GIẢI QUYẾT HỖ TRỢ HỌC NGHỀ

Giải quyết hỗ trợ học nghề là những quy định nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động khi tham gia bảo hiểm bảo hiểm thất nghiệp. Việc giải quyết hưởng chế độ này được thể hiện theo Luật việc làm, Nghị định 28/2015/NĐ-CP và Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể những nội dung như sau:

1. Khái niệm và điều kiện hỗ trợ học nghề:

a) Khái niệm hỗ trợ học nghề:

Căn cứ khoản 3 Điều 42 Luật việc làm, hỗ trợ học nghề là một trong 4 chế độ của bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện để hỗ trợ người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

b) Điều kiện để được hỗ trợ học nghề:

Căn cứ Điều 55 Luật việc làm, điều kiện được hỗ trợ học nghề được quy định như sau:

Là người lao động quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hỗ trợ học nghề khi có đủ các điều kiện sau đây:

– Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:

+ Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;

+ Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;

– Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này;

– Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:

+ Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;

+ Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;

+ Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

+ Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;

+ Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;

+ Chết.

– Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 09 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật.

Lưu ý:

– Theo quy định tại Điều 16 Luật việc làm:

Người lao động ở khu vực nông thôn học nghề dưới 03 tháng hoặc học nghề trình độ sơ cấp ở cơ sở đào tạo nghề được hỗ trợ chi phí học nghề theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

– Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 25 Nghị định 28/2015/NĐ-CP, người lao động đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại Điều 55 Luật Việc làm có nhu cầu học nghề được chỉ được hỗ trợ 01 lần để học 01 nghề tại cơ sở đào tạo theo quy định của pháp luật về dạy nghề (sau đây được viết tắt là cơ sở dạy nghề).

2. Thời gian và mức hỗ trợ học nghề:

a) Thời gian hỗ trợ học nghề:

Căn cứ khoản 1 Điều 56 Luật việc làm quy định, thời gian hỗ trợ học nghề theo thời gian học nghề thực tế nhưng không quá 06 tháng.

Lưu ý: Theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH, thời điểm bắt đầu học nghề của người lao động sau khi ban hành quyết định về việc hỗ trợ học nghề nhưng không quá 03 tháng kể từ ngày người lao động hết thời hạn hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp của Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội.

b) Mức hỗ trợ học nghề:

Căn cứ khoản 1 Điều 3 Quyết định 77/2014/QĐ-TTg, mức hỗ trợ học nghề của người lao động được quy định như sau:

Mức hỗ trợ học nghề cho người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp tối đa 01 (một) triệu đồng/người/tháng.

Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, tùy theo từng nghề, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế theo quy định của cơ sở dạy nghề.

Trường hợp người lao động tham gia khóa học nghề có những ngày lẻ không đủ tháng theo quy định của cơ sở dạy nghề thì số ngày lẻ đó được tính tròn là 01 (một) tháng để xác định mức hỗ trợ học nghề.

Lưu ý:

– Căn cứ khoản 2 Điều 3 Quyết định 77/2014/QĐ-TTg, đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp tham gia khóa học nghề có mức chi phí học nghề cao hơn mức hỗ trợ học nghề theo quy định tại Khoản 1 Điều này thì phần vượt quá mức hỗ trợ học nghề do người lao động tự chi trả.

– Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 25 Nghị định 28/2015/NĐ-CP, phương thức hỗ trợ kinh phí học nghề được thực hiện thông qua cơ sở dạy nghề.

3. Hủy quyết định giải quyết hỗ trợ học nghề:

Căn cứ khoản 2 Điều 12 Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXHsau thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày ghi trong phiếu hẹn trả kết quả, nếu người lao động không đến nhận quyết định về việc hỗ trợ học nghề thì được coi là không có nhu cầu hỗ trợ học nghề trừ trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều này. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày người lao động không đến nhận quyết định về việc hỗ trợ học nghề theo quy định, trung tâm dịch vụ việc làm trình Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội quyết định về việc hủy quyết định hỗ trợ học nghề của người lao động.

Quyết định về việc hủy quyết định hỗ trợ học nghề được trung tâm dịch vụ việc làm gửi: 01 bản đến Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh để không thực hiện chi trả tiền hỗ trợ học nghề cho cơ sở dạy nghề; 01 bản đến cơ sở dạy nghề để không thực hiện việc dạy nghề cho người lao động; 01 bản đến người lao động.

Quyết định về việc hủy quyết định hỗ trợ học nghề thực hiện theo Mẫu số 20 ban hành kèm theo Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH.

 Lưu ý: Các trường hợp ngoại lệ

Căn cứ khoản 3 Điều 12 Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH: Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn nhận quyết định hỗ trợ học nghề, người lao động vẫn được nhận hoặc ủy quyền cho người khác nhận quyết định hỗ trợ học nghề nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

– Ốm đau, thai sản có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền;

– Bị tai nạn có xác nhận của cảnh sát giao thông hoặc cơ sở y tế có thẩm quyền;

– Bị hỏa hoạn, lũ lụt, động đất, sóng thần, địch họa, dịch bệnh có xác nhận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

Kết luận:   Giải quyết hỗ trợ học nghề  một quyền lợi của người lao động khi tham gia bảo hiểm bảo hiểm thất nghiệp khi có yêu cầuKhi thực hiện người lao động cần xem quy định tại Luật việc làm, Nghị định 28/2015/NĐ-CP và thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH.

Liên quan