5. Đăng ký khai tử
Đăng ký khai tử là một thủ tục quan trọng sau khi một người qua đời. Dựa trên những quy định của pháp luật về Bộ luật dân sự 2015; Luật hộ tịch năm 2014; Nghị định số 123/2015/NĐ-CP; Nghị định 82/2020/NĐ-CP, Thông tư 04/2020/TT-BTP. Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể vấn đề trên như sau:
1. Quyền được khai tử của cá nhân
– Ðiều 30 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định quyền được khai sinh, khai tử: “2. Cá nhân chết phải được khai tử.”
– Khoản 1 Điều 33 Luật Hộ tịch năm 2014 quy định như sau:
“1. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có người chết thì vợ, chồng hoặc con, cha, mẹ hoặc người thân thích khác của người chết có trách nhiệm đi đăng ký khai tử; trường hợp người chết không có người thân thích thì đại diện của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm đi khai tử.”
2. Xác định nội dung đăng ký khai tử:
– Theo Khoản 2 Điều 4 Nghị định 123/2015/NĐ-CP thì khi đăng ký khai tử theo quy định của Luật Hộ tịch, nội dung khai tử phải bao gồm các thông tin: Họ, chữ đệm, tên, năm sinh của người chết; số định danh cá nhân của người chết, nếu có; nơi chết; nguyên nhân chết; giờ, ngày, tháng, năm chết theo Dương lịch; quốc tịch nếu người chết là người nước ngoài.
Nội dung đăng ký khai tử được xác định theo Giấy báo tử hoặc giấy tờ thay Giấy báo tử do cơ quan có thẩm quyền sau đây cấp:
+ Đối với người chết tại cơ sở y tế thì Thủ trưởng cơ sở y tế cấp Giấy báo tử;
+ Đối với người chết do thi hành án tử hình thì Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình cấp giấy xác nhận việc thi hành án tử hình thay Giấy báo tử;
+ Đối với người bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì Bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án thay Giấy báo tử;
+ Đối với người chết trên phương tiện giao thông, chết do tai nạn, bị giết, chết đột ngột hoặc chết có nghi vấn thì văn bản xác nhận của cơ quan công an hoặc kết quả giám định của Cơ quan giám định pháp y thay Giấy báo tử;
+ Đối với người chết không thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó chết có trách nhiệm cấp Giấy báo tử.
Lưu ý:
– Đăng kí khai tử cho trẻ chết sơ sinh: Theo Khoản 3 điều 30 Bộ luật dân sự 2015: Trẻ em sinh ra sống được từ 24 giờ trở lên rồi mới chết cũng phải đăng ký khai sinh và đăng ký khai tử, nếu sinh ra mà sống dưới hai mươi bốn giờ thì không phải đăng ký khai sinh và khai tử, trừ trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ có yêu cầu.
– Đối với cá nhân chết có yếu tố nước ngoài thì cơ quan thực hiện là Uỷ ban nhân dân cấp Huyện, trừ trường hợp ở khu vực biện giới thì thực hiện theo Khoản 1 Điều 20 Nghị định 123/2015/NĐ-CP.
Vui lòng xem chi tiết: Đăng ký khai tử có yếu tố nước ngoài
3. Cách ghi Trích lục khai tử, Sổ đăng ký khai tử
– Theo Điều 34 Thông tư 04/2020/TT-BTP:
1. Mục “Đã chết vào lúc” được ghi theo Giấy báo tử hoặc giấy tờ thay Giấy báo tử quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP, trong đó ghi rõ giờ, phút, ngày, tháng, năm chết bằng số và bằng chữ; trường hợp không rõ giờ, phút thì để trống.
2. Mục “Nơi chết” ghi rõ tên cơ sở y tế và địa danh hành chính nơi có trụ sở cơ sở y tế trong trường hợp chết tại cơ sở y tế.
Trường hợp chết trên phương tiện giao thông, chết do tai nạn, chết tại trại giam, trại tạm giam, nơi thi hành án tử hình, tại trụ sở cơ quan, tổ chức hoặc không xác định được nơi chết thì ghi địa danh hành chính đủ 3 cấp (xã, huyện, tỉnh) nơi người đó chết hoặc nơi phát hiện thi thể người chết.
3. Mục “Nguyên nhân chết” trong Sổ đăng ký khai tử được ghi theo Giấy báo tử hoặc giấy tờ thay Giấy báo tử quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP; trường hợp không có giấy tờ này hoặc chưa xác định được thì để trống.
4. Phần ghi về Giấy báo tử hoặc giấy tờ thay Giấy báo tử phải ghi rõ tên giấy tờ; số, ngày, tháng, năm cấp; cơ quan, tổ chức cấp. Trường hợp Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền đăng ký khai tử đồng thời có trách nhiệm cấp Giấy báo tử thì không thực hiện cấp Giấy báo tử; mục Giấy báo tử trong Trích lục khai tử và Sổ đăng ký khai tử để trống.
4. Đăng ký khai tử quá hạn
Theo Điều 41 Nghị định 82/2020/NĐ-CP, hành vi đăng ký khai tử quá hạn sẽ không bị xử phạt hành chính.
Trong khi đó, theo điểm b, khoản 3 Điều 41 của Nghị định 82/2020/NĐ-CP hành vi cố tình không đăng ký khai tử cho người mất nhằm mục đích trục lợi thì có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng – 20 triệu đồng và bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp.
Ngoài ra, các hành vi vi phạm khác về đăng ký khai tử chịu mức phạt tương ứng như sau:
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp để làm thủ tục đăng ký khai tử.
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Làm chứng sai sự thật cho người khác để đăng ký khai tử;
b) Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để được đăng ký khai tử.
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Làm thủ tục đăng ký khai tử cho người đang sống;
b) Không làm thủ tục đăng ký khai tử cho người đã chết để trục lợi;
c) Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật khi làm thủ tục đăng ký khai tử để trục lợi.
4. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu tang vật là giấy tờ, văn bản bị tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy tờ, văn bản đã cấp do có hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2, các điểm a và c khoản 3 Điều này; giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các điểm b và c khoản 3 Điều này.
Kết luận: Khai tử là một thủ tục rất quan trọng và cần thiết, giúp nhà nước thực hiện tốt cơ chế quản lý, lưu trữ của mình. Vì vậy, khi thực hiện thủ tục này cần phải dựa trên những quy định của pháp luật về Bộ luật dân sự 2015; Luật hộ tịch năm 2014; Nghị định số 123/2015/NĐ-CP; Nghị định 82/2020/NĐ-CP, Thông tư 04/2020/TT-BTP.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây: