VĂN BẢN HỢP NHẤT 02/VBHN-NHNN NĂM 2020 HỢP NHẤT THÔNG TƯ QUY ĐỊNH PHÍ RÚT TIỀN MẶT QUA TÀI KHOẢN THANH TOÁN TẠI NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM

Hiệu lực: Còn hiệu lực Ngày có hiệu lực: 14/01/2020

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM
——–

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: 02/VBHN-NHNN

Hà Nội, ngày 14 tháng 01 năm 2020

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH PHÍ RÚT TIỀN MẶT QUA TÀI KHOẢN THANH TOÁN TẠI NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM

Thông tư số 35/2014/TT-NHNN ngày 20 tháng 11 năm 2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định phí rút tiền mặt qua tài khoản thanh toán tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 01 năm 2015 được sửa đổi, bổ sung bởi:

Thông tư số 27/2019/TT-NHNN ngày 25 tháng 12 năm 2019 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 35/2014/TT-NHNN ngày 20 tháng 11 năm 2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định phí rút tiền mặt qua tài khoản thanh toán tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2020.

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 46/2010/QH12 ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 156/2013/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Căn cứ Nghị định số 222/2013/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ về thanh toán bằng tiền mặt;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Thanh toán;

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư quy định phí rút tiền mặt qua tài khoản thanh toán tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam[1].

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về phí rút tiền mặt qua tài khoản thanh toán tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Điều 3. Mức phí rút tiền mặt tại Ngân hàng Nhà nước[2]

1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được miễn phí rút tiền mặt trong tháng khi giá trị tiền mặt rút qua tài khoản thanh toán nhỏ hơn hoặc bằng giá trị tiền mặt không đủ tiêu chuẩn lưu thông nộp về Ngân hàng Nhà nước cùng nơi mở tài khoản.

2. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chịu mức phí 0,005% trên số chênh lệch dương trong tháng giữa giá trị tiền mặt rút qua tài khoản thanh toán trừ giá trị tiền mặt không đủ tiêu chuẩn lưu thông nộp về Ngân hàng Nhà nước cùng nơi mở tài khoản.

Điều 3a. Phương thức thu phí rút tiền mặt[3]

Hàng tháng, sau khi tính và thu phí rút tiền mặt của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Sở Giao dịch, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, căn cứ chứng từ thu phí theo Bảng kê tính phí theo Phụ lục đính kèm Thông tư này, hạch toán khoản thu phí rút tiền mặt theo quy định về Hệ thống tài khoản kế toán được ban hành tại Thông tư số 19/2015/TT-NHNN ngày 22/10/2015 quy định hệ thống tài khoản kế toán Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Sổ tay hướng dẫn vận hành của hệ thống Ngân hàng lõi, kế toán lập ngân sách và tích hợp hệ thống.

Điều 4. Trách nhiệm của các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước

1. Sở Giao dịch

a) Thực hiện việc thu phí rút tiền mặt qua tài khoản thanh toán của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại đơn vị;

b)[4] (được bãi bỏ)

2. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

a) Thực hiện việc thu phí rút tiền mặt của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài qua tài khoản thanh toán tại đơn vị;

b)[5] (được bãi bỏ)

3. Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng chịu trách nhiệm thanh tra, giám sát việc thực hiện Thông tư này và xử lý các vi phạm theo thẩm quyền.

4. Vụ Thanh toán

a) Theo dõi tình hình thực hiện, giải quyết vướng mắc và tham mưu cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước những vấn đề liên quan đến việc thực hiện Thông tư này;

b)[6] Tổng hợp, báo cáo số liệu thu phí rút tiền mặt qua tài khoản thanh toán tại Ngân hàng Nhà nước theo yêu cầu của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

5.[7] Cục Công nghệ thông tin

Xây dựng phần mềm nghiệp vụ để tính toán, thu phí tự động và thực hiện bổ sung các mẫu biểu báo cáo liên quan tự động vào hệ thống thông tin báo cáo thống kê, tài chính của Ngân hàng Nhà nước.

Điều 5. Hiệu lực thi hành[8]

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 01 năm 2015.

2. Bãi bỏ Thông tư số 01/2007/TT-NHNN ngày 07/3/2007 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thực hiện Điều 4 và Điều 7 Nghị định số 161/2006/NĐ-CP ngày 28/12/2006 của Chính phủ quy định về thanh toán bằng tiền mặt.

Điều 6. Tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc (Giám đốc) tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chịu trách nhiệm tổ chức thi hành Thông tư này./.

 

PHỤ LỤC[9]

BẢNG KÊ TÍNH PHÍ RÚT TIỀN MẶT QUA TÀI KHOẢN THANH TOÁN TẠI NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM
(Ban hành kèm theo Thông tư số 27/2019/TT-NHNN ngày 25/12/2019 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam)

Tên đơn vị: Sở Giao dịch/Chi nhánh NHNN

Tên khách hàng (tổ chức tín dụng/chi nhánh ngân hàng nước ngoài):

Số liệu: Tháng….. năm……

Số tài khoản:

Tên tài khoản:

Đơn vị: đồng

STT

Ngày

Số chứng từ ghi nhận

Tài khoản có

Số tiền rút
(triệu đồng)

Số tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông nộp về NHNN
(triệu đồng)

Chênh lệch
(1) – (2)

Số tiền phí
(triệu đồng)

               
               
Tổng cộng (1) (2) (3) (4)

Số tiền phí rút tiền mặt trong tháng…. năm…. là:…. (bằng chữ)………………………

 

 …., ngày….. tháng….. năm………..

LẬP BẢNG
(Ký và ghi rõ họ tên, số điện thoại liên hệ)

KIỂM SOÁT
(Ký và ghi rõ họ tên)

GIÁM ĐỐC
(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

 

Hướng dẫn cách lập bảng kê và tổng hợp số liệu:

– Đơn vị lập Bảng kê: Sở Giao dịch, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

– Việc thực hiện đối soát theo thỏa thuận giữa Sở Giao dịch, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

– Diễn giải:

(1) là Tổng số tiền mặt bằng đồng Việt Nam mà tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài rút qua tài khoản thanh toán tại đơn vị NHNN nơi mở tài khoản trong tháng.

(2) là Tổng số tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông mà tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nộp về đơn vị NHNN nơi mở tài khoản trong tháng theo quy định về việc thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông.

Công thức tính

+ Nếu (3) ≤ 0 thì (4) = 0

+ Nếu (3) > 0 thì (4) = (3) x 0,005%

 

 

XÁC THỰC VĂN BẢN HỢP NHẤT

KT. THỐNG ĐỐC
PHÓ THỐNG ĐỐC


Đào Minh Tú


[1] Thông tư số 27/2019/TT-NHNN ngày 25 tháng 12 năm 2019 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 35/2014/TT-NHNN ngày 20 tháng 11 năm 2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định phí rút tiền mặt qua tài khoản thanh toán tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có căn cứ ban hành như sau:

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 222/2013/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ về thanh toán bằng tiền mặt;

Căn cứ Nghị định số 16/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Thanh toán;

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 35/2014/TT-NHNN ngày 20 tháng 11 năm 2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định phí rút tiền mặt qua tài khoản thanh toán tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.”

[2] Điều này được sửa đổi theo quy định tại Khoản 1 Điều 1 Thông tư số 27/2019/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 35/2014/TT-NHNN ngày 20 tháng 11 năm 2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định phí rút tiền mặt qua tài khoản thanh toán tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2020.

[3] Điều này được bổ sung theo quy định tại Khoản 2 Điều 1 Thông tư số 27/2019/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 35/2014/TT-NHNN ngày 20 tháng 11 năm 2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định phí rút tiền mặt qua tài khoản thanh toán tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2020.

[4] Điểm này được bãi bỏ theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Thông tư số 27/2019/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 35/2014/TT-NHNN ngày 20 tháng 11 năm 2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định phí rút tiền mặt qua tài khoản thanh toán tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2020.

[5] Điểm này được bãi bỏ theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Thông tư số 27/2019/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 35/2014/TT-NHNN ngày 20 tháng 11 năm 2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định phí rút tiền mặt qua tài khoản thanh toán tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2020.

[6] Điểm này được sửa đổi theo quy định tại Khoản 3 Điều 1 Thông tư số 27/2019/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 35/2014/TT-NHNN ngày 20 tháng 11 năm 2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định phí rút tiền mặt qua tài khoản thanh toán tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2020.

[7] Khoản này được bổ sung theo quy định tại Khoản 4 Điều 1 Thông tư số 27/2019/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 35/2014/TT-NHNN ngày 20 tháng 11 năm 2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định phí rút tiền mặt qua tài khoản thanh toán tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2020.

[8] Điều 3, Điều 4 Thông tư số 27/2019/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 35/2014/TT-NHNN ngày 20 tháng 11 năm 2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định phí rút tiền mặt qua tài khoản thanh toán tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2020 quy định như sau:

“Điều 3. Trách nhiệm tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Chủ tịch Hội đồng quản trị (Hội đồng thành viên), Tổng Giám đốc (Giám đốc) các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.

Điều 4. Điều khoản thi hành

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 5 năm 2020./.”

[9] Phụ lục này được thay thế theo quy định tại Khoản 2 Điều 2 Thông tư số 27/2019/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 35/2014/TT-NHNN ngày 20 tháng 11 năm 2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định phí rút tiền mặt qua tài khoản thanh toán tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2020.

VĂN BẢN HỢP NHẤT 02/VBHN-NHNN NĂM 2020 HỢP NHẤT THÔNG TƯ QUY ĐỊNH PHÍ RÚT TIỀN MẶT QUA TÀI KHOẢN THANH TOÁN TẠI NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM
Số, ký hiệu văn bản 02/VBHN-NHNN Ngày hiệu lực 14/01/2020
Loại văn bản Văn bản hợp nhất Ngày đăng công báo 30/01/2020
Lĩnh vực Hoạt động tiền tệ, quản lý ngoại hối
Tài chính ngân hàng
Ngày ban hành 14/01/2020
Cơ quan ban hành Ngân hàng nhà nước
Tình trạng Còn hiệu lực

Các văn bản liên kết

Văn bản được hướng dẫn Văn bản hướng dẫn
Văn bản được hợp nhất Văn bản hợp nhất
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung Văn bản sửa đổi, bổ sung
Văn bản bị đính chính Văn bản đính chính
Văn bản bị thay thế Văn bản thay thế
Văn bản được dẫn chiếu Văn bản căn cứ

Tải văn bản