44. Xác nhận hạn mức phát hành trái phiếu quốc tế đối với ngân hàng thương mại Nhà nước/doanh nghiệp không phải là ngân hàng thương mại Nhà nước

Posted on

Doanh nghiệp với mục đích tăng quy mô vốn hoạt động sẽ tổ chức phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế với hình thức không có sự bảo lãnh của Nhà nước thì hạn mức phát hành trái phiếu quốc tế sẽ được quy định như thế nào? Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể hóa nội dung này dựa trên những quy định Nghị định 153/2020/NĐ-CPThông tư 17/2013/TT-NHNN:

1. Một số khái niệm cơ bản

Trái phiếu quốc tế là trái phiếu doanh nghiệp được phát hành trên thị trường tài chính quốc tế (khoản 1 Điều 2 Thông tư 17/2013/TT-NHNN)

Doanh nghiệp bao gồm các công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn theo quy định của Luật Doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng (khoản 2 Điều 2 Thông tư 17/2013/TT-NHNN)

Ngân hàng thương mại là doanh nghiệp nhà nước (sau đây gọi là ngân hàng thương mại nhà nước) là ngân hàng thương mại được thành lập và hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng, do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn Điều lệ (khoản 4 Điều 2 Thông tư 17/2013/TT-NHNN)

Xác nhận hạn mức phát hành là việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là “Ngân hàng Nhà nước”) xác nhận bằng văn bản trị giá khoản phát hành nằm trong tổng hạn mức vay thương mại nước ngoài của quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hàng năm (khoản 6 Điều 2 Thông tư 17/2013/TT-NHNN)

2. Trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành trái phiếu quốc tế

Doanh nghiệp với nhu cầu tăng vốn với hình thức phát hành trái phiếu quốc tế thì phải tuân theo các quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp tại Điều 3 Thông tư 17/2013/TT-NHNN như sau:

– Tuân thủ các quy định về điều kiện phát hành, xây dựng phương án phát hành, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án phát hành, tổ chức phát hành và thực hiện các nội dung liên quan đến việc phát hành trái phiếu theo quy định của Chính phủ về phát hành trái phiếu quốc tế, các quy định của pháp luật về chứng khoán, quản lý ngoại hối, các quy định khác của pháp luật hiện hành và phù hợp với Luật pháp quốc tế khi thực hiện phát hành trái phiếu quốc tế.

– Chịu trách nhiệm về việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ đợt phát hành phù hợp với mục đích của phương án phát hành trái phiếu quốc tế đã được phê duyệt theo quy định của pháp luật.

– Mở và sử dụng tài khoản vốn vay và trả nợ nước ngoài tại một tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép để thực hiện khoản phát hành. Doanh nghiệp chỉ được rút vốn từ khoản phát hành trái phiếu quốc tế để sử dụng cho các mục đích đã được phê duyệt tại phương án phát hành sau khi được Ngân hàng Nhà nước xác nhận đăng ký. Trường hợp cần mở tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài để thực hiện khoản phát hành, doanh nghiệp có trách nhiệm tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan về việc mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài đối với người cư trú là tổ chức kinh tế.

– Tổ chức tín dụng phát hành trái phiếu quốc tế chuyển đổi hoặc trái phiếu quốc tế kèm theo chứng quyền phải tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Lưu ý: Doanh nghiệp (không phải là tổ chức tín dụng) phát hành trái phiếu quốc tế chuyển đổi hoặc trái phiếu quốc tế kèm theo chứng quyền phải tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành về chứng khoán, đầu tư; đảm bảo quy định về tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài, chế độ báo cáo, công bố thông tin và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Điều kiện chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế (Điều 25 Nghị định 153/2020/NĐ-CP)

Đối với trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền:

– Doanh nghiệp phát hành là công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam;

– Phương án phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế được cấp có thẩm quyền phê duyệt và chấp thuận theo quy định tại Điều 28 Nghị định này;

– Đáp ứng tỷ lệ an toàn tài chính, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của pháp luật chuyên ngành;

– Tuân thủ quy định về quản lý vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh và pháp luật về quản lý ngoại hối;

– Các điều kiện chào bán theo quy định tại thị trường phát hành.

 Đối với trái phiếu chuyển đổi hoặc trái phiếu kèm chứng quyền:

– Doanh nghiệp phát hành là công ty cổ phần đáp ứng các điều kiện phát hành quy định tại khoản 1 Điều này;

– Việc chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, thực hiện quyền kèm theo chứng quyền phải đáp ứng quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật;

– Các đợt chào bán trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền phải cách nhau ít nhất 06 tháng kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán gần nhất.

4. Quy trình xác nhận hạn mức phát hành trái phiếu quốc tế

Điều 5 Thông tư 17/2013/TT-NHNN

Đối với doanh nghiệp nhà nước không phải là ngân hàng thương mại nhà nước:

Sau khi xây dựng và phê duyệt phương án phát hành trái phiếu quốc tế đáp ứng quy định tại Điều 24 Nghị định 90/2011/NĐ-CP, doanh nghiệp gửi Ngân hàng Nhà nước (Vụ Quản lý ngoại hối) hồ sơ đề nghị xác nhận hạn mức phát hành trái phiếu quốc tế

Sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phương án phát hành trái phiếu quốc tế, doanh nghiệp nhà nước gửi Ngân hàng Nhà nước (Vụ Quản lý Ngoại hối) hồ sơ đề nghị xác nhận đăng ký khoản phát hành.

Đối với doanh nghiệp khác:

Sau khi xây dựng và phê duyệt phương án phát hành trái phiếu quốc tế đáp ứng quy định tại Điều 24 Nghị định 90/2011/NĐ-CP, doanh nghiệp gửi Ngân hàng Nhà nước (Vụ Quản lý ngoại hối) hồ sơ đề nghị xác nhận hạn mức phát hành trái phiếu quốc tế.

Doanh nghiệp gửi Ngân hàng Nhà nước (Vụ Quản lý Ngoại hối) hồ sơ đề nghị xác nhận đăng ký khoản phát hành.

5. Xác định hạn mức phát hành

Sau khi xây dựng và phê duyệt phương án phát hành trái phiếu quốc tế đáp ứng quy định, thì theo Điều 11 Thông tư 17/2013/TT-NHNN doanh nghiệp gửi Ngân hàng Nhà nước (Vụ Quản lý ngoại hối) hồ sơ đề nghị xác nhận hạn mức phát hành trái phiếu quốc tế

Trong thời hạn mười ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ của doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước gửi doanh nghiệp văn bản xác nhận hạn mức phát hành. Trường hợp từ chối xác nhận hạn mức phát hành, Ngân hàng Nhà nước có văn bản nêu rõ lý do.

Kết luận: Doanh nghiệp không phải là Ngân hàng thương mại Nhà nước khi phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế phải có đơn đề nghị xác định hạn mức phát hành trái phiếu đến cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định 153/2020/NĐ-CPThông tư 17/2013/TT-NHNN.

Chi tiết, trình tự hồ sơ xem tại đây:

Xác nhận hạn mức phát hành trái phiếu quốc tế đối với ngân hàng thương mại Nhà nước/doanh nghiệp không phải là ngân hàng thương mại Nhà nước