1. Cấp, cấp lại, cấp sửa đổi bổ sung, gia hạn giấy phép tiến hành công việc bức xạ

Posted on

Trong quá trình hoạt động, các cá nhân, tổ chức muốn tiến hành công việc bức xạ hay thực hiện các công việc liên quan đến công việc bức xạ có thể sẽ tiến hành cấp, cấp lại, cấp sửa đổi bổ sung, gia hạn giấy phép tiến hành công việc bức xạ. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung đó theo Luật Năng lượng nguyên tử 2008, Nghị định 142/2020/NĐ-CP, Thông tư 02/2022/TT-BKHCN, Nghị định 107/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 126/2021/NĐ-CP)

1. Một số khái niệm cơ bản

Bức xạ là chùm hạt hoặc sóng điện từ có khả năng ion hóa vật chất (khoản 3 Điều 3 Luật Năng lượng nguyên tử 2008).

Công việc bức xạ bao gồm các hoạt động sau đây iều 3 Luật Năng lượng nguyên tử 2008):

– Vận hành lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu và nhà máy điện hạt nhân;

– Vận hành thiết bị chiếu xạ gồm máy gia tốc; thiết bị xạ trị; thiết bị chiếu xạ khử trùng, xử lý vật liệu và sử dụng các thiết bị bức xạ khác;

– Sản xuất, chế biến chất phóng xạ;

– Lưu giữ, sử dụng chất phóng xạ;

– Thăm dò, khai thác, chế biến quặng phóng xạ;

– Làm giàu urani; chế tạo nhiên liệu hạt nhân;

– Xử lý, lưu giữ, chôn cất chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng;

– Xây dựng, thay đổi quy mô và phạm vi hoạt động, chấm dứt hoạt động của cơ sở bức xạ, cơ sở hạt nhân;

– Sử dụng vật liệu hạt nhân ngoài chu trình nhiên liệu hạt nhân;

– Nhập khẩu, xuất khẩu chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân nguồn, vật liệu hạt nhân và thiết bị hạt nhân;

– Đóng gói, vận chuyển vật liệu phóng xạ;

– Vận chuyển vật liệu phóng xạ quá cảnh lãnh thổ Việt Nam;

– Vận hành tàu biển, phương tiện khác có động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân;

– Hoạt động khác tạo ra chất thải phóng xạ.

2. Giấy phép tiến hành công việc bức xạ

Tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ phải có giấy phép tiến hành công việc bức xạtrừ các trường hợp sau iều 73 Luật Năng lượng nguyên tử 2008):

– Sản xuất, chế biến, nhập khẩu, xuất khẩu, đóng gói, vận chuyển, lưu giữ, sử dụng chất phóng xạ có hoạt độ từ mức miễn trừ cấp phép trở xuống;

– Sử dụng nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ thuộc danh mục không phải xin cấp giấy phép.

3. Điều kiện cấp Giấy phép tiến hành công việc bức xạ

3.1. Điều kiện chung (khoản 1 Điều 7 Thông tư 08/2010/TT-BKHCN)

– Nộp đầy đủ hồ sơ theo quy định tại Thông tư này;

– Nộp phí thẩm định an toàn bức xạ, lệ phí cấp giấy phép theo quy định của pháp luật;

– Có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 75 Luật Năng lượng nguyên tử;

– Nhân viên bức xạ có chứng nhận đã được đào tạo về an toàn bức xạ.

3.2. Điều kiện riêng

Tùy thuộc vào cá nhân hay tổ chức sẽ có những điều kiện cụ thể (Điều 75 Luật Năng lượng nguyên tử 2008):

Đối với tổ chức: 

– Được thành lập theo quy định của pháp luật;

– Tiến hành công việc bức xạ phù hợp với chức năng hoạt động;

– Có đội ngũ nhân lực, cơ sở vật chất – kỹ thuật phù hợp;

– Đáp ứng đủ các điều kiện bảo đảm an toàn, an ninh đối với từng công việc bức xạ cụ thể theo quy định của Luật này;

– Hoàn thành hồ sơ, thủ tục xin cấp giấy phép theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Đối với cá nhân:

– Có đầy đủ năng lực hành vi dân sự;

– Tiến hành công việc bức xạ phù hợp với đăng ký hành nghề hoặc đăng ký kinh doanh;

– Có trình độ chuyên môn phù hợp;

– Đáp ứng đủ các điều kiện bảo đảm an toàn, an ninh đối với từng công việc bức xạ cụ thể theo quy định của Luật này;

– Hoàn thành hồ sơ, thủ tục xin cấp giấy phép theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

4. Thời hạn của Giấy phép tiến hành công việc bức xạ

Thời hạn của giấy phép tiến hành công việc bức xạ có quy định như sau (Điều 74 Luật Năng lượng nguyên tử 2008):

– Giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu nguồn phóng xạ có mức độ nguy hiểm dưới trung bình được cấp cho nhiều chuyến hàng có thời hạn mười hai tháng.

– Giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu nguồn phóng xạ có mức độ nguy hiểm từ trung bình trở lên, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân được cấp cho từng chuyến hàng có thời hạn sáu tháng.

– Giấy phép cho tổ chức, cá nhân nước ngoài vận chuyển vật liệu phóng xạ quá cảnh lãnh thổ Việt Nam; giấy phép cho tàu biển, phương tiện khác có động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân của nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có thời hạn sáu tháng.

– Giấy phép cho tàu biển, phương tiện khác có động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân của tổ chức, cá nhân trong nước có thời hạn mười năm.

– Giấy phép vận hành lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu, vận hành nhà máy điện hạt nhân có thời hạn mười năm.

– Giấy phép vận hành thiết bị chiếu xạ có thời hạn năm năm.

– Giấy phép tiến hành công việc bức xạ khác có thời hạn ba năm.

5. Gia hạn Giấy phép tiến hành công việc bức xạ

Tổ chức, cá nhân muốn gia hạn Giấy phép tiến hành công việc bức xạ phải gửi hồ sơ đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi giấy phép hết hạn ít nhất 45 ngày đối với giấy phép có thời hạn trên 12 tháng, ít nhất 15 ngày đối với giấy phép có thời hạn 6 tháng, 12 tháng. Sau thời điểm này, tổ chức, cá nhân phải đề nghị cấp giấy phép mới. (khoản 1 Điều 30 Nghị định 142/2020/NĐ-CP)

Lưu ý:

– Hồ sơ đề nghị gia hạn giấy phép được nộp tại cơ quan có thẩm quyền.

– Trong thời hạn quy định về xem xét cấp giấy phép, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm cấp giấy phép gia hạn hoặc từ chối bằng văn bản có nêu rõ lý do.

– Thời hạn của giấy phép gia hạn được tính từ ngày hết hạn của giấy phép cũ.

6. Sửa đổi, bổ sung Giấy phép tiến hành công việc bức xạ

*Việc sửa đổi giấy phép phải được các cá nhân, tổ chức đề nghị  trong các trường hợp sau (khoản 1 Điều 31 Nghị định 142/2020/NĐ-CP được hướng dẫn bởi Thông tư 02/2022/TT-BKHCN):

– Thay đổi các thông tin về tổ chức, cá nhân dược ghi trong giấy phép bao gồm tên, địa chỉ, số điện thoại, số fax;

– Thay đổi các thông tin về cửa khẩu xuất khẩu, nhập khẩu đối với giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển quá cảnh; tuyến đường vận chuyển đối với giấy phép vận chuyển, vận chuyển quá cảnh;

– Giảm số lượng nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ trong giấy phép do chuyển nhượng, xuất khẩu, chấm dứt sử dụng, chấm dứt vận hành hoặc bị mất;

– Hiệu chỉnh lại thông tin về nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ trong trường hợp phát hiện thông tin về nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ trong giấy phép chưa chính xác so với thực tế;

–  Thay đổi địa điểm tiến hành công việc bức xạ đối với thiết bị phát tia X có cơ cấu tự che chắn trong phân tích thành phần và kiểm tra chất lượng sản phẩm, thiết bị soi kiểm tra an ninh;

– Có nhiều giấy phép còn hiệu lực do cùng một cơ quan có thẩm quyền cấp.

*Việc bổ sung giấy phép phải được các cá nhân, tổ chức đề nghị trong các trường hợp sau (khoản 1 Điều 32 Nghị định 142/2020/NĐ-CP được hướng dẫn bởi Thông tư 02/2022/TT-BKHCN):

– Bổ sung nguồn phóng xạ mới, thiết bị bức xạ mới so với giấy phép đã được cấp;

– Bổ sung loại hình công việc bức xạ mới so với giấy phép đã được cấp, trừ các công việc bức xạ quy định tại khoản 2 Điều này;

– Tăng tổng hoạt độ đối với nguồn phóng xạ hở trong giấy phép đã được cấp.

