Cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ nếu đáp ứng đủ các tiêu chuẩn và điều kiện thì sẽ được xem xét, lựa chọn là nhà khoa học đầu ngành thuộc các ngành khoa học và công nghệ do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể thủ tục xét công nhận nhà khoa học đầu ngành theo Luật Khoa học và công nghệ 2013, Nghị định 40/2014/NĐ-CP, Nghị định 27/2020/NĐ-CP.
1. Một số khái niệm cơ bản
Khoa học là hệ thống tri thức về bản chất, quy luật tồn tại và phát triển của sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy (khoản 1 Điều 3 Luật Khoa học và công nghệ 2013)
Công nghệ là giải pháp, quy trình, bí quyết kỹ thuật có kèm theo hoặc không kèm theo công cụ, phương tiện dùng để biến đổi nguồn lực thành sản phẩm (khoản 2 Điều 3 Luật Khoa học và công nghệ 2013)
Hoạt động khoa học và công nghệ là hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu và triển khai thực nghiệm, phát triển công nghệ, ứng dụng công nghệ, dịch vụ khoa học và công nghệ, phát huy sáng kiến và hoạt động sáng tạo khác nhằm phát triển khoa học và công nghệ (khoản 3 Điều 3 Luật Khoa học và công nghệ 2013)
Cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người thực hiện hoạt động khoa học và công nghệ (khoản 12 Điều 3 Luật Khoa học và công nghệ 2013)
2. Chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ
Căn cứ theo quy định tại Điều 19 Luật Khoa học và công nghệ 2013 thì:
– Chức danh nghiên cứu khoa học là tên gọi thể hiện trình độ và năng lực nghiên cứu khoa học của cá nhân hoạt động trong lĩnh vực khoa học, gồm trợ lý nghiên cứu, nghiên cứu viên, nghiên cứu viên chính, nghiên cứu viên cao cấp.
Cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ tham gia giảng dạy, đào tạo đại học, sau đại học được xét bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư.
– Chức danh công nghệ là tên gọi thể hiện trình độ và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của cá nhân hoạt động trong từng lĩnh vực công nghệ.
– Người có học vị tiến sĩ hoặc có công trình nghiên cứu khoa học và công nghệ xuất sắc hoặc được giải thưởng cao về khoa học và công nghệ được xét công nhận, bổ nhiệm vào chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ cao hơn không phụ thuộc vào năm công tác.
3. Nhà khoa học đầu ngành
3.1 Tiêu chuẩn của nhà khoa học đầu ngành
Căn cứ theo quy định tại khoản 7 Điều 1 Nghị định 27/2020/NĐ-CP về tiêu chuẩn của nhà khoa học đầu ngành thì:
Cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ được xem xét, lựa chọn là nhà khoa học đầu ngành thuộc các ngành khoa học và công nghệ do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định.Tiêu chuẩn chung của nhà khoa học đầu ngành:
Cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ được xem xét, công nhận nhà khoa học đầu ngành nếu đáp ứng đồng thời các tiêu chuẩn chung sau:
– Không vi phạm một trong các hành vi bị cấm theo quy định của pháp luật, không đang trong thời gian bị xử lý kỷ luật bằng hình thức từ khiển trách trở lên hoặc thi hành án hình sự;
– Có kinh nghiệm quản lý, chỉ đạo hoạt động chuyên môn và năng lực tham gia hội nhập quốc tế, đại diện cho ngành, chuyên ngành trong các hoạt động trao đổi học thuật:
+ Là người đứng đầu về chuyên môn của bộ môn khoa học, phòng thí nghiệm hoặc tương đương trong các đại học, trường đại học, viện nghiên cứu và các tổ chức khoa học và công nghệ thuộc thẩm quyền thành lập hoặc là cá nhân có kinh nghiệm lãnh đạo nhóm nghiên cứu, phòng thí nghiệm hoặc đơn vị học thuật có uy tín;
+ Có khả năng tập hợp, huy động các cán bộ khoa học xuất sắc, dẫn dắt được nhóm nghiên cứu triển khai thực hiện ý tưởng nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ mới để phát triển, dẫn dắt một ngành hoặc một chuyên ngành khoa học;
+ Được mời giảng dạy tại trường đại học thuộc nhóm 500 Đại học hàng đầu theo Bảng xếp hạng thường niên về thứ hạng của các trường đại học trên thế giới của tổ chức giáo dục Quacquarelli, Anh quốc hoặc Bảng xếp hạng các đại học trên toàn thế giới của Thời báo Giáo dục đại học Anh quốc; hoặc tham gia, hợp tác nghiên cứu với các nhà khoa học nước ngoài có uy tín, có kết quả khoa học chung đã được công bố; hoặc có báo cáo được mời trình bày tại các hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế chuyên ngành có uy tín; hoặc chủ trì hội nghị, hội thảo khoa học chuyên ngành ở cấp quốc gia;
+ Cá nhân làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học đã hướng dẫn chính ít nhất 05 nghiên cứu sinh.
– Trình độ đào tạo và ngoại ngữ:
+ Có trình độ tiến sỹ trở lên;
+ Sử dụng thành thạo tiếng Anh hoặc một trong các ngôn ngữ chính thức khác của Liên hiệp quốc.
– Đáp ứng điều kiện về thành tích, kết quả hoạt động khoa học và công nghệ
– Có Đề án định hướng phát triển chuyên ngành khoa học được các Hội đồng thông qua và có khả năng huy động được nhóm nghiên cứu để triển khai thực hiện Đề án định hướng phát triển chuyên ngành khoa học.
Đề án định hướng phát triển chuyên ngành khoa học phải hướng đến phát triển được một hướng nghiên cứu mới, hoặc giải quyết được một vấn đề khoa học và công nghệ của đất nước, tiên phong triển khai các ý tưởng nghiên cứu khoa học mới, hoặc kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ được chuyển giao, mang lại nhiều sản phẩm khoa học và công nghệ có giá trị cho xã hội.
Lưu ý:
– Cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ ngoài các tiêu chuẩn chung như trên, được xem xét, lựa chọn công nhận là nhà khoa học đầu ngành nếu đạt đồng thời các điều kiện sau:
+Là thành viên Ban Biên tập tạp chí khoa học quốc tế có uy tín theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ; hoặc có H index (theo Google Scholar) từ 10 trở lên; hoặc đạt giải thưởng khoa học và công nghệ uy tín quốc tế theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ; hoặc có ít nhất 10 bài báo khoa học được đăng trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ.
+ Trong 05 năm gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ tham gia xét chọn có ít nhất 01 sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ và được ứng dụng trong thực tiễn, mang lại hiệu quả cao về kinh tế – xã hội; hoặc là chủ nhiệm của ít nhất 01 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia; hoặc là chủ nhiệm 02 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ đã nghiệm thu kết quả từ đạt yêu cầu trở lên và kết quả/sản phẩm của nhiệm vụ có giá trị, tác động, hiệu quả cao về kinh tế – xã hội; hoặc là chủ nhiệm 01 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ đã nghiệm thu từ đạt yêu cầu trở lên và là tác giả chính của 01 bài báo khoa học được đăng trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ.
– Đối với lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ ngoài các tiêu chuẩn chung quy định tại khoản 2 Điều này, được xem xét, lựa chọn công nhận là nhà khoa học đầu ngành nếu là tác giả chính của ít nhất 03 bài báo khoa học được đăng trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ; hoặc có ít nhất 05 bài báo khoa học được đăng trên tạp chí khoa học có mã số chuẩn quốc tế ISSN thuộc Danh mục tạp chí được tính điểm của Hội đồng giáo sư ngành, liên ngành hằng năm của Hội đồng giáo sư nhà nước mà mỗi bài được tính điểm công trình từ 01 điểm trở lên và là chủ biên của ít nhất 01 sách chuyên khảo thuộc lĩnh vực chuyên ngành đã được xuất bản tại nhà xuất bản có uy tín, hoặc đã tham gia chủ trì hoặc là thành viên chính trong các hoạt động nghiên cứu, tư vấn xây dựng dự thảo các văn kiện, văn bản của Đảng, chiến lược phát triển quốc gia đã được ban hành hoặc công trình nghiên cứu đóng góp cho xây dựng, hoạch định chính sách được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.
3.2 Nhiệm vụ của nhà khoa học đầu ngành
Căn cứ theo quy định tại Điều 17 Nghị định 40/2014/NĐ-CP, khoản 9 Điều 1 Nghị định 27/2020/NĐ-CP thì nhà khoa học đầu ngành có những nhiệm vụ sau đây:
Nhiệm vụ chung:
– Phát triển hướng nghiên cứu mới của ngành;
– Phát triển ngành khoa học đạt trình độ quốc tế;
– Đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ kế cận của ngành;
– Đại diện cho ngành phối hợp với các ngành khoa học khác trong nước và đại diện cho ngành trong quan hệ hợp tác, trao đổi khoa học với giới khoa học nước ngoài.
