5. Chấm dứt hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã
Thủ tục chấm dứt hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã được thực hiện theo Luật Hợp tác xã 2012, Nghị định 122/2021/NĐ-CP, Nghị định 193/2013/NĐ-CP, Thông tư 03/2014/TT-BKHĐT (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 07/2019/TT-BKHĐT), Quyết định 654/QĐ-BKHĐT 2019. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ gửi đến bạn đọc một số lưu ý về vấn đề này:
1. Trường hợp chấm dứt hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã
Hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã chấm dứt hoạt động trong hai trường hợp đó là giải thể hoặc phá sản.
a. Hợp tác xã giải thể;
Theo quy định tại Điều 54 Luật hợp tác xã 2012 thì hợp tác xã giải thể dưới 2 hình thức:
– Giải thể tự nguyện: Đại hội thành viên, hợp tác xã thành viên quyết định việc giải thể tự nguyện và thành lập hội đồng giải thể tự nguyện.
– Giải thể bắt buộc: Ủy ban nhân dân cùng cấp với cơ quan nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã quyết định giải thể bắt buộc đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Hợp tác xã không hoạt động trong 12 tháng liên tục;
+ Hợp tác xã không bảo đảm đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật này trong 12 tháng liên tục;
+ Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không tổ chức được đại hội thành viên thường niên trong 18 tháng liên tục mà không có lý do;
+ Bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký;
+ Theo quyết định của Tòa án.
Thủ tục giải thể bắt buộc đối với hợp tác xã được quy định tại khoản 3 Điều 54 Luật hợp tác xã 2012.
b. Hợp tác xã tuyên bố phá sản
Việc giải quyết phá sản đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản. Ngoài ra, việc giải quyết tài sản không chia được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 48 Luật Hợp tác xã 2012 và Điều 21 Nghị định 193/2013/NĐ-CP.
2. Thông báo chấm dứt hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã
Theo khoản 1 Điều 16 Thông tư 03/2014/TT-BKHĐT, khi chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, hợp tác xã gửi thông báo đến cơ quan đăng ký hợp tác xã nơi đã cấp giấy chứng nhận đăng ký chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh cho hợp tác xã.
Trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo, cơ quan đăng ký hợp tác xã ra xác nhận về việc chấm dứt hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã. Khi nhận giấy xác nhận về việc chấm dứt hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, hợp tác xã phải nộp lại bản gốc giấy chứng nhận đăng ký chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh.
Nếu không thực hiện xác nhận về việc chấm dứt hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã thì cơ quan đăng ký hợp tác xã thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho hợp tác xã biết.
Lưu ý:
– Trường hợp chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đặt tại huyện hoặc tỉnh, thành phố khác với nơi hợp tác xã đặt trụ sở chính thì trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được giấy xác nhận về việc chấm dứt hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, hợp tác xã phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan đã cấp giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã nơi hợp tác xã đặt trụ sở chính để bổ sung vào hồ sơ đăng ký hợp tác xã. Kèm theo thông báo là bản sao giấy xác nhận về việc chấm dứt hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã (khoản 2 Điều 16 Thông tư 03/2014/TT-BKHĐT).
– Trường hợp chấm dứt hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh ở nước ngoài thì hợp tác xã phải thực hiện theo quy định pháp luật của nước đó.
Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài xác nhận việc chấm dứt hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, hợp tác xã phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan đã cấp giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã nơi hợp tác xã đặt trụ sở chính để bổ sung vào hồ sơ đăng ký hợp tác xã. Kèm theo thông báo là bản sao xác nhận về việc chấm dứt hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp (khoản 3 Điều 16 Thông tư 03/2014/TT-BKHĐT).
3. Xử phạt vi phạm hành chính
Đối với hành vi hủy mẫu con dấu của chi nhánh, văn phòng đại diện mà không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải trên Cổng thông tin quốc gia thì tổ chức sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng, buộc thông báo đến cơ quan đăng ký kinh doanh (điểm b khoản 2, điểm b khoản 3 Điều 32 Nghị định 50/2016/NĐ-CP).
Kết luận: Chấm dứt hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã là một thủ tục quan trọng trước khi giải thế, phá sản hợp tác xã.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:
Chấm dứt hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã