17. Cấp/Cấp lại/cấp sửa đổi bổ sung giấy phép bưu chính

Posted on

Trong thời kì công nghệ 4.0 nổi trội với nhiều tiện ích thì các ngành dịch vụ bưu chính vẫn đang hết sức phát triển. Để hoạt động có hiệu quả trong lĩnh vực này thì cần phải được cấp Giấy phép bưu chính, và trong vài trường hợp thì cần cấp lại, cấp sửa đổi bổ sung giấy phép bưu chính. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung này theo Luật Bưu chính 2010, Nghị định 47/2011/NĐ-CP, Nghị định 15/2020/NĐ-CP, Thông tư 291/2016/TT-BTC như sau:

1. Một số khái niệm cơ bản

Hoạt động bưu chính gồm các hoạt động đầu tư, kinh doanh, cung ứng, sử dụng dịch vụ bưu chính, dịch vụ bưu chính công ích, tem bưu chính (Khoản 1 Điều 3 Luật Bưu chính 2010).

Giấy phép bưu chính là giấy phép do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bưu chính cấp cho doanh nghiệp cung ứng dịch vụ thư có địa chỉ nhận có khối lượng đơn chiếc đến 02 kilôgam (kg) khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về bưu chính (Khoản 1 Điều 21 Luật Bưu chính 2010).

2. Điều kiện cấp giấy phép bưu chính

Doanh nghiệp được cấp giấy phép bưu chính khi có đủ các điều kiện sau đây (khoản 2 Điều 21 Luật Bưu chính 2010): 

– Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoạt động bưu chính hoặc giấy chứng nhận đầu tư trong lĩnh vực bưu chính;

– Có khả năng tài chính, nhân sự phù hợp với phương án kinh doanh theo nội dung đề nghị được cấp giấy phép (Điều 5 Nghị định 47/2011/NĐ-CP):

– Đối với trường hợp cung ứng dịch vụ bưu chính trong phạm vi nội tỉnh, liên tỉnh, doanh nghiệp phải có mức vốn tối thiểu là 02 tỷ đồng Việt Nam;

– Đối với trường hợp cung ứng dịch vụ bưu chính quốc tế, doanh nghiệp phải có mức vốn tối thiểu là 05 tỷ đồng Việt Nam.

– Có phương án kinh doanh khả thi phù hợp với quy định về giá cước, chất lượng dịch vụ bưu chính;

– Có biện pháp đảm bảo an ninh thông tin và an toàn đối với con người, bưu gửi, mạng bưu chính.

Lưu ý:

Các trường hợp không cần giấy phép bưu chính, không cần thông báo hoạt động (Điều 26 Luật bưu chính 2010):

– Cá nhân nhận, vận chuyển và phát thư, gói, kiện hàng hoá trên cơ sở tự thoả thuận với người gửi mà không lấy tiền công với số lượng bưu gửi tối đa theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bưu chính.

– Tổ chức nhận, vận chuyển và phát thư, gói, kiện hàng hoá trong nội bộ hoặc cho khách hàng của mình mà không lấy tiền công.

– Hoạt động cung cấp dịch vụ bưu chính quy định tại khoản 1 Điều 19 của Luật này.

3. Nội dung và thời hạn của giấy phép bưu chính

Giấy phép bưu chính có những nội dung chính sau đây (khoản 1 Điều 22 Luật bưu chính 2010):

– Tên, địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp được cấp giấy phép bưu chính;

– Loại hình dịch vụ bưu chính cung ứng;

– Phạm vi cung ứng dịch vụ bưu chính;

– Tiêu chuẩn, chất lượng dịch vụ bưu chính cung ứng;

– Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp được cấp giấy phép bưu chính;

– Thời hạn của giấy phép bưu chính.

Giấy phép bưu chính được cấp với thời hạn không quá 10 năm (khoản 2 Điều 22 Luật bưu chính 2010).

4. Cấp lại giấy phép bưu chính

Cấp lại Giấy phép bưu chính khi hết hạn được quy định tại Điều 12 Nghị định 47/2011/NĐ-CP như sau:

– Trước khi giấy phép bưu chính hết hạn tối thiểu 30 ngày, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính có nhu cầu tiếp tục kinh doanh thì phải nộp hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép.

– Trường hợp doanh nghiệp có giấy phép bưu chính hết hạn hoặc không làm thủ tục cấp lại giấy phép bưu chính theo đúng thời hạn quy định thì doanh nghiệp có nhu cầu được cấp lại giấy phép bưu chính phải nộp hồ sơ và thực hiện các thủ tục như cấp giấy phép mới.

