13. Các chế độ phụ cấp đối với người làm công tác cơ yếu

Posted on

Khi làm việc tại các tổ chức cơ yếu ngoài những khoản lương chính thức thì người làm việc còn được hưởng các chế độ phụ cấp khác nhau tùy theo chức vụ. Vậy các chế độ phụ cấp đối với người làm công tác cơ yếu được quy định như thế nào trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung đó qua Thông tư 07/2017/TT-BNV

1. Các chế độ phụ cấp

Theo quy định tại Điều 7 Thông tư 07/2017/TT-BNV thì các chế độ phụ cấp đối với người làm công tác cơ yếu được chia thành các loại sau đây:

– Phụ cấp chức vụ lãnh đạo

– Phụ cấp thâm niên nghề

– Chế độ phụ cấp trách nhiệm công việc

– Phụ cấp phục vụ quốc phòng, an ninh

– Phụ cấp thâm niên vượt khung

– Các chế độ phụ cấp khác.

1.1 Phụ cấp chức vụ lãnh đạo

Khoản 1 Điều 7 Thông tư 07/2017/TT-BNV quy định về phụ cấp chức vụ lãnh đạo như sau

Người làm việc tại Ban Cơ yếu Chính phủ được bổ nhiệm chức danh lãnh đạo trong tổ chức cơ yếu hưởng mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo như sau:

– Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ với hệ số là 1.30

– Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ với hệ số là 1.10

– Cục trưởng, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng và tương đương thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ với hệ số là 0.90

– Phó Cục trưởng, Phó Vụ trưởng, Phó Chánh Văn phòng và tương đương thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ với hệ số là 0.70

– Trưởng phòng và tương đương của các đơn vị thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ với hệ số là 0.50

– Phó Trưởng phòng và tương đương của các đơn vị thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ với hệ số là 0.40

– Trưởng ban hoặc Đội trưởng cơ yếu đơn vị và tương đương của các tổ chức thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ với hệ số trợ cấp là 0.20

Lưu ý: Các chức danh lãnh đạo tương đương của các đơn vị thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

1.2 Phụ cấp thâm niên nghề

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Thông tư 07/2017/TT-BNV, phụ cấp thâm niên nghề được quy định như sau:

– Người làm công tác cơ yếu (bao gồm người hưởng lương cấp hàm cơ yếu và người hưởng lương chuyên môn kỹ thuật cơ yếu) không phải là quân nhân, công an nhân dân thực hiện phụ cấp thâm niên nghề như sau:

+ Sau 5 năm (đủ 60 tháng) làm việc liên tục trong tổ chức cơ yếu thì được hưởng phụ cấp thâm niên nghề bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạophụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); từ năm thứ 6 (sáu) trở đi cứ thêm một năm (đủ 12 tháng) được tính hưởng thêm 1%.

+ Thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên nghề ở các ngành, nghề khác (bao gồm: Quân đội, công an, hải quan, tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự, kiểm lâm, kiểm tra Đảng, nhà giáo, dự trữ quốc gia) theo đúng quy định của cơ quan có thẩm quyền được cộng dồn với thời gian làm công tác cơ yếu để tính hưởng phụ cấp thâm niên nghề.

– Phụ cấp thâm niên nghề được tính trả cùng kỳ lương hàng tháng và được dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

1.3 Chế độ phụ cấp trách nhiệm công việc:

Chế độ phụ cấp trách nhiệm công việc được quy định chi tiết tại Khoản 3 Điều 7 Thông tư 07/2017/TT-BNV như sau:

Phụ cấp trách nhiệm công việc bảo vệ cơ mật mật mã:

– Phụ cấp trách nhiệm bảo vệ cơ mật mật mã gồm 3 mức: 0,10; 0,20 và 0,30 so với mức lương cơ sở áp dụng đối với những người làm việc trong tổ chức cơ yếu (bao gồm cả những người làm việc trong tổ chức cơ yếu thuộc hệ thống tổ chức cơ yếu Quân đội nhân dân và hệ thống tổ chức cơ yếu Công an nhân dân) như sau:

+ Hệ số 0,30 áp dụng đối với những người xếp lương cấp hàm cơ yếu, cấp bậc quân hàm sĩ quan quân đội nhân dân, cấp bậc hàm sĩ quan và hạ sĩ quan công an nhân dân, người trực tiếp làm công việc mã dịch, nghiên cứu, biên soạn, sản xuất, lắp ráp, sửa chữa, cung cấp sản phẩm mật mã và tài liệu mật mã, chứng thực số và bảo mật thông tin, an ninh mạng, quản lý mật mã dân sự;

+ Hệ số 0,20 áp dụng đối với giảng viên, giáo viên, những người trực tiếp liên quan đến chuyên môn nghiệp vụ cơ yếu, những người làm công tác tổ chức, quản lý kỹ thuật mật mã;

+ Hệ số 0,10 áp dụng đối với người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu.

Những nơi không thành lập phòng, ban, đội cơ yếu thì người làm công tác cơ yếu đảm nhiệm công tác quản lý không thuộc chức danh lãnh đạo bổ nhiệm được hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc hệ số 0,20 so với mức lương cơ sở.

1.4 Phụ cấp phục vụ quốc phòng, an ninh:

Theo quy định tại Khoản 4 Điều 7 Thông tư 07/2017/TT-BNV thì phụ cấp phục vụ quốc phòng, an ninh được quy định như sau:

– Phụ cấp phục vụ quốc phòng, an ninh gồm 2 mức 50% và 30% mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạophụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) áp dụng đối với những người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu thuộc diện xếp lương theo ngạch, bậc công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức như sau:

+ Mức 50% áp dụng đối với công chức, viên chức (kể cả những người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong chỉ tiêu biên chế) hưởng lương từ ngân sách nhà nước trực tiếp làm việc trong các đơn vị sản xuất tài liệu, sản xuất và lắp ráp máy mã, trang thiết bị kỹ thuật mật mã;

+ Mức 30% áp dụng đối với công chức, viên chức còn lại (kể cả những người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong chỉ tiêu biên chế) hưởng lương từ ngân sách nhà nước làm việc trong tổ chức cơ yếu.

– Khi công chức, viên chức được điều động từ đơn vị này sang đơn vị khác hoặc ngành, nghề này sang ngành, nghề khác, từ nơi có mức phụ cấp phục vụ quốc phòng, an ninh 50% đến nơi có mức phụ cấp quốc phòng, an ninh 30% (hoặc ngược lại) thì được hưởng mức phụ cấp theo nơi mới kể từ tháng tiếp theo.

1.5 Phụ cấp thâm niên vượt khung:

Đối với người xếp lương chuyên môn kỹ thuật cơ yếu:

– Người xếp lương chuyên môn kỹ thuật cơ yếu, nếu đã có đủ 36 tháng giữ bậc lương cuối cùng trong nhóm chức danh hiện giữ và đạt đủ tiêu chuẩn hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung như tiêu chuẩn nâng bậc lương thường xuyên quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 6 Thông tư này, thì được xét hưởng phụ cấp thâm niên, vượt khung bằng 5% mức lương của bậc lương cuối cùng trong nhóm chức danh hiện giữ; từ năm thứ tư trở đi, mỗi năm (đủ 12 tháng) có đủ điều kiện và tiêu chuẩn hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung được tính hưởng thêm 1%.

– Việc quyết định hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung đối với người xếp lương chuyên môn kỹ thuật cao cấp thuộc biên chế trả lương của Ban Cơ yếu Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định trên cơ sở đề nghị của Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ. Các trường hợp khác thực hiện theo phân cấp hiện hành.

Đối với công chức, viên chức làm việc trong tổ chức cơ yếu:

– Công chức, viên chức làm việc trong tổ chức cơ yếu thuộc diện xếp lương theo ngạch, bậc công chức, viên chức, thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên vượt khung theo quy định tại Thông tư số 04/2005/TT-BNV.

Lưu ý: Ngoài các chế độ phụ cấp quy định tại Thông tư này, tùy từng đối tượng, người làm việc trong tổ chức cơ yếu được thực hiện các chế độ phụ cấp khác theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

Kết luận: Như vậy, các chế độ phụ cấp khác nhau sẽ được áp dụng cho các đối tượng với các chức vụ khác nhau. Thông tư 07/2017/TT-BNV quy định rất chi tiết các chế độ phụ cấp đối với những người làm việc trong tổ chức cơ yếu.

Trình tự thủ tục, hồ sơ, biểu mẫu thực hiện xem tại đây:

Các chế độ phụ cấp đối với người làm công tác cơ yếu