5. Hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ

Posted on

Khi tiến hành xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa tại chỗ thì sẽ cần phải thực hiện thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung trên theo Luật Hải quan 2014, Nghị định 08/2015/NĐ-CP Thông tư 38/2015/TT-BTC.

1. Một số khái niệm liên quan.

Căn cứ theo quy định tại Điều 4 Luật Hải quan 2014 thì:

– Hàng hóa bao gồm động sản có tên gọi và mã số theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam được xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hoặc được lưu giữ trong địa bàn hoạt động hải quan.

– Người khai hải quan bao gồm: chủ hàng hóa; chủ phương tiện vận tải; người điều khiển phương tiện vận tải; đại lý làm thủ tục hải quan, người khác được chủ hàng hóa, chủ phương tiện vận tải ủy quyền thực hiện thủ tục hải quan.

– Thủ tục hải quan là các công việc mà người khai hải quan và công chức hải quan phải thực hiện theo quy định của Luật này đối với hàng hóa, phương tiện vận tải.

2. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ.

Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 86 Thông tư 38/2015/TT-BTC thì hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ gồm:

– Sản phẩm gia công; máy móc, thiết bị thuê hoặc mượn; nguyên liệu, vật tư dư thừa; phế liệu, phế phẩm thuộc hợp đồng gia công, đáp ứng được 02 điều kiện sau:

+ Thứ nhất, phải tuân thủ quy định về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, về thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.

+ Thứ hai, phải có hợp đồng mua bán ký giữa thương nhân nước ngoài hoặc người được ủy quyền hợp pháp của thương nhân nước ngoài với thương nhân nhập khẩu.

– Hàng hóa mua bán giữa doanh nghiệp nội địa với doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp trong khu phi thuế quan;

– Hàng hóa mua bán giữa doanh nghiệp Việt Nam với tổ chức, cá nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam và được thương nhân nước ngoài chỉ định giao, nhận hàng hóa với doanh nghiệp khác tại Việt Nam.

Lưu ý: Tại Khoản 6 Điều 86 Thông tư 38/2015/TT-BTC có quy định: “Trường hợp người khai hải quan là doanh nghiệp ưu tiên và các đối tác mua bán hàng hóa với doanh nghiệp ưu tiên; doanh nghiệp tuân thủ pháp luật hải quan và đối tác mua bán hàng hóa cũng là doanh nghiệp tuân thủ pháp luật hải quan có hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ được giao nhận nhiều lần trong một thời hạn nhất định theo một hợp đồng/đơn hàng với cùng người mua hoặc người bán thì được giao nhận hàng hóa trước, khai hải quan sau. Việc khai hải quan được thực hiện trong thời hạn tối đa không quá 30 ngày kể từ ngày thực hiện việc giao nhận hàng hóa. Người khai hải quan được đăng ký tờ khai hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ tại 01 Chi cục Hải quan thuận tiện; chính sách thuế, chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thực hiện tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan. Cơ quan hải quan chỉ kiểm tra các chứng từ liên quan đến việc giao nhận hàng hóa (không kiểm tra thực tế hàng hóa). Đối với mỗi lần giao nhận, người xuất khẩu và người nhập khẩu phải có chứng từ chứng minh việc giao nhận hàng hóa (như hóa đơn thương mại hoặc hóa đơn GTGT hoặc hoá đơn bán hàng, phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ,…), chịu trách nhiệm lưu giữ tại doanh nghiệp và xuất trình khi cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra.

Kết luận: Khi thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ cần phải tuân thủ theo quy định tại Luật Hải quan 2014Thông tư 38/2015/TT-BTC.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