8. Khai báo vật liệu hạt nhân, vật liệu hạt nhân nguồn

Posted on

Tổ chức cá nhân có vật liệu hạt nhân, vật liệu hạt nhân nguồn theo quy định thì phải khai báo. Sau đây Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể hóa nội dung này dựa trên những quy định của Luật năng lượng nguyên tử 2008, Nghị định 107/2013/NĐ-CP, Nghị định 142/2020/NĐ-CP, Thông tư 15/2010/TT-BKHCN

1. Một số khái niệm

Vật liệu hạt nhân nguồn là một trong các vật liệu sau đây: urani, thori dưới dạng quặng hoặc đuôi quặng; urani chứa thành phần đồng vị urani 235 ít hơn urani trong tự nhiên; các quặng chứa thori, urani bằng hoặc lớn hơn 0,05% tính theo trọng lượng; các hợp chất của thori và urani khác chưa đủ hàm lượng để được xác định là vật liệu hạt nhân (khoản 15 Điều 3 Luật năng lượng nguyên tử 2008)

Vật liệu hạt nhân là vật liệu có khả năng phân hạch bao gồm plutoni có hàm lượng đồng vị plutoni 238 không lớn hơn 80%, urani 233, urani đã làm giàu đồng vị urani 235 hoặc đồng vị urani 233, urani có thành phần đồng vị như trong tự nhiên trừ urani dưới dạng quặng hoặc đuôi quặng (khoản 16 Điều 3 Luật năng lượng nguyên tử 2008)

An toàn hạt nhân là việc thực hiện các biện pháp nhằm ngăn ngừa sự cố hoặc giảm thiểu hậu quả sự cố do thiết bị hạt nhân, vật liệu hạt nhân gây ra cho con người, môi trường (khoản 21 Điều 3 Luật năng lượng nguyên tử 2008)

An ninh vật liệu hạt nhân là việc thực hiện các biện pháp nhằm phát hiện, ngăn chặn, đối phó với các hành vi chiếm đoạt, phá hoại, chuyển giao hoặc sử dụng bất hợp pháp vật liệu hạt nhân và nguy cơ thất lạc vật liệu hạt nhân (khoản 22 Điều 3 Luật năng lượng nguyên tử 2008)

2. Các quy định về vật liệu hạt nhân, vật liệu hạt nhân nguồn

2.1. Hành vi nghiêm cấm

Bên cạnh việc tổ chức cá nhân phải khai báo khi có vật liệu hạt nhân, vật liệu hạt nhân nguồn thì tổ chức, cá nhân còn phải chấp hành các quy định về các hành vi nghiêm cấm theo Điều 12 Luật năng lượng nguyên tử 2008 như sau:

Vận chuyển vật liệu hạt nhân bằng đường bưu điện.

Vận chuyển vật liệu hạt nhân nguồn, vật liệu hạt nhân bằng các phương tiện không được thiết kế bảo đảm an toàn, an ninh hoặc không có thiết bị bảo đảm an toàn, an ninh.

Chiếm đoạt, phá hoại; chuyển giao, sử dụng bất hợp pháp vật liệu hạt nhân nguồn, vật liệu hạt nhân

Sử dụng sai mục đích, tiết lộ thông tin bí mật trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.

2.2 An ninh vật liệu hạt nhân

Tổ chức cá nhân có vật liệu hạt nhân ngoài việc tuân thủ các quy định của pháp luật thì còn phải có các biện pháp đảm bảo an ninh tại Điều 22 Luật năng lượng nguyên tử 2008 như:

Kiểm soát việc tiếp cận vật liệu hạt nhân; Không cho phép cá nhân không có nhiệm vụ tiếp cận vật liệu hạt nhân; Thực hiện quy định về kiểm soát vật liệu hạt nhân ghi trong giấy phép; Việc chuyển giao vật liệu hạt nhân trong nội bộ cơ sở tiến hành công việc bức xạ phải có văn bản cho phép của người đứng đầu cơ sở hoặc người được ủy quyền và có biên bản bàn giao;

– Tiến hành kiểm đếm định kỳ ít nhất một năm một lần để bảo đảm nguồn vật liệu hạt nhân được để đúng nơi quy định trong điều kiện an ninh; Bảo vệ bí mật các biện pháp an ninh, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Lưu ý: 

– Khi tiến hành công việc bức xạ phải tuân thủ nguyên tắc bảo vệ nhiều lớp tương ứng với khả năng gây hại của vật liệu hạt nhân đối với con người, môi trường. Ngoài ra, Tổ chức, cá nhân có vật liệu hạt nhân bị thất lạc, bị chiếm đoạt phải báo cáo ngay cho Ủy ban nhân dân, cơ quan công an nơi gần nhất, cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân; chịu trách nhiệm phối hợp với cơ quan công an, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức tìm kiếm, thu hồi vật liệu hạt nhân bị thất lạc, bị chiếm đoạt (khoản 1 Điều 30 Luật năng lượng nguyên tử 2008)

3. Điều kiện khai báo

Tổ chức, cá nhân có vật liệu hạt nhân nguồn, vật liệu hạt nhân đáp ứng các điều kiện về khai báo sau đây thì phải khai báo theo quy định tại Điều 72 Luật năng lượng nguyên tử 2008, Điều 34 Nghị định 142/2020/NĐ-CP: Tổ chức, cá nhân có vật liệu hạt nhân, vật liệu hạt nhân nguồn thì phải khai báo với cơ quan có thẩm quyền về số lượng, loại, đặc tính, xuất xứ và các thông tin khác theo quy định trong vòng 7 ngày làm việc kể từ ngày có vật liệu hạt nhân nguồn, vật liệu hạt nhân.

Lưu ý:

Theo quy định tại Điều 72 Luật năng lượng nguyên tử 2008, Điều 34 Nghị định 142/2020/NĐ-CP, QCVN 5: 2010/BKHCN  thì Vật liệu hạt nhân, vật liệu hạt nhân nguồn không có trường hợp được miễn trừ khai báo như chất phóng xạ, thiết bị bức xạ mà chỉ có quy định phải khai báo khi có vật liệu hạt nhân, vật liệu hạt nhân nguồn .

4. Thẩm quyền khai báo

Tổ chức, cá nhân khi đáp ứng các điều kiện khai báo về việc có vật liệu hạt nhân, vật liệu hạt nhân nguồn thì theo quy định tại Điều 34 Nghị định 142/2020/NĐ-CP phải khai báo với cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ.

Lưu ý: 

Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 34 Nghị định 142/2020/NĐ-CP: Thực hiện việc khai báo cho từng loại vật liệu hạt nhân nguồn, vật liệu hạt nhân với cơ quan có thẩm quyền. Trong thời hạn 05 ngày làm việc,cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm cấp giấy xác nhận khai báo cho tổ chức, cá nhân.(điểm a khoản 3 Điều 34 Nghị định 142/2020/NĐ-CP)

5. Xử phạt hành chính

Tổ chức cá nhân khi vi phạm quy đinh tại Điều 5 Nghị định 107/2013/NĐ-CP thì bị xử phạt hành chính như sau:

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng khi: Không khai báo vật liệu hạt nhân nguồn, vật liệu hạt nhân đã qua sử dụng; Khai báo không đầy đủ thông tin của vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân theo quy định.

Kết luận: Tổ chức cá nhân có vật liệu hạt nhân, vật liệu hạt nhân nguồn đáp ứng điều kiện khai báo thì buộc phải khai báo với cơ quan có thẩm quyền, ngoài ra còn phải tuân thủ các quy định khác của pháp luật tại Luật năng lượng nguyên tử 2008, Nghị định 107/2013/NĐ-CP, Nghị định 142/2020/NĐ-CP, Thông tư 15/2010/TT-BKHCN

Chi tiết trình tự, hồ sơ, biểu mẫu thực hiện xem tại đây:

Khai báo vật liệu hạt nhân, vật liệu hạt nhân nguồn