7. Khai báo thiết bị bức xạ
Tổ chức, cá nhân có thiết bị bức xạ thì phải khai báo. Sau đây Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể hóa nội dung này dựa trên những quy định của Luật năng lượng nguyên tử 2008, Nghị định 107/2013/NĐ-CP, Nghị định 142/2020/NĐ-CP, Thông tư 15/2010/TT-BKHCN như sau:
1. Một số khái niệm cơ bản
Bức xạ là chùm hạt hoặc sóng điện từ có khả năng ion hóa vật chất (khoản 3 Điều 3 Luật năng lượng nguyên tử 2008)
Nguồn bức xạ là nguồn phóng xạ hoặc thiết bị bức xạ (khoản 4 Điều 3 Luật năng lượng nguyên tử 2008)
Thiết bị bức xạ là thiết bị phát ra bức xạ hoặc có khả năng phát ra bức xạ (khoản 6 Điều 3 Luật năng lượng nguyên tử 2008)
Sử dụng thiết bị bức xạ là việc sử dụng thiết bị có gắn nguồn phóng xạ hoặc thiết bị phát tia X, nơtron, electron và hạt mang diện khác, không bao gồm vận hành thiết bị chiếu xạ (khoản 2 Điều 3 Nghị định 142/2020/NĐ-CP)
Mức miễn trừ khai báo, cấp phép là mức hoạt độ phóng xạ hoặc công suất của thiết bị bức xạ mà từ mức đó trở xuống chất phóng xạ hoặc thiết bị bức xạ được coi là không nguy hại cho con người, môi trường (khoản 23 Điều 3 Luật năng lượng nguyên tử 2008)
2. Điều kiện khai báo
Tổ chức, cá nhân có thiết bị bức xạ đáp ứng điều kiện sau đây thì phải khai báo theo quy định tại Điều 72 Luật năng lượng nguyên tử 2008, Điều 34 Nghị định 142/2020/NĐ-CP: Tổ chức, cá nhân có thiết bị bức xạ có công suất trên mức miễn trừ khai báo phải khai báo với cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân về số lượng, loại, đặc tính, xuất xứ và các thông tin khác quy định.
Lưu ý:
– Việc khai báo phải được thực hiện trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày có thiết bị bức xạ (khoản 2 Điều 72 Luật năng lượng nguyên tử 2008). Trong trường hợp tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ trong thời hạn 7 ngày nêu trên thì được miễn thực hiện thủ tục khai báo (khoản 4 Điều 34 Nghị định 142/2020/NĐ-CP)
3. Trường hợp miễn trừ khai báo
Tổ chức, cá nhân có thiết bị bức xạ phải khai báo nhưng nếu thuộc trường hợp miễn trừ khai báo theo quy định tại Mục 2.2 QCVN 5: 2010/BKHCN (ban hành kèm Thông tư 15/2010/TT-BKHCN) thì không phải khai báo gồm:
– Trường hợp 1: Thiết bị bức xạ không chứa nguồn phóng xạ, bảo đảm rằng trong điều kiện làm việc bình thường không gây ra suất liều tương đương môi trường vượt quá 1μSv/h ở khoảng cách 0,1 m từ mọi bề mặt có thể tiếp cận của thiết bị;
– Trường hợp 2: Thiết bị bức xạ không chứa nguồn phóng xạ, phát ra bức xạ có năng lượng cực đại không lớn hơn 5 keV.
Lưu ý:
– Tổ chức, cá nhân có thiết bị bức xạ phải áp dụng các quy định của Quy chuẩn kỹ thuật (QCVN 5: 2010/BKHCN) để được miễn trừ khai báo thiết bị bức xạ và miễn cấp giấy phép đối với công việc liên quan đến thiết bị bức xạ đó; Tuy nhiên trong trường hợp không đủ điều kiện miễn trừ khai báo, cấp giấy phép thì phải thực hiện quy định của pháp luật về khai báo, cấp giấy phép theo quy định tại Điều 72 Luật năng lượng nguyên tử 2008.
4. Thẩm quyền khai báo
Tổ chức, cá nhân có thiết bị bức xạ khi đáp ứng điều kiện khai báo phải khai báo tại cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điều 34 Nghị định 142/2020/NĐ-CP như sau: Tổ chức, cá nhân có thiết bị bức xạ phải khai báo với cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ
Lưu ý:
– Thực hiện việc khai báo cho từng thiết bị bức xạ với cơ quan có thẩm quyền (điểm b khoản 2 Điều 34 Nghị định 142/2020/NĐ-CP) và trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được phiếu khai báo, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm cấp giấy xác nhận khai báo (điểm a khoản 3 Điều 34 Nghị định 142/2020/NĐ-CP)
5. Xử phạt hành chính
Tổ chức, cá nhân có thiết bị bức xạ vi phạm quy định tại Điều 5 Nghị định 107/2013/NĐ-CP thì bị xử phạt hành chính như sau:
Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng khi: Không khai báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền sau 07 ngày làm việc, kể từ ngày có thiết bị bức xạ; không khai báo sử dụng thiết bị bức xạ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi tiến hành hoạt động bức xạ của cơ sở có hoạt động bức xạ di động; Không báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc chuyển giao, chuyển nhượng thiết bị bức xạ.
Kết luận: Cá nhân, tổ chức có thiết bị bức xạ không thuộc các trường hợp được miễn trừ thì phải khai báo với cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Luật năng lượng nguyên tử 2008, Nghị định 107/2013/NĐ-CP, Nghị định 142/2020/NĐ-CP, Thông tư 15/2010/TT-BKHCN
Chi tiết, trình tự, hồ sơ, biểu mẫu thực hiện xem tại đây: