CẤP LẠI GIẤY PHÉP TÀI NGUYÊN NƯỚC

Tổ chức, cá nhân có nhu cầu tiếp tục các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước hoặc xả nước thải vào nguồn nước phải tiến hành thủ tục xin cấp lại giấy phép tài nguyên nước theo quy định của pháp luật. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung này theo Luật tài nguyên nước 2012Nghị định 201/2013/NĐ-CPThông tư 27/2014/TT-BTNMT, Quyết định 59/2006/QĐ-BTC.

1. Một số khái niệm cơ bản

Tài nguyên nước bao gồm nguồn nước mặt, nước dưới đất, nước mưa và nước biển thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. (theo khoản 1 Điều 2 Luật tài nguyên nước 2012)

Nước mặt là nước tồn tại trên mặt đất liền hoặc hải đảo. (theo khoản 3 Điều 2 Luật tài nguyên nước 2012)

Nước dưới đất là nước tồn tại trong các tầng chứa nước dưới đất. (theo khoản 4 Điều 2 Luật tài nguyên nước 2012)

Giấy phép tài nguyên nước bao gồm: Giấy phép thăm dò nước dưới đất; giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt; giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất; giấy phép khai thác, sử dụng nước biển; giấy phép xả nước thải vào nguồn nước. (theo khoản 1 Điều 15 Nghị định 201/2013/NĐ-CP)

2. Điều kiện cấp phép

Tổ chức hoặc cá nhân được cấp giấy phép tài nguyên nước phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 20 Nghị định 201/2013/NĐ-CP như sau:

– Đã thực hiện việc thông báo, lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan.

– Có đề án, báo cáo phù hợp với quy hoạch tài nguyên nước đã được phê duyệt hoặc phù hợp với khả năng nguồn nước, khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước nếu chưa có quy hoạch tài nguyên nước. Đề án, báo cáo phải do tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường lập; thông tin, số liệu sử dụng để lập đề án, báo cáo phải bảo đảm đầy đủ, rõ ràng, chính xác và trung thực.

Phương án, biện pháp xử lý nước thải thể hiện trong đề án, báo cáo xả nước thải vào nguồn nước phải bảo đảm nước thải được xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; phương án thiết kế công trình hoặc công trình khai thác tài nguyên nước phải phù hợp với quy mô, đối tượng khai thác và đáp ứng yêu cầu bảo vệ tài nguyên nước.

Đối với trường hợp xả nước thải vào nguồn nước, ngoài điều kiện kể trên, còn phải đáp ứng các điều kiện tại khoản 3 Điều 20 Nghị định 201/2013/NĐ-CP sau:

– Có thiết bị, nhân lực hoặc có hợp đồng thuê tổ chức, cá nhân khác đủ năng lực thực hiện việc vận hành hệ thống xử lý nước thải và quan trắc hoạt động xả nước thải đối với trường hợp đã có công trình xả nước thải;

– Có phương án bố trí thiết bị, nhân lực để thực hiện việc vận hành hệ thống xử lý nước thải và quan trắc hoạt động xả nước thải đối với trường hợp chưa có công trình xả nước thải;

– Đối với trường hợp xả nước thải, còn phải có phương án, phương tiện, thiết bị cần thiết để ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước và thực hiện việc giám sát hoạt động xả nước thải theo quy định.

– Đối với trường hợp khai thác, sử dụng nước đất với quy mô từ 3.000 m3/ngày đêm trở lên, còn phải có thiết bị, nhân lực hoặc có hợp đồng thuê tổ chức, cá nhân có đủ năng lực thực hiện việc quan trắc, giám sát hoạt động khai thác nước theo quy định; trường hợp chưa có công trình thì phải có phương án bố trí thiết bị, nhân lực thực hiện việc quan trắc, giám sát hoạt động khai thác nước.

– Đối với trường hợp khai thác, sử dụng nước mặt có xây dựng hồ, đập trên sông, suối phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 53 của Luật tài nguyên nước 2012, các điều kiện kể trên và các điều kiện sau đây: Có phương án bố trí thiết bị, nhân lực để vận hành hồ chứa, quan trắc, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng nước; phương án quan trắc khí tượng, thủy văn, tổ chức dự báo lượng nước đến hồ để phục vụ vận hành hồ chứa theo quy định đối với trường hợp chưa có công trình; Có quy trình vận hành hồ chứa; có thiết bị, nhân lực hoặc có hợp đồng thuê tổ chức, cá nhân có đủ năng lực để thực hiện việc vận hành hồ chứa, quan trắc, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng nước, quan trắc khí tượng, thủy văn và dự báo lượng nước đến hồ để phục vụ vận hành hồ chứa theo quy định đối với trường hợp đã có công trình.

Kết luận: Khi tiến hành thủ tục xin cấp lại giấy phép tài nguyên nước, các tổ chức, cá nhân cần lưu ý các quy định tại Luật tài nguyên nước 2012Nghị định 201/2013/NĐ-CPThông tư 27/2014/TT-BTNMT, Quyết định 59/2006/QĐ-BTC.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, biểu mâu, thực hiện tại đây

Cấp lại giấy phép tài nguyên nước

Liên quan