ khoa học và công nghê
Tình trạng Còn hiệu lực

Các văn bản liên kết

Văn bản được hướng dẫn Văn bản hướng dẫn
Văn bản được hợp nhất Văn bản hợp nhất
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung Văn bản sửa đổi, bổ sung
Văn bản bị đính chính Văn bản đính chính
Văn bản bị thay thế Văn bản thay thế
Văn bản được dẫn chiếu Văn bản căn cứ

Tải văn bản