Cấp lại giấy phép bưu chính, văn bản xác nhận thông báo bị mất hoặc hư hỏng không sử dụng được, được quy định tại Điều 13 Nghị định 47/2011/NĐ-CP:

– Trường hợp giấy phép bưu chính, văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính bị mất hoặc hư hỏng không sử dụng được và doanh nghiệp, tổ chức muốn được cấp lại thì doanh nghiệp, tổ chức phải lập 01 bộ hồ sơ là bản gốc và nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu chính đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp giấy phép bưu chính, văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính.

– Giấy phép bưu chính, văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính được cấp lại là bản sao từ bản gốc được quản lý tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp giấy phép bưu chính, văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính.

5. Cấp sửa đổi bổ sung giấy phép bưu chính

Theo quy định tại Khoản 1, Khoản 5 Điều 11 Nghị định 47/2011/NĐ-CP thì việc sửa đổi, bổ sung giấy phép được quy định:

– Trường hợp cần thay đổi nội dung ghi trong giấy phép bưu chính đã được cấp, doanh nghiệp phải làm thủ tục sửa đổi, bổ sung giấy phép bưu chính. Cơ quan cấp giấy phép bưu chính là cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung giấy phép bưu chính.

– Trường hợp không chấp thuận sửa đổi, bổ sung, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp giấy phép bưu chính phải có thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp và nêu rõ lý do trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ sửa đổi, bổ sung.

– Trường hợp sửa đổi, bổ sung phạm vi cung ứng dịch vụ bưu chính dẫn đến thay đổi thẩm quyền cấp giấy phép bưu chính thì doanh nghiệp nộp hồ sơ và thực hiện các thủ tục như cấp giấy phép mới

6. Xử phạt hành chính

Theo quy định tại Điều 5 Nghị định 15/2020/NĐ-CP thì phạt về Giấy phép bưu chính được quy định như sau:

– Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi thông báo không đúng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bưu chính khi có thay đổi liên quan đến Giấy phép bưu chính theo quy định của pháp luật.

– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi không thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bưu chính khi có thay đổi liên quan đến Giấy phép bưu chính theo quy định của pháp luật.

– Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

+ Cung ứng dịch vụ bưu chính không đúng với nội dung ghi trong giấy phép;

+ Tẩy xóa, sửa chữa nội dung trong Giấy phép bưu chính;

+Không bảo đảm mức vốn tối thiểu theo quy định của pháp luật.

– Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

+ Cung ứng dịch vụ bưu chính nhưng không có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bưu chính;

+ Mua bán, cầm cố Giấy phép bưu chính;

+ Cho thuê, cho mượn Giấy phép bưu chính; chuyển nhượng Giấy phép bưu chính trái pháp luật.

Hình thức xử phạt bổ sung:

+ Tước quyền sử dụng Giấy phép bưu chính từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi mua bán, cầm cố Giấy phép bưu chính.

+ Đình chỉ hoạt động từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi không bảo đảm mức vốn tối thiểu theo quy định của pháp luật.

Biện pháp khắc phục hậu quả:

+ Kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép bưu chính thu hồi Giấy phép bưu chính đối với hành vi Cho thuê, cho mượn Giấy phép bưu chính; chuyển nhượng Giấy phép bưu chính trái pháp luật.

+ Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi Cung ứng dịch vụ bưu chính không đúng với nội dung ghi trong giấy phép, Cung ứng dịch vụ bưu chính nhưng không có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bưu chính, Cho thuê, cho mượn Giấy phép bưu chính; chuyển nhượng Giấy phép bưu chính trái pháp luật.

+ Buộc phải đảm bảo mức vốn tối thiểu đối với hành vi  Không bảo đảm mức vốn tối thiểu theo quy định của pháp luật.

Kết luận: Khi tiến hành thủ tục Cấp/Cấp lại/cấp sửa đổi bổ sung giấy phép bưu chính thì cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện được quy định tại Luật Bưu chính 2010, Nghị định 47/2011/NĐ-CP, Nghị định 15/2020/NĐ-CP, Thông tư 291/2016/TT-BTC.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, biểu mẫu, thực hiện tại đây

Cấp giấy phép bưu chính

Cấp lại giấy phép bưu chính

Cấp sửa đổi bổ sung giấy phép bưu chính