58. Bổ nhiệm giám định viên tư pháp

Posted on

Giám định viên tư pháp là người thực hiện giám định tư pháp theo quy định của pháp luật. Vậy phải đáp ứng những tiêu chuẩn gì để có thể được xem xét, bổ nhiệm là giám định viên tư pháp? Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung tiêu chuẩn bổ nhiệm giám định viên tư pháp qua Luật Giám định tư pháp 2012, Luật Giám định tư pháp sửa đổi 2020, Thông tư 02/2014/TT-BYT, Thông tư 04/2013/TT-BVHTTDL, Thông tư 49/2014/TT-BNNPTNT.

1. Khái niệm

Giám định viên tư pháp là người đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 7 của Luật này, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền bổ nhiệm để thực hiện giám định tư pháp. (khoản 6 Điều 2 Luật Giám định tư pháp 2012)

2. Tiêu chuẩn bổ nhiệm giám định viên tư pháp

2.1 Trường hợp có thể được xem xét, bổ nhiệm giám định viên tư pháp

Theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật Giám định tư pháp 2012, Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam có đủ các tiêu chuẩn sau đây có thể được xem xét, bổ nhiệm giám định viên tư pháp:

– Có sức khỏe, phẩm chất đạo đức tốt;

– Có trình độ đại học trở lên và đã qua thực tế hoạt động chuyên môn ở lĩnh vực được đào tạo từ đủ 05 năm trở lên.

Trường hợp người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự đã trực tiếp giúp việc trong hoạt động giám định ở tổ chức giám định pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự thì thời gian hoạt động thực tế chuyên môn từ đủ 03 năm trở lên;

– Đối với người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự phải có chứng chỉ đã qua đào tạo hoặc bồi dưỡng nghiệp vụ giám định.

2.2 Các trường hợp không được bổ nhiệm giám định viên tư pháp

Theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật Giám định tư pháp 2012, người thuộc một trong các trường hợp sau đây không được bổ nhiệm giám định viên tư pháp:

Mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;

Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đã bị kết án mà chưa được xoá án tích về tội phạm do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng do cố ý; đã bị kết án về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý;

Đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc.

3. Tiêu chuẩn bổ nhiệm giám định viên tư pháp trong một số lĩnh vực cụ thể

3.1 Tiêu chuẩn bổ nhiệm giám định viên pháp y và giám định viên pháp y tâm thần

Theo Điều 2 Thông tư 02/2014/TT-BYT, Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật Giám định tư pháp 2012, không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 7 Luật Giám định tư pháp 2012 và có đủ tiêu chuẩn cụ thể dưới đây được bổ nhiệm giám định viên pháp y, giám định viên pháp y tâm thần:

– Tiêu chuẩn “có trình độ đại học trở lên” quy định tại điểm b khoản 1 Điều 7 Luật Giám định tư pháp 2012 cụ thể như sau: Đối với giám định viên pháp y phải là bác sỹ, dược sỹ đại học hoặc tốt nghiệp đại học trở lên các chuyên ngành khác phù hợp với lĩnh vực giám định pháp y; đối với giám định viên pháp y tâm thần phải là bác sỹ đã qua đào tạo định hướng chuyên khoa tâm thần trở lên;

– Tiêu chuẩn “đã qua thực tế hoạt động chuyên môn ở lĩnh vực được đào tạo” quy định tại điểm b khoản 1 Điều 7 Luật Giám định tư pháp 2012 là thời gian làm việc theo đúng chuyên ngành được đào tạo tại cơ sở y tế từ đủ 05 năm trở lên. Trường hợp người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên pháp y, giám định viên pháp y tâm thần là người trực tiếp giúp việc trong hoạt động giám định ở tổ chức giám định pháp y, pháp y tâm thần thì thời gian hoạt động thực tế chuyên môn phải từ đủ 03 năm trở lên;

– Chứng chỉ “đã qua đào tạo hoặc bồi dưỡng nghiệp vụ giám định” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 7 Luật Giám định tư pháp 2012.

Lưu ý: Bằng tốt nghiệp đại học trở lên, chứng chỉ đã qua đào tạo hoặc bồi dưỡng nghiệp vụ giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần do cơ sở giáo dục của nước ngoài cấp phải được công nhận tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về giáo dục hoặc theo Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

3.2 Tiêu chuẩn bổ nhiệm giám định viên tư pháp trong lĩnh vực văn hóa

Điều 3 Thông tư 04/2013/TT-BVHTTDL quy định tiêu chuẩn bổ nhiệm giám định viên tư pháp trong lĩnh vực văn hóa như sau:

– Tiêu chuẩn bổ nhiệm giám định viên tư pháp thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 7 của Luật Giám định tư pháp 2012.

– Tiêu chuẩn “Có trình độ đại học trở lên” quy định tại điểm b khoản 1 Điều 7 của Luật Giám định tư pháp 2012 là có bằng tốt nghiệp đại học, bằng thạc sĩ hoặc bằng tiến sĩ do cơ sở giáo dục của Việt Nam cấp (trường hợp bằng tốt nghiệp đại học, bằng thạc sỹ, bằng tiến sỹ do cơ sở giáo dục của nước ngoài cấp thì các bằng đó phải được công nhận tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về giáo dục và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên) thuộc một trong các chuyên ngành đào tạo sau đây:

+ Mỹ thuật;

+ Mỹ thuật ứng dụng;

+ Nghệ thuật trình diễn;

+ Nghệ thuật nghe nhìn;

+ Ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam;

+ Nhân văn;

+ Xã hội học và nhân học;

+ Thư viện;

+ Bảo tàng;

+ Luật;

+ Chuyên ngành khác có liên quan.

– Tiêu chuẩn “Đã qua thực tế hoạt động chuyên môn ở lĩnh vực được đào tạo từ đủ 05 năm trở lên” quy định tại điểm b khoản 1 Điều 7 của Luật Giám định tư pháp 2012 là đã trực tiếp làm công tác chuyên môn về chuyên ngành được đào tạo quy định tại khoản 2 Điều này từ đủ 05 năm trở lên.

3.3 Tiêu chuẩn bổ nhiệm giám định viên tư pháp nông nghiệp và phát triển nông thôn

Theo quy định tại Điều 5 Thông tư 49/2014/TT-BNNPTNT thì Giám định viên tư pháp trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau:

– Là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, có sức khỏe, phẩm chất đạo đức tốt.

– Có bằng tốt nghiệp đại học hoặc tương đương trở lên.

Đã có kinh nghiệm thực tế hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn liên tục từ đủ 05 năm trở lên.

Không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 7 Luật Giám định tư pháp 2012.

Kết luận: Để thực hiện giám định tư pháp Giám định viên tư pháp phải đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật. Tùy từng lĩnh vực cụ thể mà Giám định viên tư pháp phải đáp ứng các tiêu chuẩn khác nhau. Các tiêu chuẩn này được quy định cụ thể trong Luật Giám định tư pháp 2012, Luật Giám định tư pháp sửa đổi 2020, Thông tư 02/2014/TT-BYT, Thông tư 04/2013/TT-BVHTTDL, Thông tư 49/2014/TT-BNNPTNT.

Trình tự thủ tục, hồ sơ, biểu mẫu thực hiện xem tại đây:

Tiêu chuẩn bổ nhiệm giám định viên tư pháp