CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN HUẤN LUYỆN NGHIỆP VỤ CỨU NẠN, CỨU HỘ

Cấp giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ là giấy xác nhận một cá nhân đã tham gia chương trình đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện về cứu nạn cứu hộ. Là một trong những giấy để chứng minh xác nhận khi xin các giấy phép con về phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, đặc biệt là người đứng đầu cơ sở, đơn vị. Giấy này được quy định tại Nghị định 83/2017/NĐ-CPThông tư 08/2018/TT-BCA. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể các nội dung chính có liên quan như sau:

1. Một số khái niệm và nguyên tắc hoạt động cứu nạn, cứu hộ

Khoản 1, 2 Điều 3 Nghị định 83/2017/NĐ-CP có định nghĩa về cứu nạn, cứu hộ như sau:

– Cứu nạn là hoạt động cứu người bị nạn khỏi nguy hiểm đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của họ do sự cố, tai nạn, bao gồm: Phát hiện, định vị, mở lối tiếp cận người bị nạn, bố trí phương tiện, dụng cụ, lực lượng cứu nạn, cứu hộ; xác định, ngăn chặn, loại bỏ các yếu tố đe dọa tính mạng, sức khỏe người bị nạn và lực lượng cứu nạn, cứu hộ; tư vấn biện pháp y tế ban đầu, sơ cứu; đưa người bị nạn khỏi vị trí nguy hiểm và các biện pháp khác đưa người bị nạn đến vị trí an toàn.

 Cứu hộ là hoạt động cứu phương tiện, tài sản khỏi nguy hiểm do sự cố, tai nạn, bao gồm: Phát hiện, định vị, mở lối tiếp cận phương tiện, tài sản bị nạn, bố trí phương tiện, dụng cụ, lực lượng cứu nạn, cứu hộ; xác định, ngăn chặn, loại bỏ các yếu tố nguy hiểm đe dọa an toàn phương tiện, tài sản và sức khỏe, tính mạng lực lượng cứu nạn, cứu hộ; đưa phương tiện, tài sản khỏi vị trí nguy hiểm và các biện pháp khác đưa phương tiện, tài sản đến vị trí an toàn.

Như vậy, giữa cứu nạn và cứu hộ khác nhau ở đối tượng giải cứu, cụ thể, cứu nạn là cứu người, cứu hộ là cứu phương tiện đến vị trí an toàn. Tuy nhiên, khi thực hiện hai hoạt động trên phải tuân thủ các nguyên tắc sau:

– Ưu tiên cứu người bị nạn; thực hiện ngay các biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, phương tiện, tài sản của người bị nạn và lực lượng cứu nạn, cứu hộ.

– Bảo đảm nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả và thống nhất trong chỉ huy, điều hành hoạt động cứu nạn, cứu hộ.

– Lây lực lượng, phương tiện tại chỗ là chủ yếu, lực lượng chuyên trách làm nòng cốt, huy động tổng hợp các lực lượng và nhân dân tham gia cứu nạn, cứu hộ.

(Điều 4 Nghị định 83/2017/NĐ-CP)

2. Quy trình cấp giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ

Các cá nhân, tổ chức, cơ sở để có giấy chứng nhận trên phải trải qua quy trình sau: Lên danh sách cần học đào tạo, huấn luyện => Đào tạo huấn luyện => Làm bài kiểm tra kiến thức => Nếu đạt yêu cầu thì làm hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận.

Lưu ý:

– Cơ quan, tổ chức, cơ sở có quyền tự hoặc không tự tổ chức lớp huấn luyện nhưng phải chú ý quy trình sau:

+ Đối với cơ quan, tổ chức, cơ sở tự tổ chức lớp huấn luyện: Cá nhân, tổ chức làm bài kiểm tra cấp giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ theo lịch kiếm tra của cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cấp tỉnh.

+ Đối với cơ quan, tổ chức, cơ sở không tự tổ chức lớp huấn luyện và cá nhân có nhu cầu xin cấp giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ: Cá nhân, tổ chức tham gia lớp bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ và làm bài kiểm tra cấp giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ theo kế hoạch tổ chức lớp bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ của cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cấp tỉnh.

– Theo khoản 1 Điều 11 Nghị định 83/2017/NĐ-CP về chương trình đào tạo về cứu nạn, cứu hộ cho các đối tượng như sau:

+ Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phải được đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện về pháp luật, chuyên môn nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ, kỹ năng tham mưu, tổ chức thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ, tư vấn biện pháp y tế ban đầu, sơ cứu người bị nạn; kỹ năng sử dụng các phương tiện, thiết bị, dụng cụ cứu nạn, cứu hộ và các kỹ năng cần thiết khác.

+ Lực lượng phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành, phòng cháy và chữa cháy cơ sở, lực lượng dân phòng được bồi dưỡng, huấn luyện về pháp luật, chuyên môn nghiệp vụ cần thiết về cứu nạn, cứu hộ.

+ Cá nhân, hộ gia đình cư trú trên địa bàn xã, phường, thị trấn được hướng dẫn kỹ năng thoát hiểm, kiến thức cần thiết về cứu nạn, cứu hộ.

Có thể xem chi tiết chương trình, nội dung đào tạo tại Điều 7 và Điều 8 Thông tư 08/2018/TT-BCA.

– Ngoài ra, theo khoản 3 Điều 11 Nghị định 83/2017/NĐ-CP quy định về thời gian đào tạo như sau:

+ Thời gian bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ do Bộ trưởng Bộ Công an quy định (khoản 3 Điều 8 Thông tư 08/2018/TT-BCA quy định thời gian đào tạo hàng năm như sau: đối với lãnh đạo cấp Phòng: 200 giờ; đối với chỉ huy Đội Cảnh sát cứu nạn, cứu hộ: 300 giờ; đối với Tổ trưởng, Tổ phó và Tổ viên Tổ Cảnh sát cứu nạn, cứu hộ: 400 giờ).

+ Thời gian bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ cho các lực lượng phòng cháy, chữa cháy khác:

. Thời gian huấn luyện nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ lần đầu từ 32 giờ đến 48 giờ;

. Thời gian bồi dưỡng bổ sung hàng năm về nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ tối thiểu là 16 giờ;

. Thời gian huấn luyện lại để được cấp giấy chứng nhận huấn luyện về nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ sau khi giấy này hết thời hạn sử dụng tối thiểu là 32 giờ.

– Theo quy định tại khoản 7, Điều 11 Nghị định 83/2017/NĐ-CPthời hạn cấp chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ là 05 ngày làm việc, kể từ ngày có kết quả kiểm tra đạt yêu cầu hoặc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị xin đổi, cấp lại.

– Ngoài ra, chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ do Cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có thẩm quyền cấp và có giá trị sử dụng trên phạm vi cả nước trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày cấp. Hết thời hạn này, phải được huấn luyện lại để được cấp giấy chứng nhận mới, trừ trường hợp đã được bồi dưỡng bổ sung hàng năm.

– Người đã hoàn thành chương trình bồi dưỡng, huấn luyện cứu nạn, cứu hộ và có kết quả kiểm tra đạt yêu cầu  thì được cấp chứng nhận (điểm a khoản 6 Điều 11 Nghị định 83/2017/NĐ-CP).

– Trường hợp chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ bị hư hỏng thì được đổi, bị mất thì được cấp lại. Thời hạn cấp, đổi, cấp lại chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ là 05 ngày làm việc, kể từ ngày có kết quả kiểm tra đạt yêu cầu hoặc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị xin đổi, cấp lại (điểm b khoản 6 Điều 11 Nghị định 83/2017/NĐ-CP).

Kết luận: Trên đây là một số lưu ý mà Dữ Liệu Pháp Lý căn cứ trên Nghị định 83/2017/NĐ-CP, Thông tư 08/2018/TT-BCA gửi đến bạn đọc. Hi vọng qua bài viết này sẽ giúp cho bạn đọc hiểu rõ hơn về thủ tục, quy trình cấp giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ.

Liên quan