Lưu ý:

– Hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung giấy phép được nộp tại cơ quan có thẩm quyền.

– Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm cấp giấy phép sửa đổi, bổ sung hoặc từ chối bằng văn bản có nêu rõ lý do.

– Giấy phép sửa đổi, bổ sung có thời hạn như giấy phép cũ.

7. Cấp lại Giấy phép tiến hành công việc bức xạ

Tổ chức, cá nhân được đề nghị cấp lại giấy phép khi bị rách, nát, mất.

Lưu ý:

-Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy phép tiến hành công việc bức xạ đến cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại khoản 1 Điều 29 Nghị định 142/2020/NĐ-CP.

– Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm cấp lại giấy phép hoặc từ chối bằng văn bản có nêu rõ lý do.

– Giấy phép cấp lại có thời hạn như giấy phép cũ.

8. Thu hồi Giấy phép tiến hành công việc bức xạ

Tổ chức, cá nhân bị thu hồi giấy phép tiến hành công việc bức xạ trong các trường hợp sau đây (khoản 1 Điều 79 Luật Năng lượng nguyên tử 2008):

– Vi phạm nghiêm trọng điều kiện về an toàn, an ninh;

– Vi phạm điều kiện về an toàn, an ninh mà không khắc phục được trong thời hạn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định;

– Bị xử phạt vi phạm hành chính do vi phạm quy định về an toàn, an ninh lần thứ hai trong khoảng thời gian mười hai tháng;

– Bị buộc phải chấm dứt hoạt động tiến hành công việc bức xạ theo quy định của pháp luật;

– Xin chấm dứt tiến hành công việc bức xạ.

Lưu ý:

– Tổ chức, cá nhân bị thu hồi giấy phép do vi phạm quy định về an toàn, an ninh chỉ được xem xét cấp lại giấy phép sau hai mươi bốn tháng, kể từ ngày bị thu hồi giấy phép (khoản 2 Điều 79 Luật Năng lượng nguyên tử 2008).

– Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép có quyền thu hồi giấy phép (khoản 3 Điều 79 Luật Năng lượng nguyên tử 2008).

9. Thẩm quyền cấp giấy phéptiến hành công việc bức xạ

Thẩm quyền cấp giấy phép thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, trừ các trường hợp sau (khoản 1 Điều 77 Luật Năng lượng nguyên tử 2008):

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép sử dụng thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế;

Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép thăm dò, khai thác, chế biến quặng phóng xạ trên cơ sở kết quả thẩm định an toàn của cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân;

Bộ Công thương cấp giấy phép vận hành thử và vận hành chính thức nhà máy điện hạt nhân sau khi thống nhất ý kiến với Bộ Khoa học và Công nghệ và Hội đồng an toàn hạt nhân quốc gia.

10. Xử lí vi phạm hành chính

10.1. Vi phạm quy định về giấy phép tiến hành công việc bức xạ bao gồm (Điều 6 Nghị định 107/2013/NĐ-CP

được sửa đổi bổ sung bởi Điều 4,5 Nghị định 126/2021/NĐ-CP):

Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi tiến hành công việc bức xạ khi giấy phép hết hạn sử dụng không quá 30 ngày làm việc hoặc không thực hiện thủ tục sửa đổi giấy phép tiến hành công việc bức xạ theo quy định

Hành vi tiến hành công việc bức xạ khi giấy phép hết hạn sử dụng từ trên 30 ngày làm việc thì bị xử phạt theo quy định tại các khoản 3, 4, 5, 6, 7, 8 và 9 Điều 6 Nghị định 107/2013/NĐ-CP.

– Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng thiết bị X-quang chẩn đoán y tế, X-quang thú y mà không có giấy phép.

– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây mà không có giấy phép trong trường hợp hành vi vi phạm chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự:

  • Sử dụng chất phóng xạ, thiết bị bức xạ, trừ các thiết bị quy định tại Khoản 3, Điểm a Khoản 6 Điều này;
  • Lưu giữ nguồn phóng xạ;
  • Xuất khẩu, nhập khẩu, tạm xuất tái nhập, tạm nhập tái xuất chất phóng xạ;
  • Các hoạt động tạo ra chất thải phóng xạ, trừ các hoạt động quy định tại các Khoản 5, 6, 7, 8 và 9 Điều này.

– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây mà không có giấy phép trong trường hợp hành vi vi phạm chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự:

  • Vận chuyển nguồn phóng xạ, chất thải phóng xạ;
  • Xử lý, lưu giữ, chôn cất chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng.

– Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây mà không có giấy phép trong trường hợp hành vi vi phạm chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự:

  • Sử dụng máy gia tốc, thiết bị chiếu xạ công nghiệp, thiết bị xạ trị từ xa, thiết bị dao mổ gamma, thiết bị chụp ảnh phóng xạ công nghiệp, hệ thiết bị gamma field, gamma cell;
  • Vận chuyển chất phóng xạ, chất thải phóng xạ quá cảnh lãnh thổ Việt Nam;
  • Sản xuất, chế biến chất phóng xạ;
  • Thăm dò, khai thác, chế biến quặng phóng xạ.

– Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây mà không có giấy phép trong trường hợp hành vi vi phạm chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự:

  • Xuất khẩu, nhập khẩu, tạm xuất tái nhập, tạm nhập tái xuất vật liệu hạt nhân nguồn, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân;
  • Sử dụng vật liệu hạt nhân ngoài chu trình nhiên liệu hạt nhân;
  • Thay đổi quy mô, phạm vi hoạt động cơ sở hạt nhân;
  • Vận chuyển vật liệu hạt nhân nguồn, vật liệu hạt nhân, nhiên liệu hạt nhân, nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng;
  • Xử lý, lưu giữ, chôn cất nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng.

– Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây mà không có giấy phép trong trường hợp hành vi vi phạm chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự

  • Vận chuyển vật liệu hạt nhân nguồn, vật liệu hạt nhân, nhiên liệu hạt nhân, nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng quá cảnh lãnh thổ Việt Nam;
  • Vận hành tàu biển, phương tiện, thiết bị, máy móc có động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân.

– Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng đối với tổ chức có hành vi vận hành, vận hành thử lò phản ứng hạt nhân mà không có giấy phép.

– Hình thức xử phạt bổ sung:

  • Đình chỉ hoạt động sử dụng nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, điểm a khoản 4, điểm a khoản 6 Điều 6 Nghị định 107/2013/NĐ-CP;
  • Đình chỉ hoạt động sử dụng thiết bị, phương tiện, máy móc, động cơ, lò phản ứng hạt nhân từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 8, khoản 9 Điều 6 Nghị định 107/2013/NĐ-CP.

– Biện pháp khắc phục hậu quả:

  • Buộc tái xuất chất phóng xạ nhập khẩu đối với hành vi vi phạm quy định tạiđiểm c khoản 4 Điều 6 Nghị định 107/2013/NĐ-CP;
  • Buộc tái xuất vật liệu hạt nhân nguồn, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân nhập khẩu đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 7 Điều 6 Nghị định 107/2013/NĐ-CP.

10.2. Vi phạm điều kiện ghi trong giấy phép tiến hành công việc bức xạ bao gồm (Điều 7 Nghị định 107/2013/NĐ-CP):

– Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm một trong các điều kiện quy định trong giấy phép, trừ hành vi vi phạm bị xử phạt theo các điều khoản khác quy định tại Nghị định này.

– Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ vào công việc khác với công việc được quy định trong giấy phép tiến hành công việc bức xạ.

– Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tổ chức có cơ sở hạt nhân thực hiện không đúng nội dung quy định trong giấy phép trừ hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 18 Nghị định 107/2013/NĐ-CP.

Hình thức xử phạt bổ sung:

Tước quyền sử dụng giấy phép tiến hành công việc bức xạ từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 7 Nghị định 107/2013/NĐ-CP.

Kết luận: Khi tiến hành việc cấp, cấp lại, cấp sửa đổi bổ sung, gia hạn giấy phép tiến hành công việc bức xạ cần phải nộp tại cơ quan có thẩm quyền như người đã nếu ở trên. Đồng thời, đáp ứng các yêu cầu quy định tại Luật Năng lượng nguyên tử 2008, Nghị định 142/2020/NĐ-CP, Thông tư 02/2022/TT-BKHCN, Nghị định 107/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 126/2021/NĐ-CP)

Chi tiết trình tư, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ

Cấp lại giấy phép tiến hành công việc bức xạ

Cấp Sửa đổi, bổ sung giấy phép tiến hành công việc bức xạ

Gia hạn giấy phép tiến hành công việc bức xạ