TIÊU CHUẨN VIỆT NAM TCVN 9302:2013 VỀ CÂY GIỐNG CAM, QUÝT, BƯỞI – YÊU CẦU KỸ THUẬT

Hiệu lực: Còn hiệu lực Ngày có hiệu lực: 29/07/2013

TIÊU CHUẨN QUỐC GIA

TCVN 9302:2013

CÂY GIỐNG CAM, QUÝT, BƯỞI – YÊU CẦU KỸ THUẬT

Orange, Mandarin and Pummelo Grafted Seedling – Technical requirements

Lời nói đầu

TCVN 9032:2013 do Viện Nghiên cứu R  au quả biên soạn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng thẩm định, Bộ khoa học và Công nghệ công bố.

 

CÂY GIỐNG CAM, QUÝT, BƯỞI – YÊU CẦU KỸ THUẬT

Orange, Mandarin and Pummelo Grafted Seedling – Technical requirements

1. Phạm vi áp dụng

Tiêu chuẩn này quy định yêu cầu kỹ thuật của cây giống cây ăn quả thuộc 3 chủng loại: cam (Citrus sinensis), quýt (Citrus reticulata), cam Sành (Citrus nobilis Lour) và bưởi (Citrus grandish) nhân giống bằng phương pháp ghép.

2. Thuật ngữ và định nghĩa

Trong tiêu chuẩn này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

2.1. Cây đầu dòng (Elite trees)

Cây có năng suất, chất lượng cao và ổn định, tính chống chịu tốt hơn hẳn các cây khác trong quần thể một giống (giống địa phương, giống mới chọn tạo, giống nhập nội) được cơ quan có thẩm quyền bình tuyển và được công nhận để làm nguồn vật liệu nhân giống.

2.2. Vườn cây đầu dòng (Budwood orchards)

Vườn cây được nhân bằng phương pháp vô tính từ cây đầu dòng; được cơ quan có thẩm quyền thẩm định và công nhận để làm nguồn vật liệu nhân giống.

2.3. Cây giống cây có múi sạch bệnh (Free disease citrus seedling)

Cây giống không tiềm ẩn các bệnh nguy hiểm do các loại virus, vi khuẩn gây ra, đặc biệt là các bệnh Greening và Tristeza.

2.4. Cây giống cấp So (So Seedling)

Cây được nhân giống vô tính từ cây đầu dòng cây có múi, được kiểm tra và xác nhận không mang mầm bệnh Greening và bệnh Tristeza. Cây So được sử dụng khai thác vật liệu nhân giống sản xuất cây S1­.

2.5. Cây giống cấp S1 (S1 Seeding)

Cây được nhân giống vô tính từ cây So, được kiểm tra và xác nhận không mang mầm bệnh Greening và bệnh Tristeza. Cây S1 được sử dụng khai thác vật liệu nhân giống sản xuất cây S2.

2.6. Cây giống cấp S2 (SSeeding)

Cây được nhân giống vô tính từ cây S1, được kiểm tra và xác nhận không mang mầm bệnh Greening và bệnh Tristeza. Cây S2 được trồng lấy quả, không sử dụng khai thác vật liệu nhân giống.

2.7. Vật liệu nhân giống (Propagating materials)

Cành, mắt ghép sạch bệnh được khai thác từ So, S1 trồng trong nhà lưới cách ly môi giới truyền bệnh.

3. Yêu cầu kỹ thuật cây giống ghép

3.1. Yêu cầu đối với bầu cây

3.1.1. Hỗn hợp làm bầu:

Hỗn hợp bầu phải tơi xốp (độ xốp từ 20 đến 25%), thoáng khí và có khả năng giữ ẩm tốt và đủ nguồn dinh dưỡng. Nguyên liệu chính để làm hỗn hợp cần đảm bảo các yêu cầu sau:

– Đất: đất thịt có hàm lượng mùn trên 3% hoặc đất phù sa ven sông không nhiễm phèn, mặn được phơi khô, đập nhỏ.

