GIAO QUYỀN SỞ HỮU, QUYỀN SỬ DỤNG KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VÀ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ SỬ DỤNG NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC CẤP TỈNH

Giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước cấp tỉnh là một thủ tục rất quan trọng, nhằm cho phép sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ . Việc thực hiện thủ tục này được thể hiện theo Luật Khoa học và công nghệ 2013, Thông tư 14/2014/TT-BKHCN, Nghị định 08/2014/NĐ-CP, Thông tư 15/2014/TT-BKHCN, Thông tư liên tịch 39/2014/TTLT-BKHCN-BTC.. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể những nội dung như sau:

1. Một số khái niệm cơ bản

– Nghiên cứu khoa học là hoạt động khám phá, phát hiện, tìm hiểu bản chất, quy luật của sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy; sáng tạo giải pháp nhằm ứng dụng vào thực tiễn. (khoản 4 Điều 3 Luật Khoa học và công nghệ 2013)

– Phát triển công nghệ là hoạt động sử dụng kết quả nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, thông qua việc triển khai thực nghiệm và sản xuất thử nghiệm để hoàn thiện công nghệ hiện có, tạo ra công nghệ mới. (khoản 7 Điều 3 Luật Khoa học và công nghệ 2013)

– Kết quả nghiên cứu bao gồm sáng chế, giải pháp hữu ích, bí quyết kỹ thuật, bí mật kinh doanh, sáng kiến, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, tên thương mại, giống cây trồng, chương trình máy tính, thiết kế kỹ thuật, tác phẩm khoa học và các đối tượng khác, gồm cả đối tượng được bảo hộ và không được bảo hộ theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ.

Kết quả nghiên cứu được xác định trên cơ sở hợp đồng thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ được tạo ra từ việc sử dụng nguồn kinh phí ngân sách nhà nước do cơ quan có thẩm quyền cấp dưới hình thức cấp một phần kinh phí, toàn bộ kinh phí hoặc giao quyền sử dụng phương tiện, cơ sở vật chất – kỹ thuật thuộc sở hữu nhà nước để thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ. (khoản 1 Điều 3 Thông tư 15/2014/TT-BKHCN,)

Căn cứ tại khoản 3, 4, 5, 6 Điều 3 Thông tư 15/2014/TT-BKHCN,, quy định như sau:

– Giao toàn bộ quyền sở hữu kết quả nghiên cứu là việc đại diện chủ sở hữu nhà nước giao toàn bộ quyền sở hữu của Nhà nước đối với kết quả nghiên cứu cho chủ thể khác theo quy định của pháp luật và điều kiện thỏa thuận giữa các bên.

– Giao một phần quyền sở hữu kết quả nghiên cứu là việc đại diện chủ sở hữu nhà nước giao quyền sở hữu đối với một phần kết quả nghiên cứu cho một chủ thể nhất định hoặc giao quyền đồng sở hữu kết quả nghiên cứu cho các chủ thể khác nhau theo quy định của pháp luật và điều kiện thỏa thuận giữa các bên.

– Giao toàn bộ quyền sử dụng kết quả nghiên cứu là việc đại diện chủ sở hữu nhà nước cho phép chủ thể khác sử dụng độc quyền kết quả nghiên cứu trong phạm vi, thời hạn theo quy định của pháp luật và điều kiện thỏa thuận giữa các bên.

– Giao một phần quyền sử dụng kết quả nghiên cứu là việc đại diện chủ sở hữu nhà nước cho phép chủ thể khác sử dụng một phần kết quả nghiên cứu hoặc sử dụng không độc quyền kết quả nghiên cứu trong phạm vi, thời hạn theo quy định của pháp luật và điều kiện thỏa thuận giữa các bên.

2. Đại diện chủ sở hữu kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước cấp tỉnh

– Tổ chức, cá nhân đầu tư tài chính, cơ sở vật chất – kỹ thuật cho việc thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ là chủ sở hữu kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác trong hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. (khoản 1 Điều 41 Luật khoa học và công nghệ 2013

– Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan nhà nước khác ở trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là đại diện chủ sở hữu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ, cấp tỉnh hoặc cấp cơ sở do mình phê duyệt đối với kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tạo ra bằng ngân sách nhà nước. (điểm b khoản 2 Điều 41 Luật khoa học và công nghệ 2013

Lưu ý:

– Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ là đại diện chủ sở hữu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đối với kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tạo ra bằng ngân sách nhà nước.

– Thủ trưởng cơ quan, tổ chức không thuộc các quy định trên là đại diện chủ sở hữu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ do mình quyết định phê duyệt đối với kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tạo ra bằng ngân sách nhà nước.

– Các đại diện chủ sở hữu nhà nước được quy định ở trên có quyền xét giao toàn bộ hoặc một phần quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tạo ra bằng ngân sách nhà nước theo quy định của Chính phủ cho tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

– Việc thực hiện quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tạo ra bằng ngân sách nhà nước quy định tại khoản 3 Điều 41 Luật khoa học và công nghệ 2013 được quy định như sau:

+ Trường hợp được giao toàn bộ hoặc một phần quyền sở hữu thì tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ thực hiện quyền này theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ và pháp luật về chuyển giao công nghệ;

+ Trường hợp được giao quyền sử dụng thì tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ thực hiện quyền này theo quy định của pháp luật.

– Trường hợp tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ không thể sử dụng được kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ thì đại diện chủ sở hữu nhà nước quy định tại khoản 2 Điều 41 Luật khoa học và công nghệ 2013 quyết định giao quyền sử dụng đó cho tổ chức khác có khả năng sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

3. Các trường hợp giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước

Theo Điều 39 Nghị định 08/2014/NĐ-CP, các trường hợp giao quyền sở hữu, quyền sử dụng được quy định như sau:

– Việc giao toàn bộ quyền sở hữu kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được thực hiện theo thỏa thuận giữa đại diện chủ sở hữu nhà nước và tổ chức chủ trì hoặc khi đáp ứng một trong các điều kiện sau:

+ Tổ chức chủ trì có khả năng ứng dụng hoặc thương mại hóa toàn bộ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ;

+ Tổ chức chủ trì có khả năng ứng dụng hoặc thương mại hóa một phần đối với kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ không thể phân chia thành từng phần độc lập để ứng dụng hoặc thương mại hóa.

– Việc giao một phần quyền sở hữu kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được thực hiện theo thỏa thuận giữa đại diện chủ sở hữu nhà nước và tổ chức chủ trì hoặc khi đáp ứng một trong các điều kiện sau:

+ Tổ chức chủ trì chỉ có khả năng ứng dụng hoặc thương mại hóa một phần kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có thể được phân chia thành từng phần để ứng dụng hoặc thương mại hóa;

+ Có thỏa thuận hoặc quy định của tổ chức chủ trì về việc phân chia quyền sở hữu kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ với tổ chức, cá nhân khác được đại diện chủ sở hữu nhà nước công nhận.

Lưu ý: 

– Đại diện chủ sở hữu nhà nước có thể ủy quyền cho tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ thực hiện đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với phần kết quả đã đạt được trước khi đánh giá nghiệm thu nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

– Việc giao toàn bộ hoặc một phần quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cho tổ chức chủ trì hoặc tổ chức khác mà có khả năng sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, được thực hiện theo thỏa thuận giữa đại diện chủ sở hữu nhà nước và tổ chức đó, trừ trường hợp kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có tầm quan trọng đặc biệt đối với quốc phòng, an ninh. Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận thì việc giao quyền sử dụng được thực hiện khi kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cần được ứng dụng rộng rãi để đáp ứng nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh, dinh dưỡng cho nhân dân hoặc đáp ứng các nhu cầu cấp thiết của xã hội.

– Đại diện chủ sở hữu nhà nước sau khi chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có trách nhiệm kiểm tra, giám sát và yêu cầu tổ chức được giao quyền sở hữu, quyền sử dụng báo cáo đánh giá hiệu quả việc sử dụng kết quả đó.

