ĐĂNG KÝ HOẠT ĐỘNG CƠ SỞ IN

Dữ liệu pháp lý sẽ cụ thể về thủ tục Đăng ký hoạt động cơ sở in theo quy định theo pháp luật tại Nghị định 60/2014/NĐ-CP, Nghị định 25/2018/NĐ-CP

1. Một số khái niệm cơ bản

Chế bản là tạo ra bản phim, bản can, khuôn in để in hoặc bản mẫu để photocopy (khoản 1 Điều 2 Nghị định 60/2014/NĐ-CP).

In là sử dụng công nghệ, thiết bị để tạo ra sản phẩm in (khoản 2 Điều 2 Nghị định 60/2014/NĐ-CP).

Gia công sau in là sử dụng công nghệ, thiết bị, công cụ, chuyên môn kỹ thuật để thực hiện các công việc gia công tờ in thành sản phẩm in hoàn chỉnh theo bản mẫu  (khoản 3 Điều 2 Nghị định 60/2014/NĐ-CP)

Cơ sở in là doanh nghiệp, hộ kinh doanh, đơn vị sự nghiệp công lập trực tiếp thực hiện đầy đủ hoặc từng công đoạn chế bản, in, gia công sau in (khoản 6 Điều 2 Nghị định 60/2014/NĐ-CP)

Người đứng đầu cơ sở in là người đại diện theo pháp luật được ghi tên tại một trong các loại giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đầu tư hoặc quyết định bổ nhiệm của cơ quan có thẩm quyền đối với cơ sở in, cơ sở dịch vụ photocopy là đơn vị sự nghiệp công lập  (khoản 8 Điều 2 Nghị định 60/2014/NĐ-CP).

Chủ sở hữu cơ sở in là tổ chức, cá nhân nắm giữ vốn của cơ sở in, cơ sở dịch vụ photocopy hoặc là thành viên hợp danh trong trường hợp cơ sở in, cơ sở dịch vụ photocopy là công ty hợp danh theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp (khoản 9 Điều 2 Nghị định 60/2014/NĐ-CPP).

2. Yêu cầu, điều kiện thực hiện

Điều kiện đăng ký hoạt động cơ sở in  (khoản 1 Điều 11 Nghị định 60/2014/NĐ-CP, khoản 3, khoản 4 Điều 1 Nghị định 25/2018/NĐ-CP):

– Có thiết bị phù hợp để thực hiện một hoặc nhiều công đoạn chế bản, in, gia công sau in đúng với nội dung đơn đề nghị;

– Có mặt bằng hợp pháp để thực hiện chế bản, in, gia công sau in;

– Có chủ sở hữu là tổ chức, cá nhân Việt Nam và có người đứng đầu là công dân Việt Nam, thường trú hợp pháp tại Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

3. Đăng ký hoạt động cơ sở in

Căn cứ Khoản 7 Điều 1 Nghị định 25/2018/NĐ-CP, Đăng ký hoạt động của cơ sở in được quy định như sau:

Cơ sở in thực hiện chế bản, in, gia công sau in sản phẩm in không thuộc quy định tại các điểm a, c, và đ khoản 4 Điều 2 Nghị định 25/2018/NĐ-CP phải đăng ký hoạt động với cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động in.

Trước khi hoạt động 15 ngày, cơ sở in phải gửi 02 tờ khai đăng ký hoạt động cơ sở in theo mẫu quy định đến cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động in theo quy định sau đây:

Cơ sở in thuộc các bộ, cơ quan, tổ chức trung ương gửi hồ sơ qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến hoặc dịch vụ bưu chính, chuyển phát hoặc nộp hồ sơ trực tiếp tại Bộ Thông tin và Truyền thông;

Cơ sở in khác gửi hồ sơ qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến hoặc dịch vụ bưu chính, chuyển phát hoặc nộp hồ sơ trực tiếp tại Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.”

Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày có một trong các thay đổi về thông tin đã được xác nhận đăng ký, cơ sở in phải gửi bổ sung 02 tờ khai đăng ký thay đổi thông tin theo mẫu quy định.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được tờ khai đăng ký của cơ sở in quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều này, cơ quan quản lý về hoạt động in có trách nhiệm xác nhận đăng ký và cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động in; trường hợp không xác nhận đăng ký phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do.

Tờ khai đăng ký hoạt động hoặc tờ khai thay đổi thông tin của cơ sở in không thể hiện đầy đủ thông tin theo mẫu quy định hoặc thể hiện thông tin không trung thực bị từ chối xác nhận đăng ký.

4. Trách nhiệm của cơ sở in

Cơ sở in có trách nhiệm như sau (Điều 15 Nghị định 60/2014/NĐ-CP, khoản 8 Điều 1 Nghị định 25/2018/NĐ-CP) :

– Đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Điều 11 Nghị định này trong quá trình hoạt động.

– Thực hiện đúng nội dung ghi trong giấy phép hoạt động in hoặc tờ khai đăng ký hoạt động đã được cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động in xác nhận.

– Chế bản, in, gia công sau in đúng với bản mẫu của sản phẩm in và đúng với số lượng in ghi trong hợp đồng in.

– Cập nhật đầy đủ thông tin về việc nhận chế bản, in, gia công sau in vào “Sổ quản lý ấn phẩm nhận chế bản, in, gia công sau in” theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định.

– Lưu giữ đầy đủ hồ sơ liên quan đến sản phẩm nhận chế bản, in, gia công sau in trong 24 tháng, kể từ ngày ký hợp đồng in. Hồ sơ phải lưu giữ gồm có:

  • Bản chính hợp đồng chế bản, in, gia công sau in hoặc phiếu đặt in quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định này;
  • Bản thảo (bản mẫu) của sản phẩm đặt in đã được đóng dấu hoặc có chữ ký của tổ chức, cá nhân có sản phẩm đặt in được lưu giữ theo một trong các dạng: Bản thảo trên giấy thông thường; bản thảo in trên giấy can; bản thảo in trên phim; bản thảo điện tử là tệp tin được chứa trong đĩa CD, đĩa CD- ROM, USB, ổ cứng hoặc các thiết bị lưu trữ dữ liệu khác;

–  Giấy tờ liên quan đến sản phẩm đặt in quy định tại các Điều 17, 19, 20 và 22 Nghị định này;

–  Sổ ghi chép, quản lý ấn phẩm nhận chế bản, in, gia công sau in được ghi đầy đủ thông tin.” 6. Xuất trình hồ sơ, giấy tờ liên quan đến hoạt động của cơ sở in, sản phẩm in và giải trình đầy đủ, trung thực theo yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền thi hành nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra theo quy định của pháp luật.

–  Chấp hành việc báo cáo định kỳ, đột xuất về hoạt động của cơ sở in, sản phẩm nhận chế bản, in, gia công sau in theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động in.

–  Tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ quản lý hoạt động in do cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động in tổ chức.

–  Báo cáo kịp thời với cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động in khi phát hiện sản phẩm nhận chế bản, in, gia công sau in có nội dung vi phạm Khoản 1 Điều 9 Nghị định này.

– Tuân thủ quy định tại Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan; người đứng đầu cơ sở in phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động của cơ sở in và sản phẩm in.

Kết luận: Thủ tục Đăng ký hoạt động cơ sở in được quy định tại Nghị định 60/2014/NĐ-CP, Nghị định 25/2018/NĐ-CP

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Đăng ký hoạt động cơ sở in

Liên quan