– Cát: có kích thước hạt từ 0,05 mm đến 0,5 mm tương đương với cát vàng.

– Chất độn hữu cơ: mùn cưa, xơ dừa, trấu hun, rơm rạ, lõi bắp ngô, vỏ đậu, vỏ cây nghiền hoặc than bùn hoạt hóa.

– Trước hoặc sau khi đóng bầu và trước khi gieo hạt làm gốc ghép, giá thể ruột bầu cần được xử lý bằng thuốc trừ nấm.

3.1.2. Yêu cầu về túi bầu

– Bầu được làm bằng polyetylen, có độ dày 0,2 mm;

– Hình dạng túi bầu: có hình khối trụ tròn;

– Kích thước túi bầu (đường kính x chiều cao) tối thiểu từ 10 đến 12 x từ 20 đến 22 cm, có thể làm to hơn tùy vào điều kiện sinh thái từng vùng. Lỗ thoát nước được phân bố đều ở nửa dưới của bầu (thành bầu và đáy bầu) khoảng từ 12 đến 16 lỗ/bầu, với kích thước từ 6 đến 8 mm.

3.2. Yêu cầu đối với gốc ghép

3.2.1. Giống làm gốc ghép

Giống đa phôi, sinh trưởng khỏe; được nghiên cứu, thử nghiệm có tính tương hợp với giống sản xuất, chống chịu tốt với điều kiện môi trường bất thuận và một số bệnh nguy hiểm như Greening, Tristeza…

3.2.2. Hình thái và sinh trưởng

Sinh trưởng khỏe, lá xanh đậm, không có dấu hiệu của các loại sâu bệnh hại nguy hiểm.

3.2.3. Kích thước

Chiều cao từ 40 đến 60 cm, đường kính gốc (cách mặt bầu 20 cm) đạt từ 0,6 đến 0,8 cm.

3.3. Yêu cầu đối với cây lấy mắt ghép và mắt ghép.

3.3.1. Cây cung cấp vật liệu nhân giống

Cây So, S1, sạch bệnh virus, vi khuẩn được trồng trong điều kiện nhà lưới cách ly môi giới truyền bệnh, tuổi trên 1 năm và trong thời gian hiệu lực của Giấy công nhận nguồn giống.

3.3.2. Yêu cầu đối với vật liệu nhân giống

Cành bánh tẻ, đã hóa gỗ, sinh trưởng khỏe, mắt ghép lộ rõ ở đỉnh sinh trưởng.

3.4. Yêu cầu về cây giống xuất vườn

3.4.1. Hình thái và sinh trưởng

Cây sinh trưởng khỏe, lá xanh đậm, có từ 1 đến 3 cành cấp 1, không có dấu hiệu của các loại sâu bệnh nguy hiểm.

3.4.2. Tuổi cây giống

Tuổi cây giống không quá 2 năm, kể cả thời gian trồng hạt gốc ghép.

3.4.3. Kích thước

Kích thước cây giống xuất vườn phân làm hai loại và phải đảm bảo các chỉ tiêu quy định tại Bảng 1.

Bảng 1 –  Yêu cầu về kích thước cây giống khi xuất vườn

TT

Chỉ tiêu

Loại I

Loại II

Cam

Quýt

Bưởi

Cam

Quýt

Bưởi

1

Chiều cao cây tính từ mặt bầu (cm)

> 60

> 60

> 60

50 – 60

50 – 60

50 – 60

2

Chiều dài cành ghép tính từ vết ghép đến ngọn cành dài nhất (cm)

> 40

> 40

> 40

30-40

30-40

30-40

3

Đường kính gốc ghép đo cách mặt bầu 10 cm (cm)

> 0,8

> 0,8

> 0,8

0,6–0,8

0,6–0,8

0,6–0,8

4

Đường kính cành ghép đo trên vết ghép 2 cm (cm)

> 0,7

> 0,7

> 0,7

0,5-0,6

0,5-0,6

0,5-0,6

5

Số cành cấp I

2-3

2-3

2-3

1-3

1-3

1-3

4. Phương pháp kiểm tra

4.1. Thời điểm kiểm tra : Khi xuất vườn

4.2. Kiểm tra chất lượng cây giống:

Việc lấy mẫu kiểm tra phải do người lấy mẫu do cơ quan có thẩm quyền chỉ định thực hiện. Số lượng cây giống lấy mẫu để kiểm tra mỗi chỉ tiêu do người lấy mẫu quyết định. Các chỉ tiêu và phương pháp kiểm tra cây giống xuất vườn được quy định trong Bảng 2.

Bảng 2 – Chỉ tiêu và phương pháp kiểm tra cây giống xuất vườn

Tên chỉ tiêu

Phương pháp kiểm tra
1. Hình thái chung Quan sát bằng mắt thường và mô tả bằng từ ngữ
2. Bộ lá Quan sát bằng mắt thường và mô tả bằng từ ngữ
3. Đường kính thân Sử dụng thước kẹp có độ chính xác 0,1 mm, đo tại vị trí phía trên vết ghép 2cm
4. Chiều cao Sử dụng thước dây có độ chính xác 1 mm, đo từ mặt bầu tới đỉnh sinh trưởng của phần thân ghép
5. Tuổi cây Kiểm tra nhật ký/hồ sơ của cơ sở sản xuất cây giống liên quan đến thời gian ghép của từng lô cây giống
6. Sâu bệnh Quan sát bằng mắt thường hoặc kính lúp
7. Độ chuẩn giống Đánh giá dựa vào hồ sơ nguồn gốc vật liệu nhân giống, giống gốc ghép, mô tả các hình thái, chỉ tiêu đặc trưng của giống

5. Yêu cầu ghi nhãn

5.1. Vật liệu làm nhãn

Vật liệu của nhãn phải có đặc tính chống thấm ướt, không quá cứng tạo ra nguy cơ làm trầy xước các bộ phận của cây.

5.2. Ghi nhãn

Trên nhãn phải bao gồm các thông tin sau:

– Tên giống, các chỉ tiêu chất lượng chính;

– Mã hiệu nguồn giống;

– Mã hiệu lô giống;

– Tên và địa chỉ cơ sở sản xuất;

– Ngày kiểm định;

– Người kiểm định cây giống;

– Ngày xuất vườn và thời gian sử dụng.

5.3. Vị trí nhãn

Mã hiệu nguồn giống, mã hiệu lô giống, tên và địa chỉ cơ sở sản xuất có thể được in trên túi bầu hoặc trên đai buộc gắn trên phần gốc của từng cây giống. Các thông tin về ngày kiểm định, tên người kiểm định cây giống và thời vụ trồng ghi trên đai buộc gắn trên phần gốc của từng cây giống khi cây giống đạt các yêu cầu kỹ thuật nêu trong mục 3.4.

 

THƯ MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] 10TCN 631-2006 Cây giống cam quýt – yêu cầu kỹ thuật

[2] 10TCN 629-2006 Cây giống bưởi – yêu cầu kỹ thuật

TIÊU CHUẨN VIỆT NAM TCVN 9302:2013 VỀ CÂY GIỐNG CAM, QUÝT, BƯỞI – YÊU CẦU KỸ THUẬT
Số, ký hiệu văn bản TCVN9302:2013 Ngày hiệu lực 29/07/2013
Loại văn bản Tiêu chuẩn Việt Nam Ngày đăng công báo
Lĩnh vực Nông nghiệp - Nông thôn
Ngày ban hành 29/07/2013
Cơ quan ban hành Bộ khoa học và công nghê
Tình trạng Còn hiệu lực

Các văn bản liên kết

Văn bản được hướng dẫn Văn bản hướng dẫn
Văn bản được hợp nhất Văn bản hợp nhất
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung Văn bản sửa đổi, bổ sung
Văn bản bị đính chính Văn bản đính chính
Văn bản bị thay thế Văn bản thay thế
Văn bản được dẫn chiếu Văn bản căn cứ

Tải văn bản