4. Điều kiện giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước cấp tỉnh

4.1. Thỏa thuận giao quyền (Điều 6 Thông tư 15/2014/TT-BKHCN,)

– Thỏa thuận giao quyền ký kết giữa đại diện chủ sở hữu nhà nước và tổ chức được giao quyền là văn bản kèm theo Quyết định giao quyền và được thực hiện theo mẫu quy định.

– Khi có thay đổi về nội dung Thỏa thuận giao quyền, đại diện chủ sở hữu nhà nước và tổ chức được giao quyền thực hiện ký kết văn bản thỏa thuận sửa đổi, bổ sung Thỏa thuận giao quyền.

– Thỏa thuận, văn bản thỏa thuận sửa đổi, bổ sung Thỏa thuận giao quyền (nếu có) là một phần nội dung của Quyết định giao quyền.

4.2. Thành lập Hội đồng tư vấn giao quyền (khoản 1 Điều 8 Thông tư 15/2014/TT-BKHCN,)

Đại diện chủ sở hữu nhà nước ra quyết định thành lập Hội đồng tư vấn giao quyền dựa trên đề xuất của đơn vị thụ lý hồ sơ đề nghị giao quyền trong các trường hợp sau:

– Kết quả nghiên cứu có tầm quan trọng đặc biệt đối với quốc phòng, an ninh;

– Kết quả nghiên cứu cần được ứng dụng rộng rãi để đáp ứng nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh, dinh dưỡng cho nhân dân hoặc đáp ứng các nhu cầu cấp thiết của xã hội;

– Phương án ứng dụng, thương mại hóa kết quả nghiên cứu có liên quan đến chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng độc quyền cho tổ chức, cá nhân nước ngoài hoặc các hoạt động khác có khả năng dẫn đến tình trạng lợi dụng độc quyền, hạn chế cạnh tranh hoặc khai thác không hiệu quả kết quả nghiên cứu;

– Căn cứ định giá kết quả nghiên cứu cần được làm rõ;

– Đơn vị thụ lý hồ sơ đề nghị giao quyền chính là tổ chức đề nghị giao quyền;

– Có từ hai tổ chức trở lên đề nghị giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng độc quyền kết quả nghiên cứu;

– Những vấn đề chuyên môn khác cần được làm rõ để phục vụ việc xem xét phương án giao quyền.

4.3. Định giá kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ sử dụng ngân sách nhà nước (khoản 3 Điều 7 Thông tư 15/2014/TT-BKHCN,)

– Đại diện chủ sở hữu nhà nước, tổ chức được giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu có quyền định giá kết quả nghiên cứu trong giao quyền và trong hoạt động ứng dụng, thương mại hóa kết quả nghiên cứu đó.

– Việc định giá thực hiện theo Thông tư liên tịch 39/2014/TTLT-BKHCN-BTC ngày 17 tháng 12 năm 2014 quy định việc định giá kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ sử dụng ngân sách nhà nước.

– Đại diện chủ sở hữu nhà nước, tổ chức được giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu được sử dụng kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ hoặc kinh phí hoạt động thường xuyên để trả cho chi phí thuê chuyên gia, tổ chức tư vấn, dịch vụ định giá kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định hiện hành.

Lưu ý:

– Tổ chức chủ trì, doanh nghiệp khoa học và công nghệ và tổ chức khác có nhu cầu được giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu làm hồ sơ đề nghị giao quyền nộp đại diện chủ sở hữu nhà nước thông qua đơn vị thụ lý hồ sơ đề nghị giao quyền, cụ thể: Sở Khoa học và Công nghệ là đơn vị thụ lý hồ sơ đề nghị giao quyền đối với kết quả nghiên cứu do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm đại diện chủ sở hữu nhà nước. (khoản 1 Điều 4 và khoản 2 Điều 10 Thông tư 15/2014/TT-BKHCN)

– Trường hợp đại diện chủ sở hữu nhà nước nhận được hồ sơ đề nghị giao quyền của tổ chức không phải là tổ chức chủ trì trong khi chưa xác định được nhu cầu và khả năng đáp ứng điều kiện được giao quyền của tổ chức chủ trì thì đại diện chủ sở hữu nhà nước sẽ gửi thông báo đề nghị tổ chức chủ trì có ý kiến bằng văn bản về nhu cầu, khả năng đáp ứng điều kiện được giao quyền, trường hợp có nhu cầu được giao quyền, tổ chức chủ trì phải nộp hồ sơ đề nghị giao quyền. (khoản 2 Điều 4 Thông tư 15/2014/TT-BKHCN)

5. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức được giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước

5.1. Quyền (khoản 1 Điều 41 Nghị định 08/2014/NĐ-CP)

– Thực hiện quyền sở hữu, quyền sử dụng theo đúng quy định của pháp luật chuyển giao công nghệ, pháp luật sở hữu trí tuệ, các quy định khác của pháp luật có liên quan và quyết định giao quyền từ đại diện chủ sở hữu nhà nước;

– Hưởng phần phân chia lợi nhuận tạo ra từ thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ theo quy định;

– Hưởng các ưu đãi của Nhà nước về hỗ trợ phát triển thị trường công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

Lưu ý:

Theo Điều 42 Nghị định 08/2014/NĐ-CPlợi nhuận sau thuế thu được từ việc sử dụng, chuyển giao quyền sử dụng, chuyển nhượng, góp vốn bằng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được phân chia như sau:

– Thù lao cho tác giả theo thỏa thuận giữa các bên nhưng tối thiểu là 30%;

– Phần chia cho người môi giới (nếu có) theo thỏa thuận giữa các bên nhưng không quá 10%;

– Sau khi phân chia cho tác giả và người môi giới (nếu có), phần lợi nhuận còn lại được quy định như sau: trường hợp được giao quyền sở hữu thì 50% dành cho đầu tư nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, 50% dành cho quỹ phúc lợi, khen thưởng của tổ chức; trường hợp được giao quyền sử dụng thì phải trả lại cho đại diện chủ sở hữu nhà nước theo thỏa thuận giữa các bên nhưng không quá 10%, phần còn lại được dành 50% cho đầu tư nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, 50% cho quỹ phúc lợi, khen thưởng của tổ chức.

Việc phân chia lợi nhuận thu được từ việc thương mại hóa phải được thỏa thuận bằng văn bản giữa tổ chức, cá nhân đó với chủ sở hữu hoặc đại diện chủ sở hữu nhà nước kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phù hợp với mức độ đóng góp của từng bên.

5.2. Nghĩa vụ (khoản 2 Điều 41 Nghị định 08/2014/NĐ-CP)

– Khai thác có hiệu quả quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ;

– Đăng ký bảo hộ, khai thác, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với những kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được giao quyền sở hữu; thực hiện những nghĩa vụ tài chính theo quy định;

Lưu ý: Trường hợp tổ chức, cá nhân sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để hoàn thiện, phát triển công nghệ nhằm thương mại hóa, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ thì phải được sự đồng ý của chủ sở hữu kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

– Định kỳ hằng năm hoặc đột xuất theo yêu cầu báo cáo đại diện chủ sở hữu nhà nước về hiệu quả khai thác, chuyển giao, chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ;

– Thông báo với đại diện chủ sở hữu nhà nước khi không còn khả năng khai thác quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

Kết luận: Để giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước cấp tỉnh thì tổ chức có nhu cầu nộp hồ sơ đề nghị giao quyền đối với kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương là đại diện chủ sở hữu, đồng thời đáp ứng đầy đủ điều kiện  tại Luật Khoa học và công nghệ 2013, Thông tư 14/2014/TT-BKHCN, Nghị định 08/2014/NĐ-CP, Thông tư 15/2014/TT-BKHCN. Thông tư liên tịch 39/2014/TTLT-BKHCN-BTC.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước cấp tỉnh

Liên quan