Tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài có nhu cầu xây dựng, đăng ký để được cấp Giấy chứng nhận vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật tại Việt Nam; các cơ quan, tổ chức có liên quan. Sau đây Dữ Liệu Pháp Lý cụ thể về Cấp, cấp lại Giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh động vật (trên cạn và thủy sản) theo quy định Thông tư 14/2016/TT-BNNPTNT, Thông tư 283/2016/TT-BTC, Thông tư 185/2016/TT-BTC.
1. Một số khái niệm cơ bản
Cơ sở an toàn dịch bệnh động vật trên cạn là cơ sở chăn nuôi hoặc một xã, một phường, thị trấn (sau đây gọi là cơ sở chăn nuôi cấp xã) được xác định không xảy ra ca bệnh đăng ký an toàn dịch bệnh trong một Khoảng thời gian quy định cho từng bệnh, từng loài động vật và hoạt động thú y tại cơ sở đó bảo đảm kiểm soát được dịch bệnh (khoản 2 Điều 2 Thông tư 14/2016/TT-BNNPTNT)
Cơ sở an toàn dịch bệnh động vật thủy sản là cơ sở sản xuất giống, nuôi trồng thủy sản được xác định không xảy ra ca bệnh đăng ký an toàn dịch bệnh trong một Khoảng thời gian quy định cho từng bệnh, từng loài động vật thủy sản và hoạt động thú y tại cơ sở đó bảo đảm kiểm soát được dịch bệnh (khoản 4 Điều 2 Thông tư 14/2016/TT-BNNPTNT).
2. Thẩm định và cấp Giấy chứng nhận vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh
Căn cứ Điều 3 Thông tư 14/2016/TT-BNNPTNT, việc thẩm định và cấp Giấy chứng nhận vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh được quy định như sau:
Cục Thú y tổ chức thẩm định và cấp Giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh động vật trên cạn, vùng an toàn dịch bệnh động vật thủy sản; thẩm định và cấp Giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh động vật đối với cơ sở chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi cấp xã, cơ sở nuôi trồng thủy sản, sản xuất thủy sản giống theo yêu cầu của chủ cơ sở hoặc yêu cầu của nước nhập khẩu; cơ sở sản xuất thủy sản giống bố mẹ.
Chi cục có chức năng quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh (sau đây gọi là Chi cục Thú y) tổ chức thẩm định và cấp Giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh động vật đối với cơ sở chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi cấp xã, cơ sở nuôi trồng thủy sản, cơ sở sản xuất thủy sản giống
3. Yêu cầu cần đáp ứng để cơ sở sản xuất giống, nuôi trồng thủy sản được chứng nhận an toàn dịch bệnh
Theo Điều 14 Thông tư 14/2016/TT-BNNPTNT, cơ sở đảm bảo an toàn dịch bệnh khi đáp ứng điều kiện sau:
– Thực hiện các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản
– Không xảy ra dịch bệnh động vật thủy sản.
– Xây dựng và thực hiện Kế hoạch giám sát dịch bệnh động vật thủy sản.
– Hoạt động thú y tại cơ sở được thực hiện theo quy định.
4. Yêu cầu cần đáp ứng để cơ sở chăn nuôi động vật trên cạn được chứng nhận an toàn dịch bệnh
Căn cứ Điều 6 Thông tư 14/2016/TT-BNNPTNT, Yêu cầu cần đáp ứng để cơ sở chăn nuôi động vật trên cạn được chứng nhận an toàn dịch bệnh:
– Thực hiện các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn
– Thực hiện giám sát dịch bệnh động vật theo quy định.
– Không xảy ra dịch bệnh động vật.
– Hoạt động thú y tại cơ sở được thực hiện theo quy định.
5. Yêu cầu về tình trạng dịch bệnh động vật thủy sản tại cơ sở
Yêu cầu về tình trạng dịch bệnh động vật thủy sản tại cơ sở quy định tại Điều 16 Thông tư 14/2016/TT-BNNPTNT như sau:
– Đối với cơ sở lần đầu đăng ký cấp Giấy chứng nhận: Không có động vật thủy sản mắc bệnh đăng ký chứng nhận an toàn trong ít nhất 06 (sáu) tháng trước thời Điểm nộp hồ sơ đăng ký.
– Đối với cơ sở có Giấy chứng nhận hết hiệu lực theo quy định tại các Điểm a và Điểm d Khoản 1 Điều 47 của Thông tư này hoặc cơ sở đăng ký cấp lại Giấy chứng nhận: Không có động vật thủy sản mắc bệnh được chứng nhận an toàn tại thời Điểm nộp hồ sơ đăng ký lại.
– Đối với cơ sở có Giấy chứng nhận hết hiệu lực theo quy định: Không có động vật thủy sản mắc bệnh được chứng nhận an toàn trong ít nhất 06 (sáu) tháng kể từ khi nơi nuôi giữ động vật thủy sản mắc bệnh cuối cùng của cơ sở được tiêu hủy hoặc kể từ khi xử lý xong động vật thủy sản mang mầm bệnh.
Lưu ý:
Cơ quan thẩm định và cấp Giấy chứng nhận vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật sau đây gọi chung là Cơ quan thú y.
6. Hết hiệu lực Giấy chứng nhận
Căn cứ khoản 1 Điều 47 Thông tư 14/2016/TT-BNNPTNT, Giấy chứng nhận vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật hết hiệu lực khi xảy ra một trong các trường hợp sau:
– Sau 05 (năm) năm kể từ ngày cấp;
– Xảy ra bệnh hoặc phát hiện mầm bệnh tại vùng, cơ sở đã được chứng nhận an toàn;
– Không thực hiện giám sát, lấy mẫu đúng, đủ số lượng theo quy định
– Không khắc phục lỗi;
– Vùng, cơ sở bị giải thể hoặc không còn hoạt động.
Lưu ý:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 44 Thông tư 14/2016/TT-BNNPTNT giấy chứng nhận được cấp lại như sau: Trước 03 (ba) tháng tính đến thời Điểm hết hiệu lực của Giấy chứng nhận, chủ cơ sở, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã (đối với cơ sở chăn nuôi cấp xã an toàn dịch bệnh); Ủy ban nhân dân cấp huyện, tỉnh (đối với vùng an toàn dịch bệnh động vật trên cạn), hoặc Đại diện vùng (đối với vùng an toàn dịch bệnh động vật thủy sản) có nhu cầu đăng ký cấp lại Giấy chứng nhận lập hồ sơ và nộp 01 (một) bộ hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện hoặc mail đến Cơ quan thú y
Kết luận: Cấp, cấp lại Giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh động vật (trên cạn và thủy sản) quy định tại Thông tư 14/2016/TT-BNNPTNT
Chi tiết trình tự, hồ sơ, biểu mẫu, thực hiện tại đây:
Cấp, cấp lại Giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh động vật (trên cạn và thủy sản)