40. Đăng ký thực tập, nghiên cứu ngắn hạn ở nước ngoài do Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia hỗ trợ
Nhà khoa học được đăng ký thực tập, nghiên cứu ngắn hạn ở nước ngoài do Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia hỗ trợ nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện do pháp luật quy định. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung này theo Thông tư 09/2015/TT-BKHCN như sau:
1. Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia hỗ trợ
Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia hỗ trợ là quỹ trực thuộc Bộ Khoa học và công nghệ, có tư cách pháp nhân, hoạt động không vì lợi nhuận.
Chức năng của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia hỗ trợ: tài trợ, cho vay để thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ do tổ chức và cá nhân đề xuất.
Các loại hình tài trợ, hỗ trợ của Quỹ trong lĩnh vực khoa học công nghệ bao gồm bao gồm (Chương II Thông tư 09/2015/TT-BKHCN):
– Tham dự và báo cáo kết quả nghiên cứu tại hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế
– Nghiên cứu sau tiến sĩ
– Thực tập, nghiên cứu ngắn hạn ở nước ngoài
– Tổ chức hội thảo khoa học quốc tế chuyên ngành ở Việt Nam
– Công bố công trình khoa học công nghệ trong nước và quốc tế
– Nâng cao chất lượng, chuẩn mực của tạp chí khoa học và công nghệ trong nước
– Đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở trong nước và nước ngoài đối với sáng chế và giống cây trồng
– Hỗ trợ nhà khoa học trẻ tài năng không thuộc tổ chức khoa học và công nghệ công lập được sử dụng các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia và các phòng thí nghiệm khác
– Khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện các nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, hoạt động nâng cao năng lực khoa học và công nghệ do Quỹ tài trợ, hỗ trợ
2. Mục tiêu, nguyên tắc hỗ trợ
2.1. Mục tiêu hỗ trợ
Nâng cao năng lực, chất lượng nghiên cứu khoa học ở Việt Nam thông qua việc tạo môi trường thuận lợi để các nhà khoa học trao đổi khoa học, công bố kết quả nghiên cứu, hội nhập quốc tế trong nghiên cứu khoa học (Điều 4 Thông tư 09/2015/TT-BKHCN).
2.2. Nguyên tắc hỗ trợ
Nguyên tắc hỗ trợ quy định tại Điều 5 Thông tư 09/2015/TT-BKHCN bao gồm:
– Đảm bảo tính khách quan, dân chủ, bình đẳng trong việc xét duyệt các đăng ký hỗ trợ; công khai chương trình và thủ tục hỗ trợ trên cổng thông tin điện tử của Quỹ.
– Hỗ trợ các hoạt động có chất lượng cao theo chuẩn mực quốc tế trong nghiên cứu khoa học.
– Tài trợ một phần kinh phí để hỗ trợ các hoạt động nêu tại Điều 1 của Thông tư này và không tài trợ trùng lặp các nội dung đã được tổ chức, cơ quan khác tài trợ.
– Kinh phí hỗ trợ hàng năm cho các hoạt động nêu tại Điều 1 của Thông tư này không vượt quá tổng mức kinh phí được phê duyệt theo kế hoạch của Quỹ.
3. Đăng ký thực tập, nghiên cứu ngắn hạn ở nước ngoài do Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia hỗ trợ
3.1. Điều kiện xem xét hỗ trợ
Quỹ xem xét, hỗ trợ việc thực tập, nghiên cứu ngắn hạn ở nước ngoài đối với nhà khoa học đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây (khoản 1 Điều 8 Thông tư 09/2015/TT-BKHCN):
– Được tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài hoặc nhà khoa học nước ngoài có kết quả nghiên cứu công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín trong thời gian năm (05) năm tính đến thời điểm nộp hồ sơ mời thực tập, nghiên cứu;
– Thuộc một trong các trường hợp sau:
- Đang thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia hoặc tương đương. Việc thực tập, nghiên cứu nhằm giải quyết các vấn đề nghiên cứu của nhiệm vụ mà điều kiện trong nước không thực hiện được;
- Tham gia chương trình hợp tác giữa Quỹ và các tổ chức nước ngoài nhằm nâng cao năng lực và khả năng hợp tác nghiên cứu giữa nhà khoa học Việt Nam và quốc tế;
- Là nhà khoa học trẻ tài năng không thuộc tổ chức khoa học và công nghệ công lập, đăng ký thực hiện nghiên cứu ngắn hạn ở nước ngoài trong lĩnh vực được Việt Nam ưu tiên phát triển tại thời điểm đăng ký.
3.2. Tiêu chí xem xét hỗ trợ
Tiêu chí xem xét hỗ trợ bao gồm (khoản 2 Điều 8 Thông tư 09/2015/TT-BKHCN):
– Chất lượng của thuyết minh đề cương nghiên cứu;
– Thành tích nghiên cứu của người đề nghị tài trợ;
– Thành tích nghiên cứu của nhà khoa học đối tác nước ngoài; sự phù hợp chuyên môn và điều kiện cơ sở vật chất của tổ chức khoa học và công nghệ đối tác nước ngoài;
– Dự toán kinh phí hợp lý.
3.3. Nội dung hỗ trợ
Quỹ hỗ trợ cá nhân nhà khoa học đi thực tập, nghiên cứu ngắn hạn ở nước ngoài một vé máy bay khứ hồi hạng phổ thông từ Việt Nam đến đơn vị chủ trì nghiên cứu, chi phí đi lại ở hai đầu sân bay, chi phí ăn, ở, bảo hiểm trong thời gian ở nước ngoài (khoản 3 Điều 8 Thông tư 09/2015/TT-BKHCN).
Lưu ý:
– Tổ chức, cá nhân đăng ký thực tập, nghiên cứu ngắn hạn ở nước ngoài do Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia hỗ trợ cần nộp hồ sơ đăng ký chậm nhất là ba (03) tháng trước ngày dự kiến bắt đầu thực hiện nghiên cứu ở nước ngoài theo quy định tại khoản 5 Điều 8 Thông tư 09/2015/TT-BKHCN. Quỹ sẽ tiếp nhận, tiến hành đánh giá xét chọn hồ sơ và thông báo quyết định tài trợ đối với hồ sơ được chấp nhận tài trợ.
4. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân được Quỹ hỗ trợ
Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân được Quỹ hỗ trợ (khoản 1 Điều 16 Thông tư 09/2015/TT-BKHCN):
– Triển khai thực hiện các nội dung được hỗ trợ theo kế hoạch và tiến độ đã được Quỹ phê duyệt;
– Sử dụng kinh phí được hỗ trợ đúng mục đích, đúng chế độ, có hiệu quả; cung cấp đầy đủ các chứng từ hợp lệ và tiến hành thanh quyết toán theo đúng các quy định hiện hành;
– Tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật của nước sở tại trong thời gian ở nước ngoài để thực hiện các hoạt động được Quỹ hỗ trợ;
– Gửi báo cáo bằng văn bản tới Quỹ về tình hình, kết quả thực hiện các hoạt động, nhiệm vụ được Quỹ hỗ trợ theo mẫu NCNLQG 17 quy định tại Phụ lục của Thông tư này trong thời gian một (01) tháng sau khi kết thúc nhiệm vụ và giao nộp cho Quỹ các kết quả liên quan sau khi hoàn thành.
Báo cáo kết quả thực tập, nghiên cứu ở nước ngoài và báo cáo của nhà khoa học trẻ tài năng được Quỹ hỗ trợ sử dụng các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia và các phòng thí nghiệm khác phải thể hiện rõ đã thực hiện đúng tiến độ, đầy đủ các nội dung đã đăng ký trong Thuyết minh đề cương nghiên cứu và phải có xác nhận của nhà khoa học, tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài mời thực tập, nghiên cứu hoặc đơn vị chủ quản phòng thí nghiệm;
– Ghi nhận sự hỗ trợ của Quỹ trong các kết quả nghiên cứu được công bố (ghi rõ “Nghiên cứu được tài trợ bởi Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (NAFOSTED)”), chịu trách nhiệm về nội dung công bố theo pháp luật về khoa học và công nghệ, xuất bản, sở hữu trí tuệ và các quy định khác của pháp luật Việt Nam.
Lưu ý:
– Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định tại khoản 1 Điều 16 Thông tư 09/2015/TT-BKHCN và các quy định khác của Quỹ không được đăng ký đề nghị Quỹ tài trợ, hỗ trợ trong thời gian hai (02) năm tính từ thời điểm có kết luận của cơ quan có thẩm quyền.
– Trường hợp vi phạm dẫn đến việc đình chỉ thực hiện nhiệm vụ do Quỹ tài trợ, hỗ trợ hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, hoặc vi phạm đạo đức khoa học không được đăng ký đề nghị Quỹ tài trợ, hỗ trợ trong thời gian năm (05) năm tính từ thời điểm có kết luận của cơ quan có thẩm quyền. Nếu vi phạm được xác định có liên quan trực tiếp với các khen thưởng Quỹ đã trao tặng, Quỹ ra quyết định hủy bỏ các khen thưởng này (khoản 2 Điều 16 Thông tư 09/2015/TT-BKHCN).
Kết luận: Nhà khoa học được đăng ký thực tập, nghiên cứu ngắn hạn ở nước ngoài do Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia hỗ trợ nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 8 Thông tư 09/2015/TT-BKHCN.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:
Đăng ký thực tập, nghiên cứu ngắn hạn ở nước ngoài do Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia hỗ trợ