4. Tạm ngừng hoạt động của hợp tác xã, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã
Trong quá trình hoạt động, hợp tác xã và các đơn vị phụ thuộc của hợp tác xã có thể phát sinh một số vấn đề dẫn đến việc tạm ngừng hoạt động của hợp tác xã, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung đó theo Luật Hợp tác xã 2012, Nghị định 122/2021/NĐ-CP, Thông tư 03/2014/TT-BKHĐT, Quyết định 654/QĐ-BKHĐT 2019 như sau:
1. Một số khái niệm cơ bản
Hợp tác xã, văn phòng đại diện, chi nhánh, địa điểm kinh doanh được pháp luật quy định như sau:
– Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 07 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã (khoản 1 Điều 3 Luật Hợp tác xã 2012).
– Chi nhánh, văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của pháp nhân, không phải là pháp nhân (khoản 1 Điều 84 Bộ Luật Dân sự 2015).
– Hợp tác xã được lập chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh ở trong nước và nước ngoài (khoản 1 Điều 27 Luật Hợp tác xã 2012).
– Văn phòng đại diện có nhiệm vụ đại diện theo ủy quyền nhằm phục vụ cho hoạt động của hợp tác xã (khoản 2 Điều 27 Luật Hợp tác xã 2012).
– Chi nhánh là đơn vị trực thuộc của hợp tác xã có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng, nhiệm vụ của hợp tác xã. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải phù hợp với ngành, nghề kinh doanh của hợp tác xã (khoản 3 Điều 27 Luật Hợp tác xã 2012).
– Địa điểm kinh doanh là nơi tiến hành các hoạt động kinh doanh của hợp tác xã. Địa điểm kinh doanh của hợp tác xã có thể ở ngoài địa chỉ đăng ký trụ sở chính (khoản 1 Điều 1 Thông tư 07/2019/TT-BKHĐT).
2. Thông báo tạm ngừng hoạt động hợp tác xã, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã
Theo Điều 15 Thông tư 03/2014/TT-BKHĐT, theo đó:
– Khi tạm ngừng hoạt động hợp tác xã, tạm ngừng hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã, hợp tác xã gửi thông báo đến cơ quan đăng ký hợp tác xã nơi đã cấp giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy chứng nhận đăng ký chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh cho hợp tác xã ít nhất 15 (mười lăm) ngày trước khi tạm ngừng hoạt động.
Kèm theo thông báo là nghị quyết của đại hội thành viên hoặc quyết định bằng văn bản của hội đồng quản trị về việc tạm ngừng hoạt động hợp tác xã, tạm ngừng hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã.
– Khi nhận thông báo, cơ quan đăng ký hợp tác xã trao giấy biên nhận và lưu vào hồ sơ đăng ký của hợp tác xã để theo dõi.
– Sau khi hết thời hạn đã thông báo, nếu vẫn tiếp tục tạm ngừng hoạt động thì hợp tác xã phải thông báo tiếp cho cơ quan đăng ký hợp tác xã. Tổng thời gian tạm ngừng hoạt động liên tiếp không được quá một năm.
Lưu ý:
Khi thông báo tạm ngừng hoạt động của hợp tác xã, chi nhánh, vă phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã thì phải có lý do tạm ngừng.
Luật hợp tác xã 2012 và các văn bản liên quan chưa có quy định rõ về việc tạm ngừng hoạt động của hợp tác xã, chi nhánh, văn phòng đại diện của hợp tác xã. Có thể kể đến một số lý do tạm ngừng hoạt động sau đây:
– Do hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, hiêu quả thấp nên thông báo với cơ quan thuế tạm ngừng hoạt động (để không phải thực hiện các thủ tục hành chính thuế), nhằm tìm kiếm cơ hội mới, đầu tư vào ngành nghề kinh doanh khác, lĩnh vực khác và quay trở lại hoạt động.
– Lý do về cơ cấu hợp tác xã, bộ phận hợp xã có sự thay đổi, phải chuyển địa điểm hợp tác xã.
Ngoài ra, việc tạm ngừng hoạt động giúp hợp tác xã không bị đưa ra bất kỳ chế tài nào trong hợp tác xã: Nghĩa là cơ quan nhà nước sẽ không đưa ra bất cứ yêu cầu để hợp tác xã thực hiện. Tuy nhiên hợp tác xã vẫn phải thanh toán nghĩa vụ tài chính với cơ quan nhà nước, các khoản nợ và hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng với khách hàng và người lao động.
3. Xử phạt vi phạm hành chính
Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 65 Nghị định 122/2021/NĐ-CP thì mức phạt đối với hành vi riếp tục hoạt động trong thời gian hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đã thông báo tạm ngừng hoạt động là từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Kết luận: Thủ tục tạm ngừng hoạt động của hợp tác xã, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã là một thủ tục quan trọng để thông báo việc chấm dứt hoạt động.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây: