ĐĂNG KÝ THIẾT KẾ BỐ TRÍ MẠCH TÍCH HỢP BÁN DẪN

Cá nhân, tổ chức thực hiện đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn để được cấp văn bằng bảo hộ theo quy định của luật. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung này theo Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019), Nghị định 103/2006/NĐ-CP, Nghị định 122/2010/NĐ-CP, Thông tư 01/2007/TT-BKHCN, Thông tư 13/2010/TT-BKHCNThông tư 18/2011/TT-BKHCN, Thông tư 05/2013/TT-BKHCN, Thông tư 16/2016/TT-BKHCN và Thông tư 263/2016/TT-BTC, Thông tư 31/2020/TT-BTC.

1. Một số khái niệm

Khoản 14 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định: Mạch tích hợp bán dẫn là sản phẩm dưới dạng thành phẩm hoặc bán thành phẩm, trong đó các phần tử với ít nhất một phần tử tích cực và một số hoặc tất cả các mối liên kết được gắn liền bên trong hoặc bên trên tấm vật liệu bán dẫn nhằm thực hiện chức năng điện tử. Mạch tích hợp đồng nghĩa với IC, chip và mạch vi điện tử.

Khoản 15 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định: Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn (sau đây gọi là thiết kế bố trí) là cấu trúc không gian của các phần tử mạch và mối liên kết các phần tử đó trong mạch tích hợp bán dẫn.

2. Điều kiện chung đối với thiết kế bố trí được bảo hộ

Điều 68 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định điều kiện chung đối với thiết kế bố trí được bảo hộ là thiết kế bố trí phải có tính nguyên gốc và tính mới thương mại.

– Thiết kế bố trí được coi là có tính nguyên gốc nếu đáp ứng các điều kiện sau:

+ Là kết quả lao động sáng tạo của chính tác giả;

+ Chưa được những người sáng tạo thiết kế bố trí và những nhà sản xuất mạch tích hợp bán dẫn biết đến một cách rộng rãi tại thời điểm tạo ra thiết kế bố trí đó.

Thiết kế bố trí là sự kết hợp các phần tử, các mối liên kết thông thường chỉ được coi là có tính nguyên gốc nếu toàn bộ sự kết hợp đó có tính nguyên gốc theo quy định trên (theo Điều 70 Luật Sở hữu trí tuệ 2005).

– Thiết kế bố trí được coi là có tính mới thương mại nếu chưa được khai thác thương mại tại bất kỳ nơi nào trên thế giới trước ngày nộp đơn đăng ký.

Thiết kế bố trí không bị coi là mất tính mới thương mại nếu đơn đăng ký thiết kế bố trí được nộp trong thời hạn hai năm kể từ ngày thiết kế bố trí đó đã được người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật này hoặc người được người đó cho phép khai thác nhằm mục đích thương mại lần đầu tiên tại bất kỳ nơi nào trên thế giới.

Khai thác thiết kế bố trí nhằm mục đích thương mại là hành vi phân phối công khai nhằm mục đích thương mại đối với mạch tích hợp bán dẫn được sản xuất theo thiết kế bố trí hoặc hàng hoá chứa mạch tích hợp bán dẫn đó (theo Điều 71 Luật Sở hữu trí tuệ 2005).

3. Quyền đăng ký thiết kế bố trí của Nhà nước

– Trong trường hợp thiết kế bố trí được tạo ra trên cơ sở Nhà nước đầu tư toàn bộ kinh phí, phương tiện vật chất – kỹ thuật, quyền đăng ký thiết kế bố trí thuộc về Nhà nước. Tổ chức, cơ quan nhà nước được giao quyền chủ đầu tư có trách nhiệm đại diện Nhà nước thực hiện quyền đăng ký nói trên.

– Trong trường hợp thiết kế bố trí được tạo ra trên cơ sở Nhà nước góp vốn (kinh phí, phương tiện vật chất – kỹ thuật), một phần quyền thiết kế bố trí tương ứng với tỷ lệ góp vốn thuộc về Nhà nước. Tổ chức, cơ quan nhà nước là chủ phần vốn đầu tư của Nhà nước có trách nhiệm đại diện Nhà nước thực hiện phần quyền đăng ký nói trên.

– Trong trường hợp thiết kế bố trí được tạo ra trên cơ sở hợp tác nghiên cứu – phát triển giữa tổ chức, cơ quan nhà nước với tổ chức, cá nhân khác, nếu trong thoả thuận hợp tác nghiên cứu – phát triển không có quy định khác thì một phần quyền đăng ký thiết kế bố trí tương ứng với tỷ lệ đóng góp của tổ chức, cơ quan nhà nước trong việc hợp tác đó, thuộc về Nhà nước. Tổ chức, cơ quan nhà nước tham gia hợp tác nghiên cứu – phát triển có trách nhiệm đại diện Nhà nước thực hiện quyền đăng ký nói trên.

