CHUYỂN LOẠI RỪNG

Posted on

Khi có nhu cầu chuyển loại rừng, chủ rừng nộp hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền theo thủ tục xin chuyển loại rừng. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung trên theo quy định tại Luật lâm nghiệp 2017, Nghị định 35/2019/NĐ-CP, Nghị định 156/2018/NĐ-CP.

1. Rừng và phân loại rừng

1.1. Khái niệm

Rừng là một hệ sinh thái bao gồm các loài thực vật rừng, động vật rừng, nấm, vi sinh vật, đất rừng và các yếu tố môi trường khác, trong đó thành phần chính là một hoặc một số loài cây thân gỗ, tre, nứa, cây họ cau có chiều cao được xác định theo hệ thực vật trên núi đất, núi đá, đất ngập nước, đất cát hoặc hệ thực vật đặc trưng khác; diện tích liên vùng từ 0,3 ha trở lên; độ tàn che từ 0,1 trở lên (khoản 3 Điều 2 Luật lâm nghiệp 2017).

Rừng tự nhiên là rừng có sẵn trong tự nhiên hoặc phục hồi bằng tái sinh tự nhiên hoặc tái sinh có trồng bổ sung (khoản 6 Điều 2 Luật lâm nghiệp 2017).

Rừng trồng là rừng được hình thành do con người trồng mới trên đất chưa có rừng; cải tạo rừng tự nhiên; trồng lại hoặc tái sinh sau khai thác rừng trồng (khoản 7 Điều 2 Luật lâm nghiệp 2017).

1.2. Phân loại rừng

Quy định tại Điều 5 Luật lâm nghiệp 2017:

– Căn cứ vào mục đích sử dụng chủ yếu, rừng tự nhiên và rừng trồng được phân thành 03 loại như sau:

+ Rừng đặc dụng;

+ Rừng phòng hộ;

+ Rừng sản xuất.

– Rừng đặc dụng được sử dụng chủ yếu để bảo tồn hệ sinh thái rừng tự nhiên, nguồn gen sinh vật rừng, nghiên cứu khoa học, bảo tồn di tích lịch sử – văn hóa, tín ngưỡng, danh lam thắng cảnh kết hợp du lịch sinh thái; nghỉ dưỡng, giải trí trừ phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng; cung ứng dịch vụ môi trường rừng bao gồm:

+ Vườn quốc gia;

+ Khu dự trữ thiên nhiên;

+ Khu bảo tồn loài – sinh cảnh;

+ Khu bảo vệ cảnh quan bao gồm rừng bảo tồn di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh; rừng tín ngưỡng; rừng bảo vệ môi trường đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao;

+ Khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học; vườn thực vật quốc gia; rừng giống quốc gia.

– Rừng phòng hộ được sử dụng chủ yếu để bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, sạt lở, lũ quét, lũ ống, chống sa mạc hóa, hạn chế thiên tai, điều hòa khí hậu, góp phần bảo vệ môi trường, quốc phòng, an ninh, kết hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; cung ứng dịch vụ môi trường rừng; được phân theo mức độ xung yếu bao gồm:

+ Rừng phòng hộ đầu nguồn; rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư; rừng phòng hộ biên giới;

+ Rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay; rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển.

– Rừng sản xuất được sử dụng chủ yếu để cung cấp lâm sản; sản xuất, kinh doanh lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; cung ứng dịch vụ môi trường rừng.

2. Chuyển loại rừng

2.1 Chuyển loại rừng

Quy định tại Điều 18 Luật lâm nghiệp 2017:

 – Việc chuyển loại rừng này sang loại rừng khác phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

+ Phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp;

+ Đáp ứng các tiêu chí phân loại rừng;

+ Có phương án chuyển loại rừng.

– Thẩm quyền quyết định chuyển loại rừng được quy định như sau:

+ Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển loại rừng đối với khu rừng do Thủ tướng Chính phủ thành lập theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chuyển loại rừng không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này, sau khi được Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định chủ trương chuyển loại rừng.

2.2 Phương án chuyển loại rừng

Quy định tại Điều 39 Nghị định 156/2018/NĐ-CP:

– Chủ rừng có trách nhiệm xây dựng phương án chuyển loại rừng.