Nhiệm vụ cụ thể:
– Triển khai thực hiện bảo đảm tiến độ, chất lượng công việc theo Đề án định hướng phát triển chuyên ngành khoa học đã được Hội đồng xét chọn do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập thông qua, trong đó đạt ít nhất một trong các kết quả sau đây:
+ Bài báo khoa học được đăng trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ hoặc tạp chí khoa học trong nước có mã số chuẩn quốc tế ISSN thuộc Danh mục tạp chí được tính điểm của Hội đồng giáo sư ngành, liên ngành hằng năm của Hội đồng giáo sư nhà nước; chủ trì hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế thuộc chuyên ngành; hoặc tham gia là thành viên Ban biên tập tạp chí khoa học quốc tế có uy tín theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ;
+ Công trình khoa học được nhận giải thưởng quốc tế, giải thưởng trong nước có uy tín; hoặc sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ; hoặc công nghệ, giải pháp kỹ thuật được ứng dụng trong thực tiễn;
– Hằng năm, có hướng dẫn học viên cao học và nghiên cứu sinh thuộc chuyên ngành nghiên cứu; tham gia đào tạo đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ kế cận của ngành, lĩnh vực;
– Tham gia tư vấn, xây dựng, đánh giá, phản biện về các chủ trương, chính sách, kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ quốc gia và của ngành; tham gia giải quyết các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đột xuất của ngành;
– Tham gia tuyển chọn, nghiệm thu, phản biện độc lập các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia, cấp bộ và cấp tỉnh.
3.3 Ưu đãi đối với nhà khoa học đầu ngành
Căn cứ theo quy định tại Điều 18 Nghị định 40/2014/NĐ-CP, khoản 10 Điều 1 Nghị định 27/2020/NĐ-CP thì nhà khoa học đầu ngành được hưởng những ưu đãi sau đây:
– Được cấp kinh phí để triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã được phê duyệt theo Đề án định hướng phát triển chuyên ngành khoa học đã được Hội đồng xét chọn nhà khoa học đầu ngành do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập thông qua theo tiến độ hằng năm để thực hiện Đề án.
– Được hỗ trợ kinh phí sử dụng phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia và các phòng thí nghiệm trọng điểm khác để triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, trừ trường hợp kinh phí này đã được dự toán trong kinh phí thực hiện nhiệm vụ.
– Được hỗ trợ kinh phí để công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín; đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế và giống cây trồng; xuất bản công trình khoa học có giá trị cao về khoa học và thực tiễn.
– Được hỗ trợ kinh phí tham dự hội thảo khoa học chuyên ngành ở trong nước và nước ngoài; số lần tham dự hội thảo khoa học ở nước ngoài không quá 02 lần/năm, trừ trường hợp đặc biệt do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét, quyết định.
– Được hỗ trợ kinh phí tổ chức hội thảo khoa học quốc tế chuyên ngành tại Việt Nam.
– Được hưởng ưu đãi hàng tháng bằng 100% mức lương hiện hưởng.
– Được hưởng các chính sách và các ưu đãi khác theo quy định.
– Được vinh danh, xem xét trao tặng các danh hiệu, giải thưởng về khoa học và công nghệ đối với các kết quả hoạt động khoa học và công nghệ xuất sắc theo quy định của pháp luật liên quan.
3.4 Thẩm quyền công nhận
Căn cứ theo quy định tại khoản 8 Điều 1 Nghị định 27/2020/NĐ-CP thì cá nhân sau khi đáp ứng điều kiện về công nhận thì nộp hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền, cụ thể theo quy đinh thì: Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định công nhận kết quả xét chọn.
Lưu ý: Căn cứ theo quy định tại Điều 20 Nghị định 40/2014/NĐ-CP, khoản 12 Điều 1 Nghị định 27/2020/NĐ-CP về tiếp tục hoặc dừng áp dụng chính sách đối với nhà khoa học đầu ngành thì:
– Dừng áp dụng chính sách đối với nhà khoa học đầu ngành trong các trường hợp sau:
+ Không hoàn thành các nhiệm vụ theo tiến độ và kết quả công việc thực hiện theo Đề án đã được thông qua trong 03 năm liên tiếp, kể từ khi được áp dụng chính sách trọng dụng đối với nhà khoa học đầu ngành mà không có lý do chính đáng được cơ quan chủ quản xem xét, chấp thuận;
+ Thiếu trung thực trong kê khai hồ sơ làm sai lệch kết quả xét công nhận nhà khoa học đầu ngành;
+ Vi phạm quy định về các hành vi bị cấm trong hoạt động khoa học và công nghệ.
Kết luận: Cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ nếu đáp ứng đủ các tiêu chuẩn và điều kiện thì sẽ được xem xét, lựa chọn là nhà khoa học đầu ngành thuộc các ngành khoa học và công nghệ do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định. Khi được công nhận là nhà khoa học đầu ngành thì các cá nhân đó sẽ được hưởng những chính sách trọng dụng và ưu đãi theo quy định của pháp luật. Khi thực hiện thủ tục xét công nhận nhà khoa học đầu ngành cần phải tuân thủ theo quy định tại Luật Khoa học và công nghệ 2013, Nghị định 40/2014/NĐ-CP, Nghị định 27/2020/NĐ-CP.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, biểu mẫu, thực hiện tại đây:
Xét công nhận nhà khoa học đầu ngành