CẤP GIẤY PHÉP THĂM DÒ, KHAI QUẬT KHẢO CỔ

Tổ chức muốn thực hiện chức năng thăm dò, khai quật khảo cổ thì phải được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp giấy phép thăm dò khai quật khảo cổ. Sau đây Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể hoá nội dung này theo Luật Di sản văn hóa 2001 sửa đổi, bổ sung 2009Nghị định số 98/2010/NĐ-CP; Nghị định 56/2006/NĐ-CP, Thông tư số 07/2011/TT-BVHTTDL, Quyết định 86/2008/QĐ-BVHTTDL và Quyết định 4874/QĐ-BVHTTDL như sau:

1. Một số khái niệm

Thăm dò, khai quật khảo cổ là hoạt động khoa học nhằm phát hiện, thu thập, nghiên cứu di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia và địa điểm khảo cổ (khoản 10 Điều 4 Luật Di sản văn hóa 2001 sửa đổi, bổ sung 2009).

Thăm dò khảo cổ là việc đào có tính chất thử nghiệm địa điểm khảo cổ với diện tích nhỏ nhằm bước đầu khẳng định sự tồn tại của địa điểm khảo cổ, phạm vi, niên đại, tính chất của địa điểm khảo cổ (khoản 5 Điều 3 Quyết định 86/2008/QĐ-BVHTTDL).

Khai quật khảo cổ là hoạt động khoa học nhằm nghiên cứu địa tầng của địa điểm khảo cổ và tìm kiếm, thu thập di vật khảo cổ, các loại dấu tích của quá khứ để xác định rõ nội dung, giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học của địa điểm khảo cổ (khoản 6 Điều 3 Quyết định 86/2008/QĐ-BVHTTDL).

Di vật là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học (khoản 5 Điều 4 Luật Di sản văn hóa 2001 sửa đổi, bổ sung 2009).

Cổ vật là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hoá, khoa học, có từ một trăm năm tuổi trở lên (khoản 6 Điều 4 Luật Di sản văn hóa 2001 sửa đổi, bổ sung 2009).

Bảo vật quốc gia là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hoá, khoa học (khoản 7 Điều 4 Luật Di sản văn hóa 2001 sửa đổi, bổ sung 2009).

Địa điểm khảo cổ là nơi lưu giữ những dấu tích, di vật phản ánh quá trình tồn tại của con người và môi trường tự nhiên trong quá khứ có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học (khoản 1 Điều 3 Quyết định 86/2008/QĐ-BVHTTDL).

Mục đích của hoạt động thăm dò, khai quật khảo cổ được quy định tại Điều 1 Quyết định số 86/2008/QĐ-BVHTTDL như sau:

– Phát hiện, nghiên cứu những địa điểm khảo cổ, di tích và di vật trong lòng đất và dưới nước để tìm hiểu mọi mặt đời sống tự nhiên và xã hội trong các giai đoạn khác nhau của lịch sử.

– Làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hóa của đất nước; bổ sung tài liệu, hiện vật cho các bảo tàng của trung ương và địa phương nhằm lưu giữ, trưng bày và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của công chúng.

 Phục vụ việc bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích.

2. Điều kiện tiến hành hoạt động thăm dò, khai quật khảo cổ

Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động thăm dò, khai quật khảo cổ phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 11 Quyết định 86/2008/QĐ-BVHTTDL bao gồm:

– Tổ chức có chức năng thăm dò, khai quật khảo cổ

– Người chủ trì việc thăm dò, khai quật khảo cổ phải có đủ các điều kiện quy định

– Có giấy phép thăm dò, khai quật khảo cổ.

Các tổ chức được thăm dò, khai quật khảo cổ theo quy định tại Điều 16 Nghị định 98/2010/NĐ-CP bao gồm:

– Cơ quan nghiên cứu khảo cổ học của Nhà nước.

– Trường đại học có bộ môn khảo cổ học.

– Bảo tàng và Ban Quản lý di tích của Nhà nước có chức năng nghiên cứu khảo cổ.

– Hội có chức năng nghiên cứu khảo cổ ở trung ương

Điều kiện đối với người chủ trì cuộc thăm dò, khai quật khảo cổ được quy định tại Điều 40 Luật Di sản văn hóa 2001 sửa đổi, bổ sung 2009 như sau:

– Có bằng cử nhân chuyên ngành khảo cổ học hoặc bằng cử nhân chuyên ngành khác có liên quan đến khảo cổ học;

– Có ít nhất 5 năm trực tiếp làm công tác khảo cổ;

– Được tổ chức xin phép thăm dò, khai quật khảo cổ đề nghị bằng văn bản với Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch

Lưu ý:

Trong trường hợp cần thay đổi người chủ trì thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch

3. Thủ tục cấp giấy phép thăm dò, khai quật khảo cổ

Việc thăm dò, khai quật khảo cổ chỉ được tiến hành sau khi có giấy phép của Bộ trưởng Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch (Điều 38 Luật Di sản văn hóa 2001 sửa đổi, bổ sung 2009).

Tổ chức có chức năng nghiên cứu khảo cổ muốn tiến hành thăm dò, khai quật khảo cổ phải gửi hồ sơ xin phép thăm dò, khai quật khảo cổ đến Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch (khoản 1 Điều 39 Luật Di sản văn hóa 2001 sửa đổi, bổ sung 2009).

Lưu ý:

Theo quy định tại Điều 14 Quyết định 86/2008/QĐ-BVHTTDL, khi phát hiện địa điểm khảo cổ  có nguy cơ bị xâm hại, huỷ hoại, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch nơi có địa điểm khảo cổ có trách nhiệm:

– Báo cáo Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh bố trí kinh phí để tổ chức khai quật khẩn cấp;

– Cấp giấy phép khai quật khảo cổ khẩn cấp cho tổ chức có đủ điều kiện khai quật khảo cổ tại địa phương hoặc tổ chức có chức năng theo quy định tại Điều 11 của Quy chế này (mẫu Phụ lục số 4 ban hành kèm theo Quy chế này);

– Trong thời hạn 3 ngày làm việc, báo cáo bằng văn bản tới Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc cấp phép khai quật khẩn cấp, trong đó nêu rõ những nguyên nhân đe dọa sự tồn tại của địa điểm khảo cổ và gửi kèm theo bản sao giấy phép khai quật khẩn cấp của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

3. Xử lý vi phạm

Điểm a khoản 2 Điều 57 Nghị định 56/2006/NĐ-CP quy định về hình thức xử lý đối với trường hợp thăm dò, khai quật khảo cổ không có giấy phép. Theo đó:

– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi khai quật khảo cổ học không có giấy phép; đào bới, trục vớt trái phép tại các địa điểm khảo cổ;

– Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật và phương tiện vi phạm

Kết luận: Việc thực hiện thủ tục để được cấp giấy phép thăm dò, khai quật khảo cổ được thực hiện theo đúng quy định Luật Di sản văn hóa 2001 sửa đổi, bổ sung 2009Nghị định số 98/2010/NĐ-CP; Nghị định 56/2006/NĐ-CP, Thông tư số 07/2011/TT-BVHTTDL, Quyết định 86/2008/QĐ-BVHTTDL và Quyết định 4874/QĐ-BVHTTDL.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Cấp giấy phép thăm dò, khai quật khảo cổ

Liên quan