– Nội dung cơ bản của phương án chuyển loại rừng bao gồm:

+ Căn cứ vào cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học và điều kiện thực tiễn;

+ Đặc điểm khu rừng về: điều kiện tự nhiên; điều kiện kinh tế – xã hội; hiện trạng tài nguyên rừng, đa dạng sinh học; đánh giá tình hình quản lý, bảo vệ và sử dụng của khu rừng;

+ Xác định diện tích, phạm vi và ranh giới của loại rừng trên bản đồ;

+ Xác định lý do chuyển loại rừng, nội dung quản lý, giải pháp và tổ chức thực hiện quản lý khu rừng;

+ Xác định khái toán kinh phí; tổ chức thực hiện phương án.

2.3 Khái quát thủ tục chuyển loại rừng

Quy định tại điểm a, b khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 40 Nghị định 156/2018/NĐ-CP:

– Đối với khu rừng do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập:

+ Chủ rừng gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính 02 bộ hồ sơ đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với khu rừng thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý.

+ Chủ rừng gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính 02 bộ hồ sơ đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với khu rừng thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý

– Đối với khu rừng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập:

+ Chủ rừng gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính 02 bộ hồ sơ đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

3. Xử phạt vi phạm hành chính:

Vi phạm quy định về chuyển mục đích sử dụng rừng theo quy định tại Điều 12 Nghị định 35/2019:

Hành vi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đã đảm bảo điều kiện nhưng chưa thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật, bị xử phạt như sau:

– Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các trường hợp sau:

+ Rừng sản xuất có diện tích dưới 800 m2;

+ Rừng phòng hộ có diện tích dưới 600 m2;

+ Rừng đặc dụng có diện tích dưới 400 m2.

– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các trường hợp sau:

+ Rừng sản xuất có diện tích từ 800 m2đến dưới 1.400 m2;

+ Rừng phòng hộ có diện tích từ 600 m2đến dưới 1.000 m2;

+ Rừng đặc dụng có diện tích từ 400 m2đến dưới 800 m2.

– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với một trong các trường hợp sau:

+ Rừng sản xuất có diện tích từ 1.400 m2đến dưới 3.000 m2;

+ Rừng phòng hộ có diện tích từ 1.000 m2đến dưới 2.000 m2;

+ Rừng đặc dụng có diện tích từ 800 m2đến dưới 1.500 m2.

– Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các trường hợp sau:

+ Rừng sản xuất có diện tích từ 3.000 m2đến dưới 5.000 m2;

+ Rừng phòng hộ có diện tích từ 2.000 m2đến dưới 3.000 m2;

+ Rừng đặc dụng có diện tích từ 1.500 m2đến dưới 2.500 m2.

– Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các trường hợp sau:

+ Rừng sản xuất có diện tích từ 5.000 m2đến dưới 7.000 m2;

+ Rừng phòng hộ có diện tích từ 3.000 m2đến dưới 5.000 m2;

+ Rừng đặc dụng có diện tích từ 2.500 m2đến dưới 3.500 m2.

– Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với một trong các trường hợp sau:

+ Rừng sản xuất có diện tích từ 7.000 m2đến dưới 10.000 m2;

+ Rừng phòng hộ có diện tích từ 5.000 m2đến dưới 7.500 m2;

+ Rừng đặc dụng có diện tích từ 3.500 m2đến dưới 5.000 m2.

– Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các trường hợp sau:

+ Rừng sản xuất có diện tích 10.000 m2trở lên;

+ Rừng phòng hộ có diện tích 7.500 m2trở lên;

+ Rừng đặc dụng có diện tích 5.000 m2trở lên.

Kết luận: Chủ rừng khi có nhu cầu chuyển loại rừng nộp hồ sơ đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo trình tự thủ tục theo quy định tại Điều 40 Nghị định 156/2018/NĐ-CP.

Chi tiết trình tự thủ tục, hồ sơ, mẫu đơn xem tại đây:

Chuyển loại rừng đối với khu rừng do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập

Chuyển loại rừng đối với khu rừng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập