13. Cấp, cấp lại, cấp sửa đổi bổ sung Giấy phép bán lẻ sản phẩm thuốc lá
Tổ chức muốn bán lẻ thuốc lá, thì theo quy định của pháp luật tổ chức phải đăng ký cấp giấy phép bán lẻ sản phẩm thuốc lá. Bên cạnh đó, tổ chức có thể nộp hồ sơ đề nghị cấp lại hoặc cấp sửa đổi bổ sung. Sau đây Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể hóa nội dung này dựa trên những quy định của Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012, Nghị định 67/2013/NĐ-CP, Nghị định 98/2020/NĐ-CP, Nghị định 106/2017/NĐ-CP, Nghị định 08/2018/NĐ-CP, Nghị định 17/2020/NĐ-CP, Thông tư 57/2018/TT-BCT, Thông tư 28/2019/TT-BCT
1. Một số khái niệm cơ bản
Thuốc lá là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu thuốc lá, được chế biến dưới dạng thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác (khoản 1 Điều 2 Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012)
Sử dụng thuốc lá là hành vi hút, nhai, ngửi, hít, ngậm sản phẩm thuốc lá (khoản 2 Điều 2 Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012)
Nguyên liệu thuốc lá là lá thuốc lá dưới dạng rời, tấm đã sơ chế tách cọng, sợi thuốc lá, cọng thuốc lá và nguyên liệu thay thế khác dùng để sản xuất thuốc lá (khoản 3 Điều 2 Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012)
Tác hại của thuốc lá là ảnh hưởng có hại của việc sản xuất, sử dụng thuốc lá gây ra cho sức khỏe con người, môi trường và sự phát triển kinh tế – xã hội (khoản 4 Điều 2 Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012)
Kinh doanh thuốc lá là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình từ sản xuất, nhập khẩu đến tiêu thụ thuốc lá trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi (khoản 6 Điều 2 Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012)
2. Điều kiện cấp Giấy phép bán lẻ sản phẩm thuốc lá
Để được buôn bán sản phẩm là thuốc lá, tổ chức phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Điều 1,2 Nghị định 106/2017/NĐ-CP, Điều 3,4 Nghị định 08/2018/NĐ-CP , cụ thể:
– Thương nhân được thành lập theo quy định của pháp luật
– Địa điểm kinh doanh không vi phạm quy định về địa điểm không được bán thuốc lá theo quy định gồm: Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được tổ chức, cho phép hoặc bán thuốc lá tại các địa điểm quy định; không được bán thuốc lá phía ngoài cổng nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường tiểu học, trung học cơ sở, phổ thông trung học, viện nghiên cứu y học, bệnh viện, nhà hộ sinh, trung tâm y tế dự phòng, trạm y tế xã, phường, thị trấn trong phạm vi 100 mét (m) tính từ ranh giới khuôn viên gần nhất của cơ sở đó.
– Có văn bản giới thiệu của các thương nhân phân phối hoặc thương nhân bán buôn sản phẩm thuốc lá ghi rõ địa bàn dự kiến kinh doanh
Lưu ý:
Bên cạnh đó, tổ chức còn phải tuân theo các quy định cấm tại Điều 9 Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012 cụ thể cấm:
– Sản xuất, mua bán, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá giả, sản phẩm được thiết kế có hình thức hoặc kiểu dáng như bao, gói hoặc điếu thuốc lá; mua bán, tàng trữ, vận chuyển nguyên liệu thuốc lá, thuốc lá nhập lậu.
– Quảng cáo, khuyến mại thuốc lá; tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng dưới mọi hình thức.
– Tài trợ của tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc lá, trừ trường hợp quy định tại Điều 16 của Luật này.
– Người chưa đủ 18 tuổi sử dụng, mua, bán thuốc lá.
– Sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua, bán thuốc lá.
– Bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi.
– Bán thuốc lá bằng máy bán thuốc lá tự động; hút, bán thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm.
– Sử dụng hình ảnh thuốc lá trên báo chí, xuất bản phẩm dành riêng cho trẻ em.
– Vận động, ép buộc người khác sử dụng thuốc lá.
2.1 Trường hợp cấp lại
Tổ chức trong trường hợp muốn cấp lại Giấy phép bán lẽ sản phẩm thuốc lá phải đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 4 Điều 28 Nghị định 67/2013/NĐ-CP như sau: Giấy phép bán lẻ sản phẩm thuốc lá có thời hạn 05 năm. Trước thời điểm hết hiệu lực của giấy phép 30 ngày, thương nhân mua bán sản phẩm thuốc lá nộp hồ sơ xin cấp lại giấy phép trong trường hợp tiếp tục kinh doanh.
2.2. Trường hợp cấp sửa đổi
Tổ chức trong trường hợp có thay đổi nội dung trong Giấy phép bán lẽ sản phẩm thuốc lá thì phải nộp hồ sơ đề nghị cho cơ quan cấp phép, cụ thể quy định tại Điều 38 Nghị định 67/2013/NĐ-CP
3. Thẩm quyền giải quyết
Tổ chức muốn cấp, cấp lại, cấp sửa đổi Giấy phép bán lẽ sản phẩm thuốc lá phải nộp hồ sơ đề nghị cho cơ quan có thẩm quyền, cụ thể theo Điều 28 Nghị định 67/2013/NĐ-CP: Phòng Công Thương hoặc Phòng Kinh tế (cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh) cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung Giấy phép bán lẻ sản phẩm thuốc lá.
4. Xử phạt hành chính
Theo quy định tại Điều 19 Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012 có quy định như sau: Kinh doanh thuốc lá là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Tổ chức, cá nhân mua bán, chế biến, nhập khẩu nguyên liệu thuốc lá; sản xuất, mua bán, nhập khẩu thuốc lá phải có giấy phép do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
Như vậy, hành vi bán thuốc lá không có Giấy phép kinh doanh của các tổ chức cá nhân là hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về kinh doanh thuốc lá. Cụ thể vi phạm tại Điều 6 Nghị định 98/2020/NĐ-CP: Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định.
Kết luận: Tổ chức muốn cấp, cấp lại, cấp sửa đổi Giấy phép bán lẽ sản phẩm thuốc lá phải nộp hồ sơ đề nghị cho cơ quan có thẩm quyền, cụ thể quy định tại Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012, Nghị định 67/2013/NĐ-CP, Nghị định 98/2020/NĐ-CP, Nghị định 106/2017/NĐ-CP, Nghị định 08/2018/NĐ-CP, Nghị định 17/2020/NĐ-CP, Thông tư 57/2018/TT-BCT, Thông tư 28/2019/TT-BCT.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:
Cấp Giấy phép bán lẻ sản phẩm thuốc lá