1. Đăng ký thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã

Posted on

Đăng ký thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã được thực hiện theo Luật hợp tác xã 2012, Nghị định 193/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 107/2017/NĐ-CP), Nghị định 122/2021/NĐ-CP, Thông tư 03/2014/TT-BKHĐT (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 07/2019/TT-BKHĐT), Quyết định 654/QĐ-BKHĐT 2019. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ gửi đến bạn đọc một số lưu ý về vấn đề này:

1. Một số khái niệm cơ bản

Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 07 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã (khoản 1 Điều 3 Luật Hợp tác xã 2012).

– Chi nhánh, văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của pháp nhân, không phải là pháp nhân (khoản 1 Điều 84 Bộ Luật Dân sự 2015).

–  Hợp tác xã được lập chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh ở trong nước và nước ngoài (khoản 1 Điều 27 Luật Hợp tác xã 2012).

Văn phòng đại diện có nhiệm vụ đại diện theo ủy quyền nhằm phục vụ cho hoạt động của hợp tác xã (khoản 2 Điều 27 Luật Hợp tác xã 2012).

Chi nhánh là đơn vị trực thuộc của hợp tác xã có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng, nhiệm vụ của hợp tác xã. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải phù hợp với ngành, nghề kinh doanh của hợp tác xã (khoản 3 Điều 27 Luật Hợp tác xã 2012).

Địa điểm kinh doanh là nơi tiến hành các hoạt động kinh doanh của hợp tác xã. Địa điểm kinh doanh của hợp tác xã có thể ở ngoài địa chỉ đăng ký trụ sở chính (khoản 1 Điều 1 Thông tư 07/2019/TT-BKHĐT).

2. Điều kiện thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã

Theo khoản 4 Điều 16 Nghị định 193/2013/NĐ-CP (được hướng dấn bởi khoản 2 Điều 8 Thông tư 03/2014/TT-BKHĐT và nội dung hướng dẫn bị hết hiệu lực tại khoản 2 Điều 2 Thông tư 07/2019/TT-BKHĐT), theo đó chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã phải đáp ứng điều kiện là: ngành, nghề, nội dung hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh phải phù hợp với hoạt động của hợp tác xã và phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan.

Lưu ý: 

– Chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh phải mang tên của hợp tác xã kèm theo phần bổ sung tương ứng xác định chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh (khoản 4 Điều 27 Luật Hợp tác xã 2012).

– Theo khoản 2, 3 Điều 16 Nghị định 193/2013/NĐ-CP, khi thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, ngoài hồ sơ đăng ký thành lập thì hợp tác xã phải gửi thông báo tới cơ quan đăng ký hợp tác xã. Nội dung thông báo gồm có:

+ Tên hợp tác xã, địa chỉ trụ sở chính, số giấy chứng nhận đăng ký, ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã;

+ Tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh dự định thành lập; tên phải kèm theo chữ “chi nhánh” đối với đăng ký thành lập chi nhánh, chữ “văn phòng đại diện” đối với đăng ký thành lập văn phòng đại diện, chữ “địa điểm kinh doanh” đối với đăng ký thành lập địa điểm kinh doanh;

+ Họ tên, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, quốc tịch, số giấy chứng minh nhân dân, số hộ chiếu hoặc chứng thực hợp pháp khác của người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã;

+ Địa chỉ chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh;

+ Ngành nghề kinh doanh của chi nhánh, địa điểm kinh doanh; nội dung hoạt động của văn phòng đại diện;

+ Họ tên, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, quốc tịch, số giấy chứng minh nhân dân, số hộ chiếu hoặc chứng thực hợp pháp khác của người đại diện chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh.

– Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã đăng ký tại Phòng Tài chính – Kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi hợp tác xã đặt chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh (khoản 2 Điều 3 Thông tư 03/2014/TT-BKHĐT).

3. Thời hạn cấp đăng ký chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã

Theo khoản 4 Điều 16 Nghị định 193/2013/NĐ-CP, nếu ngành, nghề, nội dung hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh phù hợp với ngành, nghề hoạt động của hợp tác xã và phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan thì trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký hợp tác xã cấp giấy chứng nhận đăng ký chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã, đồng thời cập nhật vào hồ sơ đăng ký hợp tác xã.

Sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã được khắc dấu và có quyền sử dụng con dấu của mình.

Lưu ý:

– Trường hợp hợp tác xã lập chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh tại huyện hoặc tỉnh, thành phố khác với nơi hợp tác xã đặt trụ sở chính thì trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, hợp tác xã phải thông báo bằng văn bản tới cơ quan đã cấp giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã nơi hợp tác xã đặt trụ sở chính để bổ sung vào hồ sơ đăng ký hợp tác xã (khoản 4 Điều 16 Nghị định 193/2013/NĐ-CP).

– Trường hợp lập chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh ở nước ngoài thì hợp tác xã phải thực hiện theo quy định pháp luật của nước đó. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp giấy chứng nhận mở chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, hợp tác xã phải thông báo bằng văn bản tới cơ quan đã cấp giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã nơi hợp tác xã đặt trụ sở chính để bổ sung vào hồ sơ đăng ký hợp tác xã. Kèm theo thông báo là bản sao giấy chứng nhận đăng ký chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp (khoản 4 Điều 8 Thông tư 03/2014/TT-BKHĐT).

4. Xử lý vi phạm hành chính

Căn cứ tại Điều 4 và khoản 1 Điều 69 Nghị định 122/2021/NĐ-CP khi vi phạm các quy định về đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh của hợp tác xã thì xử lý như sau:

– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

+ Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh không phù hợp với ngành, nghề kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;

+ Chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh không mang tên của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

– Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc điều chỉnh tên chi nhánh, văn phòng đại diện đối với hành vi vi phạm trên.

Kết luận: Đăng ký thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã là một thủ tục quan trọng để thành lập đơn vị phụ thuộc phục vụ cho hoạt động của hợp tác xã.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Đăng ký thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã