Để Cơ quan đại diện thực hiện chức năng bảo hộ công dân và các chức năng lãnh sự khác đối với công dân Việt Nam ở nước ngoài, đồng thời phục vụ công tác tổng hợp, thống kê về công dân Việt Nam ở nước ngoài, cần thực hiện thủ tục đăng ký công dân Việt Nam ở nước ngoài. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung này theo Luật 33/2009/QH12 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017), Thông tư 02/2011/TT-BNG, Thông tư 264/2016/TT-BTC.
1. Một số khái niệm cơ bản
1.1. Công dân Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam (theo khoản 1 Điều 5 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008). Như vậy, người có quốc tịch Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc đang cư trú ở quốc gia khác được xem là công dân Việt Nam ở nước ngoài.
1.2. Đối tượng thực hiện việc đăng ký công dân ở nước ngoài bao gồm (Điều 2 Thông tư 02/2011/TT-BNG):
– Người có hộ chiếu Việt Nam hoặc giấy tờ khác có giá trị thay thế hộ chiếu Việt Nam còn giá trị sử dụng;
– Người không có một trong những loại giấy tờ nêu tại khoản 1 Điều này nhưng có một trong những loại giấy tờ chứng minh họ có quốc tịch Việt Nam
2. Đăng ký công dân Việt Nam ở nước ngoài
– Đăng ký công dân là việc Cơ quan đại diện ghi vào Sổ đăng ký công dân các chi tiết nhân thân của công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài (theo khoản 1 Điều 1 Thông tư 02/2011/TT-BNG).
– Khi đề nghị đăng ký công dân, người thực hiện phải có đầy đủ hồ sơ được quy định tại Điều 4 Thông tư 02/2011/TT-BNG. Thông qua các giấy tờ được yêu cầu tại Điều này, có thể thấy điều kiện tiên quyết để thực hiện thủ tục này là người đăng ký đang cư trú ở nước ngoài và có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam.
– Trên cơ sở kiểm tra, đối chiếu các thông tin trong Phiếu đăng ký công dân với các giấy tờ khác trong hồ sơ, Cơ quan đại diện giải quyết và thông báo kết quả bằng văn bản cho đương sự trong vòng 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ (theo khoản 3 Điều 4 Thông tư 02/2011/TT-BNG).
Lưu ý:
– Trường hợp người đề nghị đăng ký công dân không có một trong những loại giấy tờ chứng minh có quốc tịch Việt Nam hoặc cần phải kiểm tra, xác minh tính xác thực của giấy tờ này, Cơ quan đại diện hướng dẫn đương sự làm thủ tục xác minh quốc tịch Việt Nam theo các quy định của pháp luật về quốc tịch. Ngay sau khi nhận được kết quả xác minh của cơ quan có thẩm quyền, Cơ quan đại diện giải quyết và thông báo kết quả bằng văn bản cho đương sự (khoản 4 Điều 4 Thông tư 02/2011/TT-BNG).
3. Cơ quan có thẩm quyền đăng ký công dân
Cơ quan có thẩm quyền đăng ký công dân bao gồm (Điều 3 Thông tư 02/2011/TT-BNG):
– Cơ quan đại diện ở nước nơi người đề nghị đăng ký công dân đang cư trú hoặc Cơ quan đại diện kiêm nhiệm nước đó.
– Cơ quan đại diện nơi thuận tiện nhất cho người đề nghị đăng ký công dân, nếu ở nước người đó cư trú không có Cơ quan đại diện.
4. Cập nhật thông tin đăng ký công dân
– Người đã đăng ký công dân có trách nhiệm thông báo cho Cơ quan đại diện trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày có sự thay đổi các chi tiết nhân thân đã khai trong Phiếu đăng ký công dân để Cơ quan đại diện cập nhật vào Sổ đăng ký công dân (khoản 1 Điều 5 Thông tư 02/2011/TT-BNG).
– Cơ quan đại diện giải quyết và thông báo kết quả bằng văn bản cho đương sự trong vòng 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ (khoản 4 Điều 5 Thông tư 02/2011/TT-BNG).
Kết luận: Khi tiến hành thủ tục gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ, các tổ chức, cá nhân cần lưu ý các quy định tại Luật 33/2009/QH12 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017), Thông tư 02/2011/TT-BNG, Thông tư 264/2016/TT-BTC.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:
Đăng ký công dân Việt Nam ở nước ngoài