CẤP THẺ BẢO HIỂM Y TẾ CHO THÂN NHÂN CỦA SĨ QUAN, HẠ SĨ QUAN, CHIẾN SĨ ĐANG CÔNG TÁC TRONG LỰC LƯỢNG CÔNG AN NHÂN DÂN

Posted on

Nếu hạ sĩ quan, chiến sĩ đang công tác trong lực lượng Công an nhân dân thì thân nhân của họ sẽ được cấp bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật. Sau đây, Dữ Liệu Pháp lý sẽ cụ thể nội dung đó theo Luật công an Nhân dân 2014, Nghị định 87/2013/NĐ-CP, Thông tư liên tịch 14/2013/TTLT-BCA-BTC, Luật Bảo hiểm y tế 2008Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm y tế năm 2014, Nghị định 105/2014/NĐ-CP, Thông tư liên tịch 11/2012/TTLT-BCA-BYT-BTC, Thông tư liên tịch 41/2014/TTLT-BYT-BTC như sau:

1. Hạ sĩ quan, chiến sĩ

Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ là công dân Việt Nam được tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện và hoạt động trong các lĩnh vực nghiệp vụ của Công an nhân dân được phong, thăng cấp bậc hàm cấp tướng, cấp tá, cấp úy, hạ sĩ quan. (khoản 3 Điều 3 Luật Công an Nhân dân 2014)

Sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật là công dân Việt Nam , có trình độ chuyên môn kỹ thuật, hoạt động trong Công an nhân dân được phong, thăng cấp bậc hàm cấp tá, cấp úy, hạ sĩ quan. (khoản 4 Điều 3 Luật Công an Nhân dân 2014)

Hạ sĩ quan, chiến sĩ phục vụ có thời hạn trong công an nhân dân là công dân Việt Nam thực hiện nghĩa vụ tham gia phục vụ trong Công an nhân dân có thời hạn 3 năm; được phong, thăng cấp bậc hàm Thượng sĩ, Trung sĩ, Hạ sĩ, Binh nhất, Binh nhì. (khoản 5 Điều 3 Luật công an Nhân dân năm 2014)

2. Bảo hiểm y tế

Bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với các đối tượng theo quy định của Luật này để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện. (Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật bảo hiểm y tế 2014)

Bố, mẹ, người nuôi dưỡng hợp pháp của chồng và của vợ, vợ hoặc chồng và con dưới 18 tuổi của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, sinh viên, học sinh Công an nhân dân không có chế độ bảo hiểm y tế thì được Công an nhân dân mua bảo hiểm y tế, được khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế theo quy định của pháp luật. (khoản 2 Điều 37 Luật Công an Nhân dân 2014)

3. Cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm y tế

Cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm y tế (Điều 5 Luật Bảo hiểm y tế 2008)

  • Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về bảo hiểm y tế.
  • Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về bảo hiểm y tế.
  • Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp với Bộ Y tế thực hiện quản lý nhà nước về bảo hiểm y tế.
  • Uỷ ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về bảo hiểm y tế tại địa phương.

4. Yêu cầu, điều kiện thân nhân của hạ sĩ quan, chiến sĩ được hưởng chế độ bảo hiểm

Theo Điều 1 Thông tư liên tịch 11/2012/TTLT-BYT-BTC quy định về yêu cầu, điều kiện thân nhân được hưởng chế độ bảo hiểm:

Áp dụng đối với thân nhân của sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật đang công tác, học tập trong và ngoài lực lượng Công an nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân đang phục vụ có thời hạn quy định tại điểm b, khoản 16, Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế (sau đây gọi tắt là thân nhân của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân) tham gia bảo hiểm y tế (trừ thân nhân của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân đang tham gia bảo hiểm y tế ở các nhóm đối tượng khác theo quy định của Chính phủ), bao gồm:

+ Bố đẻ, mẹ đẻ; bố đẻ, mẹ đẻ của vợ hoặc của chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp của bản thân, của vợ hoặc của chồng;

+ Vợ hoặc chồng;

+ Con đẻ, con nuôi hợp pháp dưới 18 tuổi; con đẻ, con nuôi hợp pháp trên 18 tuổi nhưng bị tàn tật, mất khả năng lao động theo quy định của pháp luật;

+ Thành viên khác trong gia đình (không thuộc các trường hợp nêu trên) mà cán bộ, chiến sĩ có trách nhiệm nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình chưa đủ 18 tuổi, hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên những bị tàn tật, mất khả năng lao động theo quy định của pháp luật.

5. Mức đóng, trách nhiệm đóng, phương thức và thời hạn đóng bảo hiểm y tế

Căn cứ quy định tại Điều 2 Thông tư liên tịch 11/2012/TTLT-BCA-BYT-BTC quy định: Mức đóng bảo hiểm y tế (BHYT) hàng tháng đối với thân nhân của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ CAND bằng 4,5% mức lương tối thiểu chung và được điều chỉnh theo lộ trình do Chính phủ quy định.

Lưu ý:

  • Kinh phí đóng BHYT đối với thân nhân của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ CAND do ngân sách nhà nước đảm bảo theo quy định tại Điểm đ, Khoản 1, Điều 13 Luật Bảo hiểm y tế.
  • Căn cứ danh sách đối tượng được cấp thẻ BHYT (quy định tại Khoản 2, Điều 4 Thông tư này), cơ quan Tổ chức cán bộ phối hợp với cơ quan Tài chính cùng cấp báo cáo Thủ trưởng đơn vị Công an, chuyển kinh phí cho cơ quan Bảo hiểm xã hội nơi cấp thẻ BHYT. Kinh phí đóng BHYT được chuyển vào đầu quý I hàng năm, ít nhất bằng 85% mức đóng cả năm.
  • Quỹ BHYT không thanh toán chi phí khám bệnh và chữa bệnh đối với các trường hợp được quy định tại Điều 23 Luật Bảo hiểm y tế.
  • Các đối tượng tham gia BHYT quy định trên nếu thuộc đối tượng được hưởng nhiều mức quyền lợi khác nhau thì được cấp thẻ BHYT có mức hưởng ở mức quyền lợi cao nhất.

6. Thời hạn sử dụng bảo hiểm y tế

Thời hạn sử dụng thẻ bảo hiểm y tế (Điều 6 Thông tư liên tịch 11/2012/TTLT-BYT-BTC)

  • Thời hạn sử dụng thẻ bảo hiểm y tế đối với thân nhân của sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ và sĩ quan, hã sĩ quan chuyên môn kĩ thuật là 12 tháng.
  • Thời hạn sử dụng thẻ bảo hiểm y tế của thân nhân của hạ sĩ quan, chiến sĩ phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân là 36 tháng.

Thời hạn sử dụng thẻ BHYT được gia hạn khi có quyết định của cấp có thẩm quyền kéo dài thời gian phục vụ đối với hạ sĩ quan, chiến sĩ phục vụ có thời hạn trong CAND, tối đa không quá thời hạn phục vụ còn lại của hạ sĩ quan, chiến sĩ đó.

Lưu ý: Thẻ BHYT đã phát hành sẽ bị thu hồi đối với các trường hợp sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ CAND thôi phục vụ trong CAND.

7. Cấp lại, cấp đổi thẻ bảo hiểm y tế

Theo quy định tại Điều 7 Thông tư liên tịch 11/2012/TTLT-BCA-BYT-BTC thẻ BHYT được cấp lại, cấp đổi trong các trường hợp sau đây:

– Cấp lại thẻ BHYT trong trường hợp bị mất;

– Cấp đổi thẻ BHYT trong trường hợp: Thẻ bị rách, nát hoặc hỏng; thay đổi nơi đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu; thay đổi mã quyền lợi hoặc thông tin ghi trên thẻ không đúng.

8. Trách nhiệm của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ CAND trong việc kê khai về thân nhân đủ điều kiện hưởng chế độ BHYT:

Điều 13 Thông tư liên tịch 11/2012/TTLT-BCA-BYT-BTC quy định:

Mỗi thân nhân thuộc đối tượng quy định tại Điều 1 Thông tư này chỉ được cấp một thẻ BHYT. Trường hợp một thân nhân có nhiều sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ (Công an; quân đội hoặc người làm công tác cơ yếu) cũng chỉ được cấp một thẻ BHYT, việc kê khai đề nghị cấp thẻ BHYT thực hiện như sau:

– Thân nhân ở với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ CAND nào thì người đó có trách nhiệm kê khai.

– Thân nhân có cả bố và mẹ cùng là sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ CAND thì người mẹ có trách nhiệm kê khai.

– Thân nhân có nhiều sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ CAND thì người ở hàng cao nhất (thứ bậc cao nhất trong gia đình) có trách nhiệm kê khai. Trường hợp người ở hàng cao nhất không có điều kiện kê khai, thì một người trong số người còn lại có trách nhiệm kê khai, nhưng phải báo cáo rõ lý do chính đáng.

9. Quyền và trách nhiệm của thân nhân của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ CAND

Quyền và trách nhiệm của thân nhân của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ CAND được quy định tại Điều 14 Thông tư liên tịch 11/2012/TTLT-BCA-BYT-BTC:

9.1. Quyền

– Được cấp thẻ BHYT;

– Lựa chọn cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu theo quy định tại Khoản 1, Điều 26 của Luật Bảo hiểm y tế;

– Được khám bệnh, chữa bệnh;

– Được tổ chức BHYT thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo chế độ BHYT;

– Yêu cầu tổ chức BHYT, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT và cơ quan liên quan giải thích, cung cấp thông tin về chế độ BHYT;

– Khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về BHYT.

9.2. Trách nhiệm

– Sử dụng thẻ BHYT đúng mục đích, không cho người khác mượn thẻ BHYT;

– Thực hiện các quy định tại Điều 28 của Luật Bảo hiểm y tế khi đến khám, chữa bệnh;

– Chấp hành các quy định và hướng dẫn của tổ chức BHYT cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi đến khám bệnh, chữa bệnh.

– Thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngoài phần chi phí do quỹ BHYT chi trả.

10. Xử phạt hành chính

Vi phạm quy định về cấp, chuyển kinh phí từ ngân sách nhà nước để đóng bảo hiểm y tế (Điều 62 Nghị định 176/2013/NĐ-CP)

Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi cấp, chuyển kinh phí từ ngân sách nhà nước để đóng bảo hiểm y tế không đúng số tiền quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng chưa làm thiệt hại đến quỹ bảo hiểm y tế, quyền lợi của đối tượng tham gia bảo hiểm y tế.

Phạt tiền đối với hành vi cấp, chuyển kinh phí từ ngân sách nhà nước để đóng bảo hiểm y tế không đúng số tiền quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền làm thiệt hại đến quỹ bảo hiểm y tế, quyền lợi của đối tượng tham gia bảo hiểm y tế theo một trong các mức sau đây:

  • Từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với mức vi phạm có số tiền dưới 500.000.000 đồng;
  • Từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với mức vi phạm có số tiền từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
  • Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với mức vi phạm có số tiền từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng;
  • Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với mức vi phạm có số tiền từ 5.000.000.000 đồng trở lên.

Kết luận: Nếu hạ sĩ quan, chiến sĩ đang công tác trong lực lượng Công an nhân dân thì thân nhân của họ sẽ được cấp bảo hiểm y tế nếu đủ yeu cầu, điều kiện quy định tại Điều 3 Thông tư liên tịch 41/2014/TTLT-BYT-BTC. Đồng thời, cần lưu ý về trách nhiệm của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ CAND trong việc kê khai về thân nhân đủ điều kiện hưởng chế độ BHYT quy định tại Điều 13 Thông tư liên tịch 11/2012/TTLT-BCA-BYT-BTC. Thân nhân của hạ sĩ quan, chiến sĩ có quyền và trách nhiệm trong việc sử dụng bảo hiểm ở Điều 14 Thông tư liên tịch 11/2012/TTLT-BCA-BYT-BTC.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Cấp thẻ bảo hiểm y tế cho thân nhân của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ đang công tác trong lực lượng Công an nhân dân