ĐƯỢC GIA HẠN NHẬN GIẤY KẾT HÔN DO COVID-19

COVID-19 là sự kiện khách quan, không thể lường trước được nên cần vận dụng quy định không tính vào thời gian gia hạn nhận giấy chứng nhận kết hôn.

Ngày 30-9, Sở Tư pháp TP.HCM tổ chức hội nghị giao ban tư pháp quý III-2020 với 24 phòng tư pháp quận, huyện trên địa bàn TP.HCM.

Tại buổi này, các phòng ban của Sở Tư pháp đã gỡ vướng cho các phòng tư pháp quận, huyện liên quan đến nội dung về hộ tịch như khai sinh, khai tử, đăng ký kết hôn (ĐKKH), chứng thực bản sao, thẩm quyền…

Hoãn nhận giấy chứng nhận kết hôn do COVID-19

Phòng Tư pháp quận 7 xin ý kiến trường hợp người dân làm đơn xin hoãn lấy giấy chứng nhận kết hôn (GCNKH) có yếu tố nước ngoài với lý do “dịch bệnh vợ/chồng chưa về được, phải chờ chính phủ cho phép mở các chuyến bay thương mại quốc tế”. Hồ sơ đã giải quyết từ tháng 3-2020 và các giấy tờ của vợ/chồng sử dụng ĐKKH này đã quá thời hạn sáu tháng. Vậy đơn xin hoãn lấy GCNKH và các giấy tờ của vợ/chồng sử dụng ĐKKH đã quá thời hạn sáu tháng theo quy định pháp luật có được xem là hợp lệ không.

Đại diện Phòng hộ tịch – quốc tịch (Sở Tư pháp) giải đáp: Sở Tư pháp đã chuyển Công văn 408/HTQTCT-HT ngày 15-4-2020 của Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) về gia hạn thời hạn trao nhận GCNKH có yếu tố nước ngoài trong thời gian xảy ra dịch COVID-19. Trong đó, công văn nêu dịch bệnh COVID-19 là sự kiện khách quan, không thể lường trước được, hiện vẫn đang diễn biến phức tạp và chưa chấm dứt, nhiều vùng, nhiều nơi vẫn còn thực hiện cách ly và các biện pháp y tế nghiêm ngặt khác. Từ đó, cục đề nghị Sở Tư pháp chỉ đạo phòng tư pháp cấp huyện vận dụng quy định nêu trên báo cáo chủ tịch UBND trong thời gian xảy ra dịch bệnh COVID-19 không tính vào thời gian gia hạn nhận GCNKH.

Ly hôn nước ngoài, ghi chú ở đâu?

Phòng Tư pháp quận Bình Thạnh thắc mắc: Trường hợp công dân Việt Nam chung sống với nhau trước năm 1987 và không ĐKKH, cùng xuất cảnh ra nước ngoài và được cơ quan có thẩm quyển nước ngoài giải quyết ly hôn. Nay người đó yêu cầu thực hiện thủ tục ghi chú ly hôn (công dân Việt Nam ly hôn ở nước ngoài, về nước thường trú).

Tuy nhiên, theo Luật Hộ tịch và Điều 38 Nghị định 123/2015 thì không xác định được cơ quan nào có thẩm quyền ghi chú ly hôn cho công dân. Bởi vì họ không ĐKKH tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hay nước ngoài và mục đích ghi chú ly hôn là để thực hiện giao dịch về nhà, đất (không phải để ĐKKH mới). Hiện nay, họ có hộ khẩu thường trú tại quận Bình Thạnh (không thuộc trường hợp công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài). Phòng Tư pháp quận Bình Thạnh đề nghị Sở Tư pháp xem xét và hướng dẫn về thẩm quyền ghi chú ly hôn trường hợp trên.

Đại diện Phòng hộ tịch – quốc tịch nêu: Căn cứ vào khoản 2 Điều 38 Nghị định 123/2015 quy định công dân Việt Nam từ nước ngoài về thường trú tại Việt Nam có yêu cầu ghi chú ly hôn mà việc kết hôn trước đây được đăng ký tại cơ quan đại diện hoặc tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thì việc ghi chú ly hôn do UBND cấp huyện nơi công dân Việt Nam thường trú thực hiện. Như vậy, căn cứ quy định này, Phòng Tư pháp quận Bình Thạnh xem xét, giải quyết yêu cầu của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi về nước cư trú.

Tại buổi giao ban, Sở Tư pháp TP.HCM cũng ghi nhận các nội dung kiến nghị của Phòng Tư pháp quận 2, quận Bình Thạnh… liên quan đến việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực hộ tịch trên cổng dịch vụ công TP. Đó là không có ngôn ngữ tiếng nước ngoài, định dạng file đính kèm, người dân nộp hồ sơ trực tuyến không nhận được tin nhắn thông báo, tốc độ mạng chậm, không xem được file đính kèm…

Văn phòng Sở Tư pháp cho biết sẽ phối hợp với Phòng hộ tịch – quốc tịch tổng hợp các khó khăn, vướng mắc và có kiến nghị với UBND TP.HCM giải quyết.

Theo plo.vn

Liên quan