5. Đăng ký khi liên hiệp hợp tác xã chia
Trong quá trình hoạt động, liên hiệp hợp tác xã có thể bị chia dựa trên quyết định của đại hội thành viên. Việc đăng ký khi liên hiệp hợp tác xã chia được thực hiện theo Luật Hợp tác xã 2012, Nghị định 193/2013/NĐ-CP, Nghị định 50/2016/NĐ-CP, Thông tư 03/2014/TT-BKHĐT, Thông tư 07/2019/BKHĐT, Quyết định 654/QĐ-BKHĐT 2019. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ gửi đến bạn đọc một số lưu ý về vấn đề này:
1. Khái niệm cơ bản
Liên hiệp hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 04 hợp tác xã tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm đáp ứng nhu cầu chung của hợp tác xã thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý liên hiệp hợp tác xã (khoản 2 Điều 3 Luật Hợp tác xã 2012).
2. Chia hợp tác xã thành viên
Theo quy định tại Điều 52 Luật Hợp tác xã 2012 việc chia hợp tác xã được thực hiện như sau:
– Hội đồng quản trị của liên hiệp hợp tác xã dự định chia, xây dựng phương án chia trình đại hội thành viên quyết định.
– Sau khi đại hội thành viên quyết định chia, hội đồng quản trị có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho các chủ nợ, các tổ chức và cá nhân có quan hệ kinh tế với liên hiệp hợp tác xã về quyết định chia và giải quyết các vấn đề có liên quan trước khi tiến hành thủ tục thành lập liên hiệp hợp tác xã mới.
– Các liên hiệp hợp tác xã được chia thực hiện phương án chia đã được quyết định.
Lưu ý:
Theo khoản 3, 4 Điều 52 Luật Hợp tác xã 2012, các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được chia cần lưu ý những điểm sau:
– Các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được chia tiến hành thủ tục thành lập theo quy định tại Điều 23 của Luật này. Hồ sơ đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã chia phải kèm theo nghị quyết của đại hội thành viên về việc chia hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã..
– Liên hiệp hợp tác xã bị chia chấm dứt tồn tại sau khi các liên hiệp hợp tác xã mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký. Các liên hiệp hợp tác xã mới phải liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ khác của liên hiệp hợp tác xã bị chia.
– Tài sản không chia của liên hiệp hợp tác xã bị chia được chuyển thành tài sản không chia của các liên hiệp hợp tác xã sau khi chia theo phương án do đại hội thành viên quyết định.
3. Điều kiện đăng ký khi liên hiệp hợp tác xã chia
a. Ngành nghề kinh doanh
Ngành, nghề sản xuất, kinh doanh là ngành, nghề mà pháp luật không cấm; trừ trường hợp kinh doanh ngành, nghề yêu cầu phải có điều kiện.
Căn cứ tại khoản 5 Điều 1 Thông tư 07/2019/TT-BKHĐT, theo đó:
– Hợp tác xã thành viên của liên hiệp hợp tác xã lựa chọn ngành kinh tế cấp bốn trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam để ghi ngành, nghề kinh doanh trong giấy đề nghị đăng ký hợp tác xã thì nội dung cụ thể của ngành kinh tế cấp bốn thực hiện theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam.
– Đối với những ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác thì ngành, nghề kinh doanh được ghi theo ngành, nghề quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đó.
– Đối với những ngành, nghề kinh doanh không có trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam nhưng được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác thì ngành, nghề kinh doanh được ghi theo ngành, nghề quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đó.
– Đối với những ngành, nghề kinh doanh không có trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam và chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác thì cơ quan đăng ký liên hiệp hợp tác xã xem xét ghi nhận ngành, nghề kinh doanh này vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký hợp tác xã nếu không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, đồng thời thông báo cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) để bổ sung ngành, nghề kinh doanh mới.
Lưu ý:
– Trường hợp hợp tác xã có nhu cầu đăng ký ngành, nghề kinh doanh chi tiết hơn ngành kinh tế cấp bốn thì hợp tác xã lựa chọn một ngành kinh tế cấp bốn trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, sau đó ghi chi tiết ngành, nghề kinh doanh của hợp tác xã ngay dưới ngành cấp bốn nhưng phải đảm bảo ngành, nghề kinh doanh chi tiết phù hợp với ngành cấp bốn đã chọn. Trong trường hợp này, ngành, nghề kinh doanh của hợp tác xã là ngành, nghề kinh doanh chi tiết hợp tác xã đã ghi.
– Hợp tác xã được quyền kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện kể từ khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và phải bảo đảm đáp ứng các điều kiện đó trong suốt quá trình hoạt động. Việc quản lý nhà nước đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và kiểm tra việc chấp hành điều kiện kinh doanh của hợp tác xã thuộc thẩm quyền của cơ quan chuyên ngành theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
b. Tên của liên hiệp hợp tác xã
Tên của liên hiệp hợp tác xã được đặt theo quy định tại Điều 22 Luật Hợp tác xã 2012, Điều 7, 8, 9, 10 Nghị định 193/2013/NĐ-CP, khoản 14 Điều 1 Thông tư 07/2019/TT-BKHĐT như sau:
– Không trái với quy định của pháp luật;
– Được viết bằng tiếng Việt hoặc ký tự La – tinh trừ ký tự đặc biệt, có thể kèm theo chữ số, ký hiệu và được bắt đầu bằng cụm từ “hợp tác xã” hoặc “liên hiệp hợp tác xã” sau đó là tên riêng của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
– Liên hiệp hợp tác xã có thể sử dụng ngành, nghề kinh doanh hay ký hiệu phụ trợ khác để cấu thành tên liên hiệp hợp tác xã.
– Tên liên hiệp hợp tác xã phải được viết hoặc gắn tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện của liên hiệp hợp tác xã. Tên liên hiệp hợp tác xã phải được in hoặc viết trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do liên hiệp hợp tác xã phát hành.
– Cơ quan đăng ký liên hiệp hợp tác xã có quyền từ chối chấp thuận tên dự kiến đăng ký của liên hiệp hợp tác xã nếu tên đó không phù hợp với quy định tại Điều 8 Nghị định 193/2013/NĐ-CP.
Lưu ý:
– Những điều cấm trong đặt tên liên hiệp hợp tác xã (Điều 8, Nghị định 193/2013/NĐ-CP) bao gồm:
+ Đặt tên đầy đủ, tên viết tắt, tên bằng tiếng nước ngoài của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên đầy đủ hoặc tên viết tắt hoặc tên bằng tiếng nước ngoài của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã khác đã đăng ký trong phạm vi cả nước.
+ Đặt tên đầy đủ, tên viết tắt, tên bằng tiếng nước ngoài xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của tổ chức, cá nhân khác theo pháp luật về sở hữu trí tuệ.
+ Sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
+ Sử dụng tên danh nhân, từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.
– Tên trùng, tên gây nhầm lẫn (Điều 10 Nghị định 193/2013/NĐ-CP và khoản 14 Điều 1 Thông tư 07/2019/TT-BKHĐT), trong đó cần lưu ý những điểm sau:
+ Các hợp tác xã hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã được cấp trước ngày 28/05/2019 thì được tiếp tục sử dụng tên hợp tác xã đã đăng ký và không bắt buộc phải đăng ký đổi tên. Cơ quan đăng ký hợp tác xã khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã có tên trùng và tên gây nhầm lẫn tự thương lượng với nhau để đăng ký đổi tên hợp tác xã hoặc bổ sung tên địa danh để làm yếu tố phân biệt tên hợp tác xã.
+ Cơ quan đăng ký hợp tác xã có quyền chấp thuận hoặc từ chối tên dự kiến đăng ký của hợp tác xã theo quy định của pháp luật và quyết định của cơ quan đăng ký hợp tác xã là quyết định cuối cùng.
c. Trụ sở chính
Theo quy định tại Điều 26 Luật Hợp tác xã 2012, trụ sở chính của liên hiệp hợp tác xã được xác định gồm số nhà, tên đường, phố, xã, phường, thị trấn, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên lãnh thổ Việt Nam; số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có).
4. Xử phạt vi phạm hành chính
Đối với hành vi chia hợp tác xã không đúng quy định thì tổ chức sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng, buộc tổ chức lại hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (Điều 4 và Điều 49 Nghị định 50/2016/NĐ-CP).
Kết luận: Đăng ký khi liên hiệp hợp tác xã chia là một thủ tục bắt buộc nhằm duy trì hoạt động. Khi thực hiện, cần xem kỹ những quy định trong Luật Hợp tác xã 2012, Nghị định 193/2013/NĐ-CP, Nghị định 50/2016/NĐ-CP, Thông tư 03/2014/TT-BKHĐT, Thông tư 07/2019/TT-BKHĐT.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:
Đăng ký khi liên hiệp hợp tác xã chia