– Tổ chức, cơ quan nhà nước thực hiện quyền đăng ký thiết kế bố trí quy định trên đại diện nhà nước đứng tên chủ Văn bằng bảo hộ và thực hiện việc quản lý quyền sở hữu công nghiệp đối với các đối tượng đó, có quyền chuyển nhượng phần quyền thiết kế bố trí của Nhà nước cho tổ chức, cá nhân khác với điều kiện tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng phần quyền đăng ký phải trả cho Nhà nước một khoản tiền hoặc các điều kiện thương mại hợp lý khác so với tiềm năng thương mại của thiết kế bố trí đó (theo Điều 9 Nghị định 103/2006/NĐ-CP).

4. Quyền của tác giả thiết kế bố trí

Theo các khoản 2, 3 Điều 122, Điều 135 Luật Sở hữu trí tuệ 2005Điều 18 Nghị định 103/2006/NĐ-CP, tác giả thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn có các quyền sau:

4.1. Quyền nhân thân của tác giả được bảo hộ vô thời hạn

– Được ghi tên là tác giả trong Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn;

– Được nêu tên là tác giả trong các tài liệu công bố, giới thiệu về thiết kế bố trí.

4.2. Quyền nhận thù lao của tác giả

– Chủ sở hữu thiết kế bố trí có nghĩa vụ trả thù lao cho tác giả theo quy định, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.

– Mức thù lao tối thiểu mà chủ sở hữu phải trả cho tác giả:

+ 10% số tiền làm lợi mà chủ sở hữu thu được do sử dụng thiết kế bố trí;

+ 15% tổng số tiền mà chủ sở hữu nhận được trong mỗi lần nhận tiền thanh toán do chuyển giao quyền sử dụng thiết kế bố trí.

– Trong trường hợp thiết kế bố trí được nhiều tác giả tạo ra, mức thù lao trên là mức dành cho tất cả các đồng tác giả; các đồng tác giả tự thoả thuận việc phân chia số tiền thù lao do chủ sở hữu chi trả.

– Nghĩa vụ trả thù lao cho tác giả thiết kế bố trí tồn tại trong suốt thời hạn bảo hộ của thiết kế bố trí.

Lưu ý:

– Nếu giữa chủ sở hữu và tác giả không có thoả thuận khác, việc thanh toán tiền thù lao phải được thực hiện không muộn hơn ba mươi ngày, kể từ ngày chủ sở hữu nhận được tiền thanh toán do chuyển giao quyền sử dụng hoặc kể từ ngày chủ sở hữu thu được lợi sau mỗi đợt sử dụng thiết kế bố trí; nếu thiết kế bố trí được sử dụng liên tục thì mỗi đợt thanh toán không được quá sáu tháng, kể từ ngày kết thúc đợt thanh toán trước.

– Người nộp đơn có thể yêu cầu bảo mật thông tin nộp theo đơn đăng ký thiết kế bố trí theo quy định sau:

+ Mức độ giữ bí mật tối đa được phép:

Đối với thiết kế bố trí chưa khai thác thương mại: 50% bề mặt mỗi lớp;

Đối với thiết kế bố trí đã khai thác thương mại: 2 lớp trong mỗi nhóm 5 lớp tính từ trên xuống.

+ Để được bảo mật thông tin, người nộp đơn phải có yêu cầu bảo mật thông tin làm theo hướng dẫn của Cục Sở hữu trí tuệ và phải chỉ dẫn về tài liệu, vật liệu chứa thông tin bí mật.

+ Tài liệu chứa thông tin mật phải được tách riêng thành gói tài liệu mật và có thể được nộp dưới các dạng tài liệu sau đây:

Microfilm hoặc dạng tương tự đối với tài liệu thể hiện kích thước của thiết kế trên bản vẽ bằng máy tính;

Dữ liệu điện tử;

Bản vẽ hoặc ảnh chụp có phần không nhìn thấy được, với điều kiện các đặc tính của thiết kế bố trí về cơ bản phải nhìn thấy được.

+ Cục Sở hữu trí tuệ có nghĩa vụ bảo mật đối với thông tin theo yêu cầu của người nộp đơn phù hợp với quy định trên (Điều 29 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN).

Kết luậnĐể tiến hành thủ tục đăng ký bảo hộ thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, cá nhân, tổ chức cần tuân thủ theo các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019), Nghị định 103/2006/NĐ-CP, Thông tư 01/2007/TT-BKHCN.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, biểu mẫu thực hiện xem tại đây:

Đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn

Liên quan