9. Đăng ký khi hợp tác xã sáp nhập

Posted on

Trong quá trình hoạt động, hợp tác xã có thể phát sinh tổ chức lại như sáp nhập hợp tác xã. Việc đăng ký khi hợp tác xã sáp nhập được thực hiện theo Luật Hợp tác xã 2012, Nghị định 193/2013/NĐ-CP, Nghị định 122/2021/NĐ-CP, Thông tư 03/2014/TT-BKHĐT, Thông tư 07/2019/BKHĐT, Quyết định 654/QĐ-BKHĐT 2019. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ gửi đến bạn đọc một số lưu ý về vấn đề này:

1. Khái niệm cơ bản

Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 07 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã (khoản 1 Điều 3 Luật Hợp tác xã 2012).

2. Sáp nhập hợp tác xã

Theo khoản 2 Điều 53 Luật Hợp tác xã 2012 sáp nhập hợp tác xã được quy định như sau:

– Một hoặc một số hợp tác xã có thể tự nguyện sáp nhập vào một hợp tác xã khác;

Thông báo sáp nhập: Hội đồng quản trị của các hợp tác xã, bị sáp nhập xây dựng phương án sáp nhập trình đại hội thành viên của mình quyết định và có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho các chủ nợ, các tổ chức và cá nhân có quan hệ kinh tế với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã của mình về quyết định sáp nhập. Phương án sáp nhập bao gồm các nội dung chủ yếu sau: phương án xử lý tài sản, vốn, các khoản nợ; phương án xử lý lao động và những vấn đề khác có liên quan;

Phương án sáp nhập: Hội đồng quản trị của các hợp tác xã, dự định sáp nhập hiệp thương về phương án sáp nhập. Phương án sáp nhập bao gồm các nội dung chủ yếu sau: phương án xử lý tài sản, vốn, các khoản nợ; phương án xử lý lao động và những vấn đề tồn đọng của các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã bị sáp nhập;

+ Hợp tác xã sau khi sáp nhập phải đăng ký thay đổi theo quy định tại Điều 28 của Luật này.

Lưu ý:

Theo Điều 28 Luật Hợp tác xã 2012 quy định về thay đổi nội dung đăng ký của hợp tác xã như sau:

– Trường hợp hợp tác xã thay đổi một trong các nội dung về tên, địa chỉ trụ sở chính, ngành, nghề sản xuất, kinh doanh, vốn điều lệ, người đại diện theo pháp luật; tên, địa chỉ, người đại diện chi nhánh, văn phòng đại diện thì phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp giấy chứng nhận đăng ký. Việc thay đổi chỉ được thực hiện sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký.

– Khi hợp tác xã thay đổi nội dung điều lệ, số lượng thành viên, thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên, địa điểm kinh doanh thì phải gửi thông báo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp giấy chứng nhận đăng ký trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày thay đổi.

–  Sau khi đăng ký thay đổi, hợp tác xã bị sáp nhập chấm dứt tồn tại. (khoản 3 Điều 53 Luật hợp tác xã 2012).

– Trường hợp đăng ký do tiến hành sáp nhập hợp tác xã thì Nhà nước hỗ trợ 50% kinh phí như đối với thành lập mới hợp tác xã (Điều 26 Nghị định 193/2013/NĐ-CP).

3. Xử phạt vi phạm hành chính

Theo quy định tại Điều 68 Nghị định 122/2021/NĐ-CP, các hành vi không thông báo bằng văn bản cho các chủ nợ, các tổ chức và cá nhân có quan hệ kinh tế với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã về quyết định sáp nhập sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng và buộc thông báo bằng văn bản cho các chủ nợ, các tổ chức và cá nhân có quan hệ kinh tế với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Kết luận: Đăng ký khi hợp tác xã sáp nhập là thủ tục quan trọng và bắt buộc nhằm duy trì hoạt động khi tổ chức lại hợp tác xã.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Đăng ký khi hợp tác xã sáp nhập